Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 21 July 2011

Chảy qua thành phố Biên Hoà, sông Đồng Nai như mở lòng ra ôm trọn hai cù lao xinh đẹp và trù phú: cù lao Tân Uyên và cù lao Phố, nên đây có lẽ là một trong những đoạn đẹp nhất của con sông này.

< Chiều buông trên đoạn sông chảy qua phường Tân Mai, nơi có làng bè Tâm Mai, cảnh buồn mà đẹp như tranh thủy mặc.

Sông Đồng Nai chiếm gần đại bộ phận miền Đông Nam Bộ nên có một vị trí khá quan trọng về mặt tài nguyên nước, nguồn điện năng và về mặt giao thông thủy. Bắt nguồn từ vùng núi phía bắc thuộc cao nguyên Lang Biang (Nam Trường Sơn) ở độ cao 1.770m. Cao nguyên Lang Biang gồm nhiều đồi đỉnh tròn. Có những đỉnh cao như Lâm Viên 2.167m, Bi Đúp 2.287m. Thung lũng hiện nay là rừng cây thưa, mặt dốc, các sườn phủ cỏ cao và dày. Độ dốc các sườn núi thường là 20 - 25%.
.
< Khúc sông ôm trọn cù lao Ba Xê đẹp như tranh vẽ khi trời chiều buông.

Hướng chảy chính của sông là đông bắc - tây nam và bắc - nam. Sau khi hợp hai nhánh Đa Nhim và Đa Dung, sông Đồng Nai vòng bao lưu vực sông La Ngà, chảy qua nhiều thác ghềnh, mà thác cuối cùng nổi tiếng là thác Trị An cách Biên Hòa 30km. Qua Trị An, sông Đồng Nai chảy vào đồng bằng. ở thượng lưu thác Trị An, sông Đồng Nai có nhánh lớn La Ngà gia nhập, với diện tích lưu vực 4.100km2. Ở hạ lưu thác Trị An, lại nhận thêm nhánh sông Bé với diện tích lưu vực 8.200km2.

< Cảnh sinh hoạt của những người phụ nữ làng bè trên sông lúc chiều buông.

Sau khi qua thác Trị An, sông Đồng Nai đi vào đỉnh tam giác châu và trở nên rất thuận lợi cho giao thông thủy. Về phía tây lưu vực có sông Sài Gòn bắt nguồn từ cao nguyên Hớn Quản chảy song song với sông Bé và đổ vào sông Đồng Nai. Từ thượng nguồn đến hợp lưu với sông Sài Gòn, dòng sông chính dài khoảng 530 km.
< Chài lưới trên sông.
< Trẻ đi học về được mẹ đón đưa bằng xuồng mộc.

Đoạn sông Đồng Nai từ đó đến chỗ gặp sông Vàm Cỏ có tên là sông Nhà Bè. Đoạn này dài khoảng 34 km. Sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ chảy trong đồng bằng thấp nên thủy triều ảnh hưởng lên đến tận nguồn. Cũng có ý kiến cho rằng sông Vàm Cỏ trước đây là phân lưu của sông Cửu Long, về sau sông chuyển dòng về phía tây nam.
< Làng chài Tân Mai trải mình trên mặt sông yên lặng giữa trời chiều còn loang nắng, tạo nét đẹp trầm buồn đến nao lòng.

Lượng mưa phong phú đã cung cấp một lượng nước mặt phong phú. Hằng năm, lưu vực sông Đồng Nai, không kể hai sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, tải ra biển khoảng trên 22 tỷ m3 nước, ứng với môđun dòng chảy khoảng 30 l/s.km2.
< Một bến sông ven bờ Đồng Nai.

Tuy nhiên, dòng chảy phân bố trên lưu vực rất khác nhau. Lưu vực sông La Ngà có dòng chảy phong phú nhất, đạt xấp xỉ 40 l/s.km2. Lưu vực sông Bé có dòng chảy trung bình, đạt xấp xỉ 30 l/s.km2. Vùng thượng nguồn sông Bé, sông Đồng Nai có dòng chảy nhỏ hơn hết, chỉ đạt 20 - 15 l/s.km2. Cá biệt có nơi như lưu vực Đa Quyn dòng chảy năm chỉ đạt xấp xỉ 18 l/s.km2.
< Cầu Gành là nơi nâng đỡ tuyến đường sắt Bắc - Nam vượt dòng sông Đồng Nai. Ban đêm cây cầu trở nên vô cùng lộng lẫy với đủ sắc màu huyền ảo.
< Cầu Đồng Nai mới vừa được hoàn thành không lâu cũng lung linh khoe sắc, đẹp hơn hẳn cầu Đồng Nai cũ.

Một lần ghé thành phố Biên Hòa, chúng tôi đã có dịp ghi nhận vẻ đẹp của khúc sông này từ khi mặt trời vừa lặn đến lúc trăng lên. Những làng bè bồng bềnh trên sông, những tòa nhà soi mình trong bóng nước…, tất cả đều có sức lôi cuốn lạ kỳ.
< Cầu Hóa An nối Bình Dương với Biên Hòa có chiều dài gần 1km, uốn mình dưới đêm trăng gợi lên nét thanh bình, yên ả.

Đặc biệt là hình ảnh những cây cầu nối nhịp đôi bờ. Ban ngày, những cây cầu trông có vẻ thô kệch, oằn mình gồng gán dòng xe nườm nượp nhưng đêm về, khi được thắp sáng bởi ánh điện lung linh, những cây cầu khô héo ấy bỗng trở nên duyên dáng một cách bất ngờ.
< Hàng dừa soi bóng nước sông Đồng Nai thơ mộng vào buổi chiều tà.

Nếu đến với Biên Hòa vào một ngày nào đó, bạn đừng chần chờ, hãy thuê một chiếc xuồng của người dân làng bè Tân Mai hay thử dịch vụ cà phê - du thuyền để  ngắm trời mây sông nước Đồng Nai về đêm.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ PNO, Dalat.gov, Tintuctrongngay
Nam Du là cái tên mơ hồ về nguồn gốc. Có người cho rằng tên Nam Du có từ thời Gia Long, lại có người thì nói Nam Du là do người Pháp ghi từ chữ Nam Dự (đảo phía Nam) theo cách gọi của các cụ đồ nho mà ra. Còn theo bản đồ người Pháp ghi là Puolo Dama, vị trí hòn đảo nằm ở vào kinh độ 104 độ 22/ Đông và vĩ độ 42/ Bắc. Nhưng Nam Du còn một tên gọi khác là Củ Tron (hòn đảo lớn nhất trong cụm đảo mà người dân gọi là Hòn Lớn).

Theo Nam Du ký của nhà văn Anh Động về chuyện tích truyền khẩu của Hòn Củ Tron: “Vào năm 1870, sau khi thất thủ thành Gia Định lần thứ 2, Chúa Nguyễn Ánh cùng một đám tàn quân bị Tây Sơn truy đuổi ráo riết, phải tấp vào cụm hòn này  lẩn trốn. Thiếu nước uống, Chúa bảo binh sĩ đào ao lấy nước ngọt. Hiện nay “Giếng Ngự”, “Bãi Ngự” vẫn hiện hữu phía tây bắc Hòn Lớn. Thiếu lương thực, người dân hướng dẫn binh sĩ đi đào củ nầng có dáng hình tròn tròn về nấu ăn đỡ đói.
.
Đến khi Chúa lên ngôi hoàng đế (1802) chạnh nhớ đến những nơi nhiều kỷ niệm sâu sắc của mình thời bôn ba tẩu quốc, ông sắc tứ cho hòn này một cái tên, gọi là hòn “Củ Tròn”. Vị quan hành khiển vốn người Ngũ Quảng, mang chiếu chỉ đến đây, tập hợp dân lại đọc theo giọng Quảng của vị quân hành khiển, hai tiếng “củ Tròn” thành “Củ Tron” dân nghe chiếu dụ bảo “tron” thì phải gọi theo là “tron” đâu ai dám kháng chỉ”...

ThanhTien: Đích đến là đỉnh núi của đảo Hòn Lớn, đỉnh hòn lớn với ngọn Hải đăng và cột sóng truyền hình. Đỉnh cao nhất của vùng có thể nhìn bao quát được toàn bộ các đảo và khunh cảnh xung quanh.

Đến Trạm Hải Đăng, sau khi xin phép anh Tư Trưởng trạm, chúng tôi được anh dẫn lên lầu để quan sát toàn cảnh quần đảo Nam Du. Trạm Hải Đăng cao 309m, nhìn khung cảnh thật đẹp, xung quanh hòn Lớn được bao quanh bởi thật nhiều hòn đảo nhỏ.

Và đây.. đây là những cảnh mong ước đã được tận mắt nhìn thấy... thật không bõ công ba anh em khi quyết định ra đảo. Khung cảnh như thiên đường, tuy giữa trưa trời hơi gắt và mù nhưng bạn cũng có thể tưởng tượng được cảnh này trong hôm đẹp trời, thời tiết thuận lợi thì nó sẽ ra sao?

Con tầu đưa chúng tôi ra đảo đã lầm lũi trở về đất liền để mang xuân, Tết ở Đảo về cho một số gia đình còn chưa được đoàn tụ.
Ở đây chúng ta cũng có thể nhìn tòan cảnh bến tàu.
Sau khi hẹn với anh Tư sẽ gặp lại ở trận nhậu buổi tối, chúng tôi quyết định đi thăm hòn Ngang, nơi nhiều tầu bè và đông dân cư với lời hứa sẽ quay lại giao lưu, ba anh em lòng phơi phới... xuống núi  và tranh thủ làm quả ảnh.


Nhìn cái bản mặt thấy giãn ra rồi.. không chàu quạu như sáng qua khi không kịp thời gian lên tầu. Y như trái banh bị xì hehe..

Với khung cảnh thế này, banh có xẹp mấy thì cũng phải được bơm lên. Bạn có thấy từ trên đỉnh núi, rất xa mà chỉ nhìn qua view finder của máy ảnh đã có thể thấy được những hòn sỏi lấp ló dưới đáy biển qua các làn sóng...
Con tầu sắt Hòn Lớn - Hòn Ngang cuối cùng cũng đã tới. Tuy cũ kỹ và trông già nua nhưng với hàng bông để trên ban công boong tầu cũng vẫn thấy không khí Tết phảng phất..

Chắc chắn nếu có lần sau, tôi sẽ lựa chọn đi tầu sắt ra và để giành thêm thời gian tận hưởng không khí biển trong lành và khung cảnh nơi đây.

Lên tàu đò chạy sang hòn Ngang, tầu đò này chỉ chạy khi có tàu từ đất liền ra đảo nên chúng tôi phải tranh thủ, nếu không bạn sẽ phải đi đò lẻ và tức nhiên giá cả cũng như cảm giác nhận được sẽ khác.

Trên tầu cũng nhiều người sang hòn Ngang để về nhà sau dịp Tết vào TP chơi hoặc gia đình chồng con về Ngoại (gia đình nhà bé Nhân có chụp trên tầu cao tốc).
Cuộc oanh tạc đã được chuẩn bị sẵn sàng với súng ống hiện hạng nặng, hiện đại... là con D3X với bộ cảm biến Kodak, với Nanô và.. gì gì nữa thì.. có trời mà biết được...

Con tàu nhỏ đi chậm rãi như muốn để cho chúng tôi có cơ hội ngắm nhìn biển xanh, ở trên tàu nhìn những đảo nhỏ xung quanh khiến chúng ta nhớ biển Nha Trang, cũng màu nước xanh rì, sóng nhẹ và những hòn đảo đẹp.
Ở Nam Du, hiện nay vẫn còn nhiều đảo chưa có người ở. Tôi thầm ước một ngày nào đó mình cùng một nàng tiên nữ trẻ chọn một hòn đảo nhỏ để sống một cuộc sống nhẹ nhàng như Robinson, bỏ qua mọi bon chen bề bộn, bỏ qua mọi ảnh ọt lung tung với những topic dài dằng dặc, thú vị làm sao.
Đã đến Hòn Ngang, những chiếc đò nhỏ chở khách cập bến, nhà trên đảo san sát, đây là một hòn đảo tập trung rất nhiều tàu bè, vì là ngày tết nên số lượng tàu dịp này vẫn còn ít.

Ba anh em cùng những em bé lang thang dọc đảo để đến miếu bà, ở đây hầu như đảo nào cũng có miếu thờ. Sau khi hỏi thăm, chúng tôi quyết định đi thăm hòn Mấu trước khi quay về Hòn Lớn để nhậu với anh Tư.

< Chia tay mấy đứa bé dễ thương.
Thuê một chiếc đò nhỏ lên đường sang hòn Mấu. Anh lái đò hiền và rất nhiệt tình trả lời những câu hỏi của Mèo.
Đến Hòn Mấu, nước biển xanh trong, thật tuyệt vời nếu được tắm ở đây.
Hòn Mấu nhỏ, có bãi cát dài rất đẹp, những cây dừa nghiêng bóng trên cát.
< Thăm một cái miếu ở đây.

Sau khi tắm mát, chúng tôi quay trở lại Hòn Lớn, Mèo đi chợ mang về nhiều mực ống to bằng cùm tay và mấy ký Ghẹ bò lổm ngổm, tươi trong.

Bữa cơm tối trên trạm Hải Đăng còn có cả mấy anh Hải Quân, rượu gò đen làm mọi người cởi mở hơn, gần gũi hơn, các anh kể về cuộc sống trên đảo, tuy bình yên nhưng cũng rất buồn, thiếu những thông tin từ đất kiền, có những anh quê tận miền Bắc xa xôi, ăn tết xa nhà nên nhớ quê thật nhiều.

À, mà nhà Mèo cũng ăn tết xa nhà mà chả thấy nhớ nhà gì cả, cười toe tóet suốt ngày.
Chúng tôi đã có một đêm thật ngon giấc trên trạm Hải Đăng lộng gió.

ThanhTien
Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần cuối

Du lịch, GO! - Theo Quehuongtoi

Wednesday, 20 July 2011


Bơi về nơi đất Mẹ
“Khi thủy triều cạn nhất,
Hiện nguyên hình Thuyền Chài.
Chỉ có nắng và gió,
Với đảo và con trai”.

Đó là bốn câu thơ của đại tá Nguyễn Kiều Kinh, trưởng phòng chính sách - Cục Chính trị quân chủng Hải quân, viết trong những ngày làm nhiệm vụ trên đảo Thuyền Chài, đầu tháng 9-1988. Ấy là những chuỗi ngày còn đầy trong ký ức ông...

“Trường” và “Sa”

Cuối tháng 8-1988, lần thứ hai trong năm thượng úy Nguyễn Kiều Kinh xung phong ra đảo Thuyền Chài làm nhiệm vụ. Anh làm khung trưởng chỉ huy đội lắp dựng một nhà sắt ba tầng cho một trung đội ở. Khi đó vợ anh đang mang thai hai tháng. Trước khi đi, người sĩ quan chỉ huy dặn vợ: nếu sinh con trai đặt tên là Trường, còn con gái là Sa.
.
< Những ngôi nhà thuộc thế hệ đầu tiên trên đảo Thuyền Chài B.

Đó là chuyến đi ngay mùa mưa bão, sóng gió. Sau khi chuyển hết nguyên vật liệu lên đảo chìm thì dông gió bất ngờ ập tới, tàu HQ614 bị mắc cạn trên đảo. Nước trên tàu không đủ, chưa biết chính xác ngày nào có tàu ra tiếp viện. Anh em phải tận dụng hứng lại từng gáo nước tắm để trộn ximăng.

Chỉ trong 20 ngày công trình hoàn thành, quá sớm so với hai tháng theo kế hoạch. Lúc này, tàu cứu hộ CB-28 của hải quân Nga đã có mặt để hỗ trợ. Đợi khi thủy triều lên cao nhất, lợi dụng những đợt sóng to, tàu CB-28 kéo đuôi tàu HQ614 lùi ra phía biển. Cùng lúc đó công binh cho nổ mìn phá đá mồ côi, đá san hô cản đường phía đuôi tàu. Mất gần năm tiếng, tàu HQ614 đã được giải cứu thành công. Khi kéo được tàu ra biển, anh em công binh lại phải lo chống chìm cho tàu ở những chỗ thủng, nứt.

Lòng biển

< Đoàn công tác Bộ tư lệnh Công binh trên căn nhà thuộc thế hệ đầu ở đảo Thuyền Chài tháng 5-1988.

6g sáng 25-12-1988, khi chỉ còn cách đất liền 92 hải lý, tàu HQ614 bị thủng bốn lỗ lớn nhỏ ở đáy. Anh em huy động tất cả các loại máy bơm để hút nước. Nhưng sức người không thể nhanh hơn biển. Vết thủng ở đáy tàu mỗi phút lại vỡ ra rộng hơn. Rồi nước dâng ngập hơn nửa khoang, tàu bắt đầu nghiêng về mạn phải. Thuyền trưởng tàu HQ614 phải đưa ra một quyết định khó khăn: báo cho tàu cứu hộ cắt cáp, hi sinh tàu HQ614.

Anh em chiến sĩ được lệnh rời tàu với lời dặn: “Bơi về phía đất Mẹ!”. Từ tàu cứu hộ đến vị trí tàu HQ614 đang dần chìm dài hơn 200m. Sóng cấp 5, cấp 6. Trời chưa sáng rõ. Nước biển tê cóng. Gió lạnh. Mọi người bám theo dây cáp bơi về phía tàu cứu hộ CB-28. Áo phao không đủ, được ưu tiên cho những người không biết bơi. Còn lại anh em tận dụng tất cả những gì có thể nổi trên nước: can nhựa, thùng phuy, bàn gỗ... Cứ 2-3 người bơi giỏi thì kèm một người bơi yếu. Khung phó Đỗ Hữu Tiến - người bơi giỏi nhất - được giao nhiệm vụ bơi kèm người thương binh mù. Một sợi dây được buộc vào cổ tay người chiến sĩ và cổ tay anh Tiến. Anh giật hướng nào, người chiến sĩ bị thương bơi hướng đó.

Khung trưởng Nguyễn Kiều Kinh và thuyền trưởng Ba Thành là hai người cuối cùng rời khỏi tàu. Thuyền trưởng HQ614 ngẩn ngơ đứng trong buồng lái, lặng người xúc động. Anh tìm cách về phòng kịp lấy khẩu súng ngắn và bình tĩnh quấn quốc kỳ lại, giắt vào người rồi nhảy xuống mặt biển lạnh cóng. Sóng đánh dạt anh em thành từng nhóm. “Nhiều lúc bơi ở gần đỉnh sóng, ngoái lại nhìn phía sau thấy anh em mình đang trồi sụp ở tận đáy sóng hun hút”, đại tá Nguyễn Kiều Kinh nhớ lại.

30 phút sau. Trực thăng của hải quân Nga bay ra hỗ trợ tàu cứu hộ CB-28 tìm kiếm. Trên trời, trực thăng bay rà sát mặt biển rất nhiều vòng tìm kiếm. Tàu cứu hộ CB-28 đảo đi đảo lại quanh khu vực anh em chiến sĩ bơi gần hai tiếng. Vớt được người nào bác sĩ phải cấp cứu, hô hấp nhân tạo và xử lý nước biển trong dạ dày ngay lúc đó. Tất cả đều tím tái và gần như lả đi vì lạnh, vì uống no nước biển.

< Đô đốc Giáp Văn Cương thăm đảo Thuyền Chài.

Lúc lên tàu, khung trưởng Nguyễn Kiều Kinh giật thót mình: thiếu sáu chiến sĩ! Mọi người túa ra từng ngóc ngách trên tàu tìm. Một tiếng trôi nặng nề, căng thẳng. Vẫn không thấy. Kiều Kinh chạy lên tầng thượng của tàu tìm trong tuyệt vọng. “Tôi lặng người, chảy nước mắt khi thấy sáu anh em nằm gần như bất động quanh ống xả bọc thép. Có lẽ chịu lạnh lâu quá, anh em leo lên nằm cạnh ống xả cho ấm”, đại tá Nguyễn Kiều Kinh kể. Chiều tối tàu về đến Cam Ranh, kết thúc một hành trình quá nhiều sóng gió. Mỗi người chỉ còn lại độc nhất bộ quần áo lót. Sau 13 năm nhập ngũ, khung trưởng Nguyễn Kiều Kinh lại được cấp phát quân trang như lính mới!

Sau chuyến đi ấy, anh Nguyễn Kiều Kinh lại tiếp tục đi học ở Hà Đông. Vợ anh một nách hai con. Mẹ chồng phải lặn lội từ Tây Ninh ra Quảng Ninh đón đứa cháu nội thứ hai 10 tháng tuổi vào nuôi. Mãi đến năm 1992, kết thúc lớp học, anh và vợ mới vào Tây Ninh đón con về. Thằng bé lúc đó đã gần 4 tuổi. Nó khăng khăng không chịu gọi bố, mẹ. “Chào bố Kinh đi Trường. Đêm nào cô cũng kể về bố Kinh cho cháu nghe đấy”, nghe cô ruột nói, thằng bé cứ trân trân nhìn người đàn ông lạ lẫm trước mặt. Nó lạnh lùng gọi bố là “chú”.

< Đô đốc Giáp Văn Cương kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên đảo Thuyền Chài.

Vợ anh ôm mặt khóc. Người sĩ quan hải quân lặng đi, nuốt cục nghẹn ở cổ, lòng dâng lên một thứ cảm giác lạ lẫm, ngổn ngang lẫn chua xót. Ba ngày chơi ở Sài Gòn, thằng bé vẫn nhất quyết không gọi một tiếng “bố”. Mãi đến khi xe lửa đi tới khu vực Tháp Chàm (Ninh Thuận), khát nước quá thằng bé mới buột miệng gọi “bố”. “Đến Đà Nẵng, nhìn thấy biển trải dài, tôi nghĩ tuy có những cơn giận dữ nhưng biển vốn dĩ hiền hòa và bao dung như chính lòng cha mẹ vậy!”. Người lính công binh còn rưng lòng khi nói lên cảm xúc trước biển...

"Có một nhà thơ đã gọi anh em công binh là “Những người kê cao Tổ quốc”. Lính công binh chúng tôi xưa đã góp phần kê cao thềm Tổ quốc bằng ý chí, trách nhiệm và tình yêu đất nước. Giờ, tôi thấy ý tưởng của chương trình “Góp đá xây Trường Sa” giản dị mà ý nghĩa. Góp đá, góp vật chất chỉ là một mặt giá trị, điều quan trọng nhất là đánh thức, khơi gợi tinh thần dân tộc, ý thức chủ quyền lãnh thổ và sự đoàn kết, sẻ chia trong toàn dân..."

Cuối tháng 4-1976, đại úy Lê Nhật Cát - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3, E83 - có mặt trên tàu chở hàng Đại Khánh cùng gần 70 cán bộ, chiến sĩ công binh lên đường ra Trường Sa.

Chuyến tàu tiên phong

< Đảo Đá Lát tháng 5/1988.

“Cuối năm 1975, khi đất nước thống nhất chưa được bao lâu, Bộ Quốc phòng đã muốn phát triển một đội công binh tinh nhuệ chuyên xây dựng công trình trên đảo. Trung đoàn 83 khi đó là một đơn vị chủ lực của Bộ tư lệnh công binh từng làm sân bay, làm đường, cầu cảng...” - ông Cát kể.

Thời đó đất nước khó khăn. Xăng dầu rất hiếm. Tàu ra đảo rất ít và là tàu nhỏ. Bộ đội ra đảo chỉ có ba loại tàu: trọng tải 400 tấn, 200 tấn và 75 tấn. Đây là ba loại tàu chở hàng cũ từ thời chiến tranh để lại, hễ sóng đánh là lắc và giật như ngồi trên xe khách gặp ổ gà.

Vật liệu ngày ấy chỉ có ít ximăng, thanh hầm bêtông và đá dăm. Khi đó Việt Nam rất ít thép, chủ yếu còn dựa vào lượng thép viện trợ còn sót lại sau chiến tranh.

< Khẩu đội 12 ly 7 trên đảo Sinh Tồn Đông luyện tập chiến đấu.

Đảo lúc đó còn rất hoang sơ. Nhiệt độ ở Trường Sa luôn cao hơn đất liền 1-2 độ. Nắng hoa mắt. Công binh phải đóng cọc, buộc dây dựng nhà bạt ở. Anh em ngày cũng như đêm chỉ quần đùi, áo lót. Ở quần đảo Trường Sa khi ấy chỉ hai đảo có nước ngọt: Trường Sa Lớn và Song Tử Tây. Trường Sa Lớn chỉ có một bể đựng nước rất nhỏ. Để hứng nước mưa, anh em phải lấy cống bằng kẽm hợp chất từ thời chính quyền cũ dùng để làm hầm ghép lại, trát ximăng làm đáy. Có đảo phải tận dụng cả giao thông hào trát ximăng làm téc hứng nước. Nước ngọt chỉ được dùng nấu cơm và uống. Công binh chỉ tắm biển hoặc nước lợ đào từ giếng trên đảo. Da dẻ vì thế mà cháy rát, dày và chai như có lớp sừng bọc ngoài!

Lúc đầu, tàu chưa chở cát vì thời gian đi quá gấp và mọi người cứ nghĩ cát có sẵn ngoài đảo. Có lúc hết nước ngọt, công binh phải lấy cả nước lợ trộn ximăng. Làm được 15 ngày thì hết nguyên vật liệu! Công binh nghĩ ra cách phá tầng san hô cứng lấy đá lót nền thay đá chẻ. Mãi đến năm 1978, tình trạng thiếu nguyên vật liệu mới chấm dứt. Trong hai năm chờ đợi ấy, kỹ sư của trung đoàn 83 đã thiết kế lại các cấu kiện để kịp tiến độ.

Mỗi bữa cả một đại đội chỉ có 4-5 hộp thịt hộp đánh tan ra, hòa với nước mắm hoặc nước muối, ăn với cơm. Chỉ có 3-4 ngày đầu ra đảo còn có rau ăn. Anh em vì thế mà bị kiết lị, táo bón...

Sau gần một năm gắn với đảo, đại úy Lê Nhật Cát đã phát hiện trong nhiều bản vẽ thiết kế có những hạng mục nằm ngay trên mép đảo. Công trình sẽ không ổn định do cát hay bị xói lở (nhiều lô cốt xây trước đó chỉ sau hai năm đã bị nghiêng), phải thiết kế chống đỡ hoặc dời vị trí khác.

Năm 1977, anh em công binh làm thêm một nhiệm vụ rất mới: mở luồng để đưa xuồng cập vào tận mép đảo. Muốn đánh bộc phá san hô phải có hệ số độ cứng của tầng san hô. “Tôi và kỹ sư Nguyễn Văn Năng trong ban thi công đến Viện Hải dương học Nha Trang hỏi nhưng không có - ông Cát cho biết - Anh em nghĩ ra cách rất thủ công là đặt từng đợt bộc phá 100g, 200g, 1kg để xem sức công phá xuống tầng san hô sâu bao nhiêu. Cứ mày mò làm vài lần rồi lấy thông số chung mà tìm ra được hệ số của san hô”. Cuối cùng, công binh đã mở thành công hai luồng ở Trường Sa và Nam Yết.

Nắng, gió và...

< Đảo Trường Sa sau ngày giải phóng.

Tháng 11-1979, thiếu úy Hoàng Duy Lập với vai trò trợ lý tham mưu của trung đoàn 83 được giao nhiệm vụ đi kiểm tra và dựng nhà ở năm đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Sinh Tồn Đông. Đi trên tàu có năm đại đội, mỗi đại đội phụ trách xây một nhà ở một đảo. Vật liệu chở ra Trường Sa xây nhà khi ấy rất đơn giản: chỉ có ít cát vàng, thép, ximăng và đá dăm.


< Đảo Tốc Tan 1988.

“Khi đó chưa có máy định vị, tàu đi từ Cam Ranh ra đảo Song Tử Tây mất 42-48 tiếng. Thuyền trưởng dựa vào kinh nghiệm là chính, kèm theo la bàn, nhìn đường chân trời và sao mà đoán hướng đi” - ông Lập cho biết. Hình ảnh về “nhà” đầu tiên hiện ra trong mắt người thiếu úy trẻ 32 năm trước là nhà tôn dành cho bộ đội giữ đảo kiểu “nửa chìm nửa nổi”: tức một nửa nhà âm dưới đất 1,5m. Một số đảo làm nhà vòm. Nhiệm vụ của công binh lần này là làm nhà nổi cho anh em giữ đảo ở. Mỗi căn nhà chỉ cao 2,8m, rộng 4,2- 4,5m và dài 9-10m.

“Hồi ấy một năm chỉ có vài chuyến tàu ra: một chuyến của đảo ra tăng cường lương thực trước tết và một chuyến của công binh dựng nhà! Khi tàu đến Song Tử Tây, chỉ huy của đảo tập trung tất cả bộ đội đứng chào và đón đồng đội từ đất liền ra trên vị trí “cầu cảng”, thật ra là đầu luồng nước! Chuyến xuồng đầu tiên chở thuyền phó và một chính trị viên cùng... thư vào đảo. Khi đó do đi lại khó khăn, nguy hiểm, chỉ có ba người trên tàu được phép vào đảo: thuyền trưởng, thuyền phó và chính trị viên. Anh em trên đảo ai cũng đen đúa, tóc xơ cháy vàng. Nhìn thấy đồng đội từ đất liền ra, ai cũng mừng. Nhiều người ôm chầm lấy anh em, rớt nước mắt” - ông Lập kể lại, giọng đầy xúc động.

Do tàu nhỏ lại ít chuyến ra Trường Sa nên ngày ấy cát vàng là một thứ xa xỉ ở đảo. Công binh xây nhà chủ yếu dùng cát san hô, rất mịn. Do ngấm nước biển nên loại cát đặc biệt này không đổ bêtông được, chỉ dùng để xây tường bao, tường chắn. Chỉ một ít cát vàng ưu tiên cho việc đổ các cột bêtông. Nước ngọt quá hiếm hoi, công binh phải lấy nước lợ từ giếng đào trên đảo lọc qua cát san hô rồi trộn xi-măng. Khi đó, hàm lượng ximăng phải tăng thêm 15% để chất lượng bêtông đảm bảo.

Chuyến đầu tiên ra xây nhà ở Trường Sa lần ấy chỉ kéo dài một tháng. Nhưng những chuyến sau đó cho tới năm 1984, tàu ít, công trình nhiều nên có những khung, công binh phải ở lại đảo từ 2-3 năm để xây các công trình tại những đảo khác.

“Chúng ta xin thề trước hương hồn tổ tiên, trước hương hồn cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với thế hệ mai sau: quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”

(Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại lễ mittinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập hải quân nhân dân VN tại Trường Sa tháng 5-1988).

Du lịch, GO! Theo Tuoitre, HTN và nhiều nguồn khác

Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 1

Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 2
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 3
Một thời vác đá xây Trường Sa - Phần 4

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống