Giữa những ngày nóng nực, oi bức, được ngâm mình tắm thỏa thích dưới làn nước trong xanh, mát lành của thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa) thì thật tuyệt vời.
< Các bạn trẻ trượt cùng dòng nước mát lành.
Đây là điểm nhấn đã và đang thu hút rất đông khách du lịch gần xa.
Những người cao tuổi ở xã Trí Nang kể lại: Vào thế kỷ 15, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (địa danh Lam Sơn nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đánh đuổi giặc Minh. Một lần, Lê Lợi và đoàn quân của ông bị giặc Minh bủa vây phải lui binh lên núi Chí Linh (nay thuộc huyện Lang Chánh) để củng cố lực lượng.
< Du khách tắm mát, vui đùa dưới chân thác Ma Hao.
Quân giặc dẫn đàn chó săn hung dữ truy sát ráo riết khắp nơi. Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lúc phải mở đường máu thoát thân. Trong một lần như vậy, Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó chạy từ đỉnh núi Pù Rinh xuống, người và vật đã kiệt sức vì mệt thì gặp một thác cao, nước chảy xiết. Vì quân giặc đuổi sát phía sau nên Lê Lợi và quân lính phải mạo hiểm đầm mình vượt thác qua bờ bên kia.
Còn con chó do sức đã kiệt mà suối lại rộng không thể theo được chỉ đứng ngáp. Khi quân giặc đuổi đến, con chó liền quay lại cắn xé đàn chó của giặc rồi nhảy xuống dòng nước xoáy mà chết, đủ thời gian cho nghĩa quân Lam Sơn trốn kịp. Khi quân giặc rút đi, Lê Lợi sai quân lính tìm xác con chó quý của mình và truyền lệnh chôn cất nó tử tế.
< Rừng luồng xanh tốt của đồng bào địa phương ngay chân thác Ma Hao, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).
Về sau, Lê Lợi đặt tên cho thác nước đó là thác Má Háo (theo tiếng dân tộc Thái là thác chó ngáp). Sau này, người dân địa phương đọc chệch âm thành thác Ma Hao đến ngày nay.
Thác Ma Hao bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) có độ cao hơn 1.000m, đi qua các lũng núi rồi tạo thành dòng chảy không ngừng. Từ trên cao, những dòng nước cuồn cuộn đổ xuống, tung bọt trắng xóa. Muôn vàn hạt nước nhỏ li ti như những hạt sương mai bay lên cao, hòa quyện vào nhau như dải lụa trắng rồi lan tỏa cả một vùng rộng lớn.
< Những phiến đá nhẵn bóng với hình thù rất đẹp dưới chân thác.
Vùng nước dưới chân thác trong suốt như pha lê, nhìn xuyên suốt tận đáy. Du khách có thể nhảy xuống vùng vẫy thỏa thích trong dòng nước mát lành, tinh khiết. Nếu không muốn tắm thì có thể ngồi nghỉ ngơi trên những phiến đá to hàng trăm khối, nhẵn bóng do nước bào mòn, đón làn gió đem theo hơi nước thổi lên từ dòng thác.
Phía xa khu vực chân thác, dòng suối hiền hòa chảy róc rách dưới tán cây rừng. Không khí thoáng đãng, mát mẻ, xen lẫn mùi hương nồng nàn của rừng quế, rừng luồng của người dân bản Năng Cát, xã Trí Nang trồng, tạo nên vẻ thơ mộng và kỳ thú.
Những ngày nắng nóng, đắm mình trong không gian rừng nguyên sinh tràn ngập màu xanh và được các già làng địa phương kể nhiều câu chuyện kỳ bí về địa danh này thì không còn gì bằng.
< Rừng nguyên sinh dưới chân thác.
Hiện huyện Lang Chánh đang xây dựng đề án quy hoạch quần thể du lịch sinh thái thác Ma Hao. Theo đó, tổng diện tích khu du lịch sinh thái rộng hơn 200 ha, gồm khu vực thác Ma Hao và bản Năng Cát; phát triển theo mô hình du lịch cộng đồng. Nguồn nước sạch của thác sẽ được dẫn về cung cấp cho người dân thị trấn Lang Chánh và các xã phụ cận.
Bên cạnh đó, huyện cũng có chính sách khai thác tiềm năng sẵn có từ rừng, tập trung khôi phục và bảo tồn các loại hình văn hóa của người Thái như xây dựng nhà sàn truyền thống, biểu diễn nghệ thuật đánh cồng chiêng; khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm và các hoạt động khác ở bản Năng Cát để phục vụ nhu cầu của du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre
Du lịch Lang Chánh: Tiềm năng bao giờ được đánh thức...?
Với đa số mọi người, nhu cầu được đi và khám phá để làm đầy vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống là luôn thường trực, duy có điều phải tùy vào điều kiện và thời điểm thì cái nhu cầu ấy mới có dịp bộc lộ. Cuộc sống vật chất dần được nâng lên đang tạo ra cái điều kiện ban đầu cần thiết giúp con người thỏa mãn nhu cầu “đi”. Du lịch là một trong những hình thức “đi” được nhiều người lựa chọn.
Huyện miền núi Lang Chánh, chỉ cách đây chừng dăm bảy năm thôi, khi nói đến việc “làm du lịch” không ít người nông dân quanh năm bán mặt trên nương rẫy xem đó là “công việc xa xỉ”! Chẳng ai nghĩ ngọn thác, cái hang quanh chòm bản hay những nếp nhà sàn họ vẫn sống, vẫn lên xuống hằng ngày lại có thể trở thành điểm du lịch để những người mãi tận đâu tìm đến, ngắm nghía, trầm trồ. Bởi vậy mà, không ít vẻ đẹp tự nhiên đã tồn tại một cách tự nhiên và chỉ làm đẹp thiên nhiên mà thôi.
Ngành “công nghiệp không khói” chỉ thực sự được bàn tới một cách lớp lang, bài bản, được nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, triệt để khi Đề án Phát triển du lịch – lễ hội (giai đoạn 2009 - 2015) được huyện Lang Chánh ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khái niệm “làm du lịch” dần trở nên gần gũi hơn với người dân và chính quyền các cơ sở. Để chứng thực điều đó, chúng tôi đã được lãnh đạo phòng văn hóa huyện giới thiệu một loạt những địa danh đầy tiềm năng có thể trở thành điểm dừng lý tưởng trong hành trình du lịch sinh thái miền Tây xứ Thanh...
Là những vị khách xa lạ và tò mò, chúng tôi tìm đến “di sản thiên nhiên” đang nằm trong “quy hoạch” điểm du lịch hàng đầu của huyện: thác Ma Hao (thuộc làng Năng Cát, xã Trí Nang). Cắt dọc vạt rừng xanh ngắt, ngọn thác thoai thoải uốn lượn, mài mòn từng phiến đá chênh vênh. Dòng nước – sợi chỉ bạc óng ánh dưới ánh nắng – hiền hòa chảy như không lưu tâm đến mọi sự biến chuyển dọc đôi bờ đá. Thả hồn cho bản nhạc nước len lỏi, con người bỗng thấy mọi sự ồn ào công nghiệp phút chốc như trở nên vô nghĩa. Ngọn thác này từng gắn mình với câu chuyện lịch sử được người trong vùng truyền tai nhau:
Chuyện xưa kể rằng, khi Lê Lợi cùng một vài người lính và con chó săn của Người từ núi Pù Rinh xuống, giữa đường gặp một cái thác lớn, nước xiết xoáy. Dù đã mệt rã rời nhưng nghe tiếng giặc đuổi phía sau, Lê Lợi và quân lính phải vội vượt suối, còn con chó phần vì kiệt sức, phần vì không thể bơi qua con suối rộng đành đứng lại bờ bên này mà ngáp. Giặc đuổi đến, nó cắn xé lũ giặc một hồi rồi lao xuống dòng nước. Con chó quý chết, Lê Lợi truyền lệnh cho chôn và đặt tên cái thác ấy là thác Ma Hao (thác Chó Ngáp). Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp, lại được con người khoác thêm lớp màn lịch sử, thác Ma Hao đã và đang hứa hẹn là điểm “hút khách” nhất của Lang Chánh nếu công tác quy hoạch, xây dựng các công trình phụ trợ du lịch và nhất là việc bảo tồn làng nguyên sơ (làng Năng Cát) sớm được hiện thực hóa.
Từ “điểm đầu” Ma Hao, người đi có thể ngược đỉnh Pù Rinh xem những dấu tích của khởi nghĩa Lam Sơn còn được mọi người kể lại hoặc được ghi lại trong sử sách. Hay cũng từ Ma Hao xuôi xuống chân núi, vào làng Năng Cát thắp hương tại đền thờ vị vua khởi nghiệp nhà Hậu Lê, rồi qua thăm vườn cam của Người. Từ Trí Nang qua Giao Thiện, Giao An ngắm suối Láu, suối Vớ và nhất là không quên qua Quang Hiến vào thăm Di tích lịch sử văn hóa Chùa Mèo. Cũng đừng quên các xã vùng biên Yên Khương, Yên Thắng nơi có thác Xá, thác Xai Mường, thác Xam Tạng hay hang làng Hằng đẹp có tiếng trong vùng...
Đã bao đời, người Mường, người Thái sống hòa vào thiên nhiên. Thiên nhiên từng là nơi che chở, nuôi dưỡng không ít bản làng trù phú. Trong nhiều bản Mường, bản Thái ngày nay còn giữ vẹn nguyên được những nếp nhà sàn truyền thống dọc các sườn đồi hay ven bờ suối. Làng Năng Cát (Trí Nang), làng Cú (Tam Văn), làng Húng (Giao Thiện), làng Chí Lý, làng Hằng (Yên Khương), làng Vặn (Yên Thắng)... không chỉ bảo tồn được hơn 85% nhà sàn mà còn duy trì được nhiều nghề truyền thống như thêu dệt, đan lát, gìn giữ được những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt đặc trưng và nguyên thủy. Đây là cơ sở cho việc bảo tồn các làng nguyên sơ, là điểm hẹn du lịch cộng đồng và là nơi du khách dừng chân nghỉ ngơi, tìm hiểu đời sống, tập tục của đồng bào sau những ngày đi. Trong những nếp nhà sàn ấy, du khách sẽ được đón tiếp bằng những câu Khặp, câu Xường da diết, đằm thắm; xem các trò Chá Một, Chá Mùn hay xem Poồn Poong, cầu mưa... để rồi cùng với chủ nhà ăn bữa cơm với nhiều đồ ăn, thứ uống rất riêng của họ.
Du lịch sinh thái cộng đồng vừa là thế mạnh, vừa là hướng đi đúng đắn, phù hợp nhất để du lịch đóng góp ngày càng xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang nằm ở giai đoạn đầu, muốn du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Lang Chánh còn “bộn” việc phải làm. Từ việc khảo sát các địa danh tự nhiên, các di tích trên địa bàn để quản lý; khảo sát toàn bộ các làng, bản đủ điều kiện bảo tồn làng nguyên sơ, mở rộng các điểm du lịch cộng đồng; mở rộng quảng bá giá trị, ý nghĩa của các di tích, ngành nghề truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian, khôi phục các lễ hội truyền thống; xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch (địa điểm lưu trú, điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, đường, điện, sóng viễn thông...); sản xuất các sản phẩm du lịch đặc trưng (sản phẩm thổ cẩm, đan lát, đục đẽo...), đến việc kêu gọi đầu tư; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên am hiểu du lịch, các di tích, thắng cảnh trên địa bàn và đặc biệt bản sắc văn hóa Thái, Mường Lang Chánh...
Tất cả, dù đã nằm trong kế hoạch của địa phương, tuy nhiên cần ưu tiên cho những điểm đã ít nhiều để lại ấn tượng cho du khách. Hơn nữa, việc tạo ra nét riêng cho du lịch Lang Chánh là vô cùng cần thiết, có thể là sản phẩm văn hóa nhưng cũng có thể là sản phẩm ẩm thực độc đáo, chẳng hạn như đưa món cá hồi vào thực đơn cho du khách?
Có sẵn nguồn lực cả tự nhiên lẫn văn hóa xã hội, đó là thế mạnh. Nhưng để khai thác hiệu quả nhằm biến thế mạnh ấy thành các giá trị vật chất cụ thể, như: việc làm, phát triển bền vững kinh tế, mở rộng giao lưu, gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa... Lang Chánh cần nhiều điều kiện hơn một đề án. Đó là nhân lực, tài chính và đặc biệt là sự nhận thức rõ ràng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển ngành công nghiệp không khói này đối với tương lai phát triển của địa phương.
Báo Thanh Hóa
0 comments:
Post a Comment