Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Núi. Show all posts
Showing posts with label Núi. Show all posts

Thursday 2 May 2013

Chùa Hương Nghiêm hay còn gọi Hương Nham (chùa Hang, vì chùa nằm trong lòng động) ở dưới chân núi Hương Nghiêm thuộc xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chùa Hương Nghiêm được xây dựng vào thời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), niên hiệu Đại Chính thứ 8 (năm 1537) tại thôn Thúc Thủy, xã Thúc Thủy, tổng Thường Túc, nay là thôn Phúc Thọ, xã An Khang.
Ngôi chùa được xây dựng từ sáng kiến của hai vị quan hiến sát là Ngô Thọ Khê và Vũ Trạch Xuyên.
Chùa nằm trong hang đá tự nhiên với 2 mái vòm đá và nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt có nhũ đá hình cổ thụ, tạo cho hang đá một vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn.

Trước đây, trong hang đá còn có giếng sâu 8 đến 9m, gần giếng có dòng suối ngầm rộng khoảng 3m chảy ra sông Lô. Hang có nhiều lối đi lên đỉnh núi, lối xuống suối ngầm, ngoài cửa hang có một dãy núi hình con rồng, giữa hang có phiến đá to hình chiếc thuyền dài 8,7m rộng 4m.

Trong chùa còn có hai pho tượng Bồ Tát cổ bằng đồng và các vật dụng cổ như: giá đọc văn tế, hương án thời Nguyễn và một chiếc mâm đồng có hoa văn cũng từ thời Nguyễn. Đặc biệt là tấm bia “Hương Nghiêm tự bi” (văn bia chùa Hương Nghiêm) trước cửa chùa. Văn bia chùa Hương Nghiêm được tạc vào ngày 27 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (năm 1537). “Hương Nghiêm tự bi”là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm ở thế kỷ 16 được phát hiện ở Tuyên Quang.

Văn bia chùa Hương Nghiêm có chiều cao 1,25m, chiều rộng 1m gồm 2 phần trán bia và thân bia, trên trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh bia được chạm văn dây đơn giản. Dưới trán bia là 4 chữ đại tự: Hương Nghiêm tự bi.

Văn bia do do 2 vị đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1535), chức Tu thân doãn, Hiến sát sứ Thanh hình, Hiến sát các sứ Tuyên Quang, Triều liệt Đại phu Ngô Hoằng Trinh hiệu là Trinh Túc soạn và vị Thông chương đại phu, Tri phủ Yên Bình, hàng Công khanh là Đỗ Bá Chiêu hiệu là Huỳnh Phủ viết chữ.

Nội dung bài văn bia như sau:
“Dòng Long Vị như dải lụa trắng lượn vòng trước động. Phía sau động là đường cái quan, ngựa xe như nước. Phía tây động, nha môn tòa rộng dãy dài. Trong chùa khói hương nghi ngút, đó là cung Phạm Vương vậy. Trước cung tiền đường, trùng tu mái ngói đỏ tươi, có nơi thắp hương và tam quan. Cứ đến ngày rằm và mùng một, tín đồ thập phương nối gót cầu khấn, tăng ni cúi đầu về phương nam ba lần vái lạy. Những khi đất trời không hoà thuận, cầu nắng thì được trời quang tạnh, khấn mưa thì mưa trải khắp nơi. Chùa rất linh ứng, không thể ngờ được!”

Còn bài minh của người lập bia có nội dung:
Động u nhi cổ, nham sấu nhi hương,
Sáng tự khắc thạch, địa cửu thiên trường.

Dịch nghĩa:
Động sâu mà (có vẻ) cổ kính
Trái núi dáng nhỏ mà lại có hương thơm bay
(Nơi đó) xây dựng chùa và tạc bia đá
(Để cho) muôn thuở (cùng với) trời đất

Dịch thơ:
Động sâu in dấu tích xưa
Núi thanh thanh dáng, hương đưa ngạt ngào
Đất trời bền vững biết bao tháng ngày.
Dựng chùa bia tạc năm nào.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Hương Nghiêm là nơi cất giấu, lắp ráp và sửa chữa hai chiếc máy bay đầu tiên của quân đội Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng. Từ năm 1951-1976, chùa Hương Nghiêm là kho chứa vũ khí, đạn dược của Trạm vận tải và Trung đoàn 331. Chùa Hương Nghiêm đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch sẽ diễn ra lễ hội chùa Hương Nghiêm.

Hiện nay, do nhu cầu mở rộng khuôn viên của chùa Hương Nghiêm, Thầy trụ trì đã cho khánh thiết thêm một số hạng mục của chùa. Đặc biệt nhất là pho tượng Phật nằm, được đánh giá là lớn nhất miền Bắc. Hương Nghiêm tự bi là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm ở thế kỷ 16 được phát hiện ở Tuyên Quang, được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch sẽ diễn ra lễ hội chùa Hương Nghiêm. Du khách muốn đến Hương Nghiêm có thể đi từ thị xã Tuyên Quang qua Yên Sơn để tới Hương Nghiêm.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Phatgiao.org, Vietgle.vn và nhiều nguồn khác.

Monday 29 April 2013

Du khách thử một lần đặt chân đến Điện 13 ở núi Cấm (Tịnh Biên) để một lần khám phá và trải nghiệm những điều thú vị từ hang “mẹ sanh, mẹ đẻ” trong tứ bề “mê cung đá”.

Từ vồ Thiên Tuế, chúng tôi cùng đoàn du khách hành hương tiếp tục hành trình vượt qua con đường uốn lượn và mất khoảng 3km đường đi bộ mới đến Điện 13. Giữa cảm giác se se lạnh của cái nắng ban mai chưa qua khỏi vách núi thì quán ăn bên Điện 13 của chị Nguyễn Thị Nga đã đông khách vãng lai. Chị Nga mời chào: “Vào ăn tô bún chay, uống ly trà đá rồi chinh phục Điện 13 chú em ơi. Nghỉ xả hơi chút xíu đi, tôi kêu đứa con trai dắt mọi người xuống Điện Mẹ (còn gọi là hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”)…”.

< Quán võng bên Điện 13.

Sau vài phút ngã lưng trên chiếc võng, chúng tôi bắt đầu leo lên Điện 13. Khu Điện 13 rộng khoảng 50 héc-ta thuộc quyền sử dụng của ông tư Việt. Nơi đây, xưa kia là đồi hoang, khi lên đây lập nghiệp thấy khách đến cúng viếng ngày càng đông nên ông tư Việt đã cải tạo Điện 13 thật khang trang để phục vụ mọi người.

Thấy chúng tôi là khách quen nên ông tư Việt tận tình hướng dẫn chúng tôi trong hành trình khám phá Điện 13. Phía điểm đầu Điện 13 là phủ thờ các vị chư thần. Muốn xuyên qua Điện 13 phải nghiêng mình thật sát vào vách đá rêu phong để đi. Bước tiếp theo, khom mình và cúi đầu xuống, rồi len lỏi qua phiến đá bàn mới có thể xuống những bậc thang dựng đứng khoảng 100m để tiếp tục cho cuộc hành trình chui vào hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”.

< Cổng hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”.

Nhìn hang tối om và nhỏ, chúng tôi chần chừ định bỏ cuộc, nhưng ông tư Việt động viên: “Lâu lâu, mấy chú mới lên một lần hãy đi cho biết. Đi Điện 13 mà không khám phá hang “mẹ sanh mẹ đẻ” thì thật uổng!”. Cầm 4 chiếc đèn cầy leo lét, ông tư Việt thu mình chui gọn qua cửa hang, ông nói với theo: “Hãy nhìn theo tôi mà đi…

Tôi chui như thế nào thì chú em cứ làm động tác y như vậy... Vừa bước sụp xuống hang là cả một không gian tối om và lạnh lẽo. Sự chật chội, âm u như một “mê cung”, khiến chúng tôi hơi rùng mình. Đó chỉ mới là cửa 1, qua cửa 2, 3, 4, rồi đến cửa 5… Chúng tôi mò mẫm đi trong ánh đèn cầy vàng vọt với nhiều lò ảng, hang hốc và vách đá bóng loáng. Không gian như càng thâm u, ngột ngạt hơn. Ông tư Việt cho biết: “Hang “mẹ sanh, mẹ đẻ” có nhiều lò ảng, hang sâu hun hút, khách hành hương đi riết mà đá bóng như thế này”.

< Điện 13 là một hang sâu, tối tăm và có 13 gian thờ các vị chư thần nơi đây.

Mỗi lần bước qua một cửa là ông tư Việt thắp một nén nhang lên lư hương nằm ngay vách đá. Đặc biệt, khi bước đến cửa thứ 6 thì có 2 tảng đá ép sát vào nhau chỉ còn một ngõ hẹp, những tưởng không qua được, nào ngờ ông tư Việt lách mình qua một cách nhẹ nhàng. Có thể nói, một trong 12 cửa trong “mê cung đá” phải kể đến cửa thứ 9, đây là cửa đi khó nhất. Những ai muốn qua lọt phải đi bằng tư thế ngửa mình, hai chân đưa qua trước, sau đó dùng tay chỏi vách đá để chui qua. Đi qua nhiều cửa dưới hang, chúng tôi phát hiện ra bên trong điện mẹ còn có nhiều nhũ đá rỉ nước róc rách mát dịu.

< Vồ Bà, thờ Địa Mẫu. Nơi đây có Điện 13 thâm sâu, kỳ bí.

Là người dân sống lâu năm ở đây nên ông tư Việt rất rành về đường đi nước bước trong hang. Ông Việt cho biết, trong hang “mẹ sanh mẹ đẻ” này còn rất nhiều dơi quạ trú ngụ, đêm đến thì chúng bay ra kiếm ăn. “Thấy nhiều cửa hẹp như vậy chứ biết ý chút xíu là đi lọt. Thậm chí những người to con cũng có thể chui qua.
Từ khi lên núi lập nghiệp đến nay, gia đình tôi dẫn không biết bao nhiêu lượt khách hành hương chui qua hang “mẹ sanh mẹ đẻ” này. Hôm rồi, tôi còn dẫn mấy chú bộ đội và cả phóng viên truyền hình xuống hang cho biết. Cả chiều dài đường đi của hang “mẹ sanh mẹ đẻ” khoảng 50m, nhưng khi muốn chui qua lọt phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Nếu không biết cách đi có thể bị kẹt lại trong hang…”- ông tư Việt cho biết.

Du lịch, GO! - Theo Thành Chinh (Báo An Giang), internet

Saturday 27 April 2013

“Trên đỉnh Hòn Nhọn có suối, hồ, đồi thông và một thác nước rất hùng vĩ nhưng rất ít người biết đến.
Còn ngủ đêm trên đó thì thật tuyệt” - lời mời gọi của mấy bạn trẻ ở Ninh Thuận khiến chúng tôi háo hức chuẩn bị chuyến leo núi hai ngày.

Tour của “thổ địa”

Chính các bạn “thổ địa” làm hướng dẫn viên. Và một điều đặc biệt nữa là chúng tôi sẽ ăn uống bằng những gì kiếm được trên đường đi.

Trời đẹp không ngờ và tại núi Hòn Nhọn (thuộc hai xã Nhị Hà và Phước Hà của huyện Ninh Phước) thời tiết hầu như lý tưởng để dã ngoại với nắng nhẹ, cao nhất 30 độ C.

< Dừng chân ở Đá Máng.

Ba thanh niên Nhị Hà là Nguyễn Hồ Hải Âu, Nguyễn Trần Thuận, Trần Quốc Bảo làm hướng dẫn viên "thổ địa” và chúng tôi bước vào rừng trong sự... ngờ vực của dân làng (chắc đi được vài bước sẽ bỏ về !) và dân sơn tràng (có lẽ đi kiếm gì đó trong rừng chứ hồi nào giờ chưa thấy ai vào đó chơi cả!).

Nhưng những bất ngờ kỳ thú và sự thành thạo của các thổ địa đã khiến chuyến đi diễn ra như mong đợi. Hết chui qua những lối đi rậm rạp lại leo bằng cả chân tay trên những mỏm đá dốc đứng.


< Lan nở hoa.

Đúng lúc mệt mỏi nhất thì một chỗ nghỉ chân tuyệt đẹp hiện ra. Đó là hồ Đá Máng như một viên ngọc lục bảo ai đó đánh rơi trên sườn núi.

Là đồi thông reo vi vu mời gọi. Là đồng cỏ tranh rậm rạp mà để luồn qua chúng tôi phải giơ tay lên như đầu hàng, nếu không sẽ bị chúng cứa rách mặt… Và điều đặc biệt là chỉ một con suối chảy từ trên núi xuống thôi nhưng phải lội qua tới... năm lần vì đường đi zíc zăc của nó.

Trải nghiệm

< Cây nắp ấm ăn côn trùng.

Buổi trưa dừng chân bên suối cũng là lúc câu cá, hái măng rừng về nấu ăn. Cá lóc, cá bống thật nhiều, nhỏ bằng hai ngón tay nhưng vị thơm ngọt của chúng thì hơn hẳn cá đồng bằng. Măng xào với tép suối thì khỏi chê bởi sự tươi ngon. Rồi đun nước pha trà cộng với vài lát gừng đủ làm yên bụng người đi rừng…
Con suối cũng chảy dưới chân một thác nước hùng vĩ cao như một tòa nhà mười tầng mà người dân ở đây gọi là thác Bay. Quốc Bảo cho biết vào mùa mưa, nước trên cao đổ ào ào xuống như đang bay vậy.


< Nấu cơm bên suối.

Đêm đến giữa rừng mới thật là huyền ảo. Một cái lán bên bờ suối của dân sơn tràng là nơi chúng tôi mắc võng. Một tảng đá bằng giữa suối trở thành nơi lý tưởng để mở tiệc đêm với món cá lóc nướng ngon như chưa bao giờ. Và thật ngạc nhiên là không hề có một con muỗi nào. Anh Hồ Thanh Luân - hướng dẫn viên du lịch đi cùng chúng tôi - giải thích: “Ở đây có rất nhiều gián đất (nhìn hơi giống con mối) mà ở đâu có loại này thì muỗi không dám bén mảng”.

Đó cũng là một trong vô số những điều kỳ thú hay ngỡ ngàng của chuyến đi này. Bởi ở đây chúng tôi đã lần đầu tiên được sờ tận tay những cây nắp ấm chuyên bẫy côn trùng ăn thịt. Rồi ngắm những chú chim đỏ rực trên cành, trầm trồ với những loại quả lạ lùng màu xanh ngọc, màu tím miên man, xuýt xoa với một giò địa lan nở tinh khôi trên gốc cây già cỗi…


< Cá lóc suối.

Cả cảm giác xót xa vì những mảnh rừng bị tàn phá, nhất là những cây thông bị khoét sâu đến chết để lấy nhựa. Nhưng đó cũng là lúc chúng tôi hiểu được sức sống mãnh liệt với những lý lẽ riêng để tồn tại của rừng. Trong khi bao nhiêu gỗ quý đã bị chặt gần hết thì tại đây vẫn còn những thân cây cao vút và to tới ba bốn người ôm.
Sao chúng vẫn chưa bị đốn? Anh Hải Âu cho biết: “Đây là những cây a bắc, rất cứng nên lâm tặc không đụng vào bởi cưa rất lâu và cũng khó để xẻ làm các đồ dùng bằng gỗ”.

Trong rừng đêm, khi chúng tôi nằm yên bên đống lửa cũng là lúc vạn vật cất tiếng. Tiếng muông thú gọi nhau lúc bên tai lúc xa vời. Hàng vạn vì sao nhấp nháy trên trời trong lúc hồn thiêng của núi rừng thả sức đi mây về gió, ttiếng suối thì róc rách mãi như bài ca vô biên của thiên nhiên. Cứ thế miên man nghĩ, còn bao nhiêu nơi đẹp một cách ngạc nhiên như Hòn Nhọn và rất ít người biết đến ở nước mình?

< Thác Bay.

Ninh Phước cách biển Ninh Chữ hay biển Cà Ná chừng 20km. Thử tưởng tượng bạn leo núi Hòn Nhọn, ngủ rừng hai ngày, rồi sau đó mang cả một balô ngập tràn cảm xúc cùng đôi chân đã mỏi rã rời xuống đùa với sóng biển cho trọn cuộc vui thì còn gì tuyệt vời hơn?

Đời con người ta thường có những dự định cho những công việc phải làm, những nơi muốn đến, những con đường muốn đi qua, những ước mơ cần thực hiện và những cảm giác mong muốn được trải nghiệm… Chuyến đi rừng hai ngày và ngủ đêm trên núi Hòn Nhọn là một cảm giác trải nghiệm thật khó quên như thế.

Du lịch, GO! - Theo Vũ Thanh Bình (báo Tuổi Trẻ), Phuot.vn

Wednesday 24 April 2013

Mùa khô. Nắng cháy da. Trên mảnh đất biên thùy Tri Tôn (An Giang), ánh nắng càng thêm gay gắt. Ruộng úa màu, cây ven đường xơ xác. Chúng tôi băng mình trong nắng gió bán sơn địa, trên con đường bóng ngời như muốn chảy nhựa...

< Lối đi lên Cửu Thiên miếu ở Tri Tôn, An Giang.

Dọc theo dãy núi Dài, tên chữ Ngọa Long Sơn, bất ngờ phát hiện trên ngọn đồi đá của dãy núi nầy, có một ngôi miếu nhỏ, mái lợp ngói xinh xắn. Chiếc cổng ghi: Cửu Thiên miếu, chữ màu vàng trên nền tấm bảng đỏ. Hai hàng cột cổng là hai câu đối cũng màu vàng nền đỏ. Đường dẫn lên miếu là bậc thang uốn lượn như rồng múa. Hai bên đường là hai hàng lan can sơn xanh. Con đường nầy vừa mới làm xong ngày mồng 9 tháng Tư năm Nhâm Thìn (2012).

Đã bao lần ngang qua đây, nhưng mãi đến lần nầy chúng tôi mới nhìn thấy ngôi miếu nầy, có lẽ “nhờ” trời nắng cháy da, cây cối, nhất là các bụi cây tầm vông cháy vàng, xơ xác lá, và ngôi miếu hiện ra như một lời “mời” lữ khách dừng chân trú nắng!

< Đường lên miếu được làm thành 90 bậc cấp trên dốc nghiêng của khối đá không lồ.

Đường lên đồi đá không cao lắm, không dốc lắm, nhưng giữa trưa trời nắng gắt cũng khiến bước chân chúng tôi nặng nhọc, mệt... bả hơi! Để lên miếu, chúng tôi bước lên đúng 90 bậc cấp tráng xi măng chắc chắn. Miếu nhỏ xây gạch, mái ngói, tiền điện là thảo bạt vải nhựa trên sườn tầm vông tạm bợ. Trước thảo bạt là bàn thờ Ông Thiên, với nhiều chậu bông giấy nở hoa đỏ ối.

Ông Lê Văn Tám, 47 tuổi, người kế tục ông thủ lễ đã mất trên 10 năm nay, cho biết thuở xưa Đức bổn sư và Phật Trùm lập miếu bằng tre lá thờ Bà Cửu Thiên. Đức Bổn sư là “Ngô Lợi còn có tên là Hữu, sanh năm Canh Dần (1829) tại Dội (gần biên thùy thuộc Châu Đốc). Cuộc đời cụ là một tấm gương đạo đức, trong sạch, sống khí tiết. Thuở nhỏ sinh hoạt thế nào không biết, lớn lên đi tu. Lấy bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy làm tổ. Giữ đạo tứ ân, trọng hiếu nghĩa. Tín đồ đông mà toàn thể đều được dạy tôn thờ Phật đạo, dạy cư sĩ tại gia.

Bởi trong tứ ân có ân Tổ quốc cho nên cụ ghét Tây, mến những kẻ trung lương ái quốc. Cụ có liên lạc với cụ Quản Thành (Quản cơ Trần Văn Thành), một đại đệ tử của Phật Thầy và là một lãnh tụ kháng Pháp. Vì vậy mà nhà cầm quyền thực dân rất dò xét hành tung của cụ và cũng do đó mà tông tích của cụ rất bí mật. Người Pháp có mấy lần tìm bắt, nhưng bắt không được. Cụ viên tịch hồi năm Canh Dần (1890) trong lúc không đau ốm gì. Truyền rằng xác cụ "được một mãnh hổ cõng vào giấu trong một hang núi và xác ấy khô lại, không hôi thối” (Nguyễn Văn Hầu, “Nửa tháng trong miền Thất Sơn”).


< Cửu Thiên miếu.

Cô Hồ Thị Thanh, 34 tuổi, đang lễ bái trong miếu. Nghe chúng tôi hỏi thăm, cô liền nói khá rành về Phật Trùm. Theo cô, Phật Trùm tên thật Tà Pênh (không biết năm sanh) là người Việt gốc Khmer. Ông ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Năm 1866, sau thời gian bịnh nặng, hôn mê, khi tỉnh lại ông tự nhận mình là hậu thân Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, là “hồn Trùm” của Phật, nên được tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm... Năm 1998, Cửu Thiên miếu tre lá sắp sập, được xây gạch như hiện tại.

Ông Tám cho biết, theo truyền thuyết, Cửu Thiên miếu thờ Cửu Thiên Huyền nữ. Cửu Thiên Huyền nữ, nghĩa đen là người phụ nữ huyền diệu nơi tầng trời thứ 9. Hoặc theo cách nói khác, Cửu Thiên nương nương, nghĩa đen là đấng Thiên Hậu ở tầng trời thứ 9. Cả hai đều là danh hiệu của Đức Phật mẫu.

Theo “Việt Nam văn học toàn thư” của Hoàng Trọng Miên, (quyển 1, Saigon 1959), Cửu Thiên Huyền nữ  sống thời thượng cổ, đời vua Hiên Viên Huỳnh đế bên Tàu. Sau đời vua Thần Nông, mỗi bộ lạc hùng cứ một phương. Bộ lạc của Xuy Vưu hùng mạnh, muốn thôn tính các bộ lạc khác. Nhưng vì y độc ác nên bị các bộ lạc khác liên kết, tôn thủ lãnh Hữu Hùng Thị làm thủ lãnh chống lại.

< Núi Dài.

Sương mù dầy đặc, quân Hữu Hùng Thị bị quân Xuy Vưu vây chặt, đánh bại, phải tháo chạy. Trong lúc nguy cấp, Cửu Thiên Huyền nữ hiện ra, dạy binh pháp, dạy chế xe hai bánh, có bộ phận chỉ rõ hướng nam, định phương hướng tiến quân. Nhờ vậy quân Hữu Hùng Thị chiến thắng quân Xuy Vưu. Các bộ lạc tôn Hữu Hùng Thị lên ngôi minh chủ, lấy hiệu Huỳnh Đế. Cửu Thiên Huyền nữ còn hiện ra giúp Huỳnh Đế nhiều việc quan trọng khác. Đặc biệt, Cửu Thiên Huyền nữ là người truyền khoa Lục nhâm độn giáp và phép bói 64 quẻ dịch để đoán kiết hung...

Cửu Thiên Huyền nữ là nhân vật có nhiều tên gọi, như Diêu Trì Thánh mẫu, Kim Bàn Phật mẫu, Tây Vương mẫu, Mẹ sanh... Riêng giới huyền thuật cho rằng Cửu Thiên Huyền nữ được xem là 1 trong 3 vị thánh tổ, gồm Thái Thượng Lão quân, Nguyên Thủy Thiên tôn và Cửu Thiên Huyền nữ. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, Cửu Thiên Huyền nữ là một nhân vật rất được tôn kính.

Cửu Thiên miếu (ấp An Thành, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) là một ngôi miếu có vài điều huyền bí. Ông Tám đưa chúng tôi qua lối đi lồi lõm phía trước miếu, xuyên qua những tán cây, những bụi tầm vông héo úa lá, giữa những tảng đá lớn nhỏ nằm rải rác. Xuống một con dốc nhỏ, trước mặt chúng tôi một bãi đá. Nói chính xác thì đó là một tảng đá như hình quả trứng dẹp to rộng hiện ra trước mắt. Ông Tám chỉ bàn chân tiên, nhỏ cỡ em bé 8 tuổi; bánh xe ngựa, nhỏ cỡ cái mâm. Bàn chân tiên và bánh xe ngựa trước đây rất rõ, nay đang mờ dần, ông Tám thố lộ.

< Hai giếng tiên nhỏ và cạn nước.

Riêng giếng tiên có đến 9 cái, cái nào cũng nhỏ, cạn, là những cái lỗ hình tròn, hình bầu dục khuyết một vài nơi, rải rác trên tảng đá to lớn nầy. Mùa nắng khô khốc, có một vài giếng còn đọng ít nước, các giếng khác khô rang. Từ tảng đá nầy nhìn phía trước là nghĩa địa, bên kia là ngọn Ngọa Long sơn cao lớn, uy nghi với màu lá cây rừng ủ dột. Cảnh nơi đây, vào mùa mưa, cây cối xanh tươi, chắc hẳn càng thêm xinh đẹp...

Bà Nguyễn Thị Hồng, 63 tuổi, bán quán dưới chân đồi, bên kia đường, cho biết Cửu Thiên miễu rất linh thiêng. Bà “tiết lộ” rằng, bàn chân tiên trên miếu là bàn chân trái còn bàn chân trên vồ Cấm (núi Dài - Ngọa Long Sơn) là bàn chân phải của một vị tiên. Khoảng 10 năm trước, con nít dưới nầy không đứa nào dám đùa giỡn khi chơi ngang đây. Nếu có đứa nào lỡ nói lớn tiếng, nhất định bị Thánh mẫu quở, bịnh, phải cúng kiến mới bình an.

Bà Hồng nói, bây giờ Thánh mẫu hiền rồi. Tuy nhiên, lâu lâu, khoảng 9-10 giờ đêm, Bà vẫn “về” bằng những chùm sao sáng lòe bự như tấm đệm, từ trời cao sa xuống, như pháo bông. Trước kia, Bà “về” thường lắm. Chính vì sự linh thiêng của Thánh mẫu, vị nữ thần có khả năng “ban bố phước lộc, ban bố con trai” nên khách thập phương gần xa thường đến cúng vái, cầu ước...

Ngày vía Bà (rằm tháng 9 âm lịch) hàng năm, khách thập phường về chiêm bái đến hàng trăm người; lễ vật cúng chay với chè, xôi, trái cây... do mọi người đem tới, không khí long trọng, trang nghiêm.

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG Online

Tuesday 23 April 2013

Từ thị trấn Nhà Bàng rẽ về thị trấn Tịnh Biên, đi chừng 150 m, rẽ phải theo con đường dốc đá cạnh một tiệm bán thuốc núi là con đường độc nhất đi thẳng lên núi Trà Sư, thuộc khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên, An Giang).

Núi Trà Sư không cao (chỉ khoảng 200m), có diện tích nhỏ... nhưng nơi đây có nhiều địa điểm tâm linh - du khách không chỉ đến để ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú mà còn hành hương về vùng đất thiêng tìm kiếm sự bình yên cho tâm hồn.

Đi chừng 50m theo con đường dốc thoai thoải, chúng ta gặp ngay ngôi chùa Bồng Lai với phong cảnh u tịch. Thêm 200m nữa là đến miễu thờ hòn đá lăn. Theo ông Lê Văn Xom, ông từ lo nhang khói ở miễu thờ hòn đá lăn và miễu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, cho biết, vào ngày 25/7/1991, hai hòn đá lăn từ đỉnh núi xuống, nặng khoảng 1 tấn và 300 kg.

Nhưng có điều lạ là hai tảng đá không lăn thẳng xuống triền dốc mà lăn vòng ngay vào miễu thờ của bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Bà con cho là rất lạ, tảng đá nặng cả tấn chỉ làm văng tượng thờ bà ra ngoài và miễu thờ chỉ bể vách tường phía sau, còn ba mặt đều còn y nguyên.

< Sân Tiên núi Trà Sư.

Từ đó, 2 tảng đá được thờ tại chỗ, gọi là Chư vị Sơn thần. Riêng bà chúa được xây miễu thờ cạnh miễu Sơn thần. Địa điểm này rộng thoáng mát, du khách thường ghé lại tham quan và cúng bái, có nhiều đoàn tìm đến nghỉ ngơi, tổ chức ăn uống rồi mới tiếp tục đi tham quan các danh thắng khác.

Bước lần theo bậc thang lên khoảng 100 m, chúng ta gặp ngay hang Ông Hổ. Nơi đây có hai động đá, một bên là điện Ngũ Hổ và một bên là điện Cửu Phẩm được thờ sâu trong động đá.

Sau khi tham quan, chúng ta theo hướng điện Cửu Phẩm đi lên khoảng 25 m. Nơi đây thờ Miễu Bà Chúa và tảng đá thần.

< Điện Huỳnh Long thờ các vị thần.

Tiếp tục đi lên phía đỉnh núi, gió lồng lộng, người thư thái dễ chịu được gọi là sân Tiên. Khu vực sân Tiên diện tích khoảng 80 m2, chia làm 4 điểm thờ: Sân Tiên, Cửu quyền, Chánh soái và Trăm quan. Sau khi ngồi thư giãn với gió núi lồng lộng, hướng tầm mắt nhìn xuống Nhà Bàng nhà cửa san sát, con người cảm thấy nhẹ nhàng, quên bao mệt nhọc.

Tiếp tục lần bước xuống núi vòng về phía tay trái, đi xuống khoảng chừng 50 m, chúng ta bắt gặp điện Huỳnh Long. Ra sau điện Huỳnh Long, bạn có thể tìm hiểu truyền thuyết dấu chân tiên ở tảng đá dựng đứng cao khoảng 12 m.

Leo núi ở Trà Sư, vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí vùng Thất Sơn, du khách sẽ thoả mãn tính tò mò cũng như lòng thành kính muốn tìm hiểu những điều kỳ bí về hang động.

Du lịch, GO! - Theo Phước Hưng (Cà Mau Online), internet

Sunday 21 April 2013

Ông Thạch Cha Ra hơn bảy mươi năm qua, ngụ thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang, cho biết: “Không biết tên gọi Bảy núi có tự bao giờ mà khi lớn lên tôi đã biết, bảy ngọn núi này linh thiêng lắm và có nhiều câu chuyện bí ẩn đến nay chưa giải thích được…”.

< Open new tab để xem ảnh bản đồ lớn.

Theo lời ông kể: Bảy ngọn núi ấy liên hoàn tạo thành hình vòng cung có tên là: núi Nước, núi Năm Giếng, núi Cô Tô, núi Két, núi Dài, núi Cấm và núi Tượng. Có khá nhiều con đường dẫn vào Bảy núi tuy không rộng lớn nhưng rất đẹp với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nhiều chùa chiền, miếu, mạo của các tôn giáo nằm lẩn khuất dưới những tàng cây Thốt Nốt trải dài theo các tỉnh lộ.

< Núi Ba Thê...

Trước khi tiến vào Bảy núi, đoàn chúng tôi lên núi Ba Thê. Đây được xem là tiền tiêu của Thất Sơn hùng vĩ. Đường khá nguy hiểm, quanh co, trắc trở. Lúc chuẩn bị xuất phát, cư dân cảnh báo: chớ có liều lĩnh chạy lên đỉnh núi bởi đường rất trơn, cánh xe ôm phải “binh” nòng, đổi sên nhông dĩa mới càn lên được.

Theo số liệu xưa, núi Ba Thê cao 30 trượng, chu vi 13 dặm, bên tây núi là sông Thoại Hà thơ mộng, trữ tình. Phía trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy.

< ... và đường lên núi Ba Thê đây.

Nhiều cư dân sống quanh núi kể thêm: Vùng này trước đây có beo, voi và nhiều thú quý hiếm, nay chỉ còn khỉ, chim rừng, nhen, sóc, diệc, cu đất. Nằm dưới chân núi Ba Thê hùng vĩ là Linh Sơn Cổ tự còn gọi là chùa Phật Bốn Tay. Nơi chân núi Ba Thê có ngôi đình thờ ông Phan Thanh Giản. Trên núi Ba Thê còn có ngôi chùa cổ tên Sơn Tiên Tự. Thoai thoải gần đỉnh núi là tháp Đại đao khổng lồ. Phía Bắc của núi Ba Thê còn có hang Ông Hổ, Chót Ông Tà, nơi thờ phượng thần Núi….

< Núi Cô Tô, còn có tên gọi là Phụng Hoàng Sơn.

Núi Cô Tô đã thấp thoáng trước mắt. Càng về huyện Tri Tôn, đường càng xấu do có nhiều phương tiện vận chuyển đá từ núi xuôi ngược ngày đêm. Thấp thoáng những sân phơi bong bóng cá tra vốn là đặc sản của miền quê núi này. Ông Dương Văn Ẩn, xã Tân Tuyến kể nhiều câu chuyện thú vị về huyền thoại đồi Tức Dụp trên núi Cô Tô, vốn là căn cứ địa cách mạng trong những ngày chiến tranh ác liệt nay đã thành khu du lịch đầy tiềm năng.

< Đường lên núi Cấm.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Hai bên đường có khá nhiều cây trâm chín tím cành. Đường về thị xã Châu Đốc thật đẹp, phẳng lì, nhiều cây Thốt Nốt mọc san sát hai bên tỉnh lộ, nghe nói có cây đã hàng trăm năm tuổi. Cạnh đó xuất hiện liên tục các ngôi chùa Khơ Me Nam bộ đẹp và trang trọng. Dù là buổi chiều nhưng chúng tôi thấy khá nhiều đoàn du khách tập trung tại chân núi Cấm. Đây là ngọn núi có nhiều sự tích huyền bí hấp dẫn khách đến tham quan. Đội quân xe hon đa ôm chuyên nghiệp chở chúng tôi leo dốc núi dựng đứng rất ngoạn mục.

< Tượng Phật Di lặc cao nhất châu Á trên đỉnh núi Cấm.

Có khá nhiều chùa và đền thờ. Không khí mua bán cũng thật nhộn nhịp men theo đường lên núi. Nhiều du khách đã phải dừng bước do không đủ sức men lên tới đỉnh núi cao. Mùi khói nhang bay ngào ngạt khắp sườn núi.

Dì Nguyễn Thị Kim Loan, người có thâm niên hơn 30 năm bán mắm cá lóc, mắm thái tại núi Cấm cho biết “Tháng giêng, hai và tháng tư, tụi tui bán “dữ trời” lắm, mấy tháng còn lại buôn bán cũng lai rai…”. Dì cho biết thêm chuyện mua bán tại đây đã đi vào nề nếp hơn, có để bảng giá để du khách khỏi bị “chặt chém”….

< Đỉnh Núi Két.

Trong màn đêm, hình tượng con kéc khổng lồ bằng đá đang chót vót trên đỉnh núi Kéc thật lạ lùng, hấp dẫn. Có lẽ tạo hóa đã ban cho An Giang một ngọn núi có hình thù độc đáo mà không đâu có được.

Nhiều người còn thêu dệt nhiều câu chuyện huyền thoại về thần núi Kéc. Qua mấy ngàn năm kiến tạo hình tượng ấy vẫn bền vững cùng thời gian. Xa một chút thị trấn Nhà Bàn luôn đông đúc người và xe đi lại dù trời đang tối dần.

Về Bảy núi xưa và cả hôm nay, đi đâu cũng nghe kể về những câu chuyện kỳ thú về, cọp, beo, rắn, thần tiên, đạo sỹ nhiều phù phép… trong khoảng không gian trầm tích, u ẩn lạ thường. Nhiều người cho rằng khó đâu có được cảnh đẹp thiên nhiên như Bảy núi bởi thiên nhiên đã ban tặng bức tranh quê núi có nhiều mỏm đá hình người, hình vật pha lẫn những cánh đồng xanh mơn mởn. Và chắc không đâu có sự hòa hợp các tôn giáo anh em cùng sinh sống trên vùng đất thiêng biên giới này như : đạo Phật, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Thiên chúa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa… Mới đây tượng Phật Di lặc cao gần 34 m trên đỉnh núi Cấm, nơi được xem là “nóc nhà” Đông Dương được xác lập kỷ lục châu Á về tượng Phật cao nhất.

Mỗi năm vùng đất Thất Sơn này tổ chức nhiều lễ hội của người Kinh và Khmer. Nói đến Bảy núi là người ta nghĩ ngay đến cây “đặc sản” thốt nốt. Đây cũng là cây thoát nghèo cho nhiều gia đình khi khai thác chế biến chúng thành những loại thức ăn lạ miệng và hấp dẫn. Người dân Bảy núi giờ đây còn phát huy các ngành nghề truyền thống như: nấu đường thốt nốt, dệt thổ cẩm…

< Một góc chùa Phật lớn.

Bảy núi hôm nay hiếm còn hình ảnh những chú ngựa oằn lưng kéo xe ngựa chở khách, thay vào đó là các phương tiện vận tải tiên tiến. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Những trụ điện to đùng sừng sững chạy dài theo các tỉnh lộ. Nhiều ngôi chùa, nơi thờ tự của các tôn giáo được nâng cấp xây mới khang trang. Những con đường thênh thang rộng mở hứa hẹn một tương lai tươi sáng đang về với vùng đất Thất Sơn huyền bí, linh thiêng.

Du lịch, GO! - Theo Vân Anh (Báo Tin Tức), internet

Saturday 20 April 2013

Cuối tháng tư, các phượt thủ lại í ới rủ nhau hành hương về núi Trầm để đi tìm sắc hoa gạo nở đỏ rực báo hiệu mùa hè đang về.

< Núi Trầm được đặt tên theo sự tích xưa kia có một cây trầm cổ thụ trên đỉnh núi, hương thơm tỏa khắp vùng.

Danh thắng núi và chùa Trầm thuộc xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cách trung tâm thủ đô chưa đầy 30 km là một địa chỉ văn hóa lịch sử hấp dẫn với nhiều du khách gần xa.

< Núi tuy không cao nhưng lại có địa hình rất đẹp, nhiều hang, ngách và những tảng đá hình thù sinh động.

Núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn, xưa kia là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Chùa Trầm, chùa Hang, chùa Vô Vi quanh núi là một quần thể với nhiều tượng, bia quý với kiến trúc độc đáo, cổ kính...

< Chùa Trầm nằm tựa vào sườn núi, tương truyền chùa đã có từ năm 1515.

Nằm giữa cánh đồng mênh mông, núi Trầm không tuy không quá xa thị thành nhưng vẫn mang những nét hoang sơ, tạo nên một không gian tĩnh lặng và yên bình.

< Một không gian cổ kính, đậm màu sắc của cõi thiền.

Thắp hương trong chùa rồi bắt đầu hành trình lên núi, men theo những con đường mòn giữa đồng cỏ hay bám cheo leo trên những vách đá, chắc chắn, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời và đáng nhớ.

< Chùa còn là địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Thắng cảnh núi Trầm (Hà Tây cũ)

Danh thắng núi Trầm trên địa bàn xã Phụng Châu (Chương Mỹ, cách trung tâm thủ đô chừng 20 km) là một quần thể di tích có phong cảnh độc đáo và có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Mặc dù khu di tích có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác phát triển du lịch văn hoá, giáo dục nhưng hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.

< Những dấu tích còn lại của thời chiến tranh ác liệt quanh chân núi.

Núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn xưa kia là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung. Trải qua năm tháng, khu danh thắng núi Trầm vẫn còn lại nhiều di tích lịch sử, kiến trúc độc đáo. Đáng chú ý là 3 cụm công trình chùa gồm: Chùa Trầm Vô Vi, chùa Trầm Hang và chùa Long Tiên đã đạt đến sự hài hòa cao độ giữa núi non và chùa chiền, tạo cảm giác tự nhiên, thanh tịnh.

< Cuối tuần, núi và chùa Trầm thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, leo núi.

Đặc biệt, chùa Trầm Vô Vi được xây dựng từ thế kỷ thứ X với hơn 100 bậc thang đá quanh co và quả chuông đồng đúc năm 1814 cùng nhiều pho tượng đá, văn bia khắc trên vách động, trống đá, khánh đá...


< Ai cũng muốn lên tới đỉnh để thưởng thức không gian thoáng đãng, phóng tầm mắt thấy “muôn trùng nước non”.

Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh núi non cùng chùa chiền đã tạo nên một vẻ đẹp độc đáo của khu di tích. Từ xa, ngắm nhìn, Tử Trầm Sơn có hình dáng tựa như những con phượng hoàng đang nhô cao đầu lên bầu trời. Chẳng thế mà, từ xa xưa, khu danh thắng núi Trầm đã được học giả Phan Huy Chú ca ngợi là nơi có  “Phong cảnh đậm đà đẹp nhất trong các núi Sơn Tây”.

< Và khám phá những tảng đá muôn màu muôn vẻ nằm rải rác trên đường đi.

Không chỉ cổ kính với cảnh quan độc đáo, khu di tích danh thắng núi Trầm còn là nơi gắn với nhiều chiến công hiển hách trong lịch sử bảo vệ Tổ quốc của dân tộc từ thuở xa xưa. Đặc biệt, nơi đây đã ghi dấu lịch sử trong cuộc cách mạng của dân tộc ta chống thực dân, đế quốc.


< Cảnh làng quê yên ả trù phú nhìn từ đỉnh núi.

Trong những ngày đầu sau khi giành độc lập dân tộc, hang Trầm là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong nhiều ngày liền. Không những vậy, ngày 19/12/1946 khu danh thắng núi Trầm còn là nơi Đài tiếng nói Việt Nam đã phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sôi sục non sông.


< Đàn chim bay về tổ qua núi Trầm.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm  1967 đến 1975, núi Trầm còn là hành dinh của Sở chỉ huy K12 nơi điều hành bộ máy chiến đấu gồm các binh chủng: Tên lửa, ra đa, không quân, cao xạ…
Do có nhiều giá trị lịch sử văn hoá và lịch sử cách mạng nên khu di tích núi Trầm đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962.

< Tháng ba tháng tư, hoa gạo nở đỏ rực quanh chân núi. Hoa gạo tô điểm thêm cho núi, gợi về hình ảnh một vùng quê xưa cũ...

Với những giá trị to lớn về văn hoá kiến trúc, cảnh quan và lịch sử cách mạng, lại nằm cạnh quốc lộ 6, chỉ cách trung tâm thủ đô Hà Nội chưa đầy 20km nên khu di tích núi Trầm có giá trị to lớn trong phát triển du lịch, giáo dục. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì công tác gắn kết giữa bảo tồn di tích với khai thác tiềm năng du lịch di tích lịch sử cách mạng, giáo dục còn bị lãng quên. Sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch chưa được đầu tư đủ phục vụ du khách dừng chân. Tại khu di tích vẫn chưa hề có đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên về kiến trúc cảnh quan, về lịch sử cách mạng.

< Màu hoa đỏ nổi bật trên nền đá trắng.

Những di tích, danh thắng có sự kết hợp hài hoà giữa phát triển du lịch và có ý nghĩa sống động về giáo dục truyền thống văn hoá, truyền thống lịch sử cách mạng lại không được chú trọng khai thác hết tiềm năng.

< Đây cũng là điểm đến quen thuộc của những người yêu hoa gạo khi mùa hè về.

Nên chăng ngành du lịch và địa phương cần có sự quảng bá, đầu tư đúng hướng, xây dựng tour, tuyến, dịch vụ du lịch, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch am hiểu sâu sắc về những giá trị khu danh thắng để Tử Trầm Sơn vừa mang lại hiệu quả kinh tế du lịch mà còn mang lại cả những ý nghĩa về giáo dục lịch sử cách mạng sâu sắc.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ iHay, Hà Nội Mới.

Leo núi Chùa Trầm
Dã ngoại, leo núi tại chùa Trầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống