Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 23 April 2013

Những bãi biển trải dài tít tắp, những con suối mát lạnh hiền hòa, những dòng thác tung bọt trắng xóa đang sẵn sàng đem đến cho du khách những hương vị tươi mát khi đến Huế vào những ngày nắng nóng.

Bãi biển Lăng Cô

Nằm cách TP Huế 70km về phía Nam và TP Đà Nẵng 20km về phía Bắc, Lăng Cô từ lâu đã rất nổi tiếng là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam, với bãi cát trắng dài hơn 10km, cùng làn nước biển trong xanh. Vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, không khí nơi đây rất dễ chịu và dịu mát.

Du khách đến với Lăng Cô sẽ thích thú với các trò vui như câu cá, lặn biển. Thưởng thức các món ăn địa phương như bánh canh chả cua, bát bún riêu càng cua hay món sò huyết Lăng Cô.

Bãi biển Thuận An

Nơi sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi chảy ra biển Đông, cách Kinh thành Huế về hướng Đông khoảng 13 km, vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp thứ 10 trong Thần kinh nhị thập cảnh. Cách trung tâm thành phố khoảng 30 phút đi xe máy, bãi biển Thuận An dài 12 km với những con sóng vỗ hiền hòa mát lạnh. Du khách thường đến đây vào khoảng tháng 4 đến tháng 9 lúc tiết trời nóng bức nhất.

Du khách có thể thuê lều trại, ở hoang dã ngay trên bãi biển và thỏa sức thả mình trong làn nước mát lạnh. Đêm đến, du khách có thể đi dạo dọc bờ biển, hoặc thưởng thức hương vị những món hải sản tươi nguyên nướng trên bếp than thơm lừng.

Bãi biển Cảnh Dương

Từ Huế theo Quốc lộ 1A xuôi về Nam khoảng 70 km là đến địa bàn xã Lộc Tiến (Phú Lộc). Từ đây rẽ trái vào gần 8 km nữa là đến biển Cảnh Dương, nằm cạnh cảng Chân Mây, thuộc xã Lộc Vĩnh. Trải dài hơn 8 nghìn mét, rộng khoảng 200 mét, bãi cát trắng mịn trải dài, những hàng phi lao rợp bóng, nước biển trong xanh như ngọc…

Tất cả tạo nên một khung cảnh thiên nhiên thơ mộng đến say lòng bao du khách. Đến với biển Cảnh Dương là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, tận hưởng không khí trong lành mát dịu, xua đi những oi bức, mệt mỏi, những hối hả của cuộc sống thường nhật.

Ngoài ra, du khách sẽ còn bị lôi cuốn bởi những món hải sản tươi sống đa dạng với giá cả rất bình dân như ghẹ hấp, mực nướng, tôm, cá hanh, cá dìa…

Bãi biển Vinh Thanh

Cách thành phố Huế 30 km về phía Đông Nam, bãi biển Vinh Thanh chan hòa ánh nắng với trời xanh mây trắng, sóng vỗ rì rào, bọt tung trắng xóa, dải cát trắng trải dài, nước biển xanh ngắt một màu.

Giao thông thuận tiện cộng với bãi biển sạch, hải sản tươi và rẻ, Vinh Thanh đang là sự lựa chọn của không ít du khách đến đây vào mùa Hè.

Bãi biển Hàm Rồng

Nằm bên kia phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc xã Vinh Hiền (Phú Lộc), bãi biển Hàm Rồng là một địa chỉ mà du khách đã một lần đến đều mong có dịp trở lại. Tuy chưa có “thương hiệu” như các bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, bãi biển Hàm Rồng lại có một vị trí khá đẹp, cảnh quan nên thơ bởi có núi Linh Thái cao gần 800 mét án ngữ phía sau với những mảng rừng xanh thẳm, uốn lượn theo nhiều vòng cung ôm lấy bãi biển dài gần 6 km.

Ở đây có 3 bãi tắm là bãi Hàm Rồng, Đông Dương và bãi Đầm. Nước biển ở Hàm Rồng lúc nào cũng trong xanh, lại được điểm xuyết những quần thể đá lớn nhỏ sắp xếp chồng lên nhau tạo nên một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, du khách có thể thỏa sức ngâm tắm, vui đùa cùng những con sóng bạc đầu để xua đi bao mệt nhọc, nóng bức.

Suối Voi

Từ thành phố Huế chạy về phía Nam 60 km, hay Đà Nẵng chạy ra 40 km, rồi chạy thêm 3 km lên phía Tây, ngang địa phận Thừa Lưu, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, men theo con đường nhỏ được phủ lớp bê tông, du khách sẽ đến suối Voi, một con suối với nhiều ngọn thác lớn tuôn ra dưới một cánh rừng nguyên sinh khá dày thảm thực vật.

Suối được đặt tên là Suối Voi vì tại đây có một tảng đá hình y hệt một con voi đang thả vòi uống nước dưới chân thác. Nơi đây còn có một hồ nước được đặt tên là Đầm Voi, đây là một hồ tắm thiên nhiên rộng khoảng 30 m2, sâu trên 2 m, nằm giữa hai ngọn thác. Hồ nước mát lạnh trong xanh có thể nhìn thấy tận đáy. Từ nơi đây đi ngược lên khoảng trên 1km là suối Đá Bàng. Tại đỉnh đầu của thác Đá Bàng, du khách có thể thỏa thích khám phá thiên nhiên, rồi sau đó đi bắt cá nia, hái lá giang để nấu món canh chua, hay luộc rau tàu bay chấm với nước cá bóng thệ.

Suối hồ Truồi

Từ thành phố Huế đi về cầu Truồi xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, rẽ phải thêm 10km sẽ gặp đỉnh Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng. Mênh mang dưới chân Bạch Mã là hồ Truồi xanh biếc chạy dài hết tầm mắt.

Có bốn con suối đổ vào hồ Truồi là suối Hợp Hai, Vũng Thông, Ông Viên và Ba Trại, mỗi suối đều có những vẻ đẹp đặc trưng khác nhau.Vào mùa nắng nóng, mỗi ngày có hàng trăm khách tham quan và dã ngoại ở đây. Vào suối, du khác có thể ngâm mình dưới làn nước suối mát lạnh, tham gia những thú vui như câu cá, thả lưới hết sức hấp dẫn. Thưởng thức các món cá nướng, hay cháo cá tươi ngon từ thành quả lao động của mình.

Thác Nhị Hồ

Thác Nhị Hồ thuộc thôn Hoà Mậu, xã Lộc Trì (Phú Lộc), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 45km về phía Nam, cách Quốc lộ 1A gần 4km. Thác như một tuyệt tác của thiên nhiên với dòng thác đổ xuống từ vách núi tạo thành hai hồ nước xanh mát cạnh nhau.Từ khá lâu, Nhị Hồ đã thu hút được nhiều du khách tới tham quan, đặc biệt là với giới trẻ.

Du khách đến đây để tránh cái nóng của mùa Hè, hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức những đặc sản phong phú của địa phương. Đặc biệt, vị trí của Thác Nhị Hồ rất thuận tiện cho du khách có thể kết hợp tham quan những địa điểm khác như Đập Truồi - Suối Voi - Lăng Cô.

Du lịch, GO! - Theo N.V.T (Doanh nhân Sài Gòn)
Đá Dăm là một ngọn thác nhỏ ở Dương Hòa, thị xã Hương Thủy. Bạn có thể tổ chức cùng gia đình, bạn bè đến đây vui chơi, tắm mát vào những ngày nghỉ. 

Từ trung tâm TP Huế, có hai đường đến thác: một là men theo đường qua công trình hồ Tả Trạch; hai là đi theo hướng cầu Tuần, qua bến đò Tân Ba.

Xuất phát theo hướng cầu Tuần, chúng ta sẽ dễ dàng mua được thức ăn tươi hoặc một số nông sản địa phương ở chợ quê. Gặp mùa thanh trà, đừng quên ghé vào một số vườn cây bên đường, vừa thưởng ngoạn phong cảnh, vừa mua đặc sản này mang theo giải khát.

Đường đến thác khá hoang sơ nên rất thích hợp với những người thích phiêu lưu bằng xe máy, đặc biệt là các bạn trẻ. Muốn chinh phục độ cao, đón dòng nước đầu nguồn, hãy chuẩn bị thật kỹ để không bị trượt chân khi men theo những vách đá dựng đứng; bạn cũng có thể thỏa sức vui đùa ở hồ nước mát lạnh bên dưới thác. Ai lãng mạn thì đi hái hoa rừng, tìm sim chín...

Trên đường vào thác có một căn nhà nhỏ của Kiểm lâm Hương Thủy. Các anh nhân viên sẽ là những “thổ địa” cung cấp nhiều thông tin bổ ích về con người, sinh vật khu vực này. Nếu gặp khó khăn trong việc đi lại, tìm kiếm nước uống… đừng ngần ngại mở lời xin giúp đỡ.

Một người dân địa phương cho biết: “Thác Đá Dăm là điểm đến thú vị của nhiều học sinh, sinh viên Huế vào mùa hè. Phong cảnh còn nét nguyên sơ nên các bạn trẻ sẽ có những bức ảnh cực đẹp. Nếu trong đoàn có trẻ nhỏ, phải cẩn thận do hồ nước khá sâu và vách đá khá cheo leo”.

Du lịch, GO! - Theo Báo Thừa Thiên - Huế
Bánh cộ (bánh in) được sư cô ở các chùa Huế làm quanh năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa để cúng trong các nghi lễ của Phật giáo như Rằm tháng 4, Rằm tháng 7, các ngày vía Quan Âm (19.2, 19.6,19.9).

< Quý sư cô đang làm bánh in hình tháp.

Chúng tôi gọi các cô làm bánh cộ ở chùa Hồng Ân (thôn Thượng I, xã Thủy Xuân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là những người “xây tháp". Bởi họ không chỉ đơn thuần tạo ra chiếc bánh cộ rực rỡ sắc màu, mà còn thể hiện tài trang trí, liên kết các bánh thành từng tầng, tháp có hình tròn hoặc hình lục giác, bát giác, trông rất đẹp mắt.

Bên cạnh việc kinh kệ sớm khuya hay công tác Phật sự, học hành.., quý cô, quý sư còn tổ chức làm các nghề như bánh cộ, làm nước tương, làm hương, trầm.., để có thêm thu nhập đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhà chùa. Có thể nói, nghề bánh cộ ở Huế ra đời, tồn tại hàng chục thập kỷ qua và đang ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, đáp ứng phần nào nhu cầu lễ nghi cúng tế của người dân xứ Huế và các vùng lân cận.

< Quý sư chùa Liên Trì-Huế đang thực hiện công đoạn gói bánh và “xây tháp”.

Trong các ngày lễ, ngày rằm, mồng một hàng tháng, và nhất là dịp Tết Nguyên đán, trên bàn thờ tổ tiên, ngoài hoa quả còn có bánh cộ rực rỡ sắc màu được thờ cúng trang nghiêm và ấm cúng. Đó là thành quả lao động miệt mài và bàn tay khéo léo của quý cô, quý sư ở các chùa Huế.

Bánh cộ có nhiều loại như bánh đậu xanh, bánh nếp, bánh bột bình tinh. Hình dạng của bánh cũng rất phong phú như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, lục giác, bát giác…Kích cỡ bánh to nhỏ, dày mỏng cũng khác nhau để khách hàng tùy sở thích mà chọn lựa. Nguyên vật liệu để làm bánh, quý cô mua ở các chợ, siêu thị hoặc đặt hàng cho các Phật tử đem đến tận chùa.

Loại bánh cộ thông dụng nhất mà quý cô hay làm là bánh đậu xanh. Cô Thích Nữ Tịnh Thảo (chùa Hồng Ân-Huế) cho biết: "Bánh đậu xanh muốn để được lâu khi cúng (khoảng 6 tháng đối với bánh đã được xây tháp) thì khâu quan trọng nhất là phải sấy bột cho thật kỹ, thật khô, đều. Nếu không bánh sẽ bị nhanh mốc.
Bánh bột nếp thì các công đoạn làm đơn giản hơn, nhưng khâu quan trọng vẫn là sấy bánh cho thật khô, đều và tỷ lệ pha trộn giữa đường và bột thế nào là thích hợp. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm của người làm, chứ rất khó diễn giải chính xác".

Bánh bột nếp có 2 loại: bánh không nhân (nhụy) và bánh có nhân. Nhân bánh làm bằng chuối sấy khô, mè, đậu phụng, gừng, đường. Bánh bột nếp có thể để ở bàn thờ một năm ở dạng bọc kính giấy nilon (đã xây tháp). Cô Huệ Từ ( chùa Liên Trì-Huế) chia sẻ: "Bánh bình tinh thì khi nào có khách đặt hàng mới làm, bởi bột bình tinh có giá cao hơn các loại bột khác và nhu cầu của thị trường cũng ít hơn.


< Phật tử ở chùa cũng góp sức làm đẹp thêm cho mâm cỗ ngày Tết.

Bánh cộ ở các chùa Huế được bán với giá rất “mềm”: khoảng 42.000đ/cặp đối với tháp bánh cao 6 tầng.
Còn bánh “xây tháp” cao 20 tầng thì giá từ 450.000-480.000đ/cặp. Bánh đã được xây thành từng tầng, tháp thì giá thành cao hơn bánh thường vì tốn nhiều công gói, giấy nilon, keo dán…". Điều đáng nói, thị trường tiêu thụ của bánh cộ do các nhà chùa làm rất rộng lớn. Bánh không những tiêu thụ mạnh trong tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn vươn ra một số thị trường lân cận như: Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội.

Bánh cộ được các sư cô ở các chùa Huế làm quanh năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa, để cúng trong các nghi lễ của Phật giáo như Rằm tháng 4, Rằm tháng 7, các ngày vía Quan Âm (19.2, 19.6,19.9). Đặc biệt, thị trường tiêu thụ mạnh nhất, bán với số lượng lớn nhất vẫn là dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, ngay từ tháng 10 Âm lịch, các cô phải cho máy chạy hết công suất mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đặt mua.

Sư cô Thích Nữ Huệ Phước ( chùa Liên Trì-Huế) cho biết thêm: "Bánh cộ do nhà chùa sản xuất còn có mặt ở một số nước bạn như Campuchia, Lào, Myanma…Khi có đại lễ cầu siêu, chẩn tế cô hồn, Phật tử ở nước ngoài thường gọi điện về các chùa Huế đặt “xây tháp” với số lượng lớn, có tháp bánh cao từ 1-1,5m, đường kính đáy rộng từ 0,6-1m và đóng thùng vận chuyển sang rất công phu.

Huế là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, số đạo hữu và giới Phật tử cũng rất đông. Chỉ ngần ấy thôi cũng hình dung được “sức sống”, mức tiêu thụ bánh cộ ở đây lớn đến mức nào. Hiện nay, ở các chùa Huế làm bánh cộ nhiều nhất phải kể đến chùa Hồng Ân, Diệu Nghiêm, Liên Trì, Hoàng Liên, Tịnh Đức…

Những ngày giáp Tết Quý Tỵ 2013, du khách có dịp ghé thăm các chùa sư nữ ở TP. Huế đều cảm nhận được cái không khí rộn ràng của tiếng máy quay, giã bánh, sự tất bật làm việc của quý cô, quý sư nơi đây. Không chỉ đơn thuần là chiếc bánh, những tầng tháp ấy còn mang “thông điệp”của quý sư, quý cô về một năm mới 2013 hòa bình, an lạc cho tất cả mọi người.

Điều dễ nhận thấy trong vài thập kỷ qua, bánh cộ do các chùa Huế sản xuất mặc dù không đăng ký thương hiệu, không dán nhãn mác, không quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng trên thực tế, nó đã, đang chiếm lĩnh thị trường gần xa, làm hài lòng biết bao du khách trong nước, quốc tế khi họ có dịp đến tham quan, viếng cảnh ở các chùa Huế.

Không ai lí giải được điều đó nhưng người ta thầm công nhận với nhau: Bánh do chính tay các cô, các sư làm ra thì chắc chắn sẽ sạch sẽ hơn, tinh khiết, chất lượng và thơm ngon hơn, giá thành lại hợp lí, phù hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp trong xã hội.

Cuộc sống vẫn cứ tiếp tục trôi qua, quý cô, quý sư vẫn ngày đêm âm thầm, cần mẫn “xây tháp” để dệt thêm hương vị cho đạo, cho đời, góp phần tô điểm cho mâm lễ vật trong mỗi gia đình càng thêm phong phú, cho bàn thờ gia tiên càng thêm ấm cúng và trang nghiêm trong những ngày Tết.
Với ý nghĩa giàu tính tâm linh đó, hình ảnh những chiếc bánh cộ rực rỡ sắc màu sẽ mãi mãi là hình ảnh quen thuộc trong tâm khảm mỗi người dân xứ Huế, của Phật tử ở phương xa, nhất là đối với những người mặc áo lam trong các chùa Huế hôm nay và ngày mai.

Du lịch, GO! - Theo Võ Văn Dần (Báo Dân Việt), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống