Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 21 April 2013

Bình minh vừa hé, chúng tôi đã có mặt ở thôn Khe Và - điểm xuất phát chuyến bộ hành ngược núi đến con thác đẹp nổi tiếng của huyện Tiên Yên (Quảng Ninh): Pạc Sủi. Nói là nổi tiếng, nhưng ngay cả những người Dao, Sán Chỉ ở đây cũng đã mấy ai biết đến, bởi một lẽ, đường lên tới đỉnh thác vô cùng cheo leo và hiểm trở.

Vào những đêm tịch mịch, người ta chỉ thoảng nghe tiếng thác dội về như từ chốn xa xăm nào đó, mà nhớ tới lời truyền: Hàng năm, vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch, có bảy nàng tiên nữ hạ giới xuống tầng thác thứ 12 của Pạc Sủi, đùa vui trên phiến đá rộng phẳng lì, bên cạnh một hồ nước trong vắt, mát lạnh. Tục truyền rằng, đây là ngày sinh ra nước...

Nơi  con người thuần khiết

< Cách thị trấn Tiên Yên chừng 10 km, con đường tới thác Pạc Sủi uốn lượn quanh co men theo sườn đồi, các cung ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ.

Nói tới Pạc Sủi, đôi mắt ông Kiều Quốc Huy, Bí thư Huyện uỷ Tiên Yên sáng lên như vừa nhớ tới một kho báu chưa từng khám phá. “Quả là một kho báu! Mình đã đi tham quan nhiều nơi, tới nhiều con thác nổi tiếng trong nước, nhưng chưa thấy đâu đẹp như Pạc Sủi” - ông Huy rủ rỉ. Và để minh chứng cho những điều mình nói, ông rủ chúng tôi khám phá “kho báu” Pạc Sủi ngay sớm hôm sau.

< Phút nghỉ chân của đoàn thám hiểm trên đỉnh Trâu Đằm.

Cuối hạ đầu thu, là thời điểm những làng bản vùng núi miền Đông bắt đầu phô diễn dáng vẻ và sắc màu đẹp nhất. Khi mặt trời phía Đông Bắc toả những ánh nắng đầu tiên xuống mặt đất, bước chân của chúng tôi đã đi trên ngọn núi của Khe Và. Làn sương mỏng nhanh chóng tan biến. Những đoá hoa mào gà đỏ như máu cố ngẩng lên đón ánh dương. Thảm ruộng bậc thang màu xanh nhuốm vàng bên kia đồi, dưới nắng tía trông như những bức vẽ vụng dại, vương vãi phẩm màu của đám trẻ chăn trâu.

< Tầng thứ nhất của thác có độ dốc thấp nên lên xuống dễ dàng, lòng thác nhỏ, nước chảy êm đềm.

Có nhiều cách để tới được thác Pạc Sủi. Người thạo đường có thể đi từ Khe Há tới thẳng đỉnh thác rồi cứ thế xuôi xuống, hoặc có thể đi từ Đông Ngũ hay Phong Dụ sang. Chúng tôi chọn con đường đi bộ từ Khe Và (xã Yên Than), vượt qua dãy núi Đỏ theo sự chỉ dẫn của người đồng hành là một “lão thần nông” tên Khang, tên đầy đủ là Nguyễn Tiến Khang, nguyên cán bộ của huyện mới nghỉ hưu. Cho tới lúc này tôi mới hiểu, tại sao Bí thư Huyện uỷ Kiều Quốc Huy lại gọi ông Khang là “lão thần nông” và nằng nặc mời ông cùng leo Pạc Sủi cho bằng được.

< Từ tầng thứ hai trở lên, dòng nước ào ạt trút xuống từ những bậc đá lớn hơn như những mái tóc của nàng tiên nữ.

Là người Kinh, nhưng “lão” Khang thuộc từng ngả đường mòn, rành từng loài cây cỏ trong những cánh rừng rậm rạp; nói chuyện bằng tiếng Dao với bất kỳ người bản địa nào gặp trên đường; cao hứng, ông còn hát nguyên một làn điệu của người Sán Chỉ... Cứ thế, “lão” Khang “cuốn” chúng tôi vào sâu trong rừng, như đi vào thế giới của những câu chuyện thần thoại, kì bí, mà quên bẵng đi đôi chân thấm mỏi vì leo dốc và cuốc bộ gần 10km đường mòn.

Cuối cùng, thôn Pạc Sủi cũng hiện ra giữa khung cảnh bao la, khoáng đạt, mênh mang của đất trời. Quê hương của cộng đồng dân cư Dao, Sán Chỉ nằm giữa những cánh rừng trùng điệp, rất hiếm khi ánh nắng mặt trời soi đủ bốn bề. Từ dưới thung lũng nhìn lên, hình ảnh của những đỉnh núi cao với những đám mây mang nhiều hình thù quanh năm ôm ấp như một mối gắn bó truyền đời. Và giữa mảnh đất ngút ngàn sương gió ấy là thôn Pạc Sủi, nơi có những nguồn nước trong lành đang bình yên chảy suốt ngày đêm.

< Liên tiếp những tầng thác đẹp.

Pạc Sủi theo tiếng của người Hoa phiên âm là Bạch Thuỷ, nghĩa là nước trắng. Chữ “Bạch” đặt lên trên chữ “Thuỷ” ghép thành chữ “Tuyền” cũng có nghĩa là “Suối”. Đây là chốn quần cư của người Dao và người Sán Chỉ với gần 80 hộ dân, nguồn sống chính của họ là thâm canh lúa nước, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Sống giữa thiên nhiên trong vắt, có lẽ vì thế mà con người ở đây cũng thanh khiết, thuần phác đến lạ lùng. Chẳng thế mà khi đứng trước vị lãnh đạo cao nhất huyện, ông Chạn Dì Phúc (Bí thư Chi bộ thôn Pạc Sủi) chẳng có vẻ gì là “cấp dưới”, ngoài sự thân mật chân tình như với bất kỳ một vị khách nào khác.

Bắt đầu từ triền thung, ông Chạn Dì Phúc thay vị trí của “lão” Khang, thành người dẫn đường cho đoàn người đi tìm “kho báu”.

Kho báu giữa núi rừng

< Các tầng thác trên có độ dốc cao, khó đi song lại là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích khám phá thiên nhiên.

Mất nửa giờ xuyên rừng nữa, chúng tôi lên tới được tầng thác đầu tiên của Pạc Sủi (thác gồm tổng cộng 16 tầng). Bao nhiêu mệt mỏi tan biến khi ngâm chân xuống làn nước trong xanh, mát lạnh. Nước suối trong vắt có thể nhìn thấu đáy những viên đá cuội nhiều màu ẩn hiện và những đàn cá thân mỏng đuôi dài, hàng vẩy lưng óng ánh màu sắc lượn dưới nhánh rêu xanh. Gần nơi thác đổ, suối chảy xiết, bọt nước sủi sùng sục tung lên quật ràn rạt vào những phiến đá, nơi mấy người trong đoàn mặc tiếng thác gầm nước réo, vẫn nằm duỗi dài sau mấy tiếng vượt rừng vất vả.

Chưa kịp thoả mãn với mười mấy phút nghỉ ngơi, Bí thư Huyện uỷ Kiều Quốc Huy đã giục chúng tôi khám phá tiếp. Pạc Sủi là một hệ thống nhiều tầng thác lớn nhỏ nối tiếp nhau.

Từ tầng thác đầu tiên, chỉ đi vài chục mét nữa là đến tầng thứ hai. Nước đổ qua những tảng đá lớn xanh màu rêu, rồi chảy xuống ghềnh đá ngay phía dưới. Xung quanh cây rừng rậm rạp xanh um. Trên những vách đá là những bộ rễ chằng chịt của những cây cổ thụ. Cảnh vật vừa hoang sơ vừa hùng vĩ.

Điều kỳ lạ ở Pạc Sủi là, tầng thác trên bao giờ cũng đẹp hơn tầng thác dưới. Chính điều này đã khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên, đến thôi thúc khám phá tới tầng thác cuối cùng. Xuân Thao, phóng viên trẻ của Đài huyện, luôn là người đi chậm nhất vì phải vác theo chiếc camera và một thân hình khá nặng nề. Khó khăn lắm anh mới qua được những đoạn đường lởm chởm đá tai mèo, những rễ cây, lau lách rậm rạp.

Đường càng đi càng mất hút dấu chân người. Chỉ còn thấy những vách đá dựng ngược chắn ngang lối. Nhiều đoạn không thể bám theo phiến đá mà leo lên được, phải vắt qua đường rừng, đu mình vào rễ cây mà leo lên. Chúng tôi cứ theo hướng mở đường của ông Chạn Dì Phúc mà đi. Càng lên cao sương núi càng âm u, khí núi càng lạnh buốt.

Leo mãi. Vượt qua một dốc đá trơn tuột có hàng cổ thụ đứng như hàng lính canh, đến một triền đá xanh vân trắng trải dài, bên cạnh một hồ nước mà bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn nhảy ùm xuống tắm, nơi bảy nàng tiên nữ giáng trần là đây - “kho báu” cuối cùng mà chúng tôi vừa đặt được chân tới.

Ngồi trên phiến đá của bảy nàng tiên nữ, ông Chạn Dì Phúc liu riu đôi mắt, kể cho chúng tôi nghe về sự tích của con thác trứ danh này: Đây là tầng thác đẹp nhất của Pạc Sủi. Người trong vùng truyền rằng, cứ mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm, bảy nàng tiên nữ lại xuống đây mà đùa vui, du ngoạn phong cảnh.

Vẻ đẹp của tầng thác thực sự cuốn hút giữa núi rừng hoang sơ. Dòng nước trong vắt len lỏi qua những kẽ đá thỉnh thoảng lại đổ xuống ào ào khi gặp những ghềnh đá. Hai bên bờ suối là rừng cây cổ thụ um tùm, chốc chốc lại bay ra những chú bướm đủ màu sắc. Để tỏ lòng kính trọng, người ta lập miếu thờ bảy nàng tiên ngay bên bờ suối, và ngày mùng 7 tháng 7 hàng năm, dân trong vùng lại lên đây lấy nước uống để có sức khoẻ, dẫn nước nguồn về thôn cho mùa màng tươi tốt...

Nhìn đường chỉ tay theo hướng “chim bay” của người dẫn đường, từ lúc chúng tôi rời tầng thác cao nhất cuốc bộ lên đến đỉnh Ngàu Vó Lẻng (đỉnh Trâu Đằm) chỉ cách khoảng 3-4km, nhưng cảm giác như đường về dài vô tận. Đoàn người thám hiểm chúng tôi chọn cách vượt thẳng lên đỉnh đồi rồi từ đó đi xuống, thay vì xuôi xuống tầng thác đoạn đường ngắn hơn nhưng vô cùng nguy hiểm. Con đường mòn bám chênh vênh theo sườn núi cao chót vót vắng dấu chân người nên cỏ dại mọc lấn cả lối đi, thi thoảng ông Phúc lại phải dùng con dao quắm phạt ngang để mở lối.

< Trên thác còn có nhiều hồ nước xanh mát, ở đây, bạn có thể ngâm mình dưới những dòng thác, trong bể nước thiên nhiên mát lạnh.

Có lúc men theo đường mòn, có lúc đi xuyên qua cánh rừng, có khi lại đổ đèo thăm thẳm rồi lại băng lên những cửa ải kỳ vĩ, thậm chí có đoạn dốc cao dựng đứng phải… bò, khiến chúng tôi ai nấy đều “thở không ra hơi”. Dù chẳng lạ gì cảnh băng rừng, leo núi, nhưng nhìn lên đỉnh núi mây mù xa vời vợi phía trước mà trong đầu cứ lan mãi viễn cảnh về một bữa trưa có gà đồi, muối ớt…

< Quanh thác, có nhiều rễ cây rủ xuống đong đưa như những chiếc võng, trong đó có cả các loại cây thuốc nam, hoa phong lan tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Trở về từ cõi mây gió mịt mù trên đỉnh núi cao nghìn mét, nhớ lại khung cảnh hùng tráng của Pạc Sủi với ngổn ngang đá, nước mà đầu óc tôi cứ vơ vẩn không yên. Theo lời Bí thư Huyện uỷ, thì đây là một kho báu không của riêng ai. Nó cần được nhiều khách du lịch đặt chân tới, khám phá để mang về cho huyện Tiên Yên những khối “vàng ròng”, mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên, hoang sơ như hiện nay. Nhưng nếu cứ để mặc cho gió sương, cỏ dại chen lấn, liệu rằng bao nhiêu năm nữa người đời sẽ biết đến phong cảnh kỳ vĩ, những huyền tích về mảnh đất thuần khiết này?

Thác Pạc Sủi mùa Thu

Du lịch, GO! - Theo Quảng Ninh Online, báo Quảng Ninh và nhiều nguồn ảnh khác.
Ông Thạch Cha Ra hơn bảy mươi năm qua, ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang, cho biết: “Không biết tên gọi Bảy núi có tự bao giờ mà khi lớn lên tôi đã biết, bảy ngọn núi này linh thiêng lắm và có nhiều câu chuyện bí ẩn đến nay chưa giải thích được…”.

< Open new tab để xem ảnh bản đồ lớn.

Theo lời ông kể: Bảy ngọn núi ấy liên hoàn tạo thành hình vòng cung có tên là: núi Nước, núi Năm Giếng, núi Cô Tô, núi Két, núi Dài, núi Cấm và núi Tượng. Có khá nhiều con đường dẫn vào Bảy núi tuy không rộng lớn nhưng rất đẹp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhiều chùa chiền, miếu, mạo của các tôn giáo nằm lẩn khuất dưới những tàng cây Thốt Nốt trải dài theo các tỉnh lộ.

< Núi Ba Thê...

Trước khi tiến vào Bảy núi, đoàn chúng tôi lên núi Ba Thê. Đây được xem là tiền tiêu của Thất Sơn hùng vĩ. Đường khá nguy hiểm, quanh co, trắc trở. Lúc chuẩn bị xuất phát, cư dân cảnh báo: chớ có liều lĩnh chạy lên đỉnh núi bởi đường rất trơn, cánh xe ôm phải “binh” nòng, đổi sên nhông dĩa mới càn lên được.

Theo số liệu xưa, núi Ba Thê cao 30 trượng, chu vi 13 dặm, bên tây núi là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy.

< ... và đường lên núi Ba Thê đây.

Nhiều cư dân sống quanh núi kể thêm: Vùng này trước đây có beo, voi và nhiều thú quý hiếm, nay chỉ còn khỉ, chim rừng, nhen, sóc, diệc, cu đất. Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ là Linh Sơn Cổ tự còn gọi là chùa Phật Bốn Tay. Nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản. Trên núi Ba Thê còn có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự. Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Đại đao khổng lồ. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, Chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi….

< Núi Cô Tô, còn có tên gọi là Phụng Hoàng Sơn.

Núi Cô Tô đã thấp thoáng trước mắt. Càng về huyện Tri Tôn, đường càng xấu do có nhiều phương tiện vận chuyển đá từ núi xuôi ngược ngày đêm. Thấp thoáng những sân phơi bong bóng cá tra vốn là đặc sản của miền quê núi này. Ông Dương Văn Ẩn, xã Tân Tuyến kể nhiều câu chuyện thú vị về huyền thoại đồi Tức Dụp trên núi Cô Tô, vốn là căn cứ địa cách mạng trong những ngày chiến tranh ác liệt nay đã thành khu du lịch đầy tiềm năng.

< Đường lên núi Cấm.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Hai bên đường có khá nhiều cây trâm chín tím cành. Đường về thị xã Châu Đốc thật đẹp, phẳng lì, nhiều cây Thốt Nốt mọc san sát hai bên tỉnh lộ, nghe nói có cây đã hàng trăm năm tuổi. Cạnh đó xuất hiện liên tục các ngôi chùa Khơ Me Nam bộ đẹp và trang trọng. Dù là buổi chiều nhưng chúng tôi thấy khá nhiều đoàn du khách tập trung tại chân núi Cấm. Đây là ngọn núi có nhiều sự tích huyền bí hấp dẫn khách đến tham quan. Đội quân xe hon đa ôm chuyên nghiệp chở chúng tôi leo dốc núi dựng đứng rất ngoạn mục.

< Tượng Phật Di lặc cao nhất châu Á trên đỉnh núi Cấm.

Có khá nhiều chùa và đền thờ. Không khí mua bán cũng thật nhộn nhịp men theo đường lên núi. Nhiều du khách đã phải dừng bước do không đủ sức men lên tới đỉnh núi cao. Mùi khói nhang bay ngào ngạt khắp sườn núi.

Dì Nguyễn Thị Kim Loan, người có thâm niên hơn 30 năm bán mắm cá lóc, mắm thái tại núi Cấm cho biết “Tháng giêng, hai và tháng tư, tụi tui bán “dữ trời” lắm, mấy tháng còn lại buôn bán cũng lai rai…”. Dì cho biết thêm chuyện mua bán tại đây đã đi vào nề nếp hơn, có để bảng giá để du khách khỏi bị “chặt chém”….

< Đỉnh Núi Két.

Trong màn đêm, hình tượng con kéc khổng lồ bằng đá đang chót vót trên đỉnh núi Kéc thật lạ lùng, hấp dẫn. Có lẽ tạo hóa đã ban cho An Giang một ngọn núi có hình thù độc đáo mà không đâu có được.

Nhiều người còn thêu dệt nhiều câu chuyện huyền thoại về thần núi Kéc. Qua mấy ngàn năm kiến tạo hình tượng ấy vẫn bền vững cùng thời gian. Xa một chút thị trấn Nhà Bàn luôn đông đúc người và xe đi lại dù trời đang tối dần.

Về Bảy núi xưa và cả hôm nay, đi đâu cũng nghe kể về những câu chuyện kỳ thú về, cọp, beo, rắn, thần tiên, đạo sỹ nhiều phù phép… trong khoảng không gian trầm tích, u ẩn lạ thường. Nhiều người cho rằng khó đâu có được cảnh đẹp thiên nhiên như Bảy núi bởi thiên nhiên đã ban tặng bức tranh quê núi có nhiều mỏm đá hình người, hình vật pha lẫn những cánh đồng xanh mơn mởn. Và chắc không đâu có sự hòa hợp các tôn giáo anh em cùng sinh sống trên vùng đất thiêng biên giới này như : đạo Phật, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Thiên chúa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Mới đây tượng Phật Di lặc cao gần 34 m trên đỉnh núi Cấm, nơi được xem là “nóc nhà” Đông Dương được xác lập kỷ lục châu Á về tượng Phật cao nhất.

Mỗi năm vùng đất Thất Sơn này tổ chức nhiều lễ hội của người Kinh và Khmer. Nói đến Bảy núi là người ta nghĩ ngay đến cây “đặc sản” thốt nốt. Đây cũng là cây thoát nghèo cho nhiều gia đình khi khai thác chế biến chúng thành những loại thức ăn lạ miệng và hấp dẫn. Người dân Bảy núi giờ đây còn phát huy các ngành nghề truyền thống như: nấu đường thốt nốt, dệt thổ cẩm…

< Một góc chùa Phật lớn.

Bảy núi hôm nay hiếm còn hình ảnh những chú ngựa oằn lưng kéo xe ngựa chở khách, thay vào đó là các phương tiện vận tải tiên tiến. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Những trụ điện to đùng sừng sững chạy dài theo các tỉnh lộ. Nhiều ngôi chùa, nơi thờ tự của các tôn giáo được nâng cấp xây mới khang trang. Những con đường thênh thang rộng mở hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang về với vùng đất Thất Sơn huyền bí, linh thiêng.

Du lịch, GO! - Theo Vân Anh (Báo Tin Tức), internet

Saturday, 20 April 2013

Cuối tháng tư, các phượt thủ lại í ới rủ nhau hành hương về núi Trầm để đi tìm sắc hoa gạo nở đỏ rực báo hiệu mùa hè đang về.

< Núi Trầm được đặt tên theo sự tích xưa kia có một cây trầm cổ thụ trên đỉnh núi, hương thơm tỏa khắp vùng.

Danh thắng núi và chùa Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô chưa đầy 30 km là một địa chỉ văn hóa lịch sử hấp dẫn với nhiều du khách gần xa.

< Núi tuy không cao nhưng lại có địa hình rất đẹp, nhiều hang, ngách và những tảng đá hình thù sinh động.

Núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn, xưa kia là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Chùa Trầm, chùa Hang, chùa Vô Vi quanh núi là một quần thể với nhiều tượng, bia quý với kiến trúc độc đáo, cổ kính...

< Chùa Trầm nằm tựa vào sườn núi, tương truyền chùa đã có từ năm 1515.

Nằm giữa cánh đồng mênh mông, núi Trầm không tuy không quá xa thị thành nhưng vẫn mang những nét hoang sơ, tạo nên một không gian tĩnh lặng và yên bình.

< Một không gian cổ kính, đậm màu sắc của cõi thiền.

Thắp hương trong chùa rồi bắt đầu hành trình lên núi, men theo những con đường mòn giữa đồng cỏ hay bám cheo leo trên những vách đá, chắc chắn, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ.

< Chùa còn là địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Thắng cảnh núi Trầm (Hà Tây cũ)

Danh thắng núi Trầm trên địa bàn xã Phụng Châu (Chương Mỹ, cách trung tâm thủ đô chừng 20 km) là một quần thể di tích có phong cảnh độc đáo và có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Mặc dù khu di tích có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác phát triển du lịch văn hoá, giáo dục nhưng hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.

< Những dấu tích còn lại của thời chiến tranh ác liệt quanh chân núi.

Núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn xưa kia là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Trải qua năm tháng, khu danh thắng núi Trầm vẫn còn lại nhiều di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo. Đáng chú ý là 3 cụm công trình chùa gồm: Chùa Trầm Vô Vi, chùa Trầm Hang và chùa Long Tiên đã đạt đến sự hài hòa cao độ giữa núi non và chùa chiền, tạo cảm giác tự nhiên, thanh tịnh.

< Cuối tuần, núi và chùa Trầm thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, leo núi.

Đặc biệt, chùa Trầm Vô Vi được xây dựng từ thế kỷ thứ X với hơn 100 bậc thang đá quanh co và quả chuông đồng đúc năm 1814 cùng nhiều pho tượng đá, văn bia khắc trên vách động, trống đá, khánh đá...


< Ai cũng muốn lên tới đỉnh để thưởng thức không gian thoáng đãng, phóng tầm mắt thấy “muôn trùng nước non”.

Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh núi non cùng chùa chiền đã tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của khu di tích. Từ xa, ngắm nhìn, Tử Trầm Sơn có hình dáng tựa như những con phượng hoàng đang nhô cao đầu lên bầu trời. Chẳng thế mà, từ xa xưa, khu danh thắng núi Trầm đã được học giả Phan Huy Chú ca ngợi là nơi có  “Phong cảnh đậm đà đẹp nhất trong các núi Sơn Tây”.

< Và khám phá những tảng đá muôn màu muôn vẻ nằm rải rác trên đường đi.

Không chỉ cổ kính với cảnh quan độc đáo, khu di tích danh thắng núi Trầm còn là nơi gắn với nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc của dân tộc từ thuở xa xưa. Đặc biệt, nơi đây đã ghi dấu lịch sử trong cuộc cách mạng của dân tộc ta chống thực dân, đế quốc.


< Cảnh làng quê yên ả trù phú nhìn từ đỉnh núi.

Trong những ngày đầu sau khi giành độc lập dân tộc, hang Trầm là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong nhiều ngày liền. Không những vậy, ngày 19/12/1946 khu danh thắng núi Trầm còn là nơi Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sôi sục non sông.


< Đàn chim bay về tổ qua núi Trầm.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm  1967 đến 1975, núi Trầm còn là hành dinh của Sở chỉ huy K12 nơi điều hành bộ máy chiến đấu gồm các binh chủng: Tên lửa, ra đa, không quân, cao xạ…
Do có nhiều giá trị lịch sử văn hoá và lịch sử cách mạng nên khu di tích núi Trầm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962.

< Tháng ba tháng tư, hoa gạo nở đỏ rực quanh chân núi. Hoa gạo tô điểm thêm cho núi, gợi về hình ảnh một vùng quê xưa cũ...

Với những giá trị to lớn về văn hoá kiến trúc, cảnh quan và lịch sử cách mạng, lại nằm cạnh quốc lộ 6, chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 20km nên khu di tích núi Trầm có giá trị to lớn trong phát triển du lịch, giáo dục. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì công tác gắn kết giữa bảo tồn di tích với khai thác tiềm năng du lịch di tích lịch sử cách mạng, giáo dục còn bị lãng quên. Sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch chưa được đầu tư đủ phục vụ du khách dừng chân. Tại khu di tích vẫn chưa hề có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên về kiến trúc cảnh quan, về lịch sử cách mạng.

< Màu hoa đỏ nổi bật trên nền đá trắng.

Những di tích, danh thắng có sự kết hợp hài hoà giữa phát triển du lịch và có ý nghĩa sống động về giáo dục truyền thống văn hoá, truyền thống lịch sử cách mạng lại không được chú trọng khai thác hết tiềm năng.

< Đây cũng là điểm đến quen thuộc của những người yêu hoa gạo khi mùa hè về.

Nên chăng ngành du lịch và địa phương cần có sự quảng bá, đầu tư đúng hướng, xây dựng tour, tuyến, dịch vụ du lịch, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch am hiểu sâu sắc về những giá trị khu danh thắng để Tử Trầm Sơn vừa mang lại hiệu quả kinh tế du lịch mà còn mang lại cả những ý nghĩa về giáo dục lịch sử cách mạng sâu sắc.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ iHay, Hà Nội Mới.

Leo núi Chùa Trầm
Dã ngoại, leo núi tại chùa Trầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống