Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Đèo. Show all posts
Showing posts with label Đèo. Show all posts

Tuesday 30 April 2013

Nguy hiểm nhưng đèo Hải Vân vẫn được coi là con đèo nên thơ, hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất Việt Nam. Đèo Hải Vân nằm trên một dải núi cao thuộc dãy Trường Sơn, dải núi này cắt ngang phần lãnh thổ đất nước từ khu vực biên giới phía Tây tới tận sát bờ biển, nên được coi là danh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

Đèo Hải Vân dài hơn 20km, đường qua đèo đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Do địa hình phức tạp, độ dốc tương đối cao, đường quanh co liên tục với nhiều đoạn cua rất nguy hiểm, lại thêm hay sụt lở về mùa mưa, nên trước khi hầm Hải Vân được xây dựng và đi vào hoạt động, đèo Hải Vân là con đèo nguy hiểm bậc nhất Việt Nam, là nỗi lo cho bất kỳ tài xế, hành khách nào khi di chuyển qua khu vực này.

< Một đoạn đèo từ trên cao nhìn xuống.

Nguy hiểm là thế, nhưng đèo Hải Vân đồng thời cũng được coi là con đèo nên thơ, hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất Việt Nam với một bên là biển xanh mênh mông, thăm thẳm, một bên là núi non điệp trùng, cảnh sắc vô cùng ngoạn mục.

< Một cột mốc kilômét ở lưng chừng đèo Hải Vân.

Chẳng thế mà vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông, sau khi vi hành nơi này, đã đặt tên cho đèo là “Đệ nhất hùng quan”. Cái tên này sau đó đã được vua Minh Mạng cho khắc lên cổng đá trên đỉnh đèo.

Kể từ tháng 6/2005, hầm Hải Vân được hoàn thành và đưa vào hoạt động, làm cho giao thông giữa Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng trở nên thuận tiên, an toàn hơn rất nhiều. Bởi vậy, nơi đây được đầu tư phát triển thành cung đường du lịch. Các điểm dừng nghỉ trên đèo đã được xây dựng, tạo điều kiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn khi đi vãn cảnh trên đèo.

< Những tòa nhà cao tầng, những nhà máy vươn mình trên biển.

Xe cộ phương tiện qua lại đèo Hải Vân giờ rất vắng vẻ, chỉ còn xe máy và một số ít loại phương tiện không được phép qua hầm đi lại trên con đường này. Với mặt đường còn khá tốt, đi lại dễ dàng, cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ, lại là một con đèo nổi tiếng với lịch sử hàng trăm năm tuổi, nên đèo Hải Vân hấp dẫn dân du lịch bụi, dân phượt.

< Toàn cảnh Ải Vân quan.

Có chầm chậm phóng xe máy qua đèo một lần, và tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp nơi đây mới thấy cái tên “Đệ nhất hùng quan” quả thật xứng đáng.

< Cổng Ải Vân Quan.

Ở phía Nam của đèo, nhìn từ trên đèo xuống, TP Đà Nẵng hiện ra hiện đại, tráng lệ với những tòa nhà cao tầng, các nhà máy, ống khói vươn cao, nằm nép mình bên bờ biển xanh mềm mại, tỏa sáng như một viên ngọc trên biển đông.

< Mùa mâm xôi dại trên đèo Hải Vân.

Ở phía Bắc đèo, thuộc địa phận Thừa Thiên Huế, đầm Lập An và làng chài Lăng Cô lại tạo nên một khung cảnh bình yên khác hẳn. Những ngôi nhà khang trang ngói mới soi mình xuống biển xanh thăm thẳm, những cồn cát trắng tinh khôi trải dài tít tắp, phía xa là dãy núi điệp trùng với mây trắng bao phủ, vút cao ở lưng chừng trời là cầu lên hầm Hải Vân chạy thẳng vào lòng núi. Tất cả tạo thành một bức tranh nên thơ khiến du khách chỉ có thể đứng lặm ngắm nhìn…

< Bãi biển Lăng Cô đẹp như tranh vẽ.

Chạy dọc đường đèo, biển xanh sẽ luôn hiện diện trong tầm nhìn của du khách, khi thì trải rộng ra đến muôn trùng, khi lại ở rất gần, rì rào và xanh thẳm...

< Làng chài Lăng Cô, cầu lên hầm Hải Vân nhìn từ chân đèo.

Ở những đoạn thích hợp, du khách có thể đứng ở trên đèo và nhìn xuống đoạn đường ngoằn nghoèo, gấp khúc mình vừa đi qua ở phía dưới, trông vô cùng ngoạn mục.

< Du khách vui vẻ “tạo dáng” bên cột mốc chân đèo.

Án ngữ trên đỉnh đèo là Hải Vân quan mà vua Minh Mạng đã cho xây dựng. Trên có cổng đá với dòng chữ “Đệ nhất hùng quan” Ngài đã cho khắc năm xưa. Hải vân quan đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là một điểm đến hấp dẫn du khách. Từ  Hải Vân quan, có thể nhìn ngắm toàn bộ khung cảnh trên đèo.

Phiêu trên đỉnh đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân - "Đệ nhất hùng quan"
Hải Vân Quan trong sa mù...

Du lịch, GO! - Theo Dreamcatcher (Du lịch Huế)

Sunday 17 March 2013

Đèo Bông Lau là một con đèo hiểm trở thuộc vòng cung Đông Bắc, nằm trên quốc lộ 4A đoạn giữa huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng).

< Đèo Bông Lau với rất nhiều khúc cua tay áo, dốc cao.

Đây là một đoạn đèo ngắn (chỉ hơn 6km nếu tính từ Vực Lũng Phầy) nhưng quanh co xuyên giữa núi rừng với một bên là núi cao rừng rậm, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm. Trong chiến tranh, đây là địa hình rất thuận lợi cho quân ta đánh phục kích nhưng ngày nay lại là nơi dễ xẩy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, phần lớn do tài xế xe tải chủ quan trong lúc cho xe đổ đèo.

< Bia kỷ niệm Chiến Thắng trên đèo Bông Lau.

Đèo Bông Lau với nhiều khúc cua ngoặc tay áo rất gấp vòng quanh những triền núi dốc dựng. Ở khu vực đèo: cỏ lau bạt ngàn trải dài theo triền dốc, lau ngạo nghễ trên các vách đá cao, lau giăng giăng hai bên đường như những hàng quân, lau phất phơ mầu xám bạc đặc trưng của mình trên nền trời xanh thẫm của núi rừng phóng khoáng.

Tại đây (đoạn Bông Lau – Lũng Phầy), trong chiến tranh Đông Dương vào cuối năm 1949, đã diễn ra nhiều trận đánh lịch sử giữa trung đoàn 174 (tức trung đoàn Cao Bắc Lạng, Quân đội Nhân dân Việt Nam) với quân Pháp - mở đầu đợt 2 chiến dịch Cao – Băc – Lạng (từ ngày 15-3 đến ngày 30-4-1949) nhằm tiêu diệt sinh lực, phá việc vận chuyển tiếp tế của địch từ Lạng Sơn lên Cao Bằng.

Các sáng tác nghệ thuật về con đèo này có thể kề như bài hát 'Đèo Bông Lau' được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác vào năm 1948, bức tranh sơn dầu 'Đèo Bông Lau' do họa sĩ Phan Kế An vẽ năm 2004.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bây giờ con đèo Bông Lau vẫn bình yên uốn lượn như một thân tàu chở cả rừng lau vào núi xa thăm thẳm...

Du lịch, GO! Tổng hợp

Saturday 23 February 2013

“Cái mỏm này gọi là Mã Pí Lèng nhưng dân Mông chúng tôi từ xưa tới nay vẫn gọi là Máo Pì Lèng”, cụ Vương lý giải tên gọi một địa danh nổi tiếng ở đất Hà Giang.

Xong việc ở Trạm Biên phòng, chúng tôi về nghỉ ở dinh thự của vua Mèo xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn, Hà Giang) và ăn Tết với con cháu cụ Vương. Sớm 27 tháng Chạp thiếu, tôi lên đường về Hà Nội. Trời ướt sũng sương. Con đường đá không tên gồ gề toàn ổ trâu, ổ voi chen đá hộc trơn nhẫy từ Sà Phìn đi Đồng Văn. Già nửa buổi sáng chúng tôi mới tới Mã Pí Lèng trên đất Mèo Vạc. Bất chợt trời hứng chí hửng lên le lói nắng. Đây là một cơ hội hiếm có vào mùa này.

Cụ Vương bảo tài Dự dừng xe ''cho tụi nó xem sông Nho Quế''. Tôi và Lê Vui - chuyên viên Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc nhảy khỏi xe, lom khom ra mép vực nhòm xuống sông. Một vệt ngoằn nghèo phản chiếu từ mặt nước hơi ánh lên như dải lụa xanh lơ ai đó vô tình đánh rơi giữa hai vách núi thăm thẳm vẫn còn đang mờ sương.

Khi đã yên vị trên xe, cụ Vương bảo: ''Cái mỏm này gọi là Mã Pí Lèng nhưng dân Mông chúng tôi từ xưa tới nay vẫn gọi là Máo Pì Lèng''. Tôi và Lê Vui lại ngớ ra. Vậy ra hàng trăm bài báo, bài viết về địa danh nổi tiếng này lẽ nào sai? Tôi rón rén hỏi cụ: ''Vậy Mã Pí Lèng có nghĩa gì thưa cụ?''. Cụ thủng thẳng mà rằng: Theo tiếng Mông nó là sống mũi con ngựa. Nhưng không phải Pí mà là Pì. Song như vậy vẫn sai. Tên của nó chính xác là Máo Pì Lèng-tức sống mũi con mèo.

Máo Pì Lèng nằm ở gần trung độ của con đường có tên là Hạnh Phúc từ Đồng Văn đi Mèo Vạc dài 26 km. Từ đây xuống Mèo Vạc còn hơn 12km một chút. Con đường khởi công vào ngày 10/9/1959, mất gần 6 năm mới hoàn thành (15/6/1965). Gần 2 triệu lượt thanh niên trai tráng của 16 dân tộc anh em từ Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Hải Hưng, Nam Định... với gần 3 triệu ngày công đục khoét, phá gần 3 triệu mét khối đá hoàn toàn bằng sức người và đôi tay rớm máu.

Điểm Máo Pì Lèng cao như ngửi thấy trời dựng đứng, thòi ra một dọc đá như sống mũi con mèo đang nhòm xuống sông Nho Quế ngửi rình cá. Để chinh phục đỉnh cao này, những người dũng cảm nhất đã được lựa chọn vào đội dũng cơ. Dây buộc ngang lưng treo mình trên vách đá dựng đứng trong cái nóng như đổ lửa từ hẻm núi phun ra. Cả một khối núi sừng sững, đặc cứng mất bao công sức mới khoét được một lỗ mìn. Vậy mà cho mìn nổ cũng chỉ văng ra được một mảnh đá chưa bằng chiếc chảo gang của người Mông. Riêng điểm đột phá khẩu Máo Pì Lèng đã mất 11 tháng và hàng chục người đã thiệt mạng. Để rồi có một ngày hai cánh quân ở hai đầu con đường ôm nhau trong nước mắt...

Đợt đi chơi chợ tình Khau Vai (27/3/2012), mấy anh chị em dừng chân nghỉ ở quán nước đỉnh Máo Pì Lèng. Tôi tranh thủ chuyện với già Mông gần 70 tuổi ra chơi với con là chủ quán nước này. Tôi rụt rè hỏi: ''Cháu có nghe người thì gọi nơi này là Mã Pí Lèng, người thì bảo là Máo Pì Lèng. Ai là người gọi đúng thưa cụ?''.

''Tao chẳng biết ai đúng, ai sai. Chỉ biết từ thời các cụ của họ tao đến nay dân ở đây vẫn gọi là Máo Pì Lèng'', cụ đáp. Vậy là có thêm một nhân chứng cho tôi thêm sự tin cậy vào câu chuyện của cụ Vương.

Tôi có 15 năm công tác, làm việc với cụ Vương, học được nhiều ở cụ nhiều điều, mở rộng được nhiều kiến thức hiểu biết ngoài sách, vở.
Có lần cụ bảo: ''Ở cái cơ quan này nói chuyện với mày tao thấy được. Mày chịu nghe, chịu nhớ, chịu ghi chép. Tao gần hết vốn với mày rồi đấy. Đến mức mày biết cả mẹo vào nhà người Mông khi họ treo cành lá cấm trước cửa. Ai vào sẽ chém chết. Mày thành chuyên gia Mông rồi đấy!''

Thú thực, trong những năm công tác cùng cụ, tôi có viết kha khá các bài báo về người Mông, về văn hoá, phong tục tập quán, về thiết chế xã hội dòng họ (gọi là Xênh) khép kín, về đời sống, về xoá đói giảm nghèo, và tôi còn làm cả sách, làm phim về vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mỗi lần có nhuận bút, tôi lại mua tút thuốc lá và hộp bánh ngon biếu cụ. Mới đấy mà cụ đã thành người thiên cổ được gần 4 năm. Viết loạt bài này thâm tâm tôi như một sự trả ơn cụ. Mong cụ thanh thản dưới suối vàng và yên tâm rằng những điều cụ ''lăn tăn'' sẽ có ngày được mọi người biết tới...

Du lịch, GO! - Theo Đinh Đức Cần (Dantri), internet

Sunday 17 February 2013

Huế luôn có những nét mới đối với những du khách thích đi du lịch “bụi”. Hãy thử trải nghiệm mảnh đất cố đô theo cách của riêng mình với những điểm đến có thể bạn chưa ghé qua.

Những điểm dừng chân từ đèo Hải Vân

Từ Đà Nẵng ra Huế, ngoài cách đi xe khách qua hầm đường bộ, du khách còn có thể dùng xe máy để thưởng ngoạn cảnh trời đất giao hòa, “non xanh nước biếc như tranh họa đồ” của đèo Hải Vân. Thêm vào đó khi đi đèo, du khách cũng sẽ có dịp ngắm Hải Vân Quan - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” - nằm vị trí án ngữ trên đỉnh đèo do triều Nguyễn xây dựng để phòng thủ khu vực phía nam Kinh đô Huế.

Sau khi đã vi vu xong 21 cây số đường đèo Hải Vân, du khách có thể tự mình lái xe dạo chơi những địa điểm vẫn còn nét hoang sơ trước. Đó là Vườn Quốc gia Bạch Mã và khu đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Những cánh rừng nguyên sinh trải dài bất tận từ huyện Phú Lộc đến huyện Nam Đông hay khung cảnh biển trời bao la của vùng đầm phá nước lợ rộng hàng nghìn ha chắn chắn sẽ khiến cho du khách có một cảm giác khoan khoái, dễ chịu.

Thăm thú nhà vườn, nhà rường cổ

Đến với cố đô Huế, bên cạnh đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, du khách có thể thăm thú những nhà vườn, nhà rường cổ.

Ở Huế hiện vẫn còn hàng ngàn nhà vườn, nhà rường cổ ở hai khu phố cổ Gia Hội và Bao Vinh, miệt Kim Long, Nguyệt Biều, Bến Ngự, Vĩ Dạ hay bên trong Thành Nội. Những ngôi nhà vườn, nhà rường cổ ở Huế không chỉ có giá trị về mặt di sản kiến trúc mà còn thể hiện một cách sống động và chân thực nhất về đời sống của người Huế xưa.

Nhà văn xứ Huế Nguyễn Khắc Phê cũng đã từng thừa nhận rằng: “Đến Huế mà chưa thảnh thơi dạo bước vào chơi dăm ba ngôi nhà vườn đẹp nhất, hay chưa ghé thăm một vài vương phủ ở chốn cựu kinh, thì coi như... chưa đến”.

Chiêm nghiệm kiến trúc người Hoa ở đường Chi Lăng

Bên cạnh những ngôi nhà vườn, nhà rường cổ, du khách cũng có thể ngắm những kiến trúc của người Hoa trên con đường Chi Lăng (thuộc khu phố cổ Gia Hội). Những kiến trúc này, mặc dù chưa nằm trong danh sách các tour du lịch nhưng lại đẹp không thua kém những hội quán người Hoa ở phố cổ Hội An (Quảng Nam).

Từ đền Chiêu Ứng, Chùa Bà, Chùa Quảng Đông đến Hội quán Triều Châu, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Quảng Triệu đều được cộng đồng người Hoa ở Huế xây dựng rất công phu, uy nghi và tráng lệ.

Thăm thú làng quê ở vùng phụ cận

Sau khi dạo chơi một vòng thành phố di sản, du khách có thể làm mới cảm xúc của mình bằng cách tìm về vùng phụ cận Kinh đô với những đồng lúa xanh trải dài xa tít tắp và những xóm làng ẩn khuất sau những lũy tre vẫn còn lưu giữ chất chân quê như hàng trăm năm trước.

Đến với làng quê Huế, du khách hãy dạo quanh cây đa, giếng nước, đình làng và quan sát những trẻ em vùng quê xứ Huế vẫn đầu trần chân đất chơi những trò dân gian Việt Nam ngộ nghĩnh.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Văn Toàn (iHay)

Sunday 30 September 2012

Đối với người từng một lần qua miền Tây Bắc thì những con đèo luôn để lại ấn tượng cực kỳ sâu đậm. Đơn giản vì chặng đường hàng nghìn cây số từ Hoà Bình vòng về Yên Bái đi đến đâu cũng chỉ thấy đèo và đèo. Trong số vài chục con đèo lớn bé, nổi lên có Pha Đin, Xá Tổng, Ô Quy Hồ là đáng kể hơn cả.
Pha Đin: Nơi tiếp giáp giữa đất và trời

Người Thái gọi Pha Đin là Phạ Đin. Phạ nghĩa là trời còn Đin là đất. Phạ Đin nguyên nghĩa là nơi tiếp giáp giữa trời đất. Chuyến Tây Bắc đầu tiên, khi đặt chân tới đây tôi đã mê mẩn trước cảnh sắc cực kỳ quyến rũ ở nơi có độ cao tới hơn 1.000m này (chỗ cao nhất là hơn 1.600m).

Pha Đin đẹp nhưng cực kỳ hiểm trở. Con đèo dài 32km khi lên dốc, lúc xuống dựng đứng, đường ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, toàn cua tay áo. Đây là thử thách lớn nhất đối với cánh lái xe tải trong lộ trình Hà Nội - Điện Biên.

Lần trước qua đây, tôi đã thấy một chiếc xe tai nạn, bẹp dúm dó toàn bộ phần đầu xe. Thì y như rằng, lần này đi tới sườn Tuần Giáo, tôi lại thêm một lần nữa chứng kiến tới 2 tai nạn ôtô. Một chiếc xe du lịch 12 chỗ màu xanh lao xuống vực ở khu vực đỉnh đèo, chiếc còn lại là ô tô tải bị lật ngang. Lái xe tải tên Vịnh may mắn thoát hiểm chỉ bị xước xát nhẹ, mặt xanh như đít nhái. Vịnh nói, vẫn chưa hết run: “Những tay lái tài ba nhất khi qua đây cũng đều phải xốc lại tinh thần và cực kỳ thận trọng. Xe chỉ dám đi thật chậm. Bò lên đèo đã khổ, nhưng đến lúc đổ đèo (xuống) thì còn “nhục” hơn nhiều. Chỉ cần chút sơ sẩy là lật xe ngay”.

Lần này khi tôi đi qua Pha Đin, bên sườn Thuận Châu người ta đang mở đường rộng hơn. Mở xong bên này, sẽ làm nốt bên Tuần Giáo. Chỉ một thời gian ngắn nữa thì con đèo trứ danh - từng là nỗi khiếp sợ của không biết bao nhiêu lãng khách - sẽ bớt nguy hiểm đi rất nhiều. Đường được mở to hơn và những con dốc được đánh xuống thấp hơn, ăn cả vào lòng núi.

Đêm ngủ lại ở đỉnh đèo, một người bạn cũ - giờ là công an - sau khi say rượu bắt đầu ngồi khật khưỡng kể về truyền thuyết con đèo. Câu chuyện này tôi đã nghe anh kể không dưới 10 lần, toàn trong lúc say, nhưng lần nào cũng thấy có điều gì thật huyền bí. Rằng ngày xưa có một cuộc đua ngựa vô tiền khoáng hậu giữa hai tỉnh Sơn La và Lai Châu (cũ). Ngựa Lai Châu phi nhanh hơn, nên phần đèo thuộc về Lai Châu (nay thuộc đất Điện Biên) dài hơn phần đèo của Sơn La...

Đèo Xá Tổng: Điểm tận cùng của cung đường hoang

Đoạn đường từ Tuần Giáo lên Lai Châu phải đi qua con đèo hiểm trở nhất mà tôi từng biết, là đèo Xá Tổng. Con đèo dài 25km và mặt đường thì xấu tới mức không thể tưởng tượng. Nhiều đoạn không cọc tiêu, không gương cầu, nhìn xuống chân chỉ thấy những đoạn đường ngoằn ngoèo vòng vo như rắn lượn. Chỉ cần một chút lơ đễnh là lao xuống vực như chơi.

Chiếc xe Minks gầm lên từng hồi một cách mỏi mệt, đa phần chỉ có thể lết được bằng số 1. Người ta nói, đoạn đường này đã bị bỏ hoang từ lâu, hầu như không có ô tô đi qua đây vì đường quá nguy hiểm.

Càng đi, đường càng trở nên hoang vắng. Thảng hoặc ven đường mới có một bóng nhà nhỏ. Người bạn đồng hành ngồi sau liên tục xoay xở đủ tư thế ngồi. Chiếc xe chồm lên từng chặp, mệt bã người. Đi hết con đèo này sẽ tới thị trấn Mường Lay, nơi chẳng còn bao lâu nữa sẽ chìm trong bể nước.

Đỉnh đèo có vẻ là nơi sinh động nhất trong suốt quãng đường dài gần 30km. Có vài hàng quán lụp xụp tiêu điều. Những người đi xe máy khi tới đây thường dừng lại nghỉ, họ xem xét lại hệ thống phanh để xuống dốc.

Tôi mất gần 2 tiếng đồng hồ để có thể vượt qua đoạn đường dài chỉ 25km. Suốt đoạn đường, tôi nhìn dán mắt vào lòng đường mà chẳng dám ngó xuống dưới chân. Con đèo gần như hoang phế ấy chắc chắn sẽ còn là nỗi kinh hoàng cho nhiều người yếu bóng vía khi bất đắc dĩ phải đi qua.

Đèo Ô Quy Hồ: Kỷ lục về độ dài

Nhiều người vẫn quen gọi đây là đèo Hoàng Liên. Đỉnh đèo là nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Có lẽ đây là con đèo dài nhất dải Tây Bắc, tới hơn 40km. Đường sá khá tốt và núi non thật hùng vĩ. Những tấm biển “Chú ý tai nạn” được cắm dọc đường rất nhiều, luôn đập vào mắt người đi đường như những lời căn dặn.

Cung đường này ôtô qua lại nườm nượp, nhất là cánh xe khách. Để đi từ Hà Nội lên Lai Châu, nhiều người thường chọn cách đi tàu lên Lào Cai và tiếp tục cuộc hành trình Lào Cai - Lai Châu bằng đường này.

Tôi từng nghe những truyền thuyết ở đèo Ô Quy Hồ, thường là các câu chuyện truyền miệng nghe có phần hoang đường nhưng cũng đủ làm người yếu bóng vía rợn tóc gáy. Nhân vật đáng sợ luôn là các thần hổ - những con hổ già đời tinh quái, thường rình rập ở đâu đó trên đèo để bắt người. Nhắc tới Ô Quy Hồ, nhiều người không khỏi rờn rợn liên tưởng tới tập truyện “Ai hát giữa rừng khuya” của nhà văn tiền chiến TCHYA.

Con đèo chạy men sườn dãy Hoàng Liên, nơi được coi là mái nhà nước Việt. Đường dài hun hút, lẩn khuất trong những vách núi, thoắt ẩn thoắt hiện. Và điều làm tôi kinh ngạc hơn cả là sự khác biệt về thời tiết. Bên sườn Lai Châu, thời tiết không đến nỗi lạnh nhưng từ đỉnh đèo đổ dốc xuống sườn Lào Cai thì nhiệt độ hạ xuống ghê gớm, có lẽ chỉ vài độ. Từ đỉnh đèo chạy về Sa Pa (dài 12km), tôi đi trong cái rét tê tái, mặt gần như không còn cảm giác và tay chân buốt như có kim đâm.

Đèo Tây Bắc luôn là đề tài thú vị nhất trong những câu chuyện của những người từng qua mảnh đất này! Qua thời gian, những con đèo được mở rộng ra, bớt cao và bớt nguy hiểm, thì cái thú vị khi vượt đèo cũng nhạt dần. Lần sau nếu có dịp đi qua Pha Đin, tôi chắc chắn đó sẽ là con đường rất rộng. Chỉ mong sao sẽ không phải thấy hình ảnh những chiếc xe tải bị lật. Những hình ảnh ấy ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

Hết
Tây Bắc mùa dã quỳ nở (Kỳ 1)
Sông Đà - người bạn tri âm (Kỳ 2)
Ấn tượng những con đèo (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo Dantri, internet

Thursday 26 July 2012

Mã Pì Lèng, dịch ra nghĩa đen là sống mũi ngựa. Dịch ý, thì đây là con đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải bạt vía lạc hơi. 

< Đường lên cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc.

Những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước, ta đã làm con đường mang tên Hạnh Phúc nối Hà Giang với 2 huyện vùng cao là Mèo Vạc và Đồng Văn - 2 huyện cheo leo nơi cực Bắc tổ quốc.

Để làm con đường này, đã có hàng chục ngàn nhân công từ các tỉnh khắp miền Bắc. Riêng đoạn Mã Pì Lèng, do quá hiểm trở, nên khi đục từng cm đá để đặt nửa bàn chân vào tìm chỗ đứng, mỗi ngày có vài chục dân công được làm lễ truy điệu sống rồi treo mình trên dây thừng dòng từ cây cổ thụ xuống.

< Những "quả" núi đá mang hình thù kỳ dị và giá trị trưng bày địa chất lộ thiên hiếm có ở châu Á.

Con đường hình thành vòng vèo quanh lưng núi, nơi có vực đá bên sông Nho Quế là hẻm vực sâu và hùng vĩ nhất Đông Nam Á.

< Đường Hạnh Phúc cheo leo trên vách đá và sườn núi dốc đứng.

< Cung đường đỉnh đèo Mã Pì Lèng.

< Vực sông Nho Quế là hẻm vực sâu nhất khu vực Đông Nam Á. Muốn đi trekking từ đường đèo đến mặt nước, phải mất nửa ngày...

Hẻm vực sông Nho Quế sâu khoảng 800m, đứt gãy địa chất này được hình thành vào kỷ Kainozoi, cách đây khoảng 32 triệu năm đến 15 triệu năm theo cơ chế trượt bằng trái. Cách đây khoảng 5 triệu năm, đứt gãy hoạt động theo cơ chế trượt bằng phải, tạo nên hẻm vực hiện nay.

< Núi đá hùng vĩ ở Mã Pì Lèng trong công viên địa chất là nguồn cảm hứng lớn lao, nguồn tài nguyên vô tận cho những người hứng thú tham quan, nghiên cứu khoa học.

< Nét huyền bí, nguyên sơ trên ngọn núi cao nguyên đá…

< Nơi đây nhiều năm trước từng khô khát triền miên, nay đã xuất hiện những hồ treo do Thủ tướng Chính phủ tặng đồng bào. Nguồn nước quý giá này được bảo vệ cẩn thận để người dân sử dụng làm nước ăn hàng ngày.

< Thiếu nữ Mông trắng sải bước trên con đường Hạnh Phúc qua Mã Pì Lèng. Con đường được dựng xây bằng máu và mồ hôi của hàng vạn nhân công những năm kháng chiến - kiến quốc.

< Bản làng người Mông vững chãi sinh tồn trên cao nguyên đá, nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc.

Hiện nay, Mã Pì Lèng là một điểm đến không thể thiếu khi tham quan công viên địa chất Đồng Văn (thuộc tỉnh Hà Giang, được công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào ngày 3/10/2010). Trên địa bàn, dân cư chủ yếu là người Mông trắng với bản sắc văn hóa độc đáo, hầu như nguyên sơ.

Xin giới thiệu cảnh quan Mã Pì Lèng qua một góc nhìn...

Du lịch, GO! - Theo báo Hà Giang

Thông tin về đèo Mã Pí Lèng rất nhiều trong Dulichgo, bạn hãy dùng phần search tra cứu thêm.

Sunday 8 July 2012

Trên đỉnh Hải Vân. Có một khúc miền Trung đã ghi dấu, in hình vào ký ức ai đó bằng những buổi chiều được tô màu xanh ngọc và cam tối.
Là chiều Sáo Cát nơi thôn Đồng Dương với bản nhạc của mưa, là hoàng hôn tím ngắt trên vịnh Lăng Cô...

Chiếc xe dần bỏ lại sau lưng phố Hội lắc rắc mưa bay, một Sơn Trà ươm mình trong màu nắng, một khúc Hải Vân chìm ngập trong mây mù. Dưới chân bờ bắc con đèo là vịnh Lăng Cô huyền thoại.
Ở đó có làng chài Lộc Hải, nhỏ bé và lặng lẽ trong bức tranh “biển trong núi”, ngôi làng tôi đã bao lần ước được đặt chân đến sau lời kể của bạn năm nào.

< Chiều Sáo Cát.

Bên này vịnh là con đường đi quanh đầm Lập An, dài khoảng vài ba kilômet. Mưa vẫn lắc rắc rơi khiến “một vòng xe quanh đầm” trở nên hối hả. Đầm còn có tên khác là An Cư ở phía bắc dãy Bạch Mã, khá kín và kéo dài nằm gần như theo hướng Bắc - Nam. Màn mưa mỏng liêu trai buông hờ hững lên những chòi canh và lồng nuôi thủy sản lác đác khắp trên mặt đầm. Cảm giác như đang lạc vào một không gian mênh mang, hư ảo nào đó.

Hình như chỉ có duy nhất chúng tôi đang lặng lẽ đi men theo con đường sũng nước quanh đầm. Con sóng bồng bềnh len lỏi qua những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng như ma trận, khiến bức tranh Lập An trở nên mê hoặc. Dưới chân núi ngựa trắng, những mái nhà thấp thoáng biết đâu sẽ là Hói Mít, Hói Dừa?

Rời đường lộ để vào làng chài Lộc Hải, chiếc xe chạy ngoằn ngoèo trên con đường đầy cát sỏi và vỏ ốc. Hỏi khá nhiều lần mới tìm đến được nhà thờ Sáo Cát. Nhà thờ nhìn ra biển, yên tĩnh và thanh bình.

Bỏ xe lại trên con đường cát phủ đầy dây muống biển, hai đứa leo vào con thuyền đang nằm say ngủ sau một ngày dài ra biển. Bọn trẻ con Lộc Hải tò mò nhìn mấy người khách lạ một chút rồi lại tiếp tục nhào lộn, đuổi bắt, nghịch sóng. Một ngư dân vừa xếp xong lưới đi về phía chúng tôi, xin lửa châm thuốc và bắt chuyện rất tự nhiên. Ly rượu cay trên chiếc thuyền cạn uống vào như xua tan giá lạnh của cơn mưa chiều đang bắt đầu rơi.

Trước cửa nhà thờ Sáo Cát có một dãy hàng quán đơn sơ của dân thôn Đồng Dương, chủ yếu bán đồ nhậu cho người làng. Những người phụ nữ thường dọn hàng từ lúc 2-3g chiều, chuẩn bị lò nướng cá trích, mực tươi, rau ghém, bánh đa. Vài món ăn dân dã cùng chai rượu là có thể lai rai cả chiều.

Tôi trở lại Sáo Cát vào chiều hôm sau khi cơn mưa lớn đang kéo về ngoài biển. Ngồi trong lều ngắm những giọt mưa lách tách chảy trên mấy cây cột chống, mùi than củi, cá nướng ấm sực, ngào ngạt. Chúng tôi đã ngồi như thế, rất lâu, từ khi biển mịt mùng trong màn mưa trắng đục tới lúc nắng lên, những con thuyền máy lại theo chân ngư dân ra biển.

Chiều Sáo Cát trở nên bận rộn bởi tiếng cười của trẻ con, tiếng chuyện trò rầm rì của thanh niên làng, tiếng máy thuyền nổ lẫn vào tiếng sóng biển.

Chúng tôi lên đèo Hải Vân, trong một cuộc chạy trốn cơn mưa lớn đuổi theo từ Bạch Mã. Lạ kỳ thay, lên đến đỉnh đèo thì trời quang mây tạnh. Thiên hạ đệ nhất hùng quan, bên này mặt trời đang xuống núi, bên kia thành phố đã lên đèn. Mấy chiếc lô cốt cũ kỹ, trầm mặc trong chiều muộn. Có nhiều người dừng chân nơi đây, nhưng hình như ai cũng vội vàng.

Một con đường dẫn lên núi, hơi bị đám cây bụi mọc ngổn ngang che lấp, có lẽ vì ít có người đi qua. Con đường dài khoảng 2km, chạy vòng và lên cao dần, dẫn lên cột vi ba đứng ngạo nghễ trên đỉnh núi. Càng lên cao, càng bị choáng ngợp. Một vọng cảnh đài tuyệt hảo cho Hải Vân quan.

Trên đỉnh Hải Vân. Một bên là Đà Nẵng trong màu xanh huyền hoặc. Con đường xuống đèo uốn lượn như một dải lụa trắng trong chiều muộn mắc vào lưng núi xanh rì. Những bãi cát trắng phau lãng mạn và tình tứ nằm ôm chân núi. Đây sông Hàn, kia cầu Thuận Phước vắt mình ngang biển, những con đường, tòa nhà lung linh trong ánh đèn.

Trên đỉnh Hải Vân. Một bên là hoàng hôn đang buông mình trên dải núi sẫm màu chiều. Có phải đầm Lập An đang ánh lên những vạt nắng cuối cùng? Ở đâu, dưới những chân núi xa xăm mờ kia, là bãi biển thôn Đồng Dương của những buổi chiều mưa giăng lất phất. Chiều bình yên quá, liệu đến bao giờ tôi mới quên được Lăng Cô?

Du lịch, GO! - Theo Yến Thanh (TTO) và nhiều nguồn ảnh khác

Saturday 30 June 2012

p ủ một chuyến vượt đèo Ô Quy Hồ, nhưng lần đầu tiên qua đây trong một sáng mù sương, tôi vượt qua đèo rồi mà không hay biết. Giờ thì đã qua Ô Quy Hồ bao lần chẳng nhớ, nhưng vẫn không thôi trầm trồ trước con đèo hùng vĩ treo mình giữa điệp trùng núi non miền Tây Bắc và lại ấp ủ một chuyến vượt đèo trong đêm.

Tôi biết đến cái tên Ô Quy Hồ từ khi còn bé tí, qua tấm ảnh tuyệt đẹp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh và bài báo kể về chuyến săn mây trên đỉnh Ô Quy Hồ của ông. Lâu dần, bài báo và tấm ảnh mờ dần trong ký ức của tôi, chỉ còn cái tên là lạ và đầy vẻ bí hiểm Ô Quy Hồ đọng lại.

Đến khi ti toe bước chân vào đường “phượt”, tôi ấp ủ một chuyến vượt Ô Quy Hồ. Lần đầu tiên qua con đèo huyền thoại này, chúng tôi đi từ Sa Pa (Lào Cai) sang bên Lai Châu trong một sáng mù mịt sương.


Những tay “phượt” amateur còn non kinh nghiệm cắm mặt xuống đường, gồng tay lái nhích từng mét theo vệt bánh xe tải chỉ rộng chừng hai gang tay giữa con đường dốc ngược quanh co vừa bị sạt lở, bùn đất trơn nhẫy. Cứ nem nép đi như thế, chỉ mong sao con đường hiểm trở ngắn lại, chỉ mong sao mình không “đo đường”, chả ai có gan ngắm nghía núi non, mây trời.

Đến khi sương mù tan dần, trời quang đãng hơn, những bánh xe bon bon đổ dốc, thì đã thấy mình ở lưng chừng chân dốc tự khi nào. Thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt qua quãng đường hiểm trở an toàn, cả nhóm tạt vào vệ đường, cạnh hai chàng trai trẻ người Mông cũng đang dừng chân nghỉ.

Nhìn những nụ cười méo mó trên khuôn mặt vẫn còn tái xanh vì sợ của chúng tôi, một chàng trai vừa cười, vừa nói: “Ô Quy Hồ mà. Bị sạt đường, lại có sương mù nữa, qua đèo sợ nhỉ”. Ô Quy Hồ hằng ấp ủ của tôi đấy, không một bức ảnh, không hề hay biết.

Lần thứ hai qua Ô Quy Hồ, tôi đi theo hướng ngược lại, vào một ngày nắng đẹp. Hơn 50km đường đèo dài nhất Việt Nam uốn lượn giữa trập trùng núi, vi vu gió và óng ánh nắng vàng, vắt qua 2 tỉnh Lào Cai và Lai Châu, trong đó 2/3 thuộc địa phận huyện Tam Đường (Lai Châu), 1/3 thuộc địa phận Sa Pa (Lào Cai). Cái nắng đầu hè ở phía tây dãy Hoàng Liên Sơn khá oi ả cũng chẳng ngăn được những tay lái giờ đã dạn dày kinh nghiệm hơn vi vút như bay cùng gió trên con đèo dốc dần lên ngang lưng trời.

Lên đến đỉnh đèo, cũng là ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, chúng tôi quay đầu nhìn lại, ngất ngây với con đường ngoằn ngoèo như một dải lụa mềm ôm ngang lưng núi mình vừa đi qua. Một biển mây bồng bềnh trắng xóa từ từ dâng lên ngập tràn thung lũng, vấn vít quanh những ngọn núi xanh mờ tận cuối chân trời. Cả người và xe chìm trong biển mây, bồng bềnh, lãng đãng. Lúc ấy, bất giác muốn được nghe một giọng chim cất lên ba tiếng “ô quy hồ” khắc khoải, da diết, gắn với câu chuyện tình không thành năm xưa, giờ đã thành cái tên Ô Quy Hồ huyền thoại cho con đèo này, bên cạnh cái tên dân gian là đèo Mây, hay đèo Hoàng Liên, đèo Sa Pa...

Lần thứ ba, thứ tư, tôi chẳng còn nhớ mình đi theo hướng nào, chỉ biết mỗi lần qua không thể không dừng lại giữa đỉnh đèo cheo leo ở độ cao gần 2.000m, bồng bềnh với mây ngày hè nắng vàng, mờ ảo với sương ngày xuân ấm áp, ngập trong tuyết phủ trắng xóa ngày đông giá buốt. Lần nào cũng vẫn ngất ngây, xuýt xoa như lần đầu tiên thấy người bạn đồng hành đi xa dần, nhỏ dần trên con đèo vắt ngang sườn núi chênh vênh giữa lưng trời.

Lần nào qua đây cũng háo hức với những cuộc đuổi bắt thú vị. Bởi Ô Quy Hồ vắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, vì thế mà con đèo chia hai nửa rõ rệt về khí hậu, bên nóng bên lạnh, bên mưa bên nắng. Ngày đẹp trời là cuộc đuổi bắt những làn gió mát mẻ, trong lành phía Lào Cai, bỏ lại cái nóng oi ả của Lai Châu sau lưng. Ngày xấu trời là cuộc chạy trốn cơn mưa dông sầm sập bên Lào Cai, cuống quýt vượt đỉnh đèo sang Lai Châu, sung sướng đứng trong ánh nắng vàng nhìn lại cơn mưa không đuổi kịp bánh xe mình.

Nhưng hành trình Ô Quy Hồ của tôi vẫn còn thiếu một chuyến vượt đèo trong đêm, để được nghe tiếng thở của đại ngàn giữa đêm đen, nghe tiếng chân thú mơ hồ giữa rừng hoang lạnh, để thấy những ánh đèn lập lòe suốt con đường đèo dài dằng dặc. Chắc hẳn sẽ rùng rợn và kỳ thú lắm. Vì thế, tôi vẫn ấp ủ và nhất định sẽ có một ngày tôi vượt Ô Quy Hồ trong đêm.

Du lịch, GO! - Theo Ngân Hà (Laodong), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống