Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Tự tình. Show all posts
Showing posts with label Tự tình. Show all posts

Tuesday, 2 April 2013

Không biết có quốc gia nào trên thế giới giống nước ta: Mỗi làng cổ bao giờ cũng có một ngôi đình. Đình thờ thành hoàng, người có công lập ấp mở mang nghề nghiệp chăm lo cho dân, hoặc có công đánh giặc giữ nước.

Đình làng còn là cái "trụ sở" của thôn, là nơi để các cụ tiên chỉ và chức sắc của thôn bàn việc, xử các rắc rối trong thôn theo hương ước. Rồi việc làng còn có cả khoản... cỗ bàn đánh chén tại đình.

Đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với tâm hồn của mọi người dân Việt, là nơi chứng kiến những sinh hoạt, lề thói và mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ….

Đã từ rất lâu rồi, khi nói đến văn hoá làng, nói đến nông thôn Việt Nam, người ta liên tưởng ngay tới những hình ảnh rất đặc trưng, làm nên biểu tượng của làng quê: cây đa, bến nước, sân đình…

Ngôi đình làng có thể được xem là "địa chỉ đỏ" của mỗi người, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi có việc làng. Trong khuôn viên của ngôi đình thường có cây đa cổ thụ, bóngrâm mát, hồ senvà một khoảng sân vẫy gọi chim về làm tổ.

Lúc đầu, đình chỉ có chức năng như ngôi nhà lớn của cộng đồng, là nơi hội họp, nộp sưu thuế vànơi nghỉ cho khách lỡ đường. Về sau, triều đình phong kiến mới sắc phong cho những vị có công với nước làm Thành Hoàng làng (sống làm tướng, thác làm thần). Vì vậy đình kiêm chức năng nữa là thờ vị Thành Hoàng - người có công khẩn đất, lập làng.

Ngoài Thành Hoàng làng, tùy theo thực tế của làng, mỗi ngôi đình làng có thể thờ các vị thần, thánh khác do mỗi làng tôn thờ, hoặc việc thờ cúng các vị thần theo sắc phong của Nhà vua, tất cả đều được rước vào đình thành một tập thể siêu thần, thành một sức mạnh vô hình, tạo niềm tin, niềm hy vọng của làng xã Việt Nam.

Việc vinh danh, tôn thờ những người có công to lớn đối với làng cùng với vị trí của nơi đặt đình làng và cách thức bày biện nội thất ngôi đình đã làm toát lên vai trò đây là nơi quan trọng bảo vệ, che chở cho mỗi làng trước các biến cố của tự nhiên và đời sống xã hội…
Cũng có thời kỳ, đình làng là trụ sở hành chính của chính quyền tựu trung đủ mọi lề thói từ rước xách hội hè, khao vọng quan trên, đón người đỗ đạt…

Đình làng gần như đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Bên cạnh đó, đình làng cũng là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống nông thôn cần có sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy, đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi che chở, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam.

Ngôi đình Việt Nam cổ kính, trang nghiêm và là công trình kiến trúc văn hoá mang tính dân tộc. Kiến trúc đình làng vì vậy cũng mang đậm dấu ấn văn hoá độc đáo và tiêu biểu cho điêu khắc truyền thống.
Đình thường cao ráo, thoáng mát, được dựng lên bằng những cột lim tròn, to và thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Kèo, xà ngang, xà dọc được làm bằng gỗ lim, tường xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói múi hài 4 góc có 4 đầu đao cong vút lên như đuôi chim phượng uốn cong.

Sân đình lát gạch, trước đình có hai cột đồng trụ vút cao, trên đình có một con nghê. Gian giữa có hương án thờ vị thần của làng. Chiếc trống cái được đặt trong đình để vang lên theo nhịp trống ngũ liên thúc giục người dân về đình tụ tập để bàn tính công việc của làng, của nước. Vào ngày lễ tết, dân trong làng tới đình thắp hương tế lễ, cầu mong Thành Hoàng làng và trời đất phùgiúp mưa thuận gió hoà để mùa màng gặt hái thuận tiện và có nhiều phúc lành.

Tiết xuân về, giữa cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, ấm áp và thân thuộc; già, trẻ, gái, trai nô nức đến sân đình mở hội. Ngôi đình là nơi diễn ra các nghi lễ phong tục tập quán, trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, đánh đu, kéo co, thi thổi cơm… góp thêm hồn cho lễ hội và phát huy giá trị văn hóa địa phương, góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá, đánh thức quan niệm sống truyền thống nhân nghĩa, đức độ và hào hùng.
Lễ hội ở đình trở nên linh thiêng và có sức cộng cảm. Mọi khía cạnh đời thường được nâng lên không gian thiêng liêng.

Những người con xa xứ ai ai khi nhớ về quê hương đều không quên hình ảnh đình làng - chứng tích tâm hồn, nhân chứng lịch sử bởi đó cũng chính là một mảnh hồn quê…

Du lịch, GO! - Theo Cinet.vn, Dân Việt, internet

Monday, 1 April 2013

Phố Cáo nằm bên đường của quốc lộ 4C nối Hà Giang với huyện địa đầu cực bắc Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Xã Phố Cáo có khoảng 5000 nhân khẩu, gồm bốn dân tộc Mông, Hán, Dao, Pu Péo, trong đó người Mông chiếm tới 90%. Chợ phiên Phố Cáo họp 6 ngày/phiên.

< Phố Cáo khoác lên mình sắc màu của hoa mận trắng muốt, hoa cải vàng rực.

Thị tứ nhỏ với vài nóc nhà nằm rải rác dọc con đường, nhà nào cũng tường đất, cổng gỗ, bờ rào đá, thứ kiến trúc đặc trưng của người Mông ở Hà Giang. Nhà cửa ở đây làm bằng tường trình với hàng rào đá xung quanh và người Mông ở đây còn giữ nguyên trang phục, các nét sinh hoạt truyền thống.

< Sở dĩ người bản địa gọi nơi đây là Phố Cáo vì kiến trúc của xã theo lối bàn cờ, nhà liền nhà như phố và được ngăn cách nhau bởi những bức tường đá.

Phố Cáo là một địa chỉ du lịch không thể bỏ qua khi du ngoạn công viên địa chất, cũng là một trong những điểm dừng chân thú vị trên đường “phượt” của dân du lịch bụi trong mọi hành trình đến với Đồng Văn.

< Phố Cáo là nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà trình tường được xây dựng theo lối truyền thống của người Mông.

Tôi đã qua Phố Cáo vào những ngày mây mù, mù dày đặc đến nỗi có thể cảm nhận dùng tay cắt xén mù thành những miếng bánh như người Mông dễ dàng cắt mèn mén ở chợ Phố Cáo.

< Trên đường tới trường.

Cũng có lần tôi qua Phố Cáo vào một ngày nắng đẹp, anh bạn Tiến đưa tôi đi chợ Phố Cáo như lạc vào mê cung của sắc màu thổ cẩm. Nhưng lần này, Phố Cáo của tôi lại khoác lên mình bộ cánh rực rỡ bởi sắc màu của hoa đào, hoa mận.

< Xuân bên hiên nhà.

Nghĩ cũng lạ, cả cao nguyên đá bao la ngun ngút màu xám ngắt của đá tai mèo, vậy mà đất trời lại ban cho vùng này một loại cây mềm mại, có sức sống dẻo dai và đặc biệt xuân về có hoa như thắp lửa giữa mênh mông đá. Tôi quen anh bạn Tiến của tôi cũng gắn liền với loài hoa này.

Có lần đi ngang qua Phố Cáo, thấy Tiến định chặt cây đào già nhiều nụ trước cửa nhà mình bán cho một khách chơi thì tôi ngăn lại. Trong tâm thức, tôi có ý định sẽ chụp bức ảnh cây đào này vào buổi sáng mai khi nắng ló rạng sau dãy núi đá xa hoặc khi khói chiều lên trên mái ngói âm dương nhuốm màu thời gian nhà Tiến.

< Thu hoạch cải trên những thửa ruộng bên nhà.

Tôi hỏi Tiến: “Cây đào này trồng bao lâu rồi?”. Tiến nói bâng quơ: “Tao không biết, cây này ông tao lên Lũng Cú lấy về trồng, nó đã có hoa từ khi tao còn bé, không biết được đâu”. Tôi lại hỏi: “Đẹp thế sao chặt đi, phí sức ông mày trồng”. Tiến lặng im một lúc rồi nói trống không: “Ờ, không chặt để bán nữa”.

< Bình yên Phố Cáo.

Lần này, cây đào trước cửa nhà Tiến đẹp rực rỡ. Thân cây ám một màu đen mốc xịt như xù mình để chống chọi lại cái lạnh mùa đông. Từ những điểm mốc meo đó lại mọc ra những bông hoa hồng thắm rực rỡ. Cũng chỉ có cái sắc hồng phai điểm tô cho cả một vùng đá xám xịt là tín hiệu của mùa xuân, của riêng Phố Cáo mà đã đến thì sẽ say mê, mộng du như lạc vào một chốn thần tiên nào đó.

< Hoa cải ngập tràn các thửa ruộng quanh Phố Cáo.

Tôi không thể nào hòa phối sắc hồng phai của hoa đào, màu trắng tinh khôi của hoa mận, màu xám của đá, màu rêu xanh của những ngôi nhà trình tường và màu hoa cải vàng rực quanh bản thành một bức tranh hữu tình. Có lẽ vì thế, Phố Cáo luôn mới trong mắt lữ khách, mỗi người luôn có một góc Phố Cáo trong hồn và nhớ đến mỗi khi mệt mỏi hay muốn thoát ra khỏi vòng quay ồn ào của phố thị.

Du lịch, GO! - Theo Báo Ảnh VN

Friday, 22 March 2013

Khi bài này lên net thì bọn mình đã khởi hành đi Bình Phước vào lúc 4h30 sáng. Bốn tháng nằm nhà do nhiều vấn đề phát sinh, nay có lẽ cũng cần một chuyến vi vu cho khuây khỏa tâm trí. Vậy là đi... dù sức khỏe của chính mình không được 'ngon' lắm do bia bọt từ các tiệc đám cưới (2 đám) và cả đám giỗ vừa qua (hi hi).

Đã xa quá xá quà xa tết nhất lẫn tháng Giêng... nhưng vẫn là chuyến đầu tiên trong năm (không tính kỳ đi đám cưới ở Cần Giờ). Vậy nhưng chuyến đi Bình Phước này chắc cũng là một chuyến ngắn gọn thôi vì bọn mình chỉ có 3 ngày: Hơn một ngày đi về, còn lại là thời gian chạy rông chơi và khám phá.

Chuyến ni cũng là khám phá một hướng khác khi rời thành phố hoa lệ Sài Gòn, một trong vài hướng còn lại ít ỏi còn lại mà bọn mình chưa từng trải qua khi rời nơi cư trú để hành trình vào một chuyến phượt.

Lộ trình bọn mình sẽ theo QL13, TL742, 741 và đích đến sẽ là thị xã Phước Long. Tiêu điểm trong chuyến sẽ là núi Bà Rá và hồ Thác Mơ.

Chưa hẳn nơi đây có nhiều cảnh đẹp (nhất là trong mùa nắng). Tuy nhiên, mình tin là nếu đi theo cung cách tỉ mỉ như bọn này... cũng sẽ lòi ra nhiều chốn hay hay. Rồi từ đó: một bài viết dài kèm với các kinh nghiệm nhỏ sẽ giúp các bạn đi sau thuận tiện và dễ dàng hơn.

Ước mong trong chuyến này, đương nhiên là mình mong sức khỏe: có tốt mới lăn lộn đường trường được. Ngoài ra, lạy Trời cho Điền Gia Dũng này không phải diện kiến dung nhan của các bác đinh tặc 'bảnh giai' do khoảng đường QL13 từng là mảnh đất màu mỡ của các bác í.

Kỳ phượt này khác mọi lần: Du lịch, GO! sẽ tự động cập nhật (mình lên chương trình sẵn) vài ngày do các nhà nghỉ mà bọn mình thuê thường không có wifi (giá bèo không hà). Vậy nhưng sau này về rồi sẽ bù lại bằng nhiều thông tin đáng xem vậy.
Chúc các bạn nhiều niềm vui, sức khỏe ok.

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!

Thursday, 14 March 2013

Suối Giàng cách trung tâm huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái khoảng 12km, có độ cao 1.370m so với mặt nước biển. Quanh năm mát mẻ, vào mùa đông sương mù mờ mịt, đi lên núi ngỡ như đi trong mây. Nơi đây nổi tiếng với trà cổ thụ Suối Giàng.

< Đường lên đỉnh Suối Giàng trải qua nhiều dốc, đèo...

1- Chúng tôi lên đỉnh Suối Giàng vào khoảng 10 giờ sáng, nhưng nơi đây ngỡ như mới hừng đông, không một giọt nắng vàng sưởi ấm. Sương mù còn lãng đãng dưới chân, mưa bụi lớt phớt, càng làm cái lạnh miền Tây Bắc vừa mơn man vừa se lạnh ngọt ngào thấm sâu vào da thịt cảm giác dễ chịu của tiết trời vào thu.

Rừng Pơmu bên kia đồi được mệnh danh là rừng vàng của núi rừng Suối Giàng mờ trắng trong mây. Dưới kia, thác Tập Lang rì rào một dòng trắng xóa như dải lụa vắt ngang lưng trời. Lờ mờ dưới chân núi, cánh đồng Mường Lò trải rộng một màu xanh. Cánh đồng lớn thứ nhì vùng Tây Bắc.

Thật thú vị khi chúng tôi vào một cửa hàng bán trà, ngoài đặc sản trà, còn có những tảng đá trên đỉnh Suối Giàng với nhiều vân đá tự nhiên tuyệt đẹp để du khách ngồi uống trà. Những giò lan vùng cao tươi thắm đong đưa trong gió từ đại ngàn mang cái giá rét thổi về lồng lộng. Giữa tiết trời lạnh giá mà ngồi nhấp nháp ngụm trà đậm đà hương vị Tây Bắc, cái hậu ngòn ngọt của trà Suối Giàng vẫn thấm sâu mãi trong lòng. Trà như ngon, như ngọt thêm khi cô gái trong bộ y phục người Mông súng sính duyên dáng, cứ nhoẻn miệng cười lúm đồng tiền xinh xắn, thỏ thẻ mời khách uống trà.

“Cây trà có hơn 500 năm tuổi, hấp thụ tinh túy của đất trời thêm xanh tươi, không hề có bón phân làm mất chất thuần khiết tự nhiên, tạo nên hương vị độc đáo của trà mang cốt cách tiên. Ai uống trà Suối Giàng như hấp thụ cả tinh túy của đất trời”, những lời như rót mật của cô gái và đôi tay dịu dàng thoăn thoắt rót trà, khiến chúng tôi không ai từ chối được. Hết bình trà này đến bình trà khác, khách mềm môi chẳng khác nào như uống rượu nồng nàn, lơ mơ say ngỡ đang lạc cảnh non bồng.

Chủ quán, một người dưới xuôi lên đây lập nghiệp đã hơn 10 năm, tâm đắc kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết của trà Suối Giàng mà anh được nghe những người lớn tuổi nơi đây kể lại: “Hơn 500 năm trước, trên đỉnh Suối Giàng xuất hiện 2 vị đạo sĩ đến đây đánh cờ. Hai ông say mê chơi cờ suốt mấy ngày liền, mặc cho trời giá rét. Thấy vậy, một cô gái trên đỉnh Suối Giàng đi hái những búp non trà mọc đầy trên đỉnh núi, pha trà mời các ông uống giải khát.

Vị trà quá ngon, càng uống, càng thấy tinh thần tinh tấn, ngồi chơi cờ suốt mấy ngày liền cũng không thấy mệt. Cô gái cho biết, do nấu trà bằng nước suối Tập Lang tinh khiết không chút mùi bùn trên đỉnh cao, còn lá trà được hấp thụ khí trời thuần khiết của mây mù gió núi, tạo nên hương vị độc đáo. Từ đó, hai vị đạo sĩ thường xuyên lên đỉnh Suối Giàng chơi cờ và thưởng thức hương vị khó quên của trà Suối Giàng.

2- Ngoài kia, con đường trải nhựa thoai thoải dốc, các cháu học sinh đi học về, những chủ nhân tương lai của đỉnh Suối Giàng. Những học sinh người Mông tung tăng trong chiếc cặp trên tay, miệng líu lo nói cười. Trường học đã lên đến núi cao, cũng có nghĩa là tri thức, văn minh đã đến với bà con nơi đây, những người mà từ xa xưa chỉ biết có rẻo cao và đồi núi chập chùng cheo leo.

< Người ta nói: "Đàn ông mặc áo vest hái chè, vị sẽ khác, mà thiếu nữ mặc váy ngắn hái chè vị lại càng khác".

Những cô gái Mông trong y phục cổ truyền, với những gam màu đỏ trong nền đen nổi bật giữa bầu trời mây mù. Đôi má ửng hồng, nét duyên dáng tự nhiên mà quyến rũ của người vùng cao mùa sương lạnh. Những bước chân mạnh mẽ của họ như không hề biết cái lạnh đang vây quanh, trên lưng gùi thực phẩm vừa mua về nhà sau khi bán hết gùi búp chè tươi.

Một cô gái cho biết họ mang nụ trà tươi đã hái từ khi gà rừng vừa gáy báo sáng để đem bán cho nhà máy chế biến. Đi hái trà vào thời điểm này tuy có lạnh, sương mù dày đặc dễ bị cảm lạnh, nhưng bù lại Nhà máy trà Suối Giàng sẽ mua giá cao vì búp trà còn ủ hơi sương, đảm bảo chất lượng trà thơm ngon, có hậu ngọt.

Bởi vậy, khi hái trà, cả nhà cùng làm, người trẻ bắt thang hái trên cao, người già hái dưới thấp, trẻ con nhẹ nhàng đu hái những búp ngoài xa. Để giữ được hương vị độc đáo của trà Suối Giàng mà không trà xứ nào có được, người trồng trà cũng nhọc nhằn vô cùng. Anh Giàng A Chiến, nguyên Giám đốc Nhà máy trà Suối Giàng, cho biết thêm: Trà Suối Giàng còn có khả năng chữa bệnh, giúp bồi bổ cơ thể chống các chứng bệnh tim mạch, thấp khớp… Bởi vậy trà Suối Giàng được các doanh nhân Nhật Bản bao tiêu toàn bộ. Do vậy, số lượng trà Suối Giàng bán trong nước không được bao nhiêu.

3- Hai người phụ nữ Mông sau khi bán xong gùi búp trà, dừng lại trước một quầy thực phẩm bên đường để mua hàng. Họ cứ mãi đếm tới đếm lui số tiền cầm trên tay, rồi suy nghĩ, rồi nhoẻn miệng cười như mếu, lắc đầu: “Không đủ tiền mua rồi”. Tôi hỏi bán búp trà được bao nhiêu tiền mà nửa ký đường cát không đủ tiền mua.

Cô gái thiệt thà trả lời: “Hôm nay hái 5kg, bán được 35.000 đồng. Đó là loại hảo hạng, toàn búp non tơ hái từ khi gà vừa gáy sáng, hái xong mang đi bán liền, nhựa còn tươi mới bán được 7.000 đồng/kg, còn loại dở hơn, chỉ bán được 5.000 đồng/kg thôi. Mà đâu phải ngày nào cũng có búp trà để hái bán, 4 - 5 ngày mới hái một lần, chỉ đủ tiền mua vài ký gạo”. Tôi ngỡ như mình nghe lầm, bèn hỏi lại, cô gái trả lời y vậy, còn giải thích thêm: “Người trồng trà Suối Giàng còn nghèo lắm, chỉ có mấy người dưới xuôi lên đây mua bán trà mới giàu, mỗi ký trà thành phẩm họ bán từ 200.000 đến 500.000 đồng”.

Tôi không khỏi chạnh lòng khi biết cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn. Bóng các cô gái Mông đã khuất xa sau đồi Pơmu, nhưng tôi vẫn còn thẫn thờ nhìn theo với cả nỗi lòng thương cảm. Anh Giàng A Giao, Phó Chủ tịch xã Suối Giàng, thấy tôi cứ mãi ngẫn ngơ dưới cơn gió lạnh, anh nắm tay tôi vào nhà anh gần đó, rót trà mời khách, Giàng A Giao cũng ngậm ngùi: “Trên đỉnh Suối Giàng này có 300 hộ đồng bào dân tộc Mông, với hơn 2.500 nhân khẩu, chủ yếu sống nhờ vào cây trà.

Ngày xưa, cây trà cổ thụ nhiều lắm, nay chỉ còn khoảng 340ha cây trà, nhưng thời gian qua có một số người dưới xuôi lên đây mua cây trà cổ thụ làm kiểng. Nhiều người dân Suối Giàng ham tiền bán cây, làm rừng trà thưa đi rất nhiều”.

Giàng A Giao chậc lưỡi xót xa: “Là giống trà cổ thụ, phát triển tự nhiên, không bón phân, nên số lượng búp trà cũng ít lắm, lại bị ép giá nên người trồng trà không thể nào vươn lên khá được, hàng năm có đến 170 hộ phải cứu đói mùa giáp hạt”. Tôi hỏi anh có phương án nào giúp người trồng trà Suối Giàng thoát nghèo, A Giao trầm ngâm: “Trước kia chúng tôi có hợp đồng với Công ty chè Văn Hưng bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, nhưng công ty này mỗi năm chỉ tiêu thụ khoảng 100 tấn, mà sản lượng búp tươi nơi đây khoảng 500 tấn/năm, rốt cuộc số lượng thừa đó cũng bị tư thương ép giá.

Để tự cứu đói, người Suối Giàng đã trồng thêm lúa và bắp. Nhưng vẫn còn quá ít, chỉ khoảng 270ha bắp, 68ha lúa, vì trên đỉnh núi muốn có một hécta lúa nước phải bỏ công khai phá rất nặng nhọc”.

Tạm biệt đỉnh Suối Giàng, quê hương của những cây trà cổ thụ trăm năm, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi trước cuộc sống nghèo nàn của bà con nơi đây. Sự xuất hiện của cây lúa, cây bắp trên núi cao, tuy chưa nhiều, nhưng dẫu sao cũng nói lên sự mất dần ưu thế của cây trà cổ thụ đang biến dần thành cây kiểng. Không khéo ngày nào đó, lên đỉnh Suối Giàng mà không có trà cổ thụ, muốn biết trà cổ thụ Suối Giàng ra sao, chắc phải về phố thị mà tìm!

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Tường Lộc (SGGP), ảnh internet

Friday, 22 February 2013

Mùa hè cách đây hơn 10 năm, lần đầu tiên tôi đưa khách về Phú Yên. Đoàn đã khám phá khu dã ngoại Sơn Nguyên, đập Đồng Cam, đầm Ô Loan, tháp Nhạn, ghềnh Đá Dĩa, Vũng Rô… 

< Ghềnh đá Dĩa, thắng cảnh quốc gia.

Cảnh quan nào cũng đẹp mê hồn, chỉ tội đường quá xấu và chẳng có dịch vụ gì. Sau này, nhiều lần đi ngang ghé qua, kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, thấy chẳng có gì mới. Bẵng đi mấy năm, Phú Yên đổi thay đến kinh ngạc. Tiềm năng du lịch đang trỗi dậy mạnh mẽ.

< Núi Đá Bia.

“Con đường đau khổ” ngày xưa từ Quốc lộ 1A đến ghềnh Đá Dĩa dài 14km giờ đây đã được nâng cấp rất tốt. Ngược vào Nam thì có bãi Môn, nước trong xanh như ngọc bích, biển lặng, bãi cát dài, trắng mịn màng. Có thể nói đây là bãi tắm vươn xa về hướng Đông nhất trên đất liền Việt Nam. Bên cạnh là hải đăng mũi Điện (mũi Đại Lãnh), cao 110m so với mặt nước biển, là một trong 18 ngọn hải đăng của Việt Nam, được xem là nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền.

< Bãi Môn nhìn từ Hải đăng.

Con đường từ bãi Môn lên tới đỉnh ngọn hải đăng dài khoảng hơn 1km đã được đầu tư xây dựng. Nếu liên hệ trước, sẽ có một bữa ăn trưa hải sản với năm anh em Thắng, Bình, Linh, Trung, Nguyên đang làm nhiệm vụ vận hành hải đăng để định hướng tàu thuyền khi đi qua mũi cực Đông.

Các anh vừa là những đầu bếp dân dã cừ khôi, vừa là những tay săn (chứ không phải câu) cá chình biển thiện nghệ. Buổi tối, lên núi Nhạn ngắm Tuy Hòa về đêm. Tháp Nhạn sáng rực trên cao giữa lòng thành phố, lung linh mờ ảo. Còn nhiều điểm đến độc đáo như: ghềnh Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài, Vũng Rô, đầm Ô Loan…

< Sông Đà Rằng.

Nhưng hấp dẫn nhất khi đến Phú Yên là ẩm thực. Đường Bạch Đằng chạy dọc sông Đà Rằng dưới chân tháp Nhạn, còn gọi là đường Bờ Kè có gần trăm quán đặc sản Phú Yên.

Món độc đáo thì có mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc Bắc - còn gọi là đèn pha đại dương, gỏi cá ngừ đại dương, cá hồi cuốn ba chỉ, rau lưỡi rồng nấu canh cá thát lát hoặc luộc chấm chao, gỏi mít hải sản, cà ri cùi di cá hon (vi cá nhám), cù lao lươn (đùm thát lát), lươn um chuối, cu đất nướng ớt xiêm, cá bò gù nấu lá giang, cá cờ, cá dìa, cá bóp, cua huỳnh đế, gà nướng Tuy Hòa, ốc nhảy… Ăn cả tuần chưa hết món lạ với giá rẻ bất ngờ.

Khách đến Phú Yên còn bị hấp dẫn bởi sự chân quê và hiếu khách của người dân nơi đây. Từ TP.HCM đến Tuy Hòa khoảng 550km đường bộ; hàng ngày có các tuyến bay TP.HCM - Tuy Hòa. Mới đây còn có thêm tuyến bay Hà Nội - Tuy Hòa. Chỉ lo ngại mai này, khi du lịch phát triển thì lại xô bồ, chặt chém. Mong rằng Phú Yên không đi theo vết xe đổ của nhiều địa phương khác.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Văn Mỹ (Phunuonline), internet

Friday, 8 February 2013

Vậy là, chỉ còn vài canh nữa là giao thừa. Trời đất chuyển mình sang năm mới – năm 2013, mà số 13 vốn chả phải là số may mắn theo quan niệm của người Việt ta.

Hà Nội hôm nay trở gió, cái lạnh bất chợt ùa về để như góp đủ phong vị của cái Tết miền Bắc vậy. Bất chấp kinh tế sụt giảm, bất chấp lạm phát trượt giá, người Hà Nội vẫn đi sắm tết, chơi tết.

Người Hà Nội vốn thanh lịch, tao nhã nên vẫn đào, vẫn quất, vẫn hoa cúc trắng trong chậu sứ Bát Tràng, dù rằng có chút lo lắng, ưu tư ẩn giấu ở đâu đó.

Lại nhớ chuyện về hoa đào, cố nhà văn Băng Sơn từng kể rằng, đào có nhiều loại. Đào bích là thứ đào phổ biến nhất, cành tròn, như cái ô đặt ngược, hoa thắm đỏ, rải đều trên khắp các cành chi, cành tăm, hoa chen nụ, nụ đỡ hoa, như một tình yêu nồng nàn, chan chứa.

Có thể cắm trong phòng khách sang trọng, phòng lễ tân, trên bàn nhỏ tiếp khách, cũng có thể cắm trên bàn thờ làm hương nến thêm lung linh huyền ảo.

Đào phai, cũng là hoa kép nhiều tầng cánh như đào bích, nhưng hoa nhạt hơn, phơn phớt má hồng, làm ta nhớ đến câu thơ Nguyễn Du: ''Lối mòn cỏ lợt màu sương...", nó là màu của má hồng trinh nữ, là màu đượm chút phôi pha sương gió, là thanh lịch mà kín đáo kiêu kỳ, là nâng niu mà không thể phàm phu bỗ bã.

Đào ta là loài đào ăn quả, hoa phớt hồng như đào phai nhưng hoa đơn năm cánh, cành mang vẻ tự nhiên, nhiều lộc non về sớm trước xuân nên có vẻ sum suê tài lộc. Một cành to trong chợ, ta có thể mua một nhánh vừa tầm căn phòng ta ở, cưa ngay tại chợ càng vui.

Hiếm hoi lắm khi sau hàng chục năm mới gặp một cành bạch đào, đào mà hoa trắng ngần như tuyết, như bông nõn, mang nguyên vẻ băng trinh thanh khiết của tiên giới chưa nhuốm bụi trần. Bạch đào quý vì sự trắng trong ấy và quý vì nó hiếm hoi…

Tôi dạo một vòng quanh những chợ hoa Hà Nội đúng thời khắc chợ hoa đã vãn, người người bắt đầu rục rịch quay về nhà quây quần bên mâm cơm tất niên. Những gốc đào thế cổ đã được thuê được mua đi đâu hết, chỉ còn lèo tèo những cành đào lẻ, những gốc đào ghép vẹo vọ, héo hon qua mấy ngày nắng.

“Giờ này mà không bán được là coi như ế, dọn mà về thôi” – mấy chị bán đào thở dài nhắc nhau. Và họ dọn hàng thật. Cành đào lẻ bắt đầu được gom bó lại như bó củi.

Có chị bán đào to béo hăng hái bẻ cành đào răng rắc để bó vào cho rất gọn, thật chặt. Cánh hoa đào bung rơi lả tả, những cánh hoa đào thật dày, thật nhuận rơi xuống đất bị người đi đường giẫm lên. Màu hoa đang tươi bỗng quắt thẫm lại.
Lẽ nào, đào đang khóc!

Bất chợt nghĩ, cùng là hoa đào, nhưng mỗi hoa một phận. Cùng là hoa đào nhưng giờ này có những bông hoa được nâng niu ấm áp trang trọng giữa nhà. Trẻ con ríu rít treo bóng bay, treo đèn điện nhấp nháy, còn có cả những bao lì xì óng ánh nữa. Có người mê đào, mua được cây đào ưng ý còn lặng lẽ ngồi ngắm cây đào của mình. Đào lúc ấy là mỹ nhân được cưng chiều!

Cùng là phận đào, cùng một màu hoa nhưng có những cành đào bị bẻ vụn gập ngoài lề đường, chờ xe rác đến chở đi làm… củi. Nó đua sắc đến kiệt cùng, chờ khách đến mua đem về nhà những mong được rực rỡ hết đời hoa ngắn ngủi.
Đào là thứ hoa thiêng, đậm chất hồn Việt. Nhìn hoa đào chợt nghĩ đến phận người ngược xuôi…

Du lịch, GO! - Theo Minh Tiến (Petrotime), internet

Wednesday, 30 January 2013

Vâng, cao lắm mới đến Cao Bằng. Cây sầu lá đỏ có cách tựa của cây sầu.
Sông có cách xanh ngắt của Quây Sơn vì một dãy núi cao ngất vây quanh. Và ngọn thác xuyên quốc gia đứng thứ nhì thế giới có tên Bản Giốc, vẫn đổ nước trắng xoá.

Như con đường tơ lụa vùng cao

Tôi đã dừng chân ở nhiều ngọn thác, nhưng thác nước kỳ vĩ này vẫn không xoá được trong tim tôi những ngôi nhà đất thó nơi vành đai biên giới tổ quốc tôi.

Khác với những ngôi nhà tường trình đất thó nện rất dày bên xóm Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang, ngôi nhà đất thó, đất ruộng bên này tường đất vẫn mỏng hơn. Dù đã sang xuân, răng tôi vẫn lập cập va vào nhau. Chỉ khi chui vào cái bếp cũng đắp bằng đất thó; ăn cháo ấu tẩu nấu bằng thứ hạt dẻ khô với xương thịt heo cắp nách, mắt tôi mới sáng ra; rồi mới nhìn trần nhà của người dân tộc Tày. Trần nhà của vùng miền núi vẫn giăng mắc đầy ngô, gạo nếp nương vẫn nhiều hơn gạo tẻ. Đất có mặt ngay trong ba ông vua bếp, rồi cái bếp ngoài trời cũng đắp bằng đất khum khum như cái chum, khoét miệng dưới để nấu rượu ngô.

Một câu hỏi được đặt ra: vì sao đường vành đai biên giới vẫn còn nhiều nhà đất thó? Thì ra, xây nhà ở vùng Cao Bằng giá vật liệu đắt gấp ba lần miền xuôi vì phí vận chuyển. Hơn 30 cây số đường đèo còn đang rải đá, trời mưa hay nắng xe chạy phải mất hơn hai giờ đồng hồ. Đường đi nhiều chỗ thót tim.

Chỉ khi đứng bóng núi, sương giăng, lạc chân vào vườn hoa dẻ ở Trùng Khánh, ong từng bầy bay rù rì lưng núi, cánh cung của cung đường giáp biên thật đẹp. Con sông Quây Sơn lúc có nắng, trong vắt nghiêng về phía mặt trời. Nước vẫn trắng thác Bản Giốc, đổ xuống sông Quây Sơn, nơi dòng sông bắt nguồn từ phía Vân Nam Trung Quốc đổ về non nước Cao Bằng. Những cánh đồng lúa non, với những con ngựa trắng nhởn nhơ lưng núi. Những bầy ngựa trắng có con đang thồ hàng xuống chợ.

Có bao nhiêu con đường mòn của tiểu thương từng vẹt cả móng ngựa trên vách núi, không tính hết. Có bao nhiêu tấn chè Shan Tuyết ở cao nguyên đá Hà Giang, ngựa thồ sang Trùng Khánh, có bao nhiêu cao ngựa trắng thồ hàng về Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang?

Con đường cánh cung biên giới đông bắc này thật huyền diệu, khác gì con đường tơ lụa năm xưa. Đổ về Cao Bằng dự phiên chợ trước tết, bò giống và ngựa giống, trà Shan Tuyết và ong rừng, xôi ngũ sắc và xôi trám... làm nên gương mặt chợ vùng núi trong thung lũng núi vừa xôn xao vừa ấm áp.

Sắc màu của người miền sơn cước

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những con ngựa trắng ngắt trà dây ăn bên dòng sông xanh ngắt, nơi có những ngôi nhà đất thó, sẫm nâu, thâm u, những điệu hát lượn cũng u buồn của nhiều mối tình không đến được với nhau, vì tục lệ, vì những lý do rất nhiêu khê của con người tự đặt ra rồi tự làm khổ nhau. Làn điệu dân ca này luôn làm ta chới với như khi say rượu ngô. Bạn đã nghe một người Mông, đơn độc hát khi dắt ngựa trên dốc núi vắng? Đơn độc hát, mà chỉ có núi đá xám lại lắng nghe. Tôi đồ rằng vì những giọng hát này mà sông Quây Sơn mới xanh đến thế, mới day dứt tôi đến thế. Cũng có thể vì hát lượn, vọng ra từ ngôi nhà đất thó kia, đất thấu hiểu hắt lên núi đá, nên núi Cô Muông mới hùng vĩ, nên sông Bằng nước rất trong nhìn thấy cả sợi tóc bạc của người già.

Bạn đã một ngày theo ngựa đi hái trà dây trên ngọn thác Sầu? Tên thác là dân địa phương tự đặt, nơi thác đổ có những bóng cây sầu lá đỏ như khêu trên vách núi. Người phụ nữ miền núi có thói quen vừa đi vừa thêu, vừa đi vừa tước lanh. Những cô gái thêu khăn choàng và váy hoa để diện ngày tết.

Nếu gặp ngày mù sương, bạn ngồi nướng thịt gà bọc đất trong cái bếp bằng đất, trong ngôi nhà cũng bằng đất thó, ngước nhìn trần nhà dát toàn bắp ngô, đủ màu tự nhiên phết phảy trắng vàng đỏ sậm của ngô trên trần nhà, bạn sẽ cảm nhận được nỗi niềm của miền đất nơi ấy: cao lắm Cao Bằng.

Du lịch, GO! - Theo Lộc Vừng (SGTT), internet

Saturday, 22 September 2012

Bọn mình lại bắt đầu chuẩn bị cho một chuyến đi. Đích đến đã nhắm rồi, ngày giờ không rõ do tất cả còn liên quan đến thời tiết: chỉ đơn thuần mong cho trời có nắng có âm u, không bão tố hay mưa dầm trong dăm bảy bữa là thừa sức vi vu.
Nhưng mong là một chuyện còn nắng mưa là ý Trời, vậy nên bọn mình vẫn theo dõi đều mục dự báo thời tiết hàng ngày để 'canh me' cho mình một khoảng lặng chờ tung bay.

Cung đường kỳ này có lẽ thật thông thường với bao bạn từng bôn ba gót chân khắp chốn, kể cả những bạn đã vi vu theo các tour: Nha Trang và Đà Lạt. Ngay với cả bọn mình: đây cũng là những nơi đã đến, đã đi qua và đã cảm nhận được cái đẹp tại những địa danh nổi tiếng này.

Tuy nhiên: quen mà lạ cũng sẽ là chủ đích của chuyến đi. Cung cách khám phá 'các vùng ven' của những địa danh đẹp sẽ là cốt yếu. Vậy nên bài viết sau chuyến đi cũng sẽ mang một cốt cách chi li đến những chốn 'hốc bà tó' của bọn mình đến với các bạn.
Gõ đến đây thì lại nhớ đến đến lời của vài bạn trong Phượt nói rằng: bác Dũng khoái đi những chốn... hổng ai đi, giống... tui quá (he he).

Thật tế là những chốn 'hổng ai đi' vậy nhưng có thể có khối cái đẹp mê hoặc cả lòng người đấy. Và khi đã có nhiều người đi công bố về những chổ 'hổng ai đi', biết đâu sau này lại trở thành nơi 'khối người đến' thì sao.

Lang mang tán phét một tý, giờ chỉ mong sức khỏe ngon cơm như hôm kia hôm kìa - thời tiết vẫn tốt như tháng kỉa tháng kia với chút nắng chút mưa lăm dăm (biển Đông hiện thời vẫn đầy mây theo như vệ tinh thời tiết, hic!) là bọn mình lại vi vu lên đường!

Chuyến này sẽ đi openbus chạy chiều tối, tới sáng là có thể đến nơi bọn mình cần đến (dự định là Vạn Giã) và bắt đầu từ đây sẽ di chuyển bằng chiếc Win lang thang mọi nơi. Và do ngẫu hứng nên lộ trình từ đây đến lúc về có thể trên ngàn cây số.

Nhưng 'hãy đợi đấy' vậy, chắc chắn rằng trước chuyến đi mình sẽ có bài nói sơ về những địa danh sẽ qua trong chuyến này. Và khi nào bạn thấy Du lịch, GO! 'thầm lặng' không được cập nhật như bình thường thì chắc mẫm bọn mình đang vi vu trên những nẻo đường...

Điền Gia Dũng - Du lich, GO!

Wednesday, 29 August 2012

Liên Nghĩa - Nam Ban đến bãi hoang Mũi Né
Vất vả trong một chuyến đi nhưng bao giờ: sự đền bù từ chuyến đi đó thường gấp bội phần những gì mình đã bỏ ra từ công sức đến tiền bạc.
Một thứ cần nhắc đến nữa là thành quả từ những chuyến phượt giúp ta trưởng thành hơn khi va chạm với cuộc sống - lại biết nhìn ra những cái đẹp tiềm ẩn trên những cung đường thật bình thường mà chính mình đã đi qua.

< Xanh ngát những vườn rau (tại Liên Nghĩa)

Cứ sau mỗi cuộc hành trình, bọn mình lại có thêm những kinh nghiệm mà trong chuyến đi đã tự tích tự được. Những điều này dù chỉ nho nhỏ thôi nhưng sẽ có ích trong những lần sau.

< Vật lộn với cát (trên đường đi Hòa Thắng).

- Nhắm một ngày đường cho vừa sức mình:

Từ trước nay, kinh nghiệm của riêng mình cho thấy là chỉ nên chạy đoạn đường tầm 200km/ngày - vừa đủ vượt đường xa, vừa có thời gian nghỉ và ngắm cảnh đối với xe gắn máy. Vậy nhưng nhiều cung đường sau này bọn mình đi đã vượt con số 300. Vậy nên...

< Núi, rừng và ta... (trên đỉnh đèo Đại Ninh).

... Chỉ một sơ xuất nhỏ thôi là mình đã càn thẳng vào cái ổ gà to tướng, đọng đầy nước trên QL20 do chính mình đã gần vượt quá sự giới hạn! 200km lái xe cho một ngày (hoặc có thể 250 tùy theo thể trạng, đường xá) là vừa đủ nếu bạn muốn tăng thêm sự an toàn. Tiếng máy đều đều, gió vi vu... và sự mỏi mệt trên chặng đường dài thường khiến ta buồn ngủ, cảm giác chậm, phản xạ không còn nhanh nhạy.
< Thành quả trên đỉnh gió hú (Đồi cát Hòn Hồng - Hòa Thắng).

Từ điều này: chỉ một sự cố xẩy ra thôi, ví dụ như nổ bánh xe, sụp ổ gà... là lập tức tạo ra sự cố rất nguy hiểm khiến mình không đủ bình tĩnh để xử lý.

Trong chuyến đi vừa qua: chuyện xảy ra bất chợt với mình nhưng may mắn là không té xe - sau vài mươi mét dừng lại bên mép đường, mình chợt nhận ra sự buồn ngủ bao trùm do điều khiển xe căng thẳng nhiều giờ.

< Chiều trên đồi chè (trên đường đi Di Linh).

Mươi phút nhắm mắt thư giản là điều nên làm để thoát qua hoàn cảnh này, sau đó là rửa mặt rồi để khô hoàn toàn thì mới chạy tiếp. Cơn mưa sau đó nửa tiếng cũng giúp tăng cường sự tỉnh táo cho mình suốt khoảng đường còn lại - Mưa trong trường hợp này là chuyện đáng hoan nghênh!
< Đừng cao hơn nữa... (trên là đường cao thế).

- Không ngại CSGT khi mình không vi phạm luật:

Thật vậy, với người đi xe gắn máy - nếu không vượt tốc độ cho phép, không vượt đèn đỏ, xe cộ và giấy tờ nghiêm chỉnh kể cả bảo hiểm thì không việc gì phải ngại cả...

< Thông reo Đà Lạt.

Ngược lại, chắc chắn tâm lý bất an sẽ đeo đuổi bạn suốt con đường khiến chuyến phượt đầy hào hứng sẽ mất vui, tại tăng thêm phần phiền toái và tốn kém nếu bạn nhận giấy phạt.
Lưu ý: nếu đóng phạt tại chỗ là may, thường thì nhận giấy hẹn vài ngày...
< Đỉnh gió cuốn (Gió cuốn cát bay trên đỉnh đồi cát Trinh Nữ).

Vậy nên để tâm lý thoải mái, tại sao ta không chọn cách 'đường đường chính chính' và nhận lấy sự bình yên cho chuyến đi bằng những trang bị đầy đủ về giấy tờ cùng chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông? Nó cũng giúp cho sự an toàn tính mạng của chính mình đó chứ - 'Chậm mà chắc', phải không bạn?

< Vi vu với những đường cong... (sắp vào đèo Đại Ninh).

- Ưu tiên chọn nơi trú ngụ trong đường nhánh:

QL20 đoạn qua Liên Nghĩa có vô số nhà nghỉ - khách sạn nhưng sao bọn mình lại tìm đến Khách sạn Quang Tiến nằm tuốt trong sâu?

< Thung lũng màu xanh (Liên Đầm).

Do mặt tiền QL thường nhiều xe lớn, chạy ngày đêm nên sự yên tĩnh khó mà so bì được với những chốn trong sâu. Phần khác: nơi ở mặt tiền đường lớn thường đã kinh doanh thâm niên nên cũng suy giảm chuyện 'mới và sạch' (cùng mức chi phí) nếu so những KS hay nhà nghỉ mới xây phía trong hẻm - Giá ở mặt tiền thường cao hơn, khung cảnh xung quanh cũng xấu hơn (nhà với nhà không hà).
< Say mê một màu đá đỏ (mình bên vực đá lở, tổ ong đất ngay phía sau lưng).

Bạn đi phượt bằng chân hay xe gắn máy? Nếu bằng chân: hãy tìm mặt tiền cho thuận lợi - còn nếu đi xe gắn máy: nên vào các ngóc ngách, chỉ mất vài phút để chạy ra đường lớn thôi.


< Ghềnh (TL725 - đường đi Nam Ban).

Còn việc tìm ra những nơi sạch đẹp, giá mềm này thì truy cập vào bản đồ Wikimapia tìm kiếm trước hoặc tìm kiếm trong các ngõ ngách - chuyến ni bọn mình tìm thấy Quang Tiến cũng chỉ do mấy tấm bảng quảng cáo đầu đường: xem QC nhiều lúc cũng có lợi đó chứ?
< Chạm mặt Di Linh.

- Đừng lười biếng hay e ngại khi phải quay về nơi cũ:

Tại Mũi Né, bọn mình đã ở Yến Nhi (150k do trả giá). Thật tế thì trước đó bọn mình đã hỏi giá nhà nghỉ Thùy Duyên (giá 200k) - Trong chuyện này: nếu Yến Nhi không giảm 50k thì bọn mình có trở lại Thùy Duyên hay không? Cần biết là phòng tại YN không thể nào so sánh được với những phòng đầy tiện nghi tại TD.


< Ham hố (Thác Voi - Nam Ban).

Kinh nghiệm cho thấy nên trở lại chỗ cũ nếu mình không tìm ra chỗ tốt hơn và giá mềm hơn. Thuận mua vừa bán: mình cho rằng không có gì ngại cả vì các nhà nghỉ cũng cần mình, cần nguồn khách. Bọn mình ở Mũi Né 2 đêm: Nếu không lười hay ngại (trong trường hợp YN = 200K) thì bọn mình sẽ có 4 giấc ngủ tốt trong căn phòng thật sạch đẹp và khang trang tại Thùy Duyên.
< Gập ghềnh (Đường Đại Ninh - Lương Sơn)

- Cẩn thận trên các dốc đèo:

Dốc thường cao, nếu bẻ ngoặc ngược lại sẽ tăng thêm độ cao dễ mất thăng bằng, gây té. Chưa kể nếu có xe phía sau mà té thì phượt nhà ta có thể 'đi bán muối' sớm.
Vậy nên gặp cảnh đẹp, muốn ngược lại thì cứ từ từ: dừng xe sát mép phải đường - cho người sau xuống nhìn trước sau - trở đầu xe - lên và chạy ngược lại... có lẽ là quy trình đầy đủ.

< Qua tán lá rừng (Tại thác Bảo Đại).

- Về hay còn đi chơi tiếp?

Khi đi bao giờ cũng phấn chấn và xông xáo lắm, còn khi về thường có tâm lý muốn về nhà sớm do đã hả hê đầy đủ trong chuyến hành trình, ngoài ra bạn cũng đã khá mệt rồi. Vậy có nên chọn con đường ngắn nhất để về nhà không? Mình nghĩ là 'nên' nếu bạn không dự định khám phá thêm bất kỳ mục tiêu nào.


< Đón nghe tiếng vọng của biển (Hòn Hồng).

Chuyến này bọn mình chọn con đường ven biển để về trong khi con đường này đã đi rất nhiều lần. May mắn là sau đó, mình đã chuyển qua QL55 giúp đoạn đường ngắn hơn và thuận tiện hơn trong việc ăn uống. Vậy: 'đi dài về ngắn' có lẽ là kế sách đáng thực thi.
< Đường lên cao nguyên (QL20).

- Không chần chừ nếu thấy khả năng đến được:

Chần chừ khi leo đồi cát Hòa Thắng, vậy nhưng bọn mình cũng leo lên được đến đỉnh và thưởng thức cảm giác tuyệt vời. Ngần ngại khi vào một chốn hoang vu? Nhắm không có gì quá nguy hiểm thì cứ đi: ví dụ như trong đó là resort, bảo vệ không cho vào thì mình đi ra - không ai làm gì mình được cả.

< Điều gì phía trước? (Đèo Đại Ninh).

... Còn nếu không có sự ngăn cản thì cứ 'tiến lên'. Kết quả trong chuyến này như như bạn xem đó: một bãi biển hoang sơ và đẹp đến bất ngờ.
Đây chính do sự xông xáo của 'nửa kia' kéo theo mình: muốn là sẽ đến được!

Tuy nhiên, nhớ đừng thách đố sự nguy hiểm - cái giá phải trả có khi sẽ là chính tính mạng của mình đấy bạn ạ.
< Chiều Trinh Nữ (Đồi cát Trinh Nữ).

Rồi bọn mình sẽ còn cọ xát trên những nẻo đường cùng những chuyến đi. Vài tháng nữa? Hay tháng sau? Tất cả đều có thể tùy theo ngẫu hứng cộng với thời tiết thiên định. Chi phí không quá nhiều? Đúng vậy bạn à - nhưng những cái bọn mình nhận được là vô giá, thật đáng công!

Còn bạn? Nếu vui, nếu thích những chuyến lang bang trên mọi nẻo đường như tụi mình thì hãy thử một lần xem nào?
Chỉ một lần rồi bạn sẽ thấy là không có gì khó cả...

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối - Tổng kết

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống