Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 31 March 2013

Rời khỏi Torun, trong đầu tôi vẫn vang âm hưởng của thời trung cổ với những lớp thành lũy gạch nung đồ sộ. Âm hưởng ẫy vẫn còn theo đuổi tôi cho đến chặng cuối cùng của tôi trên đất Ba Lan : thành phố cảng Gdansk. Sau 3 tiếng rưỡi đi tàu hỏa, tôi đặt chân đến thành phố với biệt danh “ngọc trai của phương Bắc”. Có tên gọi như vậy vì quần thể kiến trúc trung cổ của Gdansk có thể sánh ngang với nhiều thành phố khác dọc theo bờ biển Baltic như Lubeck, Riga hay những  thành phố xa hơn như Bruges hay Amsterdam. Đến được Gdansk là coi như tôi đã hoàn thành đến 90% chặng đường rồi. Nhìn lại mới thấy thời gian trôi thật nhanh, nhoắng một cái mà gần 2 tuần đã trôi qua và tôi đã tung hoành khá nhiều nơi trên đất Ba Lan. Chỉ có một điều, đây là một hòn ngọc được đẽo gọt lại theo phiên bản gốc đã bị phá hủy khá nhiều do bom đạn của thế chiến thứ hai. Trong những thập kỷ sau thế chiến, thành phố Gdansk cũng phải chuyển mình để hồi sinh như nhiều thành phố khác của Châu Âu. Nhưng có một điều mà tôi cảm thấy người Việt chúng ta phải học hỏi ở người Ba Lan, đó là ý thức bảo tồn giá trị kiến trúc truyền thống.

 Bị phá hủy chỉ còn lại vỏn vẹn 37 tòa nhà, cộng với sức ép dân số, chính quyền địa phương tất nhiên buộc phải cho xây một loạt tòa nhà chung cư bê tông xấu xí để giải quyết chỗ ở. Nhưng không phải vì thế mà họ cho xây dựng lung tung. Người Ba Lan vẫn chú trọng đầu tư cho xây lại khu phố cổ Gdansk và những tòa nhà chung cư hiện đại đều nằm ngoài vùng. Phương pháp trùng tu xây dựng các tòa nhà cổ cũng rất thông minh, tuân theo những yêu cầu kiến trúc rất khắt khe. Nói là xây lại, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ vác bê-tông, xi-măng hay gỗ của thế kỷ 20 để xây một công trình của thế kỷ 14. 

 Họ mất rất nhiều công sức nghiên cứu nguồn gốc các vật liệu xây dựng và sử dụng lại các miếng gạch tảng đá của các công trình thời trung cổ bị phá hủy ở nơi khác, vác về đây và cho xây lại các tòa nhà ở Gdansk. Công nghệ trùng tu của người Ba Lan được cả thế giới kính nể và không quá ngạc nhiên khi Việt Nam phải mời các chuyên gia Ba Lan về cố vấn cho công cuộc trùng tu cổng thành cửa Bắc ở Hà Nội và một phần của kinh thành Huế. Gdansk ngày nay là một thành phố cảng công nghiệp hiện đại và khá ô nhiễm. Nếu như không có quần thể kiến trúc phố cổ được trùng tu, có lẽ đây chỉ là một thành phố không hồn đang gặm nhấm những ký ức huy hoàng của những thế kỷ 13-15. 

 Du khách chủ yếu đến Gdansk bằng tàu hỏa từ thủ đô Warsaw và phần lớn chỉ đến đây một ngày và không ngủ lại. Họ đến đây để chụp ảnh lưu niệm nhưng tôi tin rằng không có nhiều trong số họ quan tâm đến quá khứ huy hoàng của Gdansk nói riêng và quần thể các thành phố cảng Hansa (trong đó có Torun) nói chung. Tôi thì ngược lại, tôi đến đây để tìm hiểu rõ hơn khía cạnh lịch sử này. Cũng có thể vì tôi đi theo trục đường khác (từ Torun đâm lên) nên sự kỳ vọng về Gdansk có phần khác. Lịch sử của Gdansk có quan hệ mật thiết với thời trung cổ và với những quốc gia láng giềng ven rìa bờ biển Baltic. Cũng như Torun, Gdansk giao lưu thương mại và văn hóa với các quốc gia thuộc dòng Đức và Flamand (xuất xứ từ Hà Lan và Bỉ ngày nay). 

 Không khó có thể nhận ra điều này qua ảnh hưởng kiến trúc. Nhìn vào những tòa nhà bằng gạch nung đỏ, đôi khi bạn đang có cảm giác ở trung tâm Bruges hay nhà ga ở Amsterdam. Các thương gia Đức đổ xô về đây lập nghiệp và Gdansk trong quá khứ thậm chí là một thành phố văn hóa Đức với cái tên Danzig. So với Torun, sự phát triển của Gdansk có phần khác hơn một chút. Thứ nhất, Gdansk phất lên chủ yếu nhờ xuất khẩu một mặt hàng rất xa xỉ ở Châu Âu : đá amber. Thứ hai, thời kỳ hoàng kim của Gdansk dài hơn so với Torun, kéo dài đến những thế kỷ 16-17 chứ không lụi tàn nhanh như Torun (chỉ phất lên vào những thế kỷ 13-15). 
 Chính vì vị trí chiến lược của Gdansk, thành phố là tâm điểm của sự thèm muốn của các thế lực lân cận và là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh. Sau hơn 300 năm đỉnh cao, thành phố bắt đầu rơi vào giai đoạn thoái trào khi mà người Thụy Điển và Nga bắt đầu lớn mạnh dần và chiếm lĩnh khu vực biển Ban-tích vào thế kỷ 18. Cũng vào thời kỳ đó, hoàng gia Ba Lan suy yếu và để cho người Áo, Phổ và Nga xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ và biến mất khỏi bản đồ chính trị Châu Âu trong vòng hơn một thế kỷ. Gdansk bi chia cắt khỏi nước Ba Lan và chịu sự đô hộ của người Phổ (nước Đức ngày nay) trong vòng hơn 100 năm. Vào đầu thế kỷ 20, Gdansk được trả lại sự tự do nhưng sự yên bình cũng không tồn tại được lâu khi mà thế chiến thứ II nổ ra. Gdansk là một trong những thành phố bị tàn phá nhiều nhất Châu Âu. Toàn bộ cơ sở hạ tầng bị phá hoại 90% và phải mất vài chục năm, các tòa nhà cổ kính mới được khôi phục lại nhờ những công sức to lớn của chính người dân thành phố. 

So với Torun, quần thể kiến trúc cổ của Gdansk không được nguyên vẹn bằng, một phần là do đã bị phá hủy quá nhiều. Hệ thống tường thành phòng thủ xưa kia hầu như không còn nữa, chỉ còn sót lại lèo tèo vào cái cổng thành đồ sộ. Chiếc cổng thành Zuraw là biểu tượng rõ nét nhất của Gdansk, có thể thấy nó trên hầu hết các postcard. 

  Đi men theo con đường vìa thành, bạn có cảm giác như đang sống lại thời kỳ phồn thịnh của thành phố cảng với hàng chục tàu gỗ cập bến mỗi ngày để chất lên hàng tấn mặt hàng xa xỉ đổi lấy những nguyên liệu xuất xứ từ Châu Á và Trung Đông. 

 Cấu trúc đô thị cổ của Gdansk có gì đó giống như phố cổ Hà Nội. Trong quá khứ, chính quyền địa phương đánh thuế rất nặng vào chiều dài mặt tiền của các tòa nhà. Vì thế, cách duy nhất để phát triển diện tích nhà là theo chiều cao và chiều sâu. Đây là một đặc điểm khá phổ biến của nhiều thành phố khác của Châu Âu chứ không riêng gì ở Gdansk. Chúng ta có thể thấy điều tương tự ở Bruges, Stockholm, Copenhagen hay Amsterdam (tôi đã đi qua cả 4 thành phố này). Phố cổ Hà Nội của chúng ta thì khác hơn một chút. Ngoài việc bị đánh thuế về chiều rộng mặt tiền, triều đình nhà Nguyễn còn cấm xây nhà cao quá 2 tầng vì đó là tội phạm úy (dám xây nhà cao hơn nhà của vua). Vì thế, nhà cổ của Hà Nội không những bị hạn chế về chiều rộng mà còn cả chiều cao nữa, điều này bắt buộc dân phải phát triển diện tích theo chiều sâu, đôi khi lên đến 200m (các bạn cứ thăm thử số nhà 87 Mã Mây là biết liền). Trong khi đó, các ngôi nhà của Gdansk do “dễ thở hơn” về chiều cao nên chỉ có nhu cầu phát triển chiều sâu đến 100m là cùng 

 Con đường chính của khu phố cổ là Dluga Street. Đây cũng là khu vực tập trung các hoạt động văn hóa và thương mại tấp nập nhất thành phố. Dọc theo nó là một loat các gia đình quý tộc giàu lên nhờ thương mại. Tất nhiên, những gì đang hiện ra trước mắt tôi chỉ là những công trình đươc xây dựng lại theo đúng phiên bản của những thế kỷ 15-18. 

  Trong số những ngôi nhà cổ còn nguyên vẹn, chỉ còn lại ngôi nhà Uphagen House, một ví dụ điển hình cho cấu trúc ngôi nhà của một gia đình tư sản quyêng quý phất lên từ thương mại đường biển. 
 Có nguồn gốc từ trung cổ, cấu trúc của ngôi nhà bị thay đổi nhiều lần để phù hợp với thị hiếu nội thất của từng thời kỳ. Những gì du khách thấy hiện nay chủ yếu là di sản còn lại của thế kỷ 18, dưới sự sở hữu của một thương nhân giàu có người Hà Lan tên là Uphagen. 

 Ngoài khu vực bờ cảng, tòa nhà Artus Court cùng với tháp phun nước Neptune là biểu tượng thứ hai của Gdansk. Artus Court House là minh chứng cụ thể nhất cho quá khứ hào hùng của thành phố cảng. Tên gọi Artus có nguồn gốc từ truyền thuyết vua Arthur (trong tiếng latinh, Artus có nghĩa là Arthur) và 12 hiệp sĩ bàn tròn. Vậy tại sao người dân Gdansk lại chọn tên gọi này? Đặc trưng của câu chuyện 12 hiệp sĩ bàn tròn đề cao sự cao thượng của hiệp sĩ, sự bình đẳng giữa 12 thành viên và sự đoàn kết của tất cả. Trong công việc buôn bán thương mại của Gdansk vào thời trung cổ, các thương gia của thành phố nhận thấy rằng tất cả các đơn vị thương mại cũng cần phải có những giá trị như thế thì mới có thể phát triển thành phố cảng được.Vì thế, họ cho xây khu sảnh Artus như là biểu tượng của sự đoàn kết các doanh nhân và là nơi tổ chức các bữa tiệc xa xỉ dành cho giới thượng lưu. Ngoài ra, sảnh Artus còn đóng vai trò như nơi cầm trịch về luật kinh tế : tất cả những điều khoản hay trao đổi về thương mại giữa các doanh nhân trong và ngoài thành phố đều phải được thông qua tại đây.  Artus Court House được cho là nơi bảo vệ quyền lợi cho các hiệp hội ngành nghề thương mại, hay các guild (cái này đã được giải thích trong bài trước khi tôi đặt chân đến Torun). Những thế kỷ 13-15 là giai đoạn hoàng kim của tòa nhà Artus Court với những buổi tiệc tùng xa hoa. Số mệnh của tòa nhà cũng thăng trầm theo lịch sử của thành phố cảng Gdansk. Bước vào lề của những thế kỷ 17-18 cũng là lúc thời trung cổ qua đi và những giá trị hiệp sĩ kiểu arthur không còn nữa. Những bữa tiệc xa xỉ theo kiểu trung cổ vì thế cũng biến mất và thay vào đó là hoạt động kinh tế hợp với thời đại hơn : hoạt động giao dịch chứng khoán. Số phận của tòa nhà kết thúc bằng một phát bom của phát xít Đức. Được phục hồi lại trong những năm 1970, tòa nhà này không được mở cho du khách mà chỉ đóng vai trò là nơi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia hoặc đại loại như thế

 Đài phun nước với bức tượng thần biển Neptune được xây dựng vào thế kỷ 17 theo dòng nghệ thuật phục hưng. Bức tượng này tượng trưng cho linh hồn của Gdansk : sinh ra và lớn lên từ biển cả. 
 Gdansk phất lên nhờ việc chế biến và buôn bán amber và đến đây không thể không thăm viện bảo tàng amber, tọa lạc trong một tòa nhà trước kia là một nhà tù. Amber là  một loại khoáng sản có nguồn gốc từ nhựa thông và hóa thạch sau hàng chục triệu năm. Đặc điểm hóa thạch của đá amber là sự trong suốt của nó. 

 Không chỉ hóa thạch từ nhựa thông mà đôi khi còn có nhiều cá thể khác cũng hóa thạch cùng (côn trùng, súc vật). Vì thế, nhiều nhà khảo cổ khai thác đá amber còn thấy những bộ xương hóa thạch nằm trọn trong một tảng đá amber trong suốt. Rất có thể kiểu cách hóa thạch này là một nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim công viên kỷ Jura, với những bộ xương khủng long hóa thạch nằm trong khối đá trong suốt rồi bỗng nhiên hồi sinh. Với hình dáng độc đáo, đá amber là một mặt hàng xa xỉ và nổi tiếng ở Châu Âu ngay từ thời La Mã cổ. 

 Sử sách ghi lại rằng con đường thương mại giữa vùng biển Baltic và thủ đô Rome nở rộ chủ yếu nhờ mặt hàng này. Từ các lãnh thổ thuộc Ba Lan, Latvia hay Litva ngày nay, các phái đoàn caravan chở rất nhiều đá amber đi qua Wroclaw, xuống cộng hòa Séc, Hungary,Áo rồi mới đến Rome. Các phái đoàn này thường được bảo vệ rất chặt chẽ nhờ các quân đoàn lê dương La Mã, nguyên nhân là do lãnh thổ các vùng ven biển Baltic hồi ấy không thuộc đế chế La Mã mà thuộc sự quản lý của các bộ tộc địa phương, được người La Mã cho là dân “mọi”, rất nguy hiểm và có thể cướp bóc dọc đường. 

 Lịch sử của Gdansk gắn liền với đá amber và không quá ngạc nhiên khi thấy rất nhiều cửa hàng lưu niệm tập trung bán đồ liên quan đến đá amber. Ở đây, có một con đường tên là Mariacka, chuyên trưng bày bán các loại đá amber. Nhiều khi tôi tự hỏi trong số vô vàn các phiến đá amber đẹp lỗng lẫy này, bao nhiêu trong số đó là thật. Và ai mà biết được, có khi một số còn có xuất xứ từ Trung Quốc cũng nên. Dọc theo con đường Mariacka là một loạt các ngôi nhà cổ với cấu trúc rất đặc trưng Gdansk, đó là những hiên nhà nhô ra đường chính và được trang trí rất đến.

Đêm đầu tiên của tôi ở thành phố Gdansk kết thúc với một giấc mơ mang đậm phong cách trung cổ. Trong giấc mơ ấy, tôi nhập vai….một thằng hầu bàn tiếp rượu cho các vị hiệp sĩ và giới thượng lưu của thành phố Gdansk. Tiếp theo dấu ấn của những Torun và Gdansk, tôi thăm một địa danh thứ ba cũng khét tiếng về di sản từ thời trung cổ và thậm chí còn được công nhận bởi Unesco : pháo đài Malbork. Có thể nói địa danh này là một kết thúc có hậu cho hành trình quay ngược thời gian của tôi. 

 Chỉ cách Gdansk khoảng 45mn tàu hỏa, pháo đài này hội tụ tất cả những gì bạn mường tượng qua những bộ phim như Robinhood. Được xây dựng vào thế kỷ 13 bởi các hiệp sĩ gốc Đức, Malbork có cái tên gốc Đức là Marienburg(lâu đài đức mẹ Maria). Nói đến đây, có lẽ phải giải thích kỹ hơn một chút về sự có mặt của các vị hiệp sĩ gốc Đức này. Vào những thế kỷ 11-13, một dòng hiệp sĩ với cái tên Teutonic được tạo ra với mục đích tháp tùng các phái đoàn tín đồ thiên chúa giáo đi hành hương đến Jerusalem (nay là đất nước Israel). Các vị hiệp sĩ này được vua Ba Lan mời về giúp đỡ nhà vua đi chinh phạt các lãnh thổ rải rác trong vương quốc, lúc bấy giờ vẫn chưa chịu công nhận thiên chúa giáo là tôn giáo chính. Nhưng theo dòng thời gian, thay vì đi truyền đạo bằng phương pháp hòa bình, các vị hiệp sĩ này sử dụng bạo lực và thậm chí còn phát triển quyền lực lớn mạnh đe dọa đến ngôi báu của vua Ba Lan. Trong suốt khoảng thế kỷ 13-14, các vị hiệp sĩ Teutonic cho xây nhiều công trình quân sự đồ sộ như kiểu pháo đài Malbork để khống chế các vùng thương mại ven biển Baltic vốn dĩ rất béo bở về kinh tế. Sự hiện diện của các hiệp sĩ Teutonic như cái gai trong mắt vua Ba Lan và nhà vua cho tiến hành một cuộc chiến tranh diệt cỏ tận gốc. Quân đội của các hiệp sĩ Teutonic thua hết trận này đến trận khác và pháo đài Malbork gần như là điểm tử thủ cuối cùng của họ. Lịch sử ghi chép lại rằng hệ thống phòng thủ của Malbork quá kiên cố và gây khó khăn cho quân đội Ba Lan. Không thể xuyên thủng được cổng thành, người Ba Lan buộc phải chơi chiêu hố lộ nội gián bên trong thì mới dành được chiến thắng.  

  Nhìn từ bên ngoài vào, trông pháo đài Malbork thật đồ sộ và bạn sẽ có ý nghĩ chắc hẳn bên trong sẽ có nhiều thứ đáng xem lắm đây. Tuy nhiên, khi bước vào bên trong, tôi khá thất vọng với cách tổ chức của ban quan lý pháo đài. Tại đây, không có bất cứ biển chỉ dẫn nào được viết bằng tiếng Anh, không có bản đồ và các biển chỉ dẫn thì thật là tệ. Tôi không biết đâu sẽ là căn phòng kế tiếp hoặc những chỗ nào không được vào. Sự tổ chức yếu kém này không xứng đáng với cái giá 13usd và theo tiêu chuẩn của những địa danh được xếp hạng Unesco, đáng lẽ ra phải có tài liệu bằng tiếng Anh. 

 Nhờ những thông tin hữu ích từ các diễn đàn du lịch, tôi đã có được sự chuẩn bị tối thiểu để tránh những sự kiện củ chuối diễn ra bên trong pháo đài, đặc biệt là liên quan đến chất lượng phục vụ. Đúng là củ chuối thật! Vé thì đã mất 13usd nhưng số tiền đó chưa bao gồm phí cho phép chụp ảnh. Vì thế, nếu bạn là người mê chụp ảnh, bạn sẽ phải nôn thêm 2usd nữa. Một điều củ chuối nữa liên quan đến dịch vụ thuê hướng dẫn viên thuyết minh điểm.

tượng của những vị thủ lĩnh nổi tiếng nhất đứng đầu dòng hiệp sĩ Teutonic
và mộ phần của họ bên trong một nhà thờ
 Có vẻ như chưa hài lòng với mức giá tham quan, chính quyền địa phương còn gây khó dễ với du khách bằng cách hoặc họ đi theo tour đoàn, hoặc phải thuê dịch vụ hướng dẫn viên địa phương, hoặc một giải pháp cuối (cái này thì tôi được diễn đàn mách nước cho) : mang theo một quyển cẩm nang du lịch kiểu Lonely Planet trong tay và chứng minh cho mấy ông kiểm soát viên thấy là mình không vào lâu đài tay không.  

 Pháo đài Malbork không chỉ là ví dụ điển hình về dòng kiến trúc gô-tích gạch nung đỏ đặc trưng Bắc Âu mà còn tiêu biểu cho công nghệ xây dựng lâu đài bậc thầy của các tổ chức hiệp sĩ thời trung cổ. Sau này, khi tôi đặt chân đến đất nước Syria và thăm những lâu đài đồ sộ xây bởi người Châu Âu, tôi vẫn luôn nhớ về Malbork. 

  Giống như thành phố Gdansk, pháo đài Malbork bị bom đạn chiến tranh tàn phá 50% chỉ có điều đây không phải là bom đạn của phát xít Đức mà là của hồng quân Liên Xô. Chính người Đức mới là những người góp nhiều công sức trong việc giúp đỡ người Ba Lan trùng tu lại pháo đài. Chuyến viếng thăm Malbork chỉ kéo dài hơn 2 tiếng những đã để lại trong tôi một ký ức khó quên. Tôi nhanh chóng quay trở lại nhà ga và bắt chuyến tàu quay trở lại thủ đổ Warsaw kết thúc chuyến đi hơn 2 tuần tại quốc gia này.

Saturday, 30 March 2013

Quần thể hang động trên Vịnh Bái Tử Long phong phú không kém nhiều so với Vịnh Hạ Long. Hiện còn nhiều hang động ở đây vẫn giữ được nhiều nét hoang sơ, trong đó có 2 hang động rất đáng để du khách đến tham quan, khám phá sự kỳ bí của thiên nhiên…

Trước tiên phải nói đến hang Nhà Trò. Từ bến cảng Cái Rồng (huyện Vân Đồn), đi bằng tàu khách khoảng hơn 1 tiếng là đến xã đảo Bản Sen. Bản Sen có hệ thống hang động rất phong phú, nhưng đẹp hơn cả là hang Nhà Trò. Từ bến tàu Bản Sen, chèo mủng hoặc đi xuồng máy khoảng 1km sẽ đến được cửa hang Nhà Trò. Có người bảo tên hang Nhà Trò là do người ta liên tưởng nơi đây như một nơi thường diễn ra hát xướng, văn nghệ tựa như nhà hát thời hiện đại...

< Hang Nhà Trò.

Kể cũng không phải không có lý. Vì trong hang rất rộng, tới gần 200m², giống như một cái sân khấu. Ở hai bên “sân khấu” có lối ra vào giống như cánh gà, xung quanh là các nhũ đá giống hình thù quái vật tượng trưng cho phái ác, hay hình đầu người ngộ nghĩnh tượng trưng cho phái thiện.

Xung quanh “sân khấu” có các nhũ đá xếp thành nếp giống như tấm màn nhung của sân khấu xưa.

Phía ngoài vách hang có nhiều hoá thạch vỏ sò, vỏ ốc chứng minh đây là nơi sinh sống của người Việt cổ.

Không chỉ là thắng cảnh đẹp tự nhiên, hang Nhà Trò còn là địa điểm khảo cổ có giá trị. Vì ở các dải trầm tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy các loại vỏ ốc tròn và dẹt, là loại ốc nước ngọt có tên là menali, thức ăn chủ yếu của người tiền sử, lẫn trong tầng hoá thạch có cả xương thú cháy và đá cát két được chế tác thành thứ công cụ làm chày nghiền thuộc kỷ đồ đá mới, cách ngày nay 5-7 nghìn năm.

Hang Nhà Trò còn có gốm Cái bèo (gốm cổ có độ tuổi khoảng 5-6 nghìn năm), các hòn ghè hình rìu đá v.v.. Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định “Hang Nhà Trò là một chi lưu thuộc văn hoá Hoà Bình, và nơi đây chính là một “kho báu” lịch sử.

Sự phát lộ của hang Nhà Trò chính là một cứ liệu vững chắc làm sáng tỏ nguồn gốc và tính hệ thống liên tục không thể phủ nhận về một nền văn hoá Hạ Long sớm xuất hiện ngay từ thời kỳ đồ đá cũ và xuyên qua thời kỳ đồ đá mới thuộc văn hoá Hoà Bình cách ngày nay khoảng 20.000-5.000 năm”.

Sau hang Nhà Trò, có một hang động khác trên Vịnh Bái Tử Long cũng rất đáng khám phá. Đó là hang Luồn Cái Đé, nằm ở khu vực đảo Cái Lim, hiện quản lý của Vườn quốc gia Bái Tử Long.

< Hang Luồn.

Chỉ có thể vào Hang luồn Cái Đé khi nước kém, vì khi thuỷ triều lên, nước ngập đến tận đỉnh hang. Bề rộng của hang chỉ khoảng 50m, nhưng chiều dài tới hơn 500m xuyên qua một quả núi lớn. Hang luồn Cái Đé là hang duy nhất ở Vịnh Bái Tử Long có thể đi được thuyền trong lòng hang.

Với con thuyền nhỏ, nếu là thuyền chèo bằng tay thì càng thuận tiện, bơi trong lòng hang, ta giống như lạc vào một lâu đài lung linh nhũ đá mọc ở cả hai bên và trên trần hang. Các nhũ đá đủ mọi hình dạng khiến ta thầm cảm phục sự khéo léo tài tình của tạo hoá. Tuy nhiên, việc vào hang khá mạo hiểm và phải có ít nhất 4 người khoẻ mạnh tham gia. Vì trong lòng hang còn có một khu vực bãi cạn, khi đó du khách buộc phải khênh thuyền qua khu vực cạn mới bơi tiếp được.

Bơi thuyền khoảng 10 phút nữa ta đến được Vụng Cái Đé, ở đây là cả một quần thể rừng ngập mặn, những thân cây ngập mặn không nhỏ bé như ta vẫn thấy dọc bờ biển Quảng Ninh mà to lớn, có đường kính khoảng 30cm, cao hàng chục mét và có niên đại hàng trăm năm.

< Trong hang có thể đi được bằng thuyền, du khách thoải mái ngắm nhìn các nhũ đá trông rất đẹp.

Vụng Cái Đé chỉ rộng khoảng 10 ha, nhưng đây là vựa ngán khổng lồ, ước tính có thể khai thác được khoảng 10 tấn ngán/năm. Đã có thời kỳ nơi đây đã hình thành đội ngũ cai đầu dài, chuyên cai quản những người khai thác ngán. Từ khi Vườn quốc gia Bái Tử Long được thành lập, đội ngũ cai đầu dài bị dẹp bỏ. Ngày nay, hang luồn Cái Đé vẫn chứa trong nó những bí ẩn mà chỉ một số ít người ưa phiêu lưu mạo hiểm mới qua lại…

Du lịch, GO! - Theo Công Thành (Báo Quảng Ninh) cùng nhiều nguồn ảnh khác trên internet
Thăm bảo tàng Chăm, leo lên đỉnh Ngũ Hành Sơn... là những điều mà nhiều du khách có thể thử bên cạnh tắm biển và ăn hải sản ở Đà Nẵng.
Từ lâu, Đã Nẵng đã không còn là điểm đến xa lạ với du khách trong nước và quốc tế.

< Cầu Rồng vừa khánh thành tại Đà Nẵng.

Ở thành phố biển xinh đẹp này có rất nhiều điều thú vị để khám phá, từ những bãi biển trong xanh, nền văn hóa đậm đà bản sắc, những kỳ quan khảo cổ học cho tới những món ăn mang đậm đặc trưng vùng miền hay những khu resort sang trọng. Song, có những điều mà không phải ai tới Đà Nẵng cũng từng trải qua.

Khám phá bảo tàng điêu khắc Chăm

Bảo tàng trưng bày các tác phẩm điêu khắc của dân tộc Chăm, những người sinh sống tại miền Trung từ năm 192 tới năm 1835. Bảo tàng được xây dựng bởi người Pháp với nét kiến trúc mang đậm ảnh hưởng của văn hóa Chăm. Nghệ thuật điêu khắc và trang trí đều được thể hiện rõ trong các ngôi đền hay tòa tháp ở khắp khu vực miền Trung và những công trình này đều ra đời trong khoảng từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 17. Bảo tàng có khoảng 300 tác phẩm điêu khắc khác nhau được trưng bày phía trong và ngoài tòa nhà chính. Giá vé vào thăm bảo tàng là 30.000 đồng.

Thăm nhà thờ Lớn Đà Nẵng (Nhà thờ Con Gà)

Nằm trên đường Trần Phú, trung tâm của thành phố Đà Nẵng, nhà thờ Lớn được xây dựng từ năm 1923 để phục vụ cho những tín đồ công giáo người Pháp cư trú tại Việt Nam khoảng thời gian đó. Người dân địa phương vẫn quen gọi nhà thờ Lớn với tên nhà thờ Con Gà vì trên nóc nhà thờ có biểu tượng con gà màu xám làm bằng hợp kim nhẹ rỗng. Với lối kiến trúc theo kiểu Gothic, đặc trưng là những đường nét cao vút và những vòng cửa quả trám, nhà thờ Lớn Đà Nẵng là một địa điểm thú vị để du khách thăm quan, chụp ảnh.

Đi lễ chùa Pháp Lâm

Nét thiết kế nổi bật nhất, đại diện cho văn hóa và lịch sử Đà Nẵng nằm ở kiến trúc các tòa nhà, đặc biệt là những ngôi chùa ở đây. Trong đó, chùa Pháp Lâm lớn nhất thành phố Đà Nẵng là địa điểm bạn nên đến để cảm nhận kiến trúc độc đáo và cầu mong những điểu tốt đẹp cho gia đình, người thân. Ngôi chùa mang lối kiến trúc hoàn toàn Á đông do kiến trúc sư nổi tiếng Đặng Cao Đệ vẽ kiểu. Chánh điện được bố trí trang nghiêm. Tượng Đức Bổn Sư ngồi cao 1,10 m và hai tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí được đúc bằng đồng. Chùa mở cửa đón tiếp du khách từ 5h đến 11h30 và từ 13h đến 21h30.

Leo núi Ngũ Hành Sơn

Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngọn núi nằm ở phía tây nam của Đà Nẵng, trên đường đi Hội An. Vua Minh Mạng đã đặt tên mỗi ngọn núi tượng trưng cho các yếu tố trong vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sâu trong những ngọn núi này đều có các ngôi đền, thậm chí cả chùa được chạm khắc công phu. Tuy nhiên, núi Thủy Sơn (hay còn gọi là núi Tam Thai) là ngọn núi lớn, cao và đẹp nhất nên thường được nhiều người leo lên đỉnh nhất. Đến đây, bạn có thể khám phá những hang động, những ngôi đền, đường hầm hay đơn giản chỉ đứng trên đỉnh núi để phóng tầm mắt ra xa và cảm nhận vẻ đẹp của thành phố Đà Nẵng.

Du lịch, GO! - Theo An Thy (ngoisao.net), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống