Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 6 September 2011

Ngôi làng được tiếng là "chơi sang" khi trong từng nhà mồ của người quá cố ngổn ngang những vật dụng sinh hoạt giá trị như: Đầu máy, ti vi, giường tủ... được người sống gửi cho người chết.
Chìm giữa núi rừng thâm u trên đỉnh đèo Sê San (xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) là những buôn làng của người Jrai.

Nơi đây nổi tiếng với lời đồn đại tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân bản địa “rất chịu chơi” và “chơi sang”. Bởi trong từng nhà mồ của người quá cố ngổn ngang những vật dụng sinh hoạt giá trị như: Đầu máy, ti vi, giường tủ... được người sống gửi cho người chết!

Đèo Sê San dài hơn 30 km, uốn lượn qua nhiều khu rừng và những khúc cua ngặt bên vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm. Trên đỉnh đèo là nơi cư trú của hơn 160 hộ dân làng Dip.

Như nhiều buôn làng khác của người Jrai, làng Dip “quy hoạch” cõi Atâu (còn gọi rừng ma, nơi chôn cất người chết) ẩn giữa rừng già. Sau khi chỉ đường cho chúng tôi vào rừng ma, già làng Rơchăm Phuôl, 75 tuổi, bật mí lý do mà già cùng nhiều người làng không dám đặt chân vào “cấm địa Atâu” vì sợ con ma rừng làm hại.

“Nơi chôn người chết là chốn ở của hồn ma. Người sống, người chết đều có buôn làng riêng, không ai được xâm phạm buôn làng của ai”- già Phuôl nói. Một già làng khác cho biết, bao đời nay, người sống chỉ đặt chân vào thế giới Atâu khi an táng cho người chết hay làm lễ bỏ mả cho họ.

Lễ bỏ mả theo giải thích của các già làng là nghi lễ mà thân nhân của người chết sẽ mổ trâu đãi rượu cả làng, thực hiện nghi lễ đoạn tuyệt với mả mồ người thân, cắt đứt mối quan hệ với người chết, không bao giờ trở lại thăm viếng. Người Jrai tin rằng, ngoài hai lý do ấy, nếu ai đó tự ý xâm nhập vào cõi Atâu, dẫu cố ý hay vô tình sẽ bị con ma theo hơi, theo dấu về đến buôn làng bắt người, bắt trâu bò, gây nên dịch bệnh...

Mang những tâm tình luật tục ấy của các già làng, chúng tôi lầm lũi xuyên rừng tìm chốn Atâu. Vòng vèo qua những đường mòn ăn sâu vào rừng núi với lối đi mỗi lúc một hẹp, sau hơn 1 giờ đồng hồ lội bộ, cắt rừng tìm kiếm, chúng tôi cũng đặt chân vào địa phận Atâu nhuốm màu huyền hoặc. Cảm giác rờn rợn ập đến với những vị khách lạ dám kinh động chốn rừng thiêng khi bắt gặp nhiều cỗ quan tài độc mộc nằm lăn lóc cạnh những ngôi nhà mồ đẽo tượng mặt người buồn (ra-coong) đang mục rã theo thời gian.

Sau này qua trò chuyện với già Phuôl, chúng tôi được “bật mí” rằng: Hàng trăm năm qua, để chuẩn bị hậu sự, người Jrai đã làm lễ cúng thần rừng rồi cử một nhóm trai làng khỏe mạnh khăn gói vào rừng sâu tìm cây gỗ quý (gọi là chik) đốn hạ, sau đó cắt thành khúc dài khoảng 2 mét rồi tiến hành bóc vỏ, moi ruột. Để thân cây khổng lồ lõm ruột mà không mất nhiều công sức, người ta tiến hành chất than lên thân cây nổi lửa, lửa cháy sẽ khiến thân cây lõm sâu...

Khi công việc tạo hòm độc mộc hoàn thành, lúc có người chết, dân làng sẽ đặt họ vào chiếc áo chik rồi khiêng vào rừng đào đất hạ huyệt, làm nhà mồ, đẽo nhiều mộc nhân (tượng gỗ) ngồi chống cằm với gương mặt rầu rĩ (ra-coong) để làm bầu bạn hoặc nô lệ cho người chết. Tại rừng ma hôm chúng tôi đến, không khí thinh lặng đến đáng sợ. Chúng tôi nghe rõ tiếng rừng lao xao khi có cơn gió thổi qua hay bị bước chân con thú rừng giẫm đạp.

Nhẹ bước ghé thăm từng nhà mồ, đúng như lời đồn đại, chúng tôi nhận thấy bên cạnh các ché rượu, xà-gạc (vừa là vũ khí khi đối mặt với thú dữ vừa là nông cụ lúc làm rẫy), chiếc gùi, cái ná... chúng tôi thấy có cả giường tủ, tivi, đầu máy, radio, máy hát... Có nhà mồ còn hiện diện cả điện thoại di động, đồng hồ đeo tay. Điều kỳ lạ là những món đồ này còn rất mới.

Khi trở lại làng, đem chuyện lạ có thật ấy thuật lại với những cư dân làng Dip, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi được nhiều người thản nhiên cho biết những tivi, đầu máy, đồng hồ, xe đạp... trong các ngôi nhà mồ kia đều dùng được. Nhưng theo tục chia tài sản của họ, thứ gì lúc sinh thời người chết sử dụng thì khi họ về cõi atâu, người nhà sẽ mang ra nhà mồ trả cho họ, tuyệt đối không có chuyện giữ làm của riêng. “Người chết cũng cần được ăn, cần có bầu bạn, cần có cái xà-gạc để đi rừng, cần có rượu để uống... nên thứ gì của họ mình gửi trả thôi”- anh Rơchăm Thương, 42 tuổi cho biết.

Điều thú vị hơn cả là khi chúng tôi đề cập đến chuyện mất cắp “đồ tế táng” tại các nhà mồ, dân làng Dip ai nấy đều cười, bảo “không có chuyện đó”, bởi chẳng ai tham lam của cải của người chết. “Có khi người nhà còn mua những món đồ, vật dụng mà lúc sinh thời, người quá cố dự tính mua hay ước ao có được, mang ra bỏ tại nhà mồ làm quà cho người chết. Tuyệt nhiên không có chuyện ai đó lấy cắp tài sản từ nhà mồ”- một thanh niên tên Lương khẳng định.

Bên cạnh những lý do như cõi Atâu ẩn giữa rừng già người lạ không biết nên không thể xâm nhập, nếu có biết thì cũng khó thoát khỏi sự tấn công của thú dữ, đặc biệt là rắn độc nếu không được những già làng chỉ cho các kỹ năng né tránh...

Sở dĩ những “cống vật” có giá trị tại các nhà mồ ở chốn Atâu không bị bất kỳ ai lấy trộm còn vì người Jrai có niềm tin, nếu ai lấy những món đồ ấy sẽ bị Yàng phạt, bị con ma rừng làm hại, bắt bệnh khiến chết đau chết đớn. “Ai lấy đồ của người chết họ sẽ không để yên, họ sẽ tìm về đòi lại. Khi đó kẻ tham lam sẽ chịu nhiều tai họa không thể tránh được”- một già làng cho biết.

Xã Ia Kreng có ba làng gồm Dúch 1, Dúch 2 và Dip. Cũng như làng Dip, hai làng còn lại cũng có rừng ma, có chốn Atâu với nhiều tài sản có giá trị như ti vi, quạt máy, đầu đĩa... mà người sống chia cho các hồn ma.
Anh Nguyễn Văn Vui- lấy vợ là người Jrai ở làng Dúch 1, cho rằng tục chia của cho người chết có tính ưu việt là giúp tộc người giữ được sự chân chất, không tham lam. Và quan trọng hơn là giúp tránh tình trạng người thân trong gia đình ỷ lại, trông đợi thừa hưởng gia tài hay xâu xé tranh giành của cải của người quá cố.

Ở góc nhìn nào đó, hiện tượng “chơi sang” của người Jrai trên đỉnh Sê San có mặt tích cực của nó. Lúc đầu khi biết tin đồng bào mang tài sản phơi nắng mưa trong các khu nhà mồ, tôi rất sốc và thấy tiếc nhưng khi hiểu rõ căn nguyên của tập tục ấy, tôi thấy rất ấn tượng và xem đấy là nét đặc trưng rất riêng của tộc người, không lẫn vào đâu được, một khi tập tục chia tài sản cho người chết còn được duy trì khi ấy, sự chân chất của người Jrai còn được bảo tồn, không bị lòng tham, sự vị kỷ xâm hại.

Du lịch, GO! - Theo báo Gialai
Trên đời chắc chắn là có rất nhiều nhóm leo núi, nhưng chắc hiếm có nhóm nào gặp trường hợp như nhóm chúng tôi hôm nay, đó là… leo nhầm núi. Đầu đuôi câu chuyện như sau:

Chúng tôi chỉ là dân nghiệp dư, đa phần là nhân viên văn phòng quanh năm suốt tháng ngồi trong máy lạnh, một ngày đi bộ không quá 2km. Do đó để tạo niềm vui và rèn luyện thể lực, chúng tôi thường họp mặt lại, chọn một ngọn núi nào đó để chinh phục. Khởi xướng vụ leo trèo lần này là anh Đức, một người khá thâm niên trong những chuyến đi thế này. Nhóm đi đợt này đa phần là những người đã có kha khá kinh nghiệm chinh chiến, đã từng chinh phục các loại núi bà, từ bà Đen, bà Rá, đến Tà Cú, Fansipan, có người còn đã từng lên đến Base Camp của Everest.

Đợt này chúng tôi chọn một ngọn núi thuộc huyện Xuân Lộc: núi Chứa Chan. Đây là một chuyến đi ngắn dự định gói gọn trong ngày, nếu không có gì trục trặc thì xuất phát từ sáng sớm và đến khoảng 3h là có thể xuống núi.

Trước khi đi mọi người cũng đã khảo sát kha khá về ngọn núi này. Đây là ngọn núi cao thứ 2 khu vực Nam Bộ với chiều cao 837m.
Xem trong bản đồ địa hình Topo thì chúng tôi xác định hướng dễ leo nhất là hướng 4h-5h. Sau khi thống nhất và gút lại danh sách thì cuối cùng cũng đến ngày lên đường.

Đúng 7h sáng chúng tôi xuất phát từ cơm tấm Kiều Giang, trực chỉ hướng quốc lộ 1. Lần này chúng tôi đi trên 3 xe, tất cả đều là xe sedan, do đường từ ngoài quốc lộ vào chân núi khá tốt nên không cần đến xe 2 cầu.

Chúng tôi đến Dầu Giây thì dừng lại để đợi một số thành viên đi sau. Sau khi hội quân đủ thì tiếp tục xuất phát hướng về phía Xuân Lộc. Qua thị trấn Xuân Lộc thì ngọn núi bắt đầu hiện ra sừng sững.

Nói chung là nhìn cũng kinh lắm nên không ai dám coi thường. Đến đây thì bắt đầu xảy ra vấn đề – mà lúc đó không ai nhận ra đó là vấn đề chết người.

Đó là do chúng tôi đã quá tin vào sự dẫn đường của hệ thống GPS nên cứ cắm đầu cắm cổ chạy theo sự dẫn đường của nó.

Chính xác hơn là GPS không có lỗi, lỗi là do nguồn bản đồ chúng tôi sử dụng không chính xác. Đến khoảng 9h thì đoàn vào đến chân núi. Gửi xe vào một nhà dân, chuẩn bị đồ đạc và bắt đầu cuộc hành trình.

Các con dốc khá đứng và rút đi sức lực của mọi người rất nhanh. Tuy nhiên do đã có kinh nghiệm nên mọi người vượt qua không mấy khó khăn. Về phần tôi, trông bề ngoài có vẻ thư sinh yếu đuối nhưng lại luôn thuộc nhóm đi đầu, có lẽ là nhờ nhẹ cân nên việc leo trèo có phần dễ dàng hơn những người to xác khác chăng?

(Hình ảnh từ đoạn này trở đi khá ít vì lý do là leo đã muốn bốc khói lỗ tai, nhấc chân còn vất vã nên chẳng có tâm trí đâu mà chụp nhiều được)

Sau một vài lần dừng chân nghỉ giải lao thì nhóm đầu đến được lưng chừng núi. Chúng tôi quyết định dừng lại chờ 2 nhóm đi sau. Nhóm đi sau có anh Giang lên đến bảo rằng có hỏi dân địa phương và được bảo là đường này không thể lên được đỉnh cao nhất.

Nếu quyết đi thì mất khoảng 1 ngày rưỡi mới đến nơi, và dẫu anh Giang có gợi ý thuê họ dẫn đường nhưng họ từ chối vì bảo rằng đường rất khó đi và nếu đi thì phải vòng xuống đất và đi theo một hướng khác, mất khoảng 5-6 tiếng mới đến được đỉnh. Sau khi bàn bạc, do tin tưởng vào sự khảo sát trước, mọi người quyết đi tiếp, lỡ có không đến được nơi thì đi đến khi nào hết đường mòn thì quay lại.

Thế là tiếp tục cuộc hành trình, sau một lúc đến khoảng 11h30 thì chúng tôi đến được một con suối. Rõ ràng, nếu có suối thì có nghĩa là chắc chắn có điểm cao hơn. Lại hỏi một người dân ở đó và cũng được trả lời rằng đường này đi không đến được đỉnh. Mọi người bắt đầu hơi thất vọng, chủ yếu là vì tiếc công sức chuẩn bị mà không đạt được mục đích nên có phần buồn.

Tuy nhiên mọi người vẫn quyết định tiếp tục đi, lúc này đường đi bắt đầu không còn rõ, đặc biệt là do lá khô rụng nhiều cộng với dốc nên rất dễ trượt. Thêm một điều bất lợi nữa là do nghĩ địa hình khu vực này đa phần là đá, nên tôi chọn một đôi giày có khả năng bám vào các mặt đá nhám, tuy nhiên cũng điều này lại cực dở trong việc bám các địa hình đất cát và lá khô thế này. Do đó tôi phải rất cẩn thận nếu không sẽ rất dễ trượt chân, mà trượt xuống thì…

Tôi được phân công đi đầu mở đường. Sau khi băng qua con dốc đứng đầy lá khô đó thì chúng tôi đến một trảng rộng. Từ đây có thể phóng tầm mắt thấy đỉnh núi, tuy nhiên đỉnh núi đang cách chúng tôi một thung lũng sâu bên dưới. Đi một vòng khảo sát thì kết quả là… không có đường đi tiếp nữa. Hướng duy nhất có thể tiếp tục là băng xuống thung lũng và lội ngược lên triền núi bên kia để tiến lên đỉnh. Vấn đề là đường xuống thung lũng không có, hoàn toàn mịt mù cây cỏ và… vực.

Mọi người bắt đầu có ý kiến rút lui, vì nếu quyết định băng vào những khu vực rậm rạp kia sẽ quá nguy hiểm, mà lại không chắc là sau khi sang được triền núi bên kia có thể tiếp tục đi tiếp lên đỉnh hay không. Do đó hầu hết mọi người đều nhất trí ngồi nghỉ một chút và quay về. Trong đoàn chỉ còn tôi, anh Đức và anh Kiên liên tục kêu gọi mọi người thử đi tiếp xuống thung lũng, nhưng vô hiệu. Ba chúng tôi quyết tâm đi tiếp. Anh Giang dẫn đầu nhóm còn lại ở lại nghỉ ngơi và quay về.

Chúng tôi băng xuống thung lũng, địa hình rất hiểm trở, tôi phải câu mình vào hai bên những vách đá để từ từ trượt xuống, lúc này đôi giày lại phát huy tác dụng khá tốt. Xuống đến đáy thung lũng là một ngọn suối khác.

Tôi nhin qua và thấy thấp thoáng bên kia có đường có thể tiếp tục đi. Thế là ba anh em quyết tâm đi, lúc này điều chúng tôi lo nhất là… rắn. Vì đường quá rậm rạp, những khu rừng thế này là môi trường quá lý tưởng cho rắn. Tôi bẻ một cành cây dài, vừa đi vừa đập đập phía trước, về căn bản thì rắn sợ người, nghe tiếng động nó sẽ bỏ chạy, hoặc nếu nó có dữ tợn thì mình cũng thấy nó trước. Ông Đức đi phía sau cứ nói: “Nó đang ngủ mày để nó ngủ đi, đập nó thức thì sao?”   anh Đức là người có thể đùa trong mọi trường hợp, đi với anh ấy được cái là cười suốt.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng men lên được triền núi bên kia. Lúc này độ dốc lớn dần, chúng tôi gần như phải bò để đi lên. Một lúc sau thì chúng tôi lên được một trảng trống, ở đây độ cao cũng khá cao rồi, và đến lúc này chúng tôi mới nhận ra một điều phủ phàng là: trước mặt chúng tôi là một vách dựng đứng, cộng thêm chân vách thì cây cối vô cùng rậm rạp. Việc vượt qua vách núi này là vô phương. Đây là góc khuất không thể thấy từ bên triền bên kia, nên điều này dẫn đến nhận định sai lầm của chúng tôi. Không còn cách nào khác, sau một hồi cố gắng tìm một con đường khác mà không thành công, chúng tôi đành quyết định xuống núi.

Lúc này có hai lựa chọn, một là quay lại đường cũ, hai là chọn một con đường khác. Do lúc đi đường cũ chúng tôi băng rừng, nên dẫu đã có đánh dấu nhưng việc tìm lại được đường cũ cũng không đơn giản. Thêm nữa là quãng đường đi lại đường cũ quá xa và sẽ rất tốn sức, và khi nãy đổ xuống thung lũng có một số đoạn chúng tôi chỉ có thể xuống được mà rất khó quay lên. Do đó 3 anh em quyết định nghỉ ngơi một chút và sẽ chọn một con đường khác. Trong lúc nghỉ ngơi anh Đức đi vòng sang mặt bên kia và thấy đây là điểm giao nhau giữa 2 vách núi, phóng tầm mắt ra xa bên dưới thì có thấy một vài nóc nhà, xa hơn nữa là chân núi. Chúng tôi quyết định chọn đường này để xuống núi.

Đường xuống núi rừng không rậm và không quá dốc, tuy nhiên mặt dốc lại tiếp tục là đất, do đó rất dễ trượt với đôi giày của tôi. Chúng tôi đi được một đoạn khá lâu thì bỗng phát hiện một đường mòn, đi men theo lối mòn đó một lúc thì ra đến được một khu vực quen quen, đi thêm một lúc thì chúng tôi phát hiện là đã quay lại được đường cũ, và ở đoạn này thì chúng tôi đã tiết kiệm được một đoạn rất nhiều.

Đi thêm một đoạn chúng tôi dừng lại nghỉ. Tại đây bất ngờ chúng tôi liên lạc được với nhóm còn lại và được biết họ cách đỉnh… 50m. Trời hỡi, vậy là mọi người tiếp tục đi và đang tiến về đỉnh. Sau đó thì mọi người báo là sẽ xuống núi bằng một đường khác và cho vị trí, do vậy 3 chúng tôi sẽ xuống núi lấy xe qua vị trí kia và đón mọi người.

Đến lúc này chúng tôi vẫn còn bán tín bán nghi là nhóm kia đang giỡn. Trời lúc này bắt đầu kéo mây đen và đổ mưa to. Chúng tôi thầm lo cho mọi người, đặc biệt là ở nhóm bên kia có 2 người nữ. Đến khoảng 3h thì chúng tôi quay lại được chân núi, lấy xe và chạy thẳng ra điểm đã hẹn. Điểm hẹn cách điểm chúng tôi đang đứng khoảng 6-7km.

Sau một lúc mò mẫm thì chúng tôi cũng đến được điểm hẹn. Gần đó là một ngôi miếu, bên cạnh có một cây mận trĩu quả. Nhìn xung quanh chẳng thấy ai để xin, chúng tôi hái đại. Ngồi ăn và đợi nhóm kia. Đến khoảng 4h30 thì từ xa thấy thấp thoáng bóng người, gần hơn nữa thì phát hiện ra đó là anh Tùng. Haha… thế là cuối cùng cũng gặp lại nhau.

Sau một lúc chờ đợi thì nhóm kia cũng xuống đủ người, một chị trong đoàn có vẽ rất đừ và có dấu hiệu lã người. Đưa mọi người ra ngoài vào một quán nước, sau đó 3 chúng tôi lấy chìa khóa và quay lại điểm cũ để lấy 2 chiếc xe còn lại ra. Ngồi uống nước, nghe mọi người kể lại mới biết là nhóm kia đang chuẩn bị quay về thì được một người đi làm rẫy dẫn đường đi theo một hướng khác, tuy đường vòng hơn nhưng lại dễ đi, và cuối cùng họ lên được đến đỉnh. Từ đỉnh họ được những người bộ đội chỉ đường xuống núi. Cuối cùng thì cái nhóm hăng hái nhất bọn tôi lại là nhóm không lên được đến đỉnh. Nhất định 3 chúng tôi sẽ quay lại một ngày gần đây để thanh toán ngọn núi này.

Sau đó nói chuyện với người chủ quán chúng tôi mới biết là ngọn núi mà chúng tôi bắt đầu ban sáng không phải là núi Chứa Chan, mà là núi Gia Lào. Một ngọn núi thấp hơn nhưng không có đường sang núi Chứa Chan, và ngay cả những người dân ở đó cũng không ai đi đường đó để lên đỉnh núi Chứa Chan. Thế là cả nhóm cười òa khi phát hiện ra mình đã… leo nhầm núi. Một chuyện chắc vô tiền khoáng hậu từ trước tới nay. Đầu đuôi cũng là do bị cái GPS lừa.

Có sự nhầm lẫn này là do núi Gia Lào và Chứa Chan nằm cạnh nhau, GPS đã “tài lanh” tính đường cho xe hơi vào đến nơi, mà với tính toán này của GPS thì chỉ có Gia Lào. Thật ra khi chúng tôi đến chân núi đã thấy hơi là lạ, vì khi ở xa thấy ngọn núi khá cao, đến nơi lại thấp lè tè (ngọn Gia Lào chỉ cao khoảng 500m), nhưng do đi gần chân núi nên Gia Lào đã che mất ngọn Chứa Chan. Cộng thêm là xung quanh đó chẳng có núi nào khác, nên chúng tôi cứ đinh ninh là mình lên Chứa Chan trong khi lại đang ở Gia Lào.

Thật ra ngọn núi Chứa Chan này nếu đi đúng đường, từ đúng chân núi lên đến đỉnh chỉ khoảng 2 đến 3 tiếng là đến nơi, ở trên đỉnh khoảng nửa tiếng, sau đó cộng khoảng 1,5 tiếng xuống núi, tổng cộng 4-5 tiếng là có thể lên và xuống nếu đi liên tục. Nhưng do chúng tôi chọn một hướng đi quá khắc nghiệt nên tổng thời gian mất gần 8-9 tiếng trên núi.

Dẫu sao thì mục tiêu hôm nay của chúng tôi cũng đã thành công, chúng tôi có một chuyến đi vui, đầy ắp tiếng cười và một kết quả đáng nhớ: “Đi leo núi nhưng leo… nhầm núi”.

Du lịch, GO! Theo Apo's blog Ngochieu, ảnh bổ xung từ internet
Chùa Thần Quang hay còn gọi là chùa Keo, thuộc địa phận huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình được xây dựng từ năm 1067 vào thời nhà Lý. Chùa Keo là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng, người làng Keo rất tự hào với ngôi chùa vừa cổ kính, vừa nguy nga của làng mình.

Từ thành phố Nam Định, qua phà Tân Đệ, rẽ phải, theo đê sông Hồng, đi khoảng 10 km là đến chùa. Nằm ở chân đê sông Hồng giữa vùng đồng bằng không một bóng núi non, chùa Keo với gác chuông như một hoa sen vươn lên giữa biển lúa xanh rờn được vun bón bởi phù sa sông Hồng do nước sông Trà Lĩnh bồi đắp.

Chùa Keo là một công trình kiến trúc quy mô, phức hợp nhiều khối kiến trúc đa dạng nhất trong tất cả các kiến trúc Phật giáo ở Đồng bằng Bắc bộ. Chùa không chỉ là một bức tranh sinh động cho lịch sử văn hóa nước ta trong 4 thế kỷ, từ thế kỷ 17 đến 20, mà còn là nơi gặp gỡ giữa kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc Việt Nam.

Chùa xây dựng trên một vùng đất rộng 100.000 mét vuông, dài từ chân đê đến con ngòi của thôn Bồng Tiên, gồm nhiều cụm kiến trúc xếp theo một trục dài cao thấp khác nhau.
Từ cột cờ bằng gỗ chò thẳng tắp cao 25 m ở ngoài cùng, đi qua một sân lát đá, khách sẽ đến tam quan ngoại, hồ sen, tam quan nội với bộ cánh cửa, cao 2 m, rộng 2,6 m, chạm một ổ rồng với rồng mẹ và rồng con, chầu mặt nguyệt. Nếu đôi cánh cửa ở chùa Phổ Minh tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Trần thì đôi cánh cửa chùa Keo tiêu biểu cho kiến trúc đời nhà Lê.
Qua tam quan, đi tiếp vào chùa, gặp ở hai bên 24 gian hành lang là khách hành hương sắm lễ vào Chùa lễ Phật và lễ Thánh.

Đi đến phần chùa thờ Phật, gồm ba ngôi nhà nối vào nhau. Ngôi nhà ở ngoài, gọi là chùa Hộ, ngôi nhà ở giữa gọi là ống muống và ngôi nhà trong là Phật điện. Đặc biệt ở đây có tượng Thích Ca nhập Niết bàn, tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề đặt giữa tượng Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát. Toàn bộ khu thờ Phật của Chùa Keo có gần 100 pho tượng.

Chùa ngoài thờ Phật, còn thờ Không Lộ - Lý Quốc Sư. Toàn bộ công trình đều làm bằng gỗ lim và là nơi được các nghệ nhân điêu khắc thời nhà Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo.
Sau khu thờ Phật là khu thờ thánh. Tại hội chùa Keo, sau khi đã có những nghi lễ như mọi hội chùa khác, thì diễn ra trò chơi kéo nứa lấy lửa, nấu xôi, nấu chè và nấu cơm chay để mang cúng Thánh. Phía ngoài có một giếng nước. Thành giếng xếp bằng 36 cối đá thủng đã từng dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa từ xưa.

Đáng kể và tiêu biểu nhất ở đây là kiến trúc tòa gác chuông chùa Keo. Gác chuông chùa Keo là một kiến trúc đẹp, cao 11,04 m, có 3 tầng mái,kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ liên kết với nhau bằng mộng, nâng bổng 12 mái ngói với 12 đao loan uốn cong dáng vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Gác chuông được dựng trên một nền gạch xây vuông vắn. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,20 m. Tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686 cao 1,30 m, đường kính 1 m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng ba và tầng thượng cao 0,62 m, đường kính 0,69 m đều được đúc năm 1796.
Hai hành lang chạy dài từ chùa Hộ nối với nhà tổ và nhà trai sát gác chuông, bao quanh toàn bộ chùa.

Đến thăm chùa, ta có thể nhìn thấy những đồ thờ quý giá tương truyền là đồ dùng của Thiền sư Không Lộ như bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc lóng lánh như dát vàng mà tương truyền rằng chính do Không Lộ nhặt được thuở còn làm nghề đánh cá và giữ làm chén uống nước trong những năm tháng tu hành.

Trải qua gần 400 năm tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo của mình. Gác chuông với bộ mái kết cấu gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của cả nước. Chùa còn bảo lưu được hàng trăm tượng Pháp và đồ tế thời Lê. Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ 17, với nhiều kiệt tác đặc sắc.

Hằng năm vào ngày mùng 4 tháng giêng Âm lịch, nhân dân làng Keo lại mở hội xuân ngay ở ngôi chùa mang tên làng. Hơn chín tháng sau, vào các ngày 13, 14, 15 tháng 9 Âm lịch, chùa Keo lại mở hội mùa thu. Đây là hội chính, kỷ niệm 100 ngày Thiền sư Không Lộ (1016-1094), người sáng lập ngôi chùa, qua đời (ngày 3 tháng 6 Âm lịch).

Trong ngày hội, người ta tổ chức lễ rước kiệu, hương án, long đình, thuyền rồng và tiểu đỉnh. Trong chùa thì có cuộc thi diễn xướng về đề tài lục cúng: hương, đăng, hoa, trà, quả, thực, thật sinh động.

Có câu ca dao về hội chùa Keo:
Dù cho cha đánh mẹ treo,
Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm.

Du lịch, GO! Theo Lenduong, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống