Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 1 September 2011

Gò Quao là huyện có đông đồng bào Khmer và nhiều món ăn của người dân nơi đây chế biến rất ngon, trong đó có món bún cà chơi.

Ở Sóc Ven, xã Định An (Gò Quao), bún cà chơi là món bún mắm dân dã do bà con Khmer sáng tạo, được xem là “đệ nhất bún”, với mùi thơm ngon rất riêng, rất độc đáo, hương vị nồng nàn đến lạ. Chị Thị Cẩm Hồng, bán bún cà chơi lâu năm ở chợ Sóc Ven cho biết: “Khi tôi còn nhỏ, quê tôi đã có món bún cà chơi. Tôi rất thích hương vị bún, nhất là ngày mưa, ăn vào có thể giải cảm. Tôi chọn nghề nấu bún mắm cà chơi vì muốn đem món ngon dân tộc mình giới thiệu với mọi người”.

Cách nấu bún cà chơi khá cầu kỳ, phải thật chú ý khi nấu mới tạo được hương vị đặc trưng. Khâu chọn mắm nấu nước dùng rất quan trọng, phải chọn loại mắm chất lượng được làm từ cá đồng.

Con mắm ủ phải chín, thịt hồng, không nát, vẫn giữ mùi cá thơm ngon quyện với mùi thính ngào ngạt. Sau đó, chọn những con cá lóc đồng loại lớn, thịt chắc, đem nấu nước dùng. Cá lóc phải nấu vừa chín tới, không nát. Sau đó, vớt cá ra loại bỏ xương, chọn lấy thịt.

Để nồi nước dùng thêm thơm ngon, cần thả mắm vào nồi súp nấu cá lóc trước đó, thả và ninh từ từ mắm trong nồi nước dùng đang nghi ngút khói. Trong khi chờ nồi mắm sôi, thận trọng vớt từng đám bọt để nước dùng được trong. Chi tiết khá quan trọng là, sau khi vớt mắm ra lược bỏ xương thì cho hỗn hợp gồm củ ngải và sả băm nhuyễn phi cùng hành, tỏi thơm lừng vào nồi nước dùng. Lúc này nước bún có màu rất đẹp do mắm mang lại.

Người Khmer còn gọi củ ngải là củ cà chơi. Củ cà chơi nhỏ, thon dài bằng đầu ngón tay, có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sức đề kháng cơ thể, nhất là có tác dụng giải cảm. Bà con Khmer vẫn lưu truyền câu chuyện cảm động về củ cà chơi: “Xưa, có vợ chồng trẻ người Khmer sống hạnh phúc trong một khu rừng. Hàng ngày, người chồng trồng trọt và vào rừng đốn củi nuôi vợ con. Người vợ thương chồng làm lụng vất vả, luôn chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ của chồng chu đáo. Do lao động quá vất vả, một lần gặp phải cơn mưa lớn, người chồng bị cảm nặng. Người vợ rất đau lòng, lặn lội khắp nơi tìm thuốc chữa bệnh cho chồng.

Nghe mọi người chỉ dẫn, cô vào rừng đào củ cà chơi đem về băm nhỏ nấu canh cho chồng uống. Thật kỳ lạ, người chồng uống canh xong, hết bệnh và thêm yêu thương vợ”. Về sau, người Khmer thường dùng củ cà chơi nấu với mắm chan vào bún, ăn kèm cá lóc, thịt heo ba rọi. Củ cà chơi cho vào nồi nước dùng vừa bổ dưỡng, vừa giúp món ăn thêm đậm đà. Với người Khmer, món bún cà chơi còn nhắc nhở con cháu ngày sau biết quý trọng nghĩa tình.

Bún cà chơi sẽ kém ngon nếu thiếu những phụ kiện hấp dẫn. Ngoài thịt ba rọi cũng có thể ăn kèm chả cá, thịt heo quay… để mùi vị bún thêm đậm đà. Rau dùng góp phần quan trọng trong món bún này. Thêm một ít rau muống bào sợi, bắp chuối non, hẹ, vài cọng rau thơm cho dĩa rau thêm màu sắc thì không gì ngon bằng. Chị Thị Thu Hiền (Sóc Ven) cười tươi bên tô bún thơm lừng: “Tôi rất thích ăn bún cà chơi. Bún rất ngon. Tôi đang học cách làm bún cà chơi để nấu cho người thân của mình thưởng thức”.

Bún cà chơi rất dễ ăn, thích hợp mọi khẩu vị khác nhau và giá cũng “mềm”, chỉ 10.000 đồng/tô, có bán rất nhiều ở chợ Sóc Ven. Quán ăn của chị Cẩm Hồng luôn đông khách, nhưng món bún cà chơi vẫn được khách lựa chọn nhiều nhất, bởi đến Sóc Ven, thực khách thường “khoái” bún cà chơi, dù quán có bán thêm nhiều món bún khác. Chị Cẩm Hồng chia sẻ: “Tôi mong có thêm người bán bún như tôi để món bún ý nghĩa này được nhiều người biết đến và trở thành thương hiệu riêng của quê tôi”.

Du lịch, GO! - Theo Chorachgia, internet

Wednesday, 31 August 2011

Khách du lịch Việt Nam đã than thở quá nhiều về chuyện bị chặt chém trong mùa du lịch hoặc các dịp lễ được nghỉ dài ngày như dịp 2/9. Nhiều người chua xót kể lại những pha bị “chém đẹp” khi đi chơi dịp lễ Quốc khánh các năm trước, đồng thời cảnh báo những người đi sau biết để tránh bị “chém”.
.
Sợ vì “máy chém” ở các khu du lịch

Chị Vân (trú tại Q2, TP.HCM) đi du lịch Vũng Tàu dịp 2/9 năm trước vẫn chưa quên được những lần bị “chém đẹp”. Đến hẹn lại lên, trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều người đang xôn xao bàn tán chuyện đi du lịch dịp 2/9/2011 và chị Vân đã kể lại câu chuyện của mình để những người rút kinh nghiệm.

Cụ thể: Khi đến một quán ăn trên phố Hoàng Hoa Thám (TP Vũng Tàu), cả gia đình chị bị một đám bảo vệ nhao nhao chạy ra lôi kéo mời mọc với thái độ rất thiếu tôn trọng. Cuối cùng chị cũng chọn được một quán ăn ưng ý.


Yên vị xong xuôi, nhà hàng đưa thực đơn chào giá bằng một cách rất … “hiền lành” khiến cả gia đình yên tâm vì giá không tăng nhiều so với dự đoán. Nhưng đến lúc thanh toán thì tất cả đều sốc.


Ví dụ: Canh cá nấu chua trong thực đơn giá 50.000 đồng, khi tính tiền bị đẩy lên 450.000 đồng vì nhà hàng cho biết đã dùng tới 1,2kg cá biển để nấu loại canh này (!?). Thay vì lấy 6 con tôm càng kho Tàu thì nhà hàng ghi trong thực đơn là 1,5kg với giá 750.000 đồng/kg.

Oan ức nhất là đĩa rau xào. Gia đình chị gọi rau xào hải sản với giá 70.000 đồng/đĩa nhưng nhà hàng giải thích vì gia đình đông người nên đã cho thêm mực và hải sản vào, giá cuối cùng biến thành … 200.000 đồng!

Như vậy, tính ra bữa cơm của gia đình chị Vân chỉ gồm canh cá chua, rau xào, tôm càng kho và 3 ly trà đá đã khiến chị phải móc hầu bao hơn 1,5 triệu đồng.
“Ăn vào rồi mà cảm giác có thể nôn ọe ra ngay vì ức chế. Các bạn đi du lịch và vào nhà hàng hãy cẩn thận, viết ra giấy rõ ràng rồi bắt chủ nhà hàng ký vào đó cho chắc chắn”, chị Vân bức xúc thuật lại.

Bức xúc chuyện ăn uống chưa xong, nhiều gia đình còn bị rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì chuyện thuê phòng khi đi du lịch vào những đợt cao điểm như thế này.

Gia đình chị Hòa ở Cầu Giấy, Hà Nội đi du lịch Nha Trang dịp 2/9 năm ngoái. Khi đến một khách sạn nhỏ trong thành phố (đã đặt trước), giá phòng đưa ra là 240.000 đồng/ngày đêm. Đến khi thanh toán, cả nhà ngã ngửa vì khoản tiền lên tới vài triệu bạc. Chủ khách sạn giải thích là giá này dành cho 1 người, rồi gia đình bao nhiêu người cứ thế mà nhân lên (!?)

Khu du lịch quá tải, lừa phỉnh khách hàng

Vì thiếu chuyên nghiệp, làm ăn chộp giật, dịch vụ ăn uống, khách sạn có thể nói là gây ra những nỗi bức xúc triền miên cho du khách khi đi du lịch ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các dịch vụ vui chơi, taxi lừa phỉnh, đắt khét cũng khiến du khách phát hoảng.

Anh Đoàn (du khách đến từ Hà Nội) đã đưa gia đình mình cùng gia đình một người bạn (là người nước ngoài) đi du lịch tại Hạ Long dịp 2/9 năm 2010. Khi đến nơi, vì có việc riêng nên cả gia đình người bạn đã thuê một taxi đi riêng, còn gia đình anh Đoàn đi chơi quanh bờ biển.

Đến tối trở về khách sạn, vợ chồng người bạn nước ngoài thắc mắc với anh Đoàn rằng tại sao ở Hạ Long không tiêu được những đồng tiền mệnh giá 10.000, 20.000 và 50.000 đồng. Anh Đoàn chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào thì giật mình nhận ra tất cả các đồng tiền đó đều là tiền… âm phủ!
“Hóa ra là tay taxi đã lợi dụng họ là người nước ngoài và không biết tiếng Việt để lừa. Thật quá xấu hổ”, anh Đoàn nói.

Rất nhiều khách du lịch cảm thấy bị lừa sau khi đến địa danh du lịch, bởi thực tế của khu du lịch khác hẳn với những gì mà doanh nghiệp quảng cáo từ trước.

Dịp 2/9/2007, một đoàn du khách của một công ty từ Hà Nội lên khu du lịch sinh thái A.S (nằm giữa Xuân Mai và Sơn Tây) đã ngậm đắng nuốt cay vì bảo vệ không cho mang bất cứ thứ gì vào.
Vậy là bao nhiêu đồ ăn chuẩn bị từ trước đành vứt lại trên xe. Du khách “đấu tranh” mãi bảo vệ mới cho mang nước lọc vào.

Chưa hết, du khách trước khi vào khu resort này phải nộp tiền vé ngay tại cửa với mức 30.000 đồng/người lớn, 25.000 đồng/trẻ em. Tuy nhiên, điều đáng nói là vé này không phải là vé vào mà là … vé bơi! Nếu không bơi, vẫn phải nộp tiền (!?). Khách cũng không thể chuyển vé cho người khác vì bảo vệ cho rằng như thế là vé sẽ không còn hợp lệ!

“Đoàn chúng tôi quá bức xúc vì những lời quảng cáo hoa mỹ của họ trước đây không đúng được 1% trên thực tế. Tất cả đều cảm thấy như bị lừa, nhưng chẳng nhẽ lại quay về giữa chừng? Vậy là ai cũng đều bấm bụng bảo nhau chấp nhận cái quy định “dở hơi” kia để chuyến đi được vui vẻ”, chị Mai, một thành viên trong đoàn cho biết.

Theo phản ánh của các khách du lịch, trong dịp 2/9 các năm trước đây, các dịch vụ vui chơi cũng quá tải trầm trọng vì khách đột ngột đổ về với lượng lớn. Đây chính là điều kiện để các dịch vụ tại khu du lịch được dịp đẩy giá lên trời, tha hồ chặt chém và để lại trong lòng du khách những nỗi ấm ức không thể giải tỏa.

“Năm nay, chúng tôi quyết định sẽ đi du lịch nước ngoài. Ở ngay các nước Châu Á đây thôi, như Singapore, Malaysia chẳng hạn, họ làm du lịch quá chuyên nghiệp...”, anh Đoàn nói.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet
Đồng Cao (xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động) được ví như một Tam Đảo hay Mẫu Sơn của Bắc Giang. Nghe giới thiệu về địa danh này đã lâu nhưng gần đây tôi mới có dịp đến từ lời mời của những người bạn yêu du lịch tỉnh nhà.

Đoàn chúng tôi mười người đến Đồng Cao trong hai ngày cuối tuần. Đúng 8g xe xuất phát từ TP Bắc Giang, trực chỉ hướng đông bắc, sau gần 90km đưa chúng tôi đến trung tâm xã Thạch Sơn.

< Chinh phục hang Vua.

Đường gập ghềnh trơ sỏi đá sau trận mưa đêm trước, xe phải dừng ở bản Đồng Băm, cách Đồng Cao khoảng 5km đường rừng. Chúng tôi huy động cả bản được bốn xe máy nhưng chẳng ai đủ can đảm cầm lái nên phải nhờ mấy trai bản đưa đường, dẫn lối. Một nửa số người trong đoàn đành cuốc bộ, chờ xe đến đón với hi vọng đến nơi trước khi trời tối và nếu trời mưa to chỉ còn cách qua đêm tại Đồng Cao.

Chiếc xe máy Trung Quốc của Thắng, chàng trai người Cao Lan, đưa tôi vượt dốc, đổ đèo liên tiếp qua những khúc cua tay áo - một cung đường đáng giá cho “dân phượt” lang thang. Ngồi sau lưng Thắng có những lúc tôi rợn cả người!

Bản Đồng Cao có 24 hộ dân tộc Dao, nằm lọt thỏm giữa một thung lũng mây mù, thật hoang sơ và còn xa lạ với nhiều người, phần vì ẩn trong các triền núi trùng điệp, phần do đường sá khó khăn. Những nếp nhà đất lúp xúp nằm cheo leo trên sườn núi mây mù giăng giăng.

< Ông Triệu Tiến Thoòng dẫn đoàn xuyên rừng.

Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Triệu Tiến Thoòng, 72 tuổi, dân tộc Dao. Rót cốc nước vối mời khách, ông Thoòng kể ngày xưa nơi đây cây cối um tùm, đầy rẫy thú dữ với ngút ngàn sơn lam chướng khí; vài năm gần đây có ý tưởng xây dựng mô hình trồng rau đặc sản, nuôi bò sữa trên thảo nguyên này nhưng không hiểu sao đến nay chưa thực hiện được. Vì thế bản vẫn trong danh sách nghèo nhất tỉnh, điện lưới quốc gia chưa đến, đất nông nghiệp hạn chế, mỗi năm canh tác hai vụ lúa song cũng chẳng đủ ăn.

Sống cách chợ Vân Sơn nửa ngày đi bộ nên dân bản cả tháng mới xuống chợ đôi lần để mua sắm những thứ thiết yếu.
Trong khi đó khí hậu ở Đồng Cao quanh năm mát mẻ, giữa mùa hè nhưng ban đêm phải đắp chăn bông. Lại có nhiều cảnh đẹp. Ông Thoòng dẫn chúng tôi đi thăm thú một vòng qua những thắng cảnh địa phương. Đầu tiên là hang Vua trên núi Vua với vách đá dựng đứng, từ trên cao nước tuôn thành hạt xuống trông thật đẹp mắt, nhưng ông Thoòng cũng không rõ vì sao người Dao lại gọi nơi này là hang Vua.


< Trên thảo nguyên xanh.

Từ núi Vua chúng tôi dạo bước trên thảm cỏ xanh giữa thảo nguyên mênh mông, đó đây là những trảng cây bụi thưa thớt, hoa mua, hoa dại ẩn hiện trong lớp mây mù, đâu đó vẳng lại tiếng mõ gỗ lộc cộc của đàn trâu trên bãi cỏ non… Chúng tôi thích thú tìm hái trái sim rừng như thể chưa bao giờ được ăn thứ quả dại này. Dưới lớp mây mù giăng mắc, mọi người nằm trên bãi cỏ nghe hơi lạnh tràn qua da thịt dù đang giữa mùa hè nóng bức.

Rồi chúng tôi bất ngờ phát hiện một quần thể đá to lớn với nhiều hình thù nằm bên kia đồi. Những khối đá san sát nhau nổi bật giữa không gian mênh mông như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Chiều dần buông, đứng trên đỉnh núi Vua phóng tầm mắt xa xa, bản Đồng Cao ẩn hiện trong mây mù. Phía chân đèo nhà ai đang bắt đầu nổi lửa, khói lam chiều nghi ngút bay lên.

< Đá trên cao nguyên Đồng Cao.

Chúng tôi xuống núi khi bước chân đã nặng trĩu. Khi ánh trăng vừa ló phía sau nhà cũng là lúc đoàn quây quần dùng bữa tối bên góc sân một gia đình người Cao Lan tại bản Đồng Băm. Trong ánh đèn tù mù của điện bình ăcquy, chủ lẫn khách thoải mái bên nhau với ly rượu mềm môi thơm nồng.

Theo trưởng đoàn Lưu Xuân San - giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Giang, ngành du lịch tỉnh đã có những khảo sát, đánh giá, tiến tới xây dựng tuyến, điểm du lịch tại Sơn Động, trong đó Đồng Cao là một trong những điểm nhấn quan trọng của hành trình này. Đó là cơ hội hé mở để cuộc sống nơi đây phát triển, góp phần giúp người dân Đồng Cao thoát cảnh nghèo.

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống