Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 25 April 2013

Là cư dân của TP biển Vũng Tàu, tôi rất xấu hổ trước việc du khách đến Vũng Tàu bị “chặt chém” vô tội vạ trong các ngày lễ lớn.

Từ trải nghiệm của bản thân, người thân và bạn bè, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm góp phần giảm bớt những phiền toái mà du khách có thể gặp phải trong chuyến tham quan Vũng Tàu vào những ngày lễ lớn sắp tới.

Khi đến TP Vũng Tàu, trên đường ra bãi Sau du khách sẽ gặp rất nhiều tài xế xe ôm chạy theo xe đưa những tờ rơi hoặc mời miệng giới thiệu những quán ăn ngon rẻ. Xin đừng tin và đừng bao giờ vào các địa chỉ đó, vì có thể họ là cò mồi cho các quán “chặt chém”. Những quán làm ăn đàng hoàng thường không sử dụng dịch vụ này.

Ở bãi tắm, trước khi muốn thuê hay mua vật gì phải hỏi giá cả cho thật kỹ, nếu không sẽ bị “chém” thẳng tay. Ngày thường một chiếc dù và ghế bố giá thuê chỉ khoảng 50.000 đồng, ngày lễ có thể bị “hét” lên đến 200.000 đồng. Tương tự, một ly trà đá có thể được “hét” tới 20.000 đồng...

Du khách nên trả giá và chỉ chấp nhận mức giá ngày lễ cao hơn ngày thường ở một mức hợp lý. Du khách cũng cần hạn chế dùng cua, ghẹ của những người gánh hàng rong dọc theo bãi tắm, vì hàng của họ thường không đảm bảo vệ sinh, có khi là hàng ế còn lại từ hôm trước. Người quen của tôi cũng vì ăn ghẹ bán dạo mà bị “Tào Tháo rượt” phải nằm viện hai ngày.

< Một gia đình ở TP.HCM chuẩn bị bữa ăn mang theo vừa tiết kiệm vừa tránh bị “chặt chém” khi đi du lịch Vũng Tàu.

Buổi trưa, muốn dùng cơm ngon và giá cả hợp lý, du khách nên chịu khó tốn một cuốc taxi vào khu chợ cũ (cách bãi Trước khoảng 500m).  Tại đây có những quán ăn nổi tiếng với giá luôn ổn định. Tại các quán ăn đó, một tô canh chua cá 80.000-90.000 đồng, các món mặn và xào hải sản giá cũng chừng đó. Gia đình bốn người kêu cơm và ba món ăn, mỗi người uống vài lon bia chỉ trả khoảng 500.000 đồng (trong khi các quán “chặt chém” thường tính 1-2 triệu đồng).

Tại chợ cũ có nhiều quán cơm bình dân giá tương đương TP.HCM như cơm sườn 20.000 đồng/phần, cơm đùi gà 30.000 đồng/phần... Buổi sáng, muốn dùng điểm tâm ngon, quý khách nên ra khu chợ cũ, đến phố Lê Lai - Đồ Chiểu. Tại đây có đủ các món ngon như cơm tấm, phở, hủ tiếu, bún bò Huế, bún mắm, bánh khọt... giá chỉ dao động 25.000-35.000 đồng/phần.

Du khách lưu ý là khi ăn ngoài bãi Sau, sau khi thuận giá nên yêu cầu nhân viên phục vụ ghi giá vào tờ giấy giao cho khách giữ để tránh bị họ lật lọng.

Tôi có người quen khi hỏi giá tôm sú thì họ nói 600.000 đồng/kg, lúc tính tiền họ tính 900.000 đồng/kg (đắt gấp ba lần giá ngoài chợ). Bạn tôi cự cãi thì họ bảo hồi nãy anh nghe lộn, tôi nói 900.000 đồng/kg chứ không phải 600.000 đồng/kg. Đã lỡ ăn rồi, lại không có chứng cứ gì để phản bác nên bạn tôi đành phải nuốt cục tức mà trả tiền.

Ban đêm, nếu phòng trọ và khách sạn đã hết chỗ, du khách có thể đến Tịnh xá Ngọc Bích ở bãi Trước (gần bến tàu cánh ngầm) xin ngủ nhờ, nhà chùa chỉ lấy tiền điện nước 10.000 đồng/người. Tịnh xá khá rộng, song muốn đảm bảo còn chỗ nên liên hệ đăng ký trước. Ngủ ở chùa thì không được tiện nghi lắm nhưng còn hơn nằm vật vạ ngoài công viên.

Cuối cùng, khi muốn mua đồ lưu niệm, du khách trả giá càng thấp càng đỡ bị hớ. Nếu chỉ trả giá bằng phân nửa hoặc một phần ba giá đưa ra là kể như “dính chấu”.
Cháu tôi hỏi mua một xâu chuỗi kết bằng các vỏ ốc, họ nói 70.000 đồng, cháu tôi trả 20.000 đồng thì họ bán. Tưởng mua được giá hời, ngờ đâu một lát gặp người khác cầm xâu chuỗi giống hệt, cháu tôi hỏi mua bao nhiêu thì họ bảo giá chỉ... 10.000 đồng.

Cư dân Nha Trang mách nước du lịch bụi 'ngon, bổ, rẻ'

Du lịch, GO! - Theo Duy Minh (TTO), internet
vị trí cuối vùng biên giới xa xôi tây nam nước ta, Hà Tiên là vùng đất nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh. “Hà Tiên thập cảnh” cùng với lịch sử khai mở vùng đất này đã từng đi vào thi ca.
Hà Tiên vừa có biển vừa có nhiều danh lam thắng cảnh để du khách khám phá. Hơn thế nữa, chuyến du lịch Hà Tiên theo cung cách 'bụi' sẽ vừa thuận tiện về đường xá lại rất tiết kiệm chi phí.

Khí hậu

Hà Tiên nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27 độ C, nhiệt độ trung bình thấp nhất là 23,90C, thường rơi vào khoảng tháng 12 – tháng 1; nhiệt độ cao nhất là 30,20C, thường rơi vào tháng 4 – 5.

Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, có nhiều năm mùa mưa đến sớm và kết thúc muộn hơn các khu vực khác của đồng bằng Sông Cửu Long. Nhìn chung, phần lớn thời gian ở Hà Tiên khí hậu mát mẻ trong lành, phù hợp cho những chuyến tăm biển hay tham quan danh lam thắng cảnh.

Di chuyển từ TP. HCM

Từ TP. HCM đi Hà Tiên khoảng 350 km, thời gian chạy bình thường thì sẽ mất 7- 8 tiếng. Xe khách đi Hà Tiên có vài CTy xe khách với giá vé 130.000 – 150.000 VND/vé:

- Xe Kumho
Đón và trả khách tại trạm Lê Hồng Phong và bến xe miền Tây (có xe trung chuyển miễn phí giữa hai nơi này). Khởi hành tại bến xe miền Tây lúc 9h30-11h-15h30-21h-22h. Khởi hành tại bến xe Hà Tiên lúc 7h50-11h-20h20-21h10-22h30.

Liên hệ đặt vé:
Bến xe miền Tây (TP. HCM): (08) 3752.7878; trạm Lê Hồng Phong: (08) 3833.8180 – 3833.8190.
Tại Hà Tiên: (077)3.95.97.97

- Riêng với xe Mai Linh (08 39 29 29 29) và Phương Trang (Phòng vé 328A Lê Hồng Phong, Quận 10 – ĐT: (08)3.833.3468), hiện hai hãng xe này chưa phục vụ tuyến Tp.HCM - Hà Tiên. Nếu muốn đi hai hãng xe này, bạn bắt xe tuyến Tp.HCM - Rạch Giá rồi từ Rạch Giá bắt tiếp xe đi Hà Tiên (vé là 50.000 VND/người).

- Xe Mai Linh
Tại Tp.HCM
Tổng đài đặt vé tại Sài Gòn: (08) 39 29 29 29.
Đường dây nóng: 0985 29 29 29.

Một vài điểm bán vé xe của Mailinh tại Tp.HCM:
293 Trần Phú, P8, Q5. ĐT (08) 38 363 888.
Phòng vé BX miền Đông (08) 35 112 888.
Phòng vé tại ga Sài Gòn: (08) 35 260 888.

Tại Kiên Giang
Rạch Giá: Bến xe Rạch Giá, 260A Nguyễn Bỉnh Khiêm ĐT (077) 3929292.
Xe chạy tuyến Tp.HCM – Rạch và ngược lại khởi hành tại Sài Gòn từ 0h đến 23h30, 60 phút một chuyến. Xe 45 chỗ khởi hành lúc 11h và 23h.
Hà Tiên: Bến xe Hà Tiên, ĐT (077) 3956956.
Xe chạy tuyến Rạch Giá – Hà Tiên khởi hành từ 4h15 đến 20h15 hàng ngày, mỗi chuyến cách nhau 30 phút.

- Xe Phương Trang
Tại Tp.HCM
Phòng vé 328A Lê Hồng Phong, Quận 10 – ĐT: (08) 3.833.3468
Bến xe miền Tây: ĐT: (08) 3.884.1562
Xe chạy tuyến Sài Gòn – Rạch Giá
Tại Rạch Giá:
260A Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Vĩnh Quang (077) 3.691.691

Đi lại tham quan tại Hà Tiên

- Giá thuê xe máy là giá 150.000- 200.000 VND/ngày (giá này nhớ yêu cầu người cho thuê đổ đầy xăng mà khi trả xe mình không cần phải đổ trả lại cho họ – nói nôm na là họ bao xăng cho mình), có thể hỏi ngay tại khách sạn.
- Nếu đi gần bạn có thể thuê xe lôi, với giá 40.000 VND/ngày, các anh chàng xe lôi sẽ chở bạn đi tham quan tất cả các điểm du lịch trong nội thị. Mỗi xe lôi chở 2 khách là phù hợp nhất.

Khách sạn

Đến Hà Tiên thì khách san, nhà trọ nhiều và hầu như cò mồi cũng nhiều, những người lái xe trung chuyển cũng sẽ giới thiệu khách sạn cho bạn. Để chắc ăn, bạn nên chuẩn bị phòng khách sạn Hà Tiên từ trước chuyến đi. Bạn có thể lưu trú tại khu vực trung tâm thị xã Hà Tiên hoặc khu vực biển Mũi Nai (cách trung tâm thị xã Hà Tiên khoảng 10km).

Danh lam thắng cảnh

Khái quát sơ đồ du lịch Hà Tiên thì gói gọn 2 vùng, vùng ven bên ngoài và nội thị. Những điểm tham quan nổi bật sung quanh khu vực nội thành gồm có: chùa Phù Dung, chùa Lò Gạch, đền thờ họ Mạc, lăng Mạc Cửu, cây dừa 4 Ngọn…

Đến Hà Tiên, nơi đầu tiên du khách nên viếng thăm là khu đền thờ và lăng mộ dòng họ Mạc ở núi Bình San. Họ Mạc ở Hà Tiên, khởi đầu từ Mạc Cửu, người có công khai phá và xây dựng vùng đất này hơn 300 năm trước. Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha, và ông là vị tướng văn võ song toàn, là người lập nên Tao Đàn Chiêu Anh các, làm rạng danh xứ Hà Tiên.

Từ chân núi lên, vào cổng, qua một khoảng sân, du khách bước vào đền thờ Mạc Cửu, sẽ nhìn thấy tấm biển đề bốn chữ "Khai trấn trụ quốc". Trên vách đền có ghi lại những bài thơ trong "Hà Tiên thập vịnh" của Mạc Thiên Tích. Lần theo những bậc tam cấp lên núi, sẽ gặp khu lăng mộ của dòng họ Mạc. Ngôi mộ lớn nhất của Mạc Cửu có hình bán nguyệt khoét sâu vào núi. Mộ Mạc Thiên Tích thấp hơn, nằm bên trái mộ Mạc Cửu, cách chừng 30m.

Đi vòng theo chân núi, du khách sẽ gặp chùa Phù Dung do Mạc Thiên Tích xây cho thứ thiếp là nàng Phù Cừ tu hành. Cảnh quan ở núi Bình San với những lăng mộ gợi cho du khách nhiều cảm xúc hoài cổ!

Cách thị xã Hà Tiên chừng 6km là núi Đá Dựng, một danh thắng quốc gia được công nhận vào năm 2007. Núi Đá Dựng có những hang động thâm u, bí ẩn cùng những huyền thoại, truyền thuyết có từ thuở xa xưa. Do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự tác động của thiên nhiên qua thời gian dài nên trong lòng núi có rất nhiều hang động. Núi cao chừng 100 mét ngoài, chu vi khoảng 1,5 ki lô mét, nhưng có cả thảy hơn 14 hang động lớn nhỏ.

Sau khi mua vé vào cổng, du khách đi men theo sườn núi quanh co dài gần 1.300 mét, qua các ngóc ngách, hang động để khám phá. Lần lượt ta sẽ ghé các hang Mẹ Sanh, Thần Kim Qui, Bồng Lai, Lê Công Gia, Khổ Qua, Trống Ngực, Sám Hối, Cổng Trời, Xã Kỳ, Cội Hàng Da, Lầu Chuông, Bà Chúa Xứ… Mỗi hang động mang một nét đẹp khác nhau.

Ở hang Cội Hàng Da, huyền thoại dân gian truyền khẩu rằng đó là chỗ ở của Thạch Sanh. Một buổi sáng xa xưa, chính từ nơi đây, Thạch Sanh đã giương cung bắn đại bàng yêu tinh đang cắp nàng công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng!

Từ Đá Dựng đến Thạch Động chừng 3 kí lô mét, du khách theo những bậc tam cấp lên hang. Thạch Động còn được gọi là Thạch Động Thôn Vân (động đá nuốt mây), động ở độ cao chừng 50 mét. Nhìn từ xa, Thạch Động trông giống chiếc mũ lông của một vị tướng nên người Pháp đặt tên là “Bonnet à Poil”. Phía trong động có một chùa Phật. Ở cửa tây nam có điện Bà Chúa Xứ. Phía đông, ngước nhìn lên trên có cửa hang thông đến đỉnh, dân gian gọi là đường lên trời.

Trong động có một miệng hang như miệng giếng, nhìn vào tối om, sâu thăm thẳm. Hiện nay miệng hang đã được bịt, lấp lại để tránh nguy hiểm. Nhiều người dân địa phương tin rằng "hễ ai xuống hang này đều biến mất, không trở lên nữa"; có người nói chắc nịch rằng hang này thông ra tới biển.

Đến Hà Tiên cũng có nghĩa là đến với bãi biển Mũi Nai - nơi tận cùng bờ biển Việt Nam giáp với Campuchia. Từ trung tâm thị xã đi về phía tây, dọc theo con đường một bên là núi, một bên là biển, non xanh nước biếc chập chùng sẽ làm du khách say đắm trước bức tranh thiên nhiên. Từ trên Vọng hải đài ở chóp đỉnh núi Tà Ban lộng gió, ngồi thư thả uống nước, ngắm nhìn cảnh biển, trời, mây, non nước, du khách nhìn thấy khá rõ đảo Phú Quốc và các đảo lân cận. Qua viễn vọng kính, ta còn được ngắm nhìn cảnh quan trên đất Campuchia.

Ở Mũi Nai có dịch vụ xe máng trượt lên xuống núi Tà Ban (vé khứ hồi 40.000 đồng/khách). Du khách sẽ rất hào hứng, hồi hộp khi ngồi trên xe máng trượt uốn lượn, nghiêng mình qua những lối quanh co, khúc khuỷu len lỏi giữa rừng cây.

Ăn uống

Về ăn uống bạn có thể ăn ở quán 66, hay quán cơm Hiền (khi qua cầu vào thị xã Hà Tiên nằm ngay bên tay phải) giá cả được lắm mà ngon nữa.

Ở các khu du lịch Hà Tiên ngoài đặc sản biển, món ngon “độc quyền” của Mũi Nai là canh chua cá kẻm nấu sả nghệ với măng tre. Cơm trái thốt nốt ngọt mát làm món tráng miệng thật dễ chịu. Muốn lạ miệng thì ăn món sầu riêng chở từ Kampot (Campuchia) qua. Sầu riêng thịt dày, mùi dậy, vị ngọt và béo ăn một lần nhớ mãi

Khu chợ đêm và khu phố ẩm thực là nơi thu hút nhiều du khách dừng chân thưởng thức các món ăn. Một số món ăn được xem là đặc sản tại Hà Tiên như sò huyết, bánh canh chả ghẹ, gỏi cá trích, bún cá, biên mai, ốc giác, xôi Hà Tiên…
Những quán nhậu ven đường bán rất sẵn khô cá đuối, khô cá khoai, khô mực, ốc biển, sò huyết… kèm với cóc, ổi, xoài rất “bắt”. Có một số quán nhậu phục vụ khách cả đêm.

Lưu ý

Chợ đêm Hà Tiên rất đa dạng hàng hóa từ các loại mỹ phẩm, vải vóc đến những món hàng mỹ nghệ bằng đá, vỏ ốc, thủy tinh, nhựa cho đến trang sức bằng vàng và đá quý, bày bán ngay trên vỉa hè. Các sản phẩm được nhiều du khách chọn mua là các loại hải sản (khô và tươi), đường thốt nốt, nước mắm…
Gói gọn chuyến đi, chi phí cho mỗi người là khoảng 800.000 – 1.000.000 VND bao gồm vé xe đi về 300.000 VND, chi phí thuê xe máy, xe lôi, khách sạn, mua vé tham quan 4 điểm du lịch, tiền ăn uống… (giá tính cho nhóm 6 người).

Thông tin đường bộ nếu đi bằng xe gắn máy:

Từ TPHCM theo quốc lộ 1A về miền Tây, qua cầu Mỹ Thuận rẽ phải hướng về Sa Đéc, nhập vào quốc lộ 80, qua phà Vàm Cống, đến thành phố Long Xuyên rồi đi Tri Tôn - Vàm Rầy - Kiên Lương đến Hà Tiên chừng 310km.
Bạn cũng có thể đi lối Tri Tôn - Giang Thành - Hà Tiên, có thể rút ngắn hơn được 15 km.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Ivivu.com, Thời báo kinh tế Sài Gòn... và nhiều nguồn ảnh khác.

Wednesday, 24 April 2013

Tại Quảng Nam, trái mít ngoài để ăn chín còn được dùng để chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như mít non luộc xắt phay chấm mắm ruốc, mắm cái hoặc làm gỏi mít; mít già xắt phơi khô để ghế (xáo) cơm; mít chín ngào gói trong mo cau cất nơi gác bếp là thứ “kẹo dẻo” khiến trẻ con luôn mê mẩn.

Đặc biệt, món mít hông là món ăn tuy dân dã nhưng cực kỳ hấp dẫn mà khi nói tới, người viết đã nghe nước bọt “râm ran” trong miệng.
Nghe nói ở thành phố Tam Kỳ có mấy quán bán mít hông rất hấp dẫn nên chúng tôi hăm hở “đánh” xe máy đi gần 60km để được thưởng thức.

Quán mít hông nằm khiêm nhường ở số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng. Trên dĩa mít hông còn có đậu phụng (lạc) rang giã giập, dừa nạo, dầu phụng đã phi thơm…
Ăn lúc nóng, múi mít hông ngọt ngào bốc hơi thơm lừng nơi mũi, hoà quyện lan toả của các vị ngọt, béo, bùi… đáng nhớ làm sao.

Chủ quán là anh Nguyễn Văn Kế (46 tuổi) vừa cho chúng tôi xem nồi hấp vừa cho biết cách chế biến: chọn những trái mít già “khú đế” hoặc trở tiếng (gần chín), lấy dao xắt chuối gọt vỏ, lấy lá chuối khô chùi mủ sạch sẽ, rồi xẻ trái mít ra làm nhiều miếng, cắt cùi, tách múi.

Lúc này, những múi mít già có màu vàng ngà trông rất bắt mắt. Sau đó, dùng dao rạch từng múi mít để bóc lấy hạt và lớp vỏ lụa ra ngoài. Nhân bỏ trong múi mít có thể làm bằng đậu xanh hoặc hạt mít luộc chín rồi đổ ra rổ rá cho nguội.

Dùng dao xếp lột vỏ lụa của từng hạt mít. Đem hạt mít này cho vào cối xay nát, sau đó lấy muỗng múc ra thau và dùng đũa bếp đánh cho tơi ra. Bấy giờ mới trộn các loại gia vị như tiêu bột, mì chính, muối hầm, rau ngò tàu... với tỷ lệ ước lượng theo kinh nghiệm từng người. Công đoạn này có tính chất quyết định phẩm chất của món mít hông.

Sau khi trộn cho các loại gia vị thấm đều, lấy xoong đổ dầu phụng (lạc) phi hành tỏi cho thơm rồi cho nhân vào xào khoảng năm phút thì được. Nhân nguội, dùng muỗng xúc cho vào từng múi mít. Công đoạn cuối cùng là sắp xếp những múi mít vào xửng và hong cách thuỷ chừng ba mươi phút cho chín. Khi sắp mít hông vào đĩa, nhà quán thường rắc lên trên đậu phụng (lạc) rang giã giập, dừa nạo, dầu phụng đã phi thơm…

Anh Kế còn cho biết, mít già anh mua mỗi ký là 11.000 đồng, trung bình mỗi trái mít già cho chế biến từ 20 – 30 dĩa mít hông, giá bán mỗi dĩa khoảng 10.000 đồng. Ngày thường trung bình mỗi ngày anh bán khoảng 5 – 6 trái; ngày lễ, tết bán khoảng 8 – 10 trái. Người ăn đa phần là học sinh, sinh viên từ khắp vùng miền đều ghiền món này.

Ngày nay, đời sống kinh tế của cư dân xứ Quảng cũng khá dần lên, cảnh những nồi cơm ghế mít thơm lừng, những nồi mít hông thơm ngào ngạt do bà mẹ quê chế biến cũng đã mất dần trong sự ra đi của những người già về bên kia thế giới. Cho nên, anh Kế cho hay, hai quán bán mít hông này chỉ có duy nhất ở thành phố Tam Kỳ, và có thể là cả nước.

Du lịch, GO! - Theo Hòa Vang (TuoitreQuangnam), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống