Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 12 April 2013

Được hỗ trợ lúa, ngô giống, được cấp tiền làm nhà, nhưng bà con dân tộc Mảng (Nậm Nhùn, Lai Châu) đều đem đi đổi rượu. Họ uống rượu ngày này qua ngày khác, đàn ông, đàn bà đều say sưa.

< Túp lều của cặp vợ chồng nghiện rượu Sìn A Cớm và Lò Me Đao.

Xã Trung Chải mới được tách ra từ xã Nậm Ban chừng một tháng nay. Người ta ví von rằng, nếu Lai Châu là tỉnh nghèo nhất nước, Sìn Hồ là huyện nghèo nhất tỉnh thì chẳng có nơi nào nghèo khổ hơn Trung Chải. Từ ngày 1/4, Trung Chải thuộc huyện mới Nậm Nhùn. Chính quyền các cấp hy vọng, với chính sách đầu tư mới, Trung Chải sẽ bớt đi đói nghèo.

Trung Chải có 345 hộ, trong đó có 127 hộ người Mảng, 112 hộ người Mông. Mùa giáp hạt mỗi năm người dân đói 3-5 tháng. Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, bà Lý Thị Chướng, là người Mảng thành đạt nhất trong cộng đồng dân tộc mình dù như tự thừa nhận "chẳng học hành gì". Bà thật thà: “Gạo, tiền, tấm lợp, con giống, vật nuôi đều được hỗ trợ, nhưng dân cứ đói nghèo vì rượu chè, vì lười lao động”.

Trung Chải là xã cực kỳ khó khăn, thuộc huyện mới Nậm Nhùn, chưa có trụ sở làm việc, chưa có trạm y tế, đất sản xuất, nước sinh hoạt hiếm hoi. Với dân tộc Mảng, họ từng đứng bên bờ vực tuyệt chủng vì sinh ít hơn tử. Bây giờ, dù đã cố gắng rất nhiều, được sự hỗ trợ rất nhiều, nhưng cũng chỉ kéo được tỷ lệ sinh tử ngang bằng, không phát triển. Hôn nhân cận huyết, rượu chè, bệnh tật vẫn bủa vây họ trong vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu.

Đại úy Trần Giang Nam, Bộ đội biên phòng đồn Pa Tần được tăng cường về làm Phó bí thư Đảng ủy xã Trung Chải, dẫn khách vào bản Nậm Nó. Bản có 31 hộ người Mảng, đa số đói nghèo, nhưng nếu nói về uống rượu, thật khó để tìm được vùng đất uống nhiều, uống lâu như Nậm Nó.

Tại nhà bà Lý Thị Bình, hai người đàn bà, bốn người đàn ông đang uống rượu. Bắt đầu từ tầm trưa, đến tận chiều tối cuộc rượu vẫn còn rất rôm rả. Trên bàn có ba quả trứng gà, một đĩa muối trắng. Người Mảng uống rượu không tốn mồi, không cần lý do, cứ có rượu là rủ nhau uống. Ví như cuộc rượu ở nhà bà Bình, mỗi thành viên trong mâm đều có hoàn cảnh đau lòng, vậy nhưng họ vẫn uống, vẫn cười đùa.

Bà Bình thì chồng đi tù, nhà còn ba mẹ con, mỗi năm thiếu ăn từ lúc thu hoạch được vài ngày cho đến lúc nhận được
gạo cứu đói. Hoàn cảnh người em trai bà, Lý A Vinh, thì còn thê thảm hơn. Vợ và ba đứa con lần lượt chết vì bệnh tật, không nhà cửa, không ruộng nương, thân làm người đàn ông sức dài vai rộng, vậy mà Vinh phải tá túc ở nhà chị gái. Chẳng thấy cùng cực, Lý A Vinh vẫn uống rượu, kể về gia cảnh rất vui vẻ.

< Người dân uống rượu cả ngày.

Bà Tạo Me Ván, chồng chết sớm, hai con trai, một đứa thì bị nước lũ cuốn trôi, một đứa bị sập hầm chết trong lúc làm vàng ở ngoài sông Nậm Na. Bà Ván không nhớ tuổi mình, chỉ biết là già rồi, không thể đi nương được nữa. Nhưng bà uống rượu rất khỏe, ngày ngày cứ thấy nhà nào trong bản uống rượu là bà lân la đến ngồi cùng. Uống say thì về túp lều cỏ giữa bản nằm ngủ, tỉnh lại đi tìm rượu uống tiếp. Cũng may ở Nậm Nó dân bản uống nhiều và hào phóng nên bi đát như bà Ván chẳng lúc nào thiếu bữa.

Trông mâm rượu, vui nhất có lẽ là hai người đàn ông làm nghề đi mua ngô giống, thóc giống của dân bản. Biết người Mảng ở Nậm Nó được trợ cấp nhiều ngô, nhiều thóc để sản xuất, người ở địa phương khác đến gạ gẫm họ bán rẻ. Khi thì tiền mặt, khi thì đổi rượu, cứ mỗi đợt phát thóc giống, ngô giống thì dân bản Nậm Nó lại say sưa suốt ngày.

Chứng kiến cảnh ấy, đại úy Nam phải yêu cầu mấy tay mua giống của bà con về nhà trưởng bản Lý A Tảo làm việc. Sau khi bàn bạc, cả anh Nam lẫn trưởng bản Tảo yêu cầu gọi những người bán giống đến trả tiền cho cánh lái buôn và nhận lại giống để sản xuất. Nhưng chẳng gọi được ai, vì bán giống vừa xong thì chủ nhà đã đi mua rượu về liên hoan, uống cho say bí tỉ, không người nào dậy nổi.

Cán bộ đành ngồi chờ, mãi đến tối thì Lò A Đòi, một trong 3 gia đình trong bản bán ngô, thóc giống, mới tỉnh rượu. Rất thản nhiên, Đòi bảo do thèm rượu quá nên bán, mỗi bao giống 30 nghìn đồng. Tiền bạc bán giống cũng đã mua rượu uống rồi, lấy đâu ra mà trả lại cho lái buôn được nữa. “Khổ lắm. Chính sách nhà nước cố gắng hỗ trợ bà con thoát nghèo, nhưng có hỗ trợ đến mấy cũng bó tay nếu nhận thức người dân không được cải thiện”, đại úy Nam phàn nàn.

Ở bản Nậm Nó có rất nhiều căn nhà của các gia đình không thể nào gọi là nhà, rách nát và xiêu vẹo. Đại úy Nam bảo, chủ nhân của những căn nhà rách nát ấy từng nằm trong danh sách được hỗ trợ để xây nhà theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở 167 của Chính phủ. Họ không có nhà là bởi cứ hỗ trợ được thứ gì thì đem đi đổi rượu hết.

< Cứ có tiền là người dân đi mua rượu.

Nằm giữa bản Nậm Nó là túp lều của đôi vợ chồng Sìn A Cớm và Lò Me Đao. Sở dĩ gọi là lều vì nơi trú ngụ của gia đình Cớm được căng bằng bạt xanh, trong nhà không hề có nổi một vật dụng gì có thể đáng giá lên đến tiền trăm. Ngoài chiếc kiềng bếp và chỗ gia đình nằm ngủ ra, nhà cửa cứ trống huơ trống hoác như chòi canh rẫy.

Vợ chồng Cớm đều khỏe mạnh, mới có một đứa con nhỏ nhưng họ lại được xếp vào hạng nghèo nhất xã. Cả đại úy Nam lẫn Bí thư Đảng ủy xã Lý Thị Chướng đều kết luận: Tất cả từ rượu mà ra.

Cả Cớm lẫn Đao đều nói tiếng Kinh bập bẹ, không biết tuổi, không nhớ được nhà mình làm bao nhiêu nương rẫy. Chỉ có chuyện uống rượu thì hai vợ chồng đều thuộc hàng cao thủ. Họ có thể uống rượu suốt ngày, thậm chí là ngày này sang ngày khác. Cứ có tiền là vợ chồng mua rượu về uống, uống say thì ôm nhau ngủ, không lên nương, không đi làm thuê làm mướn gì.

Năm ngoái, khi được hỗ trợ tấm tôn để làm nhà 167, vợ chồng Cớm vội vàng phân công nhau vác tấm tôn đi đổi rượu. Không mời ai cả, họ tự đổi, tự mua rượu về, chỉ có hai vợ chồng uống với nhau. Thực ra gia đình Cớm từng có nhà, dù căn nhà ấy không khá hơn túp lều hiện tại là bao.

Chỉ cách đây mấy hôm, có một dự án về xây lớp học, không có đất xây trường nên họ đặt vấn đề “giải tỏa” nhà Cớm. “Giá đền bù” là một triệu đồng. Nếu vợ chồng đồng ý thì dời túp lều đi chỗ khác vào nhận tiền đền bù luôn. Phấn khởi quá, căng xong túp lều mới, với một triệu đồng có được, Cớm và Đao chia nhau mỗi người 5 trăm nghìn đồng đi mua rượu uống. Chỉ mới mấy ngày mà họ uống gần hết chừng ấy tiền mua rượu.

Du lịch, GO! - Theo Nông nghiệp Việt Nam, ảnh internet
Đến vùng Bảy Núi ở tỉnh An Giang, đi từ Tịnh Biên cho tới Tri Tôn đâu đâu cũng thấy những cây thốt nốt thân thẳng đứng, cao vút lên trời xanh với chòm lá như đóa hoa khổng lồ, giăng giăng khắp chốn.
Vào mùa khai thác nước thốt nốt, thích nhất là được thưởng thức sản phẩm mang hương rừng gió núi độc đáo của một vùng biên địa xa xôi từ trái thốt nốt.

Thốt nốt là loại cây trồng khoảng ba bốn chục năm mới cao chừng 20 thước. Khi đó cây mới trổ bông vào mùa nắng. Chạng vạng, người ta leo lên thân tre cột sát thân thốt nốt lên tới ngọn, lấy những ống tre đã hong khói diệt khuẩn đeo sau lưng đặt vào vòi bông vừa mới cắt một khúc để lấy dịch.

Từ ngọn cây này chuyền sang ngọn cây khác, họ đặt hết những ống tre ấy rồi nhanh nhẹn leo xuống đất. Rạng sáng hôm sau, họ lại leo lên lấy những ống tre hứng đầy dịch thốt nốt đem về nhà...

Hằng ngày, trên những con đường núi xanh tươi buổi sớm mai, với chiếc đòn gánh trên vai, hai đầu là hai chùm ống đựng đầy nước thốt nốt, các cô gái rong ruổi đi bán khắp nơi.

Chỉ cần vài ngàn đồng là bạn đã được thưởng thức thứ nước ngọt ngào với mùi vị đặc trưng hấp dẫn của thốt nốt. Thứ nước uống nhiều khoái cảm này hiện nay còn được bày bán dài theo các con đường dẫn vào nội ô thị trấn Tri Tôn, khu du lịch Lâm viên Núi Cấm (An Hảo, Tịnh Biên).

Để tăng thêm phần giải nhiệt, giống như nhiều loại nước giải khát khác, nước từ trái thốt nốt được người ta cho vô keo nhựa hoặc chai ướp lạnh. Loại này để lâu được, bán suốt ngày, không như nước thốt nốt đựng ống tre chỉ bán tới khi hửng nắng thì bị chua, mất ngon. Nước thốt nốt còn được người dân địa phương ủ với một thứ cây rừng để lên men, tạo thành một loại bia khá đậm đà.

Nước từ trái thốt nốt còn được cho vào chảo lá sen, vừa nấu trên bếp lò vừa quậy đều tay cho tới khi thành dung dịch màu vàng sệt thì cho vào khuôn, đóng thành cây. Đó là đường thốt nốt. Loại đường này được nhiều du khách mua về nấu chè, thưởng thức hương vị ngọt thanh mà các loại đường khác không có được.

Cùng với nước, cơm thốt nốt cũng là hàng hóa thu hút nhiều khách du lịch phương xa tới đây tham quan. Cơm thốt nốt màu trắng ngà, mềm, dai, giòn giòn, ăn khá khoái khẩu khi cho thêm chút đường và nước đá đập nhuyễn.

Món ngon từ thốt nốt còn có thạch thốt nốt, được cho vào keo nhựa thanh sạch. Loại này chỉ cần ướp lạnh hoặc trộn với đá cây đập nhuyễn là đã cho ta thứ giải khát tuyệt hảo trong những lúc nắng nôi oi ả của mùa hè phương Nam dậy nắng lửa.

Nhưng tuyệt hơn cả là thạch thốt nốt. Loại này đã được các cơ sở sản xuất cho vào keo nhựa. Mua về, bạn chỉ việc mở nắp keo, dùng muỗng múc vừa thạch vừa nước cho vào ly với một ít nước đá đập, vừa quậy đều vừa nhấm nháp một cách sảng khoái.

Độc đáo hơn là bánh thốt nốt. Người ta lấy gạo Nàng nhen – đặc sản Bảy Núi - xay thành bột, ủ một đêm cho lên men, hoặc gạo xay xong, đem phơi khô và cất trong vòng một năm mới cho thứ bánh không mềm nhão. Lấy bột trộn với cơm thốt nốt (lựa cơm dày) và nước thốt nốt rồi gói trong tấm lá chuối theo hình chữ nhật, dẹp như chiếc bánh gói, xong đem hấp. Chừng tiếng đồng hồ, theo hơi nóng bốc ra từ nắp xửng là mùi thơm ngào ngạt gọi mời lan tỏa khắp xung quanh. Mở gói lá ra, bánh thốt nốt có màu vàng sáp trông rất bắt mắt.

Người ta còn làm bánh theo cách khác. Nhà văn Sơn Nam trong quyển “Gốc cây, cục đá và ngôi sao – Danh thắng miền Nam” đã mô tả: “… đặc sản là bánh thốt nốt. Như ta biết, thốt nốt là trái có xớ dày, chứa chất đường ngọt, phải mài xớ vỏ của trái, trộn với bột gạo, gói lại, hấp chín” (NXB Trẻ, 2006, tr. 115, 116). Tuy nhiên, tại chợ cửa khẩu Tịnh Biên, bánh thốt nốt được bán dưới hình thức giống như chiếc bánh bông lan, vàng ươm và đẹp mắt!

Với trái thốt nốt, cư dân vùng biên địa Bảy Núi kiếm sống cũng khấm khá. Đó có thể gọi là mùa “mật” của họ trong những ngày nắng lửa oi nồng.

Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều - Thời báo kinh tế Sài Gòn, ảnh internet
Núi chùa Châu Thới ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cách thành phố Biên Hoà 4km, thị xã Thủ Dầu Một 20km, thành phố Hồ Chí Minh 24km, và đã được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia, theo quyết định số 451 VH/QĐ ngày 21/04/1989.

Di tích danh thắng núi Châu Thới cao 82m (so với mặt nước biển), chiếm diện tích 25ha nằm ở vùng đồng bằng gần khu dân cư của các tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí danh thắng này rất thuận tiện cho việc tham quan, du lịch, vì gần các thắng cảnh, khu vui chơi nghỉ mát khác như chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (Biên Hoà).

Sách “Gia Định Thành Thông Chí " đã viết: “Núi Chiêu Thới (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành.

Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”.

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” cũng miêu tả khá rõ núi và chùa Châu Thới gần giống như trên: “Núi Chiêu Thới tục gọi là núi Châu Thới, ở phía Nam huyện Phước Chính 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh thành.

Khoảng giữa núi Chiêu Thới có am Vân Tĩnh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, di chỉ nay vẫn còn. Đột khởi một gò cao bằng phẳng rộng rãi, ở bên có hang hố và nước khe chảy quanh, nhà của nhân dân ở quanh theo. Trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long trác tích tu hành. Năm Bính Thân, đạo Hoà Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ Châu Thới tức là chỗ này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đem núi này liệt vào tự điển”.

Cổng chùa bằng đá dưới chân núi có đề tên Chùa bằng chữ Hán “Châu Thới Sơn Tự”. Du khách bước lên 220 bậc thềm sẽ đến cổng tam quan có ba mái cong và bánh xe pháp luân nằm ở giữa đỉnh, hai bên cửa có mấy chữ “Từ bi – hỉ xả…”.

Giữa giảng Phật đường có tấm biển đề 4 chữ “Châu Thới Sơn Tự”, trên biển có ghi thêm dòng chữ “Tân Dậu niên, chánh ngoạt sơ kiết nhật” (ngày tốt đầu tháng giêng năm Tân Dậu), bên dưới ghi rõ hàng số 1612 (có thể hiểu Chùa được xây năm 1612).

Về nguồn gốc ngôi chùa sách “Sơ khảo Phật giáo Bình Dương” viết: “Ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất Bình Dương ngày nay được xây vào khoảng năm 1612, do thiền sư Khánh Long, trên bước đường vân du hoằng pháp lên đồi Châu Thới thấy cảnh hữu tình, Sư cất một thảo am nhỏ để tu tịnh, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn, sau đổi tên thành chùa núi Châu Thới”.

Nhưng sau mấy trang, tác giả cuốn sách này lại tỏ ra hồ nghi và cho rằng năm thành lập Chùa (1612) như nói trên là không hợp lý. Trước hết, 1612 không phải là năm Tân Dậu mà là năm Nhâm Tý; hơn nữa, đó là thời điểm quá sớm so với việc định cư số đông của người Việt tại vùng đất mới này. Rồi tác giả đưa ra nhận định: “Chùa lập vào năm 1681 và sau này ngài Thành Nhạc trùng tu và hành đạo nơi đây thì hợp lý hơn”.

Theo nhiều bài viết về chùa cổ ở Nam Bộ đều cho biết, những ngôi chùa xưa nhất ở Nam Bộ đã được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XVII. Chẳng hạn sách “Những ngôi chùa cổ Nam Bộ” đã viết: “Ba ngôi chùa cổ là Bửu Long, Long Điền và Đại Giác tiêu biểu cho những điểm trụ tích đầu tiên của sơ Tổ Phật giáo Nam Bộ. Chùa Bửu Long nguyên chỉ là am nhỏ được thành lập nên từ giữa thế kỷ XVII. Chùa Long Điền (Tổ đình Sơn môn Nam Việt) lập 1664. Chùa Đại Giác được lập vào cuối thế kỷ XVII”.

Theo các cứ liệu dẫn trên, năm Tân Dậu ghi trên biển chùa núi Châu Thới lập vào năm 1681 là thời điểm hợp lý hơn cả. Nhưng cho dù được thành lập vào năm 1681, chùa núi Châu Thới ở huyện Dĩ An hiện nay vẫn là ngôi chùa xưa nhất Bình Dương và được hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam Bộ.
Trong thời Pháp thuộc, nhờ vào địa thế hiểm trở và cảnh u tịch thanh vắng của ngôi chùa núi, nhiều người yêu nước thường đến đây ẩn náu, tụ hợp để hoạt động chống Pháp: Vào năm 1916, các hội viên của “Thiên Địa Hội” thuộc vùng Dĩ An – Lái Thiêu đã đến chùa Châu Thới tập võ nghệ mưu tính việc chống lại bọn cai trị người Pháp.

< Dưới chân núi là một hồ nước rộng, phong cảnh nên thơ. Từ sân chùa có thể ngắm nhìn phong cảnh của các vùng xung quanh thành phố Biên Hòa cùng dòng sông Đồng Nai uốn quanh.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, chùa núi Châu Thới là nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đến ẩn náu và hoạt động cách mạng. Đến nay, Chùa không còn lưu giữ được đầy đủ những long vị và Tháp của các vị thiền sư khai sơn mà chỉ thờ các tổ bằng tượng gỗ chạm và một số long vị của các hoà thượng đời sau này.

Tương truyền Chùa do thiền sư Khánh Long tạo lập từ đầu thế kỷ XVII (1612) như đã nói ở phần trên, nhưng cũng có sách cho là do thiền sư Thành Nhạc – Ẩn Sơn khai sơn và viên tịch tại nơi này vào ngày 17/12/1776. Trước đây, tại Chùa có ngôi bảo Tháp của tổ Thành Nhạc nhưng nay không còn.

Trải qua hơn ba trăm năm lịch sử đầy biến động, chịu bao hủy hoại tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa núi Châu Thới nay không còn giữ được dấu tích, di vật nguyên thuỷ của một chùa cổ được hình thành vào hàng sớm nhất Nam Bộ. Hiện Chùa là một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau: gồm ngôi chánh điện, các điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ở đây còn cho thấy rõ nét sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian như phần đông các ngôi chùa Phật giáo ở nước ta.

Nhà tổ và giảng đường của Chùa được trùng tu vào năm 1930. Năm 1971, hoàn tất việc xây dựng 220 bậc thềm (xi măng) đường dẫn lên Chùa. Đến năm 1989, xây thêm cửa tam quan. Ngôi chánh điện được xây lại khá qui mô bằng bê tông cốt sắt vào năm 1993…

< Phật từ bi, cũng không phạt mấy con khi hay làm trò khỉ.

Nét nổi bật về trang trí kiến trúc của Chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu đao của mái chùa và có đến 9 hình rồng như thế hướng về nhiều phía.

Chánh điện được thiết kế: dành phần trên thờ Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng kế thờ Phật Thích Ca; tầng dưới là nơi thờ Phật giáng sinh. Toàn bộ những tượng đồng được đúc tại Chùa, do nhóm thợ chuyên môn của xứ Huế thực hiện.

Chùa còn thờ bộ thập bát La Hán và thập điện Diêm Vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo của Chùa còn lưu giữ được, cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển khá sớm.

Chùa cũng còn lưu giữ được ba pho tượng Phật tạc bằng đá khá xưa (có thể vào cuối thế kỷ XVII) và một tượng Quan Âm bằng gỗ được làm bằng cây mít cổ thụ hàng trăm tuổi được trồng trong vườn chùa.

Vào năm 1988, Chùa đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa Thiên Mụ (Huế) nặng 1,5 tấn, cao 2 mét, đường kính 1m2, đặt trên chiếc giá chuông bằng gỗ lim do nghệ nhân Bình Dương chạm trổ các hoa văn đẹp. Những năm 1996 – 1998, Chùa tổ chức đúc thêm bảy tượng Phật bằng đồng, xây dựng một bảo tháp gồm nhiều tầng lầu cao 24 mét. Năm 2002, bên phải ngôi chùa xây dựng công trình gồm một trệt một lầu và bên trên sân thượng có xây bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng cao 3 mét, nặng 3 tấn.

Đến nay, Chùa còn lưu giữ được 5 long vị từ thế hệ truyền thừa đời thứ 40 của phái Lâm Tế dòng Bổn Nguyên như: Hồng Kiềm (đời 40), Nhật Liên (đời 41), Nhật Tâm (đời 41), Lệ Thiên (đời 42), Lệ Huệ (đời 43). Về số cổ vật có giá trị đã được xếp loại tại chùa núi Châu Thới hiện nay còn lưu giữ được 55 hiện vật (đứng nhì trong các ngôi chùa trong tỉnh).

Du lịch, GO! - Theo Sở VH - TT - DL tỉnh Bình Dương, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống