Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Làng nghề. Show all posts
Showing posts with label Làng nghề. Show all posts

Monday, 29 April 2013

Nói đến nghề dệt Nam Định, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng tơ Cổ Chất (xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), bởi đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam.

< Cổ Chất là một ngôi làng cổ của đất thành Nam.

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kĩ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kỳ trước năm 1945.

< Làng Cổ Chất nằm ven dòng sông Ninh, bao đời nay nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về kinh thành Thăng Long. Năm ấy, Ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ.

Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng.

Ngày nay, người già trong làng thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương. Lớp trẻ thì mạnh dạn đầu tư máy móc, xây nhà xưởng để nâng cao năng suất lao động. Nghề làm tơ tằm phát triển đã thu hút một lượng lớn lao động của làng và các vùng lân cận với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Và mỗi hộ cũng có thể kiếm được khoảng hơn 20 triệu/tháng.

< Nghệ nhân Nguyễn Thị Nghi mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn ngày ngày cần mẫn se tơ.

Nói về kỹ thuật làm tơ tằm truyền thống, chị Phạm Thị Nhạn, chủ một xưởng sản xuất tơ ở làng Cổ Chất cho biết, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ khoảng hơn 30 ngày. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được. Hiện nay, lượng kén tằm ở Cổ Chất không đủ để sản xuất nên chị phải mua thêm từ các tỉnh khác như Thái Bình, Hà Nam, Lâm Đồng… để ươm tơ.

Tơ Cổ Chất hiện có giá khoảng 850.000 đồng/kg, một phần được xuất bán cho các xưởng dệt trong tỉnh và các tỉnh lân cận, còn lại được xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Campuchia.

< Tơ Cổ Chất dù làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng.

Trải qua bao phen thăng trầm của thời cuộc, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng mà còn là tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống quý báu của địa phương đã không bị mai một.

Du lịch, GO! - Theo Thục Hiền - Trịnh Văn Bộ (Báo Ảnh Việt Nam)
Ngồi hóng mát trên mặt sông với sóng nước dập dềnh, được thưởng thức những món ăn hải sản tươi sống hay hòa mình thành những ngư dân bắt cá ở cửa sông Rạng…

Đó là những điều kỳ thú khi du khách đến với làng bè Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vượt chặng đường hơn 10km từ quốc lộ 51 vào xã đảo An Sơn, một làng bè nhỏ bồng bềnh trên sóng nước đã dần hiện rõ. Cái nóng oi bức sau một chặng đường dài ngay lập tức được thay thế bằng một bầu không khí trong lành, mát rượi.

Khoảng hơn 10 phút lênh đênh trên tàu, du khách nhanh chóng được cập bến làng bè. Từ đây, phóng tầm nhìn trên con sông Rạng rộng lớn, thật hấp dẫn trước những bè thủy sản dập dìu, nối dài.

Khu nhà hàng trên làng bè Long Sơn cũng thật ấn tượng với những lòng cá, tôm, cua… quẩy đuôi tung nước ngay sát chỗ ngồi của du khách. Càng hấp dẫn hơn bởi sau khi gọi món ăn, du khách là người trực tiếp chọn bắt hải sản rồi đưa trực tiếp vào nhà hàng cho đầu bếp chế biến theo sở thích.

Ở đây, có đủ món ăn dân dã hoặc đặc sản Nam Bộ như hàu sống ăn mù tạt, hàu né, cá nâu nướng muối ớt, ghẹ nướng, cua rang me, cua Long Sơn, lẩu canh chua cá dứa, cá tráp hấp hành… Các thôn nữ đậm chất vùng biển dưới làn da rám nắng, thướt tha trong tà áo bà ba phục vụ chu đáo càng làm cho du khách ngon miệng, cảm thấy gần gũi và thân thiện.

Ở đây, không chỉ được thưởng thức các món ăn ngon, ngồi dập dềnh trên mặt sông lộng gió, du khách còn được hóa thân thành những ngư dân bắt cá ở cửa sông Rạng, đó mới chính là cái thú. Việc bắt cá ở cửa sông này không quá khó, chỉ cần thả xuống nước những chiếc lồng sắt, làm chà dụ cá vào ở và chờ đến lúc nước cạn là dùng ròng rọc quay lồng trở lên bắt cá.

Cá nâu, cá ngát, cá chẻm, cá dứa, cá lù đù… thường tụ tập cạnh các nhà bè nuôi cá để ăn những thức ăn thừa, do đó đoạn cửa sông này còn là nơi lý tưởng cho dân ghiền câu cá từ các tỉnh, thành về đây vào các ngày cuối tuần.

Nếu thích, du khách còn được nhà hàng đưa đi thưởng ngoạn trên sông, được tận mắt chứng kiến, học tập cách nuôi cá, hàu, tôm, cua từ kinh nghiệm thực tế của những ngư dân lão luyện.

Hiện làng bè Long Sơn với diện tích trên 1.000m² là một điểm du lịch hấp dẫn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng tháng, thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, thư giãn.

Du lịch, GO! - Theo Trung tâm thông tin du lịch, ảnh internet

Saturday, 20 April 2013

Ít ai biết rằng người Mông ở Sa Pa, Lào Cai lại có một nghề rất độc đáo là đi săn cá trên dòng suối Mường Hoa vào dịp cuối năm và nắng mới đầu xuân. Những cuộc đi săn cá vào dịp này vừa mang ý nghĩa biểu tượng vừa để kiếm miếng ăn.

Vào khoảng 9 h sáng, khi cái nắng đầu xuân ở Sa Pa trải vàng từng bừng, trời xanh bát ngát, từng đám mây vội vã trôi trên nền trời bởi những ngọn gió vi vu thôi. Dòng Mường Hoa mùa cạn nước những vẫn lấp lánh vươn mình giữa thung lũng. Đi theo đám trẻ người Hmông ở thôn Lý Lao Chải, xã Lao Chải. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy các em nói là đi săn cá với “bộ đồ nghề” chẳng giống ngư dân chút nào.

Mỗi em vác một chiếc xà beng dài khoảng 60cm, một cái đó tre và một cái ống đựng cá làm từ chai nước suối Lavie. Các em đã bật cười khi tôi hỏi, đi đánh cá sao không mang lưới mà lại mang xà beng? Lý A Giơ cho biết, đánh cá ở đây phải có xà beng mới bắt được cá! Chú muốn xem thì đi xuống suối theo chúng cháu.

Những cảnh đánh bắt “độc nhất vô nhị”

Lục tục cả gần chục đứa trẻ độ tuổi từ 10 – 13 tuổi, kéo nhau xuống suối, chúng đi dàn thành hàng ngang trên mặt suối, khua nước đuổi cá.


< Vào ngày cuối năm hoặc đầu năm, nghề săn cá ở Mường Hoa rất tưng bừng.

Thấy động cá chui vào các khe đá, lũ trẻ bắt đầu dùng xà beng bẩy đá và đặt đó chặn xung quanh, cứ 2 -3 đứa quây một tảng đá rồi cùng xục xà beng ra sức bẩy.

Cá bị dồn mạnh lên chạy lao toán loạn ra, có lẽ cá suối thường tìm hang tìm lỗ để ẩn lấp nên chúng cứ nhằm vào miệng đó mà bơi thẳng vào đó. Không đầy 3 phút lũ trẻ quây xong một tảng đá và tóm gọn được 2 chú cá bống.

< Từng nhóm dàn hàng ngang truy tìm cá dọc suối.

Nhóm săn cá lục tục xử lý hết hòn đá này đến hòn đá khác và tiến ngược theo dòng chảy của suối. Với những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt như múa trong dòng suối, các tay thợ săn nhìn thấy con cá nào thì con đó rất khó có thể chạy thoát thân.

Ngược lên theo dòng suối, qua cầu Lao Chải khoảng 500 m, chúng tôi bắt gặp một đoàn khoảng hơn chục người Hmông, độ tuổi từ 13 -20 cũng đang say sưa đánh bắt. Vì khu vực này nước sâu hơn, nên bộ đồ nghề của nhóm này ngoài xà beng và đó tre, họ có thêm cả chài và vợt xúc. Những tấm thân phơi trần trong nắng đang thi nhau mải miết quăng chài và xúc, gặp chỗ nước nông họ lại thục xà beng mà bẩy đá chặn đó.

< Ở những điểm nước sâu thì ngoài xà beng còn cần thêm vợt.

Đi theo đoàn săn cá không đầy 2 tiếng, tôi thấy ai cũng có đến vài lạng chiến lợi phẩm đep lủng lẳng bên hông, nào là cá bống, cá áp đá và cả cá Anh Vũ tiến vua ở vùng Hồ Tây, Hà Nội nữa.

Những tay săn cá ở vùng sơn cước này có kinh nghiệm và con mắt hết sức tinh tường, họ chỉ cần nhìn mầu nước, mầu trời là biết chỗ nào có cá và loại cá gì mà không phải lội xống. Hạng A Di, nói cho chúng tôi biết mầu nước xanh, có tăm sủi lên là dưới đó sẽ có cá chép, cá bống ăn sát đáy suối. Mầu nước trong đáy có rêu thì những khe đá đó có cá áp đá, cá anh vũ. Hôm nào trời nắng sẽ có các loại cá ăn tầng giữa, trời mà âm u lâu ngày, đến hôm nắng cá sẽ bơi ra từ hang đá, khe đá nhiều hơn, đây là cơ hội đi sắn rất tốt.

< Đôi khi chỉ cần thanh trúc, chiếc đèn pin là có thể đâm được cá.

Nói xong, Di và Lý A Sáu chăm chú nhìn vào một khe đá đang có tăm nước sủi lên, và vệt cát mới đùn ra. Ngay lập tức 2 cu cậu nhẩy xuống thục xà beng bẩy đá và chặn đó, trong nháy mắt đã tóm gọn 2 chú cá bống béo lẳn.

Đánh bắt theo “quy ước” của làng

Tôi đem thắc mắc về cái sự đánh bắt độc đáo của những tay săn cá về hỏi ông Lý A Châu, thôn Lý Lao Chải.

Ông Châu cho biết, đi săn cá cũng phải tuân thủ những quy định của làng. Trước kia người dân có cả cách săn cá bằng lá độc (là loại lá cơi, khi thả nước lá cơi xuống suối, tất cả các loại cá đều dính độc nằm ngửa bụng lên), sau này có người kinh mang bình điện đi đánh cá, khiến cho cá chết sạch cả lớn lẫn bé.

< Dòng suối Mường Hoa.

Sau này Nhà nước cấm đánh bắt như thế. Người dân cũng thấy đánh bắt như thế là hết cá, nên khi họp thôn, dân bản đã ra quy định đánh bắt cá phải bảo vệ được nguồn cá nếu không sau này sẽ không còn cá suối mà bắt. Do vậy, người dân chỉ đánh bắt cá bằng những cách mà anh đã nhìn thấy thôi.

Quả đúng như lời ông Châu nói, tôi thấy các tay săn cá kia đã thả những con cá quá bé ra nếu như chúng có rơi vào tay họ. Đây quả thực là những hành vi đánh bắt rất đáng trân trọng. Họ rất có ý thức trong việc đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bên dòng Mường Hoa lấp lánh kia.

Ông Châu cho biết thêm, về mùa nước lũ, người dân không đi bắt cá, nên lúc đó cá có thời gian đẻ và lớn rất nhanh. Đến mùa nước cạn họ mới đi bắt cá, đặc biệt vào những ngày nắng ấm, cả dòng suối Mường Hoa như một ngày hội của những tay săn cá.

Chiến lợi phẩm trở thành đặc sản cho du khách

Sau khi đánh bắt xong, những tay “thợ săn” lên khỏi suối Mường Hoa đã có khách đến hỏi mua ngay. Cá suối luôn là món đặc sản của phố núi nên rất đắt hàng, giá của nó cũng cao chẳng kém khoảng 100 - 300 nghìn đồng/kg, tuỳ vào từng loại cá to nhỏ khác nhau. Theo anh Ngọc, chủ nhà hàng Liên Ngọc ở Lao Chải, cá này mang về nhà hàng trên Sa Pa, giá thấp nhất cũng vào 300 nghìn đồng/kg, còn cá to có thể lên tới 500 nghìn đồng/kg.

Dòng Mường Hoa lộng lẫy từ ngàn đời, vẫn đem đến cho cư dân bản địa những nguồn lợi phục vụ kế mưu sinh một cách hữu ích. Chỉ tiếc rằng Mường Hoa đang bị cắt sẻo bởi những con người vô lương tâm, để xây dựng nhà hàng, quán xá, công trình thuỷ điện, khai thác cát sỏi… chỉ vì cái tư lợi trong những năm gần đây.

Chia tay những tay thợ săn cá, tôi rất vui vì cái sự may mắn được chứng kiến những cảnh săn cá độc đáo của họ. Cũng thật đáng trân trọng ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của những cư dân bản địa này. Nếu đem so sánh với cánh đánh bắt ở dưới xuôi thì lại thấy chạnh lòng cho cái ý thức của người đánh bắt vùng xuôi…

Du lịch, GO! - Theo Sở VH-TT-DL Lào Cai, VTC News

Wednesday, 17 April 2013

Trong lòng Tp. Hồ Chí Minh sôi động, mặc cho bao thế sự thăng trầm, suốt gần 200 năm nay, ở quận Gò Vấp vẫn tồn tại một làng nghề đúc lư đồng nổi tiếng.

< Nghề đúc lư đồng truyền thống của An Hội đã có gần 200 năm nay.

Làng nghề ấy xưa có tên là An Hội, nay là đường Phan Huy Ích ở phường 12, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Trải qua thời gian, nhiều làng đúc đồng nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh như Chợ Quán, Phú Lâm đã bị mai một và chỉ còn trong ký ức, duy nơi này vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến tận bây giờ. Hiện ở đây có khoảng 10 cơ sở chuyên đúc lư đồng theo phương pháp thủ công để cung cấp chủ yếu cho thị trường miền Nam.

< Ngày nay, sản phẩm vẫn được làm theo lối thủ công truyền thống.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất lư đồng của ông Hai Thắng (Trần Văn Thắng). Gia đình ông làm nghề đúc lư đồng theo lối cha truyền con nối tính cho tới nay cũng đã 4 đời. Ông hào hứng kể: “Xưa kia, vào giai đoạn thịnh vượng, lư đồng làng An Hội được đưa đi bán khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh và sang tận Cao Miên, Lào, Miến Điện…

< Khuôn đúc được làm bằng đất sét trộn với tro và trấu.

Nay tuy nghề không còn thịnh như xưa nhưng tôi vẫn sẽ cố không để nó bị mai một”. Nói đoạn, ông quay sang phía người con trai đang cắm cúi làm và bảo: “Truyền nhân đời thứ 5 nhà tôi đấy. Nó sẽ tiếp tục thay tôi giữ gìn nghề lư đồng này!”.

< Kỹ thuật nặn khuôn đúc khá công phu và tỉ mỉ.

Tết vừa rồi, cơ sở của ông Hai Thắng xuất đi hơn 2000 bộ lư đồng. Tùy từng loại lớn hay nhỏ mà có giá từ 4 triệu đến 20 triệu một bộ. Lư đồng An Hội nổi tiếng khắp vùng vì sản phẩm ở đây rất bền, đẹp và độ bóng bắt mắt.

< Tạo dáng khuôn đúc lư đồng.

Mỗi chiếc lư đồng đều toát lên sự uy nghiêm, trầm mặc qua những họa tiết hoa văn được chạm khắc tinh xảo. Tất cả đều được làm thủ công qua bàn tay khéo léo của những người thợ. Để có một bộ lư bền, màu đồng bóng, đẹp, mỗi lò đúc có những kinh nghiệm khác nhau và người làm nghề đúc đồng cũng phải có bí quyết riêng.

< Tạo đường nét hoa văn trên khuôn đúc.

Nghề làm lư đồng cũng lắm công phu và nhiều công đoạn phức tạp. Do đó người nghệ nhân gần như phải đảm nhiệm hầu hết các công đoạn, từ pha chế nguyên liệu, làm khuôn, đúc, gia công, cho đến kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng hoặc cẩn tam khí. Về cơ bản phải qua 4 công đoạn là làm đất, đổ khuôn, đúc và làm nguội.

< Công đoạn làm nguội, tức làm sạch những chi tiết thừa sau khi đúc.

Cũng theo nghệ nhân Hai Thắng, cách để phân biệt giữa lư đồng làng An Hội và lư đồng sản xuất đại trà theo hình thức công nghiệp cũng không khó lắm.

< Hàn trám những chỗ bị rỗ trên mặt sản phẩm.

< Chỉnh sửa các hoa văn hoạ tiết của sản phẩm.

Lư sản xuất công nghiệp thường có màu vàng xanh, sau vài năm thì xỉn màu; còn lư làng An Hội ửng màu vàng sậm, càng lau chùi thì càng bóng và giữ được màu.

< Ông Hai Thắng với bộ lư đồng truyền thống được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

Đặc biệt, lư đồng An Hội có hình dáng trang nghiêm, cổ kính, đường nét tinh xảo, càng nhìn lâu càng có hồn. Vì thế nó rất được người miền Nam ưa chuộng, chọn mua để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên và những nơi thờ phụng trang nghiêm.

< Nhờ có chất đồng tốt nên lư đồng An Hội chỉ cần rửa qua bằng nước lạnh là đã sáng bóng như mới.

Lư đồng An Hội hiện có 2 loại: loại lư Bắc thường có hình dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam có dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 đến 5-6 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/bộ, tùy theo lượng đồng, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết (rồng phụng, trúc mai, chim hạc, song long hoặc phúc lộc thọ...).

< Lư đồng An Hội có màu vàng sậm đặc trưng.

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh và những gia đình làm nghề đang thực hiện nhiều giải pháp như hỗ trợ vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm… nhằm bảo tồn và phát triển hơn nữa làng nghề cổ xưa này.

< Bộ chén đồng đi kèm với đường nét hoa văn cổ kính và tinh xảo.

Một sản phẩm phải trải qua ba công đoạn chính là làm khuôn, đúc, làm nguội: Người thợ dùng đất sét và sáp tạo khuôn, sau đó nung khuôn, đồng thời nấu chảy đồng rồi rót vào khuôn, cuối cùng là đục chạm hoa văn và đánh bóng sản phẩm. Nếu tính riêng để một bộ sản phẩm hoàn tất thì mất trên 15 ngày công.

Trong cuộc sống hiện đại, nhộn nhịp hôm nay, việc tồn tại những lò đúc đồng thủ công ngay giữa Sài Gòn âu cũng là một điều thú vị.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Oanh - Đặng Kim Phương (Báo Ảnh VN), Minh An (SGGP).
Văn Chấn là một huyện miền núi, với điều kiện địa hình đối núi dốc mạnh, lượng mưa lớn tập trung. Do đó, sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trồng các loại cây hoa màu như cây ngô.

< Những đồi ngô lai CPA88 ngả vàng báo hiệu mùa thu hoạch sắp đến ở Văn Chấn – Yên Bái.

Nhưng dưới sự hỗ trợ về giống của chính quyền và sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của người dân nơi đây, những giống ngô lai đã dần vươn mình cắm rễ trên đất Văn Chấn góp phần thay đổi bộ mặt đời sống người dân trong vùng.

< Những bắp ngô lai LVN99 vàng óng với các dãy hạt tròn đều, căng mọng.

Đến Văn Chấn vào thời điểm tháng 5, tháng 6 trong năm, dọc theo con đường quốc lộ từ thành phố Yên Bái đến hết vùng đất Suối Giàng (nơi có những cây chè San tuyết nổi tiếng), thay vì màu xanh của cây, của lá ngô thì đâu đâu cũng bạt ngàn màu vàng của những bắp ngô lai đang vào độ thu hoạch.

< Người Mông thu hoạch ngô trên nương.

Văn Chấn là huyện có diện tích trồng ngô lớn nhất nhì tỉnh Yên Bái với hơn 5000ha đất trồng ngô và chủ yếu tập trung ở các xã: Sơn Thịnh, Cát Thịnh, Suối Giàng, Gia Hội, Sơn Lương, Nậm Mười…

Chúng tôi được anh Hanh, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn đưa đi thăm những vùng trồng ngô tập trung ở các xã trong huyện.

< Nụ cười được mùa ngô của người Mông ở Văn Chấn – Yên Bái.

Đây đang là mùa thu hoạch ngô nên đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những hộ gia đình người Tày, người Thái với những đống ngô vàng óng bên căn lều được dựng tạm ngay ở thửa ruộng nhà mình. Những đống ngô này để vận chuyển được về nhà là cả một “hành trình”, bởi ruộng ngô nào cũng nằm chót vót trên những quả đồi, sườn núi cao.

< Con trẻ sung sướng khi nhìn những bắp ngô vàng óng chất đầy sân nhà mình.

Thế nhưng hình ảnh những người dân đi bẻ ngô vui như đi trẩy hội khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Tay bẻ, tay tước vỏ mà miệng thì vẫn nói cười, chuyện trò rôm rả. Tôi cảm nhận được niềm vui của một mùa màng bội thu, niềm vui của những người nông dân Văn Chấn yêu lao động sản xuất.

Có gia đình cả dòng họ cùng đi bẻ hộ như gia đình anh Trang A Lử, nhưng lại có gia đình chỉ có hai vợ chồng và một cậu con trai vẫn còn đang lò dò tập bò cũng được bố mẹ cho đi nương như gia đình anh Sổng A Hồng (người Mông, xã Suối Giàng).

< Cả nhà vui mùng khi ngô được mùa.

Sổng A Hồng cho biết: “Năm nay nhà em trồng giống ngô LVN919. Em thấy bắp to, hạt đều kín hết đầu và năng suất hơn giống C99 năm ngoái”. Gia đình A Hồng có gần 5000m2 đất đồi trồng ngô. Và trước khi bắt đầu gieo hạt cho vụ mới, A Hồng cũng như những hộ gia đình khác trong bản đều xuống huyện mua giống của những đại lí bán giống theo cơ cấu giống của huyện. “Bọn em được các đại lí tư vấn là vụ này huyện có giống gì mới, tốt đã được thử nghiệm để lựa chọn có mua và trồng thử trong vụ mới này hay không. Thấy đồn giống nào tốt hơn là em mua về trồng thử”, A Hồng chia sẻ.

< Được mùa ngô, mẹ và con sẽ được no ấm hơn.

Sau đó, anh Hanh dẫn tiếp chúng tôi qua thăm các thửa ruộng trồng thử nghiệm hai giống ngô lai PAC293 và PAC296. Đây là 2 giống ngô lai mới nhất của Công ty Attanta Thái Lan đang được thử nghiệm trên đất đồi Văn Chấn trong vụ xuân hè năm nay. Hai giống ngô này cũng đang vào độ thu hoạch và chuẩn bị được nghiệm thu để xem xét có đủ tiêu chuẩn đưa vào cơ cấu giống của huyện hay không. Do đặc điểm về địa hình đồi núi dốc mạnh nên đặc thù riêng của trồng cây hoa màu trên đất Văn Chấn là để cây cho năng suất cao thì phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: thời tiết và giống.

< Giống ngô mới làm cho cuộc sống đồng bào vùng cao Văn Chấn khấm khá hơn.

“Bởi vậy, năm nào huyện cũng liên kết và phối hợp với các công ty giống ngô lai cho trồng thử nghiệm ở một vài thửa ruộng trong huyện. Khi nghiệm thu nếu cây đạt đủ tiêu chuẩn, chịu hạn, chống đổ và cho năng suất cao thì sẽ được cho vào cơ cấu giống của huyện”, anh Hanh cho biết.

Với lý do đó, trong những năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu giống, lựa chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ chăn nuôi luôn được lãnh đạo huyện Văn Chấn rất chú trọng. Với địa hình thổ nhưỡng đặc thù, Văn Chấn đã xác định giống là yếu tố hàng đầu mà địa phương cần chú trọng để giúp bà con nông dân trong huyện đạt năng suất cao hơn trong trồng trọt hoa màu. Và hầu hết các giống ngô lai nổi tiếng trong nước và nước ngoài như LVN99, C919… đều có mặt trên đất đồi Văn Chấn. Gần đây nhất là hai giống ngô lai NK6654, NK4300 được trạm khuyến nông huyện Văn Chấn phối hợp với công ty TNHH Sygenta Việt Nam và công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang cho trồng khảo nghiệm ở một số xã trong huyện và cho đến nay đều đạt từ năng suất từ 6 - 6,5 tấn/ha. Đây là năm thứ tư giống ngô NK “cắm rễ” trên đất Văn Chấn và liên tiếp được mùa nên nó cũng đang ngày một khẳng định ưu thế vượt trội trên vùng đất đồi này.

< Ngô được cho vào máy để tách hạt.

Giống ngô NK4300 chịu hạn tốt, cây khỏe, bắp to màu hạt đẹp, năng suất cao; Giống ngô NK6654 trồng được 3 vụ/năm, có ưu điểm chịu hạn, chịu úng tốt năng suất trung bình 8 tấn/ha, năng suất tiềm năng có thể đạt tới 12-14 tấn/ha. Đây là hai giống ngô thuộc nhóm trung ngày, có thời gian sinh trưởng từ 105 – 110 ngày. Năng suất thực tế ở mô hình trình diễn tại xã Sơn Lương đạt 9 tấn/ha. Đây cũng là hai giống ngô có lượng tiêu thụ lớn nhất trong toàn tỉnh Yên Bái. Tính 6 tháng đầu năm 2012, lượng tiêu thụ của nó đã vào khoảng 60 tấn.

< Ngô lai sau khi tách hạt.

Ngoài ra, một số giống ngô khác trong huyện cũng cho năng suất cao như CPA88, CP333... Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình thử nghiệm giống ngô lai trên đất dốc, CP A88, CP 333 có ưu điểm vượt trội hơn các giống ngô khác đang được triển khai tại địa phương như: phát triển mạnh, tỉ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh trưởng ngắn; trỗ cờ phun râu tập trung, lá ngô đứng, ngọn, thân cây to, dẻo; bộ rễ chân kiềng phát triển mạnh, khả năng chống hạn và chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh khá; độ đồng đều cao, hạt mẩy, hạt có mầu vàng cam dạng đá, lõi ngô nhỏ, vỏ bi kín nên hạn chế được sâu bệnh hại.

< Mua bán ngô ở vùng cao Văn Chấn.

Với việc xác định rõ đặc thù của địa phương, chính quyền nơi đây đã có những hướng đi mạnh dạn sáng tạo, luôn tìm tòi đổi mới trong việc lựa chọn, cung ứng những giống ngô lai tốt nhất cho người nông dân. Và với một vùng đất đồi dốc, xác định cây ngô là một trong những cây hoa màu chủ lực của địa phương thì đây đúng là một sự hỗ trợ cần thiết để người nông dân Văn Chấn vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống kinh tế gia đình ngày một bền vững.

Du lịch, GO! - Theo Thảo Vy - Trịnh Văn Bộ (Vietnam.vnanet)
Làng Then, thuộc xã Thái Đào – Lạng Giang - Bắc Giang, ngôi làng duy nhất tại Việt Nam có truyền thống chơi vĩ cầm suốt gần 60 năm nay. Đây là ngôi làng đã sinh ra những người làm văn hóa – nghệ thuật, âm nhạc như: Trần Vinh, Bùi Đắc Sừ, Quốc Minh, Hà Huy Bái, Lê Văn Khách, Nguyễn Văn Đưa, là những nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, nhạc công đã nổi danh trên làng văn hóa nghệ thuật.

Cách Hà Nội khoảng 70 km theo đường quốc lộ 1A, làng Then đơn sơ và bình dị, chắc không ai ngờ được đây là ngôi “làng vĩ cầm” độc nhất vô nhị tại Việt Nam, trải qua bao nhiêu thế hệ, đào tạo biết bao nghệ nhân vĩ cầm, nét chất phát của thôn quê và dòng máu nghệ thuật như hòa quyện vào nhau, tạo ra một nét đẹp rất riêng của vùng đất văn hóa này.

Đường làng quanh co và yên tĩnh, chúng tôi hỏi thăm về nhà một nghệ nhân chơi vĩ cầm lâu năm, người ta cười nói: “Làng này chơi vĩ cầm thì nhiều lắm”, rồi nhanh tay chỉ hướng đi. Ông Nguyễn Hữu Hùng, một trong những thế hệ vĩ cầm của làng, ông được làm quen với chiếc đàn từ khi còn trẻ, đến nay đã mấy chục năm, "tôi chơi đàn từ năm 13 tuổi, đến nay cũng vài chục năm rồi, trước trẻ thì ham, giờ có tuổi, cũng nhiều việc phải làm, thỉnh thoảng có thời gian mới tập hợp anh em ngồi chơi violon" -ông chia sẻ.

Rời khỏi nhà ông Hùng, với những câu chuyện về chiến tích của Làng Then về văn hóa nghệ thuật từ thời kháng chiến, ông Hùng nói: "Muốn tìm hiểu thật kĩ về truyền thống chơi vĩ cầm, cô sang gặp ông Nguyễn Hữu Đưa, ông ấy là người thầy đầu tiên dạy chúng tôi, ông học đàn từ những năm 1956, có công đào tạo biết bao thế hệ học trò vĩ cầm của ngôi làng này"

Nhà ông Đưa nằm sâu trong đồi, khi bước tới cổng, tôi bắt gặp một nụ cười rạng rỡ của một cụ bà: "các cháu tìm ai", một cụ ông đang gánh nước vào sân giếng. Biết chúng tôi tìm ông Đưa, bà mời vào nhà uống nước, "khổ, ông già rồi, tai nghe không còn rõ nữa, nhưng kéo đàn vẫn còn minh mẫn lắm" - bà cười nói.

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của ông bà, chắc không ai ngờ được cũng chính là lớp dạy violon của ông Đưa, tóc ông đã bạc, tay chân cũng nhăn nheo vì tuổi già, sức yếu, nhưng cứ hễ động đến cây đàn ông lại say sưa kéo đủ các bản nhạc. Trên tường, trong ngăn tủ, đầy những bức ảnh ông đi biểu diễn, những cuốn sách viết những bản nhạc ông yêu thích được lưu giữ cẩn thận mấy chục năm nay. Ông kể: "Ngày xưa, cứ mỗi lần dạy đàn cho mấy đứa trẻ, tôi sáng đạp xe ra Hà Nội chọn đàn, rồi tối lại đem về để hôm sau có đàn cho bọn trẻ học, nhưng giờ già rồi, không đi nổi nữa". Cây đàn ông đang giữ đã theo ông mấy chục năm nay, cứ hễ hỏng ông lại tự ngồi sửa, ông quý cây đàn đó, ví nó đã theo ông suốt cả cuộc đời.

Tiếng vĩ cầm vang dưới lũy tre làng, ông say sưa kể về một thời tuổi trẻ của mình, đến với vĩ cầm cũng là một cái duyên, một niềm đam mê lớn của đời ông, ông đã dành gần cả cuộc đời cống hiến cho nó. "Giờ ông già rồi, có thể quên nọ quên kia, nhưng vĩ cầm chắc không bao giờ quên được"- cụ bà chia sẻ.

Ngôi làng nhỏ, nhưng lưu giữ một truyền thống lớn, về thăm làng Then, du khách có thể thưởng thức âm thanh violon vô cùng mộc mạc của những người dân giản dị nơi đây. Được chiêm ngưỡng những cây đàn lâu đời và được nghe về lịch sử hào hùng trong truyền thống nghệ thuật của làng Then.

- TS Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Làng Then chính là quê của nhiều diễn viên, nhạc công nổi tiếng như: đạo diễn - NSND Bùi Đắc Sừ và Hà Quốc Minh (nguyên Giám đốc và đương kim Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), nhạc sĩ Trần Vinh (Nhà hát Chèo Việt Nam)… Người già trong làng kể rằng xưa vào mỗi dịp xuân hội, làng mời một gánh tuồng về diễn mấy đêm liền, lại còn mời cả giáo phường ca trù về hát thờ trước cửa đình.

- Nhạc sĩ Phạm Chỉnh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin Thành phố Hà Nội cho biết rất bất ngờ khi thấy những người nông dân làng Then đọc được tổng phổ và dù tiếng đàn chưa thực sự chuyên nghiệp nhưng cách chơi đã rất chuyên nghiệp. Những người dân làng Then thực sự là những nghệ sĩ rất có phong cách và đầy tính ngẫu hứng.

- GS Lê Văn Cường, Đại học Paris 1, Pháp bảo ông đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa thấy có một làng nào yêu nhạc và có một dàn nhạc độc đáo như làng Then.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Nhung (Vietnamnet), SaigonGP...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống