Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 20 April 2013

Khác với những quán cà phê ồn ào trong tiếng nhạc xập xình của những loại dance, nonstop, nhạc trẻ thịnh hành... Ở đây, trong không gian yên tĩnh, chỉ có tiếng của các loài chim líu lo, trầm bổng. Những khuôn mặt có thể là bạn trẻ, trung niên hay những cụ già đều ngẩn ngơ theo tiếng chim hót…

Cà phê chim đang rất phát triển ở Huế, là thú vui tao nhã của người dân đất cố đô. Khách đến quán vừa được thưởng thức cà phê, vừa được thả hồn theo những giai điệu lảnh lót của các loài chim.
Dạo một vòng quanh thành phố Huế, không khó để tìm ra những quán cà phê với thú chơi chim cảnh được nêu rõ ở ngay cái tên của quán.

Ở bờ Bắc sông Hương có quán cà phê Tịnh Tâm gắn liền với câu lạc bộ (CLB) chim chào mào Tịnh Tâm; cà phê giải khát CLB chim cảnh phường Thuận Lộc (số 117 đường Lê Thánh Tôn); ở bờ Nam có các quán cà phê chim (số 158 đường Trần Phú), Hậu Cafe chim Miều (kiệt 34/1 đường Hải Triều), quán “Những người thích chơi chim” (đường Điện Biên Phủ)…

Tất cả những quán cà phê này có điểm chung là cách bài trí đơn giản, không cầu kỳ. Điểm nhấn tập trung ở những lồng chim. Ít chim hay nhiều chim phụ thuộc vào khả năng chơi chim của chủ quán. Ngoài ra có một phần không gian mở để dành cho những ai có chim thì đưa tới, treo lên bất cứ chỗ nào còn trống để khi chim hót, mọi người cùng được thưởng thức.

Ở Huế những người chơi chim phần lớn nuôi chim chào mào (hay còn gọi là chim Miều). Anh Lê Thanh Liêm (trú ở Kiệt 43 đường Lý Thường Kiệt, TP Huế), một người chơi chim, cho biết: “Người dân Huế mình trầm lặng, sống hướng nội nhiều và không chú trọng hình thức. Chơi chim thì quan trọng nhất là tiếng hót của nó. Chào mào không quá sặc sỡ, tiếng hót lại đa dạng và hay nên ai cũng thích. Hơn nữa nó lại rất dễ nuôi…”.

Len lỏi trong từng giọt cà phê rơi chậm rãi, có chút thanh sắc lúc trầm, lúc bổng của hàng chục chú chim; có cả chút náo nhiệt, ồn ã của những lời bình phẩm: “Con ni ché hay thiệt!”, “Coi hắn chuyền cành, xòe cánh là biết hay rồi, dư sức đi thi đó…”, “Đến đây giao lưu chớ hạnh họe nhau rứa à?”… Tất cả hòa quyện vào nhau, cộng hưởng chút ngọt, chút đắng, chút nhanh, chút chậm làm nên một không gian thi vị, giản đơn mà ấn tượng. Phải thực sự hòa mình vào mới hiểu vì sao người ta “nghiện” chim - một "con nghiện" lành mạnh.

Người Huế rất kỹ càng trong việc chọn chim. Tiêu chí của một con chim chào mào tốt trước hết nhìn tổng thể phải có hình dáng đẹp, vóc dáng dài, chân cao, bộ yếm, mao phải dày, lông đuôi dài, thẳng nhọn. Giọng ché phải to, thanh, rõ ràng, bền sức. Chim không những có giọng hót hay mà còn phải biết múa, xòe lông, rũ cánh tạo dáng, tạo thế.

Giá cả của chim tùy thuộc vào nguồn gốc, dao động từ vài trăm đến hai, ba chục triệu, có khi lên tới cả trăm triệu. Thường thì người Huế thích săn chim ở các nơi như A Lưới, Bình Điền, Nam Đông, Phong Sơn, Kim Phụng… vì có giọng đặc trưng vùng miền.

Ông Dưỡng (64 tuổi, chủ quán cà phê CLB chim cảnh phường Thuận Lộc) tâm sự: “Từng một thời xông pha lái xe khách Bắc- Nam, giờ khi đã có tuổi mình vừa nghỉ ngơi vừa mở quán cà phê cho khuây khỏa.

Cà phê chim biết là lợi nhuận không nhiều vì khi trời nắng người ta mới đưa chim đi tắm nắng, nhưng mà chấp nhận thôi”. Ông Dưỡng cho biết thêm, quán lúc đông nhất cũng có tới 80-90 lồng chim, mỗi con một kiểu, làm cho quán cà phê nhộn nhịp hẳn. Người quen thêm người, chim quen thêm bạn, như vậy cũng gọi là thành công.

Thông tin từ các CLB chơi chim cảnh cho hay hội thi tiếng hót chim chào mào toàn quốc sẽ được diễn ra tại TP.Huế vào 27.4 tới nhân dịp Festival nghề truyền thống Huế 2013.

Đây là cuộc thi hứa hẹn sự tụ hội của những người đang sở hữu những chú chào mào quý giá hàng đầu cả nước.

Du lịch, GO! - Theo Ngọc Bích - Đại Dương (Dân Trí), iHay.Thanhnien...
Cửa đường đua vừa mở, các chú heo lớn nhỏ lao lên như những vận động viên đua thực thụ. Trong khi đó, màn biểu diễn xiếc của các chú vịt thì nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần hấp dẫn.

Đó là những hình ảnh ấn tượng tại Làng du lịch các dân tộc thiểu số TP.HCM (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM). Chỉ mất vài chục ngàn đồng, người dân Sài Gòn đã có thể xem đua heo, xiếc vịt bất kỳ lúc nào.

Trong khuôn viên vài trăm hecta của làng du lịch, “trường đua heo” là một bãi đất có mái che rộng 5m, dài 40m, có 6 đường đua, mỗi đường dành cho một “vận động viên” rộng chừng 25cm.

Điểm xuất phát là 6 lồng nhỏ, có 6 chú heo đang chờ sẵn trong các lồng. Các “đệ tử Trư Bát Giới” trông rất vô tư, không hồi hộp trong khi quản trò và huấn luyện viên khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc đua sôi động. Heo lớn lẫn heo bé nằm, đứng kêu ủn ỉn. Có chú chuẩn bị đua mà vẫn còn… ngủ, mặc cho mọi ánh mắt đang đổ dồn về mình.

Trước khi cuộc đua bắt đầu, quản trò khuấy động khán giả bằng cách hô hào “đặt cược” cho chú heo thắng giải. Người chọn chú ở đường số 2, người chọn số 3, 6…

Tiếp đó quản trò… hét cho các “vận động viên” đứng dậy, rồi ra hiệu lệnh. 6 cánh cửa lồng sắt mở cùng lúc, các “chú Trư” hì hục chạy, vượt qua các chướng ngại vật lao thẳng về đích. Tuy thế, cũng có chú thấy cổ động viên đông quá, đứng lại nhìn ngơ ngác; có chú thấy mẩu bánh mỳ lập tức dừng lại đánh chén, khi huấn luyện viên gõ vào thanh sắt thì các chú mới… chạy tiếp.

Trong số các “vận động viên”, có nàng thân hình rất to, vừa mới sinh nên bầu sữa cứ lúc lắc, nhưng không vì thế mà chạy thua đối thủ.

Rất đông cổ động viên hò hét, liên tục được gõ vào rào chắn, những tràng pháo tay tán thưởng cuồng nhiệt vang lên không ngớt.

Anh Bùi Văn Khách, huấn luyện viên tại trường đua, cho biết heo Móng Cái được nhân giống qua nhiều lứa tại khu du lịch mới có thể huấn luyện được. Đến khoảng 4 tháng tuổi là ra lò. Các chú heo phải “ép cân” chừng 20kg để kéo dài thời gian đua, nếu lớn nhanh hay mập quá sẽ ảnh hưởng đến tốc độ.

“Giai đoạn xuất phát mất nhiều thời gian huấn luyện nhất. Để các chú heo rời điểm xuất phát tốc độ và cùng lúc thì phải dạy cho chúng quen khẩu lệnh.

Khi đã thuần thục, từ sáng sớm cho ăn xong, mở chuồng là chúng tự động chạy qua trường đua nằm chờ. Nhiều khi 2 chú giành một lồng, chúng tôi phải vất vả tách ra. Trong cuộc đua, nhiều khi con chạy đầu tiên cũng có thể về chót, vì khán giả hét to quá, hoặc thấy thức ăn là dừng lại”, anh Khách vui vẻ kể.

Khán giả xem đua heo hay cá cược từ vài chục ngàn đồng, nhưng cũng có nhóm cá lên đến cả trăm đô la. Có người háu thắng nên “tiếp cận” các huấn luyên viên tìm hiểu thông tin các chú heo để bắt độ chính xác hơn.

Cách trường đưa heo không xa là khu xiếc dành cho các chú vịt. Nơi biểu diễn là cái hồ nhỏ và một máng trượt.

Vào màn biểu diễn, huấn luyện viên dùng cây sào có buộc vải màu đỏ điều khiển các chú vịt. Màn đầu, “diễn viên vịt” trượt máng nước, có chú trượt rất điệu nghệ rồi rơi tỏm xuống hồ, nhưng có chú trượt nửa đường mệt quá nên… bay xuống. Tiếp đến, đàn vịt đông đúc chia thành 2 nhóm đi đi lên thành cầu trượt máng và bục nhảy một lúc rất đẹp mắt.

Những ngày thường, các “vận động viên” heo, “diễn viên xiếc” vịt được nghỉ nhiều vì khách ít, nhưng ngày cuối tuần, đặc biệt là ngày lễ, rất đông khách, các chú phải diễn từ sáng sớm đến chiều tà, có ngày gần 30 suất, "cát xê" chỉ là... lon thóc và mớ rau xanh.

Đua heo là một lễ hội truyền thống ở Nga xuất hiện từ thế kỷ XVII và diễn ra định kỳ hàng năm vào ngày 20/3. Đua heo cũng rất phổ biến tại miền Nam nước Mỹ. Hiện đua heo cũng phổ biến ở Thái Lan, Trung Quốc, Anh…

Người ta còn thành lập Liên đoàn Thể thao heo và tổ chức cả Olympic dành cho heo với 3 môn: chạy đua, bơi và đá bóng. Tại Việt Nam, ngoài Khu du lịch các dân tộc thiểu số tại Củ Chi, còn có đua heo ở Công viên du lịch Yang Bay (Khánh Vĩnh, Khánh Hoà), sân đua Long Bình (Q.9, TP.HCM).

Du lịch, GO! - Theo Lê Quân / Infonet
Ít ai biết rằng người Mông ở Sa Pa, Lào Cai lại có một nghề rất độc đáo là đi săn cá trên dòng suối Mường Hoa vào dịp cuối năm và nắng mới đầu xuân. Những cuộc đi săn cá vào dịp này vừa mang ý nghĩa biểu tượng vừa để kiếm miếng ăn.

Vào khoảng 9 h sáng, khi cái nắng đầu xuân ở Sa Pa trải vàng từng bừng, trời xanh bát ngát, từng đám mây vội vã trôi trên nền trời bởi những ngọn gió vi vu thôi. Dòng Mường Hoa mùa cạn nước những vẫn lấp lánh vươn mình giữa thung lũng. Đi theo đám trẻ người Hmông ở thôn Lý Lao Chải, xã Lao Chải. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các em nói là đi săn cá với “bộ đồ nghề” chẳng giống ngư dân chút nào.

Mỗi em vác một chiếc xà beng dài khoảng 60cm, một cái đó tre và một cái ống đựng cá làm từ chai nước suối Lavie. Các em đã bật cười khi tôi hỏi, đi đánh cá sao không mang lưới mà lại mang xà beng? Lý A Giơ cho biết, đánh cá ở đây phải có xà beng mới bắt được cá! Chú muốn xem thì đi xuống suối theo chúng cháu.

Những cảnh đánh bắt “độc nhất vô nhị”

Lục tục cả gần chục đứa trẻ độ tuổi từ 10 – 13 tuổi, kéo nhau xuống suối, chúng đi dàn thành hàng ngang trên mặt suối, khua nước đuổi cá.


< Vào ngày cuối năm hoặc đầu năm, nghề săn cá ở Mường Hoa rất tưng bừng.

Thấy động cá chui vào các khe đá, lũ trẻ bắt đầu dùng xà beng bẩy đá và đặt đó chặn xung quanh, cứ 2 -3 đứa quây một tảng đá rồi cùng xục xà beng ra sức bẩy.

Cá bị dồn mạnh lên chạy lao toán loạn ra, có lẽ cá suối thường tìm hang tìm lỗ để ẩn lấp nên chúng cứ nhằm vào miệng đó mà bơi thẳng vào đó. Không đầy 3 phút lũ trẻ quây xong một tảng đá và tóm gọn được 2 chú cá bống.

< Từng nhóm dàn hàng ngang truy tìm cá dọc suối.

Nhóm săn cá lục tục xử lý hết hòn đá này đến hòn đá khác và tiến ngược theo dòng chảy của suối. Với những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt như múa trong dòng suối, các tay thợ săn nhìn thấy con cá nào thì con đó rất khó có thể chạy thoát thân.

Ngược lên theo dòng suối, qua cầu Lao Chải khoảng 500 m, chúng tôi bắt gặp một đoàn khoảng hơn chục người Hmông, độ tuổi từ 13 -20 cũng đang say sưa đánh bắt. Vì khu vực này nước sâu hơn, nên bộ đồ nghề của nhóm này ngoài xà beng và đó tre, họ có thêm cả chài và vợt xúc. Những tấm thân phơi trần trong nắng đang thi nhau mải miết quăng chài và xúc, gặp chỗ nước nông họ lại thục xà beng mà bẩy đá chặn đó.

< Ở những điểm nước sâu thì ngoài xà beng còn cần thêm vợt.

Đi theo đoàn săn cá không đầy 2 tiếng, tôi thấy ai cũng có đến vài lạng chiến lợi phẩm đep lủng lẳng bên hông, nào là cá bống, cá áp đá và cả cá Anh Vũ tiến vua ở vùng Hồ Tây, Hà Nội nữa.

Những tay săn cá ở vùng sơn cước này có kinh nghiệm và con mắt hết sức tinh tường, họ chỉ cần nhìn mầu nước, mầu trời là biết chỗ nào có cá và loại cá gì mà không phải lội xống. Hạng A Di, nói cho chúng tôi biết mầu nước xanh, có tăm sủi lên là dưới đó sẽ có cá chép, cá bống ăn sát đáy suối. Mầu nước trong đáy có rêu thì những khe đá đó có cá áp đá, cá anh vũ. Hôm nào trời nắng sẽ có các loại cá ăn tầng giữa, trời mà âm u lâu ngày, đến hôm nắng cá sẽ bơi ra từ hang đá, khe đá nhiều hơn, đây là cơ hội đi sắn rất tốt.

< Đôi khi chỉ cần thanh trúc, chiếc đèn pin là có thể đâm được cá.

Nói xong, Di và Lý A Sáu chăm chú nhìn vào một khe đá đang có tăm nước sủi lên, và vệt cát mới đùn ra. Ngay lập tức 2 cu cậu nhẩy xuống thục xà beng bẩy đá và chặn đó, trong nháy mắt đã tóm gọn 2 chú cá bống béo lẳn.

Đánh bắt theo “quy ước” của làng

Tôi đem thắc mắc về cái sự đánh bắt độc đáo của những tay săn cá về hỏi ông Lý A Châu, thôn Lý Lao Chải.

Ông Châu cho biết, đi săn cá cũng phải tuân thủ những quy định của làng. Trước kia người dân có cả cách săn cá bằng lá độc (là loại lá cơi, khi thả nước lá cơi xuống suối, tất cả các loại cá đều dính độc nằm ngửa bụng lên), sau này có người kinh mang bình điện đi đánh cá, khiến cho cá chết sạch cả lớn lẫn bé.

< Dòng suối Mường Hoa.

Sau này Nhà nước cấm đánh bắt như thế. Người dân cũng thấy đánh bắt như thế là hết cá, nên khi họp thôn, dân bản đã ra quy định đánh bắt cá phải bảo vệ được nguồn cá nếu không sau này sẽ không còn cá suối mà bắt. Do vậy, người dân chỉ đánh bắt cá bằng những cách mà anh đã nhìn thấy thôi.

Quả đúng như lời ông Châu nói, tôi thấy các tay săn cá kia đã thả những con cá quá bé ra nếu như chúng có rơi vào tay họ. Đây quả thực là những hành vi đánh bắt rất đáng trân trọng. Họ rất có ý thức trong việc đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bên dòng Mường Hoa lấp lánh kia.

Ông Châu cho biết thêm, về mùa nước lũ, người dân không đi bắt cá, nên lúc đó cá có thời gian đẻ và lớn rất nhanh. Đến mùa nước cạn họ mới đi bắt cá, đặc biệt vào những ngày nắng ấm, cả dòng suối Mường Hoa như một ngày hội của những tay săn cá.

Chiến lợi phẩm trở thành đặc sản cho du khách

Sau khi đánh bắt xong, những tay “thợ săn” lên khỏi suối Mường Hoa đã có khách đến hỏi mua ngay. Cá suối luôn là món đặc sản của phố núi nên rất đắt hàng, giá của nó cũng cao chẳng kém khoảng 100 - 300 nghìn đồng/kg, tuỳ vào từng loại cá to nhỏ khác nhau. Theo anh Ngọc, chủ nhà hàng Liên Ngọc ở Lao Chải, cá này mang về nhà hàng trên Sa Pa, giá thấp nhất cũng vào 300 nghìn đồng/kg, còn cá to có thể lên tới 500 nghìn đồng/kg.

Dòng Mường Hoa lộng lẫy từ ngàn đời, vẫn đem đến cho cư dân bản địa những nguồn lợi phục vụ kế mưu sinh một cách hữu ích. Chỉ tiếc rằng Mường Hoa đang bị cắt sẻo bởi những con người vô lương tâm, để xây dựng nhà hàng, quán xá, công trình thuỷ điện, khai thác cát sỏi… chỉ vì cái tư lợi trong những năm gần đây.

Chia tay những tay thợ săn cá, tôi rất vui vì cái sự may mắn được chứng kiến những cảnh săn cá độc đáo của họ. Cũng thật đáng trân trọng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của những cư dân bản địa này. Nếu đem so sánh với cánh đánh bắt ở dưới xuôi thì lại thấy chạnh lòng cho cái ý thức của người đánh bắt vùng xuôi…

Du lịch, GO! - Theo Sở VH-TT-DL Lào Cai, VTC News

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống