Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 16 April 2013

Leo lên đỉnh Phu Song Sung, Yên Bái mùa khô đã khó, đi vào trúng đợt rét đậm rét hại, trời sương mù mịt còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.
Con đường mòn khúc khuỷu bình thường bỗng trở nên trơn trượt như bôi mỡ. Cây cối đóng băng, gió thốc như muốn thổi tung người. Nhưng cái máu "ngông", ưa thử thách bản thân đã khiến chúng tôi quyết định thực hiện chuyến du lịch leo núi vào một ngày đông lạnh giá cũng chính là cơ hội trải nghiệm những điều thú vị hiếm hoi.

Chúng tôi đến xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, Yên Bái sau gần một ngày chạy xe máy từ Hà Nội. Trời mùa đông đã bắt đầu nhá nhem tối. Do đã liên lạc trước với Giàng A Sinh, nên chúng tôi đến thẳng nhà ông bí thư xã này.

Tới muộn nên ông Sinh bảo không thể lo cho cả đoàn mười người chỗ ăn, ngủ. Ông bảo, trước đoàn chúng tôi cũng đã có hai, ba đoàn tới đây rồi nhưng không thể leo được vì trời quá nhiều sương mù, ẩm ướt, thậm chí trên núi đã có băng. Nhưng chúng tôi nghĩ, đã đến được đây rồi mà quay về, không tới được đích là phí phạm một kì nghỉ; nên cả nhóm khăng khăng đề nghị ông giới thiệu người dẫn đi.

Ông bảo chúng tôi xuống nhà anh Thào A Măng nghỉ đêm và hôm sau anh ta sẽ dẫn đường cho chúng tôi luôn. Chỗ nghỉ chỉ là cái một cái nhà tạm, không có giường chiếu gì. Nấu nướng, ăn uống xong, cả nhóm trải túi ngủ ra nằm. Căn nhà trống đủ cho gió tự do lùa vào. Rét run cầm cập, mọi người hầu như suốt đêm không ngủ, chỉ mong trời mau sáng để leo lên đỉnh.

Sáng sớm, chúng tôi khởi hành trong tình trạng sức khỏe không được sung mãn nhất vì trải qua một đêm mất ngủ. Sương mù vẫn phủ xuống mờ mịt, lẫn trong đó là những hạt mưa bay bay, gió thốc buốt lên tận đầu, dấu hiệu cho một ngày vất vả. Hai người Mông vừa dẫn đường vừa vác thực phẩm và đồ dùng của cả đoàn. Chúng tôi cũng chỉ mang theo những gì đơn giản nhất trên người, túi ngủ, nước, đồ ăn. Xe máy được gửi lại lán của những công nhân làm trong khu khai thác mỏ.

Thời tiết nghiệt ngã

Từ đây, đã thấy những dốc núi dựng đứng, leo lên đầu phải chạm gối, chỉ có đi lên đến vô tận, không có điểm xuống. Vượt hơn chừng cây số, lên trên một đỉnh núi cao, chúng tôi thấy một đoàn cũng đang dựng lều, cắm trại nấu ăn. Đoàn này đã tới từ hôm qua nhưng do trời nhiều sương, mù mịt nên quyết định bỏ cuộc, không leo nữa. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi nên cũng cứ thế mà leo lên.

Anh Măng, người dẫn đường cho chúng tôi bảo, tuần nào anh cũng leo lên đỉnh này để xem đàn gia súc nhà anh thả rong trên đó như thế nào. Anh gọi đỉnh Phu Sung Song là đỉnh Cột Cờ. Người Mông còn gọi đỉnh núi này bằng cái tên khác là Chung Chua Nhà (đỉnh núi có nhiều kim loại). Trước kia trên đỉnh núi có dựng một cột cờ lớn để đánh dấu đỉnh cao nhất của dãy núi này. Nhưng giờ không còn nữa, chúng tôi có muốn xem cũng không được.

< Chặng dừng chân đầu tiên sau bốn tiếng đồng hồ leo núi.

So với đỉnh Fanxipan, Phu Song Sung thấp hơn, vào khoảng 2.955 mét so với mực nước biển, nhưng độ khó thì hơn Fanxipan rất nhiều lần vì toàn dốc đứng lên, không có những khoảng nghỉ như leo Fan. Trời nhiều mù nên cũng chẳng thấy gì nhiều, chỉ thấy chân mình đi qua hết con núi đến con núi khác, dò dẫm trên con đường mòn ướt đẫm nhỏ tí dành cho bò, dê đi đã trở nên trơn trượt, nhão nhoẹt. Đoàn chúng tôi thay nhau trượt ngã, có những đoạn anh dẫn đường phải dùng một cây gậy kéo từng người một lên khỏi đoạn dốc trơn.

Khó nhọc leo lên từng con dốc một, nhưng mệt quá dừng lại nghỉ lâu một chút là cái lạnh bắt đầu ngấm vào người nên chúng tôi có mệt cũng không dám nghỉ lâu, cứ dò dẫm đi về phía trước. Càng lên cao gió thốc càng mạnh. Có những đoạn gió thổi bay đi đám bây mù, để lộ ra khoảng rừng rậm xanh rì, những ngọn núi hùng vĩ. Cả đoàn chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước cảnh tượng tuyệt đẹp của thiên nhiên. Nhưng chỉ được một khoảnh khắc rất nhanh sương mù lại che kín tất cả.

Khoảnh khắc kỳ diệu

< Sương bám trên chùm lá non đông thành băng trông như chùm hoa thủy tinh trong suốt.

Qua vùng rừng thấp mịt mù, chúng tôi leo lên những triền núi cao hơn, hai bên là vực sâu thăm thẳm, gió thổi mạnh như muốn hất tung người chúng tôi. Có những đoạn gió mạnh quá, chúng tôi phải thụp người xuống lùm cây nhỏ để tránh gió. Những con đường sống trâu tưởng chừng như dài vô tận. Lúc đó, chúng tôi mới biết cảm giác sợ chết là như thế nào. Chỉ cần hẫng chân và gió đẩy một chút là có thể rơi xuống hai bên vực sâu thăm thẳm!

Sương mù dày đặc nên chỉ nhìn thấy những con đường mờ mờ phía trước. Nhiệt độ xuống thấp đến độ cây cối đóng băng. Có thể lấy ra một lớp băng từ trên những chiếc lá. Cây cối nhuốm màu trắng bàng bạc. Giữa sương giá như vậy, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp những bông hoa dại nở đẹp rực rỡ. Những cơn gió mạnh cứ liên tục đẩy những đám mây mù đi làm cho khung cảnh thiên nhiên không ngừng thay đổi. Có những khoảnh khắc, bầu trời bỗng nhiên sáng bừng lên, để lộ những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên những đỉnh núi xanh mướt.

< Trên đường lên đỉnh, thỉnh thoảng, gió xua hơi mù đá núi, để lộ những đám mây trắng bồng bềnh tuyệt đẹp giữa núi non hùng vĩ.

Ở độ cao 2.400 mét, giữa không gian mênh mông, hùng vĩ như vậy, chúng tôi thấy mình thật nhỏ bé. Không gian tĩnh lặng đến kỳ lạ, chỉ nghe thấy tiếng chim và tiếng bước chân dồn dập, tiếng thở nặng nhọc của chúng tôi. Nếu đi quá cách xa nhau, chúng tôi chỉ cần đứng trên đỉnh núi này hú lên, là nhóm kia ở đỉnh bên kia có thể nghe thấy rõ mồn một. Cảm giác yên tĩnh đến rợn người.

Chúng tôi cứ thế cắm đầu leo lên ròng rã từ 7 giờ sáng đến tận chiều. Đôi chân đã mỏi nhừ nhưng vẫn chưa thấy đích đến đâu. Đoạn đường cuối cùng chỉ có thể đi bằng ý chí, mặt cắm xuống đất, lê từng bước một. Trời đã bắt đầu tối và vẫn sương mù mịt nên có lên đỉnh cũng không thể nhìn ngắm thấy gì. Chúng tôi quyết định chỉ đi tới lán chăn gia súc của gia đình bác Sinh. Từ lán còn phải mất gần tiếng đi bộ mới lên tới đỉnh.

< Suốt chặng đường lên đỉnh không hề có đoạn đi xuống, chỉ leo hết ngọn núi này đến ngọn núi khác.

Cả bọn đang thất thểu đi về lán, bỗng dưng chúng tôi thấy sáng rực ở chân trời. Giống như một điều kì diệu, nắng bỗng xuất hiện trên đỉnh núi, giữa lòng thung lũng là biển mây trắng bồng bềnh. Những tia nắng phản chiếu làm lóe lên nhưng tia sáng lấp lánh như pháo hoa. Khoảnh khắc chỉ diễn ra trong chớp mắt, rồi lại bị mây mù bao phủ. Chúng tôi không kịp lôi máy ảnh ra chụp. Nhưng cảm giác lâng lâng thì vẫn còn. Cứ ngỡ như mình đang ở một chốn thần tiên nào đó. Lúc trước, chúng tôi vẫn tiếc là mình không đi vào một ngày đẹp trời lắm. Nhưng chứng kiến bức tranh tuyệt đẹp đó chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi cũng đủ bù đắp cho tất cả những khó khăn mà chúng tôi phải trải qua.

Hành trình của ý chí

< Lán gỗ dành cho gia súc tránh rét của gia đình ông Giàng A Sinh, bí thư xã xã Xà Hồ.

Lúc này, khu lán trại của ông Sinh đã hiện ra mờ mờ ở phía xa. Chúng tôi như có động lực để tăng tốc. Khu lán nằm lọt thỏm giữa khoảng đất bằng phẳng, xung quanh núi bao phủ. Gió thốc vào như muốn thổi tung từng mảnh gỗ. Toàn bộ đều là nơi để gia súc tránh rét, chỉ có một tầng trên được ghép tạm bợ bằng những miếng gỗ để cho người trú.

Cảm giác như ngôi nhà đang rung rinh kẽo cọt trong gió. Thế mà vào bên trong lại rất ấm. Cứ tưởng tượng nếu không có cái trạm này, cả đoàn mắc lều cắm trại chắc chắn sẽ bị thổi bay đi lúc nào không biết. Đoàn chúng tôi đến trước, một lát sau cũng có một đoàn khác đến cùng tá túc trong cái lán bé tí xíu. Chúng tôi chia đôi ra, mỗi bên một nửa, nằm quanh bếp lửa. Đêm xuống, chỉ nghe tiếng gió rít xuyên qua những phiến gỗ và tiếng lửa kêu tí tách, tiếng gió đưa đẩy những chiếc lục lạc của đám gia súc kêu leng keng.

Mùa đông khắc nghiệt không còn lạnh lẽo nữa, bởi hơi ấm của người, bởi cảm giác đã làm được một cái gì đó, đã trông thấy những cảnh tượng tuyệt đẹp. Chúng tôi có một đêm ngon giấc trong giấc mơ ngọt ngào.

Buổi sáng, cả hai đoàn cùng sẵn sàng leo lên đỉnh. Khoảng cách chỉ chưa đầy một tiếng đi bộ. Nhưng trời vẫn mù mịt. Cả đoàn cặm cụi leo lên đỉnh nhưng cũng chẳng nhìn thấy gì nhiều hơn ngày hôm qua. Đành tiếc rẻ bắt đầu leo xuống, hứa với lòng mình sẽ trở lại, leo lên đỉnh vào một ngày ánh nắng tràn ngập để thấy mình như nằm trên mây, bồng bềnh trôi; để nhìn thấy phía dưới kia, chân núi thăm thẳm xanh mướt và hít căng tràn lồng ngực không khí buổi sớm tinh nguyên.

Chặng đường đi xuống cũng vất vả không kém. Hết đổ dốc này, đến dốc khác. Có những lúc không phanh lại được trước con dốc dựng dứng, cứ lao người chạy xuống. Đầu ngón chân bám vào đường sưng tấy lên. Chúng tôi thử tất cả các kiểu đi xuống, đi ngang, đi dọc và cuối cùng là lết xuống bằng... mông. Thế mà vẫn có vài người ngã lăn lông lốc. Hai đầu gối tôi run lẩy bẩy, trong đầu chỉ lẩm nhẩm “Dê leo được, mình cũng leo được” để tự khích lệ quyết tâm.

Trong khi đó, anh Măng chỉ mang đôi ủng nhựa lại đi nhẹ nhàng như không. Nhìn anh leo xuống thoăn thoắt giống như con sóc. Chúng tôi có động lực để đi xuống. Giống như kiểu đi nhiều sẽ quen chân thôi.

Cuối cùng, chúng tôi cũng xuống được tới chỗ gửi xe, người ngợm quần áo bẩn thỉu nhưng bù lại mặt ai cũng tươi rói. Cuối cùng, cũng đã chinh phục được mục tiêu. Quan trọng hơn cả, như người ta vẫn nói, “Niềm vui là hành trình, chứ không phải là điểm đến”. Cả chuyến đi, mỗi người chúng tôi đều có trải nghiệm của riêng mình và cảm giác đã vượt qua chính bản thân mình.

Du lịch, GO! - Theo Lê San (Thesaigontimes), internet
Trước đây bà con phật tử thường gọi Thiền viện Đông Lai (khóm Xuân Phú, thị trấn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là chùa Phật Nằm. Về sau, chùa lại được bá tánh gần xa gọi bằng một cái tên nôm na, gần gũi là chùa Bánh Xèo.

< Đông Lai thiền viện trước khi xây mới, thường được dân chúng địa phương gọi là chùa Phật Nằm hoặc gần gũi hơn là chùa Bánh Xèo.

Có tên gọi chùa Phật Nằm là vì bên phải chùa có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, trong tư thế nằm nghiêng với chiều dài 6 mét. Trong khi xây mới chánh điện, thượng tọa Thích Thiện Chí cho xây dựng đài Quan Âm bên trái chánh điện, gồm tượng Quan Âm Bồ tát, sau lưng tượng là hòn non bộ có dòng nước mát ngày đêm chảy róc rách.

Thiền viện Đông Lai xây mới (dự kiến khánh thành vào ngày 13 tháng 3 năm Quý Tỵ, nhằm ngày 22-4-2013), kiến trúc theo phong cách chùa chiền Việt Nam với ba lớp mái nhỏ dần, với những hình tượng đầu đao truyền thống. Trước hàng hiên tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: “Hoằng pháp vi gia vụ / Lợi sanh vi bổn hoài”. Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: “Đông độ Tây thiên trụ đại pháp / Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai”, tạm dịch nghĩa: Tây thiên là nơi đất Phật, người có duyên đến sẽ thoát được não phiền. Cặp đối này mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: “Đông” và “Lai”. Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai. Chánh điện sắp xếp khá hiện đại với hương án thờ Tam thế chư Phật, gọn gàng, thếp vàng lộng lẫy, uy nghi. Dọc dài hai bức tường là phù điêu Thập bát La hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật.

< Chánh điện Đông Lai thiền viện được xây mới hoàn toàn, bên phải ảnh là đào Quan Âm và hòn non bộ.

Việc xây mới, nới rộng khiến chùa thêm ngăn nắp, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Phía sau chánh điện là nhà ăn, có hai khu vực. Khu vực ngoài sắp 20 bàn (200 ghế). Bên trong 10 bàn (100 ghế). Bàn ghế bằng inox sáng bóng. Trên bàn luôn để sẵn chén, đũa, dĩa, muỗng, hũ nước chấm chanh đường, hũ tăm xỉa răng, chén ớt... Phía trong cùng là khu vực bếp, gồm nơi rửa chén dĩa, đũa muỗng, nơi làm nhưn bánh xèo, nơi nấu cơm và thức ăn. Tất cả đều được lót gạch men sáng bóng. Khu vực đổ bánh xèo nằm bên phải chánh điện, cách một lối đi, vừa phân biệt vừa giúp tránh gây nóng nực cho nhà ăn, nhà bếp.

Nơi đổ bánh xèo có bốn nhóm, mỗi nhóm có hai hoặc ba người, anh Ngô Văn Vũ (31 tuổi, đổ bánh xèo cho chùa khoảng 5 năm nay) cho biết. Một người đổ bánh mọt lúc 10 chảo, sắp hình vòng cung; một người phụ việc, chuyển bánh lên nhà ăn. Khi có khách đến lập tức bếp lửa cháy phừng phực, các đầu bếp rộn ràng vào việc ngay. Bánh xèo được đổ liên tục, đáp ứng nhu cầu. Nhìn “thợ” đổ bánh xèo làm việc nhanh nhẹn, khéo léo, ai cũng quên cái nóng bức của bếp lò. Đáng quan tâm là khu nhà vệ sinh được tách biệt với khu chánh điện, nhà bếp. Nhà vệ sinh lót gạch men bóng láng, khách bước vào đều để giày dép bên ngoài...

< Anh Ngô Văn Vũ “tả xung hữu đột” với 10 chảo bánh xèo nóng lửa.

Cô Trương Thị Kim Thùy, 32 tuổi, phụ trách bếp cho biết việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999, khi thượng tọa Thích Thiện Chí về trụ trì, nhân kỷ niệm ngày sư ông cất chùa viên tịch. Tất nhiên, sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, từ đó nhà chùa đổ bánh xèo phục vụ khách hằng ngày. Cô tâm sự, sáng nào cô cũng đều ra chợ thị trấn Tịnh Biên mua rau cải, gạo, củi... Biết chùa làm việc thiện, một số người bán hàng “hiến cúng” một số rau cải, giá, đậu...

Đặc biệt, vào mùa mưa, một số phật tử lên núi hái ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… đem “cúng”. Đây là những loại rau rừng ngoài việc giúp thực khách ngon miệng với món bánh xèo, còn giúp họ bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh. Đặc biệt, vào các ngày rằm, mồng Một âm lịch, chùa có phục vụ bánh tét cho khách thập phương, có hôm lên đến 800 - 900 đòn/ngày. Phần việc nầy do bà con phật tử ở địa phương tự nguyện đến chùa gói và nấu bánh. Ngoài bánh xèo, bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Những đoàn khách hành hương muốn dùng cơm chay cần đặt trước.

< Từ 6 giờ sáng đến 7 - 8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng có thể ăn bánh xèo mà không cần đặt trước.

Từ 6 giờ sáng đến 7 - 8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng có thể ăn bánh xèo mà không cần đặt trước. Khi khách ít, người phục vụ liên tục chuyển bánh đến. Những lúc khách đông, khách phải tự mình xuống bếp mang bánh lên. Những ngày khách viếng chùa đông, những người làm công quả lâu năm đều biết nên mạnh ai nấy tới lãnh một vài nhiệm vụ. Nhà ăn có 30 bàn với 300 ghế, vậy mà ngày rằm, mồng Một hoặc lễ vía lớn, lúc nào cũng “hết chỗ”, khách phải đứng chờ.

Nhờ lực lượng làm công quả mà việc phục vụ ăn uống cho khách lúc nào cũng khá chu tất. Càng chu đáo hơn, sau khi khách ăn (cứ ăn thoải mái đến no bụng thì thôi) xong còn được tráng miệng bằng ly cà phê đá. Bà Vương Thị Kim Loan, khách hành hương từ Long An, nhận xét: “Ăn uống hoàn toàn miễn phí, nhưng bánh xèo cái nào cũng giòn rụm, ngon hết ý. Cà phê đá đắng ngọt không thua quán xá. Đáng ca ngợi nhất là thái độ phục vụ của những người làm công quả, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình với khách”.

< Vào các ngày rằm, mồng Một, chùa có phục vụ bánh tét cho khách thập phương, có hôm lên đến 800 - 900 đòn/ngày. Phần việc nầy do bà con phật tử ở địa phương tự nguyện đến chùa gói và nấu bánh.

Hơn thế nữa, việc phục vụ ăn uống miễn phí của chùa còn giúp giải quyết bữa ăn cho một số người nghèo khó ở địa phương, như những người lao động chân tay, bán vé số dạo. Cô Đoàn Thị Luyến, 32 tuổi, vừa ăn bánh xèo vừa tâm sự: “Nhờ có bánh xèo và cơm mà tôi no bụng sáng chiều. Tiền bán vé số tôi trích vài ngàn cúng chùa, phần còn lại đem về lo cơm nước cho hai đứa con và thuốc men cho ông xã bị bịnh sạn thận. Chùa tổ chức đổ bánh xèo là việc làm phước đức rất đáng trân trọng”.

Vâng, phục vụ bánh xèo, bánh tét của Thiền viện Đông Lai là một việc làm phúc đức, một hạnh từ bi theo chánh pháp nhà Phật. Chính vì vậy mà Thiền viện Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương, ngoài khách khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam bộ, Tây nguyên. Và, khu nhà bên kia đường trước chùa ngày càng sầm uất với hàng quán khang trang, sân chùa lúc nào cũng có xe đò, xe khách vãng lai đậu thành hàng.

Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều, Cúc Tần (TBKTSG Online)

Monday, 15 April 2013

Không có vẻ đẹp huyền bí, lộng lẫy được tạo bởi những khối thạch nhũ như các hang động có nguồn gốc đá vôi tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, những hang dơi tại khu vực rừng giá tỵ nằm dọc quốc lộ 20 (thuộc địa bàn 2 huyện Định Quán và Tân Phú - Đồng Nai) còn giữ được nhiều nét nguyên sơ.

< Chỗ rộng nhất của hang dơi.

Nhóm hang động này đang được nhiều người biết đến khi nắm giữ một kỷ lục mới về hang động có nguồn gốc dung nham tại khu vực Đông Nam Á.

Từ những thông tin do Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin (Đức) cung cấp, chúng tôi đã tìm đến các hang dơi tại khu vực này để cùng trải nghiệm và tìm hiểu những nét hoang sơ, mang nhiều màu sắc huyền bí tại đây.

Bí ẩn hang Dơi

Ông Đỗ Hữu Đức, Trưởng trạm giống nông nghiệp La Ngà (thuộc Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Nam bộ), cho biết, nằm sâu bên trong lòng đất, ngay dưới khu rừng giá tỵ chạy dọc theo hai bên quốc lộ 20 có 7 hang dơi.

< Miệng hang rộng đủ để nhiều người chui qua cùng lúc.

Ẩn khuất trong nương rẫy của nhiều hộ nông dân thuộc các xã: Phú Lợi, Phú Tân (huyện Định Quán) còn có thêm 4 hang dơi nữa. Những hang động này đều có điểm chung là hầu như chỉ có dơi sinh sống. Có lẽ vì thế mà khi phát hiện, người dân nơi đây gọi chúng là những hang dơi.

Dẫn chúng tôi vào thám hiểm hang dơi nằm trên phần diện tích đất canh tác của một gia đình thuộc thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú (đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Tân Phú và Định Quán), ông Nguyễn Văn Trạng (ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán), cho biết: “Tôi đã từng hướng dẫn cho nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, khảo sát các hang dơi ở khu vực này từ năm 2005. Tuy nhiên, tôi cũng không dám mạo hiểm tìm hiểu hết những hang động nơi đây bởi mỗi hang còn đang ẩn chứa nhiều điều huyền bí.

< Sơ đồ miêu tả ngăn hang Dơi 1 (vòng cung bên trên - cave 1) và hang Dơi 2 (cave 2). Hình tròn ở giữa là đoạn đứt gãy mà nếu tính cả đoạn này, hang Dơi 1 là hang động dung nham dài nhất Đông Nam Á.

Càng đi vào sâu bên trong mức độ hiểm nguy, cộng với môi trường sống khắc nghiệt (thiếu khí oxy, thiếu ánh sáng, chênh lệch nhiệt độ với môi trường bên ngoài…) càng lớn.  Do đó, nếu không có những thiết bị hỗ trợ cần thiết, thì rất dễ làm chùn chân, thậm chí gây nguy hiểm cho bất cứ ai muốn khám phá các hang động nơi đây”.

Để chuyến đi vào hang dơi được an toàn, ông Trạng phải chuẩn bị một loại đèn soi đội đầu và một cây đèn măng-sông lớn. 3 giờ chiều, chúng tôi bắt đầu tiến vào hang dơi nằm trên phần đất của ông Trạng. Miệng hang ở đây rộng hơn 3 m, 2 - 3 người có thể chui vào cùng lúc. Mới vào bên trong, mùi hôi đặc trưng của phân dơi ngay lập tức xộc vào mũi.

Bên trong hang, nhiều đoạn rộng gần chục mét, cao hơn 4m, nhưng cũng có đoạn lối đi hẹp, thỉnh thoảng lại có những ụ đất, đá chắn ngang khiến cả đoàn phải khom người, rồi bò mới qua được. Trên suốt quãng đường dài hơn 300 m (tính từ miệng hang), đâu đâu cũng thấy những con dơi treo mình trên trần hang. Bị ánh đèn soi chói mắt, chúng đồng loạt vỗ cánh bay loạn xạ.


Theo tài liệu báo cáo khảo sát vừa thực hiện tại các hang động này của Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin, các nhà khoa học còn tìm thấy sự sống phong phú với nhiều chủng loại động vật khác, như: các loài động vật thuộc nhóm nhện, rết, bọ cạp, dế hang, ruồi, nhiều loài ếch nhái, động vật có vú, cùng những rễ cây to  của rừng giá tỵ ăn sâu xuống đây.


Ở km 123 và km 122 Quốc lộ 20, đi về phía bên trái, vào khoảng 150 m (tính theo hướng từ Dầu Giây đi Đà Lạt), chúng tôi đã có chuyến thám hiểm tại 3 trong tổng số 7 hang dơi nằm bên trong khu rừng giá tỵ (thuộc huyện Định Quán). Tại những hang này, bên cạnh những miệng hang lớn còn có những hang rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người có thể trạng trung bình chui lọt qua.

“Tất cả những hang dơi nằm ở bên trong khu rừng giá tỵ và các hang dơi khác nằm trên phần đất của các hộ dân trong khu vực có đặc điểm giống nhau, là đều được hình thành từ những dòng chảy dung nham núi lửa hoạt động từ thời xa xưa với vô số những con dơi trú ẩn bên trong. Trong đó, có nhiều hang đã được phát hiện là ăn thông với nhau” - ông Trương Bá Vương, thành viên đoàn khảo sát (Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam), cho biết.

Cần được bảo tồn

Hệ thống hang động tại Đồng Nai không nhiều. Tuy nhiên, theo tài liệu của Viện Sinh học nhiệt đới và Hội Hang động Berlin, chỉ tại địa bàn thuộc 2 huyện Định Quán và Tân Phú, đoàn đã tiến hành khảo sát tổng cộng được 11 ống/hang dung nham với tổng chiều dài 1,8km.

“Trong số này, hang động dài nhất được tìm thấy là hang dơi được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gẫy tạo ra 2 hang: hang dơi 1 và hang dơi 2 (tại km 122). Trong đó, hang dơi 1 có chiều dài là 426 m, nơi được ghi nhận là rộng nhất của hang này có chiều cao lên tới 4 m và chiều rộng 10 m” - ông Vương cho biết thêm.

< Scutigère: Loài Thereuopoda longicornis (Fabricius 1793)

Đây quả là một sự ưu ái của thiên nhiên đối với khu vực 2 huyện miền núi của tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển và bảo tồn những món quà thiên nhiên ban tặng và còn mang nhiều nét nguyên sơ, mới lạ này rất cần các nhà khoa học, các ngành chức năng tiến hành nghiên cứu làm rõ và có hướng bảo vệ thích hợp. Bởi hiện nay, theo phản ánh của nhiều hộ dân, hàng ngày vào lúc chập choạng tối, khu vực này có nhiều đoàn người xách theo đèn pin, lưới mắt cáo tìm đến các cửa hang để bắt dơi.

Ông Nguyễn Văn Trạng cho biết, trước kia thịt dơi chỉ dùng để chế biến thức ăn của người dân trong những ngày nông nhàn. Nhưng hiện nay, những món ăn chế biến từ thịt dơi đã trở thành đặc sản. Chính vì bị đánh bắt thường xuyên nên nhiều đàn dơi đã chọn cách chuyển đến các hang động tại những địa phương khác để sinh sống. Điều này đã làm cho một số hang trong vùng không còn cảnh sinh sống đông đúc của dơi như trước.

< Amblypyge: Loài Phrynichus orientalis - Weygoldt,1998

Ông Trương Bá Vương (Nghiên cứu viên, Viện Sinh học nhiệt đới (thuộc Viện hàn lâm Khoa học - công nghệ Việt Nam), thành viên đoàn khảo sát:

Với kết quả tìm được thì hang động dơi tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện Tân Phú và Định Quán sẽ trở thành hang dung nham dài nhất khu vực Đông Nam Á tính cho đến thời điểm hiện nay (dài hơn ống dung nham Gua Lawah có chiều dài 400 m của Indonesia). Phát hiện này dự kiến sẽ được Hội Hang động Berlin xuất bản thành một báo cáo đầy đủ bằng tiếng Anh, bao gồm: phần bản đồ và phần mô tả về các hang động. Dự kiến sẽ được xuất bản trên ấn phẩm Speleological Berlin Speleoclub của hội.

Bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch):

< Loài Dơi, có thể loài cf. Hipposideros pomona

Đã từng dẫn nhiều đoàn học sinh, sinh viên của nhiều trường đại học trong khu vực Đông Nam bộ đến tìm hiểu và nghiên cứu tại hang dơi ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán, tôi nhận thấy những địa điểm này rất có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm hang động. Đây là hoạt động sẽ góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà đến với bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để có thể biến mong muốn đó thành hiện thực thì đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu khoa học cần thực hiện nhiều đợt khảo sát để đánh giá mức độ an toàn, tác động của du lịch đối với môi trường sinh thái.

Du lịch, GO! - Theo Văn Truyên (Đồng Nai Online), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống