Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 15 April 2013

Nếu có ai hỏi ngôi chùa nào u tịch, thanh vắng nhất Việt Nam, tôi sẽ trả lời đó là Am Ni tự (chùa Am Vãi, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), nơi tách biệt hẳn với thế giới trần tục vốn ồn ào, lắm thị phi bên ngoài.

Tôi đã không thể kềm được lòng mình trước những lời giới thiệu đầy hấp dẫn của anh Ngô Văn Dậu, cán bộ văn hóa xã Nam Dương, về một ngôi chùa cổ ẩn sâu trên đỉnh núi ngút ngàn mây. Anh ví von đó là một “tiên cảnh” mà ai lên đây cũng thích thú và rồi nói như thách thức: “Không đủ can đảm cầm lái thì đừng đi chuyến này”.

Có nửa ngày để thực hiện, tôi quyết tâm đặt chân cho kỳ được đến đích cuối cùng chốn thiền này.

Chùa Am Vãi nằm cách xa các bản làng đồng bào dân tộc chỉ hơn 10km, nhưng đi xe máy từ UBND xã Nam Dương đến đây phải mất hơn một giờ rưỡi nên họa hoằn mới có vài người viếng thăm.

10g sáng, chúng tôi mỗi người một xe lên đường, xác định trước sẽ “ăn mày cửa Phật” bữa trưa. Đoạn đường 2km chớm vào rừng được trải nhựa khá đẹp, hai bên bạt ngàn rừng keo, nương sắn, bãi rau của đồng bào người Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu…

Nhưng hết đoạn này, mấy chiếc xe luôn trong tình trạng số 1, số 2. Trước mỗi con dốc dựng đứng, người cầm lái phải nín thở kéo ga cho xe ì ì bò lên từng centimet, hai mắt cứ phải căng ra để quan sát. Đường càng lúc càng nhiều đá sỏi lởm chởm, đi xiên xẹo vào tận giữa rừng rậm rồi thoắt cái mở ra một khung trời mới với cảnh sắc tuyệt đẹp.

Phía bên kia rừng, ánh nắng nhợt nhạt hắt nhẹ lên những vạt cỏ tranh vàng úa, hoa lau, cây bụi như một thảo nguyên đầy mơ mộng được tô điểm bởi những lớp mây lơ đễnh giăng ngang. Đang mùa hanh khô, những bãi cỏ tranh rộng mêng mông, sự sơ ý của người đi làm rẫy sẽ rất dễ làm rừng tổn thương.

Hết trèo đèo lại xuống dốc, mấy chiếc xe rồ ga, giật đùng đùng rồi lại lao ào ào trên lớp đá trơ sắc nhọn, mùi xăng bốc lên khét lẹt. Giữa trời lạnh mà mồ hôi vã ra liên tục, chỉ cần lơ đễnh là có thể tan xác dưới vực sâu. Anh Dậu kể mấy năm nay đường dễ đi hơn nhiều, ôtô loại gầm cao có thể đến chùa nhưng chỉ vào những ngày nắng ráo, trời mưa thì chỉ còn cách… khóc.

Đi mãi rồi cũng đến một thung lũng khá bằng phẳng. Để xe lại đây, chưa nhìn thấy Am Ni tự đâu mà tôi đã cảm nhận được mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian. Chuông ngân từng đợt dài vang vọng núi rừng. Bên kia ngọn đồi, mây mù vẫn lơ lửng xung quanh tán thông, tán trúc. Linh tính mách bảo chùa Am Vãi chỉ đâu đó quanh đây.

Đi bộ chừng 50m chùa hiện ra trước mắt. Chốn thiền môn thật lặng lẽ, tĩnh tại. Phía sau lớp sương mờ cạnh vườn đào non tơ mơn mởn lộc biếc xuất hiện một ni cô thong dong thả bộ.

Thầy trụ trì Thích Trúc Thái Bình cho biết trên này không có điện, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên hiếm khi các thầy xuống núi. Mọi sinh hoạt đều tự cung tự cấp. Các thầy tự trồng rau xanh hoặc khi nào có phật tử lên chùa thì mang theo chút cơm nắm, muối vừng để nhà chùa thọ chay.

Cũng theo sư thầy Thái Bình, xưa kia ở đây hoang vu lắm, quanh chùa toàn cỏ cây giăng kín. Năm 2010 thầy về trụ trì tại đây và cho tôn tạo một số khu vực chùa thêm đẹp đẽ như hiện nay.

Thiên nhiên bao la khoáng đạt, không gian yên ả, tĩnh mịch là điều mà những ai đến Am Vãi đều cảm nhận được.

Chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý, nằm trong hệ thống các chùa tháp theo sườn Tây Yên Tử. Tương truyền vào thời Trần có sư nữ là công chúa nhà Trần tu hành ở đó nên mới có tên Am Vãi (Vãi có nghĩa là nữ tu hành).

Ở đây có một hang tiền và một hang gạo, mỗi ngày hai hang này chỉ chảy ra một lượng tiền và gạo đủ cho vị sư này dùng mà không bao giờ chảy hơn. Một ngày, vị sư nọ có khách liền khơi cho hang tiền và gạo chảy ra đủ hai người dùng. Từ đó tiền và gạo ở hai hang này không bao giờ chảy ra nữa…

Dấu tích của chùa còn lại đến ngày nay là hai ngôi tháp cổ bên trong có bài vị của một nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm được tấn phong Tỳ Kheo Như Liên hóa thân vào hàng Bồ Tát đã nhập cõi niết bàn và một dấu chân Phật trên phiến đá khá lớn…

Lên đây tôi cũng được biết thêm những truyền tích đẫm màu huyền bí. Đó là huyền thoại về hang Tiền, hang Gạo, là dấu chân Phật, bàn cờ tiên, phía xa kia là câu chuyện cảm động về vũng Chị, vũng Em, núi Hàm Rồng, giếng Cần…

Quan trọng hơn, tôi đã tìm được cho mình những giây phút thật thư thái, yên bình. Được lắng nghe tiếng chuông chùa ngân dài theo tiếng gió, tiếng ếch, nhái, côn trùng, chim muông hòa quyện cùng núi rừng và hoa cỏ ngát hương…

Du lịch, GO! - Theo Hồng Ngoan (Dulich Tuoitre), internet
Đến với núi rừng Trường Sơn hoang dã thuộc huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam), bạn sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ đọt mây (c’rêê, ha’vây) là món ăn ưa thích, hấp dẫn, lạ miệng của đồng bào Cơ Tu, nhất là trong dịp tết đến xuân về.

< Đọt mây.

Mây thường mọc thành bụi ở các khu rừng thâm u trên dãy Trường Sơn với hàng chục loài mây như mây song, mây nước, mây voi…

Có dây mây mọc dài đến hàng chục mét. Muốn lấy đọt phải rút sợi mây xuống, có khi phải huy động nhiều người mới rút nổi sợi mây để lấy đọt.

Mùa xuân, cây cối trên dãy Trường Sơn đâm chồi nảy lộc với những rừng mây xanh tốt mỡ màng. Lúc bấy giờ, đồng bào vào rừng bứt mây về bán lấy tiền mua sắm trong những ngày tết. Sẵn dịp, họ mang một số đọt mây về nhà chế biến các món ăn. Mây trên Trường Sơn có nhiều loài khác nhau, nhưng chỉ có loại mây voi là được ưa chuộng nhất bởi nõn nó ăn giòn, béo và vị ngọt, đắng nhẹ.

Đọt mây được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như các món xào, hấp cơm, nướng chín với lửa than hoặc giã nát nấu với thịt khô hoặc cá khô trong ống tre là món canh ngon nhất của đồng bào.
Đối với mây nước, chỉ cần khoảng 20 đọt ngọn mây là vừa một nồi canh ăn cả nhà. Đầu tiên, bóc lớp vỏ ở đọt mây ra, lấy nõn non xắt và ngâm qua nhiều nước cho hết nhựa đỏ, đến nước cuối cùng thì thêm chút muối cho bớt đi vị chát sau đó chế biến các món ăn.

Người Cơ Tu dùng nõn mây xắt ra xào (ađiing) với mỡ hoặc dầu ăn, có hương vị rất riêng mà không có loại đọt cây nào có được. Món đọt mây nướng (bóh) được vùi dưới than hồng giống như nướng củ sắn tươi có hương vị rất thơm, bùi và không dai vì còn giữ được nước. Đọt mây nướng phải ăn với muối hột giã với tiêu rừng (amất) mới “hợp gu”. Ngày nay, rừng càng ngày càng hẹp lại. Muốn ăn đọt mây, đồng bào phải đi rất xa, do đó đọt mây trở thành sản vật hơi hiếm.

Đặc biệt, món cháo bột sắn nấu với nõn mây của người Cơ Tu được chế biến như sau: Dùng sắn tươi bào ra bột hoặc sắn xắt lát phơi khô, sau đó bỏ vào cối giã thành bột để làm bánh hoặc nấu cháo (apưr). Lấy bột sắn hòa với nước nấu khoảng 8 – 10 phút cho cháo chín.

Khi nấu nhớ dùng đũa bếp quấy đều để tránh khét, sau đó cho nõn mây, cá vụn như tôm, tép cá đá, ốc đá… bỏ thêm rau tươi (ađhớc hay anệêng), muối, mì chính, tiêu rừng, ngò tàu (abắt) thành món ăn thơm ngon, khoái khẩu. Người già “rụng răng” rất thích ăn món này vì không cần nhai.

Những người già Cơ Tu thường nói: ”Đọt mây song ăn nhiều không bị nặng bụng như măng. Ngoài ra, nõn mây thường được đồng bào nơi đây dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng, nhất là trong dịp tết, ăn uống, tiếp đãi nhiều. Người con rể Cơ Tu hiếu thảo khi thường xuyên nấu cho bố mẹ vợ món cháo apưr này vì những người già chúng tôi đều đau răng, rụng răng, món này dễ húp…”.

Du lịch, GO! - Theo Tùng Sơn (Vĩnh Long Online), internet
Bắt nguồn từ núi Chiến, suối Ba Li là một trong hệ thống các suối Tranh, suối Thượng (núi Chà Pau), suối Rích, suối Cóc (núi Nhọn)… đổ nước về hồ chứa nước Cam Ranh, nơi cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 30km về phía Nam, trên địa bàn hai xã Cam Tân và Cam Hòa, thuộc huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Suối Ba Li là một điểm du lịch nổi tiếng của huyện Cam Lâm. So với các suối khác, đây là nơi thuận tiện đi lại, vui chơi cắm trại, và còn tương đối hoang sơ nên đảm bảo được yêu cầu sinh thái, nghỉ ngơi, dã ngoại...

< Đường vào suối Ba Li

Có nhiều đường đi đến suối Ba Li. Từ trung tâm thành phố Nha Trang xuôi Quốc lộ 1A, đến địa phận huyện Cam Lâm, đi khoảng một cây số, có tấm bảng lớn chỉ đường vào làng xã hội Cam Tân, rẽ theo đường này đi khoảng 3km là đến suối Ba Li.

Đường vào suối được láng nhựa, băng qua làng mạc, ruộng đồng thanh bình và yên ả. Gần đến khu vực suối, khách sẽ thấy hồ Ba Li và không khí bắt đầu mát mẻ. Từ đập tràn, mặt nước hồ trải ra xanh ngút mắt. Bên kia hồ là cánh rừng dày đặc, xanh um. Càng đi, không khí càng dịu mát.

Vào điểm gửi xe máy, khách bắt đầu thả bộ xuống đập tràn, từ đây có nhiều con đường mòn rẽ nhánh lên suối. Đi theo những con đường mòn này vào rừng, chưa đến một cây số là có nơi để cắm trại.

Chọn một bãi cát bên kia suối, khách bắt đầu xắn quần lội qua. Đá nhiều rêu, dễ trơn trợt, tuy nhiên, nước không sâu lắm, chỉ quá đầu gối một chút. Người chịu ướt thì bước qua dễ dàng, còn không thì bước trên đá cho đồng đội kéo qua.

Sang tới “bãi bồi”, nhóm du khách tụ tập dưới một tán cây to, bóng nắng chỉ xuyên qua lốm đốm. Trải tấm bạt, “đội hậu cần” bắt đầu chuẩn bị món ăn. Gà làm sẵn từ nhà, lấy gia vị ra ướp. Một nhóm khác đi kiếm củi khô. Trong chốc lát, một con gà đã nằm trên giàn nướng. Bếp gas mini cũng đang đỏ lửa để nấu một nồi lẩu gà lá… me hái trong rừng. Kết hợp với đồ ăn nguội mang theo là đã có bữa trưa đơn giản giữa rừng.

Ăn xong, cả nhóm nằm lơ mơ trên đá ngủ, một vài người thơ thẩn dọc bờ cỏ cây, rồi đi tắm suối, chơi trò chơi hay thám hiểm rừng…

Rừng ở đây có một loài hoa màu trắng nhỏ xíu, mọc thành từng vạt, lấp lánh trong nắng, rất đẹp. Thậm chí bạn chỉ cần nằm trên một tảng đá và ngắm mây trời, nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót bên tai cũng đã là một sự thư giãn tuyệt vời.

Chiều xuống, cả nhóm “thanh toán” cho bằng hết số thức ăn còn lại, thu dọn “chiến trường” sạch sẽ, lên đường về lại phố. Một ngày được sống giữa thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá, chim muông, nước chảy, mây trôi đã qua...

Du lịch, GO! - Theo Bình An (Phụ Nữ Online)

Hoang sơ suối Ba Li - Khánh Hoà

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống