Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 11 July 2011

Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hoá, quyện vào nhau tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình của Huế.

Từ lâu, ngọn núi xinh đẹp này cùng với sông Hương trong xanh đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên Huế. Vì vậy, người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương và núi Ngự.

Huế nổi tiếng không chỉ vì là nơi tập trung những đền đài lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, nơi có những ngôi chùa, nhà thờ, đền đài nổi danh, nơi có những con người với danh xưng “người Huế trầm mặc”, mà Huế còn nổi tiếng vì có một thiên nhiên tươi đẹp. Đến Huế, cái cảm giác đầu tiên mà ta bắt gặp chính là đang bước vào một nơi tĩnh lặng, hiền hoà.
.
Trước mắt du khách không phải đối diện với những ngọn núi cao hùng vĩ, chót vót, cũng không phải đối diện với những con sông dài rộng mênh mông sóng cuộn tung bờ mà là một cảnh quan rất thấp, rất nhẹ, rất êm, rất xinh và ngay cả du khách cũng sẽ tiếp xúc với một giọng nói cũng rất “ngang”. Tất cả đó là cảnh quan Huế mà nổi bật lên trên chính là sông Hương và núi Ngự. Con sông và ngọn núi biểu tượng của Huế. Đúng thế, như nhà thơ Bùi Giáng trả lời cho một ai đó hỏi về cảm tưởng của ông về Huế, ông chỉ cười và đáp:

“Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”

Câu thơ lục bát rất đơn sơ, rất ca dao nhưng cũng “rất Huế”. Đừng ai hỏi Huế là gì? Huế là thế nào? Xin thưa “Huế là Huế” là “Hương Bình”.

Kinh qua bao nhiêu đổi thay, qua “bao lớp sống phế hưng”, Huế vẫn tồn tại với sông Hương và núi Ngự, với bao nhiêu nét đẹp đã đi vào thơ ca, đi vào lòng người.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì núi Ngự Bình có tên gọi là Bằng Sơn hay Bình Sơn, một ngọn núi không cao hình dáng giống cái bình phong, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Từ khi dời phủ về làng Phú Xuân và xây dựng chính dinh ở đây, chúa Nguyễn Phúc Thái tục gọi là chúa Ngãi, lấy Bằng Sơn làm tiền án ở mặt chính nam nên đổi tên là Ngự Bình Sơn.

Từ đó về sau Ngự Bình Sơn là một trong những ngọn núi rất quan trọng trong việc xây dựng kinh thành Huế của các vua nhà Nguyễn. Ngay từ thời Nguyễn Huệ còn làm Bắc Bình Vương, khi nghe quân Thanh kéo 20 vạn quân sang xâm lấn nước ta, Nguyễn Huệ đã lập đàn tế cáo trời đất trên ngọn Hữu Bật Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và tiến quân ra Bắc. Xem thế thì Ngự Bình là một ngọn núi rất quan trọng.

Ngày xưa từ chân núi lên đến đỉnh núi các vua chúa cho trồng thông, quanh năm xanh tốt. “Thông reo núi Ngự” chính là vì thế. Nhìn ngọn Ngự Bình cùng hai ngọn Tả Phù - Hữu Bật trông giống như con phượng hoàng đang xoè cánh che chở cho đế thành. Đây ngày xưa cũng là nơi dập dìu tới lui của các cặp tài tử giai nhân vào những tiết tốt như thanh minh, nguyên tiêu, trùng cửu. Đứng trên đỉnh Ngự, lắng nghe tiếng thông reo có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh kinh thành Huế ẩn hiện những lâu đài thành quách, mái chùa cổ kính giữa một màu xanh của cây cối và sông Hương như giải lụa uốn lượn quanh co.

Ngay trước tầm mắt là các khu đồi, là rừng thông bát ngát tiếp đến một vùng đồng bằng rộng lớn của các huyện: Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà cỏ cây xanh rờn..., xa hơn là dãy Trường Sơn trùng điệp một màu tím thẫm ẩn hiện sau những tầng mây bạc. Nhìn về phía đông, là những dải cát trắng mờ phía xa cửa Thuận An với màu xanh thăm thẳm của Biển Đông. Núi không cao, không cheo leo gập ghềnh nhưng núi Ngự mang cái dáng vẻ của một con người trầm tư mặc tưởng, thanh thoát lâng lâng hồn người.

Cái đẹp của núi Ngự không phải là về mặt phong thủy che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự chính là chỗ nó gần gũi với dân Huế, nó trở thành một cái đài, một ngôi lầu cao vút và lên đó theo những bậc cấp nhân tạo người ta có thể phóng tầm mắt mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền của thành Huế, lắng nghe những tiếng vọng từ bên dưới rất xa, và có cảm tưởng như mình đang ở vào một thế giới nào đó, thoát tục. Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình đã góp phần làm nên vẻ hữu tình của xứ Huế. Chẳng thế mà người ta quen gọi Huế là xứ sở của sông Hương – núi Ngự.

Đông qua, xuân lại, thời gian biến chuyển đổi thay, đã gần hơn nửa thế kỷ nay, cây cối trên núi hầu như không còn.

Những năm gần đây, núi Ngự đã được sống lại. Từ xa du khách có thể thấy được các cụm thông trên núi, tuy chưa lớn lắm nhưng cũng đã phủ xanh được ngọn núi này, những ngày lộng gió, đứng dưới chân núi ta lại bắt đầu nghe điệu nhạc thông réo rắt.

Và mấy năm trở lại đây, một nét văn hoá cố đô rất đáng hoan nghênh là vào những ngày đẹp trời, vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, trùng cửu, từng đoàn trai thanh gái lịch đã về đây, tiếp bước người xưa lên núi hái lộc, ca xướng ngâm vịnh. Cái sinh khí đã trở lại hứa hẹn cho Huế một tương lai sán lạn.

Du lịch, GO! - Theo Festival Hue, ảnh internet

Sunday, 10 July 2011

Đến Đắk Nông để tham quan, nghỉ dưỡng sau những ngày bộn bề công việc mà bạn chưa đi thăm điểm du lịch thác Đắk G’Lun thì quả là đáng tiếc.
Nằm trên địa phận xã Đắk R’Til, huyện Tuy Đức, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa 60km, thác Đắk G’Lun tuyệt đẹp tung mình ở độ cao hơn 50m rồi được tẽ thành hai dòng nước treo lơ lững trên vách đá trông rất quyến rũ.

Đến với Đắk G’Lun là đến với cảnh non nước hữu tình, không khí mát mẻ, trong lành, cộng với tiếng chim muông ca hát bạn sẽ có được cảm giác thư giãn, êm đềm. Bên trên dòng thác là những khối đá lớn và bằng phẳng tựa những tấm thảm trải rộng để hai dòng chảy ngày đêm chuyển động không mệt mỏi.

Phía dưới chân thác là những mô đá lớn nhỏ nhấp nhô với muôn vàng dáng vẻ, tựa những vũ khúc điệu đàng. Khi mặt trời lên, những bụi nước lóng lánh làm thành những chiếc cầu vồng lúc ẩn lúc hiện.

Thác Đắk G’Lun nằm trong cánh rừng đặc dụng với nhiều loại gỗ quý hiếm. Bao bọc xung quanh thác là các loại cây có tán rộng và những bụi le rừng mát mẻ. Quanh khu vực này hơi nước luôn toả ra trông giống như mưa phùn ở Đà Lạt. Nơi đây còn có những bãi đất rộng và bằng phẳng để du khách cắm trại nghỉ qua đêm, hay để thưởng ngoạn mặt trời lên…

Từ nhiều năm nay, dù nằm ở nơi khuất vắng, nhưng với vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của mình, thác Đắk G’Lun đã cuốn hút biết bao du khách trong vùng đến tham quan.
Nơi đây nếu được đầu tư và xây dựng chắc chắn sẽ không chỉ thu hút du khách trong tỉnh mà sẽ còn thu hút nhiều du khách ở các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh.

Du lịch, GO! Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Nông

Giữa trưa, chúng tôi đặt chân tới đầu nguồn thác Đak G’lun nằm trong địa phận huyện biên giới Tuy Đức trên độ cao 728 mét so với mặt biển và cách ngã ba Kiến Đức 35 km hướng Tây Bắc nếu đi trên tỉnh lộ 681. Theo lối mòn xuống thác chúng tôi xuyên qua nhiều địa hình: vạt rừng Bằng Lăng với thân cây thẳng ngọn, những vách đá dựng đứng rễ cây cổ thụ bám đầy tựa những con trăn trườn mình bò ngổn ngang, thỉnh thoảng phải men theo con đường khuyết sâu vào lòng núi giống hang chân sóng nối liền hai động đá rộng lớn theo dạng hàm ếch trông rất ngoạn mục.

Bất ngờ xuất hiện dưới tán lá rừng luồng nước khổng lồ tung mình trên độ cao hơn 50 mét đổ xuống ầm ì rung chuyển cả một góc rừng và phía chân thác ẩn hiện trong bụi nước bắn ra là sắc cầu vồng lung linh, huyền ảo. Cảnh vật thác Đak G’lun đẹp hoang dã như chuyện cổ tích , xứng danh “ Người đẹp giữa Đại ngàn” mà người M’Nông đã đặt tên.

Đêm ở Bon J’riêng – Gia Nghĩa thơm mùi nếp mới và thịt nướng từ ngôi nhà làng, còn ở phía trước sân, đống lửa bắt đầu cháy bùng lên sau khi già làng hoàn tất phần nghi thức mở hội trong tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã, trầm hùng. Những bài nhạc cồng chiêng đón khách chúc sức khỏe, mừng lúa mới, mừng chiến thắng lần lượt được diễn tấu làm nền cho vòng xoang gồm 40 con người mấy thế hệ trong trang phục M’Nông đã làm sống lại đêm hội cồng chiêng thuở nào. 

Theo HTA
Cách thành phố Đà Nẵng 7km về phía Đông Nam, Ngũ Hành Sơn sừng sững qua bao năm tháng luôn là một điểm đến hấp dẫn với mọi khách du lịch. Trong năm ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thuỷ Sơn, Hoả Sơn và Thổ Sơn thì Thuỷ Sơn là ngọn núi… ba nhất (đẹp nhất, cao nhất và hấp dẫn nhất).
Chinh phục được Thuỷ Sơn luôn là mong muốn của nhiều du khách khi đến tham quan một trong những thắng cảnh đẹp nhất của dải đất miền Trung.

Chốn bồng lai tiên cảnh.

Có nhiều truyền thuyết về sự ra đời của Ngũ Hành Sơn, nhưng phổ biến nhất là câu chuyện “ông già giữ trứng”. Truyện kể về một ông già sống đơn độc trong một túp lều tranh, được thần Kim Quy giao nhiệm vụ bảo vệ quả trứng rồng, giọt máu của Long Quân. Đến khi quả trứng nở, 5 mảnh vỏ trứng vỡ biến thành 5 ngọn núi và Ngũ Hành Sơn xuất hiện.
.
Rộng chừng 15ha, Thuỷ Sơn là ngọn cao nhất trong Ngũ Hành Sơn (106 m). Hầu hết các chùa chiền và hang động của Ngũ Hành Sơn đều tập trung ở Thủy Sơn. Đỉnh núi có 3 ngọn nằm ở 3 tầng. Ngọn cao nhất ở phía tây bắc gọi là Thượng Thai có Vọng Giang Đài, tháp Phổ Đồng, chùa Từ Tâm, chùa Tam Tâm, chùa Tam Thai, Hành Cung, động Hoả Nghiêm, động Huyền Không, động Linh Nham và động Lăng Hư. Ngọn phía nam thấp hơn gọi là Trung Thai có hai cổng động Thiên Phước Địa, Văn Căn Nguyệt và các động Vân Thông, Thiên Long, hang Vân Nguyệt. Ngọn phía đông thấp nhất gọi là Hạ Thai có Vọng Hải Đài, chùa Linh Ứng, động Ngũ Cốc, động Tàng Chân, phía dưới núi là Giếng Tiên và động Âm Phủ.

Theo những bậc thang bằng đá dài dằng dặc lên núi, chùa Tam Thai hiện ra. Theo sử liệu, chùa được xây dựng cách đây ít nhất 300 năm. Năm 1825, vua Minh Mạng, trong chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn, đã cho xây lại chùa Tam Thai và đến năm 1827 đã cho đúc chín tượng và ba chuông lớn.

Phía phải chùa Tam Thai là Vọng Giang Đài. Đứng từ đây có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn, có núi có sông, nhà cửa san sát, gió thổi lồng lộng. Nhiều du khách đến đây, ngắm nhìn dòng Trường Giang uốn mình dưới chân mà có cảm giác như mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Vòng ra sau lưng chùa Tam Thai, theo một con đường đất, bạn sẽ đến động Huyền Không. Trong động có đường dẫn sâu xuống lòng đất. Xuống đến hang, một không gian rộng hiện ra với ánh sáng mờ ảo được rọi xuống từ lỗ hổng trên miệng hang. Cái lạnh trong lòng động như tăng thêm bởi những giọt nước chốc chốc lại rơi xuống, thấm vào đất, ướt cả một khoảng rộng. Trên vách động có nhiều hình ảnh thiên tạo đẹp mắt. Anh Lộc (hướng dẫn viên công ty du lịch Những Người Bạn) kể: “Trước đây, vách động có hình một con hạc lớn, nhưng theo thời gian, hình ảnh con hạc đã bị nước trong động bào mòn. Hiện nay chỉ còn nhìn thấy một phần”. Không gian lành lạnh, mờ mờ ảo ảo tạo cảm giác huyền diệu, linh thiêng.

Gian nan “đường lên trời”

Rời động Huyền Không, đi về phía đông, cụm hang động Trung Thai hiện ra. Cụm này có động Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt và động Vân Thông. Động Vân Thông nằm gọn trong lòng núi, hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi. Trong động có một tấm bia cổ, khắc 3 chữ “Ngũ Uẩn Sơn”, giữa động có một tượng Phật rất lớn. Sau lưng tượng là đường đi lên động. Vì người ta có thể theo đường này bò lên đỉnh núi nên mới có tên gọi là “đường lên trời”.

Để có thể “lên tận mây” không dễ nếu không muốn nói là gian nan. Nhiều du khách trong và ngoài nước đã thử, nhưng được một đoạn là quay trở ra ngao ngán lắc đầu. Đường đi trong động không chỉ tối mà còn ngày càng hẹp lại. Hơi lạnh, nước rỏ xuống tạo cảm giác “thấu xương”. Nhưng đây lại là thách thức đối với những bạn trẻ, những người muốn chứng minh khả năng vượt thử thách của mình.

Theo chân những người trẻ trong đoàn du lịch, tôi cũng quyết tâm "bò lên trời”. Hang càng lúc càng tối, càng hẹp, phải khom người xuống để đi. Hang ẩm nên khá trơn, hướng dẫn viên chốc chốc lại nhắc chúng tôi cẩn thận bám vào những mẩu đá hai bên. Gần 5 phút đi khom là đến giai đoạn “bò”. Hang dốc, những mẩu đá là điểm tựa để bám thì rất nhỏ, chỉ gần nửa bàn chân.

Không gian tối đen, tiếng người phía trước rên rỉ: “Phải chi hồi nãy mua đèn pin”, “Làm sao một hồi leo xuống, sợ quá”… Có những đoạn dốc cao, người sau phải nhờ đến sự “tiếp cứu” của người đi phía trước. Người trước lên được một tảng đá sẽ giữ máy chụp hình, sổ tay để người phía dưới bám đá vượt lên dốc. Đoạn đường “leo, bò, và cả nhảy” này khá xa, nhiều người bắt đầu nản và lầm bầm: “Chắc không tới quá, leo xuống đi”, “Làm sao xuống được, lỡ rồi lên luôn”... Vậy là hành trình lại tiếp tục trong bóng tối vì người đòi bỏ cuộc cũng không cách nào xuống được khi phía dưới cứ đẩy lên.

Thế nhưng, chỉ một đoạn ngắn sau, ánh sáng từ “cổng trời” đã chiếu rọi vào động như những ánh hào quang, ai cũng vui mừng, động viên, hối thúc nhau đi tiếp.

“Tới đỉnh rồi!”

Lên cửa hang, đỉnh núi hiện ra rực rỡ trong cái nắng pha chút hơi lạnh của khí trời Đà Nẵng. Những âm thanh vui sướng vang lên: “Quá đã, quá đã, lên đây rồi mới thấy không uổng công… bò”. Những bức ảnh được chụp vội, những cái nhìn như vội vã mở rộng hơn để bao quát hết sông biển, ruộng đồng. Nhiều khách du lịch sung sướng giơ hết cả chân tay lên la lớn: “Ta đã tới trời rồi, ta muốn ôm cả đất trời…”. Riêng tôi chỉ yên lặng, lấy quyển sổ mang theo ghi vội những cảm xúc đang dâng lên. Có ai đó chợt tiếc nuối: “Tội cho những người già, mình trẻ đỡ quá, lên tới đây thấy sướng hết sức”.

Đứng trên đỉnh động chỉ gần 5 phút mà ai cũng có cảm giác như lâu lắm, những cảm xúc sửng sốt, sung sướng, hạnh phúc làm cho không gian hình như ngưng đọng. Nhưng rồi cũng đến lúc hướng dẫn viên nhắc nhở mọi người: “Xuống thôi, sắp tới giờ đoàn đi rồi”. Mọi người đành luyến tiếc rời "trời".

Đường xuống nằm ở bên ngoài động. Con đường mòn bằng đất có nhiều đá tảng to và dây leo chằng chịt đẹp mắt. Khi xuống, theo đà dốc, thân người chúi về trước nên rất dễ ngã. Nhiều khách du lịch đã bị “tuột dốc”, nhưng nhờ bám vào những dây leo xung quanh nên thoát nạn. Đường đi xuống nhanh hơn nên chỉ một chốc đã đến chân động.

Tiếp tục hành trình tham quan Hạ Thai, chúng tôi đến Vọng Hải Đài. Thuỷ Sơn thật lạ, một phía có thể nhìn thấy sông từ Vọng Giang Đài, một phía lại nhìn thấy biển từ Vọng Hải Đài. Cả hai đài đều có kích thước giống nhau, kiểu dáng như nhau. Chỉ khác là từ một điểm bạn có thể ngắm dòng sông uốn lượn, nhà cửa san sát, còn từ bên kia có thể phóng tầm mắt khắp vùng trời biển bao la nhộn nhịp ghe thuyền.

Phía dưới Vọng Hải Đài là chùa Linh Ứng - ngôi chùa có giá trị lịch sử cao, được xem là quốc tự và di tích Phật Giáo. Khách đến đây có thể chiêm ngưỡng ngôi tháp xá lợi uy nghi, đẹp mắt. Tục truyền trong tháp có cất giữ những viên xá lợi quý giá. Chỉ những ai có duyên với Phật, có “căn tu” mới nhìn thấy được vầng hào quang phát ra từ xá lợi, người thường không thể thấy.

Đường lên Thủy Sơn gian khổ bao nhiêu thì rời nơi này lòng ai cũng thấy ngẩn ngơ, tiếc nuối bấy nhiêu. Bởi với một tour du lịch ngắn, bạn sẽ chẳng bao giờ có đủ thời gian để có thể đi hết Thuỷ Sơn và bốn ngọn núi còn lại. Có người cho rằng để tham quan trọn vẹn Ngũ Hành Sơn phải mất cả tháng mới đi hết từng hang động, từng ngôi chùa, từng giếng nước linh thiêng... Và có như vậy mới thấy hết cái đẹp, cái lung linh huyền bí của danh thắng Non Nước. Tuy nhiên, vượt qua đoạn hang Vân Thông, lên “tới trời” cũng là một chiến tích đáng nhớ với những ai một lần ghé thăm Ngũ Hành Sơn.

Du lịch, GO! Theo Minh Khuê, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống