Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 14 April 2013

Nhà địa lý nổi tiếng Lê Bá Thảo đã từng đánh giá khối núi đá này rộng đến 10.000 km², nằm vắt vẻo trên đỉnh Trường Sơn, nơi có đường biên giới Việt - Lào cắt qua. Phần phía Việt Nam, nơi có di sản thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, chỉ chiếm non nửa, phần còn lại thuộc Lào.

Khối núi đá vôi khổng lồ này còn rất hoang sơ, hầu như không có điểm quần cư của con người. Không có đường đi dù là đường mòn. Việc nghiên cứu địa chất hay lâm học chủ yếu được thực hiện trên ảnh hàng không và ảnh vệ tinh. Cũng không có dòng sông hay suối nào lộ mặt, không có mặt bằng nào đáng kể.

Gần chục nghìn kilomét vuông đá tai mèo lởm chởm, chỉ có ven rìa mới xuất hiện các thung lũng suối nhỏ bao quanh bằng những vách dựng dứng. Độ cao trung bình của khối núi này là 800 mét, đôi chỗ nhô lên những ngọn núi cao trên nghìn mét, cao nhất là đỉnh Phu Et Va (1.512m).

Đá vôi của khối núi Kẻ Bàng có tuổi địa chất từ 380 triệu đến 240 triệu năm. Trải qua nhiều biến động địa chất, đá bị gãy vỡ, rạn nứt, tạo điều kiện cho nước xâm thực, hòa tan thành vô vàn dạng địa hình karst: những thung lũng, phễu, giếng, hố karst, những hang động ngầm khô hay có nước đủ loại kích cỡ. Vùng Kẻ Bàng lại có lượng mưa khá lớn, khoảng 3.000 mm mỗi năm. Phần lớn lượng nước này đổ vào các hang động ngầm, mà Phong Nha chỉ là một trong vô số các hang động đó.

Ở gần cửa động Phong Nha, các nhà địa chất đã tìm ra những hóa thạch thực vật thân gỗ, thuộc các nhóm thực vật cạn đầu tiên trong lịch sử trái đất có tên là thực vật Lộ trần (Psylophyta) và thực vật Cây vảy (Lepidophyta).

Những dạng thực vật cạn này cho thấy đã từng tồn tại một lục địa rất cổ mà đá vôi vùng Kẻ Bàng là những thành tạo biển tiến nằm ở ven rìa lục địa này. Có thể thấy dấu ấn của thành tạo ven rìa lục địa đó qua hình ảnh tầng đá vôi dày đến 4.000 mét của khối Kẻ Bàng, giống như một tấm nệm đá khổng lồ, phủ bên trên các đá kiểu cung đảo núi lửa (giống như các quần đảo Nhật Bản hay Philippines ngày nay).

Nhiều nhà khoa học từ lâu cũng đã nghi ngờ rằng mảng lục địa trên là một mảnh vỡ của lục địa Australia, bị trôi giạt về phía bắc. Bằng chứng cho giả thuyết đó là tại vùng Quy Đạt, huyện Minh hóa, Quảng Bình, vào những năm 1980, các nhà khoa học đã phát hiện thấy một loài động vật Tay cuộn hóa thạch Australia 30 triệu năm tuổi. Đó là loài Veervesia suchana, có quê quán ở vùng Fitzoy phía tây bắc Australia.

Ngoài những giá trị về địa chất, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn có các quần thể động, thực vật được bảo tồn khá tốt mà nhiều vùng khác đã ít hay không còn được gặp nữa. Do đặc thù là rừng nhiệt đới trên núi đá vôi, nên ở đây có rất nhiều loài động thực vật lạ, quý hiếm, như sến mật, kim giao, trầm hương, dương xỉ thân gỗ, cu li, bò tót, mèo rừng, cheo cheo Nam Dương…

Một số nơi trong vườn có những khu rừng rộng hàng trăm hecta chỉ thuần một vài loài cây như lát hoa, lát da đồng. Ở đây còn có thể gặp những đàn khỉ vàng hàng trăm con, hay vào mùa sinh sản của rắn, có thể thấy hàng trăm con rắn đen quấn bện vào nhau trong những hốc đá vôi nhỏ hẹp...

Trong một vài buồng đá ở động Phong Nha, còn gặp di tích các miếu thờ thần với những bài văn khắc trên đá bằng chữ Chăm cổ. Đây chắc chắn chưa phải là chứng tích cổ duy nhất của con người ở vùng đất này, bởi vì thế giới hang động ở vùng Kẻ Bàng còn chưa được khám phá hết.

Thắng cảnh nổi tiếng động Phong Nha thực ra gồm hai động: động khô (Lâu đài Vua) và động ướt (Thủy tề Tiên).

Động được đánh giá là có 7 cái nhất: hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát và đá rộng và đẹp nhất, hồ ngầm đẹp nhất, thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam (13.969m) và hang khô rộng và đẹp nhất.
Riêng động Phong Nha do một con sông ngầm tạo thành, nhiều đoạn có những hồ nước và bãi bồi rộng lớn. Động chính gồm 14 buồng nối liền bằng một hành lang dài đến 1.500m. Toàn bộ động nằm sâu dưới đỉnh núi 800-900 m.

Du lịch, GO! - Theo Khoa học và Đời sống, ảnh internet
Đầm Nha Phu (cách thành phố Nha Trang khoảng 20 km về phía bắc) là một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Khánh Hòa bởi những bãi tắm tuyệt đẹp và những hòn đảo thơ mộng ngoài khơi xa.

< Bình minh trên đầm Nha Phu.

Từ điểm xuất phát ở cầu cảng Đá Chồng, chiếc tàu du lịch lướt qua những con sóng nhấp nhô xanh thẳm, đưa du khách đến Hòn Thị. Nơi đây còn nguyên vẹn vẻ hoang sơ với những rừng cây rậm rạp, nhiều lòai động vật hoang dã và những thung lũng mang nhiều câu chuyện huyền bí.

Biển Hòn Thị quanh năm lặng sóng, êm như mặt hồ. Nước biển xanh trong suốt như pha lê, là nơi sinh sống của hàng trăm loài sinh vật biển. Ven bờ rải rác những dãy đá hoa cương trắng hồng, lấp lánh dưới nắng như kim cương. Tất cả tạo cho Hòn Thị vẻ đẹp quyến rũ và thanh bình...

Trên Hòn Thị có các khu chăn nuôi đà điểu và nhiều loài thú khác như hươu, nai, gấu, khỉ, chim cảnh…Các khu “Thảo cầm viên” tự nhiên này rất hấp dẫn du khách. Tại đây, bạn có cơ hội ngồi trên lưng những chú đà điểu châu Phi cao lớn, dạo một vòng quanh sân hay “giao lưu” với đàn hươu sao, nai rừng… bằng cách cho chúng ăn bắp, đậu phộng hay chỉ là một nhánh cây…

Rời Hòn Thị, 15 phút sau, du khách sẽ đặt chân lên Hòn Lao. Điểm hấp dẫn của Hòn Lao (còn gọi là đảo Khỉ), là đàn khỉ hơn 800 con sống tự nhiên, dạn dĩ và thân thiện với con người. Bạn sẽ được chứng kiến cảnh đàn khỉ tranh giành thức ăn, đánh đuổi nhau hoặc những bà mẹ khỉ vừa ẵm con, vừa thoăn thoắt chuyền cành. Sự thông minh, lém lỉnh của đàn khỉ sẽ đem đến cho du khách những tràng cười sảng khoái.

Tiếp đó, bạn có thể dạo chơi quanh các công viên chim cảnh, công viên Thanh Long, Thiên Long…chiêm ngưỡng những hình tượng nghệ thuật được bố trí khá công phu như rồng, phượng, chim công… trong không gian ba chiều. Vườn tượng Tam Đa với thầy trò Tôn Ngộ Không và các tượng nghệ thuật 12 con Giáp cũng là những công trình độc đáo.

Bãi tắm Hòn Lao với bãi cát trắng phau hình cánh cung và mặt nước xanh màu ngọc bích. Được chắn bởi những dãy núi ngoài xa, biển ở đây luôn lặng sóng. Vì vậy, tắm biển Hòn Lao là thú giải trí được nhiều người lựa chọn. Ngoài ra, du khách còn tham gia các trò vui chơi, giải trí khác như đua thuyền trên biển, cưỡi ngựa, câu cá trên các ghềnh đá, cưỡi voi dạo rừng nguyên sinh, lặn biển ngắm san hô…
Đặc biệt nhất là thưởng thức các tiết mục xiếc đặc sắc của các “diễn viên” thú: voi tặng hoa, gấu đi thăng bằng, khỉ đạp xe, giã gạo, chó nhảy vòng…

Du lịch, GO! - Theo Giao Thủy (Báo Phụ Nữ), internet

Saturday, 13 April 2013

Đến với núi rừng Trường Sơn hoang dã thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam), bạn sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ con mối cánh (cláp). Đó là món ăn ưa thích, hấp dẫn của đồng bào Cơ Tu.

Già Mạc Thị Gách (87 tuổi), là “chuyên gia” “gọi mối” đất ở thôn Tống Coói (xã Ba- Đông Giang) cho biết: “Gần như toàn bộ số gia đình người Cơ Tu ở đây đều biết “gọi mối về”.

Mùa bắt mối diễn ra từ tháng 3- 8 (âm lịch) hàng năm. Khi mối xuất hiện, bà con tranh thủ bắt mối đất để rang ăn chơi, hoặc rang xong giằm nước mắm hoặc giã với muối ăn với cơm hoặc nấu cháo (cláp p’chơ)… đều thơm ngon.

Nhà tôi, có đêm mối ra bắt trên 5 ký mối, cái thì phơi khô, cái thì rang ăn liền. Khi rang bỏ ít muối để trong ống lồ ô, gác trên giàn bếp ăn dần. Người con rể Cơ Tu hiếu thảo thì thường xuyên nấu cho bố mẹ vợ món cháo ”cláp p’chơ” này vì những người già chúng tôi đều đau răng, rụng răng, món này dễ húp…”.

Già Gách cho hay, nếu không có đèn điện, khi phát hiện có mối đang bay ra, chúng tôi thắp một cây đèn dầu hoặc đèn cầy, cắm giữa cái thau lớn đặt ở nơi thuận tiện ngoài sân, trong thau đổ nước ngập 1/4 cây đèn.

Mối thấy ánh sáng cùng nhau bay đến, sà xuống gặp nước, ướt cánh không bay lên được, nên nằm lại trong thau. Thỉnh thoảng, mình lấy tay khuấy nước trong thau để mối ướt cánh không bay lên được. Nếu thấy trong thau nhiều mối quá thì hốt mối ra bỏ vào bao nilon hoặc xoong, nồi, thùng, mủng…

Công đoạn bắt mối chỉ diễn ra khoảng nửa giờ là kết thúc, lúc này mối đã ít dần, chúng bị rụng cánh và rơi dần ở chung quanh khu vực. Sau khi kết thúc cuộc bắt mối, người ta dùng nước sạch rửa mối nhẹ nhàng nhiều lần cho sạch và vớt ra một cái rá nhựa để cho ráo nước…

Mối đang bắt còn nguyên cánh mỏng, thân dài khoảng 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu, ngực và đầu nhỏ hơn.

Bà A lăng Thị Nhá (58 tuổi), ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang) cho biết: “Mối rang là món ăn ngon miệng, hấp dẫn đối với đồng bào Cơ Tu và một số người Kinh. Muốn ăn, người ta đặt chảo lên bếp, chờ nóng đều, bỏ vài bát mối này vào và dùng đũa khuấy đều, mối bốc hơi và khô dần… cho đến khi từ chảo bay ra một mùi thơm quyến rũ, ngào ngạt, mang hương thơm mùi châu chấu nướng và những tiếng nổ lẹt đẹt nho nhỏ, báo hiệu mối đã chín rồi.

Lúc này, đổ ra mẹt, lấy các ngón tay đảo nhẹ và sảy, hay bật cái máy quạt cho cánh mối bay đi, chỉ còn lại thân mối vàng ươm. Người Cơ Tu ngoài rang mối để “ăn chơi” ra, họ còn giã nát nén lại thành bánh để ăn dần. Khi rang mối họ thêm vào ít muối và cất trong ống lồ ô để dành ăn lai rai và hương vị cũng không kém phần ngọt ngào.

Đặc biệt là món cháo mối ăn rất thơm ngon được chế biến như sau: Nấu cháo gạo hay sắn tươi chín, cho tiếp mối đã rang vào nồi, chờ sôi lại rồi nêm gia vị cho vừa ăn. Bát cháo mối với màu nâu của mối, màu trắng của cháo ăn có mùi thơm rất đặc trưng, bổ dưỡng...

Không gì thú vị bằng khi được thưởng thức hương vị thơm lừng, beo béo và ngọt bùi… của món mối cánh rang, có thêm vài ly rượu tà vạt, rôm rả trò chuyện cùng với người già, lũ trẻ. Gương mặt của họ cũng hồng lên, lấp lánh bên bếp lửa hồng.

Du khách qua đây trong mùa mối cánh, nếu đã một lần thưởng thức cái hương vị thơm ngon, độc đáo của món cháo mối ở Trường Sơn này thì không thể nào quên được.

Du lịch, GO! - Theo Hòa Vang (Vĩnh Long Online)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống