Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 21 August 2011

Đồng Nai nằm trên lưu vực sông Đồng Nai và một nhánh của nó là sông La Ngà, có sông Lá Buông chảy qua, có nhà máy thủy điện Trị An...

Tỉnh Đồng Nai có khá nhiều thung lũng, đồng bằng, gò, đồi thấp, phần đất giáp cao nguyên Lâm Viên và Di Linh thì tương đối cao. Phần lớn đất ở Đồng Nai là đất bazan, đất xám và đất phù sa cũ rất tốt cho việc trồng trọt. Bởi vậy Đồng Nai trồng nhiều cây công nghiệp (cây cao su, cà phê...) cây ăn trái và cây công nghiệp ngắn ngày.

Khí hậu ở Đồng Nai mang cũng mang nét đặc trưng của khí hậu Nam Bộ gồm hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 25,4ºC - 27,2ºC.


Ngoài ra, Đồng Nai còn có tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch. Đến Đồng Nai du khách có thể tham gia những chuyến du lịch sinh thái trong các khu rừng còn hoang sơ, tuyệt đẹp như rừng Cát Tiên – một khu rằng nguyên sinh rộng lớn hoặc tham quan các vườn cây ăn quả sum xuê trái, cũng như săn bắn, câu cá, du thuyền trên sông Đồng Nai.

Du khách sẽ có dịp đi dã ngoại tại các thắng cảnh: hồ Long Ẩn, khu văn hoá Suối Tre, thác Trị An, rừng Mã Đà... hay tham quan các di tích chiến tranh, nghiên cứu các di chỉ khảo cổ: mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa...

Đồng Nai còn nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống như làng gốm Tân Vạn, ven sông Đồng Nai của người Việt, nghề đục đá truyền thống tinh xảo của người Hoa sống gần hồ Long Ẩn.

Đồng Nai là tỉnh có công nghiệp phát triển, thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của khu vực miền Nam, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh. Xung quanh thành phố Biên Hoà có khu công nghiệp rộng lớn, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty. Đồng Nai có nhiều nghề thủ công. Đồ gốm sứ Đồng Nai đẹp có tiếng trong nước.

Có khá nhiều dân tộc sinh sống ở Đồng Nai, phần lớn là người Việt. Ngoài ra có người Hoa, Xtiêng, Chơ Ro, Chăm, Mạ... Đồng Nai có một truyền thống dân gian khá phong phú, đặc biệt là văn hóa của đồng bào dân tộc ít người. Tôn giáo chủ yếu ở Đồng Nai là Phật giáo và Công giáo. Ngoài ra, một số ít người theo đạo Tin Lành, đạo Hồi, đạo Cao Đài, Hòa Hảo.

Đồng Nai còn là quê hương của một số loại nhạc cụ dân gian độc đáo: đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiêng đồng, thanh la, khèn bầu, khèn môi. Lối hát Tam Pót của dân tộc Mạ, một loại hình hát kể có vần điệu được lưu truyền trong cộng đồng người Mạ ở huyện Định Quán hiện đang được khôi phục lại.

Du lịch, GO! - Theo Vietbalo
Cầu Ngói bắt ngang sông Trung Giang, cách chùa Lương 150 m, nằm trên trục đường gắn liền với chùa, đền thành một cụm di tích. Theo “Quần Anh địa chí”, cầu được hình thành cùng thời gian với chùa Lương.

Toàn bộ cầu gồm 9 gian, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân. Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to đẹp; với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỷ, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu vừa cong uốn lượn mềm mại, mái ngói hình mũi hài âm dương trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên. Chạm khắc trên cầu tuy đơn giản song thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân khách bộ hành nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê.

Qua đôi câu đối trên cầu cho thấy Thuỷ Tổ đã quan tâm đến việc bắc cầu ngay từ thời gian đầu tiến hành khẩn hoang: “Lê Hồng Thuận Tứ tính thuỷ mưu giá ốc biệt thành giang thượng lộ”. “Hoàng Khải Định thất niên trùng tấp dư lương y cựu kính trung thê”.
.
Nghĩa là:
“Đời Hồng Thuận (1509 – 1515) bốn họ tính kế dựng nhà trên cầu, thành đường trên nước”. “Đời Khải Định thứ 7 (1922) tu sửa như cũ, từng bậc xếp lên gương”.

Đôi câu đối trên cầu:
“Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách.
Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thụ thư tiên”

Nghĩa là:
“Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi.
Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên”.

Buổi đầu còn đơn sơ lợp cỏ, đến thế kỷ XVII cầu được tu sửa quy mô hợp với cảnh chùa Phúc Lâm, qua nhiều năm nhưng vẫn mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền Việt Nam, là một di tích độc đáo của trấn Sơn Nam Hạ xưa và Nam Định nay. “Cầu Nam, Chùa Bắc, Đình Đoài”. Cầu Ngói, chợ Lương là một trong ba cây cầu đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.

Cầu cũng còn gọi là cầu “Thượng gia hạ trì” (trên nhà dưới sông). Cầu bắc ngang sông Trung Giang. Toàn bộ cầu 9 gian gỗ lim bắc trên hai hàng cột đá to đẹp với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỷ mỉ với bàn tay tài hoa người thợ Quần Anh. Ngoài, nề, mộc đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu vừa cong uốn lượn mềm mại, mái ngói nam trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên.

Cầu Ngói được các nhà nghiên cứu kiến trúc đánh giá là một công trình nghệ thuật độc đáo hiếm có, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước từng về thăm phong cảnh Hải Hậu ca ngợi. Họ gọi đó là “Cầu chùa phương Đông”. Đó cũng là đề tài khơi nguồn cảm hứng cho nhiều văn nhân, thi sĩ.

Sư cụ Thích Đàm Mận, trụ trì Chùa Lương cho biết: Cầu Ngói là cây cầu thứ 10 trong xã Hải Anh. Cầu Ngói cũng có tên gọi khác là Thượng gia hạ kiều (trên nhà dưới cầu). Buổi đầu xây dựng, cầu được lợp hoàn toàn bằng cỏ khô. Phần phía trên được làm từ gỗ lim, mái được lợp bằng ngói vảy rồng. Cầu được đặt trên 18 chiếc trụ đá vô cùng chắc chắn. Mỗi trụ đá cao khoảng 4-5m, phần chân chôn sâu xuống lòng sông, bên trên ăn khớp với thân cầu. Giữa trụ và thân cầu không hề có bất cứ một chất kết dính nào.

Cầu vừa là nơi đi lại, vừa là nơi để khách bộ hành dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh quan sông nước. Cầu đẹp đến nỗi, nho sĩ Trần Phúc Khiêm đã thốt lên:

“Quần Anh non nước xem như vẽ
Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu”.

Trong những năm qua khu di tích được đón nhiều quý khách trong và ngoài nước về tham quan. Ban di tích cùng nhà sư bản tự và nhân dân từng bước tu sửa, bảo vệ di tích được trường tồn.
Ngày 26/3/1990, Cầu Ngói được Bộ VHTT công nhận là Di tích LSVH.

Du lịch, GO! - Tổng hợp
Giáo xứ Cù Lao Giêng còn có tên gọi là họ Đầu Nước hay họ đạo Cù Lao Giêng thuộc Giáo phận Long Xuyên, tọa lạc tại ấp Tấn Bình, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Được thành lập năm từ 1778 và là một trong những giáo xứ lớn và lâu đời nhất ở miền Tây Nam Bộ, Cù Lao Giêng có một nhà thờ cổ lớn mang đậm nét kiến trúc Roman thời Pháp thuộc.

Giữa một vùng đất phù sa, sông nước việc xây dựng nhà thờ có quy mô lớn không phải là dễ dàng vào lúc bấy giờ. Ấy vậy mà nhà thờ cổ Cù Lao Giêng vẫn uy nghi vươn lên với ngôi thánh đường thâm nghiêm, với tòa tháp chuông cao vút, với các trụ cột tròn, vững chãi liên kết cùng các  ô cửa, vòm gió và các tháp nhọn nhỏ  hình khối đa giác.

Nhà thờ có các cửa giả hình chữ U ngược, tạo thành một kiến trúc rất bề thế, ngoạn mục và hoành tráng. Nhà thờ hoàn thành trước nhà thờ Lớn ở Sài Gòn (Vương cung Thánh đường) mấy tháng.

Tương truyền vào đầu thế kỷ 18, có một số người theo Thiên chúa giáo, trong đó có các Cha cố người Pháp, đến Cù lao Giêng (nay thuộc xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang) để trốn tránh các cuộc ruồng bố đạo Thiên chúa của triều đình nhà Nguyễn.

Đến khi bình yên, họ Đầu Nước do những người trốn chạy trên thành lập ngày càng phát triển.

Theo các bậc cao niên, trước năm 1946, tại Cù lao Giêng không chỉ có Tiểu chủng viện mà còn có Đại chủng viện cùng tọa lạc trên một khuôn viên, dưới quyền cai quản của Giáo Phận Tây Đàng Trong.

Rất tiếc là cơ sở tôn giáo nầy đã bị lửa thiêu rụi gần như hoàn toàn, chỉ còn lại ngôi nhà nguyện và nhà hưu dưỡng của các Linh mục. Biến cố nầy xảy ra vào đầu năm 1946 do chiến sự lan tràn đến đây, nên cũng trong năm đó, Tiểu chủng viện Cù Lao Giêng được chuyển sang Phnom Penh, Campuchia, còn các Đại chủng sinh thì được gởi lên Đại chủng viện Sài Gòn.

Sau khi Cha Sở Maille chết, Cha Augustinus - Baptista Gazignol (thường gọi là Cha Nho, sinh năm 1843, mất ngày 08/ 05/1917), thuộc Hội thừa Sai Paris (MEP) về coi sóc họ Đầu Nước thì các họ chung quanh được thành lập thêm và trở thành họ lẻ của Giáo xứ này. Kể từ năm 1927 trở đi, họ Đầu Nước chính thức có cha Sở là người Việt Nam, mà người đầu tiên đó là Cha Vân.

Theo tài liệu còn lưu lại thì: Khoảng năm 1879, dưới triều vua Tự Đức, Linh mục Gazignol khởi công xây dựng nhà thờ Cù Lao Giêng, đến 10 năm sau (1889), dưới triều vua Đồng Khánh, công trình được thiết kế theo kiến trúc Roman này mới hoàn thành. Thời Linh mục Louis Dũng trông nom giáo xứ, nhà thờ Cù Lao Giêng và nhà xứ đã được trùng tu và hoàn thành vào năm 2003. Hiện nay hầm mộ Cha Gazignol vẫn ở phía dưới lối đi bên trong nhà thờ.

Tu viện rộng lớn của dòng nữ tu Providence (dòng Chúa Quan Phòng), do các nữ tu người Pháp lập ra vào năm 1874. Thời Pháp thuộc, tu viện này còn là nơi thu nhận trẻ em mồ côi và những người già bệnh tật. Chính vì vậy, các nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đã được nhiều giáo dân ở miền Tây Nam Bộ và kể cả vương quốc Campuchia đều biết đến.

Hiện nay cơ sở chính của dòng nữ tu trên được đặt tại Cần Thơ, còn cơ sở ở Cù lao Giêng chỉ còn là nơi an dưỡng của các nữ tu già yếu thuộc dòng tu này. Ngoài ra, bên cạnh Tu viện là nhà thờ cổ của dòng tu Phan-xi-cô và gần đó là phần mộ của Thánh tử đạo Emmanuel Lê Văn Phụng.

Du lịch,GO! tổng hợp

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống