Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 26 December 2011

Lại sắp sửa hết một năm tròn, cái tết Tây đã đối diện trước ngưỡng ngõ không còn bao xa.

Vậy đó: điều gì chưa đến, thứ gì mình đang mong chờ... thì cứ nhủ thầm "Sao mà lâu quá, lâu pà kố!". Thế nhưng nhìn lại những gì đã qua rồi thì muốn thốt lên: Mẹc ơi, sao thời gian trôi nhanh khủng vậy cà?

Mười lăm tháng từ ngày Du lịch, GO! góp mặt trên internet, nhìn qua ngó lại cũng có nhiều điều hay hay mà Dũng này xin được làm cái tổng kết ngồ ngộ cho pà kon xem chơi.

Lượng thông tin trong Du lịch,GO!...

- Từ lẹt bẹt những bài phượt phẹo đầu tiên, qua gần một năm rưỡi thì blog đã có trên 2300 bài viết về mọi địa điểm, vùng miền trên khắp cả nước. Các kinh nghiệm hay về cách du lịch bụi, phượt... đều có đủ - trải dài lềnh khênh.

Thậm chí các cung đường, bản đồ, khách sạn, văn hóa, ẩm thực 3 miền mình cũng cố gắng bổ xung đều đều: cốt ý khi bạn gõ vài từ vào khung search phía trên sẽ có thông tin đầy đủ. Một điểm nhấn khác là đa phần thông tin trên Du lịch, GO! mình đã biên tập lại từ nhiều nguồn nên sẽ phong phú hơn các bài nguyên bản và chắc chắn là nguồn ảnh minh họa sẽ nhiều và đẹp hơn (do mình fix từng ảnh).

Cập nhật - xem blog:

- Thông thường thì mỗi ngày mình post khoảng 5 bài mới (blog chỉ ngưng cập nhật khi bọn mình đang trong chuyến đi, hoặc là bịnh nặng te tua). Có khi số bài vừa post nhiều hơn số đó; vậy là những bài này sẽ lọt ra trang 2: phiền bạn kéo xuống dưới cùng chổ thanh phân trang:

+ Trang đầu: là trang đầu tiên.
+ Prev: lùi lại trang trước (trường hợp bạn không ở trang đầu).
+ Khung 1: gõ số trang bạn muốn đến vào đây.
+ Khung 2: Tổng số trang mà Du lịch, GO! có (hiện thời là 385 trang - mỗi trang có 6 bài).
+ Nút GO: nhấn nút để đi đến số trang mà bạn chọn trong khung 1.
+ Next: tới trang kế đó.
+ Trang cuối: đến trang cuối cùng (tức là trang chứa bài cũ nhất).

Ai đã xem blog, xem gì?

- Dĩ nhiên là do Du lịch, GO! có tiếng Việt nên đa phần người truy cập ở Việt Nam. Kế đó là những truy cập từ Mỹ, Đức, Nga, Thái Lan, Nhật, Hàn... và nhiều quốc gia khác. Lượt người xem Du lịch,GO! đến nay theo thống kê của Blogspot đã vượt 600 ngàn - mỗi ngày trên dưới 3 ngàn với số lượng thời điểm online trong blog nhiều nhất là 324 người cùng xem một lúc.

- Các thống kê của Blogspot cho thấy vài điều thú vị khác:
+ Số lượt xem theo trình duyệt: Firefox đứng đầu bảng với 45% người sử dụng - Chrome nhảy lên hạng 2 với 32% - Bá chủ trước nay là Internet Explorer đã rơi xuống hạng 3 với 15%. Những trình duyệt khác chiếm thị phần nhỏ còn lại gồm Safari, Opera, Mobile Safari, Maxthon, SeaMonkey, Dolfin... (bình quân trên thế giới thì IE vẫn hàng đầu, VN mình lại khác).

+ Số lượt xem theo hệ điều hành: Dĩ nhiên chúa tể vẫn là Windows (90%), kế là Linux (4%), iPhone, iPad, Android, Nokia... - Suy ra Windows vẫn là bá chủ dài dài.

+ Chủ đề (nhãn) được nhiều bạn thích nhất là chuyên mục "Chuyến đi kỳ thú", trong đó sôi sục nhất là những chuyến đi của mình, chuyến của các phượt gia lừng lẫy khác.

Nhưng đều ngộ nghĩnh nhất lại là đây: Mục "Gái đẹp 3 miền" có những bài với số lượt xem "đỉnh điểm" (với gần trăm ngàn - do vậy nên những bài này lúc nào cũng hiện diện bên cột phải, phần "Bài nhiều người xem") và được vô số các web lớn nhỏ khác copy lại.

Dân mình háo gái đẹp? Không phải đâu: do những bài đó thể hiện đủ những nét đẹp thanh khiết cùng bản sắc văn hóa dân dã tuyệt vời của người vùng cao... mà ngày nay theo đà phát triển đã dần mất đi. Cái đẹp "mát mẻ" thì từa lưa trên mạng, từ a đến z... nhưng cái đẹp ở đây thì hồn nhiên và trong sáng lắm, không thể đem so sánh với thứ trần tục xoàng xĩnh kia được.

Một số bài về kinh nghiệm phượt cũng được nhiều web khác cùng bạn đọc chiếu cố dữ đội như "Cẩm nang du lịch bụi (12)", "Kinh nghiệm du lịch bụi tiết kiệm", "3 ngày du lịch bụi Mũi Né", "Tự vá xe trên đường phượt"...
Trang "Bản đồ" cũng vậy: nhiều khi host chứa hết sạch băng thông do lượt tải nhiều.

Ít điều vặt vãnh để bạn xem đỡ buồn. Riêng mình: Du lịch, GO! là chốn chia sẻ - trải lòng và mình mong ước nó sẽ giúp bạn - những người yêu du lịch, yêu văn hóa Việt Nam... có thể tìm thấy chút thông tin cần thiết trước và trong cuộc hành trình.

Sắp sang năm 2012: vừa tết tây và kề cận đó là tết Nguyên Đán - trong thời gian này mình sẽ bận rộn nhiều vì phải cày... kiếm sống, kiếm chút tiền còm để còm dắt eo để mà "đi phượt". Do vậy: chuyến bụi đầu năm có lẽ phải qua tết, hết những ngày "chặt chém" theo kiểu "tết mà"... rồi mình mới có thể ngao du sơn thủy để có chuyện lông bông trên khắp các nẻo đường - về kể cho pà kon nghe và xem chơi.

Chào năm cũ, chộp năm mới: Du lịch, GO! xin gởi lời chúc hạnh phúc, an bình đến tất cả các bạn. Mong rằng các bạn sẽ có những chuyến phượt bụi tuyệt vời trong những ngày đầu năm.

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
Nằm gối đầu trên những dãy núi cao 1.900m của đỉnh Chủng Sủa Dằng, xa Dào San (huyện Phong Thổ - Lai Châu) như một bức tranh khổng lồ nhung tinh tế bởi cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa vùng cao.

Đến Dào San vào mùa xuân, lúc cỏ cây hoa lá căng tràn nhựa sống Dào San được bao trùm một màu xanh non mơn mởn, trong sáng. Lại được điểm tô bởi sắc hồng phấn hay đo đỏ của những cánh đào, cánh ban đang cố khoe mình.

Nhà của đồng bào ở Dào San nằm rải rác ven theo sườn núi, bên cạnh các khe núi, ấm áp. So với Dào San 5 năm về trước thì mùa xuân này Dào San sôi động, sầm uất hơn rất nhiều. Dào San trong sương sớm như một nàng tiên còn đang mơ màng với giấc ngủ, chỉ khi đến phiên chợ thì nàng tiên mới thức giấc với vẻ đẹp rực rỡ sắc màu của đồng bào các dân tộc, của núi, của rừng, của vẻ hoang sơ như trong cổ tích.

Chợ Dào San ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là tâm điểm của 8 xã vùng cánh cung biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ. Nơi đây, những người dân trong huyện đến bán những thứ gì họ có và mua những gì họ cần từ mớ rau, con gà vịt, vải, quần áo...

Chợ cũng là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao cực Bắc như Mông, Dao Hà Nhì... nơi vùng cao Tây Bắc. Ngày nay chợ phiên Dào San không chỉ là ngày hội của đồng bào 8 xã mà còn hấp dẫn nhiều người dân các nơi đến mua bán và thưởng thức nét độc đáo của phiên chợ vùng cao.


Ở Dào San cái gì cũng đẹp: núi đẹp, sông đẹp, hoa đẹp, tuyết đẹp… con gái người Mông cũng rất đẹp. Song có một cái đẹp không đâu sánh bằng, đó là tình người. Tình người nơi đây dường như làm cho miền biên ải tuyết rơi bớt phần lạnh giá.

Đồng bào ở đây ăn Tết vui lắm. Dù ở cách xa nhau bao nhiêu ngọn núi nhưng trong ngày Tết dòng họ gia đình đồng bào Mông, Dao, La Hủ, Thái...và cả đồng bào Kinh cũng xum họp đông đủ. Hũ rượu ngô Sùng Phài nồng say, chảo thắng cố sùng sục sôi. Tết còn nghèo vật chất nhưng nặng tình nghĩa.

Đồng bào Mông ăn Tết rất sớm lắm: từ Tết dương lịch, không khí Tết đã nhộn nhịp ở các bản heo hút nhất như Bản Dền Thàng, bản Hợp 1, bản Hợp 2… Vào nhà đồng bào Mông, đồng bào Dao, đồng bào Thái… ngày Tết bạn sẽ là khách quý, là anh em. Trong cái lạnh miền biên cương, bát rượu ngô Sùng Phài sóng sánh làm ấm lòng. Đến nhà nào cũng được mời uống rượu ngô bạn phải có tửu lượng khá lắm mới chịu nổi, chân còn đủ vững để còn ra sân chơi ném còn, ném pao, thổi khèn với đám thanh niên của bản.

Dào San vẫn thế, dù thời gian có trải dài, dù cuộc sống có thay đổi thì Dào San vẫn nguyên sơ và giản dị như con người hồn nhiên, chất phác luôn được che chở bởi bàn tay của mẹ thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Dào San mùa cúc quỳ

Vượt qua 80 cây số đường đá bụi mù mịt, chúng tôi mới đến được xã Dào San (Phong Thổ - Lai Châu) nổi tiếng với vẻ đẹp trong mơ của mùa hoa cúc quỳ miền sơn cước.

Hoa cúc quỳ được người dân nơi đây gọi vậy, chứ thực tế được đặt với cái tên mỹ miều hơn - Dã quỳ vàng. Màu vàng tươi rói của hoa cúc quỳ đã làm say bao tâm hồn lãng mạn của những người yêu thiên nhiên và các “tao nhân mặc khách”.

Tháng 12 dương lịch, giữa bốn bề là núi được mây trắng phủ kín nên Dào San lại giống như một tiên cảnh của Phong Thổ. Rất nhiều khách Tây đi trên những chiếc xe cào cào thích thú với vẻ đẹp và thực sự bị cuốn hút bởi “rực trời vàng hoa cúc quỳ”. Giữa những mây trời trắng xóa được điểm thêm màu phớt vàng càng làm cho Dào San thêm phần huyền ảo.

Núi trùng điệp, mây quẩn quanh bên những nụ hoa vàng, từng đoàn người Mông nô nức xuống chợ, vài ba người khách đứng ngắm hoa, họ lặng đi với vẻ đẹp Tây Bắc.

Ông bạn tôi, một nhà viết kịch người dân tộc La Hủ bảo: “Ở Dào San, cúc quỳ đẹp hơn mọi nơi. Cúc quỳ Dào San gắn với câu chuyện tình lãng mạn miền biên viễn xa xôi. Người con trai sau khi biết tin cô gái mình thầm yêu trộm nhớ đi lấy chồng. Chàng trai si tình đã đứng đó ngẩn ngơ, bao nhiêu thương nhớ hóa thành cúc quỳ vàng”.

Lên đến đỉnh núi cao nhất của Dào San nhìn xuống những cung ruộng bậc thang như những khuông nhạc. Điểm trên đó là màu vàng của cúc quỳ như những nốt nhạc vui có, buồn có, tha thiết có, và tất nhiên có cả những ưu tư khó nói khi ta thấy ở phía lưng đồi, có một vài mái nhà nhỏ bếp đã lên khói buổi chiều hôm.

Ở xứ ta, có những thành phố hoa, nhà hàng hoa, đại lý hoa… nhưng với những người đã từng đến với Dào San thì khó có tên gọi nào đặt cho vùng hoa ấy. Chỉ biết rằng, vùng đất lạ này trên các đỉnh núi, ở các bản xa, hai bên đường dày đặc hoa cúc quỳ. Hoa nở đẹp cùng sương trắng như tấm áo hoa vàng của thiếu nữ dân tộc La Hủ, đẹp tựa chiếc khăn voan của phương trời Tây Bắc.


Và còn nữa, mỗi năm đến tháng 12 dương lịch, người Dào San còn tổ chức những “lễ hội” về hoa theo các ngày chẵn trong tháng. Khi đó, hoa ngập đường vào các bản làng, hoa phủ vàng trên những rẫy nương cao và cúc quỳ trở thành loài “chúa hoa” biên viễn. Mùa này lên Dào San ngắm cúc quỳ thì quá tuyệt.

Nhưng hiềm một nỗi, đường đi rất khó khăn, có những đoạn dốc lên dốc xuống, có những đoạn gió thổi bụi bay, lại có những khúc cua hình chữ Z được phủ bởi sương trắng nên dù có say với vẻ đẹp Dào San cũng nên cẩn thận với mỗi bước chân gập ghềnh.

Nam Trần - Anninhthudo và nhiều nguồn ảnh khác.

Sunday, 25 December 2011

Trong những năm gần đây, giới báo chí gọi khu vực bãi đất trống nằm giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài là “Quảng trường Ngọ Môn” vì nó nằm ở trước mặt Ngọ Môn. Dùng địa danh này xem ra là thích hợp hơn cả, vì Ngọ Môn cùng với Lầu Ngũ Phụng ở trên đó là một trong những công trình kiến trúc có giá trị nhất của Huế về các mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, và đặc biệt nó là cái khán đài danh dự lý tưởng khi có cuộc lễ diễn ra ở quảng trường trước mặt nó.

Có một bãi đất trống nằm giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài. Nói chính xác hơn, không gian ấy được giới hạn bởi đường 23 tháng 8 ở phía bắc, chân tường Kinh thành ở phía nam, con đường ngắn sau cửa Thể Nhân (thường gọi là cửa Ngăn) ở phía đông và con đường ngắn sau cửa Quảng Đức ở phía tây. Chiều bắc nam của nó rộng gần 125m và chiều đông tây dài khoảng 360m.

Trong khi qui hoạch và xây dựng Kinh thành và Hoàng thành vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc triều Nguyễn đã thiết lập không gian trống này một cách có ý thức: vừa tạo ra một khoảng cách thích hợp giữa mặt tiền Hoàng thành và mặt tiền Kinh thành, hay nói cách khác, giữa Ngọ Môn và Kỳ Đài, vừa để cho triều đình có nơi để tổ chức một số cuộc đại lễ hoặc làm một số công việc cần thiết.

Không thấy triều đình bấy giờ đặt tên riêng chính thức cho quảng trường này. Chỉ thấy Nội các cho biết đây là nơi “Đại duyệt” hoặc nơi “Duyệt binh” tức là khu đất mà triều đình dùng để tổ chức những cuộc diễn tập vào đầu xuân hàng năm của các đơn vị bộ binh, trong đó có sự duyệt khán của vua và các đình thần cao cấp.

< Phía ngoài quảng trường Ngọ Môn trong lễ tế Nam Giao xưa.

Trong quyển “Souvenirs de Hué” được viết vào giữa thế kỷ XIX, một chứng nhân lịch sử từng sống tại Huế từ thời Gia Long (1802 - 1819) đến đầu thời Minh Mạng (1820 - 1840) là Michel Đức Chaigneau, đã gọi là khu đất này là “trường diễn binh nhỏ” (le petit champ de Mars, place de manoeuvres) để phân biệt với “trường diễn binh lớn” (grand champ de Mars) bấy giờ tọa lạc tại bờ bắc Sông Hương ở trước mặt Kinh thành .

Vào khoảng đầu thập niên 1930, khi khảo sát kỹ về các địa danh ở phạm vi Kinh thành Huế, Léopold Cadière đã gọi khu đất trống tại đó là “Hội đồng diễn quân trường” được dùng bằng tiếng Pháp là “champ de manoeuvre pour les troupes” , nghĩa là trường diễn binh của các đơn vị quân đội. Nhưng, nhà nghiên cứu này không cho biết tên gọi chữ Hán ấy đã lấy từ tư liệu nào.

Từ khi triều Nguyễn cáo chung vào năm 1945 đến nay, dân chúng địa phương Huế thường gọi nó một cách nôm na và dễ nhớ là “sân Cột Cờ”. Sở dĩ nói là “sân”, vì nó thường được dùng làm sân bóng đá, và gọi là “Cột Cờ”, vì khu đất này nằm sát chân Kỳ Đài, trên đó có cột cờ cao nhất nước (52,81m).

Trong những năm gần đây, giới báo chí gọi là khu vực ấy là “Quảng trường Ngọ Môn”, vì nó nằm ở trước mặt Ngọ Môn như trên đã nói. Dùng địa danh này xem ra là thích hợp hơn cả, vì Ngọ Môn cùng với Lầu Ngũ Phụng ở trên đó là một trong những công trình kiến trúc có giá trị nhất của Huế về các mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, và đặc biệt nó là cái khán đài danh dự lý tưởng khi có cuộc lễ diễn ra ở quảng trường trước mặt nó.

Mỗi lần tổ chức lễ gì ở đây cũng có đông người tham dự. Lịch sử triều Nguyễn cho thấy rằng các cuộc lễ lớn từng diễn ra ở đây đều mang tính quốc gia, chẳng hạn như Lễ Truyền lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), Lễ Ban sóc (phát lịch), Lễ Duyệt binh hàng năm, Lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của vua Khải Định (năm 1924), Lễ thoái vị của vua Bảo Đại (1945).

Tiếp tục sử dụng chức năng truyền thống đó, từ năm 1975 đến nay, chính quyền tỉnh thành sở tại đã tổ chức ở đây một số cuộc lễ long trọng có hàng vạn người tham dự. Ví dụ, gần đây nhất:

Vào ngày 26/3/1999, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ở Quảng trường Ngọ Môn cuộc Lễ Kỷ niệm 5 năm Quần thể Di tích Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn Hóa Thế giới và mừng 24 năm ngày Huế giải phóng, trong đó có khoảng 1 vạn người tham dự với sự hiện diện của nhiều quan chức Việt Nam và quốc tế.

Vào đêm 8/4/2000, chính quyền tỉnh sở tại đã phối hợp với một số cơ quan văn hóa nghệ thuật ở Trung ương, các địa phương và phía đối với tác Pháp, tổ chức cuộc Lễ Khai mạc Festival Huế 2000 tại quảng trường này, với sự hiện diện của nhiều quan chức cao cấp Việt-Pháp và hơn 2 vạn dân chúng địa phương cùng hàng ngàn du khách nội địa và quốc tế.

Mặc dù chức năng chính của Quảng trường Ngọ Môn từ xưa đến nay vẫn như nhau, là dùng để tổ chức những cuộc lễ quan trọng mang tính quốc gia hoặc địa phương, nhưng diện mạo của nó đã có sự thay đổi ít nhiều qua thời gian.

Trong bộ sách “Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ”, Nội các Triều Nguyễn cho biết rằnng dưới thời Gia Long và đầu thời Minh Mạng, triều đình đã cho xây dựng ở hai bên quảng trường này 7 dãy nhà gồm 143 gian để che cho nhưng khẩu đại bác được đúc trong giai đoạn mấy chục năm ấy.

Những dãy nhà bằng gỗ lợp ngói này đã được gọi tên là “Tả Đại Tướng Quân Xưởng”, “Hữu Đại Tướng Quân Xưởng”, “Thượng Tướng Quân Xưởng”, “Tả Trung Tướng Quân Xưởng”, “Hữu Trung Tướng Quân Xưởng”. Từ “xưởng” ở đây có thể hiểu nghĩa là nhà chứa súng.

Đến năm 1832, khi bắt đầu nâng cấp bộ mặt kiến trúc của Hoàng thành, vua Minh Mạng đã cho dời một số dãy nhà súng ấy vào dựng “ở bên tả bên hữu trước cửa Ngọ Môn” .

Không thấy tư liệu nào cho biết rõ triều đình đã thiết trí bao nhiêu loại đại bác và bao nhiêu khẩu súng ở các dãy nhà súng hai bên Ngọ Môn. Nhưng, vào đầu thời Thành Thái (1889 - 1907), ở hai dãy nhà hai bên Ngọ Môn chỉ còn 9 khẩu “Thần oai Vô địch Thượng tướng quân “được đúc bằng đồng vào những năm 1803 - 1804 dưới thời Gia Long (Về sau, 9 khẩu súng lớn này thường được gọi là Cửu Vị Thần Công). Bấy giờ, ở dãy nhà bên trái, người ta đặt 4 khẩu mang tên “tứ thời”: Xuân, Hạ, Thu, Đông; và ở dãy nhà bên phải là 5 khẩu mang tên “ngũ hành”: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Vào năm 1896, triều đình Thành Thái đã cho di chuyển 5 khẩu bên phải qua đặt chung với 4 khẩu bên trái thành một dãy 9 khẩu. Lúc đó, dãy nhà bên phải trở thành “Mã khái” (Nhà để ngựa), và dãy nhà súng bên trái được gọi là “Pháo xưởng” .

Đến tháng 6/1917, dưới thời Khải Định, Nam triều đã cho Bộ Công đứng ra tổ chức di chuyển 9 khẩu thần công ấy một lần nữa và lại chia thành 2 nhóm, đặt ở 2 vị trí mới: 4 khẩu Tứ thời đặt ở phía sau cửa Thể Nhân và 5 khẩu Ngũ hành đặt phía sau cửa Quảng Đức, và xây 2 ngôi nhà bằng gỗ lợp ngói để bảo quản chúng . Đó chính là vị trí của Cửu Vị Thần Công mà chúng ta đang thấy hiện nay. Hai nhà súng này cho thấy rõ hơn nữa giới hạn chiều đông-tây của Quảng trường Ngọ Môn.

Mặt bằng của quảng trường này trong gần 200 năm qua, thường là một bãi đất trống. Một số ảnh chụp vào những thập niên đầu thế kỷ XX cho thấy triều đình có cho trồng một hàng dương liễu (cây filao) ở gần chân Kỳ Đài.

Có một trường hợp đặc biệt đã làm cho diện mạo của Quảng trường Ngọ Môn trở nên khác hẳn. Vào năm 1924, để cử hành cuộc lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của mình, vua Khải Định đã cho xây dựng tạm thời tại quảng trường này một tòa cung điện ở gần chân Kỳ Đài, mặt hướng về phía Ngọ Môn, và 2 dãy nhà ở 2 bên tòa cung điện, nằm đối diện nhau; đồng thời, chỉnh trang phần mặt sân ở khu vực trung tâm của quảng trường. Bấy giờ, người ta đã bố trí lại các thảm cỏ và đường đi lối lại. Các lối đi được lát gạch Bát Tràng. Nhìn chung, sự xây dựng, tôn tạo và trang hoàng lúc đó dù là tạm thời (trong một giai đoạn rất ngắn khi diễn ra cuộc lễ), nhưng trông thật tươm tất và đẹp đẽ...

Du lịch, GO! Theo Phan Thuận An (Tạp chí Sông Hương), ảnh sưu tầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống