Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label TÂY BAN NHA. Show all posts
Showing posts with label TÂY BAN NHA. Show all posts

Wednesday 8 August 2012


Sang Tây Ban Nha, tôi có dịp đặt chân đến vùng Andalusia vào đầu tháng 9 với hy vọng có thể xem được một cuộc biểu diễn corrida tại thành phố Sevilla, được xem là thánh địa của món này. Thực ra tôi chọn tháng 9 cũng có lý do của nó. Thứ nhất, vùng Andalusia vào mùa hè thì nóng vãi lúa luôn, tầm 40-45°C. Thứ hai, mùa xem corrida thì chỉ kéo dài từ tháng 4 đến cuối tháng 9 thôi. 


Cái đấu trường mà tôi xem ở Sevilla có tên là Maestranza và tôi cũng phải tìm hiểu thông tin kỹ càng thì mới có thể đặt được chỗ « ngon ». Cũng như sân vận động bóng đá thôi, giá vé vào cửa thì phụ thuộc vào chỗ ngồi, chỗ tốt thường là ở khán đài cao và giá đắt còn giá rẻ thì chỉ được chỗ mặt đất không xem được gì đã thế còn bị ánh nắng chói chang rọi thẳng vào đầu.  Mà cũng phải công nhận giá vé đắt vãi, rẻ nhất thì cũng tầm 20€ . Số tiền tôi phải trả ? 48€ để được chỗ trên khán đài và xem được toàn cảnh!!! Nhưng thôi, đời được mấy tí, cũng phải chịu chơi chứ. 


 Một show diễn corrida được phân chia ra thành nhiều giai đoạn và tại chỗ thì hầu như không có giải thích gì hết và toàn là tiếng Tây Ban Nha. Biết trước được điều đó nên tôi cũng đã tìm hiểu sơ qua rồi. Vậy khái quát như sau 

 Khai mào cho show diễn là màn El paseo. Một dạng diễu hành với sự có mặt của các alguaziles(đội ngũ cảnh sát bảo vệ của đấu trường). Tại đấu trường lúc nào cũng có nhạc nổi lên từ đầu cho đến lúc con bò tót bị giết. 

Alguaziles
 Sau sự xuất hiện của các alguaziles là các nhân vật chính tham gia vào trò chơi corrida. Trái với những gì tôi suy nghĩ ban đầu, đấu sĩ bò tót không phải là người duy nhất đơn thương độc mã đối đầu với bò tót. Anh ta được sự trợ giúp của những người khác nữa và tùy vào vai trò của từng người mà trong tiếng Tây Ban Nha sẽ có những tên gọi khác nhau. Đầu tiên tất nhiên là matador, nhân vật chính của cuộc chơi

Picador, một dạng kỵ sĩ với vai trò làm trọng thương con bò tót để nó đủ yếu để đối đầu với matador. Anh ta sử dụng một chiếc xiên dài tầm 2,6m và cưỡi một con ngựa được bịt mắt và mặc áo giáp
Peones, một dạng «thí tốt », trợ giúp cho matador trong lúc đầu với bò tót.
 Trận giáp chiến trực tiếp với bò tót được chia thành 3 phần, trong tiếng Tây Ban Nha gọi là tercios

 Phần một : các peones sử dụng các thủ thuật với mảnh vải màu vàng/hồng để khiêu chiến và làm cho con bò tức giận. 

Sau đó đến lượt picador nhảy ra xiên thử mấy cái vào con  bò để « thử » độ hung dữ của nó. Tại sao con ngựa của anh ta lại bị bịt mắt nhỉ ? 

 Bởi vì để tránh không cho con ngựa nhìn thấy con bò. Chẳng may mà thấy con bò hung dữ xông vào là con ngựa sẽ hoảng sợ bỏ chạy và làm cho người cưỡi ngã chổng kềnh, rất nguy hiểm.

 Phần hai : các peones cắm các banderillas(một loại que được quấn bằng giấy màu) chọc vào phần dưới của cổ con bò. Theo truyền thống, họ phải cắm thành công 3 cặp banderillas thì mới hoàn thành phần này.

Phần ba và có lẽ là phần mà mọi người biết đến nhiều nhất qua màn ảnh nhỏ : cuộc đối đầu trực tiếp giữa matador và con bò. Tôi có lẽ không cần nói nhiều về phần này, anh matador sử dụng một cây kiếm nhỏ và mảnh vải màu đỏ để đối đầu với con bò. Mỗi khi matador thành công trong việc cho con bò chạy lướt qua mảnh vải thì toàn bộ đấu trường đồng loạt hòa lên :  « olé ». Không khí rất sôi động ! 

 Và cuộc chiến kiểu mèo vờn chuột kết thúc bằng một đòn quyết định : matador xiên nhát kiếm vào cổ con bò. Thế là nó chết dần chết mòn. 

Sau khi con bò chết hẳn, một mặt matador chào khán giả, mặt khác cỗ xe arrastre kéo xác con bò ra ngoài. Sau đó, người ta làm thịt con bò luôn. Nghe nói thịt nó ngon lắm vì con bò được nuôi thả rông ở thảo nguyên bát ngát giống kiểu gà đồi nhà mình. Miam miam !!

 Nếu như matador có một màn trình diễn ấn tượng làm người xem hài lòng thì các khán giả trên khán đài có thể sử dụng khăn mùi xoa màu trắng để ra hiệu cho trưởng ban tổ chức thưởng. Phây một lần thì matador được 1 chiếc tai bò, 2 cái thì 2 chiếc tai bò. Đó là lý do vì sao trong đấu trường người ta chỉ mang theo khăn mùi xoa màu trắng

Lịch sử phát triển corrida hiện đại
Có lẽ lại phải nói đến vùng Andalusia như là cái nôi của corrida hiện đại. Như đã nói ở phần trước, người ta tìm thấy những dấu vết xuất hiện của corrida ngay từ thời trung cổ khi giới quý tộc Tây Ban Nha rất ưa thích săn bắt bò hoặc biểu diễn đấu nhau với bò. Theo tục lệ thời ấy, đặc biệt là với truyền thống hiệp sĩ nối danh, sự dũng cảm là chỉ tiêu số một của một hiệp sỹ trẻ và các cuộc đối đầu với bò tót thường được tổ chức. Truyền thống đó vẫn cứ tồn tại ở Tây Ban Nha cho đến đầu thế kỷ XVIII khi mà nước Tây Ban Nha đang dần suy yếu so với các cường quốc láng giềng (Anh, Pháp, Hà Lan). 

một bức tranh miêu tả cuộc chiến giữa hiệp sỹ và bò tót, một khung cảnh khá phổ biến ở Tây Ban Nha thời Trung Cổ
Bản thân những giá trị nhân văn của tầng lớp hiệp sỹ quý tộc cũng dần đi vào dĩ vãng nên vị trí của corrida trong xã hội Tây Ban Nha cũng đã bị thay đổi. Cũng vào thế kỷ này, có một sự kiện lịch sử làm thay đổi hoàn toàn corrida. Vua Tây Ban Nha rất ghét trò corrida nên nghiêm cấm tầng lớp quý tộc được trực tiếp tham gia nhưng họ có thể đứng ra làm người tổ chức corrida. Khi mà giới quý tộc không tham gia được thì phải tìm người khác thay thế. Và thế là tầng lớp dân thường lần đầu tiên trong lịch sử trở thành những nhân vật chính của corrida. Và cũng bắt đầu từ đó, xuất hiện những matador xuất thân từ tầng lớp hạ lưu trở thành những huyền thoại trong lịch sử corrida Tây Ban Nha.   

Các tác phẩm của họa sĩ lừng danh Francis Goya nói rất nhiều đến corrida vào đầu thế kỷ 19
Trong lần tôi thăm viện bảo tàng corrida (nằm ngay trong đấu trường Maestranza của Sevilla), tôi có dịp khám phá danh sách những matador huyền thoại của Tây Ban Nha và được biết phần lớn trong số họ sinh ra trong các gia đình có truyền thống là địa chủ hoặc nông dân chăn nuôi bò tót. Một thời gian sau đó, tôi tìm hiểu thêm thông tin và các chiến sỹ đấu bò tót này và rơi vào một cái tên làm tôi nhớ mãi : Manolete. Nếu có dịp, tôi khuyến khích các bạn xem một bộ phim rất hay nói về nhân vật có thật này. 

Bộ phim Manolete tôi tình cờ xem do tải lậu năm 2010
Nghệ thuật biểu diễn corrida ngày nay khác nhiều so với những năm 30 thế kỷ trước. Hồi ấy, màn diễn quan trọng nhất là lúc các matador đâm nhát kiếm cuối cùng vào cổ con bò. Nhưng ngày nay, người xem dồn sự chú ý nhiều hơn vào những bước uyển chuyển của matador mỗi khi anh ta cho con bò luồn qua dải khăn màu đỏ. 

Lấy nhu (sự mềm mại trong bước đi của matador) chống lại cương (sự hung dữ của con bò), đó là sự tinh tế trong nghệ thuật corrida hiện đại. Mặt khác, nếu như xưa kia con bò nhiễm nhiên bị giết sau mỗi trận đấu thì ngày nay nhiều chú bò được tha bổng bởi sự dũng cảm hiếm có của chúng.

Không phải người Tây Ban Nha nào cũng thích corrida
Tôi luôn nghĩ rằng món tất cả người Tây Ban Nha đều tự hào về món corrida như là một biểu tượng cho truyền thống văn hóa của họ. Tuy nhiên, càng gặp gỡ các bạn trẻ Tây Ban Nha, tôi càng được khẳng định thông tin rằng gần như một nửa người dân Tây Ban Nha không đồng tình với sự tồn tại của trò chơi này. Một phần, đây là thái độ khá lôgíc khi mà phong trào bảo vệ động vật ngày càng phổ biến tại phương Tây. Một phần khác, cũng phải nói rằng việc chỉ có một số vùng hưởng ứng corrida có nguyên nhân sâu xa của nó. 


Corrida được sinh ra tại Andalusia và phát triển sâu rộng tại vùng Castilla, Basque và Valencia. Nhưng cũng chỉ có các vùng này là người dân hưởng ứng corrida. Còn các vùng khác đặc biệt là vùng Catalan, họ có lịch sử văn hóa lâu đời và rất khác với văn hóa Tây Ban Nha cận đại (họ có ngôn ngữ riêng). Vì thế cũng từ khá lâu rồi, nhiều khi họ tự nhận vùng của họ là một quốc gia riêng (về mặt văn hóa mà nói) và corrida như là một minh chứng cho sự « đàn áp » của nền văn hóa đến từ Madrid hay Andalusia và họ ghét điều đó. 


 Cũng mới gần đây thôi, chính quyền địa phương vùng Catalan đã ban hành luật chính thức nghiêm cấm 100% sự tồn tại của corrida tại vùng này. Tôi cũng không biết sắp tới sẽ đến lượt vùng nào khác đi theo ví dụ của Catalan nhưng tạm thời thì chính phủ quốc gia Tây Ban Nha đang làm mọi cách để cứu sống corrida và coi nó như một di sản văn hóa quốc gia.

Friday 3 August 2012


Tây Ban Nha với biểu tượng là chú bò tót. Tất nhiên rồi và trong bài viết này, tôi xin giới thiệu sơ qua nguồn gốc và lịch sử phát triển của bộ môn nghệ thuật được coi là tôn giáo của người Tây Ban Nha này. 


Trong tiếng Tây Ban Nha, môn đấu bò tót được gọi là Corrida, một kiểu đấu chạm trán cần có sự hoang dại cần thiết của con bò và sự dũng cảm của người đấu bò, trong tiếng Tây Ban Nha gọi là Matador.  Giống bò tót nuôi để đáp ứng cho corrida được tập trung nhiều nhất ở miền nam Tây Ban Nha, vùng Andalusia. Tại đây, tôi bắt gặp rất nhiều thảo nguyên rộng lớn với những chú bò tót được thả rông. Tất nhiên là có rào cản quy hoạch, nhỡ chẳng may người lạ đi qua mà lại mặc áo màu đỏ thì chết.

Khó có thể nói người Tây Ban Nha là những người sáng chế ra món corrida bởi bản thân truyền thống sử dụng bò làm vật tế thần xuất xứ ở nhiều vùng. Thêm nữa, đấu nhau với bò tót thì cũng không chỉ có ở Tây Ban Nha. Bồ Đào Nha và miền nam nước Pháp, thậm chí là ở Châu Mỹ (Mehico + Colombia) cũng có truyền thống này tuy rằng cách thức cuộc chơi có phần khác biệt. Nhưng dù sao thì cũng là dùng bò chứ không phải lợn, gà, vịt . Người Tây Ban Nha đỉnh hơn các quốc gia lân cận bởi sự lịch sử phát triển cũng như khả năng tiếp thị tốt hơn.

Muốn tìm nguồn gốc của cái thú đối đầu với bò tót, chắc phải quay lại thời kỳ cổ đại. Trong thần thoại Hy Lạp, con bò tót luôn là biểu tượng của sức mạnh hoang dại và loài người luôn muốn tìm cách khuất phục nó. Hãy thử nhớ cái con quái vật Minotaurus nửa người nửa vật bị nhốt trong mê cung dưới lòng đất hay chính bản thân thần Zớt tự hòa mình thành bò tót để cưa cẩm nàng tiên Europa (có trên mặt đồng xu 2euro của Hy Lạp).   

Tại các viện bảo tàng liên quan đến thời kỳ La Mã - Hy Lạp, không khó để tìm thấy nhưng nét họa tiết mô tả cảnh người khuất phục bò tót. Đây là nét vẽ trên một chiếc bình bằng gốm
Còn cái đấu trường thì xuất hiện khi nào ? Chắc chắn là xuất hiện từ thời đế chế La Mã. Ngay từ thời đó, người ta đã chuộng việc đưa các loại thú hoang dã (hổ, voi,..) về để đấu với người. Chúng ta hãy đi sâu một chút về thú vui xem đấu trường La Mã bởi nó có ít nhiều ảnh hưởng đến món corrida sau này của người Tây Ban Nha. 

Đấu trường La Mã, thủy tổ của đầu trường bò tót ngày nay ở Tây Ban Nha
 Người La Mã có nhiều kiểu trò chơi khi họ đến đấu trường xem. Đó có thể là món đấu sĩ gladiateur, có thể là món đua cỗ xe 4 ngựa (giống trong phim Ben Hur), có thể là món người đấu với thú hoang hoặc thủy chiến. Theo sử sách ghi lại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy rõ nét việc bò tót đấu với người mà chủ yếu người ta sự dụng con vật này cho trò chơi đua bò tót hoặc cho chúng đối đầu với nhau (rưa rứa kiểu hội chọi trâu Đồ Sơn). Đó là về phần bò tót . 

và đấu trường bò tót ngày nay với lối kiến trúc đậm chất vùng Andalusia miền nam Tây Ban Nha

 Còn về phần người đối đầu với bò tót, nguồn gốc sâu xa cũng bắt nguồn từ thời kỳ Hy Lạp – La Mã cổ đại. Vào thời ấy, ngoài việc xem những show diễn gladiator vào buổi trưa, giới tượng lưu La Mã rất ưa chuộng đi săn bắn vào buổi sáng và một trong những con thú mà họ thích săn bắn có bò tót . Trong tiếng latinh, những kẻ săn tìm và giết bò tót thời ấy được gọi là taurocentaes, về một khía cạnh nào đó cũng có điểm chung so với những matador thời nay (mục đích của anh ta cũng để giết bò thôi mà). 

Các trò chơi dã man trong đấu trường tồn tại được vài trăm năm kể từ thời điểm đấu trường Colosseum được khánh thành ở Rome năm 80 sau công nguyên. Nhưng khi đế chế La Mã dần suy yếu và đặc biệt là khi đạo Thiên Chúa giáo trở thành tôn giáo thay thế cho tục lệ cúng tế thần zớt thì tất cả các đấu trường bị cấm tiệt.  Khi đế chế La Mã hoàn toàn sụp đổ thì truyền thống săn bắn bò tót để tiêu khiển cũng biến mất luôn. Duy nhất chỉ có những nơi mà người ta chăn nuôi bò tót ở quy mô lớn thì mới thói quen săn đuổi bò tót mới tồn tại. Vậy đâu là vùng người ta có thể đi tìm săn và nuôi bò tót nhiều nhất ? Tất nhiên là những thảo nguyên rộng lớn như miền nam Tây Ban Nha, miền tây nam nước Pháp và Bồ Đào Nha. Điều này cũng giải thích vì sao truyền thống đấu bò tót cũng tồn tại ở những quốc gia láng giềng của Tây Ban Nha. 

Như vậy, để tóm tắt lại nguồn gốc của thói quen săn đuổi và liều mình với bò tót tại nước Tây Ban Nha bắt nguồn từ 2 thứ : đấu trường La Mã và các trang trại chăn nuôi bò tót. Bây giờ, tôi sẽ giải thích kỹ hơn về truyền thống chăn nuôi bò tót của Tây Ban Nha bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến lịch sử phát triển Corrida. Đến điểm này, chắc chẳng có gì ngạc nhiên khi biết rằng quê hương của corrida chính là tại những thảo nguyên rộng lớn, hay chính xác hơn là vùng Andalusia phía nam Tây Ban Nha.

Sau khi đế chế La Mã tan rã thì cả một lãnh thổ rộng lớn do người La Mã quản lý bị cắt xén thành nhiều mảnh. Thời trung cổ là thời kỳ tiếp theo ngay sau khi đế chế La Mã tan rã và đặc thù của thời kỳ này là sự xuất hiện của những loại địa chủ sở hữu rất nhiều đất đai rộng lớn. Và tại Tây Ban Nha, hoạt động nông nghiệp duy nhất có thể tồn tại được tại vùng Andalusia khô cằn là chăn nuôi bò tót ! Những tên địa chủ này làm giàu nhờ hoạt động này và theo dòng thời gian, họ trở thành giới quý tộc. Trong suốt thời kỳ trung cổ cho đến tận thế kỷ XV, giới quý tộc Tây Ban Nha nói riêng và Châu ÂU nói chung ưa chuộng việc săn bắn như là một môn rèn luyện thể thao. Và thế là lại một lần nữa, thú săn  bò tót xuất hiện và rộ lên ở miền nam Tây Ban Nha.  

Từ thời kỳ phục hưng, từ việc chỉ là thú săn bắt để rèn luyện thể thao, đối đầu với bò tót trở thành một cách phô diễn nghệ thuật trước công chúng và được tổ chức khi có những sự kiện quan trọng (vua sinh ra hoàng tử, quận chúa đón chào nhà vua…).  Kể từ thế kỷ XV, đối đầu với bò tót chỉ giới hạn trong giới quý tộc và hoàng gia Tây Ban Nha. Nhưng dần dần, những người đối đầu với bò tót (torreros) được mở rộng hơn và các cách thức cũng như trang phục cũng tiến hóa theo thời gian. Có lẽ phải đợi đến thế kỷ XIX thì corrida mới có kiểu cách khá gần với thời nay.

Tuesday 17 April 2012


Flamenco…ah….điệu nhảy sexy của những người phụ nữ Tây Ban Nha với tà váy bồng bềnh nhiều tầng và cặp đùi thon thả. Là biểu tượng của Tây Ban Nha và là niềm tự hào của họ nhưng có lẽ người dân vùng Andalusia sẽ là những người tự hào hơn cả vì điệu nhảy này sinh ra tại chính vùng đất của họ.

Nguồn gốc lịch sử
Đến vùng Andalusia, có thể dễ dàng nhận thấy là vùng này có rất nhiều ảnh hưởng của nét văn hóa Trung Đông. Tất nhiên là phải kể đến  quá khứ đạo hồi nhưng riêng với điệu  flamenco phải kể đến tầm ảnh hưởng của người dân du mục Zigan. Xuất xứ từ miền bắc Ấn Độ xa xôi, dân du mục Zigan đi phiêu bạt qua Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Châu Âu khác và phải mất vài trăm năm họ mới đến sống định cư ở vùng Andalusia, vào khoảng thế kỷ X. Đến đây, họ mang theo truyền thống nhảy múa của họ cũng như trang phục váy nhảy rất đặc trưng. Dần dần theo thời gian, họ pha trộn những yếu tố địa phương, đặc biệt là lối văn hóa ảrập và Tây Ban Nha để rồi tạo ra điệu nhảy flamenco ngày nay.  Với nguồn gốc du mục của mình, người Zitan hay bị khinh rẻ và nằm ngoài lề xã hội. Điệu nhảy flamenco vì thế có giá trị tinh thần rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của họ vì nó giúp họ yêu đời hơn và quên đị sự hắt hủi của xã hội. Và theo truyền thống xưa kia, phụ nữ nhảy flamenco cũng giống như người hát quan họ Bắc Ninh. Họ không theo bất cứ một trường lớp chính thống nào về flamenco mà là do tự học ngày này qua ngày khác hoặc mẹ truyền con nối. Có thể khẳng định rằng điệu nhảy flamenco có nguồn gốc của tầng lớp hạ đẳng của xã hội, bị cấm đoán rất nhiều đặc biệt là kể từ khi người Tây Ban Nha chinh phạt toàn bộ vùng Andalusia và áp đặt văn hóa thiên chúa giáo của họ. 


 Điệu flamenco sống trong thầm lặng trong vòng vài trăm năm và chỉ khép kín trong những cộng đồng du mục Zigan. Phải chờ đến thế kỷ XIX điệu flamenco mới mở rộng ra cho công chúng, một phần cũng là do chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra những điều luật ít khắt khe hơn với người Zigan và cho phép họ giao lưu với các tầng lớp xã hội khác. Bắt đầu từ thời điểm đó, rất nhiều quán bar có show diễn nhảy sinh ra và flamenco trở lên rất thịnh hành. 

Theo nguyên gốc, điệu flamenco chỉ có phụ nữ nhảy và được sự hỗ trợ nhạc nền bởi một ca sĩ nam, một người chơi guitar và một người vỗ tay làm nhịp

 Bộ ba vũ công-hát-ghita trở thành những yếu tố không thể thiếu của điệu flamenco. Phong trào “xuất khẩu” flamenco ra thế giới cõ lẽ bắt đầu từ những năm 1938 khi rất nhiều người dân Tây Ban Nha di cư sang các vùng khác nhằm trốn chạy khỏi chế độ độc tài Franco cũng như thế chiến thứ 2. Ban đầu là các nước Châu Âu khác như Pháp, Đức, Anh rồi sau này là Úc, Hoa Kỳ, Châu Mỹ latinh và trong vòng hơn 20 năm trở lại đây là Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Ngày nay, các show diễn hay có thêm vũ công là nam và hay có kiểu nhảy nhiều người chứ không có kiểu một người như hồi trước

Một điều khá thú vị mà tôi nhận ra, đó là ngay tại vùng đất sinh ra nó, điệu flamenco lai không duy trì được. Các trường dạy nhảy cũng như vũ công quá nhiều dẫn đến việc họ phải kiếm kế sinh nhai ở nước ngoài như Mỹ hay Nhật. Số lượng học viên flamenco tại nước ngoài chắc chắn nhiều hơn so với chính học viên người Tây Ban Nha. 
Khi điệu flamenco xuất khẩu ra quốc tế cũng là lúc sự pha trộn với các dòng nghệ thuật khác bắt đầu. Ở đây là sự pha trộn với múa balê

hoặc là pha trộn với kiểu hát kịch opera
 Nguồn gốc của từ Flamenco
Không có sử sách nào ghi lại nguồn gốc của từ flamenco nhưng cũng có một số giả thuyết. Có người cho rằng từ này là một dạng biến thái của từ felag mengu, trong tiếng ảrập có nghĩa là « người nông dân u sầu », ám chỉ hoàn cảnh những người Zitan bị hoàng gia Tây Ban Nha đuổi đi sau khi các vương quốc hồi giáo thất thủ. Một số giả thuyết khác cho rằng flamenco ám chỉ vùng đất Flamand, lãnh thổ nước Bỉ+Hà Lan ngày nay. Vùng Flamand vào thế kỷ XV đã từng là chư hầu của hoàng gia Tây Ban Nha. 

  

Friday 13 April 2012


Andalusia, một cái tên lừng danh ở Châu Âu bởi quá khứ đầy biến động của nó. Đây là điểm gặp nhau giữa Thiên Chúa giáo và đạo Hồi, nơi của những thù địch nhưng cũng là nơi của sự kết hợp hài hòa. Tôi chỉ thực sự biết đến vùng này khi trải qua khóa học về lịch sử tôn giáo và đặc biệt là giai đoạn lịch sử Reconquista , khi mà quân đội hoàng gia Tây Ban Nha theo đạo Thiên Chúa giáo dần chiếm thế thượng phong và thôn tính toàn bộ các vương quốc đạo Hồi ở miền nam, nay là vùng Andalusia. Hai tuần phiêu du trên vùng đất nóng hơn 40 độ mùa hè đã giúp tôi hiểu được nhiều điều thú vị tại một trong những cái nôi của nền văn hóa Tây Ban Nha hiện đại. Chẳng phải điệu flamencosinh ra ở đấy đó sao ? Chẳng phải những chiến dĩ đấu bò tót corrida huyền thoại cũng sinh ra ở đây đó sao ? Và cũng tại đây, tôi được nghe danh đến dòng nghệ thuật kiến trúc mudejar, một sự kết hợp tuyệt hảo giữa dòng gô-tích Thiên Chúa giáo và các họa tiết đạo Hồi

Một chút lịch sử
Cái tên Andalusia bắt nguồn từ Vandalusia, « vùng đất của người Vandal », một trong số rất nhiều dân tộc xuất hiện vào thế kỷ thứ V sau khi đế chế La Mã sụp đổ. Người Vandal cũng không sống được ở miền nam Tây Ban Nha lâu dài vì ngay vào thế kỷ VIII, người ảrập từ Trung Đông xa xôi tiến hành một cuộc chinh phạt chưa từng thấy trong lịch sử. Họ đi từ Ai Cập, xâm chiếm tất cả các quốc gia Bắc Phi rồi tiến lên miền nam Tây Ban Nha và làm mưa làm gió tại quốc gia này trong vòng vài trăm năm. Phải đợi đến thế kỷ XI, với sự bảo hộ của các quốc gia Châu Âu khác (Pháp, Ý, Đức), người Tây Ban Nha dần dần hùng mạnh và tiến hành một cuộc trinh phạt nhằm đòi lại những vùng đất bị người ảrập chiếm. Cuộc trinh phạt đó kéo dài hơn 300 năm đến tận thế kỷ XV và được gán cái tên là Reconquista, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « xâm chiếm lại ». Các tiểu vương quốc ảrập tại Tây Ban Nha thất thủ và bị thôn tính từng vùng một, duy nhất chỉ có vương quốc Hồi giáo ở vùng Andalusia là cứng đầu hơn cả. Họ chiến đấu rất kiên cường và nhiều khi khiến quân đội Tây Ban Nha chùn chân. Chiến tranh diễn ra kiểu vòng vo tam quốc và phải đợi đến năm 1492 thì toàn bộ người ảrập mới bị đuổi khỏi lãnh thổ Tây Ban Nha. 

Trận đại chiến năm 1492 đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của người Hồi giáo trên đất Tây Ban Nha trong vòng hơn 700 năm
 Tất nhiên, người ảrập bị đuổi nhưng những công trình kiến trúc Hồi giáo vẫn còn đó và nhiều người dân vẫn còn theo phong tục tập quán đạo Hồi. Hoàng gia Tây Ban Nha đã tiến hành công cuộc « diệt cỏ tận gốc ». Họ cho phá hủy rất nhiều di sản Hồi giáo và bắt người dân chuyển sang đạo Thiên chúa. Nhưng người Tây Ban Nha rất khôn, họ tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật Hồi giáo và quyết định chiêu nạp những nghệ nhân tinh tú nhất thời bấy giờ để chế biến ra dòng kiến trúc mới gọi là Mudejar

Dòng kiến trúc Mudejar đặc trưng với nghệ thuật điêu khắc rất tỉ mỉ trên bề mặt các bức tường và cột. Người ta có cảm giác như nghệ nhân đẽo gọt bằng kéo trên từng milimét đá
Từ này trong tiếng Tây Ban Nha ám chỉ những nghệ nhân vốn dĩ theo đạo Hồi nhưng được hoàng gia trọng dụng nên chuyển sang đạo Thiên Chúa và phục vụ tận tình cho triều đình.

Di sản kiến trúc Âu-Hồi
Dưới thời các vương quốc ảrập, vùng Andalusia hoàn toàn mang đậm phong cách sống Trung Đông. Các vị vua chúa cho xây lên các công trình kiến trúc tráng lệ và vẫn còn tồn tại đến ngày nay để rồi trở thành những địa danh thu hút hàng triệu du khách năm châu. 

 Cung điện Alhambra của Granada là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo trong lối kiến trúc. Đây là minh chứng hùng hồn nhất cho cho sự tồn tại của người ảrập trên đất Tây Ban Nha trong vòng hơn 700 năm. 

 Nhưng cuối cùng, họ cũng phải cuốn gói ra đi khi thành Granada thất thủ trước quân đội hoàng gia Tây Ban Nha vào năm 1492. Rất nhiều công trình kiến trúc Hồi giáo bị phá hủy nhưng Alhambra đã tồn tại một cách phi thường 

 Sevilla, nổi bật với quảng trường Plaza de Espana, khánh thành nhân dịp triển lãm quốc tế năm 1929. 

Văn hóa phương đông có nhiều ảnh hưởng đến nét kiến trúc vùng Andalusia. Ở đây là việc sử dụng chất liệu sành sứ, và quê hương của nó đến từ Trung Quốc. Vào thế kỷ XVI, Tây Ban Nha là một đế chế toàn cầu và có nhiều trao đổi thương mại với nhà Minh thời bấy giờ và không khó để hiểu ra rằng hoàng gia Tây Ban Nha ưa chuộng lối hoa văn sặc sỡ trên các tấm bình phong.
 Tháp Giralda, biểu tượng của mối quan hệ phức tạp của hai đạo láng giềng Thiên chúa và Hồi. Dưới sự ngự trị của người ảrập, Giralda là tháp chuông của một nhà thờ Hồi giáo. Nhưng khi toàn bộ vùng Andalusia rơi vào tay người Tây Ban Nha, tháp bị chuyển thành tháp chuông của nhà thờ Thiên chúa giáo. Người Tây Ban Nha muốn rằng tôn giáo của họ phải áp đảo Hồi giáo nên cho xây rất nhiều công trình kiến trúc ngay trên nền móng của nhiều công trình Hồi giáo như một sự trả thù ngọt ngào.

 Nhà thờ Cordoba là biểu tượng chiến thắng của Thiên chúa giáo trước người ả rập. Dưới thời các tiểu vương quốc hồi giáo, đây là nhà thờ hồi giáo lớn nhất Châu Âu. Nhưng khi người Tây Ban Nha xâm chiếm lại vùng Andalusia, một phần công trình kiến trúc bị thay đổi để rồi bị chuyển hóa thành một nhà thờ thiên chúa giáo. 

 Người Tây Ban Nha vẫn thường gọi nhà thờ Cordoba với cái tên trìu mến là Mezquita. Tuy rằng có vai trò là một nhà thờ thiên chúa giáo, công trình kiến trúc này vẫn giữ nguyên vẻ bề ngoài đậm chất ảrập. Ví dụ như bức tường này là đặc trưng của kiểu kiến trúc hồi giáo. Tường hầu như kín bít không có mấy cửa vào. Người xem bị ấn tượng ngay bởi các họa tiết cực kỳ chi li trên từng bề mặt đá. 

Cổng vào có dáng hình vó ngựa là nét kiến trúc đặc trưng của người ả rập. Có thể tìm thấy những cánh cửa như thế này tại các quốc gia hồi giáo như Marốc, Syria hay Ai Cập
 Các « pueblos blancos»
Vùng Andalusia nổi tiếng là một vùng có khí hậu rất khắc nghiệt bởi sự hiện diện của nhiều dải núi như Sierra Nevada và Sierra Morena. Xưa kia, những dải núi này la biên giới tự nhiên giữa hai chiến tuyến : một bên sườn núi là các vương quốc Hồi giáo và bên kia là quân đội hoàng gia Tây Ban Nha theo Thiên Chúa giáo. 

 Nhằm tránh sự tác động của chiến tranh, người dân địa phương đã di tản và sinh sống ở sườn núi, một địa thế khá hiểm trở. Các ngôi nhà được xây dọc theo sườn đồi và sơn màu trắng muốt để tránh cái nóng khủng khiếp mùa hè, vì thế người ta mới gọi là pueblos blancos, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « ngôi làng trắng ». 

 Arcos de la Frontera là một trong những pueblos blancos nổi tiếng nhất vùng Andalusia. Cũng giống như phần lớn các ngôi làng cùng kiểu, đây vốn dĩ là vùng đất của người Hồi giáo trong vòng vài trăm năm và có cái tên ảrập là Medina Arkosch. Khi thất thủ trước người Tây Ban Nha, ngôi làng được chuyển tên Arcos de la Frontera.

 Ngôi làng trông từ xa thì có vẻ nhỏ nhưng khi tiếp cận, ta có cảm giác như lạc vào mê cung các nẻo đường nhỏ ngoằn ngoèo với những bức tường sơn trắng muốt. Mục đính xây các nẻo đường như vậy là để quân xâm lược bị lạc đường và nhờ đó người dân có thêm thời gian để tìm chỗ ẩn náu. 


Zahara de la Sierra là ví dụ điển hình nhất cho cuộc sống làng mạc vùng Andalusia trong thời chiến Âu-Hồi. Với mục đích bảo vệ lãnh thổ, các vị vua Hồi giáo cho xây dựng một loạt các pháo đài kiên cố dọc biên giới. Để có được sự chuẩn bị tốt về mặt hậu cần, làng mạc mọc lên xung quanh pháo đài để tiếp tế lương thực. 

  Cũng được xây trên một địa thế hiểm trở nhưng Ronda hơi khác một chút so với các làng mạc khác. Thay vì xây trên sườn đồi, làng Ronda được xây trên đỉnh một mỏm núi. Trước kia, để đến được ngôi làng là phải thả dây xuống và lên từng người một chứ không có cầu đường gì hết. Thế nên trong vòng vài trăm năm, Ronda chưa bao giờ bị quân đội Tây Ban Nha động đến. 



Tuesday 20 March 2012


Thật là bất công nếu như chỉ nói đến câu lạc bộ bóng đá FC Barcelona khi nói về thành phố Barcelona. Thành phố này còn là nơi của giới trẻ, nơi của những hộp đêm, nơi của cuộc sống về đêm, nơi của những party, và là nơi của nghệ thuật kiến trúc hiện đại. Và nếu như tôi đến đây, chắc chắn là để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc táo bạo, những ví dụ mà tôi đã được nghe qua trên giảng đường đại học

Khu phố cổ barrio gotico
Ngược theo dòng thời gian, tôi bắt đầu cuộc khám phá của mình từ khu phố cổ barrio gotico. Trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « khu phố trung cổ ». Điều đó cũng đủ để nói lên rằng khu này có nguồn gốc từ thời trung cổ và một số tòa nhà quan trong trọng nhất như trụ sở tòa thị chính và nhà thờ lớn đều theo dòng kiến trúc  gôtích. Tại đây là một mê cung các nẻo đường nhỏ và rất yên bình do chỉ người đi bộ mới được phép đi lại. Đó là một điểm khiến du khách tìm đến đây vì thông thường người ta hay nghĩ đến Barcelona với những tòa nhà hiện đại hơn. 




 Quảng trường Plaza Reial là điểm dừng chân hợp lý sau khi thăm khu phố cổ  barrio gotico. Cũng là một trong những điểm du lịch chính của thành phố nên cũng có nhiều khác du lịch.

 Palau Naioncal, trụ sở của viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia. Được xây dựng nhân dịp triển lãm 1929 trên ngọn đồi Montjuic. Từ đỉnh đồi có thể ngắm toàn cảnh Barcelona tuyệt đẹp

 Kiến trúc sư Antoni Gaudi, người con của xứ Catalan
Nói đến kiến trúc hiện đại của Barcelona, không thể không nói đến vị kiến trúc sư tài ba này, người đã có những đóng góp to lớn cho thành phố với những  công trình kinh điển được Unesco công nhận là di sản thế giới. 


La Sagrada Familia, tác phẩm nghệ thuật còn dở dang của kiến trúc sư Antoni Gaudi được công nhận là di sản văn hóa thế giới bởi Unesco năm 2005. Tất cả bắt đầu vào năm 1882, Giáo chủ Thiên Chúa giáo Pie IX khởi xướng một cuộc cách mạng nhằm khôi phục lại lòng tin vào chúa trong thời điểm và tín ngưỡng bị cạnh tranh nghiêm trọng bởi sự tiên tiến của khoa học. Nhà thờ Sagrada Familia được xây dựng như một biểu tượng của lòng tin vào chúa, là cầu nối đoàn kết của người dân Catalan sùng đạo. 

Trọng trách xây dựng được giao cho Gaudi, bản thân cũng là một người sùng đạo và coi việc thi công này nhưu « nhiệm vụ của chúa ». Tất cả tâm huyết cuộc đời của ông đều nằm ở đây với 16 năm cặm cụi. Thật không may mắn là ông qua đời sau một tai nạn giao thông năm 1926. Vào thời điểm ấy, nhà thờ Sagrada Familia mới chỉ được hoàn thành một phần tường bao bọc, một cửa vào, phần thánh đường. Công trường vẫn được thi công theo bản phác thảo của ông mặc dù gặp nhiều gián đoạn do bất ổn chính trị và chiến tranh. Năm 2011, công trình đã được lợp mái và theo dự kiến phải đến năm 2040 thì mới hoàn thành 100% !!! 
Việc thi công theo ý tưởng của Gaudi không phải là không có khó khăn. Những vật liệu xây dựng hiện tai chưa chắc đã là những vật liệu mà Gaudi muốn sử dụng. Tiếp đến, theo như bản thiết kế của ông, có rất nhiều chi tiết đòi hỏi kỹ thuật xây dựng để làm sao giữ được cân đối công trình khi sử dụng quá nhiều khối đá lớn. Cái này chưa bao giờ được Gaudi phổ biến trước khi mất.
 Công viên Guell, một tác phẩm nghệ thuật khác của Gaudi. Và cũng giống như Sagrada Familia, công trình này còn dở dang khi Gaudi mất. Vào năm 1900, một thương gia khét tiếng Eusebi Guell mong muốn xây dựng một khu công viên kiêm  chung cư với mục đích kinh doanh và yêu cầu Gaudi thiết kế.  Nhưng vào năm 1914, kế hoạch xây dựng hao tổn kinh phí nhiều hơn dự kiến và bị đổ bể và chính quyền thành phố quyết định biến khu vực thành công viên công cộng. Điểm đặc trưng của công viên Guell nằm ở sự xuất hiện của sành sứ nhiều màu như là vật liệu trang trí chính cộng với bêtông.

 Ngay từ cổng vào, tôi đã bị làm ngạc nhiên bởi những ngôi nhà có hình dáng kỳ dị. Hình nấm ? Hay là nhà hình bánh mì ?


Một con thằn lằn lửa nhiều màu tiếp đón du khách tại chân cầu thang, đường dẫn lên một khu rừng cột đá (84 cột). Và ngay trên đó là nóc của khu vườn nơi có thể ngắm toàn cảnh thành phố. 


Dấu ấn của Gaudi không dừng lại ở công viên Guell hay nhà thờ Sagrada Familia mà còn ở vô số chi tiết trên các con đường và tòa nhà của Barcelona. Hơi ngoài khu phố cổ một chút, tôi lại có dịp chiêm ngưỡng những ngôi nhà với hình thù quái dị của Gaudi. Trên đại lộ Passeig de Gracia, tòa nhà Casa Batllo, cũng được công nhận bởi Unesco. 

 Kết thúc vào năm 1910, ngôi nhà có bề mặt lượn sóng và làm bằng đá màu kem. Tòa nhà có biệt hiệu « la Pedrera » (đá thô) bởi những người đối lập với Gaudi. Cũng phải nói rằng vào đầu thế kỷ 20 mà xây lên những hình thù kỳ dị như thế này thì cũng không tránh khỏi lời ra tiếng vào. 

Ngay tiếp đến là một tòa nhà khác ấn tượng không kém : la Casa Amatller, thiết kế vào năm 1900 bởi kiến trúc sư Puig i Cadafalch, một trong những người tiên phong trong dòng nghệ thuật Art Nouveau xứ Catalan. 

 Lại thêm một tác phẩm nghệ thuật nữa, la Casa Lleo Morera, thiết kế bởi kiến trúc sư Luis Domenech i Montaner.


Những ý tưởng kiến trúc mới thời hậu Gaudi…

 Tháp Agbar, tòa nhà chọc trời 145m biểu tượng của Barcelona. Được thiết kế bới kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel, công trường kết thúc năm 2005 và được liệt vào danh sách những công trình kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ 21.  Điểm đặc biệt của công trình này là toàn bộ được lợp một lớp kính cho phép tỏa ra những màu sắc khác nhau tùy thuộc vào nhiệt độ của anh sáng mặt trời rọi vào. Các ô cửa kính có thể tự động điều chỉnh mức mở rộng sao cho phù hợp, qua đó tiết kiệm được tối đa năng lượng. Người xem có nhiều phỏng đoán phong phú về hình thù của tòa nhà lắm, người thì bảo nó giống một viên đạn, người thì lại bảo nó giống….bao cao su !!

 Không quá xa tháp Agbar là Museu Tauri, viện bảo tàng về nghệ thuật đấu bò tót. Nó nằm trong một góc của đài đấu bò tót. Tất nhiên, không hoành tráng như đấu trường của Madrid nhưng Museu Tauri vẫn rất đẹp với lối kiến trúc pha trộn giữa Mudéjar và Byzantin.

Hành trình khám phá tâm hồn Barca ngày nay
 Quảng trường Plaza Catalunya, mọc lên vào năm 1854 và là trung tâm thương mại sầm uất nhất của thành phố với nhà bank, khách sạn và cửa hàng đồ hiệu. Đây là điểm tập kết của giới trẻ Barcelona trước khi rủ nhau đi đến một quán bar nào đó. Đối với cá nhân tôi, đây không phải là một quảng trường đẹp nhưng nó lại là một trong những biểu tượng của thành phố bởi vai trò là đầu não của hệ thống giao thông của thành phố. Hầu như tất cả các tuyến tàu điện ngầm và xe bus đều tập trung tại đây nên nếu có lạc đường thì cứ quay lại đây là OK.

 Las Ramblas dài 1,2km kéo dài ra tận bờ biển, là một trong những con đường đông người nhất và tất nhiên cũng là nơi có nhiều dân ăn cắp ăn trộm nhất. La Rambla (số ít) hay Las Ramblas (số nhiều) ? Theo như người dân địa phương, phải dùng số nhiều mới đúng. Thật vậy, nhìn trên bản đồ thì đúng là chỉ có một con đường thẳng tắp, nhưng trên thực tế, đường thẳng này được phân khúc thành nhiều vùng khác nhau : Rambla de Canaletes, Rambla del estudis, Rambla de las flores, Rambla del caputxin, Rambla de Santa Monica, Rambla del Mar.
 Người thật đóng giả làm tượng đá…một bài báo địa phương nói rằng những người làm nghề này đôi khi kiếm được đến hơn 3000euro/tháng. Thế thì hiển nhiên là nhiều người sẽ trục lợi và số lượng người hành nghề sẽ tăng lên

Ma cây
woah!!Cái bang trình độ cao đây
  Trước tình trạng đó, chính quyền địa phương đã ra điều luật mới, chỉ hạn chế 15 điểm hành nghề có cắm cọc đàng hoàng và chỉ cho phép hành nghề trong những khoảng giờ nhất định. Và những ai hành nghề chính thức ở đây phải trải của một kỳ thi để chứng tỏ tài năng của họ…

Nghỉ giải lao cái
Cửa hàng bánh ngọt Escriba đập vào mắt tôi bởi khẩu hiệu : « No solo hacemos pasteles, creamos ilusiones » (chúng tôi không chỉ làm bánh gatô, chúng tôi tạo ra những ảo tưởng). Qủa đúng vậy, bánh ga tô gì mà lại có những hình thu trông như vật dụng vậy. Có những chiếc nhẫn làm bằng caramel với đủ các sắc màu, rồi những bức tranh mà có thể ăn được…




Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống