Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday 24 December 2011

Lam Kinh (hay còn gọi là Tây Kinh) thuộc địa bàn xã Xuân Lam huyện Thọ Xuân, cách thành phố Thanh Hoá 52km về phía Tây Bắc. Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 30 ha, gồm những lăng phần, đền miếu và một hành cung của các vua nhà Hậu Lê mỗi lần về bái yết tổ tiên.
Ngoài các đền, điện, miếu..., dấu tích của một thời đời các vua Lê thì tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh này có những cây ổi quái dị (bởi hễ cứ gãi vào là “cười”) và đặc biệt này còn nhiều loại cây kỳ lạ khác.

Cây đa và thị cổ chung một gốc

Cô hướng dẫn viên du lịch Lê Thị Lan thướt tha tà áo dài, tự hào giới thiệu mãi với du khách về một cây cổ thụ có tên nôm na là cây Đa Thị, nằm ngay phía Tây Nam sân rồng của di tích Lam Kinh.

Cây đa này cao chừng 50m, cành gốc xum xuê, phủ bóng rợp một góc sân. Cứ theo lời Lan, cây Đa Thị đặc biệt ở chỗ gốc đa ôm lấy gốc thị. Tuy là hai cây cho hai loại quả nhưng chỉ có chung một gốc, cùng bạc phếch màu như đã lẫn thân vào thành một khối.

< Cô hướng dẫn viên du lịch tên Lan giới thiệu về cây đa và cây thị chung gốc.

Những năm trước đây, cây thị vẫn cho nhiều quả, tuy nhỏ và có vị chát nhưng rất thơm. Căn cứ theo những biến cố thăng trầm của Lam Kinh, cây đa được ước tính chừng 300 tuổi.
Cây thị được cho là có trước, già hơn cây đa, đã chết năm 2007, chỉ còn lại thân gỗ khô. Người xưa cho rằng, chim chóc thường về đậu trên cây thị, có mang theo quả đa về ăn nên rơi hạt mà mọc lên cây đa. Đa lớn nhanh, ôm lấy gốc thị.

Theo lời những người gắn bó lâu năm với khu di tích, chuyện hai thân cây ôm lấy nhau rồi hóa thành một không hiếm ở Lam Kinh. Ở vùng đất cổ kính này, còn có nhiều gốc cây là đa, si ôm chặt lấy một thân cây cổ thụ nào đó trong các khu rừng cổ, tương tự như cây Đa Thị nổi tiếng kia.

Lam Kinh có “cây ổi cười”

< "Cù" vào cành, thì chỉ lá ở cành đó "cười".

Cây ổi cười nằm khiêm tốn ở góc phải khuôn viên Vĩnh Lăng, phía sau hàng quan hầu và linh thú hiền từ đang chầu trước mộ vua. Lê Thái Tổ. Cây ổi này trông không khác gì một cây ổi bình thường, cành khẳng khiu, có vẻ rất già cỗi và nằm một góc lặng lẽ trong khu lăng mộ. Điều đặc biệt là chỉ cần bạn dùng móng tay cào nhẹ vào bất cứ điểm nào trên thân cây từ gốc đến ngọn là lập tức toàn bộ cành lá của nó rung lên như đang cười.

Trạng thái “cười” của cây ổi này không phải do có gió thổi hay bị tác động như rung, lắc. Chính vì vậy mà người ta liên tưởng rằng cây ổi đang cười và chỉ cười khi bị “thọc lét”.

< Chưa ai giải thích được vì sao cây "ổi Tàu" này lại biết "cười".

Vào các buổi sáng yên tĩnh, lặng gió thì rất dễ dàng thấy cây cười rung rinh, cười như nắc nẻ khi có người chạm vào. Dường như cây cũng có linh cảm như con người, bị chạm vào “da thịt” chỗ nhạy cảm thì có phản ứng. Trước đây, có một nhà thơ người Phú Thọ đến viếng lăng, bảo rằng, đây là giống ổi Tàu, do thân nhỏ cành nhỏ nên dễ rung rinh. Nhưng giải thích làm sao đây khi cây ổi Ta bên trái kia cũng biết cười?

Kỳ lạ là nếu đem cành chiết của các cây đó trồng ra ngoài khuôn viên khu mộ thì không có hiện tượng đó. Nghe nói, đã có nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu để tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng này.

Sét sợ cây sui

Cây cổ thụ được cho là cổ kính nhất, đặc biệt nhất và cao lớn nhất ở Lam Kinh chính là một cây sui ở trung tâm di tích, ngay phía sau tòa Thái miếu.

< Cây sui khổng lồ trong Khu Di tích Lam Kinh. 

Người xưa, nhất là đồng bào vùng cao coi trọng cây sui vì vỏ cây bóc ra làm chăn giữ ấm mùa đông (“Thương nhau chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”– Tố Hữu).

Theo ông Trịnh Đình Dương, trong cuốn Đại Việt sử kí toàn thư có chép nhiều chuyện sét đánh ở Lam Kinh, cháy nhà, cháy cây. Chuyện sét đánh khá bình thường đối với những vùng đất được coi là hội tụ linh khí như vẫn gặp ở đàn Tế giao của vương triều nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) hay chính ngôi thành thành đá kỳ vĩ.

Ông Dương cho biết thêm: “Hiện nay sét vẫn thường đánh ầm ầm ở Khu Di tích Lam Kinh, nhiều khi làm hỏng cả thiết bị máy móc của Ban Quản lý. Có những chiếc máy tính mới mua, được vài hôm sét đã làm cháy khét lẹt, vác đi sửa không ăn thua, phải bỏ.

Cứ nghe tiếng “đùng, đoàng” khủng khiếp là y như rằng có những cây cối xanh tươi trong Khu Di tích bị đánh chết cháy giữa ngày không mưa.

< Dù cây sui rất cao lớn, nhưng hàng trăm năm nay sét chỉ đánh vào những cây nhỏ xung quanh.

Mỗi năm kiểu gì cũng có dăm ba cây bị sét đánh chết khô.
Nhưng cây sui cao lớn nhất vùng, dễ phải hơn 60m, tuổi đời có lẽ chừng 600- 700 tuổi, lại không hề bị sét đánh bao giờ, dù ở đây mỗi năm có vài ba cây xung quanh nó, dù thấp hơn nhiều, vẫn bị sét đánh chết”.

Mọi người dự đoán, cây sui như một cột thu lôi hút linh khí vần vũ giao hòa của trời đất truyền vào lòng đất được người xưa lựa chọn đặc biệt kỳ công về phong thủy này chăng?
Lại có ý kiến cho rằng: Cây sui được trồng để đánh dấu một vị trí đặc biệt quan trọng của khu tông miếu nhà Hậu Lê, rất có thể là ngôi mộ thực an táng Bình Định Vương Lê Lợi.

Cây lim 600 năm tuổi “tự thoát xác”

< Gốc cây lim vừa khít với tiết diện tảng kê chân cột này.

Nhưng sự ngạc nhiên gần đây nhất thuộc về một cây vừa được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quyết định hạ trong dịp giỗ Lê Lợi tháng 8 âm lịch vừa qua.
Đó là cây lim cổ thụ, khoảng 600 tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được người dân địa phương gọi là cây Lim Cò, do trước đây cò thường về đậu trắng trên ngọn cây.

Cô hướng dẫn viên du lịch Lê Thị Lan hồ hởi giới thiệu: “Trong ngày 21 và 22- 8 âm lịch vừa qua, nhân dịp giỗ Bình Định Vương Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ “phạt mộc”, hạ một cây lim khoảng 600 năm tuổi để khởi công phỏng dựng Chính điện.

Điều kỳ lạ hay trùng hợp thì chưa rõ, nhưng cây lim cổ thụ vốn đang sống tươi tốt trong khuôn viên di tích, gần đây bỗng trút lá một lần, rồi khô đi mà chết, như một sự tự nguyện hiến thân cho công việc này”.

Mấy năm trước, thân cây còn tráng kiện, lá cây xanh mướt mát, tưởng như bất tử, nhưng từ mùa xuân năm ngoái, bỗng ào ào rụng lá đến khi không còn một chiếc nào. Cây khô lá, khô cành chừng dăm bảy tháng sau thì chết.
Ông Trịnh Đình Dương cho biết thêm: “Điều trùng hợp là thời điểm cây Lim Cò trút lá trùng với thời điểm dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt, và khi cây chết là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành.

Ngoài ra còn có hai điều trùng hợp nữa.

< Tam quan Chính điện Lam Kinh được phục dựng theo nguyên mẫu với những cây lim cổ thụ. 

Thứ nhất, thường thì các cây lim cổ thụ thường bị tiêu tâm (rỗng ruột), nhưng riêng cây lim này thì không, rất thuận lợi để làm trụ cột các tòa nhà lớn như công trình phỏng dựng Chính điện với quy mô 9 tòa nhà gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam.

Thứ hai, sau khi làm lễ “phạt mộc”, rồi tiến hành gọt bỏ phần vỏ cây, pha được 4 khúc gỗ lớn thì riêng phần thân cây đủ làm một cột cái, một cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương.
Đường kính phần gốc cây lim gần như trùng khớp với gương tảng cột cái (xấp xỉ 0,8m), phần ngọn khoảng 0,65 cm, vừa với gương tảng cột quân”.

Tất nhiên, việc phỏng dựng Chính điện cần rất nhiều gỗ lim, phải nhập ngoại, chứ không phải chỉ rừng lim xanh cổ thụ ở Lam Kinh có thể cung cấp đủ.

Nhưng sự trùng hợp ngẫu nhiên này khiến người dân địa phương vốn đã thấy rất nhiều chuyện lạ trong khu vực linh thiêng này cho rằng, dường như cây Lim Cò từ 600 năm trước được sinh ra là để phục vụ cho việc phỏng dựng Chính điện này.

Trên tấm bia Vĩnh Lăng đẹp nhất nhì Việt Nam được làm bằng đá trầm tích nguyên khối còn đặt tại Lam Kinh do quan Vinh Lộc đại phu Nhập nội hành khiển Tri tam quản sự Nguyễn Trãi phụng soạn, có đoạn chép về cụ tổ Lê Hối của Thái tổ Lê Lợi:

“… Một ngày kia đi chơi Lam Sơn, thấy có đàn chim bay lượn ở dưới núi Lam như vẻ đông người tụ họp, cho rằng chỗ này là đất tốt liền dời nhà đến đây, được ba năm thành sản nghiệp, con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày một nhiều, việc dựng nước mở đất thực gây nền từ đấy”.

Lam Kinh hiện nay có 97ha rừng trên tổng diện tích 200ha, với rất nhiều rừng cổ, cây cổ thụ, chim chóc, rắn, thú, mỗi năm đón hàng trăm ngàn du khách về khói nhang, vãn cảnh.
Rắn hiện ở Lam Kinh có rất nhiều, đủ loại lớn nhỏ khác nhau. Những ngày đẹp trời, rắn thường bò ra thảnh thơi phơi nắng khắp sân Chính điện, nhưng tuyệt nhiên chưa cắn ai bao giờ.

Những chuyện kỳ lạ chúng tôi lượm lặt về cây xung quanh khu tông miếu Lam Kinh, để thấy, không phải người dân muốn tô vẽ chuyện hoang đường, mà như sự kính ngưỡng với người xưa và chốn thâm nghiêm mà gần gũi của một vương triều hiển hách trong lịch sử nước Nam.

Du lịch, GO! - Theo Gia Linh/VTC News

Khám phá rừng Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh
Mộc Châu lừng danh với những bản du lịch. Sẽ là thiếu nếu khi du khách đến với Mộc Châu mà lại bỏ qua Phiêng Luông. Nơi đây vào mỗi độ hoa cúc quỳ đua nhau nở rực rỡ, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức món đệ nhất nơi cửa ngõ Tây Bắc này.

Rượu hoẵng, thịt chua. Đó là những món đặc trưng chỉ có trong những ngày “đại tiệc” của gia đình người Dao. Tức là ngày làm lễ đặt tên, hay còn gọi là Lễ Lập Tĩnh của người Dao. Họ tổ chức cho con trai có độ tuổi từ 10 trở lên và đã là con trai thì ai cũng phải qua lễ này. Lễ này to như lễ cưới, vui hơn tết xuân.

Việc tổ chức thì không có quy định mùa nào, tháng nào, nhưng người Dao tiền ở Phiêng Luôn, Mộc Châu thường làm vào dịp đúng độ hoa cúc quỳ nở rộ. Ấy cũng là dịp mà công việc trên nương đã vãn, chủ yếu chuẩn bị cho một mùa xuân mới sắp tới.

Rượu hoẵng được nấu bằng gạo nếp nương, sau khi ủ ngấu đúng độ thì cắm ống vầu, ống nứa vào để nó tự nhỏ xuống vò gỗ những giọt trắng đục như nước vo gạo, sánh như mật ong rừng. Phải nhiều chum lớn, vại to để ủ hàng tạ gạo mới cho được vài chục lít nước hoẵng quý và thơm nồng. Rượu làm vừa dân dã, lại vừa tỉ mẩn.

Thịt chua cũng vậy. Nó đã được gia chủ bày ra lá chuối rồi thì đến ngay cả người sành ăn cũng khó mà chê được. Thịt lợn phải do gia chủ tự nuôi vài năm, chỉ cho ăn lá rừng và đồ nhà trồng được. Khi mổ lợn, thớ thịt còn giật lách tách thì ướp muối hạt với gia vị của người Dao tự kiếm, rồi cuốn lá chuối thật kín, đưa vào chum gắn nhựa trám lại, hạ thổ nơi đất dốc khô ráo. Thịt chua để càng lâu càng ngon, thời gian có thể tính bằng năm thịt mới gọi là “đạt chuẩn”.

Khách đến Phiêng Luông đúng dịp này, thì lạ cũng như quen, thân cũng như thường, ai ai cũng được gia chủ coi như khách quý.


Họ kéo vào rồi thì phải cạn xong bát rượu hoẵng, sau đó muốn nói gì thì nói. Cho đến khi nồng say rồi, gia chủ sẽ nhường cho nơi ấm nhất để khách ngả lưng. Tỉnh giấc dậy khách có thể chia tay gia chủ để tiếp tục hành trình khám phá mới. Khách có thể quên hay nhớ còn gia chủ thì luôn coi khách như người nhà, cho dù chỉ qua một bát rượu hoẵng nồng say.

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, ảnh internet
Du lịch đồng bằng đang phát triển. Đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thông xe, cầu Rạch Miễu nối đôi bờ sông Tiền đã tạo thêm cú hích cho du lịch đồng bằng, trong đó Bến Tre được hưởng lợi nhiều nhất.
Không bỏ lỡ cơ hội, du lịch Bến Tre đã chuyển mình đi lên mà sự ra đời của khu resort hiện đại bên bờ sông Tiền mang tên “Forever Green Resort” là một câu chuyện điển hình.

Bất ngờ Phú Túc

Tôi có người bà (em ruột của ông ngoại) lấy chồng về ấp Phú Khương, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cách nay hơn 10 năm, khi bà tôi mất, tôi đã đưa má tôi đi Phú Túc viếng bà bằng xe gắn máy.

Qua phà Rạch Miễu, tôi chạy cặp theo dòng sông Tiền về phía thượng lưu, đường càng lúc càng xấu. Đường đá đỏ đã trôi hết lớp đá, trơ lớp đất đen, gặp lúc trời mưa trơn trợt, tôi phải căng tay, căng mắt để không té ngã. Con đường chỉ vừa đủ cho 2 chiếc xe gắn máy tránh nhau.

Ở nhiều đoạn chuối, mía mọc sát mép đường, chạy xe không khéo là bị cây kéo ngã. Cây cầu Kinh Điều bắc bằng 2 thân dừa, đóng ván cách quảng, tôi phải chờ thật lâu để nhờ một người dân tại chỗ chạy xe qua giúp. Cứ vậy, má con tôi đã vượt qua hơn 10 cây số để đến đám ma của bà. Bận về, tôi không đủ can đảm để đi lại con đường khổ ải đó nên đã thuê đò để chở cả xe và người chạy dọc theo sông Tiền về thẳng TP.Mỹ Tho.

Mới đây, tôi đã đưa má tôi trở lại Phú Túc để dự đám cưới người cháu. Mọi chuyện bây giờ đã khác hẳn, mười mấy năm trước má con tôi có nằm mơ cũng không thấy được. Từ TP.Tân An, tôi “lên” đường cao tốc, chỉ mất  20 phút là tới cầu Rạch Miễu. Qua cầu quẹo phải, tôi chạy thêm 8 cây số trên đường nhựa phẳng lỳ hoặc đường đã làm xong nền hạ đang chờ cán nhựa, là tới nơi. Tính tổng cộng tôi chỉ mất 40 phút để đi từ Tân An tới Phú Túc, đoạn đường mà tôi từng mất gần 3 giờ để đi trước đây. Nhưng đó không phải là điều bất ngờ lớn nhất khi tôi về Phú Túc lần này.

Du lịch xanh

Đến Phú Túc, tôi được nghe những người quen trầm trồ về một dự án du lịch ở gần sát bên nhà, một khu resort mà theo mô tả của họ là “trong đời chưa từng thấy”. Máu nghề nghiệp nổi lên, tôi xách “đồ nghề” đến khu resort. Khu du lịch mang tên “Forever Green Resort” vẫn còn đang xây dựng, chưa đưa vào khai thác. Những người có trách nhiệm ở đây tiếp tôi nhiệt tình hơn là tôi mong đợi. Anh Nguyễn Thanh Vũ (phụ trách kinh doanh) đã điều ngay 1 xe điện tới để chở tôi đi khắp khu dự án. Ngồi trên xe, anh Vũ giới thiệu: “Đây là một khu nghỉ dưỡng cao cấp được hình thành nên từ chính những nét đặc trưng sẵn có nơi đây, mang lại cho du khách cảm giác “về với thiên nhiên”.

Dự án có vốn đầu tư 50 triệu USD với tổng diện tích 21ha và được chia thành 4 khu A, B, C và D. Resort khi hoàn thành sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao như khách sạn, bungalow, nhà hàng, spa, phòng hội nghị, hồ bơi, karaoke, hát với nhau, xem đờn ca tài tử, biểu diễn nghệ thuật... Với lợi thế nằm dọc theo bờ sông Tiền lộng gió, “Forever Green Resort” còn tạo nên sự khác biệt và độc đáo cho riêng mình bằng các dịch vụ giải trí đa dạng như: Câu cá, du thuyền, đi thuyền xem đom đóm trong đêm...

Xe điện chạy trong những “hành lang” làm bằng cây gừa, cây sanh qua các khu A, B với những biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, những khu vườn mà mỗi phiến đá được nhập về từ Nhật Bản có giá hàng tỉ đồng. Xen kẻ là những vườn cây ăn trái giữ nguyên nét “miệt vườn” Nam Bộ, được chăm sóc chu đáo. Du khách đến đây sẽ được sống đời sống dân dã của người dân miệt vườn như: Hái trái cây, câu cá, bơi xuồng, đốt lửa trại, nhưng lại được phục vụ với những tiện nghi “5 sao” không thua kém bất cứ resort cao cấp nào trên thế giới.

Đem thế giới về quê nhà

Bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty TNHH Thương mại Lô Hội - là người con sinh ra ở quê hương xã Phú Túc. Dù đi làm ăn và thành đạt nơi xa, nhưng bà Nhi luôn hướng tình cảm về nơi chôn nhau cắt rốn. Với cây cầu Rạch Miễu, bà đã thấy cơ hội làm ăn trên quê hương. Cầu vừa hoàn thành, bà đã “kéo” dự án về đầu tư với mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại quê nhà. Về nguồn du khách cho “Forever Green Resort”, bà Nhi cho biết, doanh nghiệp của bà là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam của Tập đoàn FLP hiện có mặt ở gần 150 nước trên thế giới. Chỉ với nguồn du khách đến từ các nhà phân phối của tập đoàn cũng đã khá phong phú. Từ lượng khách dồi dào này, bằng uy tín và chất lượng phục vụ, khu resort này sẽ nhanh chóng được biết đến trong và ngoài nước.  

Với khu du lịch hiện đại nằm bên bờ sông Tiền, xã “vùng sâu vùng xa” Phú Túc chỉ một vài tháng nữa thôi sẽ tấp nập du khách trong và ngoài nước. Ông Cao Thanh Triều – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Túc – cho biết, trong chiến tranh, vùng đất Phú Túc bị bom đạn tàn phá xơ xác, cái nghèo vẫn còn đeo bám nhiều hộ dân.

Khu du lịch “Forever Green Resort” hình thành sẽ thu hút khoảng 500 lao động tại chỗ, cùng với lượng du khách lớn từ khắp nơi đến nghỉ ngơi sẽ tạo thêm cơ hội cho người dân nơi đây sản xuất, kinh doanh, giúp kinh tế địa phương phát triển.

Du lịch, GO! - Theo Lao động, internet
Sau khi được thầy mo nhập đồng, chàng thanh niên nhảy vào đống lửa nhảy múa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn tại Hà Giang độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ.

< Phụ nữ Pà Thẻn ca hát nhảy múa trước khi lễ hội nhảy lửa bắt đầu.

Dân tộc Pà Thẻn có khoảng trên 5.000 người sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Bắc Quang (Hà Giang) và Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Ở đây vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội và phong tục từ xưa để lại, trong đó có lễ hội nhảy lửa.

Lễ hội nhảy lửa diễn ra vào bất cứ lúc nào, khi người Pà Thẻn cảm thấy thích, cảm thấy muốn tổ chức. Khi thì vào lúc tiết trời lạnh giá, công việc nông nhàn;

< Nghi thức cầu cúng thần linh.

Khi thì mừng lúa được mùa; khi có tin vui trong bản, bản làng quây quần bên nhau nói chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, nói chuyện tương lai và những lúc đó người Pà Thẻn tổ chức lễ hội nhảy lửa.

< Từng đám thanh niên chân trần lao vào đống lửa mà không cảm thấy bỏng rát.

Lễ hội thường bắt đầu bằng việc cầu cúng thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có một bát hương, một chiếc đàn sắt, một con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài 1-2 giờ đồng hồ trước khi lễ hội bắt đầu.

Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo. Sau khi  thầy mo cúng thần linh, các thanh niên Pà Thẻn như được tiếp sức mạnh và lòng quả cảm đầy thần bí, họ có thể nhảy vào đống lửa trong vòng 3 - 4 phút, không hề sợ hãi hay cảm thấy bỏng rát gì.

< Lửa như là biểu tượng sức mạnh của thần linh có sẵn trong con người Pà Thẻn.

Những người đứng xung quanhchứng kiến lễ hội nhảy lửa trố mắt kinh ngạc. Họ im lặng như bị thôi miên, nhìn những người đàn ông liên hồi nhảy đôi chân trần lên đống than đỏ rực rồi lại nhảy ra ngoài. Từng đám thanh niên lắc lư mạnh dần theo, rồi cả người rung lên bần bật, chân nảy lên, người chồm lên và bắt đầu lao vào đống lửa.

Đám than đỏ rực tung lên thứ bụi than nóng hừng hực, mặc cho những người nhảy lửa cứ nhảy vào nhảy ra đống lửa đỏ. Dường như thần linh đã ban cho họ sức mạnh kỳ lạ để đám lửa không làm bỏng chân họ. Họ nhảy như đang trong một cơn mê.

Lễ hội này được coi như lễ mừng lúa mới, bắt đầu vào giữa tháng 10 âm lịch và kéo dài qua Tết Nguyên đán. Lễ hội cũng được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet

Friday 23 December 2011

Lắng nghe tiếng chuông tại Nhà thờ lớn hay tận hưởng một bữa tiệc buffet lãng mạn bên hồ Tây là lựa chọn của nhiều bạn trẻ Hà Nội khi Noel về.

Không khí Noel đã bao trùm trên các con phố ở Hà Nội, một vài địa điểm dưới đây có thể là gợi ý thú vị cho bạn và người thân cùng nhau thưởng thức một Noel ấm áp, ấn tượng trong cái giá lạnh của Hà Thành.

1. Nhà thờ lớn

Nhà thờ lớn Hà Nội (40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm) còn có tên gọi là Nhà thờ Thánh Giuse, được khởi công vào năm 1882, thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời.

Đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng kiến trúc của nhà thờ dường như không thay đổi. Là trung tâm của các hoạt động Công giáo tại Hà Nội và các vùng phụ cận, nhà thờ Lớn Hà Nội như thường lệ vẫn là nơi được trang hoàng lộng lẫy nhất.

Mỗi mùa Noe, những cây thông lớn trang trí cầu kỳ được dựng lên ở mặt chính diện. Hang đá phía sau nhà thờ được chăng đèn rực rỡ. Hàng cây quanh nhà thờ cũng được tô điểm thêm bằng những bông tuyết và nơ hồng xinh xắn.

Đêm Giáng sinh, từ tờ mờ tối, dòng người đổ về đây rất đông. Phố Nhà thờ trở thành một điểm lý tưởng để dừng chân của các đôi bạn trẻ, ngoài việc được lắng nghe tiếng thánh ca và tiếng chuông nhà thờ trong không khí của Giáng sinh ấm áp, các bạn trẻ còn được thưởng thức rất nhiều món ăn đặc trưng “rất Hà Nội” khác như: trà chanh, nem chua nướng chấm tương ớt, hoa quả dầm…

Nhâm nhi ly trà chanh và tận hưởng các món ngon cũng là cái thú hiếm hoi cùng người yêu thương trong dịp lễ đặc biệt này.

2. Nhà thờ Hàm Long – Nhà thờ đẹp nhất Hà Nội

Nhà thờ Hàm Long với hai mặt tiền trông ra các phố Hàm Long, Ngô Thì Nhậm, được xem là một trong những nhà thờ đẹp nhất Hà Nội.

Những dòng người nô nức đổ về nhà thờ Hàm Long hay khoảnh khắc một đôi bạn trẻ đón Giáng sinh ngay ngoài cổng nhà thờ bằng những ngọn nến lãng mạn xếp quanh chân mình là những hình ảnh quen thuộc của người dân thủ đô mỗi mùa Noel tới.

Hàm Long nhà thờ của Giáo hội Công giáo La Mã, thuộc tổng giáo phận Hà Nội, Việt Nam, là nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của giáo dân Hà Nội và là nhà thờ chính của giáo xứ Hàm Long.

Công trình do kiến trúc sư người Việt, Doctor Thân (quê ở Hạ Hồi, Thường Tín, Hà Tây) du học ở Pháp thiết kế. Nhà thờ hoàn thành tháng 12/1934, cao 17m. Trên các cột và bàn thờ được trang trí bằng các họa tiết dây thừng như kiểu dây áo dòng Phanxicô.

Với lối kiến trúc đẹp, cách trang hoàng lộng lẫy, tỉ mỉ, công phu, nhà thờ Hàm Long luôn điểm đến thú vị dành cho các bạn trẻ trong mùa Noel.

3. Có một Hồ Gươm rất lạ mùa Noel

Người ta thường nói rằng: Ai đến Hà Nội mà chưa đến Hồ Gươm thì có thể nói chưa đến Hà Nội. Hồ Gươm vốn đã đẹp, trong đêm Giáng sinh lại trở nên lung linh, huyền ảo hơn khi khắp không gian đều được trang hoàng bởi ánh đèn lấp lánh.

Lễ Noel năm nay rơi vào ngày cuối tuần, khi cùng người thương nắm tay nhau dạo phố, bạn có thể ghé thăm phiên chợ đêm với nhiều mặt hàng đặc sắc.

Nhiều khách ngoại quốc tới đây luôn bảo rằng: Họ luôn có một ấn tượng rất đặc biệt với những quầy hàng xếp cạnh nhau san sát và cả một dãy phố dài đi bộ, người với người chen chân nhau không dứt.

Nếu không phải là tín đồ của mua sắm, bạn có thể cảm nhận không khí Giáng sinh trong một góc nhỏ ở quán “café Phố Cổ” trên phố Hàng Gai, ngắm nhìn hồ Gươm ở trên cao và gọi ly café trứng thơm ngon, nóng hổi vốn là món đồ uống đặc trưng “có một không hai” tại Hà Nội.

Sang hơn, bạn ghé qua little Hà Nội thưởng thức những món đặc sản Hà Nội trứ danh hay những tiệm ăn dọc các tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào,... với giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/người.

4. Đến Hồ Tây với “Noel trắng 2011”

Chương trình “Noel trắng 2011” tại Công viên Hồ Tây với các màn ảo thuật gay cấn, hồi hộp với sự thể hiện của ảo thuật gia David Cần và Trung Kiên sẽ đem đến cho du khách một mùa Noel vui nhộn và thật nhiều niềm vui bất ngờ.

Ngoài ra, chương trình nghệ thuật đặc biệt từ 19h30 đến 20h30 (ngày thứ 7, 24/12/2011 với các tiết mục sôi động dành cho các bạn trẻ như: vũ điệu La tinh sôi động; tiểu phẩm hài và những ca khúc về tình yêu được thể hiện qua hai giọng ca trẻ đầy triển vọng sẽ góp phần tạo nên một mùa Giáng sinh đặc biệt, ấn tượng trong tâm trí bạn.

Nếu bạn là người lãng mạn, hãy tới Công viên Mặt trời mới, cùng dạo bước với người thương yêu trên những con đường trải sỏi, dưới tán cây xanh hoặc có thể thưởng thức ly nước quả ở quán cà phê Ban Mai ngắm công viên đang lung linh, rực rỡ lên trong ánh đèn muôn màu sắc.

Thú vị hơn, bạn có thể thưởng thức cà phê trên đu quay khổng lồ, một cách thưởng thức cà phê sành điệu, gây ấn tượng nhất. Bồng bềnh trên chiếc đu quay, với hoa tươi và nến, bên ly cà phê thơm ngát, có lẽ đây là không gian lý tưởng nhất để bạn có thể gửi gắm những lời thầm kín nhất với người cùng đi.

Một gợi ý thú vị nữa là đi dạo trên thuyền Hồ Tây, leo một chiếc du thuyền để ăn bufel hải sản, với số tiền trên 200.000 đồng, bạn có thể thong dong thưởng thức Noel quanh hồ.

5. Tiệc Noel ấn tượng tại các khách sạn 5 sao

Được trang hoàng bởi hàng loạt chùm đèn rực rỡ và các đồ vật trang trí xinh xắn của mùa lễ hội, các khách sạn 5 sao trở nên lung linh và nổi bật hơn trong bầu không khí náo nức của Hà Nội.

Đến Hilton, bạn có thể ngồi tại Café Opera và thưởng thức không khí Giáng Sinh trong không gian được thiết kế đầy sáng tạo của loại bánh, kẹo, giỏ quà được bên cạnh các loại bánh qui đa dạng được chuẩn bị  bởi đầu bếp làm bánh chuyên nghiệp của khách sạn cho mùa lễ hội này.

Hoặc có thể thưởng thức tiệc tự chọn quốc tế với hàng loạt các món ăn Giáng sinh truyền thống bao gồm hải sản, bàn nướng BBQ và nhiều lựa chọn phong phú với những món ăn đặc sắc của ẩm thực châu Âu và Đông Nam Á tại đây.

Tại Metropole Hà Nội, du khách sẽ được đắm chìm trong lễ hội ánh sáng khi ngay giữa sân trong của khách sạn, bên cạnh hồ bơi là bánh khúc củi dài 13m và cây thông cao 15m - linh hồn của bữa tiệc giáng sinh được trang trí công phu. Đặc biệt, cây thông càng trở nên rực rỡ và có ý nghĩa hơn với những tấm thiệp đỏ mang những điều ước giản dị của các em nhỏ khiếm thị của trường Nhân Chính cùng một số em tử Trung tâm nuôi dưỡng trẻ tàn tật Hà Nội.

Thông điệp Giáng Sinh 2011 của khách sạn Caravelle là “Giáng Sinh An Lành và Yêu Thương”. Khách sạn Caravelle sẽ đặt một thùng từ thiện ngay tại sảnh khách sạn. Với mỗi quyên góp của mình, khách sẽ nhận lại một thẻ thông điệp nơi họ có thể ghi lại những lời chúc dành tặng cho các trẻ em bất hạnh, hoặc đơn giản chỉ là lời nhắn yêu thương dành cho gia đình, người thân trong dịp Giáng Sinh.

Những thẻ thông điệp này sẽ được chính tay bạn treo lên cây thông Noel lớn đặt ngay giữa sảnh Khách sạn Caravelle. Niềm vui càng trở nên ý nghĩa khi tổng số tiền từ thiện này sẽ được trao tặng cho tổ chức Saigon Children Charity nhằm thực hiện các chương trình học bổng và xây trường học cho trẻ em nghèo.

Cũng trong mùa Giáng Sinh năm nay, nhóm ca đoàn Saigon Children Charity sẽ tiếp tục biểu diễn các ca khúc Giáng Sinh tưng bừng, rộn rã vào lúc 15:00 đến 17:00 các ngày 20 đến 25 tháng 12 ngay tại sảnh khách sạn Caravelle.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dẫn bạn bè tới các trung tâm thương mại lớn như Tràng Tiền, Vincom, siêu thị Parkson, BigC The Garden,…

Bởi theo thông lệ, các chương trình ca nhạc tạp kĩ mang đậm màu sắc Giáng Sinh sẽ được tổ chức tại đây vào tối ngày 24/12. Nơi đây không chỉ thích hợp cho các bạn trẻ mà còn đặc biệt thu hút các bé. Cùng bố mẹ đến đây tận hưởng không khí Giáng Sinh, các bé còn có thể nhận được những món quà đặc biệt từ ông già Noel.

Du lịch, GO! - Theo Giaoduc.net
Đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa có bãi cát trắng mênh mông, biển trong vắt như pha lê, hải âu tung cánh. 

< Đảo Bạch Quy (Hoàng Sa) với bãi cát trắng tinh trong làn nước trong vắt...

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu, con sói biển của Quảng Ngãi chia sẻ với VnExpress net các hình ảnh đẹp về Hoàng Sa chụp trong những chuyến ông ra khơi.

< Từ một cậu bé phụ việc, nhiều năm qua ông Lưu đã trở thành thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm sóng gió.

Năm 20 tuổi bắt đầu theo cha ra khơi đánh bắt thủy sản, thuyền trưởng Mai Phụng Lưu được ngư dân Quảng Ngãi ví như con sói biển, chuyên hành nghề ở Hoàng Sa.

Ngày nay, viên thuyền trưởng 45 tuổi này thường xuyên cùng với các con trai, con rể của mình đưa tàu phấp phới lá cờ tổ quốc tiến ra vùng biển Hoàng Sa khai thác thủy sản.

Nhiều ngư dân có thâm niên tuổi đời khi mới 15 - 17 tuổi đã đi Hoàng Sa chuyến đầu đời, khi đó Hoàng Sa còn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền miền Nam Việt Nam. Hồi đó, đi biển còn thắp cây đèn hột vịt, không có thiết bị định vị mà “thấy chim bay là biết gần đến đảo”...

Tàu nhỏ, phương tiện đi biển hầu như không có gì, ngay cả bình hơi, dây dẫn khí... để lặn cũng không. Nhưng nhờ ngư trường Hoàng Sa giàu có nên chuyến đi nào tàu cũng đầy ắp hải sản.
< Mỗi lần vào đảo, ông Lưu lại thắp nén hương tưởng nhớ cha ông từng gặp nạn nằm lại ở vùng biển này.

Ông Nguyễn Lộc (thôn Đông, An Vĩnh) đã giã từ nghề biển vì tuổi cao nhưng nghe nhắc tới Hoàng Sa thì mắt như sáng lên. Suốt cuộc đời, ông Lộc không thể nào quên được hai chữ Hoàng Sa. Ở đó có những rạn san hô cá nhiều vô kể, có thể bắt hàng tấn ốc, nhưng cũng có khi ông “chết đi sống lại”. Nghe ông kể câu chuyện năm 1995 mà như mới diễn ra hôm qua...

< Viên thuyền trưởng dày dạn nắng gió nâng niu những quả trứng chim hải âu nhặt được ở đảo Tây.

Đó là chuyến đi câu mực bằng thuyền thúng và đèn măng sông trong mùa biển lặng. Khi mặt trời chìm nơi cuối chân trời cũng là lúc tàu lớn lần lượt thả 12 thuyền thúng và ngư dân (mỗi thuyền thúng một ngư dân và một đèn măng sông) để câu mực. Nhưng đến nửa đêm thì giông tố nổi lên đúng lúc cái đèn trên thuyền của ông Lộc hết dầu nên tàu lớn không nhìn thấy để vớt. Do gió lớn nên sáng ra thuyền thúng đã trôi xa, tàu lớn cứ tưởng ông gặp nạn rồi nên bỏ đi.


< Đây là đảo Tây của Hoàng Sa với đồi dốc, nhiều cây cỏ nên chim hải âu thường vào đẻ trứng. Gặp mùa hải âu sinh sản, ông Lưu vào đảo nhặt trứng để cải thiện bữa ăn trong những ngày dài bám biển.

Lênh đênh trên biển hai ngày hai đêm trong mưa gió tầm tã, ông Lộc đã nghĩ đến cái chết. Nhưng khi trôi đến gần đảo Hải Nam thì một chiếc tàu của ngư dân Kỳ Hà, Quảng Nam, nhìn thấy và cứu ông. Sau đó, ông được chuyển sang một tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn để “quá giang” về nhà. Đến nhà ông mới hay, chủ tàu đã đem tiền chồng cho vợ con ông (như tiền bảo hiểm) vì ai cũng nghĩ ông đã chết.

< Với ông Lưu, vùng biển Hoàng Sa là ngư trường dồi dào sản vật, từ lâu đã trở thành máu thịt, là mái ấm gia đình - "điểm tựa" cuộc sống cho gia đình ông cũng như nhiều ngư dân Việt Nam.

Ông Lộc cho rằng ông sống sót là nhờ ở ngư trường Hoàng Sa, thậm chí gần khu vực đảo Hải Nam, khi đó tàu cá của Việt Nam hoạt động nhiều. Bởi ở đó có những đảo ngầm (nhô lên khi triều xuống) rộng hàng chục ki lô mét vuông với vô số hải sản sinh sống.

< Qua những năm tháng bám biển của mình, ông Lưu vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vinh danh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam" cùng với 7 tập thể và 13 cá nhân tiêu biểu khác là những anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, doanh nhân tiêu biểu, đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Theo anh Đặng Hoa, một chủ tàu ở thôn Đông, An Hải, Lý Sơn, năm bảy năm trước tàu của ngư dân Việt Nam và ngư dân Trung Quốc gặp nhau ở ngư trường này rất thường xuyên. “Nhiều lần chúng tôi trao đổi gạo, bia... thậm chí nhậu cùng nhau rất thân thiện”, anh Hoa kể.

Thế nhưng, hiện nay anh Hoa đã hạn chế đi ngư trường Hoàng Sa mà quay sang ngư trường Trường Sa do sự bắt bớ phi lý của phía Trung Quốc. Dù vậy, anh vẫn mơ về một ngày mai, anh, thậm chí con cháu anh sẽ lại tự do đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa truyền thống của ông cha...

Như anh nói, cây bàng biển trên đảo Lý Sơn còn thì ngư dân đảo còn ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ VnExpress, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống