Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 23 April 2013

Trang trí ánh sáng nghệ thuật trên đường Lê Duẩn, đua thuyền truyền thống trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, chạy việt dã trên đường Hoàng Sa - Trường Sa... là hàng loạt hoạt động chào mừng ngày 30/4 tại TP HCM.

Từ ngày 25/4 đến 10/5, đại lộ Lê Duẩn trước dinh Độc Lập (quận 1) sẽ được trang trí ánh sáng nghệ thuật để chào mừng 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và 127 năm ngày Quốc tế lao động.
Triển lãm ảnh kỷ niệm ngày thống nhất đất nước được khai mạc lúc 8h ngày 26/4 tại Công viên Lam Sơn, Công viên Chi Lăng và đường Đồng Khởi (từ ngã tư đường Lê Thánh Tôn đến ngã tư đường Nguyễn Du).

Cùng với đó, giải đua thuyền truyền thống sẽ được tổ chức ngày 27/4 trên kênh Tàu Hũ - Bến Nghé và giải việt dã truyền thống 30/4 lần thứ 37 vô địch thành phố sẽ diễn ra sáng 28/4 tại tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa.

Ngoài ra, trong đêm 30/4 và 1/5, các công viên 23/9 (quận 1), sân khấu Sen Hồng, Công viên Gia Định 2 (huyện Củ Chi), Khu Tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn), Trung tâm Văn hóa quận 12, Khu Di tích Lịch sử Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình Chánh), Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc (quận 9) và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) đều có chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Nhân dịp này, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức lễ động thổ công trình xây dựng Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo vào ngày 28/4. Cùng ngày, Sở Giao thông Vận tải tổ chức thông xe cầu vượt Lăng Cha Cả và khởi công 3 cầu khác là cầu vượt nút giao Nguyễn Tri Phương (quận 10); cầu vượt vòng xoay Cây Gõ (quận 6) và cầu vượt nút giao Cộng Hòa/Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình).

Kỷ niệm 38 năm Giải phóng miền Nam, TP HCM sẽ bắn pháo hoa tại 2 điểm trong 15 phút. Pháo hoa tầm thấp được bắn với thời lượng 15 phút (21h – 21h15 ngày 30/4) tại khu vực đầu Đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, quận 2) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11).

Trước đó, UBND TP HCM cũng có thông báo dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, cán bộ, công viên chức được nghỉ liên tục 5 ngày (27/4-1/5) và đi làm bù ngày 4/5. Dự báo, dịp này nhu cầu đi lại, vui chơi nghỉ lễ của người dân sẽ tăng cao. Các bến xe, bến phà và ga Sài Gòn cũng đã có kế hoạch tăng thêm xe, thêm chuyến để phục vụ hành khách.

Du lịch, GO! - Theo VnExpress, Petrotimes

Monday, 22 April 2013

Làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, không chỉ nổi tiếng với nghề làm trống truyền thống. Nhiều năm nay, Đọi Tam còn nổi tiếng về đội trống nữ có một không hai của cả vùng.

Làng trống Đọi Tam

Với ý tưởng ban đầu là phục vụ cho các lễ hội truyền thống của làng, đồng thời quảng bá hình ảnh và văn hóa truyền thống của quê mình, gần mười năm qua những nỗ lực, cố gắng của các thành viên đội trống nữ làng Đọi Tam đã được nhiều người mến mộ với những màn biểu diễn trống làm say đắm lòng người, tạo nên nét đặc sắc riêng của vùng đồng bằng chiêm trũng Hà Nam.

Khi cây lúa trên đồng bắt đầu bén rễ chồi xanh, công việc đồng áng được nông nhàn, cũng là lúc những thành viên của đội trống nữ làng Đọi Tam lại thu xếp việc gia đình, đồng áng để cùng đoàn mang tiếng trống làng mình đi phục vụ lễ hội khắp bốn phương.

Gặp chị Lê Thị Thúy Thường, một trong những người tham gia đội trống ngay từ những ngày đầu thành lập, khi chị vừa cùng đoàn đi biểu diễn tại TP Hải Phòng về. Không còn cảm giác mệt nhọc của một chuyến đi đường dài, chị Thường say xưa nói về những hoạt động của đội trống làng mình.

Chị bảo: Là người con của làng trống, từ tấm bé tôi đã biết làm trống cùng bố mẹ, những công đoạn khó nhất của việc làm trống là “bưng trống” tôi cũng luôn làm thành thạo với tất cả các loại trống to, nhỏ.  Tuy mỗi loại có cái khó riêng nhưng mình làm nhiều và giành hết tâm huyết thì sẽ thành công.

Có lẽ vì thế, chẳng biết từ bao giờ, những âm thanh của trống như đã ngấm vào máu của chị rồi. Bây giờ, dù có nhắm mắt lại, chị cũng vẫn đánh được đúng các làn điệu. Nhớ những ngày đầu sung vào đội, nghe tiếng trống như đinh tai, nhức óc, ai nấy đều tim đập thình thình. Giờ cảm giác đó với các chị em đều không còn nữa. Thay vào đó là sự cảm nhận được những âm thanh khi du dương huyền bí, khi khí thế tưng bừng, khi dồn dập tiến công…

Nhờ các cán bộ phòng Văn hóa huyện Duy Tiên dày công sưu tầm các bài trống cổ rồi dàn dựng lại và tham gia huấn luyện, các thành viên trong đội trống, đội trống nữ của làng Đọi Tam đã đánh thuần thục được sáu bài trống, có thể biến tấu đa dạng để phục vụ cho nhiều lễ hội, sự kiện khác nhau như: khai hội, bài đệm, kết hội... Tiếng lành đồn xa, mỗi năm, đội trống nữ làng Đọi Tam được mời đi biểu diễn tại hàng chục địa điểm ở nhiều địa phương khác nhau như: Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng....

Mỗi đợt đi biểu diễn như vậy, dù công xá chẳng được là bao, nhưng những thành viên trong đội đều rất nhiệt tình phấn khởi, tự hào bởi đó là dịp để những âm điệu của tiếng trống Đọi Tam đến được với nhiều vùng quê trong mọi miền đất nước, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hóa làng nghề truyền thống của quê hương.

Với nghề truyền thống đã có từ 200 năm, làng Đọi Tam hiện có 656 hộ với hơn 2.400 nhân khẩu, có tới 80% số hộ theo nghề làm trống. Với đặc thù làng nghề truyền thống, nên không riêng gì nam giới, các chị em của làng Đọi Tam không chỉ thành thạo với việc làm trống mà họ còn có một tình yêu và cảm nhận được những âm điệu từ trống. Từ đó đã hun đúc ý tưởng thành lập đội trống nữ của làng đối với người trưởng thôn Đinh Văn Lương.

Ông Lương tâm sự: Là một làng nghề truyền thống hàng trăm năm, việc chọn hình thức nào để phát triển và quảng bá cho nghề truyền thống làng mình luôn được người dân chúng tôi trăn trở. Xuất phát từ thực tế những nam giới trong làng hiện là lực lượng chính trong các khâu sản xuất trống và nhiều người lại thường xuyên đi làm xa. Do vậy để huy động các anh em tham gia đội trống rất khó. Khi chúng tôi đưa ra ý tưởng thành lập đội trống nữ, đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và sự chung sức đóng góp của con em người dân làng Đọi Tam đi làm ăn xa.

Năm 2004, đội trống nữ làng Đọi Tam được thành lập. Họ được trang bị dàn trống hoành tráng, bao gồm một trống sấm có đường kính 1,5 m, hai trống đại có đường kính 1,2 m và 45 chiếc trống các loại từ trống giả đồng đến trống cầm tay với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Hiện đội có 48 thành viên nữ đều ở độ tuổi từ 30 đến 50, là độ tuổi lao động hiệu quả nhất. Việc họ bỏ ra thời gian, công sức để tham gia đội là một điều đáng coi trọng.

Đó là lý do lực lượng chủ lực của đội trống đều là nữ giới và chỉ là những người con dâu của làng Đọi Tam mới được tuyển dụng vào đội trống nữ. Đó là nét đặc sắc riêng của đội trống nữ vùng đồng chiêm trũng Hà Nam.

Du lịch, GO! - Theo Đào Phương (báo Nhân Dân), internet
Từ Thiên ấn, Long Đầu xuôi về hướng đông chừng 15 km, ta sẽ bắt gặp những cảnh đẹp từ Sa Kỳ đến Cổ Lũy, thuộc vùng Mỹ khê. Bờ biển Mỹ Khê dài trên 10km, có 3 cảnh đẹp là : Cổ Lũy cô thôn Thạch Cơ điếu tẩu, An Hải sa bàn.

Bờ biển Sa kỳ - Cổ Lũy có hình cong lưỡi liềm, nước biển ngát xanh, bãi cát vàng, sạch sẽ, có rừng phi lao rì rào quanh năm, không khí trong lành, là nơi nghỉ mát và tắm biển rất tốt. Người dân Quảng Ngãi vùng xa thường đến đây nghỉ mát trong những ngày hè.

Thôn Cổ Lũy nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 10km về hướng đông, thuộc Nghĩa Phú, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Đây là một mảnh đất rợp mát bóng dừa, vây bọc bởi sông nước và biển cả.

Mặt sau thôn là sông Kinh với rừng dừa nước xanh tốt. Vào những chiều sương khói mờ ảo, hoàng hôn vây phủ, từ trong đất liền nhìn ra: Cổ Lũy như bị tách biệt, gợi cảm giác cô liêu, nên được gọi là "cô thôn".

Giặc giã đời mô đã dẹp rồi
Lũy xưa còn đắp xóm mồ côi.
Đá xây quanh quất theo bờ biển,
Người ở cheo leo dưới cửa lồi.
Trông thấy thuyền tình ba bốn phía,
Vẳng nghe trống giục một đôi hồi.
 Hỏi thăm tạo hóa bao giờ đó
Thạch trận về đây mới đắp bồi.

Ngồi đọc lại "Vịnh Cổ Lũy cô thôn” của Nguyễn Cư Trinh mà nhớ cái vùng đất đã từng ghi dấu một thời, từng là 1 trong 12 anh thắng của đất Quảng Ngãi. Đến Cổ Lũy hôm nay, ta không còn cảm nhận được những hình ảnh dân dã và quen thuộc của một làng quê việt như trong bài vịnh của Nguyễn Cư Trinh nữa, nhưng vẫn đọng lại trong lòng người thưởng ngoạn chút gì đó thiêng liêng của vùng đất đã đi vào lòng người.

Cổ Lũy Cô Thôn nổi tiếng gắn liền với địa danh núi và sông Phú Thọ. Hai địa danh này là thắng cảnh đã nổi tiếng từ xa xưa với quần thể đá Granit nhiều hình dáng, ngọn núi thấp cùng bóng dừa bao quanh đổ bóng xuống dòng sông phẳng lặng như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Và điều làm hấp dẫn người thưởng ngoạn chính là quang cảnh bao la, mênh mông của đồng lúa, dòng sông uốn lượn cùng dải biển dài xa tít khi đứng nhìn từ những tảng đá khổng lồ trên đỉnh núi.

Không những thế, đây còn là nơi tọa lạc của rất nhiều thành cổ của người chăm cùng với nhiều truyền thuyết có giá trị lịch sử cao được ghi lại. Tuy nhiên, đến với Cổ Lũy hôm nay ta không còn tìm lại cảnh tường thành đồ sộ của nơi được mệnh danh là án ngữ cửa biển của người chăm, quang cảnh chỉ còn sót lại một vài di tích nhỏ đổ nát, tuy nhiên chừng đó thôi cũng đủ giúp ta cảm nhận về một vùng đất có bề dày lịch sử.

Điều điều khiến vùng đất này để lại nhiều ấn tượng cho cho du khách có lẽ chính là cảnh đẹp bình dị và đậm chất làng quê Việt. Giờ đây, Cô Thôn đã thay đổi nhiều, người xe tấp nập, điện đường trường trạm đã được nâng cấp, tất cả đã đổi thay. Nhưng trong mắt tôi nó vẫn chứa đựng một vẻ đẹp kỳ diệu như cái tên nó mang theo suốt bề dày lịch sử.

Từ Cổ Lũy đi theo hướng đông bắc tới cửa Sa Kỳ có mõm núi cao thuộc xã Tịnh Kỳ. Thôn An Kỳ, An Vĩnh của xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh hợp với thôn An Hải thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn thành vùng Ba Làng An. Tại mõm An Vĩnh với nhiều phiến đà hình thoi xếp thẳng hàng như có bàn tay vô hình nào sắp đặt, dựng thành vách đá cao. Tại đây có một hang đá lộ thiên, sóng biển dội vào, nước trong hang sủi bọt như đang sôi, nên được gọi là Hầm Rượu. Lại có những vết lõm xuống mặt đá, hình dạng như dấu bàn chân, nên gọi là "bàn chân ông khổng lồ".

Đứng chơi vơi ngoài mép nước là một tảng đá nhô cao, được gọi là "Thạch cơ điếu tẩu " (ông câu trên gành đá). Đất Tịnh Kỳ nằm sát cửa Sa Kỳ, đối diện đảo Lý Sơn, có đường biển nối liền với đảo. Tịnh Kỳ vừa nổi tiếng với nghề mắm (muối Xuân An, mắm Tịnh Kỳ- ca dao) vừa là một làng ven biển thơ mộng. Là một cửa biển được xây dựng thành cảng, một vùng nước rộng soi bóng những đồi thông, mõm núi, làng chài...

Sa Kỳ là một bức tranh hoành tráng và mỹ lệ. ở bờ bắc cửa biển có một bãi cát xoay tròn bốn phía và lõm xuống ở giữa, được gọi là "An Hải Sa bàn" (mâm cát An Hải). Vào thế kỷ thứ XIX, Trương Đăng Quế- một đại thần triều Nguyễn, lúc già về sống ở quê, có một câu nói đầy lòng tự hào: "Nhất Huế, nhì đây Cổ Lũy cô thôn".

Người Pháp đã so sánh Mỹ Khê với những bờ biển chan hòa ánh sáng và đẹp đẽ của họ ở miền nam nước Pháp. Các phi công và ký giả Mỹ cũng thừa nhận vùng bờ biển Sa Kỳ-Cổ Lũy là "một trong những bờ biển đẹp nhất Nam Việt Nam". Vùng biển này còn có khu chứng tích Sơn Mỹ nổi tiếng . Cảnh đẹp Sa Kỳ-Cổ Lũy là một điểm tham quan du lịch lý tưởng nếu được giữ gìn và tôn tạo tốt.

Cỗ Lũy Cô Thôn

Một dãy trường thành trấn ải biên,
Còn viền dương lạnh gác bên triền.
Cô thôn trúc lạnh - sương nhoà khói,
Cổ Luỹ thành trơ - gió thoảng nền.
Buồm cá nâu vênh - bờ bến đậu,
Đàn cò trắng nổi - cụm tùng lên.
"Cô thôn Cổ Luỹ" hư mà thực,
Dù chỉ nghe qua cũng chạnh niềm.
(Phạm Thiên Thư)

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Yume, web Quảng Ngãi, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống