Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 26 April 2013

Tình cờ xem được bài nhật ký lữ hành của tác giả Vy Vân đăng trên Thời Báo Kinh Tế SG, đọc thấy bài hay nên mình trích đăng vào đây. Theo 'tiêu chí' của Du lịch, GO! là chỉ quan tâm đến những địa danh trong nước thì bài ký sự này 'ngoại đạo', tức là phượt ra ngoài nước. Vậy nhưng cũng rất đáng đọc nên mình đưa vào chủ đề 'Xã xì trét'. Bạn đọc để giải khuây, để hồi hộp trong các tình huống mà cô gái đã gặp phải nơi xứ lạ quê người, cũng giúp các bạn: những người yêu chủ nghĩa xê dịch tích tụ thêm vốn sống trên bước đường phượt.

Lần đầu đi "bụi": “Gà công nghiệp” xuất biên

Lời tòa soạn: Tác giả loạt du ký này là một nữ giáo viên trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai), cũng là mái trường của cô những năm trung học trước đây. Trong thư, Vy Vân cho biết, “Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi, nên tôi cũng run lắm, từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ đi xa nhất là từ Đồng Nai lên Sài Gòn, và ngược lại”.

Tác giả tự nói về mình: “Một đứa con gái suốt ngày cặm cụi với Toán, Lý dĩ nhiên nhìn mặt mày trông… đần đần cũng là lẽ thường tình”. Nhưng cô không đồng ý với nhận xét của nhiều người thường cho rằng, học sinh trường chuyên là những “con gà công nghiệp”, học giỏi nhưng ra ngoài xã hội thì chẳng biết gì. Và thế là, “Tôi âm thầm lẳng lặng một mình xách ba lô lên đường, không cho gia đình hay biết (nếu mẹ tôi biết, mẹ tôi sẽ ngất xỉu ngay), một đứa con gái nhút nhát, ngoan ngoãn như tôi mà có ý định du lịch nước ngoài một mình là điều quá sức tưởng tượng của mọi người!".

< Dọc đường, trên đất Campuchia, đâu đâu cũng thấy chùa chiền với những kiến trúc đầy màu sắc.

Vạn sự khởi đầu nan, khó khăn lớn nhất là tự vượt qua chính mình để bắt đầu thể hiện bản thân. Tác giả - như đã nói trên, từ nhỏ đến lớn chưa đi xa nhà một mình quá 40 ki lô mét, đã thực hiện liên tục hai chuyến xuất cảnh… “tây tiến”. Chuyến đầu sang nước láng giềng kề cận và chuyến thứ hai đi xa hơn, qua Campuchia, sang Thái Lan.

Quen sống trong "tổ ấm" gia đình, nên cô giáo này gọi những chuyến du lịch của mình là "đi bụi". Thật ra, nếu so với dân bụi thứ thiệt như Nguyễn Đức Quỳnh Dung (tác giả loạt ký sự Đi bụi, đạp xe xuyên Lào) - là người Vy Vân ngưỡng mộ, thì điều kiện rong chơi của cô giáo Vân còn "phong lưu" chán.
Mời bạn đọc cùng theo dõi chuyến xuất du thú vị của cô gái từng "suốt ngày cặm cụi với Toán, Lý" khởi đăng từ hôm nay.

Kỳ 1: “Gà công nghiệp” xuất biên

Trời còn chưa tỏ, những tia nắng trong ngày còn lười biếng chưa chịu thức giấc. Khoác chiếc áo choàng có mũ trùm đầu đã phai màu, tôi đến bến xe đã thấy lác đác có vài người ngồi chờ trước. Đây là lần đầu tiên tôi đi xa nhà một mình vượt ngưỡng khoảng cách địa lý giữa Biên Hòa - Sài Gòn, nên tự dưng nghĩ rồi cười thầm về cái cảm giác về mình như một "nữ hiệp hạ sơn", bước chân ra giang hồ! Trên dặm đường xa xôi, tôi tin mình sẽ học được nhiều cái mới, mở rộng tầm mắt. Và chuyến đi này sẽ đem lại những kinh nghiệm quý báu cho chặng đường sau này.

< Trước giờ khởi hành ở hãng xe Mai Linh, đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM.

Thực cũng chẳng dễ dàng để tôi quyết định lặng lẽ xách ba lô lên đường, không cho gia đình hay biết, nhất là người mẹ thân yêu - vốn là người hay lo sợ đủ điều cho con gái; và cũng muốn tránh những thị phi của những kẻ "buôn dưa" chuyên nghiệp.

Lên xe, tôi ngồi một mình một băng ghế, lát sau có một anh chàng bước tới ngồi xuống bên cạnh, nhưng khi nhìn lên thấy không đúng số ghế trên vé, anh ta liền chuyển sang băng đối diện. Đơn giản vậy thôi, nhưng bỗng dưng tôi "cảnh giác", nhìn anh ta.  Tay này có đôi mắt sâu thẳm, cứ nhìn tôi chằm chằm, vẻ dò xét. Một chút cảm giác... hơi sợ, nhưng tôi tỏ ra bình thản nhìn thẳng vào mắt hắn. Anh chàng quay đi chỗ khác nhưng thỉnh thoảng lại nhìn lén. Tôi ghi tỉ số"1-0", thắng hiệp đầu".

Đúng 6g30’, xe lăn bánh nhắm hướng Mộc Bài thẳng tiến. Đến biên giới, làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu Mộc Bài khá nhanh, sang cửa khẩu Bavet bên Campuchia làm tiếp thủ tục. Thấy tôi trùm kín mít mặt mũi như ninja, mấy ông hải quan bắt gỡ hết nón, mũ ra, yêu cầu qua máy rọi, chụp dấu vân tay xong xuôi mới đóng mộc.


< Một sòng bạc bên kia cửa khẩu Bavet, Campuchia.

Qua cửa khẩu, xe dừng tại quán ăn của hãng xe Mai Linh. Tỷ giá đổi tiền ở đó khá thấp (1 đô la Mỹ = 3.900 riel), trước khi đi, tôi đã tham khảo và biết tỉ giá 1 đô đổi được 4.200 riel và 1 riel = 5 đồng Việt Nam. Còn lưỡng lự, chưa muốn đổi tiền, tôi đi lòng vòng, gặp đôi vợ chồng người Pháp đi chung xe đang muốn đổi tiền. Một bà chị người Việt xun xoe xáp lại phiên dịch giúp hai vợ chồng này. Tôi bước lại gần xem họ đổi chác thế nào, nhưng có lẽ thấy tôi ăn mặc lùi xùi nên cái bà chị phiên dịch cho vợ chồng người Pháp đứng tránh ra xa (chắc sợ tôi... móc túi). Thấy vậy, hai vợ chồng Pháp cũng nhìn tôi, có vẻ dè chừng.

Hơi bực mình, nhưng tôi chẳng bận tâm, bỏ ra chiếc ghế đá gần đó, lấy củ sắn nước (củ đậu) trong túi áo ra ngồi ăn ngon lành. Tôi không muốn ăn cơm trong các hàng quán dọc đường thế này, thường vừa đắt vừa dở và cũng rất đáng ngại về vệ sinh. Ăn xong củ đậu, sau một lát đắn đo, tôi rút ra tờ 5 đô la Mỹ đổi lấy tiền riel. Xe tiếp tục lăn bánh, tôi lấy bánh mì ra ăn với xúc xích và đồ chua chuẩn bị sẵn ở nhà, vừa nhai vừa ngắm cảnh.

Cái anh chàng ngồi nhầm ghế hồi nãy bắt chuyện:
-  Chị đi du lịch một mình à?
-  Không, đi công việc. Tôi nói cộc lốc.
-  Chị qua đây chắc cũng nhiều lần rồi ha? Hắn hỏi tiếp, có vẻ dò xét.
-  Cũng vài lần thôi, nhưng đi cách đây mấy năm rồi.
-  Chị có người quen bên Campuchia không?
-  Người quen thì có, nhưng lần nào qua đây mình cũng ở ngoài cho tiện và thoải mái, không thích ở nhà người quen. Tôi lại cười thầm, nghĩ mình "xạo" cũng có hạng.


< Cảnh quan, đồng ruộng hai bên đường cũng giống vùng nông thôn Việt Nam.

Khi hắn chưa kịp hỏi tiếp, tôi "dò sóng" lại:
-  Anh đi chơi à? Sao không đi với bạn?
-  Uhm, mình làm kỹ sư xây dựng, được nghỉ mấy hôm nên sang Cam chơi.
-  Hồi đó anh học trường nào?
-  Giao thông vận tải. Đáp xong, hắn hỏi lại ngay: Chị làm nghề gì?
-  Giáo viên.

Thấy anh chàng này há hốc ngạc nhiên, tôi bồi tiếp: Anh đi mấy lần rồi?
-  Đây là lần đầu.

Có vẻ hắn nói thật, ít ra là câu trả lời sau cùng. Tôi tỏ vẻ thản nhiên, lạnh lùng, khẽ hát và ngắm cảnh, chụp hình... y như đang quay lại tuyến đường quen thuộc, cố che dấu sự háo hức khám phá vùng đất lạ, chưa một lần đặt chân đến!

Dọc đường có rất nhiều chùa chiền, nhà ở…, tôi chụp được vài cảnh, còn lại thì bỏ lỡ vì xe chạy nhanh chụp không kịp (hoặc do tay chân lóng ngóng, vụng về). Vốn bị chứng say xe từ nhỏ, nên tôi thấy hơi chóng mặt. Tối qua đi vội nên không kịp mua thuốc, mà có cũng không uống, tôi thà bị say xe chứ uống vào mệt ngủ, giang hồ 'cầm nhầm' hành trang thì sao. Tôi chỉ nhắm mắt thiu thiu, không dám ngủ say.

< Bến phà Neak Loeung.

Xe dừng ở một ngã ba. Anh chàng ngồi băng đối diện không bắt chuyện nữa, thỉnh thoảng nhìn sang vẻ e dè (ít ra là do tôi thấy vậy). Tự dưng tôi lại thấy khoái chí, thỉnh thoảng mỉm cười một mình, hắn ta lại càng nghi ngờ tợn (chắc tưởng tôi chuẩn bị bắt cóc hắn) nên hắn lảng lảng ngó sang chỗ khác. Lúc ấy, xe qua phà Neak Loeung, tôi lấy máy ảnh ra chụp vài tấm.

Khoảng 12 giờ, xe vào địa phận Phnom Penh (là tôi đoán vậy vì đoạn này nhà cửa san sát, không còn thưa thớt). Đến khi xe vào đại lộ Monivong thì tôi biết chắc là vào thành phố rồi và bắt đầu vận dụng trí nhớ hình dung lại bản đồ đã xem ở nhà để định vị tuyến đường đang đi. Xe đi ngang qua sứ quán Việt Nam, nhưng tôi chưa kịp lấy máy ảnh ra chụp thì xe đã chạy mất tiêu. Sau đó quẹo trái sang đại lộ Shihanouk rồi dừng lại tại bến. Tôi tiếp tục dùng trí nhớ xác định vị trí. Bước xuống xe, tôi rủ anh chàng kỹ sư xây dựng đi dọc theo đại lộ Monivong tìm đường, nhưng hình như anh chàng "sợ" tôi thật rồi nên từ chối. Tôi lại cười thầm, mới ra giang hồ ngày đầu đã có người "sợ".

Còn tiếp
Kỳ 1 - “Gà công nghiệp” xuất biên.
Kỳ 2 - Thử thách đầu tiên.
Kỳ 3 - Đêm đầu tiên ở Phnom Penh.
Kỳ 4 - Lang thang, hết chùa tới chợ.
Kỳ 5 - Cuộc chia tay bất ngờ.

Du lịch, GO! - Theo Vy Vân (Thesaigontimes)
Các địa điểm du lịch miền Bắc, không chỉ các bãi biển mà ngay cả nhiều khu di tích, hiện tượng chèo kéo, hét giá “cắt cổ” khách du lịch cũng xảy ra như… cơm bữa.

Chiêu trò “chém” ở biển

< Bãi Cháy nay có tên là... Bãi chém.

Nổi tiếng khu vực phía Bắc là 2 bãi biển ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Thế nên những dịp nghỉ hè, những ngày lễ, du khách kéo về đây nghỉ ngơi rất đông. Theo một hướng dẫn viên chuyên dẫn đoàn đi tham quan Hạ Long kể lại, nạn chặt chém ở Hạ Long, Quảng Ninh bao nhiêu năm nay vẫn không thay đổi.

“Khi khách đến Bãi Cháy sẽ có vô số khoản phải móc hầu bao như tiền thuê phao, thuê áo tắm, thuê ghế ngồi với giá không hề rẻ. Dừa ở Bãi Cháy thì được hét giá 70.000 đồng/quả. Thế nên anh em làm du lịch chúng tôi thường đùa nhau gọi Bãi Cháy thành Bãi… chém là vì thế”, anh hóm hỉnh đùa.

Ngoài chuyện giá phòng tăng gấp 2, gấp 3 so với ngày thường thì chiêu chặt chém phổ biến nhất ở Hạ Long chính là những bè cá. Khi khách đi tham quan trên tàu, nhiều chủ tàu câu kết với các bè cá đưa khách vào chọn hải sản. Những bè cá kiểu này không chỉ hét giá trên trời mà còn cân “điêu” cho khách.

“Thậm chí nhiều chủ bè còn ép khách mua bằng được bằng các chiêu như: khi khách mới hỏi cá và chưa có ý định mua, chủ bè đã đập chết cá luôn; hay thả luôn ngao, sò vào nước ngọt để ngao, sò không sống được bắt buộc khách đã hỏi là phải mua mặc kệ chưa quyết định và chưa mặc cả giá”, anh này cho hay.

Tình trạng chặt chém kiểu này cũng diễn ra tương đối phổ biến ở Hải Phòng, Cát Bà. Theo hướng dẫn viên này, du khách cần tìm hiểu giá cả, mặc cả thật kỹ trước khi quyết định mua. Nếu có người quen ở địa phương thì nên nhờ họ chọn lựa giúp. Tuy nhiên, tốt nhất, thích ăn hải sản và mua về làm quà thì có thể mua ở chợ Vân Đồn để có giá cả hợp lý.

Cũng theo anh này, dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng đồng thời diễn ra Lễ hội Carnaval Hạ Long nên thay vì đổ xô đến Hạ Long, Tuần Châu và phải chịu cảnh chặt chém, chèo kéo khách khó chịu, du khách có thể lựa chọn những địa điểm khác như Cô Tô, Quan Lạn, vừa được đi thuyền trên biển, cảnh đẹp, hoang sơ và giá cả dịch vụ cũng phù hợp với nhiều gia đình hiện nay.

Đến Vườn quốc gia nộp phí... môi trường

Mấy năm gần đây, Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì trở thành điểm du lịch được nhiều người yêu thích. Không khí trong lành, dễ chịu, lại chỉ cách trung tâm TP Hà Nội mấy chục cây số và thuận đường đi lại nên khá nhiều người chọn đây là điểm để nghỉ ngơi, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, vất vả. Cảnh đẹp thiên nhiên của khu vực này còn trở thành địa điểm chụp ảnh lý tưởng của các cặp vợ chồng sắp cưới hay của những người yêu thích chụp ảnh.

Tuy nhiên, dạo gần đây, VQG Ba Vì lại dính đến tai tiếng chặt chém gây không ít khó chịu cho du khách khi đặt chân đến nơi đây. Một tay máy nghiệp dư vừa từ VQG Ba Vì về đầy bức xúc rằng sẽ không quay trở lại nơi này nữa. Theo lời anh này kể lại, nhóm của anh sau khi chụp ảnh xong, có trải bạt ra ngồi nghỉ ngơi một lúc. Tự nhiên có một số người tự xưng là bảo vệ đến đòi thu 400.000 đồng với lý do thu tiền phí “bảo vệ môi trường”. Thấy mấy thanh niên trong nhóm thắc mắc số tiền này, 2 người bảo vệ (tự xưng) này lý giải họ thu 200.000 đồng/lần trải bạt. Nhóm trải bạt 2 lần nên phải thu 400.000 đồng.

Mặc dù số tiền trên không phải là quá lớn song hết sức vô lý và khiến không ít người ngã ngửa vì bất ngờ bởi khi đến VQG Ba Vì du lịch, không có bất cứ biển báo nào cấm không được trải bạt nghỉ ăn trưa. Hay trong tất cả các bảng thông báo, vé, hướng dẫn... cũng không có điều khoản nào ghi bảo vệ khu vực này được phép thu tiền thêm khi các nhóm ăn uống, trải bạt nghỉ ngơi tại đây. Nhóm sau khi cãi lý một hồi và đòi lên gặp Ban Quản lý thì 2 tay bảo vệ “rởm” cũng lập tức… “chuồn”.

Thủ đô cũng “bon chen” không kém

Một tour guide kể lại, ở giữa Thủ đô cũng bị chặt chém chứ đừng nói đi đâu xa. Một kinh nghiệm “xương máu” dành cho những tour guide mới vào nghề là phải cẩn trọng ngay từ ở sân bay Nội Bài. Anh này nhớ lại, năm đó anh đi đón một khách người Úc sang Việt Nam du lịch. Thông thường, các hướng dẫn viên khi đón khách sẽ ghi tên khách lên một tấm biển giơ lên để người đó nhận ra.

Một anh chàng lái taxi đã copy đúng tên khách, chép bằng bút dạ và cũng cầm biển giơ lên. Tuy nhiên khu vực dành cho hướng dẫn viên đón khách ở phía gần cửa ra, trong khi đó, tay taxi này lại vượt lên đứng trước đó một đoạn.

Vị khách người nước ngoài nên cũng không chú ý, thấy biển tên mình cứ tưởng là người của công ty du lịch đã đặt trước nên đi theo tay taxi này. Cậu lái taxi đó đã chở khách đi vòng vèo trước khi về đúng địa chỉ khách sạn và thu của khách đến gần 1 triệu đồng.

Cũng theo tour guide này, phổ biến ở các khu vực phố cổ là những phụ nữ bán hàng rong chèo kéo khách, xung quanh khu vực Hồ Gươm, hàng chục thợ chụp ảnh bám đuôi khách mời chụp ảnh. Một lần chính mắt anh chứng kiến một cậu thanh niên đánh giày cho một du khách Tây đã hét giá đòi 50$. Hay cánh xích lô chở khách lòng vòng khu vực phố cổ cũng đòi 500.000 đồng trong khi giá thực tế chỉ 50.000 đồng, nghĩa là hét giá lên gấp 10 lần nếu khách không mặc cả rõ ràng từ trước.

Không chỉ khách nước ngoài đến Hà Nội mới bị chặt chém mà người ngoại tỉnh, sinh viên đang học tại Hà Nội cũng có khi rơi vào bẫy này.
Tour guide nói trên cho rằng, một trong những điều quan trọng khi đi du lịch là phải tìm hiểu kỹ giá cả, biết cách mặc cả, trả giá để không tự biến mình thành nạn nhân của những vụ chặt chém mùa du lịch.

Du lịch, GO! - Theo H.Thanh (Infonet), ảnh internet

Thursday, 25 April 2013

Để không "vung tay quá trán" khi du lịch đợt nghỉ lễ sắp tới, bạn có thể tham khảo những lời khuyên trong bài dưới đây.

Dịp 30/4 - 1/5 hàng năm luôn được đánh giá là mùa du lịch cao điểm, đặc biệt là năm nay khi các công nhân viên chức được nghỉ tới 5 ngày liên tiếp. Một lượng lớn du khách đổ về các điểm du lịch, đồng nghĩa với việc giá vé, dịch vụ tăng chóng mặt. Để có một kỳ nghỉ vui, trọn vẹn mà không tiêu tốn quá nhiều tiền, hãy tham khảo những mẹo dưới đây!



1. Chọn điểm du lịch gần

Dịp nghỉ lễ đã tới rất gần, vì vậy, nếu chưa kịp đặt vé máy bay, tàu hay các tour du lịch, hãy cân nhắc những lựa chọn gần hơn thay vì quanh quẩn ở nơi bạn sống.

Thay vì những điểm đến nắng ấm miền Trung, miền Nam như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang…, bạn cũng có thể chọn những địa danh gần hơn, dễ tới bằng ô tô, xe máy như Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô…

Chọn những điểm đến này, bạn không phải đau đầu vì cái giá du lịch, dịch vụ quá cao mà vẫn có thể “đổi gió”, tiếp thêm năng lượng cho những ngày làm việc sau kỳ nghỉ.

2. Chọn phương tiện giao thông giá rẻ

Ngay cả khi bạn định lựa chọn những điểm đến xa, vẫn có những phương tiện giao thông với mức giá phải chăng hơn, giúp bạn tiết kiệm chi phí du lịch. Rất nhiều nhóm bạn trẻ đã lựa chọn ô tô chất lượng cao tại các bến xe để “phượt” tới tận Tây Nguyên, Đà Lạt. Thời gian di chuyển sẽ lâu hơn, nhưng nếu bạn không bị say ô tô, chuyến du hành này chắc chắn sẽ khó quên bởi bạn vừa đi, vừa được ngắm vô vàn cảnh sắc dọc đường mà người đi máy bay không thể chiêm ngưỡng hay dừng lại bất cứ nơi nào bạn muốn.

Nếu có chút máu phiêu lưu, mạo hiểm, bạn cũng có thể lựa chọn phương tiện xe máy, đi thành từng đoàn để “phượt” những chốn hoang sơ nhưng đầy hứng thú.

3. Nghỉ ở khách sạn xa tụ điểm du lịch

Những chuỗi khách sạn, nhà nghỉ gần khu vực du lịch: gần bãi biển, gần trung tâm vui chơi thường có giá đắt vô lý so với những khách sạn, nhà nghỉ ở xa hơn. Vì vậy, hãy tìm hiểu thông tin trên internet và cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn phòng nghỉ.

4. Nói "không" với taxi khi du lịch nội thành

Khi dạo quanh các điểm du lịch trong thành phố, tốt nhất không nên lựa chọn phương tiện taxi vì giá cả đắt, lại thường có nhiều loại taxi “dù” không đáng tin cậy.

Cách rẻ nhất để thăm các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh là đi bộ vì bạn ngắm được kỹ cảnh quan hơn, ngoạn cảnh dọc đường và chẳng tốn một xu. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, thay vì đi bộ, bạn cũng có thể lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm…

Khi mua vé giao thông công cộng, hãy hỏi thông tin về những loại dành riêng cho khách du lịch để được giảm chi phí. Tại một số nơi như Đà Nẵng, Hội An, Sapa, bạn còn có thể thuê xe máy, xe đạp để tự do khám phá những địa danh đẹp.

5. Mang theo thực phẩm

Mang theo đồ ăn cũng là một cách giảm bớt chi phí du lịch. Bạn có thể mang theo những món đồ khô như mỳ tôm, bánh mỳ, đồ hộp để không phải chi cho quá nhiều bữa ăn.

Nếu không muốn vác nặng, bạn cũng có thể lựa chọn các quán ăn dọc đường để thưởng thức ẩm thực đường phố ngon miễn chê. Đừng bao giờ chọn những nhà hàng được quảng cáo trong tour du lịch hay khách sạn mà nên hỏi người dân địa phương để lựa chọn những chốn ăn vừa rẻ, vừa ngon.

6. Chuẩn bị kỹ lưỡng

Chuẩn bị kỹ lưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với việc “thắt hầu bao” của bạn. Hãy lên danh sách những đồ cần mang và kiểm tra kỹ trước khi lên đường. Với cách này, bạn sẽ không phải chi những khoản phụ phí cho khăn tắm, kem dưỡng da, dầu gội đầu… với giá đắt hơn rất nhiều.

7. Chọn điểm du lịch công cộng

Nếu không muốn “vung tay quá trán”, đừng bao giờ chọn những khu vui chơi giải trí đòi hỏi vé vào cửa. Hãy lựa chọn những điểm đến công cộng mà ai cũng có quyền tới như bãi biển, công viên, tham quan các công trình kiến trúc, bảo tàng miễn phí hay giảm giá cho nhóm khách đi đông, gia đình hoặc sinh viên.

Chúc các bạn có chuyến đi tuyệt vời!

Du lịch, GO! - Theo Xzone, internet

Du lịch tiết kiệm ở 3 nơi hút khách nhất dịp lễ
Kinh nghiệm du lịch bụi (phượt) tiết kiệm
Bí quyết tiết kiệm mùa phượt biển

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống