Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 24 August 2011

Bất cứ ai đã từng đặt chân đến Quảng Ninh theo hành trình lễ chùa thì không thể bỏ qua được đền Cửa Ông (phường Cửa Ông). Ngôi đền này tọa lạc trên một ngọn núi thấp trông ra Vịnh Bái Tử Long, cách TP Hạ Long hơn 40km về phía Đông Bắc.

Theo sử sách thì xưa kia đền Cửa Ông chỉ là một am cỏ dựng dưới gốc cây cổ thụ, bên Cửa Suốt. Thế nhưng ngay từ thuở ấy, đền đã có tiếng là linh thiêng, thu hút khách thập phương đến thắp hương bày tỏ lòng biết ơn người đã có công giữ yên bờ cõi trước quân xâm lược Nguyên - Mông.
.
Đền còn được biết đến là nơi duy nhất thờ đầy đủ gia thất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các cận thần của ông còn lại đến ngày nay với 34 pho tượng lớn nhỏ được chạm trổ công phu tỉ mỉ, có giá trị nghệ thuật cao. Cấu trúc ngôi đền cũng rất độc đáo và tương đối đồ sộ theo lối chữ Tam với Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng tạo thành một quần thể kiến trúc hình chân vạc.

Từ chân Đền, bước theo những bậc tam cấp vững chãi, đặt chân đến tam quan đền Thượng, ngoài thắp nén nhang cầu an, chắc chắn không có du khách nào bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng toàn cảnh Vịnh Bái Tử Long với nhiều hòn đảo lớn nhỏ, bao la trên một nền trời xanh tít tắp. Cảnh quan kỳ vĩ này thật hiếm có ngôi đền nào có được.

Đền Cửa Ông không chỉ hút khách bởi sự linh thiêng mà còn bởi khi mùa xuân về, nơi đây lại mở hội với nhiều hoạt động văn hoá phong phú. Bắt đầu là lễ dâng hương, sau đó là lễ rước.

Nhân dân làm lễ rước bài vị Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng từ đền ra Miếu (tương truyền xưa là vườn nhãn, nơi Đức Ông hoá) ở xã Trác Chân rồi lại rước về đền.

Lễ rước bài vị này mô phỏng những cuộc tuần du bảo vệ bờ cõi vùng biển Đông Bắc của Hưng Nhượng Vương - mang ý nghĩa ghi nhớ công đức của ngài trong sự nghiệp bảo vệ biên cương tổ quốc. Trong những ngày diễn ra lễ hội còn có hoạt động văn hoá như múa rồng, thi soạn dâng lễ vật lên Đức Ông, nấu cơm, têm trầu, bày mâm quả, cùng với những trò chơi dân gian như cờ bỏi, bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy.

Một điều đáng ghi nhận là công tác quản lý lễ hội nhiều năm qua tại đền Cửa Ông được thực hiện rất tốt. Mặc dù mỗi dịp lễ hội, ngôi đền này có thể tiếp đón đến hàng vạn lượt khách tới tham quan, vãn cảnh, tuy nhiên tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo tối đa. Các hành vi lợi dụng lễ hội để tăng giá dịch vụ, chèn ép khách được xử lý nghiêm túc.

Được biết, để tạo thuận lợi cho du khách đến lễ đền và dự hội, trong 3 năm trở lại đây, TX Cẩm Phả đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để tôn tạo và nâng cấp, xây dựng mới nhiều hạng mục tại đây.

Theo đó, thị xã đã quy hoạch lại nơi bán hàng ở bên ngoài và trong khu vực đền, ra quy định về việc giữ gìn an ninh, vệ sinh để giữ trật tự và mỹ quan. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức lễ hội đã có kế hoạch cụ thể để tổ chức phần lễ và phần hội hoành tráng, sát với lịch sử hơn và có nhiều hoạt động phong phú hơn.

Du lịch, GO! - Theo DulichVN, internet
Phi Bài hay còn gọi hang Hòm là một động treo trên núi Pha Cáng thuộc bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), nơi người xưa an táng hàng trăm quan tài theo nghi thức động táng.

Đây là chốn hẻo lánh, ít người biết đến. Ngay cả người Thái, Mường bản địa cũng thú nhận chỉ nghe tiếng chứ chưa biết đích xác địa danh ấy ở nơi đâu, thậm chí nhiều người làm trong ngành du lịch còn nhầm lẫn Phi Bài là hang Ma, hang Pó Cúng dù khu động táng chỉ cách huyện lỵ Quan Hóa 3km và tỉnh lộ 20 dăm phút đò ngang trên sông Luồng.

Theo các nhà khảo cổ học, đây được xem là khu động táng phát hiện sớm nhất và lớn nhất ở VN. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra như tại sao hầu hết quan tài không có hài cốt, đồ tùy táng...

Sáng sớm, từ TP Thanh Hóa chúng tôi cưỡi xe máy theo quốc lộ 217 đến Cẩm Thủy rồi rẽ sang quốc lộ 15 qua Pù Luông, Bá Thước, Quan Hóa quê hương các dân tộc Thái, Mường sống lâu đời bên dòng sông Mã.

Dừng chân bên bãi bồi ven sông Luồng, nhìn phía đối diện đã thấy thấp thoáng hang Ma với những ngóc ngách nửa chìm nửa nổi khá kỳ lạ trên mặt nước...
Đó là nỗi ám ảnh của dân sông nước bởi nhiều câu chuyện lưu truyền về những tai nạn đầy bí ẩn từ xưa.

Ông Phạm Hồng Sơn - người dân tộc Thái, trưởng bản Khằm - kể: do vách núi dựng đứng, lởm chởm, trần hang nhô hẳn ra phía sông như hàm ếch nên vào mùa lũ, dân từ đầu nguồn chèo chống bè mảng qua hang Ma thường bị va đập vỡ bè hoặc bỏ mạng dưới sông sâu. Người chết đuối nhiều quá nên dân sông nước cho rằng đây là nơi ma trú ngụ, dần trở thành tên.

< Qua đò ngang trên sông Luồng trước khi lên núi Pha Cáng đến Phi Bà.

Trái với sự lo lắng, nhóm người lái bè mà chúng tôi gặp ở hang Ma trong buổi trưa hè oi bức vẫn bình thản ngồi nghỉ trên những bó luồng kết thành bè nổi giữa lúc cơn lũ từ thượng nguồn đang hung hãn đổ về. Với họ, có lẽ những lời đồn đãi dù đáng sợ vẫn không thể sánh bằng nghèo đói, thất nghiệp...

< Đường lên động Hang Hòm phải leo qua nhiều vách đá tai mèo dựng đứng.

Chiều muộn, sương núi lãng đãng trên đỉnh Pha Cáng. Sợ không kịp lên Phi Bài trước khi trời tối, chúng tôi cùng Trường - một trong số vài người hiếm hoi ở bản Khằm đã lên hang Hòm - quyết định leo thẳng lên động thay vì đi đường vòng.

< Quan tài hình thuyền nằm ngổn ngang ngay lối ra vào cửa động.

Đây là quyết định có phần mạo hiểm bởi người dẫn đường dù am tường địa hình, leo trèo giỏi cũng phải mất không ít thời gian định hướng, phát quang, khai phá lối mới. Càng lên cao rừng càng hoang dã. Nhiều đoạn vách đá tai mèo dựng đứng, nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm, muốn vượt qua phải có người đỡ. Thỉnh thoảng đá trên cao rơi xuống dội lên âm thanh lốc cốc, khô đặc khiến cảnh vật thêm âm u huyền bí.

< Trên giàn giáo hiện vẫn còn xếp đặt một số quan tài minh chứng xác thực, người xưa  xếp đặt quan tài cẩn thận trên giàn gỗ, chứ không chồng chất, ngổn ngang như hiện nay.

Theo ông Sơn, trước năm 1950, Pha Cáng là vùng rừng thiêng nước độc, thú dữ tung hoành, ít người lai vãng. Bẵng đi một thời gian, một nhóm phường săn do mải mê truy tìm thú bị thương, len lỏi ngược lên đỉnh non hãi hùng phát hiện hang động treo la liệt toàn quan tài. Kể từ đấy, Pha Cáng vốn hoang vắng càng không ai bén mảng. Những người chẳng đặng đừng phải qua đây hết thảy đều rủ bè bạn đi cùng cho đỡ sợ. Người dân bản đặt tên Phi Bài (có nghĩa nơi trú ngụ của ma rừng, ma núi chuyên giết người giấu mất xác) cũng nhằm cảnh báo con cháu.

< Trong hang đây đó vẫn còn vài  bộ quan tài hoàn chỉnh giống thân cây tròn trịa.

Khi màn hình GPS của chúng tôi hiển thị độ cao 306m so với mặt biển cũng là lúc cửa động cùng hàng chục “phách gỗ” mang hình dáng con thuyền độc mộc nằm ngổn ngang xuất hiện. Đó là những thân cây gỗ lớn, đủ kích thước lớn nhỏ, được xẻ đôi, đục khoét thành phần đáy và phần thiên cỗ quan tài, hai đầu đẽo hai núm có lẽ để khiêng, xách dễ dàng. Không thấy bất kỳ đồ tùy táng hay hài cốt. Nén nỗi sợ hãi, tất cả tiến sâu vào lòng hang rộng khoảng 25m, cao hơn 12m, nơi “thuyền độc mộc” chồng chất khá nhiều. Nhiều quan tài giống lóng cây tròn trịa và nhiều “phách gỗ” dài khoảng 1m có lẽ dùng mai táng trẻ xấu số.

< Khoang thứ 3, sâu xuống lòng núi khoảng 10 mét là nơi cất giữ hơn 50 quan tài với chất lượng gỗ còn khá tốt.

Nằm khuất sâu trong góc hang phía trái là giàn giáo ba tầng vững chãi kết cấu bằng những cột gỗ chôn dưới nền hang và thanh dầm âm sâu vách đá với ba “mộ thuyền” gác chông chênh trên giá. Theo những vị cao niên sống tại Quan Hóa, khi dân bản mới phát hiện, các quan tài được xếp đặt cẩn thận trên giàn gỗ chứ không nằm ngổn ngang dưới nền. Có thể theo thời gian, thiên tai hoặc những người chuyên săn vàng bạc đã xới tung, làm đảo lộn hiện trạng.

Chúng tôi theo Trường leo tiếp vách đá nhẵn nhụi trổ sang khoang thứ hai. Hang này nhỏ, chỉ chứa vài “mộ thuyền” đã rêu xanh bám đầy nhưng là điểm nối quan trọng để chui xuống khoang thứ ba, nơi cất giữ trên 50 mộ thuyền được xếp đặt ken kín cả lòng hang chật hẹp.


< Từ hang Hòm nhìn xuống là nơi hợp lưu của sông Luồng, sông Mã giữa núi rừng Pha Cáng và Pha Pó Cúng. Phong cảnh thật hùng vỹ, lãng mạn.

Trường cho biết khoang này trổ thông qua nhiều ngóc ngách nên khả năng lẩn khuất trong lòng hang còn nhiều mộ thuyền. Điều đáng suy nghĩ là không hiểu bằng cách nào người xưa có thể đưa những cỗ quan tài nặng nề vượt qua địa hình vách tai mèo hiểm trở và độ cao hàng trăm mét, sau đó tiếp tục vận chuyển vào trong các ngóc ngách nhỏ hẹp như vậy.

Ngay tại khoang thứ hai, nhìn ra không gian sau giếng trời là đỉnh Pha Pó Cúng (núi Vũng Tôm) sừng sững án ngữ phía nam. Nhìn chếch hướng đông bắc giữa sắc màu xanh thẫm của núi rừng là nơi hội tụ sông Luồng và sông Mã đỏ nặng phù sa. Phong cảnh sơn thủy hữu tình đến bất ngờ...

Du lịch, GO! - Theo Du lich Tuoitre

Tuesday, 23 August 2011

Vừa thỏa thuê, lại no bụng, việc khắc phục chuyện "đầy bộ nhớ" máy ảnh cũng đã xong nên bọn này rời Đạ Tẻh về phòng nghỉ tại Madagui - Lúc này đã là 13h00.
Nghĩ lại thấy cũng khá may mắn: nếu trên đường đi trước kia, bà xã vui tay chụp thêm vài chục tấm nữa thì hậu quả sẽ thế này: đang trên đường lội bộ vào thác bổng thẻ nhớ chọt đầy, giờ phải làm sao nhỉ?

Có hai phương cách: một là... xóa hết thẻ nhớ, trở về Sàigòn và... bắt đầu lại chuyến đi sau khi chọn lại khổ ảnh M1. Hai là lội bộ ra ngoài, chạy xe về Đạ Tẻh truy tìm "thẻ nhớ" rồi tậu một cái.
Phương án 1 thì "điên" quá, chọn phương án 2 cho nó lành - cũng may là có thẻ thớ thật dù là loại thẻ nhí dành cho máy di động, thượng đế còn thương.

Mới khi nãy nắng chang chang, đổ lửa nhưng bây giờ mây đen vần vũ. Nghe người dân tại đây nói hổm rày ngày nào chiuều cũng mưa và mưa rất bất chợt, xứ núi mà!
.
< Đường về, phía trước là cây cầu mới Đạ Tẻh.
< Trời đầy mây âm u.

Lúc sáng đem một xấp áo mưa mới sau baga nhưng tặng hết, giờ không còn một cái phòng thân. Lạy Trời xin đừng đổ mưa, mà có đổ thì cũng mưa ngay chổ nào có nhà cửa để trú ngụ tạm ạ.
< Đến ngã 3 khi xế trưa bọn mình ngồi "ngâm cứu" và uống nước.
< Bảng rời thị trấn Đạ Tẻh, hẹn ngày tái ngộ!

Quẹo trái là vào Triệu Hải, chạy thẳng là về thị trấn Madagui.
< Đường rất tốt nhưng một vài điểm người ta cào lên để chuẩn bị sửa.
< Chạy, nhìn rồi lại ngẫm đến chuyện kẹt xe ở đất Sài thành...
< Đến đoạn quanh co gần dốc Ma Thiên Lãnh.
Địa danh này mình chưa có dịp hỏi người địa phương vì sao có tên này, hẹn mai vậy.
< Lúc này bắt đầu lâm râm mưa...
Mình muốn về nhà tắm gội chứ hổng muốn vòi sen lúc này, chẹp chẹp...
Và chuyện phải đến: rào rào những hạt mưa to, phải trú thôi!
< Win núp dưới cây Si, bọn mình trong mái hiên nhà.
Lúc này có mấy cô gái đang chuần bị mặc áo mưa đi học dưới hiên. Tiếng xì xầm, tiếng cười khúc khích...
Lại nhớ lại thời học sinh...
Buổi chiều chỉ loanh quanh trong thị trấn vì trời vẫn xấu, gắng đi chắc chắn sẽ dính chuyện mưa tập 2. Vả lại buổi sáng chinh chiến nhiều rồi nên giấc chiều nhẹ nhàng một tý, dành sức "quýnh trận lớn" ngày mai: chinh phục các đèo.
< Ngay góc khu trung tâm TT Madagui.
< Hồ nước trông công viên ngay ngã 3.

Thị trấn Madagui (Madagoui) vắng vẻ hơn Đạ Tẻh, có lẽ do ít dân hơn dù nằm ngay QL20.
Thường thì cứ nhắc đến địa danh Madagui là người ta nghĩ ngay đến khu du lịch cùng tên, cách trung tâm thị trấn vài km - trong đó có bắn súng sơn, cắm trại, villa nghĩ dưỡng... nhưng túi phải nặng nặng một tý mới vào đây được.
Mà bọn này dù có tiền cũng không thích vào khu du lịch ấy để vui chơi theo cung cách khuôn mẫu. Biết làm sao, mỗi người mỗi ý mà.
Vả lại giá phòng khách sạn, nhà nghỉ ở thị trấn rẻ hơn trong khu du lịch nhiều. $ không dễ kiếm nên tìm chổ giá mềm.
< Thời tiết âm u nên nên trời cũng lành lạnh, khá giống Đà Lạt - Địa danh láng giềng mà, đây cũng khá cao rồi.
< Nhà thờ Madagui.

Thiên Chúa giáo phát triển khá mạnh tại đây, trải rộng ra các vùng lân cận và kéo dài theo các tỉnh thành trên QL20 về đến Đồng Nai, Biên Hòa.

Giáo xứ Madagui bao gồm toàn bộ huyện Đạ Huoai - tỉnh Lâm Đồng gồm cả người Kinh và người dân tộc.
< Trong khuôn viên nhà thờ.
< Mây mù bao quanh đỉnh núi.

Về lấy xe chạy loanh quanh tìm bữa chiều. Dĩ nhiên không quên cái món bánh xèo giòn rụm.
< Chạy chơi một hồi trên QL20 chợt thấy khá nhiều người tụ tập trước chùa...
< Ghé lại mới sực nhớ hôm ấy 14 tháng 7, lễ Vu lan.

Chập tối về gần nhà làm mấy trứng vịt lộn, ốc xào gừng. Trời se se lạnh, ăn nóng cứ xuýt xoa mãi.
Lại một đêm trôi qua: hôm sau sẽ là một ngày "mát trời ông địa" với hàng đống các con đèo - vi vu cho đã trước khi từ giã về Sài thành.


Còn tiếp

Điền Gia Dũng

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống