Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday 6 October 2012

Kongcharo nằm cách Pleiku khoảng 180km về phía Tây Nam, một huyện vùng núi anh hùng với cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ. 28km xuyên những tán cây rừng, vượt 4,5 con suối cạn, chiếc xe Jeep đưa đội quân hơn 50 mạng về trung tâm xã Sơró, nơi mà đội sẽ sống, sinh hoạt cùng ăn cùng ở cùng làm với bà con Bana tại địa phương.

Ấn tượng đầu tiên về cái trung tâm xã có lẽ khác xa với tưởng tượng và lời quảng cáo hấp dẫn của mình. Trường học 2 tầng khang trang, trạm xá sạch sẽ, lại còn cái “nhà rông văn hoá” không biết được làm theo chủ trương của đồng chí lãnh đạo nào mà bê tông hoá hoàn toàn, từ sàn, cột, vách…

Trạm y tế xã Sơ Ró.
Nói chung là chẳng có tí đặc trưng nào hết của một xã vùng cao được xếp vào diện nghèo đói.
Đoạn đường còn lại chưa làm, đội chia 2 nhóm hành quân về 2 điểm ở khác nhau, mình đưa nhóm 1 về làng Sơró, cách trung tâm xã 4 km , đường khá dễ đi, chỉ lội qua một con suối cạn.

Khi mà chân bắt đầu mỏi, tinh thần bắt đầu vơi theo từng con dốc, làng Sơró hiện ra phía sau con dốc cao, thấp thoáng chóp nhà sàn và thoảng nghe tiếng suối róc rách, một ngôi làng yên bình với hơn 30 nóc nhà sàn bao bọc lấy nhà rông phía dưới một “thung lũng nhỏ” (theo cách gọi của bọn mình) và khoảng hơn 30 nóc nhà nữa chênh vênh trên những triền núi phía sau.

Nhà sàn của người Bana thấp và dài, nhà rông cũng không đặc biệt hơn nhiều, có chăng là lớn hơn và dài hơn, trước cửa nhà, đồng bào mình nghe tin tình nguyện về, ra ngồi ngóng, mấy em bé gái thẹn thùng khúc khích cười.

Bao bọc quanh làng là suối, một con suối như bao con suối không tên của núi rừng Tây Nguyên, đẹp, hoang sơ, rực đỏ sắc hoa lộc vừng rủ hai bên bờ, những bông hoa mỏng manh xoay như reo giữa những xoáy nước, vấn vương lại giữa các khe đá rồi vun vụt lao đi, biến mất.

Mình được bố trí ở trong nhà rông thanh niên (cái này là mới thí điểm ở Sơró và một số vùng khác, cũng là nhà rông nhưng khác nhà rông của làng, nhà rông này dùng cho sinh hoạt thanh niên, do thanh niên làm nên theo đúng những đường nét cổ xưa nguyên thuỷ nhất của nhà rông, đẹp, tỉ mỉ với những vật trang trí rất đặc trưng.)

Đồng bào Bana theo chế độ mẫu hệ, người phụ nũ quán xuyến mọi việc, từ lên nương đến quản lí gia đình, mình đã trợn tròn mắt ngạc nhiên khi thấy một gia đình Bana đi rẫy về, người cha dịu đứa con nhỏ, dắt đứa con lớn, người vợ và đứa con gái lớn địu gùi củi trĩu nặng. Ấy thế mà đàn ông con trai lại rất có giá, nếu “trai tốt” tức là khoẻ mạnh, nhìn sáng sủa thì chỉ có cô gái nào nhà có nhiều trâu bò mới dám đến bắt chồng, thường khi lấy chồng, đàng gái phải thịt ít nhất một con bò đãi làng, cùng Giàng và nộp sính lễ hồi môn cho nhà trai.

Khi mình đến, núi rừng Tây Nguyên đang vào mùa đãi “quả lười ươi”, một loại trái nhìn lông lá, khi ngâm trong nước nở ra ăn man mát, nghe đồn là tốt và bổ (vì mình ăn hoài nhưng chưa thấy bổ). Trái này bán rất được giá, thông thường một ngày một người đi rừng kiếm được cả trăm ngàn tiền bán trái lười ươi – một số tiền không nhỏ đối với người dân nơi đây.

Chiều đầu tiên đến điểm ở, cả lũ hăm hở ra tắm suối, thôi thì con trai cũng như con gái, chả có gì phải ngại, vì ngại thì chẵng lẽ ở bẩn không tắm. Nước suối tron và mát lạnh, có những đoạn chảy xiết làm cho mấy chàng trai của chúng ta hết sưc hào hứng, nằm bám tay vào mỏn đá, mặc cho nước táp qua người.

- Ối!
- Gì thế? cả lũ lao nhao lên
- ……
- Thế làm sao đấy????
- …….

Anh chàng kia im bặt, không nói một tiếng nào, mọi người cũng không hỏi nữa. Nhưng lạ kì ở chỗ, khi mà mọi người đã di tản lên những bụi cây để thay đồ thì anh chàng kia vẫn kiên quyết bám trụ không lên. Chỉ đến khi mấy tên con trai rộ lên cười hú há thì lũ con gái mới vỡ lẽ ra vụ án “nước chảy trôi…đồ”.

Đêm đêm, chếnh choáng trong men rượu cần, trong bập bùng ánh lửa, trong nhịp cồng chiêng do …chính tay mình đánh (dù rằng thấy người ta gõ thì mình gõ đại), tay nắm tay, hát theo nhịp xoang rộn rã “những bàn chân, bàn chân trần trên đất bước đi rộn rã bồi hồi, tiếng hú vang xa chín suối mười đồi, cái cồng con chiêng đêm nay cũng thức….” để rồi “rượu cần lâu năm (hic! chỗ này lạ lắm nhá, rượu cần chỉ mấy tháng là uống được, để đến 1 năm đã chua lè nói gì đến lâu năm) cất trong đáy mắt em, anh vít cần, vít cần mà không dám uống, anh cứ sợ, cứ sợ là mình mất nhau thôi”. Ấy, đến khi mà tụi mình hát chán thì tụi mình hát thế này “em ứ sợ, ứ sợ là mình mất nhau đâu!!!”

Đồng bào ta còn đói khổ lắm, tháng 7, bữa cơm gạo “dân tộc” (cách nói của một vài người Kinh trong vùng) vàng ngai ngái, độn trong bắp phơi khô, thức ăn là chút nấm rừng và cà đắng xào lá sắn. Ấy là nhà còn có người khoẻ mạnh đi làm được, còn nhiều nhà ăn bắp nướng qua bữa là chuyện thường tình.

Dù rằng muối được phát miễn phí, đất rẫy bạt ngàn nhưng người đồng bào mình thật thà quá, còn một số người Kinh thì tàn nhẫn quá. Người Kinh khôn ranh, người Kinh tàn nhẫn chỉ có vài hộ trong vùng, nhưng với biệt tài à ơi ngọt tận xương, họ dụ dẫn đồng bào bán đất nương gần, ruộng nương của họ bạt ngàn. Mình đã thấy những người già, đổi nhiều ngày công để lấy một giá gạo. Bao nhiêu lần phạt cảnh cáo, bao nhiêu lần tỉnh xuống làm việc, nhưng xét một cách thực tế, vai người Kinh ấy không phạm pháp, họ chỉ phạm vào cái tâm người, mà điều ấy thì chẳng ai xử lý được.

Nhưng đồng bào mình vẫn thương “sinh viên cụ Hồ” lắm, chiều chiều, người mẹ già đi rẫy về vẫn giúi vào tay mình mấy bắp ngô ngon mẩy nhất, những đứa trẻ vẫn mang đến những gì chúng cho là ngon nhất biếu “thầy cô”.

Nhớ mãi, gói mối từ tay đứa học trò đôi mắt đen lay láy, bắt hồi đêm, mang đến cho thầy ăn, miệng nói “ngon lam day” mà thầy cô nhìn đã chết khiếp chẳng dám ăn, nhớ mãi niềm vui của bọn trẻ khi ngồi trên chiếc xích đu thầy và trò cùng làm (hehe, dù rằng phải qua suối lên rừng chặt cây, và cây thì có cái biển “cấm phá rừng”).

Mặt trời chưa dậy, sương còn giăng giăng trên những ngọn núi xa xa, tiếng gà gáy, tiếng bước chân, tiếng ríu rít cười đùa của các cô gái Bana vang vang bên suối. Sáng thanh bình, mọi thứ đều thanh bình, hiền hoà, trong vắt, trong như nước suối rừng, trong như ánh mắt em bé Bana, trong như hơi thở của rừng.

Hôm nay mình sẽ vào rừng, khu rừng bên kia ngọn núi phía xa để chặt lồ ô về làm vỉ lót sàn nhà rông. Lồ ô gần ngay bản cũng có nhưng thân nhỏ, còi cọc, con người cần nhiều quá, rừng không kịp hồi sinh, để rồi cứ mỗi lần lại phải đi xa hơn, xa hơn.

Sáng dậy sớm, mấy bạn cấp dưỡng đã nắm cho mỗi người 2 nắm cơm, trứng luộc và muối vừng để đi đường, đường xa lắm, thuận lợi thì tối về, nếu không có lẽ phải ở lại lán giữa đường nếu trễ quá không về kịp.

Hăm hở lắm, lần đầu tiên được tiến vào rừng sâu, nơi mà đồng chí Đinh Hứt dặn đi dặn lại là phải cẩn thận có thú giữ. Thích lắm chứ, hình như đứa nào cũng háo hức được gặp thú rừng sau khi nhiều ngày ở đây chỉ nhiều lắm là bắt được thỏ. Đường xa thật xa, qua những con suối nước chảy xiết, từng phiến đá trơn rêu. Vượt qua con suối thứ 4, bụng mình thầm nghĩ, đi không đã khó thế này rồi, lúc về vác thêm Lồ ô, tinh thần lại xuống nữa thì sao vác nổi.

Qua suối, đến những rẫy ngô của đồng bào, những ruộng lúa nương vẹn vẹn bên suối, xơ xác vài hạt ngả vàng. Lại còn thấy cả cây bông, nghe nói là có chương trình trồng bông, nhưng bông thì trắng rẫy, đường xá lại xa qua nhiều sông suối, xe không vào được để thu mua, bông lại bỏ lăn lóc trên rẫy, màu trắng ngạo nghễ giương mắt nhìn đám lúa bắp xác xơ.

Con đường mòn cỏ tranh um tùm khi đi sâu hơn vào phía rừng, cỏ tranh mọc ngập đầu người. Sương đêm làm ướt đẫm cỏ tranh, ướt đẫm những con đường, tạt ướt cả ai áo, lành lạnh, ẩm ẩm.

Đến chân con núi, rừng tre đan vào nhau tạo thành những vòm, những mái. Lom khom chui qua rừng tre râm rạp, rừng nguyên sinh hiện ra trước mắt, rừng trên triền núi, rừng dưới thung lũng, rừng trước mặt và thấp thoáng phía xa, rừng nối tiếp nhau, hoang sơ nhưng hiền hoà, tĩnh lặng đủ để nghe thấy tiếng viên đá nhỏ rơi ở đâu đó, tiếng suối reo xa xa, tiếng chim giật mình gọi bạn.

Không giống như khu rừng nguyên sinh mình đã từng đi, rừng trước mắt mình thoáng đãng và khá khô ráo, cây mọc cạnh những phiến đá, chằng chịt dây leo lớn bằng thân người, vắt vẻo qua cây, ôm lấy cây, nối lấy cây, như những chiếc thuyền chở những cụm lan rừng trắng muốt. Hương rừng thơm ngọt, dịu dàng.

Những đứa lần đầu tiên biết thế nào là rừng nguyên sinh Tây Nguyên, cứ lặng người ngắm, trầm trồ khen cảnh, khen hoa. Còn mấy “thanh niên địa phương” thì thật tinh mắt khi đã kiếm được tổ ong rừng trĩu mật. Vì đã có “kinh nghiệm” bị ong chích khi ở trong rừng tràm tại U Minh Thượng, mình không dám lại gần, kiếm một thân cây phía xa xa, ngồi xuống …núp và hồi hộp theo dõi.

1 giờ sau, mật đã được rót ra đầy một chai lớn, anh Đinh P’lei đi qua mình nói nhỏ “vê cho cai Đinh Y.. mang ve…” (Đinh Y.là tên già làng đặt cho mình, người Bana vùng này đều mang họ Đinh)
Sướng cười tít mắt, xốc lại chiếc balo đựng thứ đáng giá nhất là cơm nắm, lại tiếp tục lên đường.

Thượng nguồn, nước chảy ra từ khe núi, đổ qua thác nước, cuối mùa khô, suối cạn, thác cũng thật hiền hoà. Thác rộng, những tảng đá lớn trơn nhẵn khô nước, phơi trắng lòng suối . Qua con suối này mấy bước là tơi rừng lồ ô, đã thấy trước mặt những thân cây gióng dài, thẳng tắp, xanh mướt. Dừng lại ăn trưa xong xuôi, rựa được xách lên, những thân cây thẳng tắp đổ xuống, để lại những vết chặt sắc nhọn.

Chỉ một loáng, từng bó, từng bó lồ ô đã được buộc gọn gàng, đều tăm tắp, mỗi bó sinh viên vác 5 cây, nữ 3 cây, thanh niên địa phương vác…8 cây! Vác một được khoảng nửa tiếng, số lượng cây đã là: nam SV 5 cây, nữ 2 cây còn thanh niên đĩa phương 2 người vác 9 cây!

Và sau một tiếng nữa, 2 đứa con gái chỉ còn vác nổi mấy cán rựa, balo và vài thứ linh tinh khác. Đúng là con gái chúa rắc rối!!! hehe.
Mệt, đói, đau chân, khi nhìn thấy bản làng thấp thoáng phía xa xa, khi nghe tiếng cười quen thuộc bên suối, ai nấy đếu mừng hớn hở.

Dừng chận một lát đứng ngắm nhìn bản làng bên kia con suối, hoa vẫn đỏ rực rủ xuống trong chút ánh sáng chạng vạng, ngôi làng yên bình, ngôi làng đầy ắp sự thơm thảo tình người, ngôi làng có con suối cong cong uốn mình chảy qua, đẹp cả về cảnh, về tình, về hồn.

Để nhớ lại, cứ văng vẳng tiếng ru của người mẹ Bana anh hùng, xoa đầu và ru ta, hát và vít cần, mắt thăm thẳm như núi, như rừng, lòng hiền như vốn con người sinh ra đã vậy….

Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt

Haggard04
Du lịch, GO! - Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet
“…Cảnh núi rừng Tây Nguyên thấp thoáng, những triền đồi đất đỏ dưới nắng rực lên màu mỡ, những vạt rừng xa xa, lại có cả một miệng núi lửa sừng sững. Tháng 6, hải quỳ nở thưa thớt hai bên đường, lẫn trong màu xanh bạt ngàn của cao nguyên.” (haggard04)

Hành trình Gia Lai – Phú Yên

2 giờ chiều, cả đoàn chào tạm biệt Pleiku, chị dẫn đoàn người Rarai mắt ướt ướt, bịn rịn chia tay, ừ thì cũng cảm động, nhưng mà không hiểu sao mình cứ toe toét cười, có lẽ là vì cả thùng sầu riêng sau xe...

Cũng không hẳn, có lẽ là vì mấy lít mật ong rừng nguyên chất thơm nức mũi, cũng phải chăng là 2 ghè rượu bắp ủ đủ ngày đủ tháng mà ông ngồi ghế sau đang phải khư khư ngồi ôm. Tạm biệt Pleiku, hẹn… tháng sau gặp lại!

Vì chuyến đi vào tháng 6, lại kiếm được xe công, “cơ sở cách mạng” của anh em trong đoàn trải dọc từ Bắc chí Nam nên cả đoàn không chạy về theo đường tắt (về thành phố Hồ Chí Minh theo đường Bình Phước) mà quyết định đi dường vòng, chạy dọc tuyến Phú Yên – Nha Trang – Ninh Thuận – Bình Thuận… mà về, tiện thể mỗi địa phương dừng chân một vài ngày.

Xe lao qua những rừng cao su thẳng tắp, xanh biếc, mát lạnh. Vì cái lí do hết sức dễ thương là chị em phụ nữ trong đoàn chưa biết cây cao su nên xe dừng lại cho thoả lòng chị em phụ nữ. Có lẽ bà con địa phương mà thấy cái cảnh: dừng xe, 3 đứa con gái nhào xuống, chạy ù vào rừng cao su, lấy tay ..sờ sờ, xoa xoa, chụp hình rồi lại ù chạy về xe, có lẽ bà con mình sẽ chả hiểu cái lũ dở hơi kia nó làm cái giống gì. Quay lại xe, ngỡ ngàng khi không thấy các bác phụ nam đâu, bác tài cười bí hiểm, hất đầu về phía rừng thì đã thấy 3 bác dứng cạnh 3 cây cao su, không biết làm cái trò gì…

Đoàn lại tiếp tục lên đường, cảnh núi rừng Tây Nguyên thấp thoáng, những triền đồi đất đỏ dưới nắng rực lên màu mỡ, những vạt rừng xa xa, lại có cả một miệng núi lửa sừng sững. Tháng 6, hải quỳ nở thưa thớt hai bên đường, lẫn trong màu xanh bạt ngàn của cao nguyên.

Rồi đèo, cơ man là đèo, con đường quanh đèo nhỏ xíu cảm giác chỉ đủ cho 2 chiếc xe ngược chiều chạy là vừa khít, bac tài xế hứng chí, chạy cái đuôi xe lúc nào cũng cán mép đường vực dù cả đoàn đang đổ đèo gần mép núi! Mấy đứa sợ quá ,rền rĩ:
- Bác chạy chậm chậm thôi đi mà?
- Ôi giời, ngày xưa tao đi đường này dọc bom đạn, nó bắn sát đít, chạy bán sống bán chết mà có việc gì đâu!
Mấy con giời hết nói, ngồi im re, thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi.

Sau khi tạm phải yên tâm, mình ngồi ngắm cảnh, vẫn là những cảnh núi rừng, thung lũng mình gặp từ mấy ngày nay mà sao vẫn thấy thích thú, vẫn muốn say sưa ngắm. Hình như các anh chị em cũng có chung mong muốn với mình nên kêu bác tài dừng xe, chạy lên sườn núi ngắm cảnh. Một lũ lố nhố trên sườn núi, mình đứng lặng nhìn phong cảnh, hít cang hương vị núi rừng và gân cổ thi hét, bây giờ nhớ lại, sao thèm được đứng ở nơi đó, hét lên thật to và nghe tiếng vọng lại xa xa.

Xe đổ đèo Tô ma, một con đèo nghe tên quen quen với những lời doạ đẫm “Kinh lắm, lạ lắm, đi rồi biết.”
Chịp! không biết có phải là quả thực cái đèo nó chả có gì làm nguy hiểm hay là mấy ngày nay mình chịu quen cái cảnh lên những dốc dựng đứng rồi phi xuống trong trạng thái gần như rơi tự do hay không mà thấy cái lời kẻ nào đó cảnh báo mình thật đáng nực cười.

Đang mơ màng ngắm cảnh, mình bỗng giật mình, thấp thoáng phía trên núi có một tấm biển thật lớn vẽ hình mây con bò và dòng chữ “coi chừng bò”. Chưa hết bàng hoàng thì xe bỗng thắng gấp, chưa kịp ca cẩm thì nhìn trước mặt xe tối sầm lại, nhìn cả đoàn ai mặt cũng nghệt ra. Bò! Cả đàn bò! Con nào con đấy lừng lững hiên ngang bước qua đường, bất chấp bác tài bấm còi inh ỏi.

Sau mấy phút hò hét, bọn chúng nó như muốn thi gan, con nào con đấy hếch mắt lên nhìn mình thách thức, mình nhìn không lầm là bọn nó còn đang muốn cả xe nhìn lại cái biển ở chân đèo kia. Ừ thì đúng rồi, cái biển có ý là “người coi chừng có bò” chứ đâu có cảnh báo bọn bò “bò, coi chừng có xe”. Cái xe biển đỏ CSGT còn không thèm bắt dừng lại mà phải dừng lại vì một lũ bò! Anh em ngao ngán nhìn nhau, bình luận, lại còn làm cả vè, cả thơ về bò nữa :

“ Bò vừa sinh con, người ta đã kêu là con bò
Bò vừa ra lông, người ta đã kêu là lông bò
Bò chết đi mới đêm thui ta gọi là thui bò
Mấy thằng ngu ngu, người ta nói, ngu như bò”

Ấy, nhàn rỗi sao mà xuyên được cái bài này xong, cả xe còn hát rất ư là sảng khoái. Lũ bò vẫn nhìn vào xe với con mắt lãnh đạm và chán nản. Rồi chuyện gì đến cũng đến. Bọn bò nó đi ăn về, nó no, nó say, nó lại được nghe hát, nó đứng chán không có việc gì làm, thế là nó làm cái việc muôn thủa, đi vào thì phải đi ra.

Cũng hay, ngồi trong xe giữa đồng không mông quạnh mà được nghe xuối chảy róc rách, à, không phải róc rách, mà phải là ào ào mới đúng. Rồi nó đi! Cũng may là anh em an toàn hết, xe cộ cũng không trúng phải bom mìn gì, âu cũng là điều may mắn!

Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt

Haggard04
Du lịch, GO! - Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet
Mùa hè đến, những mặt hàng phục vụ nhu cầu đi du lịch “bụi” đang hút khách. Các mặt hàng này bán tập trung tại chợ Dân Sinh, chợ Nga (Russian Market), Saigon Square (TP.HCM).

< Chọn mua ba lô du lịch.

Sản phẩm bán chạy nhất hiện là túi ngủ, dùng thay thế cho chiếc giường, mùng, chăn… Dù giá có nhích hơn 20% so với năm ngoái nhưng đây vẫn là vật dụng không thể thiếu trong hành trang của dân đi “bụi”.

Theo chủ cửa hàng Ngọc Ánh (chợ Dân Sinh), vào mùa này bán chạy nhất vẫn là túi ngủ dạng mỏng, có 2 lớp để người ngủ không bị nóng với giá từ 185.000 đồng/cái. Nếu đi đến những vùng có cây cối rậm rạp thì nên chọn mua võng tích hợp cả mùng tránh muỗi và chăn, giá 150.000 đồng/cái.

Ngoài ra chủ nhân phải trang bị thêm một tấm vải bạt che mưa phía trên võng với giá từ 35.000-100.000 đồng/cái.

Tại chợ Nga còn có bán loại quần túi hộp đa năng rất tiện lợi. Quần dài, chống được muỗi và vắt bám vào chân, có nhiều túi để đựng những vật dụng nhỏ gọn như: dao nhíp, đèn pin, bật lửa… Đặc biệt, có thể tháo ống quần dài thành ngắn nhờ dây kéo chìm bên trong rất thuận tiện. Giá một cái quần đa năng này từ 135.000 đồng.

Nhiều chuyên gia tư vấn khi đi khám phá tại vùng rừng như: Rừng quốc gia Nam Cát Tiên, Cúc Phương… cần mang theo vớ chống vắt. Vớ dài qua đầu gối, có dây buộc phía trên, ngoài chức năng chống vắt, còn có thể giữ ấm chân khi nhiệt độ xuống thấp.

Một loại không thể thiếu khi đi vào nơi ẩm ướt là vớ ni lông dùng bọc bên ngoài giày. Trước khi đi qua vùng đầm lầy hay vũng nước nên mang vớ bọc ở ngoài giày giữ cho chân và giày luôn khô ráo. Sản phẩm xài một lần với giá bán 15.000 đồng/ đôi.

Chị Hằng (Q.1), dân du lịch “bụi” cho biết, trong hành lý đi kèm ngoài đôi giày thể thao còn có thêm một đôi giày bằng nhựa siêu nhẹ. Gặp những khi thời tiết xấu hoặc đi qua vùng đầm lầy thì giày có bị ướt nhưng rất mau khô, giá từ 120.000 đồng/đôi.

Ba lô du lịch, ngoài những mẫu có thêm phần đáy túi có thể chứa máy ảnh, hoặc chứa quần áo cho những chuyến đi ngắn ngày, khách du lịch đi dài ngày có thể chọn mua ba lô loại lớn từ 60 - 120 lít. Giá bán rất khác nhau, tùy theo chất liệu cũng như độ bền của sản phẩm từ 450.000 đồng/cái.

Được nhiều người tìm mua là ba lô tích hợp 3 trong 1, có thể tách ra thành một cái ba lô nhỏ và túi đeo trước bụng để tránh thất lạc giấy tờ khi vào những khu đông người.

Đồ nghề trekking

Giày trekking

Một đôi giày leo núi phù hợp không chỉ giúp bạn chinh phục đỉnh cao dễ dàng hơn, an toàn hơn mà còn bảo vệ đôi chân của bạn. Tốt nhất, bạn nên chọn loại giày đế cao su, có ma sát lớn, có đệm mắt cá chân giúp cho bạn di chuyển nhẹ nhàng, chống thấm nước và cao cổ. Loại giày này khá dễ mua ở các hàng bán đồ thể thao với nhiều nhãn hiệu tên tuổi với giá khoảng từ 400.000đ/đôi.

Túi ngủ

Trên núi cao, nhiệt độ thường thấp, đặc biệt là về đêm. Do đó, một chiếc túi ngủ ấm áp là thực sự cần thiết. Nhưng để mang theo trong suốt hành trình, túi ngủ của bạn phải thật gọn nhẹ và tốt nhất là loại túi ngủ chống thấm nước. Bạn có thể tìm mua túi ngủ ở các cửa hàng bán đồ thể thao hoặc trong Metro với giá 173.000đ.

Lều trại

Để ngủ đêm trên núi, ngoài túi ngủ, bạn còn cần thêm lều trại để tránh mưa, sương mù và gió rét. Lều trại có nhiều kích cỡ cho bạn lựa chọn, từ lều cá nhân, lều dành cho 2 người, lều 4 người…Bạn có thể mua lều du lịch tại siêu thị Metro hoặc các cửa hàng bán đồ thể thao.

Quần áo

Tuỳ theo mùa mà bạn có thể lựa chọn những loại quần áo phù hợp. Nếu là mùa hè, bạn nên chọn loại quần áo bằng chất liệu nhẹ, thoáng khí, còn nếu là mùa đông, bạn nên mặc nhiều áo mỏng thay vì một áo dày để dễ dàng cởi ra khi nóng. Để leo núi, bạn cần mặc quần áo rộng rãi, chất liệu cotton, giúp cử động dễ dàng, không nên mặc quần áo bằng vải jean dày hoặc quá bó.

Ba lô

Một chiếc ba lô “chuẩn” sẽ giúp chuyến đi của bạn thuận lợi hơn. Đó là một chiếc ba lô nhiều ngăn, chống thấm nước, có đai ngực và đai bụng, ôm sát người giúp bạn leo trèo không bị vướng víu. Bạn có thể mua ba lô trekking của các hãng tên tuổi như The North Faces, Jack Wolfskin, Deuter… với giá từ 300.000đ tại các cửa hàng bán đồ thể thao.

Túi cứu thương

Không chỉ dành cho những đợt leo núi, túi cứu thương cần là bạn đồng hành của bạn trong mỗi chuyến du lịch. Trong mỗi túi cứu thương, bạn cần có thuốc chống dị ứng, thuốc chống côn trùng, thuốc chữa rắn cắn, bông băng, salonpas, thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc sát trùng, băng cá nhân, dầu gió, thuốc tiêu chảy.

Dụng cụ bảo vệ

Các dụng cụ bảo vệ bao gồm: mũ bảo hiểm, giúp bạn giữ an toàn khi phải “đối đầu” với vách đá, dây thừng: thông dụng nhất là loại dây có lõi xoắn bằng thuỷ tinh. Giá từ 100 – 200USD tuỳ loại; đai leo núi: là hệ thống dây bảo hiểm được “mặc” quanh người, có 3 loai đai để bạn lựa chọn: đai eo, đai ngực và đai toàn thân; bọc đầu gối, bọc khuỷu tay, găng tay có hạt để tăng độ ma sát, bảo vệ tay bạn khi bám vào đá.

Ngoài ra, còn một số đồ lặt vặt nhưng cũng không thể thiếu, đó là dao đa năng, đèn pin, pin dự phòng, bật lửa, áo mưa

Du lịch, GO! - Theo Nguyên Trang (Tinnong), Phuotcafe, internet
Mùa này gió nồm thổi nhẹ, cá biển nhiều, nhất là cá hố. Và món lạ duy nhất chỉ có ở quê tôi, món truyền thống đặc trưng ở làng biển – gỏi cá hố.

Nhân có mấy người bạn ở Sài Gòn ra chơi, sáng ra làng biển Nhơn Hội, xã An Hòa, Phú Yên tôi mua cá hố tươi rói về làm món “bửu bối” quê nhà đãi khách.
Cá hố làm gỏi phải là loại cá hố loại nhỏ (cá hố dải) được đánh bắt bằng cách đi thúng chai thả lưới cước. Đi chợ biển thật sớm để chọn con thật tươi xanh. Nhìn con cá hố tươi da trắng bóng, sáng đều, không bị trầy tróc, toàn thân cá cứng chắc, mắt sáng. Trong suốt thời gian từ khi mua về cho đến lúc chế biến phải luôn giữ lạnh cá.

Thường làm khoảng 20 con cá cho năm, sáu người ăn là vừa. Cá hố đem về, ướp lạnh ngay bằng đá viên rồi chế biến tuần tự các bước: cắt đầu đuôi, dùng tay tước hết kỳ (cái ghi) trên lưng rồi dùng cát sạch hoặc miếng vải có độ nhám kẹp tuốt hết phần phấn trắng bám trên thân cá. Xong bước này, con cá không còn màu trắng sáng nữa mà là màu trắng đỏ. Rửa thật sạch lần cuối, bỏ vào thau đá mới. Dùng dao thật bén lóc lấy thịt hai bên rồi cắt thành từng miếng độ 4cm, bỏ phần xương sống. Cắt cá xong, cho ít muối và bột ngọt vào rồi ngâm một hồi cho thịt cá săn chắc rồi chắt bỏ hết nước. Đến đây nếu ăn liền thì tiếp tục chế biến, chưa ăn có thể để tủ lạnh cũng không sao.

Ăn gỏi cá hố đòi hỏi đủ gia vị. Trước hết phải vắt được một tô nước chanh. Trước khi trộn gỏi, đổ nguyên tô nước chanh vào phần cá vừa cắt thành miếng, ngâm độ mười phút vớt cá ra, dùng tay vắt cá thật khô. Lúc này miếng cá đã chuyển sang màu trắng đục. Và vẫn tiếp tục giữ độ lạnh. Khi ăn lấy ra trộn từng phần cá với hành tây xắt nhỏ, các loại rau thơm như húng, tía tô, é quế, rau răm, xoài xanh, khế, đậu phộng rang, tiêu hạt…

Ăn gỏi cá hố, nhất thiết kèm với một chén nước mắm ngon giã với ớt – tỏi – chanh – đường và vài cái bánh tráng nướng. Khi ăn, gắp từng nhúm gỏi cá bỏ vào chén, thêm rau thơm, lấy nhúm đậu phộng, vắt thêm tí chanh, ít hạt tiêu, bóp bánh tráng vụn ra rồi chan tí nước mắm pha, thế là lùa ngon lành. Ôi, cảm giác thơm ngọt vào đến tận chân răng.

Mấy anh bạn của tôi hôm ấy, ban đầu thấy lạ chưa mạnh miệng nhưng làm được vài miếng rồi lại tấm tắc mà ăn đến no say. Rồi có bạn phán rằng, “món này phải nằm trong sách các món ngon Việt Nam mới xứng tầm!”

Du lịch, GO! - Theo Báo Sài Gòn tiếp thị, ảnh internet

Friday 5 October 2012

Cuộc sống đã đổi thay nhiều, khắp trên cả nước, phố xá ngày càng tân tiến, những ngôi nhà cao tầng mọc lên từng ngày, con người ta sống nhanh hơn mà dường như dần bớt quan tâm đến các giá trị tinh thần. Chắc chẳng ai tin rằng, ở Tây Nguyên, vẫn còn những cô gái cần mẫn hàng năm trời để “kiếm củi lấy chồng”. Chuyện tưởng chừng như chỉ còn trên những trang giấy ấy vẫn được tiếp tục với những niềm tin bất diệt vào truyền thống tốt đẹp của bản làng.

Không biết từ bao giờ, trên vùng đại ngàn phóng khoáng ấy, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, bầu bạn đã có quy định rằng: khi trai gái lớn lên, đủ tuổi tìm vợ tìm chồng, họ sẽ phải vượt qua những thử thách để chứng tỏ sự trưởng thành, khéo léo, như một cách lấy lòng gia đình người mình sắp gá duyên.

Theo đó, người con trai sẽ vào rừng săn bắn, lấy đầu thú về treo lên vách nhà rông. Còn các cô gái thì vào rừng chặt củi gùi về để chứng minh mình có đủ sức dẻo dai để làm vợ làm mẹ, để trỉa lúa, trồng bông dệt vải... Thú càng nhiều, củi càng nhiều, các chàng trai cô gái Tây Nguyên sẽ càng được yêu mến, trân trọng sự cần cù, khéo léo để vun vén công việc gia đình. Với người Rơ Ngao, người Jẻ - Triêng, sơn nữ đến tuổi tìm chồng phải tự tìm đến cả trăm bó củi trên rừng mới mong có cơ hội về nhà chồng.

Tại sao lại là củi? Điều này có lẽ cũng dễ hiểu đối với đồng bào Tây Nguyên. Với họ, củi là một trong những thứ quan trọng không thể thiếu được trong mỗi gia đình, là thứ sẽ thắp lên ngọn lửa nơi căn bếp, sưởi ấm và duy trì sự gắn kết của mỗi thành viên trong gia đình. Người con gái về nhà chồng, giỏi giang, tháo vát chính là ở chỗ ấy. Thế nên, yêu cầu về củi “sính lễ” là rất cao. Do đó, củi được thiếu nữ sơn cước lựa chọn rất cẩn thận, công phu, dù tục lệ hầu như không bắt buộc song thông thường các cô gái thường chọn cây dẻ khỏe mạnh, bởi gỗ khi khô sẽ chắc, dễ chẻ, cháy tốt và đượm than.

Kích cỡ cây được chọn làm củi thường có đường kính trên dưới 10 phân. Củi được chặt thành đoạn từ 80 phân đến trên 1 mét và phải giữ độ dài ấy đều đặn cho cả đống, không được dài ngắn bất thường. Thanh củi phải thẳng, chắc, tất cả vỏ ngoài phải được lột sạch sẽ, đầu của mỗi thanh phải đồng loạt được chặt bằng hoặc vát nhọn tất cả. Đây chính là thử thách sự khéo léo của các cô gái.

Củi phải đạt đến độ “tiêu chuẩn’ như vậy khiến các cô gái khá là vất vả và mất nhiều thời gian trước khi về nhà chồng. Có cô mất 2, 3 năm, thậm chí, có cô gái phải mất 4 năm để kiếm số củi cô cho là “đủ” để làm vợ người ta. Ngày xưa, tục lệ còn khắt khe, các cô gái phải tự chịu đựng hiểm nguy, lên rừng kiếm củi một mình, bất cứ ai giúp đỡ mà bị làng phát hiện, sẽ bị phạt vạ rất nặng. Bây giờ, rừng đâu có còn nhiều nên nhiều nơi ở Tây Nguyên đã quyết định cải “lệ”, đó là người con gái có thể mượn bất cứ ai trong làng đi kiếm củi giúp mình, trừ người chồng tương lai.

Tuy nhiên, sự vất vả của các cô gái sẽ được đền đáp. Những đống củi săn chắc, đều đặn đẹp đẽ chính là minh chứng cho tình yêu của người con gái với đối tượng của mình. Đồng thời, qua đó, người làng có thể đánh giá được công dung ngôn hạnh của cô gái ấy như thế nào. Ngoài ra, cô dâu mới nào kiếm được nhiều củi, đẹp, đều đúng như yêu cầu thì sẽ được cha mẹ chồng hết sức tin tưởng và yêu quý.

Quanh tục lệ này, có rất nhiều câu chuyện được thêu dệt nên làm cho nó càng trở nên thần bí, linh thiêng, càng khiến các cô gái không dám lơ là. Dân làng truyền tai nhau rằng nếu củi của người con gái càng nhiều, đẹp, đều… thì đó là đống củi của một người con gái có đôi bàn tay khéo léo, có hình thức đẹp, sống hiếu thảo, cẩn thận và chắc chắn người chồng mà cô ta sắp lấy là một chàng trai khỏe mạnh, đẹp trai; và tình yêu của người con gái với người con trai đã rất sâu nặng. Nếu người con gái nào lấy củi từ cây dẻ bị cụt ngọn thì đó sẽ là điềm xấu cho hôn nhân sau này.

Phong tục “kiếm củi lấy chồng” này là một truyền thống tốt đẹp. Tình yêu trải qua nhiều thử thách thì sẽ vững bền. Song, có một nghịch lý rằng, rừng giờ đã chẳng còn nhiều, các cô gái ngày càng khó khăn  để tìm củi, chắc rồi sẽ đến một ngày, các cô sẽ mất 10 năm, 20 năm để tìm “sính lễ”. Thế còn may, hay sẽ chẳng còn củi để các cô gái lấy chồng! Mà việc rừng càng ít, một phần cũng là do tục lệ này chứ đâu?

Biết là thế, nhưng tục lệ thì vẫn là tục lệ. Đây quả là một vấn đề nan giải đối với một số cư dân còn giữ phong tục lạ này ở Tây Nguyên khi Nhà nước đã giao rừng cho đồng bào quản lý, cấm chặt phá mà chưa ngăn chặn kịp một cách làm hao hụt tài nguyên rừng có vẻ như rất “hợp lý” này.

Du lịch, GO! - Theo Văn Hiến Việt Nam, ảnh internet
Trong một tháng trời lang thang ở xứ Gia Lai, em có cái may mắn được thưởng thức tất cả các loại Rượu ghè ngon nhất, do chính tay các già làng Bana làm và chứa trong những ghè (choé) lâu năm nhất. Nếu dựa vào chất liệu làm ra rượu, ta có thể chia rượu ghè Gia Lai ra 3 loại: rượu làm từ bắp, từ khoai mì (sắn) và từ hạt bo bo… (haggard04)

Rượu ngon Tây Nguyên: Rượu Ghè (tiếng Bana: sơdrô)

Trong một tháng trời lang thang ở xứ Gia Lai, em có cái may mắn được thưởng thức tất cả các loại. Rượu ghè ngon ngất, do chính tay các già làng Bana làm và chứa trong những ghè (choé) lâu năm nhất.

Nếu dựa vào chất liệu làm ra rượu, ta có thể chia rượu ghè Gia Lai ra 3 loại: rượu làm từ bắp, từ khoai mì (sắn) và từ hạt bo bo.

Xét về chất lượng thì rượu làm từ khoai mì là kém nhất: rượu chỉ ngọt nước đầu, đến can thứ 3 (can là đơn vị đo mực rượu uống của ngườu Bana) là nhạt thếch.

Rượu bắp và bo bo được xếp ngang hàng về chất lượng nước cốt (nước cốt nhiều, ngọt thơm nồng, đến can thứ 9, thứ 10 vẫn còn thơm ngọt). Một số người thích uống bobo hơn do khi uống độ rượu mạnh hơn, cảm giác lâng lâng sớm hơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, rượu bắp uống vừa êm, vừa dịu nhưng lại…nhanh gục hơn cả bo bo. Điều đặc biệt là rượu bắp dù uống có nhiều đến mấy thì sau khi ngủ dậy vẫn thấy thư thái nhẹ nhõm như chưa từng say, còn rượu bobo uống thường thấy nặng đầu.

Nước dùng để uống rượu ghè là nước suối múc từ hố nước đào ven suối, hố đào xong để qua một đêm cho lắng rồi múc về chứa torng những trái bầu khô (loại bầu một nậm). Nước suối để trong trái bầu khô có vị ngọt mát rất riêng (cả cái mùi ngai ngái nồng nồng cung rất đặc trưng nữa), khi dùng nước ấy đổ vào ghè rượu, nước trong ngọt hoà với cốt rượu, khoảng 5 phút sau ngấm cốt, tạo ra thứ rượu thơm ngon say đắm. (em có mang một ghè rượu thuộc loại quý về thành phố, nhưng dùng nước suối đống chai đổ vào, cứ thấy không đúng vị).

Rượu ghè có thể nói là rươu nhẹ, nhưng rượu nhẹ uống lắm cũng say. Em vốn chẳng dám say, ấy vậy mà lên Gia Lai cũng không tránh khỏi tai kiếp.

Ngày đội em đặt chân đến bản cũng là ngày trong bản có đám tang, theo đúng tục lệ, để tỏ lòng thương tiếc với dân làng và lòng kính trọng với người chết, người đến làng phải đi một vòng quanh nhà sàn, uống mỗi ghè rượu nửa can. Nghe xong mà em tâm thần chấn động, kinh hãi vô cùng nhưng không thể quay đầu, đành nhắm mắt đưa chân. Vận dụng hết mọi thành công lực, thêm cả mánh mung tiền bối chỉ dạy cuối cùng cũng qua ải.

Than ôi! Khó khăn chồng chất khó khăn, 2 vị “trùm” một già làng, một trưởng bản đang chờ sẵn, cười vang “Giỏi! Giỏi”. Ấy cũng là vì “Giỏi! Giỏi!” ấy mà em phải chịu đạn thêm 2 li rượu gạo. Uống xong đầu óc quay cuồng, tuy nhiên vẫn đủ tỉnh táo để thốt lên “Nham, nham” (ngon, ngon). Rồi sau đó bỏ về đến nhà rông không kịp họp hành dặn dò đội, sáng hôm sau 50 nhân mạng vật vờ, đành mất một buổi sáng cho nghỉ ngơi và chuyển điểm ở cho một nửa quân số.

Từ thủa cha sinh mẹ đẻ, đấy cũng là lần đầu tiên biết thế nào là say rượu, thề một lần cho biết rồi…thôi!

Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt

Haggard04
Du lịch, GO! - Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet
Đến Pleiku vào lúc 6h sáng, một thành phố có phần giống với Đà lạt, cũng những dốc, những thung lũng, những dốc sương mù…
Cũng cái lạnh se se của cao nguyên, cũng cái mùi vị buổi sáng rất đặc trưng mà mình vô cùng yêu thích.
Nhưng, đó chỉ là những cảm nhận ban đầu!

Cả lũ lại lên xe thẳng tiến Thuỷ điện Ialy…Công việc trước tiên là thắp nhang tưởng niệm những người con đã hi sinh khi xây thuỷ điện, vì lũ, vì nước, vì đá, vì rừng thiêng nước độc, vì rắn rết…những cái chết để biến thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ thành công trình có ích, những cái chết vì chạm vào sự linh thiêng của tự nhiên, của núi rừng!

Ngày thứ 3 ở Gia Lai, cả đoàn đã hoàn thành xong mọi công việc, tất nhiên là cả một lũ ham chơi ngập xe thì cái việc đi về là điều không thể!
Buổi sáng, khi mà mình còn đang say sưa ngủ nướng cùng 2 chị em khác thì sếp đã đập cửa thình thình:

-“ Cái lũ lười biếng kia! Bọn mày có dậy không thì bảo anh!”
- …….
- Dậy! Dậy mau lên!
- ……..
- Có dậy không thì bảo !!!
- ….k…h.. ô…ng…!
- Thôi, anh xin bọn mày, dậy đi, dậy đi uống café, đi ăn sáng, đi chơi.
- ..chẹp! chẹp!..
- Dậy đi biển hồ, đi Ialy.

Nghe đến đây, phần vì tội ông sếp quá, phần vì cũng muốn đi chơi cho sớm sủa, đặc biệt là đêm qua về trễ quá nên không kịp ăn uống cho tử tế nên bụng đứa bào cũng đang rền rĩ, ba đứa con gái quyết định dậy!

Sau 30 phút chuẩn bị, khi mà bọn mình lết được ra khỏi phòng thì nhìn cái mặt sếp đã có vẻ dài ra rồi, sếp đang định lên tiếng kêu ca thì mình đã nghiến răng!
- Bọn em là thương sếp lắm nên hôm nay dù biết sếp sẽ lái xe mà bọn em còn đủ dũng khí bước lên xe, sếp đừng có mà cắn nhằn!
Sếp im re, nhe 2 cái răng khểnh Dracula, cười híp cả mắt!

Phải nói là café ở Pleiku ngon thật! Chưa bao giờ được uống café ngon thế. Bụng thầm cảm ơn cái quan hệ rây mơ rễ má của sếp với Bác Thu nên được suất café đặc biệt ở nhà khách của binh đoàn Tây Nguyên! Chỉ khổ thân sếp ngồi vâng vâng dạ dạ, café không được uống, ăn sáng không được ăn, thương qua cơ!Ấy, thương la thương thế, nhưng không thể trì hoãn cai sự sung sướng và háo hức được đi biển hồ lại được, “sếp cố chịu đói nha sếp” – cả lũ con gái thẽ thọt thương cảm!

Biển hồ không giống như một khu du lịch, đẹp nhưng giản dị, yên tĩnh, mình rất thích như vậy. Cả “cao lầu” chỉ có lèo tèo vài bóng khách – những cặp tình nhân tình tứ bên nhau chụp hình. Một cô gái câm bông hoa lên thỏ thẻ với người yêu “ Anh ơi! Em đẹp hơn hay hoa đẹp hơn?” – mình choáng, có cậy miệng bảy ngày mình cũng không thốt nổi một câu như vậy! Tội nghiệp, nhìn chàng trai đần hết cả mặt ra rồi cậy được một nụ cười, tôi nghiệp cái lũ bọn mình nhìn nhau bấm bụng nhịn cười~!

Biển hồ xanh trong, biển hồ rộng lớn, biển hồ hoang dã, ấy, nếu mà so với mắt của con gái Bana thì cũng chẳng sai. Thế nhưng, thật bất ngờ là ngoài cái cách giải thích cho “đôi mặt Pleiku biển hồ đầy” như vậy thì còn một cách giải thích khác. Nhìn từ cao xuống, 1/3 hồ gần đất liền có một dải đất mềm mại uốn cong, dải đất ấy xuyên vào đất liền, xuyên giữa rừng thông bát ngát. Nhìn như một chiếc mũi xinh xinh, hếch hếch đến yêu! Vậy là nhìn từ cao xuống, khái quát cả hồ thì biển hồ trông thật giống với một đôi mắt, một đôi mắt to tròn, biêng biếc mênh mang! Bỗng dưng thấy tiếc tiếc, nếu như biển hồ có cáp treo để bà con mình có thể từ trên cao nhìn hết vẻ đẹp tuyệt vời ấy, nhưng nghĩ lại, âu đó cũng con là cái may cho mình khi được chiêm ngưỡng một biển hồ mộc mạc và hoang sơ đên thế.

Sau khi ngắm cảnh, chụp hình, cả trầm tư và ồn áo, đứng, ngồi ngó nghiêng đủ mọi tư thế và chờ sếp gặm xong ổ bánh mì, cả lũ lại lên xe thẳng tiến Thuỷ điện Ialy.
30 phút sau xe dừng trước cổng Ialy!

Sừng sững và…lừng lững lạnh lùng! Đó là cảm nhận của mình, xem lẫn thất vọng khi nhìn cổng của nhà máy! Mình muốn nhìn thấy gì cơ chứ, ai vào mà không qua…cổng! Chỉ tội cho con bé “mơ mộng ngớ ngẩn” khi cứ nghĩ đến một thác Ialy đẹp như bài hát, hùng vĩ như lời kể của cao nhân.

Công việc trước tiên là thắp nhang tưởng niệm những người con đã hi sinh khi xây thuỷ điện, vì lũ, vì nước, vì đá, vì rừng thiêng nước độc, vì rắn rết…những cái chết để biến thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ thành công trình có ích, những cái chết vì chạm vào sự linh thiêng của tự nhiên, của núi rừng!

Xe chạy men con đường dẫn vào khu thuỷ điện, con đường quanh co uốn lượn giữa hai bên vực sâu thăm thẳm, giữa những khe suối hẹp, thác nhỏ còn sót lại vẫn còn phảng phất đâu đây dấu tích của một Ialy hùng vĩ, vẫn còn đẹp đến mức khiến ta phải trầm trồ.

Xa xa, vẫn còn thấp thoáng những dáng cây kơnia thân trắng muốt, thẳng tắp kiêu hãnh, vẫn còn vang vọng những âm thanh của núi rừng, vẫn còn những bãi đá cuội khổng lồ của hàng ngàn năm thác xối, thiên nhiên vẫn hùng vĩ và hoang sơ đến thế, mặc cho bàn tay cố đục đẽo của con người.

Tất nhiên là những lúc ngắm cảnh, anh chị em trong đoan vẫn cứ nơm nớp nhìn sếp. Sếo nheo nheo mắt, sếp ham vui, sếp cũng say sưa ngắm cảnh. Điều đó thì chẳng có gì đáng nói, điều đáng nói ở đây là sếp ..lái xe, mà con đường đang đi thì không có hàng rào chắn hai bên, mà sếp thì cứ chực lao về phía vực khi mải mê nhìn cảnh mà quên mất nhiệm vụ của mình. Thành ra, ngày hôm ấy không khác gì bọn mình được tham dự một chuyến phiêu lưu cảm giác mạnh, chốc chốc lại hét lên “Sếp ơi, nhìn đường!”

Xe vào đến nhà máy, cả lũ lục tuc kéo nhau xuống, có đứa tim vẫn con đập thình thịch, sếp vẫn vậy, vẫn nhe rằng cười làm dịu những câu rủa xả của chị em.
Rồi một đứa đưa ra cái đề nghị ngu ngốc: ” thi chạy dọc hầm xem ai chạy vào đến nhà máy trước”. “Một lũ trâu bò, ừ, cứ chạy đi, đường hầm thì dài, dốc và ..thiếu oxy, xem các con giời chạy được đến đâu thì lăn ra” – mình thầm rủa trong bụng, mà giờ mình có can thì cũng chẳng được. May cho bọn nó, mấy anh công nhân loáng thoáng nghe được lên tiếng can!

Dường hầm dài nhưng khá thoáng đãng và rất sạch sẽ, đi bộ chậm chậm, vừa đi vừa than, vừa giỡn khảng 15 phút là vào đến trung tâm nhà máy. Mình tự hỏi không biết mình cất công tha cái xác mình vào đây làm cái gì khi mà đi một quãng đường như thế để vào nhìn mấy cái máy, mấy cai quạt gió, lại còn không cho sờ vào hiện vật cho bõ công lặn lội, thôi thì lại chụp hình, lại đú đởn, ngúng nguẩy tạo dáng, và len lén nhân dịp người ta không ở đấy sờ vào cái máy cho bõ tức(chịp!)

Hành trình ra về, cả lũ cố gắng ngắm cảnh lần cuối, nhất quyết bắt sếp ngồi ghế sau nhường chỗ cho bác tài thật sự.

Còn tiếp
Những nẻo đường Tây Nguyên (1): Gia Lai
Những nẻo đường Tây Nguyên (2): Pleiku
Những nẻo đường Tây Nguyên (3): Rượu Ghè Bana
Những nẻo đường Tây Nguyên (4): Núi rừng Tây Nguyên
Những nẻo đường Tây Nguyên (5): Kongcharo
Những nẻo đường Tây Nguyên (6) : Đà Lạt

Haggard04
Du lịch, GO! - Theo Vysa, ảnh bổ xung từ internet
Khác với nhiều ngôi chùa khác, Pôthi Somrôn mang đậm tính cộng đồng. Chính điện và các tháp cốt được xây dựng trong một diện tích khiêm tốn. Không gian lớn còn lại được dành cho sinh hoạt chung, như chuẩn bị cho các lễ hội, các hoạt động về văn nghệ, thể thao giải trí…

< Chính điện khá khiêm tốn trong quần thể chùa Pôthi Somrôn.

Hoà trộn kiến trúc Khmer – Ấn Độ

Nằm ngay cạnh quốc lộ 91, chùa Pôthi Somrôn tại quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đã bước sang tuổi 277.

< Bên trong chánh điện chùa.

Vào thế kỷ thứ 18, chùa Pôthi Somrôn lần đầu được dựng bằng cây lá, đến năm 1856, chùa được xây dựng lại bằng các loại gỗ quý như căm xe, thao lao, cà chít và lợp ngói hình vảy cá – ảnh hưởng hai nền văn hoá Khmer và Ấn Độ. Gần 100 năm sau, ngôi chùa xuống cấp, hoà thượng Thạch Khiêng lúc bấy giờ trụ trì đã sang Phnom Penh mời kiến trúc sư Campuchia vẽ bản thiết kế mới về sửa sang chùa trên cơ sở giữ lại kiến trúc truyền thống. Hoàn tất năm 1952, ngôi chùa được xây dựng bằng gạch đá duy trì đến ngày nay.

Có thể nhận ra, chánh điện là công trình nổi bật trong quần thể kiến trúc chùa Pôthi Somrôn. Chánh điện được xây cao, có hành lang rộng bốn phía, được cho là lối bố trí nhìn ra bốn hướng vũ trụ theo quan niệm của Ấn Ðộ giáo. Cửa chính quay hướng Đông vì người Khmer quan niệm Phật tuy ở Tây phương cực lạc, nhưng luôn hướng về Đông cứu độ chúng sinh.

Mái chánh điện có ba cấp chồng lên nhau, có hình rồng chạy dọc bờ mái, đuôi vươn thẳng lên trời. Bao bọc hành lang là các hàng cột với bốn cột gắn tượng chim thần Krud ngậm ngọc đan xen với các tiên nữ Kennâr. Các hoa văn kỷ hà và lục bình được chạm khắc tỉ mỉ trên tường, bậc thềm, chân cột, rào, khuôn cửa, nóc mái, vách tường tạo nên một Pôthi Somrôn độc đáo đậm bản sắc văn hoá Khmer.

< Tháp thờ xá lợi Phật.

Các chùa Khmer đều có các tháp cốt mà mỗi dòng họ trong cộng đồng xây dựng để lưu trữ tro người thân khi họ qua đời. Tuy nhiên, hiếm chùa nào còn lưu giữ ngôi tháp hơn 200 năm tuổi như Pôthi Somrôn. Tháp ở trước chánh điện, được xây bằng ô dước, đá ong, gạch thẻ từ thế kỷ 18, chứa hài cốt của nhiều phật tử, được gìn giữ qua nhiều đời. Chùa còn lưu giữ nhiều cổ vật như khoảng 100 bộ kinh Satra (sách lá), những cánh én bằng gỗ chạm trổ hình ảnh câu chuyện về Đức Phật Thích Ca từ năm 1856 và gần 20 tượng gỗ cũng từ thế kỷ 19 đến nay. Trải qua 13 đời hoà thượng trụ trì, trong chùa chỉ có di cốt của một, vì số còn lại đã hoàn tục trước khi viên tịch.

Ngôi nhà chung

< Tháp màu đen chứa hài cốt Phật tử được xây dựng cách nay hơn 200 năm bằng ô dước, đá ong, gạch.

Khác với những ngôi chùa theo phái Bắc tông, chùa Nam tông Pôthi Somrôn của người Khmer mang đậm tính cộng đồng, có không gian lớn dành cho sinh hoạt chung. Trai đường là khu nhà mà các tu sĩ trong chùa có thể dùng làm nơi ăn uống nhưng chức năng chính vẫn là để người dân có chỗ tụ tập sinh hoạt, thậm chí ngủ lại nếu ở nơi xa đến. Nhiều lúc, các tu sĩ tụng kinh trong chánh điện, nhưng người dân vẫn nhảy múa hát ca ngoài sân hoặc tại trai đường.

Chùa còn là nơi triển khai nhiều hoạt động xã hội, như vận động xây nhà tình thương cho đồng bào dân tộc Khmer, giúp sưu tầm các hiện vật quý... Không chỉ là thánh đường Phật pháp của đồng bào Khmer tại địa phương, nơi này cũng rất quen thuộc với người dân Tây Đô, khi nhiều sự kiện văn hoá, xã hội diễn ra, góp phần làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Vị hoà thượng tại đây cho biết, trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây từng đùm bọc, che chở nhiều thanh niên trốn quân dịch của chế độ cũ, cho họ tá túc và tu học thời gian dài.

< Cổng chùa mang nét đặc trưng của các ngôi chùa của đồng bào Khmer ở Nam bộ.

Đứng dưới gốc cây “vô ưu”, tương truyền được đem về từ Ấn Độ năm 1969 ở góc sân chùa, tôi cảm nhận một mùi hương thanh nhã nhẹ nhàng. “Phật tử Khmer coi mẹ và cha là quan trọng nhất, theo lời Đức Phật dạy. Vì vậy trong cuộc đời, con cái phải đối xử tốt và trả hiếu đấng sinh thành. Nam giới chúng tôi trước khi bước vào tuổi 21 sẽ dành thời gian vào chùa tu. Đó cũng là một cách báo hiếu cha mẹ của người Khmer”, một vị hoà thượng giải thích. Bước vào tháng 7 âm lịch, chùa đang có nhiều hoạt động cùng các Phật tử nhớ đến nhiệm vụ làm con của mình.

Đắm mình trong không khí trầm mặc khi đến chùa Pôthi Somrôn, khách có thời gian tĩnh lặng, vừa được chiêm ngắm kiến trúc độc đáo và cảm nhận cuộc sống gần gũi giữa nhà chùa với cộng đồng. Và tôi cũng cảm thấy chạnh lòng bởi tất cả các kiến trúc, chỉ còn lại một tháp đựng di cốt được giữ nguyên nét rêu phong của thời gian. Còn lại là màu vàng, màu đỏ… được phủ lên các công trình trong chùa làm bật vẻ sặc sỡ giữa một không gian xanh cạnh vàm Ô Môn, sau khi trùng tu và được chứng nhận là di tích cấp quốc gia.

Du lịch, GO! - Theo Kim Dung (SGTT), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống