Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 15 April 2013

Bắt nguồn từ núi Chiến, suối Ba Li là một trong hệ thống các suối Tranh, suối Thượng (núi Chà Pau), suối Rích, suối Cóc (núi Nhọn)… đổ nước về hồ chứa nước Cam Ranh, nơi cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 30km về phía Nam, trên địa bàn hai xã Cam Tân và Cam Hòa, thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Suối Ba Li là một điểm du lịch nổi tiếng của huyện Cam Lâm. So với các suối khác, đây là nơi thuận tiện đi lại, vui chơi cắm trại, và còn tương đối hoang sơ nên đảm bảo được yêu cầu sinh thái, nghỉ ngơi, dã ngoại...

< Đường vào suối Ba Li

Có nhiều đường đi đến suối Ba Li. Từ trung tâm thành phố Nha Trang xuôi Quốc lộ 1A, đến địa phận huyện Cam Lâm, đi khoảng một cây số, có tấm bảng lớn chỉ đường vào làng xã hội Cam Tân, rẽ theo đường này đi khoảng 3km là đến suối Ba Li.

Đường vào suối được láng nhựa, băng qua làng mạc, ruộng đồng thanh bình và yên ả. Gần đến khu vực suối, khách sẽ thấy hồ Ba Li và không khí bắt đầu mát mẻ. Từ đập tràn, mặt nước hồ trải ra xanh ngút mắt. Bên kia hồ là cánh rừng dày đặc, xanh um. Càng đi, không khí càng dịu mát.

Vào điểm gửi xe máy, khách bắt đầu thả bộ xuống đập tràn, từ đây có nhiều con đường mòn rẽ nhánh lên suối. Đi theo những con đường mòn này vào rừng, chưa đến một cây số là có nơi để cắm trại.

Chọn một bãi cát bên kia suối, khách bắt đầu xắn quần lội qua. Đá nhiều rêu, dễ trơn trợt, tuy nhiên, nước không sâu lắm, chỉ quá đầu gối một chút. Người chịu ướt thì bước qua dễ dàng, còn không thì bước trên đá cho đồng đội kéo qua.

Sang tới “bãi bồi”, nhóm du khách tụ tập dưới một tán cây to, bóng nắng chỉ xuyên qua lốm đốm. Trải tấm bạt, “đội hậu cần” bắt đầu chuẩn bị món ăn. Gà làm sẵn từ nhà, lấy gia vị ra ướp. Một nhóm khác đi kiếm củi khô. Trong chốc lát, một con gà đã nằm trên giàn nướng. Bếp gas mini cũng đang đỏ lửa để nấu một nồi lẩu gà lá… me hái trong rừng. Kết hợp với đồ ăn nguội mang theo là đã có bữa trưa đơn giản giữa rừng.

Ăn xong, cả nhóm nằm lơ mơ trên đá ngủ, một vài người thơ thẩn dọc bờ cỏ cây, rồi đi tắm suối, chơi trò chơi hay thám hiểm rừng…

Rừng ở đây có một loài hoa màu trắng nhỏ xíu, mọc thành từng vạt, lấp lánh trong nắng, rất đẹp. Thậm chí bạn chỉ cần nằm trên một tảng đá và ngắm mây trời, nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót bên tai cũng đã là một sự thư giãn tuyệt vời.

Chiều xuống, cả nhóm “thanh toán” cho bằng hết số thức ăn còn lại, thu dọn “chiến trường” sạch sẽ, lên đường về lại phố. Một ngày được sống giữa thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim muông, nước chảy, mây trôi đã qua...

Du lịch, GO! - Theo Bình An (Phụ Nữ Online)

Hoang sơ suối Ba Li - Khánh Hoà

Sunday, 14 April 2013

Theo quốc lộ 32 uốn lượn qua miền núi non Tây Bắc, đoàn chúng tôi dừng chân một ngày ở thung lũng Mường Lò. Thung lũng được bao bọc bởi dãy Hoàng Liên Sơn này là một trong những cái nôi văn hóa của tỉnh Yên Bái.

Với sự hiện diện của 17 dân tộc trong đó đông nhất là người Thái đen, Mường Lò khiến những ai đã một lần đi qua sẽ phải nhớ mãi đời sống sơn cước thi vị và nhiều màu sắc nơi đây.
Từ nhà sàn nhìn ra những cánh đồng lúa thoai thoải bậc thang chạy về phía núi, trên đồng thấp thoáng bóng những cô gái Thái duyên dáng trong trang phục đen truyền thống, du khách bỗng đâm ra lưu luyến đời sống miền sơn cước.

Trong các dân tộc ở Việt Nam, người Thái có đời sống văn hóa tinh thần phong phú được xếp vào bậc nhất. Người Thái ở Mường Lò nổi tiếng là giữ gìn được nhiều nét văn hóa của cha ông, từ nếp nhà sàn đến nghề dệt thổ cẩm, trang phục, ẩm thực, đặc biệt là những điệu khắp (hát, ngâm), điệu xòe lãng mạn mượt mà.

Trong những buổi tiếp khách phương xa, giữa tiếng khèn bay bổng, tiếng trống, tiếng chiêng sâu lắng mà rộn rã, những bước xòe uyển chuyển làm cho con người gần gũi chan hòa với nhau hơn.

Sinh sống trên vùng đất phì nhiêu, trù phú, người Thái ở Mường Lò cũng sáng tạo nên một nền ẩm thực đặc sắc với bánh chưng đen, thịt trâu sấy, thịt hun khói, cơm nhuộm, xôi cá… đặc biệt nhất là các món ăn chế biến từ côn trùng, rêu đá.

Rêu mọc từ đá ngầm dưới sông, suối là loại thực phẩm được người Thái, Mông, Mường yêu thích từ xa xưa. Theo các già làng, rêu có khả năng chữa một số bệnh và phòng ngừa lam sơn chướng khí.

Khi mùa rêu đến, các bản làng chọn một ngày làm ngày hội lấy rêu, nhà nhà cùng nhau đi đến bãi rêu ở các sông, suối lớn. Mỗi năm người Thái tổ chức đi lấy rêu bốn, năm lần để làm thức ăn khô dự trữ và làm quà biếu.

Rêu ở Mường Lò dài, dày, xanh ngắt, ngon nhất vào tháng 11, 12 Âm lịch. Việc chế biến rêu quan trọng nhất là khâu xử lý ban đầu.

Người ta đặt rêu lên những tảng đá nhẵn, dùng thanh gỗ đập tơi, sau đó rửa thật kỹ, xong đem ủ muối từ 10 đến 15 phút rồi lại rửa lại, cuối cùng mới băm nhỏ rêu và cho gia vị vào để chế biến thành các món ăn.
Các món ăn được chế biến từ rêu khá đa dạng như: rêu nướng, chiên, nấu canh. Cầu kỳ nhất và hấp dẫn nhất là hai món khay pho, khay pỉnh.

Khay pho gồm rêu, một chút thịt mỡ, hành, tỏi, mắc khén, gừng, ớt, thì là, lá chanh, củ sả (tất cả đều được băm nhỏ) trộn đều với ít muối, xong rồi đem gói lại bằng lá dong hoặc lá chuối và vùi vào tro nóng, bên ngoài phủ than hồng.

Sau khoảng hai giờ, khi lá chuối đã khô giòn, chuyển sang màu vàng ươm là rêu đã chín. Khi ăn, mở gói lá dong ra, mùi mắc khén, hạt sẻn và mấy chục thứ gia vị cùng tỏa mùi ngạt ngào, còn rêu vẫn riêng một vị thanh mát.

Món khay pỉnh còn cầu kỳ hơn. Rêu và gia vị sau khi trộn như làm khay pho thì được đem gói bằng lá lốt hoặc lá chanh, xong rồi lấy thanh tre tươi chẻ đôi kẹp các gói nhỏ này lại đem nướng giòn.

Rêu chín, lấy ra cho vào chảo chiên với mỡ heo rồi mới ăn. Món rêu thơm phức nhắm với chút rượu gạo, rượu ngô nấu bằng men lá quả đúng là tinh hoa của núi rừng.

Vào các dịp lễ tết, người Thái còn băm nhỏ rêu với thịt gà thịt vịt, cho vào chõ đồ lên như đồ xôi. Nghe nói món này ăn béo ngậy và có mùi thơm rất quyến rũ.
Khách phương xa đến nếu được đãi rêu là biết người dân nơi đây quý mình lắm. Bởi vì rêu suối nhiều nhưng rêu ngon thì ít, và mùa rêu ăn được cũng rất ngắn ngủi. Món rêu khô trên gác bếp là thứ quà biếu mà người Thái chỉ để dành cho những mối thân tình.

Du lịch, GO! - Theo Doanh Nhân Saigon Cuối Tuần
Từ lâu, vùng nước lợ hạ lưu sông Vệ, đoạn sông Vực Hồng (Quảng Ngãi) có một loại cá hình dạng giống cá đối, người địa phương thường gọi là cá chua. Gần đây nghề nuôi tôm phát triển, loài cá này cũng xuất hiện nhiều hơn. Chúng sinh trưởng trong những hồ tôm bỏ hoang hay những hồ đang nuôi mà đầu vụ chủ hồ dọn không kỹ, nhiều loài thủy sản còn sót lại.

Dân gian cho rằng giống cá chua sinh sản tự nhiên ngoài sông, khu vực nuôi tôm cũng là môi trường sinh sống thuận lợi của chúng. Do vậy mà ở vùng này có nhiều cá chua, và nó trở thành một món ăn với những cách chế biến dân dã nhưng rất ngon.

Về hình dạng, cá chua to cỡ bàn tay người lớn, dài và đầu thuôn hơn cá đối, vảy nhỏ, da màu ánh bạc. Người ta bắt cá chua theo mùa nuôi tôm, nghĩa là khoảng từ tháng ba đến tháng tám, nhiều nhất vào độ tháng sáu âm lịch.

Cá chua bắt được đem về rửa sạch, chế biến theo cách dân dã sẽ được nhiều món như: Nướng, luộc, hấp, nấu măng. Với món nướng thì chỉ cần cho cá đã làm sạch lên vỉ, có hoặc không lót lá chuối tươi và nướng trực tiếp trên lửa than rực đỏ. Kỹ thuật nướng phải trở đều để cá chín đến sém vàng, không cháy mới ngon.

Ăn cá chua nướng với bánh tráng mỏng cuộn rau sống, chấm mắm ớt tỏi, hoặc chấm muối trắng giã nhỏ cùng ớt hiểm xanh là ngon nhất. Còn món luộc thì cho cá đã làm sạch ruột, mang, ướp mắm muối và bỏ vào nồi nấu đến chín, thêm gia vị tiêu, ớt, rau thơm là dùng được.

Ăn món luộc không gì bằng gắp cá lên đĩa, còn nước thì bỏ bánh tráng nướng giòn bẻ nhỏ vào tô, thêm nhiều rau thơm và dùng  khi thức ăn còn nóng.

Món hấp công phu hơn, người ta để cá tươi được làm sạch vào đĩa to, thêm đủ gia vị hành, tiêu, ớt, gừng lát, bún khô sợi nhỏ, thơm xắt lát, nấm mèo,... Sau đó cho vào nồi hấp, đậy nắp kín, chụm nhỏ lửa, hạn chế bốc hơi ồ ạt làm mất mùi thơm và chất bổ dưỡng. Ăn món này cũng phải dùng bánh tráng mỏng cuộn cá với  rau sống, chấm mắm ớt tỏi hay mắm nêm đều ngon. Với ba cách chế biến trên, mỗi món cho một hương vị riêng, người dùng chúng đều cảm thấy ngon khó tả.

Thế nhưng, có lẽ dân dã và hấp dẫn thực khách hơn cả vẫn là món cá chua nấu măng. Chế biến món này bằng cách làm cá chua sạch ruột, mang, rửa kỹ rồi bỏ vào xoong hoặc nồi. Xong cho thêm măng tươi xắt lát mỏng hoặc cọng dài vừa phải, ớt tươi thái nhỏ hay giã dập, một ít muối hột và đổ nước ngập cá và măng, thêm gia vị cần thiết rồi đun nhỏ lửa nấu chín. Khi nhắc nồi xuống phải cho thêm rau thơm như húng quế, ngò tàu,… Món này có thể ăn với bánh tráng hay với cơm tùy bữa ăn gia đình hay tiếp khách.

Vị ngon của món cá chua nấu măng ở chỗ vừa có hương vị cá, vừa hương vị măng tươi, ớt tươi,... tạo cho người thưởng thức một cảm nhận ngon khoái khẩu.

Du lịch, GO! - Theo Bùi Văn Tạo (Quảng Ngãi Online), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống