Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 20 April 2013

Ít ai biết rằng người Mông ở Sa Pa, Lào Cai lại có một nghề rất độc đáo là đi săn cá trên dòng suối Mường Hoa vào dịp cuối năm và nắng mới đầu xuân. Những cuộc đi săn cá vào dịp này vừa mang ý nghĩa biểu tượng vừa để kiếm miếng ăn.

Vào khoảng 9 h sáng, khi cái nắng đầu xuân ở Sa Pa trải vàng từng bừng, trời xanh bát ngát, từng đám mây vội vã trôi trên nền trời bởi những ngọn gió vi vu thôi. Dòng Mường Hoa mùa cạn nước những vẫn lấp lánh vươn mình giữa thung lũng. Đi theo đám trẻ người Hmông ở thôn Lý Lao Chải, xã Lao Chải. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các em nói là đi săn cá với “bộ đồ nghề” chẳng giống ngư dân chút nào.

Mỗi em vác một chiếc xà beng dài khoảng 60cm, một cái đó tre và một cái ống đựng cá làm từ chai nước suối Lavie. Các em đã bật cười khi tôi hỏi, đi đánh cá sao không mang lưới mà lại mang xà beng? Lý A Giơ cho biết, đánh cá ở đây phải có xà beng mới bắt được cá! Chú muốn xem thì đi xuống suối theo chúng cháu.

Những cảnh đánh bắt “độc nhất vô nhị”

Lục tục cả gần chục đứa trẻ độ tuổi từ 10 – 13 tuổi, kéo nhau xuống suối, chúng đi dàn thành hàng ngang trên mặt suối, khua nước đuổi cá.


< Vào ngày cuối năm hoặc đầu năm, nghề săn cá ở Mường Hoa rất tưng bừng.

Thấy động cá chui vào các khe đá, lũ trẻ bắt đầu dùng xà beng bẩy đá và đặt đó chặn xung quanh, cứ 2 -3 đứa quây một tảng đá rồi cùng xục xà beng ra sức bẩy.

Cá bị dồn mạnh lên chạy lao toán loạn ra, có lẽ cá suối thường tìm hang tìm lỗ để ẩn lấp nên chúng cứ nhằm vào miệng đó mà bơi thẳng vào đó. Không đầy 3 phút lũ trẻ quây xong một tảng đá và tóm gọn được 2 chú cá bống.

< Từng nhóm dàn hàng ngang truy tìm cá dọc suối.

Nhóm săn cá lục tục xử lý hết hòn đá này đến hòn đá khác và tiến ngược theo dòng chảy của suối. Với những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt như múa trong dòng suối, các tay thợ săn nhìn thấy con cá nào thì con đó rất khó có thể chạy thoát thân.

Ngược lên theo dòng suối, qua cầu Lao Chải khoảng 500 m, chúng tôi bắt gặp một đoàn khoảng hơn chục người Hmông, độ tuổi từ 13 -20 cũng đang say sưa đánh bắt. Vì khu vực này nước sâu hơn, nên bộ đồ nghề của nhóm này ngoài xà beng và đó tre, họ có thêm cả chài và vợt xúc. Những tấm thân phơi trần trong nắng đang thi nhau mải miết quăng chài và xúc, gặp chỗ nước nông họ lại thục xà beng mà bẩy đá chặn đó.

< Ở những điểm nước sâu thì ngoài xà beng còn cần thêm vợt.

Đi theo đoàn săn cá không đầy 2 tiếng, tôi thấy ai cũng có đến vài lạng chiến lợi phẩm đep lủng lẳng bên hông, nào là cá bống, cá áp đá và cả cá Anh Vũ tiến vua ở vùng Hồ Tây, Hà Nội nữa.

Những tay săn cá ở vùng sơn cước này có kinh nghiệm và con mắt hết sức tinh tường, họ chỉ cần nhìn mầu nước, mầu trời là biết chỗ nào có cá và loại cá gì mà không phải lội xống. Hạng A Di, nói cho chúng tôi biết mầu nước xanh, có tăm sủi lên là dưới đó sẽ có cá chép, cá bống ăn sát đáy suối. Mầu nước trong đáy có rêu thì những khe đá đó có cá áp đá, cá anh vũ. Hôm nào trời nắng sẽ có các loại cá ăn tầng giữa, trời mà âm u lâu ngày, đến hôm nắng cá sẽ bơi ra từ hang đá, khe đá nhiều hơn, đây là cơ hội đi sắn rất tốt.

< Đôi khi chỉ cần thanh trúc, chiếc đèn pin là có thể đâm được cá.

Nói xong, Di và Lý A Sáu chăm chú nhìn vào một khe đá đang có tăm nước sủi lên, và vệt cát mới đùn ra. Ngay lập tức 2 cu cậu nhẩy xuống thục xà beng bẩy đá và chặn đó, trong nháy mắt đã tóm gọn 2 chú cá bống béo lẳn.

Đánh bắt theo “quy ước” của làng

Tôi đem thắc mắc về cái sự đánh bắt độc đáo của những tay săn cá về hỏi ông Lý A Châu, thôn Lý Lao Chải.

Ông Châu cho biết, đi săn cá cũng phải tuân thủ những quy định của làng. Trước kia người dân có cả cách săn cá bằng lá độc (là loại lá cơi, khi thả nước lá cơi xuống suối, tất cả các loại cá đều dính độc nằm ngửa bụng lên), sau này có người kinh mang bình điện đi đánh cá, khiến cho cá chết sạch cả lớn lẫn bé.

< Dòng suối Mường Hoa.

Sau này Nhà nước cấm đánh bắt như thế. Người dân cũng thấy đánh bắt như thế là hết cá, nên khi họp thôn, dân bản đã ra quy định đánh bắt cá phải bảo vệ được nguồn cá nếu không sau này sẽ không còn cá suối mà bắt. Do vậy, người dân chỉ đánh bắt cá bằng những cách mà anh đã nhìn thấy thôi.

Quả đúng như lời ông Châu nói, tôi thấy các tay săn cá kia đã thả những con cá quá bé ra nếu như chúng có rơi vào tay họ. Đây quả thực là những hành vi đánh bắt rất đáng trân trọng. Họ rất có ý thức trong việc đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bên dòng Mường Hoa lấp lánh kia.

Ông Châu cho biết thêm, về mùa nước lũ, người dân không đi bắt cá, nên lúc đó cá có thời gian đẻ và lớn rất nhanh. Đến mùa nước cạn họ mới đi bắt cá, đặc biệt vào những ngày nắng ấm, cả dòng suối Mường Hoa như một ngày hội của những tay săn cá.

Chiến lợi phẩm trở thành đặc sản cho du khách

Sau khi đánh bắt xong, những tay “thợ săn” lên khỏi suối Mường Hoa đã có khách đến hỏi mua ngay. Cá suối luôn là món đặc sản của phố núi nên rất đắt hàng, giá của nó cũng cao chẳng kém khoảng 100 - 300 nghìn đồng/kg, tuỳ vào từng loại cá to nhỏ khác nhau. Theo anh Ngọc, chủ nhà hàng Liên Ngọc ở Lao Chải, cá này mang về nhà hàng trên Sa Pa, giá thấp nhất cũng vào 300 nghìn đồng/kg, còn cá to có thể lên tới 500 nghìn đồng/kg.

Dòng Mường Hoa lộng lẫy từ ngàn đời, vẫn đem đến cho cư dân bản địa những nguồn lợi phục vụ kế mưu sinh một cách hữu ích. Chỉ tiếc rằng Mường Hoa đang bị cắt sẻo bởi những con người vô lương tâm, để xây dựng nhà hàng, quán xá, công trình thuỷ điện, khai thác cát sỏi… chỉ vì cái tư lợi trong những năm gần đây.

Chia tay những tay thợ săn cá, tôi rất vui vì cái sự may mắn được chứng kiến những cảnh săn cá độc đáo của họ. Cũng thật đáng trân trọng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của những cư dân bản địa này. Nếu đem so sánh với cánh đánh bắt ở dưới xuôi thì lại thấy chạnh lòng cho cái ý thức của người đánh bắt vùng xuôi…

Du lịch, GO! - Theo Sở VH-TT-DL Lào Cai, VTC News

Friday, 19 April 2013

Nằm trong quần đảo Bà Lụa thuộc tỉnh Kiên Giang, Hòn Đước là điểm đến lý tưởng cho du khách Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh vào cuối tuần. Đến Hòn Đước mà không nghỉ lại qua đêm là một thiếu sót lớn, xem như chỉ mới khám phá phần nổi của hòn đảo xinh đẹp này…

Từ Ba Hòn hoặc cảng Hòn Chông (huyện Kiên Lương), mất khoảng 1,5-2 giờ đi tàu gỗ là ra tới Hòn Đước. Nếu di chuyển bằng tàu cao tốc, thời gian khoảng 1 giờ. Trên đường đi, du khách nhìn thấy rất nhiều đảo nhỏ. Có những đảo vô cùng hoang sơ, không có người ở. Thời gian ngồi tàu khá lâu nhưng không ai cảm thấy nhàm chán bởi cảnh quan xung quanh luôn thay đổi.

Ở khu vực này có rất nhiều đảo đá vôi, cây xanh mượt bao phủ những khối đá kỳ dị. Các đảo cứ nối nhau, tạo nên một quần thể. Nhiều người ví von khu vực này như một “Hạ Long ở phương Nam”.

Từ xa, Hòn Đước xanh mượt nổi lên giữa biển xanh mênh mông. Tàu đến gần, đầu tiên, du khách thấy bãi sỏi bao bọc phía Đông của đảo. Sỏi muôn hình vạn trạng, đủ màu sắc chất chồng nhau trên bãi, tràn xuống mặt nước. Mặt biển trong xanh, nhìn mát mắt.

Dọc bãi biển, dường như chẳng tìm được một bãi cát nào ngoài đá sỏi. Càng xuống gần mặt biển, sỏi càng lớn. Người ta còn gọi đó là đá trứng vì có hình dáng bầu dục như những quả trứng. Mang kính lặn, du khách nhìn thấy đá trứng nối tiếp nhau trải dài dưới đáy biển. Có rất nhiều loài hải sản sinh sống ở đây. Khu vực này là bãi cạn nên không có tàu bè hoạt động. Hệ sinh thái được giữ nguyên vẹn.

Chỉ cần lật một hòn đá trứng lên, du khách sẽ thấy bên dưới đầy những con ốc, sò bám vào đó. Len lỏi trong những hốc đá là những con hải sâm. Nhiều nhất là những con “nhím biển” – tên gọi khác của con cầu gai. Chúng tụ lại thành bầy cả chục con, di chuyển chậm chạp trên những hòn đá trứng. Ngoài ra, còn có rất nhiều loài cá di chuyển dọc theo bãi cạn.

Hòn Đước vẫn còn giữ được nét duyên bởi sự hoang sơ, mộc mạc. Mọi thứ ở đây đều tự nhiên vốn có. Những gốc cây me, cây bàng hàng chục năm vẫn vững chãi hiên ngang trước biển. Nhiều nhất vẫn là cây đước. Thông thường, đước sống ở khu vực bãi bồi ven biển. Thế nhưng, trên đảo đá này, đước mọc rất nhiều. Chủ đảo còn trồng thêm đước, mở rộng diện tích rừng và nuôi hải sản dưới chân cây đước để phát triển kinh tế. Có lẽ vì vậy người dân quen gọi hòn đảo này là Hòn Đước.

Nếu không ngủ đêm ở Hòn Đước là chưa khám phá được trọn vẹn nét đẹp và sự hấp dẫn nơi đây. Càng về khuya, Hòn Đước càng hấp dẫn. Khoảng 11 giờ đêm, chủ đảo tắt máy đèn. Trăng sáng vằng vặc tạo nét lung linh huyền ảo. Nhìn ra xa, những vệt sáng từ ánh trăng chiếu trên mặt biển bàng bạc. Những chiếc tàu khai thác hải sản ban đêm nhẹ nhàng lướt trên mặt biển như hư như thật, tạo cảm giác liêu trai. Thỉnh thoảng, những cơn gió lùa qua, mang hơi muối nóng phả vào mặt ran rát vì cả ngày ngâm mình trong nước biển và phơi người dưới ánh mặt trời.

< Ngôi trường ghép ở Hòn Đước.

Ngủ trên đảo, phải ngủ lều hoặc ngủ võng mới thú vị. Du khách có cảm giác được hòa mình với thiên nhiên. Sóng xô nhẹ vào bờ như một bản nhạc du dương ru người vào giấc ngủ. Ngủ lều hay võng, du khách đều cảm nhận được thiên nhiên sát bên mình. Tưởng chừng như với tay là chạm mặt biển, chạm vào ánh sáng lung linh của ánh trăng. Đêm nhẹ nhàng đưa du khách vào giấc ngủ ngon lành, không mộng mị.

Chừng khoảng 5 giờ sáng, du khách bị đánh thức bởi âm thanh phát ra từ những ghe máy đánh cá đang đi ngang qua đảo để vào bờ. Lúc này, bình minh nhuốm một màu hồng tím ở rặng đảo phía đông. Trong chốc lát, ánh sáng ấy chuyển sang đỏ hồng rồi sáng rực khi mặt trời nhô lên từ rặng đảo ấy. Dường như chẳng mấy ai bỏ qua cơ hội ngắm biển thanh bình lúc sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên nhô lên từ mặt biển xa xa.

Mặt trời lên nhanh đến mức du khách chỉ có thể chụp được vài kiểu hình ở một vài vị trí nhất định. Khi mặt trời lên hẳn cũng là lúc mặt biển có sức hút kỳ lạ, buộc khách phải trầm mình trong làn nước ấm áp.

< Trẻ em trên đảo Hòn Đước.

Tắm biển buổi sáng thật thú vị. Cả ngày hôm trước, biển hấp thụ ánh sáng mặt trời giờ tỏa nhiệt sưởi ấm bầu nước mênh mông tạo làn nước ấm. Và những con hải sâm, sò, ốc và nhím biển lại kéo du khách phải ở dưới nước lâu hơn. Để rồi trong vài giờ tắm biển, du khách đã có trong tay một rổ to đầy hải sản cho bữa ăn của nhiều người.

Hòn Đước hấp dẫn thế đấy. Vì vậy, cuối tuần nhiều du khách đổ ra đảo để trốn khỏi cuộc sống bận rộn, hòa mình với thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Theo Vĩnh Bảo (Cần Thơ Online), ảnh từ nhiều nguồn khác
Với hai dịp nghỉ lễ khá dài và gần nhau, một chuyến du lịch rẻ, vui và ngon miệng là lựa chọn không tồi để bạn xả stress trong thời gian dài chờ đến dịp lễ tiếp theo.

Lang thang ở đảo Ngọc Phú Quốc

< Đảo Ngọc níu chân du khách với những bãi biển hoang sơ, tuyệt đẹp...

Nhắc đến đảo Ngọc, người ta thường nhắc đến những bãi biển hoang sơ, Dinh Cậu thơ mộng, các cơ sở sản xuất nước mắm với tông màu ấm áp của gỗ, cùng những chuỗi ngọc trai tuyệt đẹp có giá lên đến 9 con số 0.


< Dinh Cậu ở Phú Quốc.

Thế nhưng, chỉ những ai từng đến đây mới cảm nhận rõ nét vẻ đẹp của tán hoa cà ri đỏ nổi bật trong nắng, trong màu xanh của lá, những trái sim tím rịm ẩn hiện trong vườn, cái mát dịu đến bất ngờ của một "Đà Lạt trên đảo" tài suối Đá Tranh, màu xanh ngọc của bãi Sao, cái tươi ngon, rẻ đến bất ngờ của hải sản hay nụ cười chân chất của những tài xế taxi sẵn sàng cho khách “nợ” tiền đến cuối ngày.

Gợi ý cho chuyến đi đảo Ngọc:

- Có hai cách ra đảo, một là tuyến máy bay Sài Gòn – Phú Quốc, hai là mua vé xe Sài Gòn – Kiên Giang, rồi lên tàu cao tốc ra đảo.

- Nhà nghỉ, khách sạn giá bình dân tại Phú Quốc không nhiều, vì thế nên đặt phòng trước khi đến. Nếu không thích thuê phòng, bạn có thể xin ở nhờ nhà của ngư dân.

< Hoa sim tím rực một góc trời.

-  Thuê xe máy để tham quan đảo và chia lịch trình thành 3 hướng cụ thể là đông, tây và nam đảo.

- Thưởng thức hải sản tươi sống giá rẻ ở khu vực cầu cảng. Hay để tiết kiệm, bạn có thể mua một cái nồi và bếp gas nhỏ để tự chế biến hải sản.

- Nên tham gia một chuyến câu mực đêm để cảm nhận những con sóng dập dềnh cùng cái thú của việc thả mình trong những làn gió biển.

- Quà của Phú Quốc khá phong phú với tiêu, nước mắm, rượu sim.

Lễ hội pháo hoa ở Đà Nẵng

< Đà Nẵng là nét duyên của những cây cầu đặc sắc...

Điểm đến mới của du lịch miền Trung mê hoặc du khách với những bãi biển tuyệt đẹp, những ngọn núi hoang sơ lãng mạn, đỉnh Bà Nà hiu hắt gió, thánh địa Mỹ Sơn hoang tàn, cổ kính, di sản Hội An thanh bình thơ mộng hay kiên nhẫn chờ chiếc cầu quay duy nhất của Việt Nam chuyển động. Đó cũng có thể đơn giản là những món ăn chỉ nghe tên đã thấy thèm như cao lầu, thịt heo hai đầu, bún mắm nêm…

< Thánh địa Mỹ Sơn tôn nghiêm...

Không chỉ thiên nhiên, đến Đà Nẵng dịp này, bạn còn có dịp thưởng thức nghệ thuật pháo hoa hoành tráng và nghệ thuật trong lễ hội pháo hoa trong hai ngày 29 và 30/4

< Phố cổ Hội An thanh bình và thơ mộng.

Theo báo giá của các công ty du lịch, tuor du lịch Đà Nẵng 3 – 5 ngày có giá từ 8 – 10 triệu đồng. Chi phí đi phượt nếu khéo "co kéo" sẽ nằm trong khoảng từ 4 - 6 triệu đồng/ người (Dulịchgo: với dân phượt, khoảng này thừa sức phủ phê cho 2 người).

Gợi ý cho chuyến đến Đà Nẵng ngắm pháo hoa:

- Tùy theo túi tiền và sở thích, bạn có thể chọn mua vé xe chất lượng cao, tàu lửa hay vé máy bay tại các hãng xe, ga tàu hay đại lý máy bay.

< Mỹ Khê, bãi biển lọt trong top những bãi biển đẹp nhất thế giới....

- Nên đặt phòng đồng thời ở 2 địa điểm là Hội An và trung tâm thành phố Đà Nẵng, từ đó tỏa đi tham quan các điểm. Giá phòng dao động từ 200.000 –  triệu đồng, tùy quy mô khách sạn, nhà nghỉ.

- Thuê xe máy với giá 100.000 đồng/ ngày (thỏa thuận thuê qua đêm để có xe dạo phố đêm).

< Pho tượng phật Quan âm lớn nhất Việt Nam trên bán đảo Sơn Trà.

- Mẹo vặt thưởng thức các món ngon Đà Nẵng của các du khách từng đến đây là “món ngon đúng vị không nằm trong nhà hàng lớn”.

- Diện tất cả các trang phục bạn thích nhưng hạn chế mang giày cao gót vì bạn sẽ di chuyển khá nhiều ở mỗi địa điểm tham quan.

- Đà Nẵng hội tụ tất cả các yếu tố cho một chuyến du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch lịch sử… vì thế bạn nên thiết kế tour cho mình theo sở thích.

Mát lạnh Đà Lạt

Là địa danh quen thuộc song theo thống kê của các công ty du lịch, đây là điểm đến được khá nhiều bạn trẻ và gia đình lựa chọn. Có hai lý giải cho quyết định này, một là cái nóng gần đây của Sài Gòn và các tỉnh miền Đông. Hai là không ít du khách thú nhận đến bao nhiêu lần thì sự chuyển mình của từng con dốc, sự giao hòa của thiên nhiên trong ngày, những loại hoa khác nhau theo mùa nở rộ đều khiến họ cảm thấy  lạ lẫm, ngọt ngào và thơ mộng.

Để khám phá Đà Lạt, bạn có thể mua tour ở các công ty du lịch hay lên kế hoạch phượt cho mình, bạn bè và gia đình. Một tour Đà Lạt từ 2 - 5 ngày được các công ty du lịch báo giá khoảng 1,5 triệu - 5 triệu. Với du lịch tự túc, nếu biết sắp xếp, bạn sẽ tiết kiệm khoản 1/2 so với giá của các công ty.

Dưới đây là một số gợi ý cho chuyến du lịch "Thành phố không đèn đỏ":

- Mua vé xe ở các hãng xe chất lượng cao như Phương Trang, Thành Bưởi….

- Thuê phòng ở khu vực Hòa Bình để tiện di chợ đêm. Giá phòng ở các khách sạn, nhà nghỉ trong khu vực này có giá từ 200.000 – 500.000 đồng (vào dịp này bạn nên đặt phòng trước).

- Thuê xe máy giá: 80.000 – 100.000 đồng. Bạn có thể thỏa thuận với chủ xe cho thuê luôn qua đêm mà không trả thêm phí.

- Một quy tắc bất thành văn của người dân địa phương là những quán ăn được nhắc đến trong các sách hướng dẫn du lịch không những không ngon, lại đắt. Muốn thưởng thức món ăn ngon, rẻ, được đánh giá cao nên hỏi cánh xe ôm.

- Nếu không thích mang vác trang phục lỉnh kỉnh, bạn có thể sắm một bộ đồ "chuẩn" Đà Lạt tại chợ đêm với giá không tới 200.000 đồng.

- Diện tất cả các trang phục bạn thích nhưng hạn chế mang giày cao gót vì bạn sẽ di chuyển khá nhiều ở mỗi địa điểm tham quan.

- Đà Lạt hội tụ tất cả các yếu tố cho một chuyến du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, du lịch lịch sử… vì thế bạn nên thiết kế tour cho mình theo sở thích.

Du lịch, GO! - Theo An Huỳnh (Infonet), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống