Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Tuyến xe - Đường xá. Show all posts
Showing posts with label Tuyến xe - Đường xá. Show all posts

Monday 22 April 2013

K’Long K’Lanh là tên một cây cầu, tên một trạm kiểm lâm, tên một thôn ở xã Đạ Chais (Lạc Dương - Lâm Đồng). Đạ Chais có nhiều cách phát âm nên mọi người bảo gọi là K’Long K’Lanh dễ hơn. Nếu bạn lên xe đò vào lúc sáng sớm mà xin bác tài cho xuống K’Long K’Lanh, thì điểm đến sẽ là nơi mơ màng sương khói.

Từng đám trẻ líu ríu kéo nhau đến trường. Cảnh mộc mạc, nhưng thanh bình ở vùng đất mà khí hậu, thổ nhưỡng rất gần với Đà Lạt: Sương mù giăng kín những con đường uốn lượn qua đồi núi, những cánh rừng thông ngút ngàn, khí hậu trong lành, dịu mát...

Mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên của ngày mới chưa đủ nóng để xua tan màn sương dày đặc khiến du khách nước ngoài cũng phải ngỡ ngàng dừng bước.

Ngay bên cạnh Trạm kiểm lâm K’Long K’Lanh là trại cá hồi của Công ty Yang Ly nằm dưới chân rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.

Trại cá này lấy nước từ con suối chảy qua thác Liêng Tưr* - cách trạm kiểm lâm chừng một cây số. Đây là con thác với những vỉa đá rộng, phẳng ngay sát mặt đường tỉnh lộ 723, chỉ vào giữa mùa mưa mới đủ nước tạo nên những ghềnh thác, nhưng lại khó mà tắm táp hoặc chơi đùa như thế.

Chiều chiều, những bước chân rắn rỏi từng tốp, từng tốp như những nốt nhạc trên “khuôn nhạc” tỉnh lộ ĐT 723 từ rẫy, từ rừng hối hả về nhà...

Cung đường K’Long K’Lanh chỉ cách thành phố Đà Lạt có một giờ ngồi xe, đây cũng là cung đường mà chúng ta có thể nghĩ nó bình thường như bao cung đường mình đã đi qua, nhưng, nếu có dịp dừng chân và khám phá sẽ thấy “nó” LONG LANH đến không ngờ!

Du lịch, GO! - Theo Lê Hoa (Lâm Đồng online)

* Thác Liêng Tưr này vào mùa mưa cũng rất hùng vĩ và đẹp - bạn xem thêm tại đây.

Friday 5 April 2013

Biết tôi mới ra Nha Trang, thằng bạn đã vội gọi “Đi chụp hình đèo Ô-mê-ga không?”. Vốn muốn biết thử đèo Ô-mê-ga như thế nào tôi liền đồng ý và chuẩn bị hành trang để lên đường.

Đèo Ô-mê-ga (Omega, còn gọi là đèo Hòn Giao, đèo Khánh Lê...) là một địa danh chưa được nhắc đến nhiều trong các cuốn guidebook của những công ty du lịch, với nhiều du khách đó là một cái tên rất đỗi lạ lẫm và ngay cả đối với người dân Nha Trang cũng vậy. Ô-mê-ga chỉ mới được biết đến trong thời gian gần đây kể từ khi con đường Khánh Lê- Lâm Đồng được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, thông thương cho người dân giữa hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng.

Nếu trước đây từ phía Khánh Hòa trở ra ngoài Bắc muốn đến được Đà Lạt thì phải chạy vào tận thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, từ đó theo Quốc Lộ 27 vượt qua đèo Ngoạn Mục mới đến được Đà Lạt. Nhưng từ khi con đường Khánh Lê-Lâm Đồng mở ra, khoảng cách đã được rút ngắn xuống rất nhiều.

Du khách chỉ cần đến ngã ba Thành của huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa, hỏi thăm đường lên Đà Lạt sẽ được người dân hướng dẫn nhiệt tình. Từ đấy, nếu chạy xe máy hoặc xe hơi chỉ mất trên dưới hai giờ đồng hồ là sẽ đến với thành phố mộng mơ. Con đường này được mở ra nhanh chóng thu hút được sự ham muốn khám phá của nhiều người, vì nó lạ lẫm. Bên cạnh đó lại là một con đường rất đẹp qua biết bao nhiêu là đồi núi. Trên suốt cả con đường, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy sự chuyển đổi giữa một vùng đất miền duyên hải nắng nóng đến vùng đất cao nguyên sương mù lạnh lẽo. Nhất là vào những tháng gần Tết, đi trên con đường này sương mù phủ kín cả lối đi. Song, cũng vì con đường này được lập ra mà số lượng du khách đến với tỉnh Ninh Thuận bị giảm sút, hoặc du khách không còn thích thú đối với Ninh Thuận.

Từ khoảng xế chiều, chúng tôi đã chuẩn bị cho mình thức ăn, nước uống và đương nhiên là phải có máy chụp hình. Trên chiếc xe máy hiệu Bonus do bạn tôi chở, vượt qua dốc Đá Lửa và Sải Me để đến với Khánh Vĩnh, nơi cư ngụ của đông đảo người sắc tộc Raglai để tìm đến đèo Ô-mê-ga.

Khánh Vĩnh cùng với Khánh Sơn là hai huyện miền núi nghèo của tỉnh Khánh Hòa, nơi đây tập trung nhiều người Raglai. Ở họ không còn giữ lại được nhiều những tính đặc trưng của văn hóa miền núi. Xét trên nhiều phương diện về xã hội thì người Raglai đã và đang bị Kinh hóa. Việc Kinh hóa không phải diễn ra từ từ mà một cách nhanh chóng đến chóng mặt.

Người Raglai ở Khánh Vĩnh không còn cư trú trong những ngôi nhà sàn mà chuyển sang ở hẳn trong những ngôi nhà được làm bằng bê-tông do chính nhà nước tài trợ được xây dựng theo những khuôn mẫu y như nhau. Họ không còn uống rượu cần mà chuyển sang uống rượu gạo hoặc uống bia như người Kinh. Những cô sơn nữ, anh trai người Thượng* không còn mặc váy, đóng khố mà sử dụng những chiếc quần tây, quần hai ống như người miền xuôi. Song, cái mà người Raglai không để mất đi đó chính là sự nghèo nàn, khù khờ từ bao đời nay truyền lại. Những đôi mắt bé con trong sáng và hiền lành không đủ để che giấu một bầu trời u ám cho một tương lai bất định.

Từ Khánh Vĩnh, chúng tôi chỉ còn đi thêm khoảng 14km nữa là đến được đèo Ô-mê-ga. Trong cái gió lạnh được thổi lên từ phía biển của những ngày đầu đông, tôi cảm nhận được sự lạnh giá, hoang vắng tại một nơi mà đối với nhiều người trước đây gọi là rừng thiêng nước độc. Những con gió thổi vù vù xen qua hàng cây rậm rạp của một vùng rừng núi. Tôi bất chợt nổi da gà khi nghĩ về những điều ma quái mà trong những câu chuyện về Ma Hời, Óm-ma-lai mà ông ngoại kể cho tôi nghe trong những câu chuyện nói về những người Thượng.

Chúng tôi chọn tháp canh rừng của kiểm lâm để làm nơi ở tạm. Vì đó là lựa chọn tốt nhất mà chúng tôi có thể có được thay vì phải ngủ ở ngoài rừng vắng làm bạn với côn trùng, rắn rít cùng với muôn ngàn hiểm nguy có thể xảy đến. Ngôi tháp canh này được những người kiểm lâm dựng lên nhằm mục đích đề phòng những vụ đốt phá rừng làm nương rẫy của những người Thượng hoặc của những tên lâm tặc. Theo người bạn của tôi, công trình này chỉ xây dựng cho vui và để mấy chú kiểm lâm có thể kiếm chác được chút ít, chứ nó hoàn toàn bỏ không chẳng ai trông coi và chẳng sử dụng đúng mục đích bao giờ.

Sáng sớm, khi trời còn chưa rạng, chúng tôi đã lồm cồm bò dậy chuẩn bị máy để có thể ghi lại được những thời khắc chuyển đổi giữa bóng đêm và ban ngày. Trong những thời điểm ấy, mọi chuyển biến dường như rất nhanh, chỉ cần thiếu sự chú ý là chúng ta sẽ bỏ lỡ một tấm hình vừa ý.

Trong lúc tranh tối tranh sáng, cảnh vật xung quanh tĩnh mịch đến sợ hãi. Từng cơn gió lùa ào ào vào tháp canh làm tôi run lên từng hồi. Bên ngoài, những con côn trùng đua nhau cất lên những bài ca muôn thuở. Chỉ xa xa nơi phía biển, hừng đông đang dần dần nhú lên làm ửng hồng cho cả một khoảng chân trời.

Từ phía dưới chân đèo, một vài ngôi nhà của người Raglai đã lên đèn, bếp đã được nhen lửa để chuẩn bị cho bữa cơm sáng. Mọi hoạt động của một ngày của người Thượng miền núi dường như được chuẩn bị từ bếp lửa. Tôi mường tượng đâu đấy là tiếng chó sủa, tiếng khua xoong, nồi...những cái âm thanh lanh canh mà từ lâu lắm rồi trong một xã hội hiện đại đã không còn được nghe.

Gió dường như không ủng hộ chúng tôi trong một buổi sáng như thế này, mây không tụ lại mà chỉ thành những tảng mỏng bay là là qua những ngọn đồi ở phía dưới. Anh bạn tôi an ủi: “Để hôm nào biển ít gió, tụi mình lại lên để chụp hình bảo đảm sẽ đẹp hơn”. Tôi không thấy phiền hà gì, dù mây không tụ lại để cho tôi có thể có những tấm ảnh đẹp, thế nhưng tôi cũng đã có được những thời khắc quý giá mà chưa bao giờ được cảm nhận, hoặc gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm xa xưa. Đó không phải là quá quý giá ư?

Mặt trời lên, ánh nắng chan hòa của buổi sáng làm biến đổi cảnh vật. Tôi nhìn thấy ngôi làng xa xa dưới chân đèo, những làn khói bếp từ phía các ngôi nhà bay lên nặng nề trong một buổi sáng đầy sương lạnh. Ánh sáng làm cho cảnh vật trở nên rõ ràng, tươi tắn.

Lúc mặt trời lên cũng là khi chúng tôi lục đục dọn dẹp hành trang để trở về với thành phố biển, tạm rời xa xứ núi sương mù.
Trở về Nha Trang thôi, tôi bỗng thèm một ly café bên phố biển ồn ào náo nhiệt. Dường như tôi có duyên chụp những cô gái với chiếc áo Bikini khoe những đường cong tuyệt mỹ hơn là chụp đèo Ô-mê-ga trong mây mù. Tự nhủ lòng vậy nhưng vẫn còn hẹn với anh bạn tôi sẽ quay lại Ô-mê-ga trong một ngày trời không gió.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Tú (Báo Trẻ), internet

Sunday 17 March 2013

Đèo Bông Lau là một con đèo hiểm trở thuộc vòng cung Đông Bắc, nằm trên quốc lộ 4A đoạn giữa huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) và huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng).

< Đèo Bông Lau với rất nhiều khúc cua tay áo, dốc cao.

Đây là một đoạn đèo ngắn (chỉ hơn 6km nếu tính từ Vực Lũng Phầy) nhưng quanh co xuyên giữa núi rừng với một bên là núi cao rừng rậm, còn bên kia là vực sâu thăm thẳm. Trong chiến tranh, đây là địa hình rất thuận lợi cho quân ta đánh phục kích nhưng ngày nay lại là nơi dễ xẩy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, phần lớn do tài xế xe tải chủ quan trong lúc cho xe đổ đèo.

< Bia kỷ niệm Chiến Thắng trên đèo Bông Lau.

Đèo Bông Lau với nhiều khúc cua ngoặc tay áo rất gấp vòng quanh những triền núi dốc dựng. Ở khu vực đèo: cỏ lau bạt ngàn trải dài theo triền dốc, lau ngạo nghễ trên các vách đá cao, lau giăng giăng hai bên đường như những hàng quân, lau phất phơ mầu xám bạc đặc trưng của mình trên nền trời xanh thẫm của núi rừng phóng khoáng.

Tại đây (đoạn Bông Lau – Lũng Phầy), trong chiến tranh Đông Dương vào cuối năm 1949, đã diễn ra nhiều trận đánh lịch sử giữa trung đoàn 174 (tức trung đoàn Cao Bắc Lạng, Quân đội Nhân dân Việt Nam) với quân Pháp - mở đầu đợt 2 chiến dịch Cao – Băc – Lạng (từ ngày 15-3 đến ngày 30-4-1949) nhằm tiêu diệt sinh lực, phá việc vận chuyển tiếp tế của địch từ Lạng Sơn lên Cao Bằng.

Các sáng tác nghệ thuật về con đèo này có thể kề như bài hát 'Đèo Bông Lau' được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác vào năm 1948, bức tranh sơn dầu 'Đèo Bông Lau' do họa sĩ Phan Kế An vẽ năm 2004.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, bây giờ con đèo Bông Lau vẫn bình yên uốn lượn như một thân tàu chở cả rừng lau vào núi xa thăm thẳm...

Du lịch, GO! Tổng hợp

Tuesday 5 March 2013

Để phượt một chuyến: trước hết, ta chọn và dự định đến một địa danh nào đó trên bản đồ. Bước kế tiếp là tìm đường đi đến nơi này bằng bản đồ giấy, bản đồ vệ tinh, ví dụ như Wikimapia - Googlemap... và sau đó nghiêng cứu sâu thêm về những thắng cảnh đẹp nơi đến mà ta sẽ thăm viếng.

Một điều quan trọng không kém: ta cũng cần biết khoảng cách từ nơi xuất phát chuyến đi đến nơi sẽ phải đến, chủ ý cho vừa tầm với số ngày dự định dành cho chuyến du lịch. Tạm cho rằng mỗi ngày ta vung bước phượt được 300km - nếu chuyến du lịch 5 ngày: cung đường ta vượt qua sẽ tầm 1500km.
Các bản đồ vệ tinh như Wikimapia - Googlemap đều có công cụ đo khoảng cách, bạn hãy tận dụng nó. Tuy nhiên, muốn giản đơn và nhanh chóng hơn, bạn có thể xem qua bài dưới đây để biết khoảng cách tương đối giữa các vị trí tỉnh thành tại VN; từ đây ta sẽ lên kế hoạch cho chuyến phượt.

Để biết khoảng cách giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước, các bạn vui lòng xem sơ đồ hình tháp dưới đây. Khoảng cách (km) giữa các tỉnh, thành phố là số nằm ở ô giao nhau (hàng ngang hoặc hàng dọc) của 2 tỉnh, thành phố đó (Xin nhấn ảnh để xem khổ lớn hơn hoặc Open new tab để có hình ảnh lớn nhất):

Khoảng cách giữa các tỉnh thành VN (tính theo QL1).


Khoảng cách từ Hà Nội đến các tỉnh thành khác.


Khoảng cách giữa các tỉnh Đông Bắc.


Khoảng cách giữa các tỉnh Tây Bắc.


Khoảng cách từ Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) đến các tỉnh khác.


Lưu ý
Xin nhấn ảnh để xem khổ lớn hơn hoặc Open new tab để có hình ảnh lớn nhất.

Bổ sung:

Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Đồng Tháp (thị xã Cao Lãnh): 163km.
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Trà Vinh: 200km.
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - An Giang (Long Xuyên): 205km (đi ngã Cao Lãnh - phà Cao Lãnh - phà An Hòa)..
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Kiên Giang (Rạch Giá): 279km
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Bến Tre: 88km
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Hậu Giang (thị xã Vị Thanh): 240km
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Tây Ninh: 99km
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Sa Đéc (Đồng Tháp): 143km
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Hà Tiên: 381km
Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh) - Mỹ Tho: 70km

Cần Thơ - Vị Thanh: 48km
Cần Thơ - Gò Quao: 64km
Cần Thơ - Vị Thanh - Gò Quao - Cà Mau: 146km
Cần Thơ - Rạch Giá: 110km
Cần Thơ - Hà Tiên: 212km

Mỹ Tho – tx.Bến Tre: 18km

Di Linh - Phan Thiết: 70km
Đà Lạt - Phan Rang - Tháp Chàm: 84km
TDM - Đồng Xoài: 75km
Đồng Xoài - Đắc Nông: 117km
Đắc Nông - BMT: 110km
Ninh Hoà - QL26 - BMT: 152km

Topic Bản đồ Việt Nam
Những đường đi từ Đà Lạt đến vùng ven biển
Các tuyến quốc lộ trên cả nước

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ nhiều nguồn.

Monday 28 January 2013

Tháng 12 vừa rồi, chúng tôi có chuyến đi đầy thú vị, chinh phục những cung đường toàn lau lách nở trắng khu rừng bên sườn Tây Yên Tử. Một vẻ đẹp cố hữu, nguyên sơ và đầy thơ mộng của núi rừng mà chỉ đến đây vào dịp cuối năm du khách mới bắt gặp.
Nhóm thích lang thang chúng tôi gồm mười người rủ nhau đến Sơn Động bằng xe gắn máy giữa ngày đông giá rét. Xuất phát từ thành phố Bắc Giang lúc tờ mờ sáng với mong muốn chinh phục chùa Đồng (Yên Tử) từ vùng núi phía tây, thăm bản Mậu (bản mỹ nữ có nhiều gái đẹp tiến vua thời phong kiến xa xưa). Xe chúng tôi nối đuôi nhau chạy bon bon giữa thiên nhiên tươi đẹp. Sau hơn bốn giờ qua chặng đường 293 lắt léo nhiều ổ voi, ổ gà cùng những con suối nằm chắn ngang lối đi trơ toàn đá sỏi, Tây Yên Tử (thuộc địa phận huyện Sơn Động, Bắc Giang) hiện ra trước chúng tôi là những dãy núi màu xanh biếc cùng hoa cỏ ngát hương.

Những vạt lau trải dài chục cây số

Một hành trình đẹp như mơ bởi những rừng trúc trùng điệp, núi non như những làn sóng biển trời. Nơi đây ẩn chứa sức hút kỳ lạ từ cánh rừng nguyên sinh với ngút ngàn mây trắng, cảnh vật, thiên nhiên hoang sơ đẹp mê hồn. 10 giờ đoàn đến địa phận thị trấn Thanh Sơn. Sau bữa trưa chóng vánh bên bãi đất rộng dưới chân thác Ba Tia, chúng tôi lại lên đường trên hành trình xuyên rừng già Yên Tử. Giữa chặng đường ấy chúng tôi như bị hút hồn bởi những vạt hoa lau bạt ngàn nằm sát hai bên vệ đường.

Đường tỉnh lộ 291 uốn lượn ôm vòng quanh các quả núi với mặt lộ trải nhựa khá phẳng và đẹp, vậy mà để đi hết gần chục cây số từ thị trấn Thanh Sơn đến bản Đồng Rì rồi ngược ra Tuấn Mậu, chúng tôi đã tiêu tốn hơn một giờ.

Lý do thật đơn giản, cứ đi được vài chục mét cả đoàn lại dừng chân ngắm cảnh rừng núi, nghỉ ngơi và ghi lại những bức hình của các hàng rào lau lách đua nhau nghiêng ngả trong gió chiều. Không bỏ qua cơ hội được tận hưởng cảm giác hoà mình cùng thiên nhiên tươi đẹp nơi đây, chúng tôi cứ mải mê và bị cuốn theo những bông lau trắng toát mà quên rằng hành trình phía trước còn khá dài.

Trước vẻ đẹp khó cưỡng ấy, anh Phương (30 tuổi) – một cư dân sống tại thị trấn Thanh Sơn hồ hởi dẫn đường, đồng thời tự nguyện làm hướng dẫn viên cho đoàn vào thăm mấy khu đất trống toàn bông lau giăng kín. Anh Phương cho biết: cứ độ gió heo may về là bông lau tại đây bắt đầu bung nở, hoa lau thường được người dân lấy về làm chổi quét nhà, thân và lá dùng làm vật liệu lợp mái nhà. Xưa kia còn phơi khô làm nguyên liệu dệt nệm ấm – “của hồi môn không thể thiếu của cô dâu vùng núi khi về nhà chồng”. Cây cỏ lau thường mọc ở những khu đất ẩm, bằng phẳng ven rìa rừng. Tuy nhiên lau lách là loài cỏ rất dễ cháy nên vào mùa khô người dân đi rừng nếu sơ ý có thể gây hoả hoạn, cháy rừng.

Suối thác và cảnh vật đầy ấn tượng

Chỉ tay về phía sâu trong rừng xanh, anh Phương bảo, đó là nhà máy nhiệt điện Đồng Rì. Cũng nhờ có nhà máy công nghiệp này mà vài năm trở lại đây đời sống của dân trong vùng có nhiều khởi sắc. Lớp trẻ thì xin vào làm công nhân nhà máy, người già thì mở hàng quán, dịch vụ…, vậy nên “phố núi” Thanh Sơn có phần sầm uất hơn. Hơn nữa, thời gian gần đây du lịch tại Tây Yên Tử cũng đã được nhiều du khách chú ý. Một số đoàn khách, đặc biệt là khách quốc tế (trung bình mỗi tháng có từ một đến hai đoàn khách nước ngoài), bắt đầu tham gia khám phá Tây Yên Tử. Bộ mặt của bản làng, theo đó, cũng thay đổi nhanh chóng.

Trong rất nhiều vẻ đẹp vốn có của núi rừng Tây Yên Tử, là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Nơi đây có những con suối, thác cao tuôn dài những vạt nước trắng xoá.

Sự hoang sơ, kỳ bí của cảnh vật, người dân bản địa chất phác, thật thà… và đặc biệt, để lại nhiều ấn tượng với chúng tôi hơn cả vẫn là khung cảnh bạt ngàn lau lách ven đường. Ở đó, có sự hiền hoà, thơ mộng lẫn với không gian yên ả, thanh bình của vùng cao. Dẫu chỉ là quãng đường ghé qua nhưng mỗi thành viên chúng tôi không quên mang về thành phố một bó bông lau trắng muốt như một chút dư vị của núi rừng...

Du lịch, GO! - Theo Hồng Ngoan (SGTT), internet

Saturday 26 January 2013

Quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Tây Bắc dài hơn 500 km, nhiều đoạn uốn lượn như dải lụa quanh dãy núi trùng điệp. Cảnh sắc nơi đây luôn là niềm cảm hứng bất tận của nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự háo hức khám phá, trải nghiệm cảm giác mạnh của những "phượt thủ" (du lịch bụi). Tuy nhiên, nó cũng là nỗi hãi hùng của các lái xe khách đường dài với triền miên núi cao, vực sâu hiểm trở, đầy bất trắc, nguy hiểm cận kề.

Họ thường đọc chệch quốc lộ 6 là "quốc lộ xấu", bởi nó đã rệu rã và xuống cấp trầm trọng. Hôm nay, những con đường, cây cầu mới mọc lên nơi miền Tây Bắc xa xôi, đã làm thay đổi đến ngỡ ngàng diện mạo của vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Ðèo Pha Ðin được đọc chệch từ Phạ Ðin (tiếng Thái nghĩa là trời đất). Ðồng bào dân tộc Thái xa xưa coi nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Xưa kia, vì có sự tranh chấp ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Lai Châu (cũ), người ta đã giải quyết bằng một cuộc đua ngựa. Từ hai phía đèo, cùng một lúc ngựa hai bên phi hướng về nhau. Nơi gặp gỡ sẽ là ranh giới. Ngựa Lai Châu phi nhanh hơn, nên phần đèo thuộc về Lai Châu (nay thuộc tỉnh Điện Biên) dài hơn phần đèo của Sơn La.

Ðèo Pha Ðin dài 32 km, uốn lượn trên những đỉnh núi đầy nắng gió thượng ngàn, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Cánh "phượt" xếp Pha Ðin vào một trong "tứ đại đỉnh đèo" ở phía bắc, với tám khúc cua tay áo cực kỳ nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15 m, nhiều đoạn có độ dốc dọc rất lớn, kéo dài liên tục, từ 12% đến 15%, cục bộ có điểm tới 19%.

Không thể đếm xuể những khúc cua tay áo, chữ A, chữ Z, nhiều đoạn cua chỉ đủ cho một ô-tô đi qua. Cách đây gần chục năm, trong một chuyến công tác lên Tây Bắc, chiếc xe khách tôi đi đang gầm rú vượt dốc Pha Ðin, bỗng tiếng máy lịm dần rồi từ từ trượt xuống. Rất nhanh, anh lái xe bẻ lái, phần đuôi xe va mạnh vào sườn dốc phía trong. Hú vía, chỉ một chút nữa là cả chiếc xe đã rơi xuống vực. Mấy chục hành khách và cả lái xe, mặt mũi ai nấy đều tái dại. Sau "sự cố" đó, dù có mê mẩn với những cung đường Tây Bắc hùng vĩ đến đâu, nhưng mỗi lần lên đó công tác, tôi đành "nghiến răng" đi máy bay...

Nhiều năm về trước, do những vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp xảy ra trên đèo Pha Ðin, các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành GTVT đã khảo sát, nghiên cứu hướng tuyến mới của quốc lộ 6 tránh đèo Pha Ðin, tuy nhiên đành phải dừng lại do địa hình độ dốc lớn, địa chất phức tạp, dễ xảy ra sụt, trượt vào mùa mưa. Khi dự án này được phê duyệt, nhiều chuyên gia trong ngành đã phản đối vì cho rằng đây là việc làm không tưởng, thiếu tính khả thi.

Vậy mà hôm nay trở lại, tất cả đã thay đổi khiến tôi ngỡ ngàng. Sau năm năm xây dựng (2006 - 2009), dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo, tổng mức đầu tư hơn 1.165 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Ban quản lý dự án 1 (PMU 1, thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm đại diện chủ đầu tư đã hoàn thành. Cung đường hiểm trở đã trở nên thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn trước rất nhiều.

Tuyến đường dài 85 km, thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, mặt đường rộng 5,5 m, gia cố lề mỗi bên 0,5 m, bảo đảm cho xe chạy với tốc độ 40 km/giờ, ngoại trừ một số đoạn quá khó khăn mới châm chước vận tốc 25 km/giờ. Ðặc biệt, "điểm nhấn" của dự án chính là xây dựng tuyến tránh đèo Pha Ðin, bám theo sườn núi các đỉnh đèo phụ phía trái quốc lộ 6 cũ, độ cao khoảng 1.000 m, thấp hơn so với đèo 200 - 400 m. Anh lái xe vui miệng bảo, bây giờ đèo Pha Ðin có lẽ chỉ là cung đường khám phá dành cho những tay "phượt thủ" ưa thích mạo hiểm.

Ngồi trên ô-tô, cảm giác chênh chao, lắc giật đặc trưng của đèo Pha Ðin thuở nào hầu như biến mất. Chiều dài tuyến tránh hơn 11 km (ngắn hơn 2,3 km so với  tuyến cũ) và giảm số vụ tai nạn giao thông đi nhiều, thời gian chạy xe rút xuống chỉ còn một nửa so với trước đây. Khi chưa có tuyến tránh, đi từ Tuần Giáo đến đỉnh đèo thông thường mất khoảng từ 45 đến 60 phút, nay chỉ còn khoảng từ 20 đến 25 phút.

Nếu nhìn vẻ bề ngoài đẹp trai, thư sinh của kỹ sư Lương Văn Long, ít người nghĩ anh từng có "thâm niên" lăn lộn mấy năm trên công trường xây dựng tuyến tránh đèo Pha Ðin với cương vị Chủ nhiệm Ban quản lý dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 thuộc PMU 1. Câu chuyện của anh ngược về thời điểm ba, bốn năm trước khi thực hiện dự án. Lúc ấy, ngành giao thông gần như "án binh bất động" sau "hiệu ứng" vụ việc tiêu cực tại PMU 18, cùng với tác động mạnh của "bão giá", hầu hết các loại nguyên, vật liệu cơ bản đều tăng gấp hai lần, thậm chí gấp ba lần.

Ðồng thời, trong hai năm 2007 và 2008, các tỉnh Tây Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng của các trận lũ lớn, đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, có lúc tưởng như bế tắc. Tuy nhiên, PMU 1 đã chủ động phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, chỉ đạo tư vấn giám sát và các nhà thầu khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án. Sau khi có cơ chế bù giá gỡ khó cho những dự án đang triển khai, các bên đã nhanh chóng tính toán mức trượt giá theo quy định, báo cáo kịp thời Bộ GTVT để giảm bớt sức ép về tài chính cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.

Dự án tuyến tránh Pha Ðin được chia thành 13 gói thầu xây lắp (trong đó 12 gói thầu làm đường và một gói xây dựng nhà cung hạt), trong đó, gói thầu số 9 ở khu vực bản Háng Tàu, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo có điều kiện thi công phức tạp nhất so với toàn tuyến. Chiều dài chỉ 4 km, nhưng các đơn vị thi công phải làm tới 22 cống thoát nước các loại, hơn 6.000 m3 tường chắn và hai cầu bê-tông cốt thép dự ứng lực hình cánh cung dài 60 m, kinh phí hơn 60 tỷ đồng.

Thời điểm triển khai gói thầu, hàng trăm công nhân, kỹ sư đã ngày đêm bám tuyến mở đường. Kỹ sư Long kể: "Có bám trụ trên công trường Tây Bắc dài ngày mới thấu hiểu hết nỗi khó khăn khi triển khai dự án. Vào thời điểm mùa khô, bụi trên đường dày tới 30 - 50 cm, giẫm chân lên phồm phộp, mùa mưa thì xối xả, có lúc phải dừng thi công hàng tuần. Công nhân sinh hoạt rất vất vả, nhiều khi phải ăn cơm cá khô tới nửa tháng".

Ðến nay, quốc lộ 6 được nâng cấp, cải tạo đã được đưa vào sử dụng gần một năm. Tuyến đường mới đã giải quyết cơ bản các đoạn cua gấp khúc của đèo Sơn La, Pha Ðin, rút ngắn khoảng cách so với tuyến cũ hơn 10 km. Riêng tuyến tránh Pha Ðin, các đơn vị thi công đã đào đắp gần một triệu m3 đất đá, xây sáu cầu cạn nằm trong đường cong địa chất phức tạp. Ðây là tuyến đường đầu tiên ở Tây Bắc thảm bê-tông nhựa dày tới 12 cm, đoạn qua thị tứ, thị trấn đường mở rộng hơn, có vỉa hè hai bên, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh và cống thoát nước,...

Một số chuyên gia ngành GTVT trước đó phản đối, nhưng sau khi "mục sở thị" đã đánh giá dự án rất cao, cả về chất lượng cũng như hiệu quả sử dụng. Sau khi có con đường, nhiều người dân từ các bản, làng xa xôi đã về lập nghiệp, dựng làng mới, có điều kiện mua sắm những vật dụng thiết yếu trong gia đình. Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội mới, sắm xe khách giường nằm chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - Ðiện Biên. Chỉ sau một đêm ngủ trên xe, sáng dậy, hành khách đã có mặt tại Hà Nội.

Trên miền Tây Bắc, ngoài tuyến tránh Pha Ðin được xếp hạng "đặc biệt",  còn có thể kể đến nhiều công trình "kỷ lục, đặc biệt" do PMU 1 làm đại diện chủ đầu tư. Trong đó, hai cầu Pá Uôn và Hang Tôm đang giữ kỷ lục là cầu có trụ cao nhất Việt Nam (trụ cao gần 100 m). Cầu Pá Uôn trên quốc lộ 279 thuộc huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) nằm trong tổng thể các công trình tránh ngập sau khi xây dựng thủy điện Sơn La. Khi thủy điện tích nước phát điện, cây cầu sẽ góp phần đắc lực phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực, dài hơn 1,2 km, trong đó cầu chính dài 918 m, mặt cầu rộng 9 m, tổng mức đầu tư (đã điều chỉnh) khoảng 745 tỷ đồng,... Dự án được Bộ Xây dựng đưa vào cấp đặc biệt do kết cấu trụ cầu có chiều cao lớn nhất, biện pháp thi công mới nhất, giá thành vào loại đắt nhất Việt Nam hiện nay và tiến độ thi công rất gấp rút.

Tháng 4 của năm 2010, cầu đã hoàn thành, thông xe đưa vào sử dụng, nhanh chóng xác lập vị trí quan trọng trong tuyến giao thông huyết mạch nối Sơn La với các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai và Yên Bái. Còn cầu Hang Tôm (mới) nằm trên địa phận huyện Mường Lay (Lai Châu) đến nay cũng đã được hợp long, khánh thành. Một mai, cầu Hang Tôm (mới) cũng sẽ đóng vai trò trọng yếu trong tuyến giao thông huyết mạch, nối Ðiện Biên với Lai Châu.

Nơi "miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, núi cao đèo sâu" hôm nay đã hình thành những tuyến đường dù chưa phải to rộng như đồng bằng, nhưng đối với đồng bào vùng Tây Bắc, đó là ước mơ bao năm tháng. Những người thợ cầu đường đã xây nên huyền thoại mới, kéo gần miền đất vốn heo hút, xa ngái này về với ấm no.

Du lịch, GO! - Theo Quang Hưng (Nhandan), internet

Sunday 20 January 2013

Tai nạn không thể thống kê hết, đường xói lở nghiêm trọng, trời nắng thì bụi trắng xóa, mưa ngập lún và lầy lội... là hành trình "ác mộng" đối với cánh tài xế chạy trên đường Quốc lộ 14 qua tỉnh Bình Phước. Đường xuống cấp, bụi mù mịt khi trời nắng, nước trắng đường khi mưa, tai nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra...

< Rất nhiều ổ voi nên chiếc xe tải này phải lấn sang bên kia đường để đi. Tốc độ lưu thông chậm lại gây thiệt hại kinh tế rất lớn đối với các mặt hàng nông sản... cần đưa ra thị trường sớm.

Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam bộ và TP HCM thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam... dài thứ 2 cả nước sau Quốc lộ 1A, và lượng hàng hóa, xe lưu thông qua đây rất lớn.

< Chỉ cần một xe ô tô chạy qua, đoạn đường ngập trong bụi. Những chiếc xe đi phía sau phải giảm tốc độ để chờ lớp bụi mờ tan đi mới thấy đường đi tiếp. Còn xe máy khi gặp trường hợp này phải dừng lại, có khi chưa kịp dừng đã va phải ổ gà ổ voi và bị té ngã ra đường do lớp bụi quá dày làm hạn chế tầm nhìn.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đã được triển khai từ lâu nhưng tuyến đường từ Bình Phước đi Đắk Nông chậm thi công nên tạo nên những cái bẫy trên đường, là một thảm họa cho cánh lái xe chạy tuyến Đông Nam bộ đi Tây Nguyên theo Quốc lộ 14. Không thể thống kê hết được số vụ tai nạn đã xảy ra trên con đường này.

< Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch, nối các tỉnh Tây Nguyên với TP HCM và các tỉnh Đông Nam bộ. Lượng hàng vận chuyển qua đây rất lớn, chỉ kém Quốc lộ 1A. Cho nên xe tải nặng lưu thông ngày đêm trên đường này cũng không nhỏ, góp phần làm con đường thêm hư hại nghiêm trọng.

< Trời nắng là vậy, nhưng đến khi mưa, nước ngập làm mặt đường rất phẳng. Các lái xe khi qua đây không giảm tốc độ và đã có những tai nạn nghiêm trọng xảy ra.

Tài xế xe khách chạy tuyến TP HCM - Ban Mê Thuột, Nguyễn Văn Toàn cho biết: “Trời mưa mà chạy ban đêm là thế nào cũng gặp tai nạn xảy ra, con đường này trời mưa là nước lấp đầy các ổ voi, ổ gà, tài xế nào tưởng là đường phẳng chạy tốc độ nhanh là tai nạn ngay. Đường này chạy không quen lật xe là chuyện thường”. Thật vậy, chiếc xe khách đi rất chậm trên đoạn đường địa phận huyện Bù Đăng vì đường xấu và bụi mù mịt; rất may là trời không mưa.

< Những đống đá rải đường cứ im ỉm nằm chờ. Con đường đã đưa vào thi công rất lâu nhưng cho đến nay vẫn án binh bất động.

Theo Thanh tra Giao thông tỉnh Bình Phước, đoạn từ Thị xã Đồng Xoài đến cầu 38 (tỉnh Bình Phước), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Thành - Gia Lai. Các đoạn đang thi công không có rào chắn và đèn tín hiệu ban đêm từ Km 941. Rất nhiều đoạn xuất hiện nhiều ổ gà lớn làm ứ đọng nước. Mặc dù Thanh tra Giao thông đã nhắc nhở chủ đầu tư khắc phục nhiều lần, nhưng đến nay hiện trạng vẫn như ban đầu.

< Đường xấu nên chiếc xe tải này lấn vào làn đường của xe máy và để lại phía sau lớp bụi dày đặc. Chiếc xe máy đi phía sau phải tránh và lưu thông trái đường rất dễ gây tai nạn.

< Đá nhọn làm một chiếc xe nổ lốp ở lưng chừng dốc.

Đoạn từ cầu 38 đến Cây Chanh (giáp Đắk Nông), chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Phú. Qua kiểm tra thực tế của Thanh tra giao thông Bình Phước, các đoạn đang thi công không có rào chắn và đèn tín hiệu ban đêm. Ngoài ra, tuyến đường thuộc huyện Bù Đăng có nhiều ổ gà lớn làm ứ đọng nước, gây nguy hiểm cho xe lưu thông.

< Con đường chỉ toàn đá dăm và bụi. Đường không còn sơn phân làn nên các xe lưu thông không tuân thủ luật giao thông mà chỉ tìm nơi ít xấu nhất để lưu thông.

Hiện tại, các công trình đang án binh bất động gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này.

< Thanh chắn đường không còn tác dụng.

Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 từ thành phố Kon Tum (Kon Tum) đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) có tổng chiều dài khoảng 660 km...

< Nước mưa đã làm con đường bị lở rất nghiêm trọng, phía dưới là vực sâu.

Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên...

< Cầu 38 - nơi thường xuyên xảy ra tai nạn thảm khốc.

Riêng đoạn Đồng Xoài - Cây Chanh có tổng chiều dài 75 km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, do Công ty CP Đức Thành - Gia Lai và Công ty CP Đức Phú làm chủ đầu tư. Dự kiến năm 2012 hoàn thành nhưng hiện tại, tuyến đường này vẫn trong vòng lẩn quẩn “nắng bụi, mưa lầy”.

< Chỉ cần một chút sơ sẩy của tài xế thì chiếc xe có thể bị trật bánh và nằm dưới vực.

Tại buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát Quốc hội với lãnh đạo và ngành GTVT 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, vừa qua tại Gia Lai. Ông Trần Đức Khanh, Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Chính phủ có chủ trương ưu tiên cho các tỉnh Tây Nguyên nhưng việc nâng cấp Quốc lộ 14 lại thực hiện phương án BOT. Nhà thầu luôn muốn có lợi nhuận nên đương nhiên người dân phải chịu thiệt”.

< Qua kiểm tra thực tế của Thanh tra giao thông Bình Phước, rất nhiều đoạn đường thuộc huyện Bù Đăng có nhiều ổ gà lớn làm ứ đọng nước, gây nguy hiểm cho xe lưu thông. Đoạn Đồng Xoài (Bình Phước)- Cây Chanh (giáp Đắk Nông) có tổng chiều dài 75 km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, do Công ty CP Đức Thành-Gia Lai và Công ty CP Đức Phú làm chủ đầu tư. Dự kiến năm 2012 hoàn thành nhưng hiện tại, tuyến đường này vẫn trong vòng lẩn quẩn “nắng bụi, mưa lầy”.

Ác mộng... khi đi trên quốc lộ 14
Quốc lộ 14 vẫn là "con đường đau khổ".

Du lịch, GO! - Theo Petrotimes

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống