Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 4 September 2011

“Cũng không ngon lắm đâu, chỉ là con dơi đem muối thôi mà! Nhưng nếu người làng mình mà không làm mắm dơi thì như không còn là con cháu của ông bà mình, không phải là người Nước Chạch nữa, chịu sao được!”.
Chỉ đến khi từ giã ngôi làng heo hút giữa Trường Sơn thẳm sâu tôi mới cảm nhận được giá trị của loại mắm lạ này qua câu nói cũng như cách ứng xử với rừng thiêng của người làng Nước Chạch.

Nước Chạch là một làng vùng xa của xã Ba Xa, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), được gọi theo tên của một con suối lớn vốn là con nước chính của một vùng rừng núi rộng bao quanh. Ở Ba Xa, nói đến Nước Chạch, người ta nghĩ ngay đến tập tục săn dơi làm mắm, và mắm dơi trở thành một “đặc sản” của làng Nước Chạch trong cộng đồng người Hre ở Quảng Ngãi.

Phải đợi đến nhá nhem tối tôi mới được diện kiến vị chủ hang dơi: ông Phạm Văn Tinh, người cai quản cái sào huyệt dơi mà người Nước Chạch vào đó săn bắt đem về làm mắm. Như nhiều người vùng cao lớp lớn vốn không biết tuổi thật của mình, vị chủ hang 57 tuổi theo giấy chứng minh nhân dân có lẽ đã vượt xa tuổi 60.
Nghe khách hỏi đến món đặc sản của làng, ông vui vẻ nói: “Mắm dơi mới hết cách đây một tháng. Có thèm cũng phải chịu thôi. Đến khoảng tháng Mười âm lịch mình mới chọn ngày vô hang bắt dơi, mới có mắm dơi ăn lại...”.


Làng Nước Chạch nằm cách hang dơi một buổi đường. Ông Tinh cho biết từ sau ngày hòa bình, lũ làng dọn đến Nước Chạch ở cho tiện việc làm ăn vì làng cũ ở gần hang dơi nằm trên vùng núi cao với nhiều sườn đá cheo leo, lại thêm dòng sông Re trắc trở. Xa làng cũ nhưng món “hồi môn” trăm năm trước của làng vẫn thuộc về người Hang Dơi (tên làng cũ của người Nước Chạch bây giờ). “Không sợ người khác trộm đâu, của ai nấy hưởng mà. Người Hre không ai lại đi lấy cái không phải của mình...”, ông Tinh nói về việc hang dơi của người Nước Chạch bao đời nay vẫn không bị người ngoài xâm phạm.
Quyền làm chủ hang dơi được truyền từ đời cha cho đời con. Ông Tinh ở vào khoảng đời thứ mười được thừa tự cái hang dơi này.

“Bản quyền” mắm dơi Nước Chạch là cả một quá trình chế tác của nhiều lớp người nơi ngôi làng nằm sâu giữa vùng núi vắng. Cái hang dơi toàn đá chồng lên đá “chứa đến năm sáu trăm con người cũng không hết” ấy có rất nhiều dơi. Ông Tinh kể: “Khi mình biết mang cái gùi vượt qua sông Re, vượt qua mấy cái mỏm đá cao để vô hang dơi giăng lưới bắt nó thì đã nghe ông cha dặn chỉ được phép bắt con dơi vào mùa mưa thôi. Mùa nắng dơi trong hang ít, nó bay ra ngoài kiếm ăn, cũng là mùa sinh sản của nó nên không được bắt. Một năm chỉ có một ngày săn dơi, dù chúng còn nhiều trong hang cũng không được phép bắt thêm một ngày nữa...”.

Săn dơi đã thành nỗi đợi chờ trong cả một năm của người Nước Chạch. Khi mưa đông tới, đến đứa trẻ lên chín lên mười cũng biết trông vào nhà vị chủ hang chờ lệnh ban ra. Khoảng tháng Mười Âm lịch, khi bông lúa trên rẫy gần ươm là chủ hang sẽ chọn ra một ngày rồi báo cho lũ làng biết. Trước ngày vào hang săn dơi, chủ hang phải làm hai con gà cúng “con ma rừng” cầu may cho cả làng. Ngày săn dơi không khác ngày trẩy hội.

Ông Phạm Văn Dục, Phó trưởng công an xã Ba Xa, cư dân Nước Chạch, cho biết làng có 111 hộ, ngày săn dơi không một hộ nào thiếu người. Hễ ai đủ sức mang gùi vượt dốc vào hang là đi, có nhà có đến ba, bốn người đi. Càng gần đến hang dơi không khí càng sôi động, nhất là lúc vượt lên những lèn đá. Gian nan, nguy hiểm nhưng hấp dẫn, thích thú. Vào hang, kẻ luồn ngách này, người chun ngách nọ. Hang rộng, dơi nhiều, ai cũng có dơi mang về, ai có ít quá sẽ được bà con sớt cho thêm một ít. “Có năm dơi nhiều, săn chậm, số người ra hang trễ phải dựng lều bên sông Re ở lại. Cùng nhau đốt lửa thui dơi, trời dẫu có mưa lạnh nhưng vui hết chỗ nói...”, ông Dục kể.

Dơi mang về, ngoài phần làm mắm, dân làng còn bỏ giàn bếp sấy khô để ăn dần. Làm mắm dơi cũng là sự sáng tạo của cư dân vì lượng dơi bắt được nhiều không thể sấy hết cùng một lúc. Để dơi khỏi ươn thối, người dân đã nghĩ cách muối dơi làm mắm! Lão làng Phạm Văn Ngoa kể: “Thời chiến tranh ác liệt, dân làng muối mắm dơi bằng bắp. Vì không có muối, họ giã bắp vào thịt dơi, cho ra một loại mắm chua giúp họ có cái ăn đối phó với sự khan thiếu hạt muối vàng ngọc lúc bấy giờ. “Dơi muối bột bắp để dành ăn cũng được hai, ba tháng. Chừ dư hạt muối lại thiếu hạt bắp”, ông Ngoa nhắc lại.

Dơi sấy khô chỉ là một cách ăn đơn giản, nhưng khi đem dơi muối làm mắm, người Hre Nước Chạch làm nên một loại mắm đặc trưng, một “văn hóa mắm” của một cõi vùng cao dưới mái Trường Sơn. Người Nước Chạch cho rằng mắm dơi ăn cách nào cũng ngon. Mắm dơi chiên dầu được cho là ngon nhất, nhưng mắm dơi xé nhỏ nấu canh với rau rừng lại có cái ngon riêng. Đơn giản hơn là mắm dơi chưng (hấp) hoặc nướng. Xương mắm dơi giòn, thịt mắm dơi béo, thơm, mềm, nếu là dơi muối bắp lại thêm vị chua. Tất cả những cái ngon ấy khiến người Nước Chạch nguyện giữ đời tục bắt dơi làm mắm mỗi năm.

Ông Tinh sắp bàn giao cái chức chủ hang lại cho đứa con trai 30 tuổi thừa kế, nói rằng gia đình ông nối đời làm chủ hang dơi không một chút tư lợi, trái lại, phải bỏ công sức, của lễ cúng hàng năm. Ông thổ lộ: “Làng có chung cái hang dơi, có con dơi làm mắm ăn phải cố mà giữ. Tuy dơi trong hang năm nào cũng có nhưng mình cũng lo có ngày nó giảm. Dân làng mình so với hồi trước có tăng lên nhiều. Mình phải có cách sao để mỗi năm không bắt dơi nhiều quá, tính sao để giữ cái mùa săn dơi còn mãi với người Nước Chạch”.

Mới hay, giữ một cái hang núi, giữ một tập tục, một nguồn lợi nhỏ cho một làng nhỏ nơi hẻm núi sâu, người đứng đầu đã không hề hưởng công lao mà vẫn luôn canh cánh bên lòng những mối ưu tư...

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG
Nằm giữa đồng bằng tứ giác Long Xuyên, núi Sập còn gọi là Thoại Sơn là một ngọn núi nhỏ, không cao lắm, nhưng có cảnh quan đẹp và gắn liền với lịch sử khai mở vùng đất Tây Nam bộ.
Năm 1818, Thoại Ngọc Hầu điều động quân binh cùng hàng vạn dân công với công cụ lao động thô sơ, ngày đêm đào kênh Thoại Hà dài hơn 30 km chạy ngang chân núi, nối Long Xuyên với Rạch Giá

Từ thành phố Long Xuyên theo tỉnh lộ 943, băng qua những cánh đồng lúa bạt ngàn, đi chừng 25km là đến thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Chúng tôi mua vé 5000đ/người và xe máy, rồi bắt đầu lên núi. Có một con đường lát bê tông bề ngang chừng 4 mét, ngoằn nghoèo, uốn lượn chạy quanh co lên đỉnh. Hai bên đường là rừng cây nhỏ, có đoạn một bên là vách bên kia là vực sâu, có lan can, mé thềm vực có nhiều cây cối che chắn. Đoạn đường chưa tới 1.500 mét, xe máy hai bánh leo lên cũng mất hơn 10 phút mới tới đỉnh.

Núi Sập có khá nhiều chùa lớn, nhỏ, nằm rải rác từ lưng chừng núi lên tới đỉnh. Một số ngôi chùa với kiểu cách lạ mắt, màu sắc sặc sỡ đang xây dựng dở dang!
Đáng chú ý là pho tượng Phật Di Lặc mới xây, cao 8 mét, sơn màu hồng cánh sen, ngồi uy nghi, tự tại bên sườn núi của chùa Duyên Phước. Ngôi chùa nằm trên khoảnh đất khá bằng phẳng ngang lưng núi, từ đường đèo lên sân chùa có 18 bậc tam cấp.

Chùa Duyên Phước có kiến trúc theo phong cách các đình chùa, am miễu ở Nam bộ với cổng tam quan mái giả kiểu ngói âm dương, trên nóc có lưỡng long tranh châu. Sân chùa có cặp sư tử đá ngồi chầu, giữ cửa. Trên nóc chính điện là gác tháp, mái vút cong ở đầu với tượng long, lân, qui, phụng ở trên hướng đầu về chữ vạn! Ngôi chùa này được xây mới vào năm 1994 thay cho ngôi chùa bằng cây lá, tồn tại đã lâu đời.

Đoạn cuối con đường lên núi Sập dẫn đến hang Dơi. Đây là điểm cao nhất của núi với rất nhiều đá tảng lớn, nhỏ chồng chất lên nhau. Có hai đoạn cầu thang bằng sắt dẫn lên hang. Trên hang là có một khoảng sân đá nhỏ gồ ghề nhưng có thể ngồi chơi, hóng gió rất thơ mộng và thoải mái. Một cây sộp cổ thụ mọc bám trên đá núi, dây leo, rễ chằng chịt, toả bóng mát rượi. Từ mỏm núi này, ta có thể thấy đồng ruộng mênh mông, bát ngát, sông rạch dài xa tít tắp, vườn tược xanh um và thị trấn Núi Sập với nhà cửa san sát, lô nhô dưới chân núi đẹp như tranh vẽ!

Khi xuống núi, ta vòng lên phía phải của Thoại Sơn, khách sẽ gặp một khu du lịch do bàn tay con người tôn tạo hài hoà cùng với cảnh sắc thiên nhiên. Ở đây “non” với “nước” tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Các hồ nước số 1, số 2 và hồ Ông Thoại thông với nhau, xuyên qua những hang, đường hầm trong lòng núi. Những hồ nầy là dấu tích những hầm, hố đá được khai thác trước đây khoét sâu vào chân núi, ngày nay nó đã trở thành những hồ nước đẹp.

Một cầu vồng bắc ra ốc đảo nhỏ giữa hồ, nơi đặt tượng Ông Thoại đứng oai phong, cầm chiếu chỉ của vua ban. Dưới sát chân núi  Sập có một tấm bia bằng  đá núi Ngũ Hành Sơn, sao chép lại bản dịch bia Thoại Sơn gốc, do tỉnh Quảng Nam tặng (Nguyễn Văn Thoại gốc người Quảng Nam). Cạnh cổng vào khu du lịch có nhà lục giác trưng bày bức thư pháp đạt kỷ lục có chữ “tâm” nhiều nhất Việt Nam với 108 vần lục bát độc đáo, nhắc nhở, đề cao những điều thiện và sự hành thiện.

Đền thờ ông Thoại còn có tên là Thoại Sơn cổ tự, toạ lạc trên triền núi Sập, thuộc thị trấn Núi Sập. Vào trong điện thờ, ta sẽ gặp tượng Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đặt dưới chân bia Thoại Sơn. Bia được phủ vải đỏ viền quanh và đặt trên bệ thờ rất trang trọng.

Bia do Thoại Ngọc Hầu cho lập vào năm 1822, có chiều cao 3 mét, rộng 1,2 mét, mặt bia chạm 629 chữ Hán. Hiện bia vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, các chữ Hán trên mặt bia vẫn còn sắc nét. Nội dung bia nói về nguồn gốc, xuất xứ, cảnh quan, tên tuổi của núi Thoại Sơn. Tuy nhiên, bia hiện nay, do bị sơn phết màu mè, nên đã mất đi diện mạo ban đầu. Bia Thoại Sơn cùng với bia Vĩnh Lăng ở Thanh Hoá và bia Vĩnh Tế Sơn ở núi Sam là ba bi ký nổi tiếng ở Việt Nam dưới thời phong kiến cận đương đại còn lưu lại đến ngày nay.

Chung quanh thị trấn núi Sập còn có khá nhiều cảnh quan đẹp như kênh Thoại Hà, chùa Ông Bổn, gò đá Vọng Đông, chùa Bà, nhiều ngôi chùa của người Khmer.

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG
Thác Gougah (còn gọi là thác Ổ Gà) tọa lạc tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

< Thác Gougah ngày trước.

Từ Đà Lạt đi Thành phố Hồ Chí Minh, theo quốc lộ 20 cách trung tâm Đà Lạt khoảng 37km, qua khỏi thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng chừng 8km, đến một ngã ba rẽ trái theo con đường tráng nhựa, đi tiếp khoảng 800m sẽ đến khu du lịch sinh thái thác Gougah, rộng 129ha. Từ xa đã nghe tiếng thác đổ ầm ầm làm vang động cả núi rừng.

Dòng sông Đa Nhim chảy men phía ngoài thị trấn Tùng Nghĩa đến địa phận xã Phú Hội gặp vết gãy của tạo sơn được phân đôi và đổ từ độ cao khoảng 30m xuống tạo thành thác Gougah. Giữa đất trời cao nguyên lộng gió, dòng thác này mang một vẻ đẹp thật hùng vĩ, hoang sơ.

< Ảnh thời xưa.

Thác Gougah là một thác đẹp hùng vĩ, với khối lượng nước đổ xuống từ độ cao khoảng 30m phản chiếu ánh mặt trời tạo thành nhiều sắc màu rực rỡ. Nước nơi đây được phân đôi thành 2 nhánh theo chiều dọc, một bên là dòng thác đậm màu đất đỏ im lìm chảy, một bên bắn tung tóe bọt nước trắng xóa.


Thượng nguồn thác là dòng chảy Đa Nhim có chiều rộng khoảng 30m dẫn đến thác rộng 60m đổ xuống vực sâu tạo thành thác.

< Ngày nay thác Gougah chỉ còn lại thế này.

Về phía tả ngạn là rừng tái sinh và cây mới trồng rộng chừng 6ha, phù hợp cho tổ chức cắm trại. Đồi thông này tiếp nối với khu rừng gần thác Bảo Đại. Từ hữu ngạn sông Đa Nhim đến quốc lộ 20 cũ là những ngọn đồi rộng khoảng 3ha trước đây là đồi trọc, nay đã trồng phủ cây bạch đàn và nhiều loại cây rừng.

Cách thác Gougah khoảng 2km có một mạch nước khoáng nóng. Chuyên viên địa chất khảo sát nước khoáng cho thấy thành phần nước chứa các nguyên tố hoá học có thể sử dụng sản xuất nước khoáng thiên nhiên và còn dùng để chữa bệnh theo phương pháp vật lý trị liệu.


< Trong mùa mưa lũ, thác sẽ biến mất dưới mực nước hồ Đại Ninh.

Ngoài vườn hoa, cây cảnh, vườn cầm thú, quầy lưu niệm, quán cà phê, quán ăn bình dân, trạm dừng chân ven đường xuống chân thác, môn leo núi bằng dây,… Khu du lịch sinh thái thác Gougah còn có một số nhà nghỉ nhỏ mái rất dốc, mang dáng dấp nhà rông Tây Nguyên, thích hợp cho những du khách muốn dừng chân, tìm sự yên tĩnh, không khí trong lành, ngắm nhìn dòng thác cuồn cuộn với những rừng cây bạt ngàn.

Ngày nay, do các đập của nhà máy thủy điện Đại Ninh nên thác chỉ còn lại một dòng. Trong mùa mưa lũ thác Gougah có thể biến mất dưới mặt nước dâng cao của lòng hồ Đại Ninh.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống