Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 2 July 2011

Trên đường từ Đà Lạt về TP.HCM qua địa phận Định Quán (Đồng Nai), nếu chú ý bên tay phải bạn sẽ thấy thấp thoáng một khu vườn có hàng rào đá rất ấn tượng.

< Một góc vườn đá với tượng đài cự thạch Stonehenge thu nhỏ.

Khách hiếu kỳ ghé vào, nếu có duyên sẽ gặp được chủ nhân “Nguyễn Gia Trang” như hàng chữ khắc trên tảng đá đặt ở lối vào.
Ông Năm Khiêm, như người ta thường gọi, tên đầy đủ là Nguyễn Bỉnh Khiêm, tuổi thất tuần nhưng vẫn tráng kiện, nhanh nhẹn, tóc chưa có sợi bạc. Rời quê hương Đồng Tháp những năm 1950, ông Năm Khiêm theo cha đến vùng này (nay là xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) để trồng cao su.
.
< Cổng vào Nguyễn Gia Trang với thanh đá từng đặt tại đường hoa Nguyễn Huệ Tết Bính Tuất 2006.

Khi có ai ngạc nhiên về nét thẩm mỹ của những sắp đặt đá trong vườn, ông chỉ cười: “Tôi có biết gì đâu mấy chú ơi! Thấy thích thì làm. Tôi không phải nghệ nhân, chẳng là dân chuyên môn, xếp đá sao coi được là tôi làm”.

Những tảng đá, có khối nặng tới vài chục tấn, được ông cất công đưa về từ những chuyến đi trong tỉnh Đồng Nai và xa hơn nữa, đôi khi chỉ là những phát hiện tình cờ. Thấy chúng, ông mua và chở về, sắp xếp theo một trật tự mà ông cho là hợp lý. Lâu ngày, khu đất rộng trở thành một vườn đá độc đáo và là niềm vui lớn của chủ nhân Nguyễn Gia Trang. Ông bảo có không ít khách nước ngoài ghé vào đề nghị sang nhượng “tác phẩm” đá trong vườn nhưng ông luôn lắc đầu.

“Đâu dễ đem về những khối đá này, có tảng phần chìm sâu dưới đất, phải kích đưa lên xe tải... Tốn tiền mua đá cũng không ngán bằng làm cách nào đưa nó về tới chỗ. Rồi khi đặt để vô đúng vị trí, sửa sang dáng dấp nó làm sao mình ưng ý, đó mới là chuyện khó hơn cả” - ông kể.

< Ông Năm Khiêm bên hàng rào đá dài khoảng 200m.

Nhưng cũng có người ở miền Tây hoặc tận ngoài Huế được ông trao đổi vài món làm kỷ niệm. Đó là cái duyên mà ông Năm Khiêm luôn nhắc đến trong thú chơi không cần bài bản của mình, từ chuyện dựng đá ngoài vườn cho đến mang cả một khoảng thiên nhiên thu nhỏ vào bên trong căn nhà gỗ.

Nào là những hàng đá “gia nhân tả hữu” đón khách vào bên trong chiếc cổng to làm bằng gỗ, nào là tảng đá hình Phật Di Lạc tay chống cằm, hoặc “bức tượng Khổng Tử” dưới mắt nhìn của một doanh nhân Hàn Quốc có nhà máy ở Bình Dương, người đã mấy lần đưa vợ con và nhân viên đến ngắm nghía…


< Một khoảng thiên nhiên thu nhỏ trước nhà ông Năm Khiêm.

Mỗi người tự nhìn ra hình hài của những tảng đá tưởng như vô tri nhưng đã được chủ nhân Nguyễn Gia Trang đánh thức, như mấy câu thơ mà bác sĩ Trương Thìn lưu lại trên bức thư pháp kỷ niệm một lần ghé thăm:

Đá ngủ ngàn năm
Đá ngủ vạn năm
Ai thức đá dậy
Ai nghe đá kể
Chuyện đời xa xưa.

Tự coi mình chỉ là người trồng cao su nhưng thời niên thiếu ông Năm Khiêm từng học Trường Lasan Tabert ở Sài Gòn (nay là Trường chuyên Trần Đại Nghĩa), sở thích về đá có lẽ được hình thành từ nền học vấn ấy.

< Ba trụ đá sắp theo kiểu “ba cây chụm lại…” ở cổng vào.

Trong căn nhà gỗ, nhiều kỷ vật từ những chuyến du lịch nước ngoài hoặc của bạn bè tặng được ghi bằng tiếng Pháp. Thậm chí căn nhà gỗ cũng mang nét kiến trúc vùng Alsace (Pháp) do ông tự thiết kế sau một chuyến đi hơn 10 năm trước. Có những vật liệu ông tự tìm kiếm ở Sài Gòn, có những thứ đặt thợ làm riêng, chẳng hạn các bản lề, đinh ốc. Nhà để ôtô thiết kế trông giống hầm rượu vang vì có cửa hình vòm bằng gỗ cũng là kỷ niệm từ chuyến du lịch.

Trong vườn đá có tượng đài mô phỏng Stonehenge, với những trụ đá dựng đứng và phía trên gác ngang thanh đá thành hình chữ U ngược, là kỷ niệm sau chuyến đi Anh thăm con gái du học. “Những lúc gọi điện thoại cho con, nhớ nó quá nên tôi làm cái Stonehenge thu nhỏ này” - ông giải thích.

Tết Bính Tuất 2006, ông Năm Khiêm cho người bạn ở Saigontourist mượn vài thanh đá cao to đem về dựng trên đường hoa Nguyễn Huệ. Đã có lúc công ty du lịch này đề nghị ông biến vườn đá thành điểm dừng chân phục vụ giải khát cho du khách ghé thăm trên hành trình từ Đà Lạt về TP.HCM, nhưng ông từ chối vì nhiều lý do. Dù vậy vườn đá vẫn luôn rộng cửa cho những du khách “trước lạ sau quen” và nếu có duyên thì sẽ được gặp chủ nhân.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre

Friday, 1 July 2011

Đừng quá ngạc nhiên khi bạn đứng trên đồi cát vàng mênh mông, lượn sóng và chợt nhận ra cảnh quan xung quanh chẳng mấy chốc đã thay đổi. Chính những cơn “bão cát” là nguyên nhân khiến cho dáng hình của vùng đồi thay đổi liên tục.

Đồi cát Mũi Né cách trung tâm thành phố Phan Thiết chừng 20 km theo hướng Đông Bắc, đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Chẳng phải tự nhiên mà nơi đây được gọi là "thiên đường của nắng - gió - cát". Cát có mặt ở khắp mọi nơi: bãi biển, suối cát, cồn cát,... Ngay đến gấu quần, mặt mũi cũng đầy cát.

Đồi cát còn có tên là đồi cát bay, bởi hình dáng của nó thay đổi liên tục, nhờ gió. Đồi cát trải dài từ Bình Thuận đến Ninh Thuận, nhưng khu vực đẹp nhất nằm ở Mũi Né. Đây được xem là đồi cát có một không hai tại Việt Nam, bắt nguồn từ mỏ sắt cổ tồn tại hàng trăm năm tạo nên. Cát óng ánh trải thảm như sa mạc hoang vu, thay hình đổi dạng nhờ gió bào mòn. Hiện tượng xâm thực của cát kiến tạo vô số hình thù kỳ thú.

< Những hạt cát tưởng chừng vô tri lại là nguồn cảm hứng cho môn nghệ thuật mới, độc đáo - tranh cát.

Trông gần, nhưng lại hóa xa, những cồn cát tưởng chừng đi bộ một lúc là đến, kỳ thực lại dài bất tận.

Ngoài hình dáng đẹp, màu sắc của cát cũng là điểm thu hút khá nhiều du khách (có đến 18 màu sắc khác nhau). Những cồn cát này là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhiếp ảnh gia, họa sĩ, thi sĩ… và là khởi nguồn cho môn nghệ thuật mới, độc đáo: tranh cát.

Nấp mình dưới bóng những hàng phi lao, tận hưởng hương vị ngọt mát của dừa xiêm xứ biển, hay hít hà cùng món bánh tráng mắm ruốc ngon, lạ,…, thử cảm giác đi chân trần trên cát nóng là những khoái cảm đầu tiên dành cho bạn trong chuyến chu du này.

Nếu không muốn đối mặt với cảm giác nóng bỏng của cát, thời điểm tham quan thích hợp nhất dành cho bạn là vào buổi sáng sớm (5 giờ sáng) hoặc chiều tối.
< Bạn sẽ được hướng dẫn và phục vụ chu đáo đến khi bạn không còn đủ sức chơi nữa mới thôi.

Trượt cát là trò chơi ai cũng phải tham gia khi đến đây. Sau khi thuê tấm ván trượt với giá 10.000 đồng cho một buổi trượt (dành cho 2 người), bạn sẽ được hướng dẫn và phục vụ chu đáo đến khi bạn không còn đủ sức chơi nữa mới thôi. Bạn có thể tùy ý lê la bất cứ đồi cát nào tùy thích, tận hưởng “cảm giác mạnh” với những con dốc. Dốc của đồi càng cao, trượt ván càng say, đương nhiên chủ nhân cũng hứng càng nhiều cát. Đừng tự ý trượt mà không được hướng dẫn vì bạn sẽ không thể đi xa, cho dù đỉnh cồn cát có cao đến mấy.

Đồi cát còn là một địa điểm lí tưởng cho những shoot ảnh độc đáo. Ở mỗi không gian và thời gian lại có những khám phá thú vị, không đụng hàng về hình dáng, màu sắc, độ tương phản,…

Không chỉ trượt cát, khách đến Mũi Né còn có thể tham gia các môn thể thao cảm giác mạnh như chinh phục đồi cát, vượt địa hình bằng xe “đặc chủng”. Thật thú vị khi tự tay điều khiển xe vượt cát và thưởng ngoạn vẻ đẹp độc đáo của đồi cát được mệnh danh là kỳ bí nhất Việt Nam.

Khám phá “Thủ đô resort” về đêm

Khác với cái nóng bỏng “sa mạc” ban ngày, màn đêm xuống mang đến cảm giác khoan khoái, dịu mát của gió biển rì rào.

Cả “thủ đô” được thắp sáng rực rỡ. Mọi người đổ ra đường tận hưởng cảm giác của đêm. Những băng ghế dọc bờ biển sẵn sàng đón những vị khách. Bạn và nhóm bạn hoàn toàn có thể đốt một đống lửa nhỏ trên bãi biển vừa để vui chơi, vừa để thưởng thức trọn vẹn âm thanh của sóng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thuê xe đạp chạy vòng quanh thăm thú, thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn của vùng biển Phan Thiết như cháo hàu, mực nướng, gỏi ốc,… với giá cực kỳ phải chăng.

Cũng có thể tấp vào một cửa hàng đồ lưu niệm để chọn cho mình những món tặng vật từ biển như ngọc trai, khuyên tai, nhẫn, vòng ngọc được chế tác tinh tế.

Du lịch, GO! - Theo báo Bưu Điện
Những tán lá phớt đỏ, dòng nước trắng xoá, thác 7 tầng như một ngọn thác của châu Âu giữa lòng núi rừng Tây Nguyên.

Thác bảy tầng nằm sâu trong rừng quốc gia Nam Nung, Đắk Nông, cách cửa rừng khoảng 10km.
Đường đến rừng Nam Nung tuyệt đẹp với những cung đường đất đỏ uốn cong, dốc núi ẩn hiện, triền thông rì rào, không khí trong lành và vắng vẻ, khiến du khách như lạc vào chốn thiên thai cùng cảm giác bình an, thanh thản lạ.

Thế nhưng cung đường vào thác ngược lại. Cả con đường ẩn mình dưới bóng mát của những cây cổ thụ. Vào ngày nắng, đi dưới bóng râm, nghe cái lạnh se sắt của núi rừng, nghe chim hót, xa xa tiếng vượn hú thì không gì bằng. Nhưng sau những đợt mưa đầu mùa, bóng râm của tán cây trở thành “kẻ tội đồ” biến con đường ngập trong bùn.

< Đường vào thác vô vàn khó khăn.

Đoạn nào bùn ít, du khách còn trả số, dong xe qua, riêng những đoạn ngập đến mắt cá, thì một người dắt, vài người đẩy.

Cá biệt có những đoạn bùn biến thành sông, cả nhóm rơi vào thế “lui không được, tiến tới không xong”, đành băng trên những khoảng trống ngập lá đang phân rã giữa các cây, nghe trong gió vị hăng hắc của lá mục, vị nồng của cỏ bị dập.

Cuối con đường, thác 7 tầng hiện ra hoang sơ và đẹp đến ngỡ ngàng.

Tọa lạc giữa khu rừng quanh năm không khí lạnh, nên không lạ khi thác 7 tầng không mang đặc trưng của những thác miền nhiệt đới là dòng chảy cuồn cuộn đập mạnh vào đá, mà mang đậm nét của một thác nước miền ôn đới với những tán lá có màu xanh nhạt, hay phơn phớt đỏ cùng ánh nắng màu vàng nhạt. Mảng màu ấy khiến thác mang vẻ đẹp man mác như mùa thu ở các nước châu Âu.
Nhìn từ xa, hay nhìn từ trên xuống, thác tựa như người sơn nữ sau khi hoá thân thành dòng nước, vừa "tham lam" muốn mang thật nhiều nước, vượt qua bao núi rừng về cứu hạn cho dân làng, vừa sợ làm tổn thương cây cỏ, nên cứ trải dài, trải dài, nhẹ nhàng. Thế thác, màu của cây cỏ khiến thác mang một nét đẹp thanh thoát, bình yên.
< Thác mang vẻ đẹp của các thác nước ở châu Âu với những dòng chảy trải rộng.

Không khí trong rừng cao nguyên thấm dần cái lạnh vào du khách, song vẫn không thể ngăn người ta hòa mình vào dòng nước trong vắt cạnh những gờ đá.
< Sự biến hoá của dòng chảy.

Vài người lúc đầu còn nhăn mặt vì cái lạnh đến tê người của cả không khí và dòng chảy, nhưng vài phút sau, lại cũng cảm thấy dễ chịu. Cứ thế, cái ấm áp từ đâu thấm dần vào người, mọi mệt nhọc của quãng đường như được gột sạch, tâm trạng cũng thư thái, nhẹ nhàng hơn.

Thoảng trong gió, tiếng chim rừng rít rít, hương thơm của những đóa phong lan rừng đung đưa trên những nhành cổ thụ thơm ngát.

Thác 7 tầng nằm sâu trong rừng quốc gia Nam Nung và không thuộc diện khai thác du lịch, du khách nên xin phép kiểm lâm trước khi khám phá và chỉ nên đi theo đường quy định, không nên ở lại thác sau 16h.

Du lịch, GO! - Theo Bưu Điện Việt Nam -------------

Nướng cơm lam trên thác 7 tầng

Thác 7 tầng thuộc xã Đạm Ri, Đạ Huoai, Lâm Đồng, cách Sài Gòn 160km. Nơi đây chưa được công ty du lịch nào đưa vào khai thác nên muốn đến, bạn phải nhờ dân địa phương dẫn đường.
Du khách phải trải qua cảm giác chênh vênh khixe máy chạy trên đường mòn nhỏ, mỏng manh như một sợi chỉ vắt ngang giữa ngọn đồi cao ngất. Con đường không những dốc, hẹp mà còn khá trơn, rất dễ trượt.

Bù lại, cái cảm giác phiêu lưu ấy nét đẹp hoang sơ đến choáng ngợp của dòng thác ẩn mình sau màu tím ngát của hoa mua. Thác cao hơn 30 mét và bị phân thành nhiều tầng do những khối đá nhô ra. Rất khó đếm được thác có bao nhiêu tầng vì những bậc đá cứ đan xen theo hình zigzac, nhưng nếu nhìn thoáng, sẽ thấy rõ thác có 1 tầng riêng biệt với chiều cao non 2m và 6 tầng khác nằm liền nhau, đó cũng là lý do người ta gọi nó là thác 7 tầng.
< Những quả "nho Mỹ của rừng" tím đậm, căng tròn.

Dừng chân tại một bãi cỏ khá rộng, bằng phẳng, xanh mướt, có một loại cây rất lạ với những chùm trái đỏ, tím đậm, hình oval ngon mắt. Bạn tôi òa lên thích thú, rồi băng tới, bứt vài chùm đem đến, miệng toe toét: “Nho Mỹ đấy”. Nhìn gần, hình dáng và màu sắc loại trái này không khác với cái tên nó được ví von. Đó là đuôi chồn, một loại trái rừng, khi ăn có vị chua, chát nhẹ.
< Phương án chống lạnh duy nhất là không nên bước ra, bước vào mà nên ngâm hẳn trong làn nước đến khi không tắm nữa.

Ai chưa tắm thác thì không thể hình dung cái cảm giác nhoi nhói ở mặt, lưng, vai khi làn nước từ trên cao đập vào. Cả cái lạnh dường như khiến quai hàm như cứng lại nếu như ngừng hoạt động ra sao.

Việc xô đẩy, chen chúc hay sự vô lo, không phân biệt trai, gái; thân, sơ, cứ thế người này giúp nâng người kia lên tầng cao hơn để tận hưởng một trải nghiệm khác,của làn nước, cái trơn trợt của đá, hay chỉ đơn giản là ghi lại những shoot hình ấn tượng. Lúc ấy, mọi âm thanh, mọi tất bật của cuộc sống dường như bị đẩy lùi, chỉ còn tiếng cười và niềm vui.

Ẩn trong rừng, lại qua nhiều tầng đá, nước thác lạnh đến nỗi ồn ào chưa tới 30 phút, ai cũng run cầm cập và kéo nhau đến bên bếp lửa hong cho ấm người.
< Đốt cơm lam và nướng thịt.

Và đó cũng là lúc, những chiếc ống tre đựng nếp đã chuẩn bị sẵn được cho vào bếp để phục vụ những cái bụng sôi lên sau khi trầm mình trong làn nước lạnh. Không biết người khác nấu cơm lam thế nào, riêng chúng tôi cho hẳn vào đống lửa đang cháy, trông giống việc đốt hơn là nướng.
< Hương thịt nướng thơm hết cả rừng.

Quần áo chưa kịp khô hẳn, lượt cơm, vỉ thịt đầu tiên đã chín. Chặt một nhánh lá chuối rừng, xếp thịt nướng vào đó.

Cơm lam cầu kỳ hơn, với việc lấy những ống tre cháy xém ra khỏi lửa, dùng dao chẻ hai đường nhỏ, rồi dùng tay tách mạnh, những hạt cơm nếp trắng tinh, thơm lừng hiện ra ngon mắt đến lạ.

Cứ thế, nhấm nháp thứ cơm nóng, dẻo cùng thịt nướng, thỉnh thoảng hút một hơi rượu cần thơm ngọt. Không khí núi rừng, vị ngọt, ngon của món ăn giữa rừng càng tinh túy và đậm đà hơn.

Du lịch, GO! Theo BĐVN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống