Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 9 September 2011

Đền Thượng thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, được xây dựng bề thế trên ngọn đồi thuộc khu vực phường Lào Cai (TP Lào Cai), cách Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai gần 500m về phía Đông Bắc.

Nơi đây, hơn 700 năm trước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn làm nơi hỏa hiệu để quân ta chủ động chiến đấu với quân giặc, tránh tổn thất. Khu vực Đền Thượng có cảnh quan thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, cùng sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc truyền thống với nét văn hoá bản địa, tạo cho ngôi đền mang dáng vẻ uy nghi lộng lẫy.
Đền Thượng được xây dựng vào thời nhà Lê (niên hiệu Chính Hòa 1680 - 1705), qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, năm 1996, Đền Thượng được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

< Cây trò thiêng hơn 300 tuổi, 8 người ôm không xuể.

Soi mình bên bờ Nậm Thi, nơi đây xưa có vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược phòng thủ chống quân xâm lược, ngày nay, gần cửa ngõ giao thương giữa hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), vùng đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc này mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, hành hương thăm viếng, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc. Đền Thượng nằm trong quần thể di tích văn hóa bao gồm: Chùa Tân Bảo, Đền Am, Đền Mẫu, Đền Cấm, Đền Quan. Vào mồng một, ngày rằm hàng tháng, rất đông du khách thập phương về dâng hương, cầu mong mọi sự an lành, mùa màng bội thu, người yên, vật thịnh, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Hội chính Đền Thượng được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng hàng năm. Trong hội tổ chức lễ rước kiệu, lễ tế thần, dâng hương tưởng niệm, lễ cầu an, cầu phúc… sau các nghi lễ sẽ tổ chức trồng cây xanh tại khu vực quanh đền. Đây là nét đẹp văn hóa đầy ý nghĩa tâm linh của nhân dân, luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.

Ngay từ khi bước chân đến cổng đền, du khách đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cây đa 300 năm tuổi, đang vươn cành trổ tán, dưới bóng cây cổ thụ là miếu thờ Bà chúa Thượng Ngàn (Nữ chúa rừng xanh). Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bà đã góp công đánh giặc bảo vệ bờ cõi nước Nam, ghi công ơn bà, nhân dân lập miếu thờ ngay dưới gốc cây đa xum xuê cành lá. Người đời sau truyền rằng, nếu ai thành tâm cầu khấn đều được bà linh ứng. Chính vì vậy dưới bóng đa linh thiêng có câu đối "Thụ mộc đa sinh, sinh thế thế; Tiên cô hóa hiện, hiện linh linh" nghĩa là "cây đa cổ thụ sinh ra đã có tư thế; Tiên cô hóa hiện, đem lại sự linh thiêng".

Tại khu vực đền chính, bức hoành phi "Văn hiến tự tại" được treo trước Nghi môn, hai bên có hai câu đối: "Việt khí linh đài hoành không lập, Đông A hào khí vạn cổ tồn" nghĩa là: "Nước Việt đài thiêng vắt ngang trời, Nhà Trần hào khí còn muôn thủa". Mặt sau Nghi môn nội có dòng chữ "Quốc Thái dân an" với hai câu đối: "Thiên địa dịu y, thiên địa cựu; Thảo hoa kim dị, thảo hoa tiền" nghĩa là: "Trời đất vẫn nguyên, trời đất cũ; Cỏ hoa nay khác, cỏ hoa xưa".

Đền Thượng  được đầu tư, xây dựng khang trang với 7 gian thờ chính gồm: Cung thờ Phật Thích ca Mâu ni, Cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu; Ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo; Cung thờ Đức vua cha Ngọc Hoàng… và các ban thờ phía Tả Vu - Hữu Vu thờ Chầu bà Đệ Nhị Sơn Trang, Thập Nhị Tiên Cô, Chầu hầu cận Chúa và Cậu Bé thủ đền… tất cả đều được sắp đặt theo trình tự. Các pho tượng thờ sơn son thếp vàng mang dáng vẻ uy nghi tráng lệ. Cảnh quan đền ngày càng được trùng tu, tôn tạo, xanh, sạch, đẹp xứng tầm với một di tích lịch sử quốc gia. Bên cạnh Đền Thượng là ngôi đình hình vuông với 4 cửa, 8 rồng chầu, giữa phương đình hình rùa vàng lưng đội bia đá khắc tích "Đức Thánh Trần". Nơi đây trước kia là nơi nghỉ chân của các quan quân đi tuần, ngày nay, là rừng sinh thái với đủ các loại cây trồng bảo vệ môi trường, phục vụ du khách tham quan, nghỉ chân thưởng thức khí hậu trong lành. Đặc biệt, đây là một trong những ngôi đền linh thiêng được nhiều người biết đến nhất trong hệ thống các đền, chùa ở Lào Cai.

Nằm trong Chương trình "Du lịch về cội nguồn" hợp tác 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ, quần thể di tích lịch sử - văn hóa Đền Thượng là điểm đến lý tưởng của du khách. Ngoài các hoạt động văn hoá tâm linh, tìm hiểu phong tục tập quán, thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống của các dân tộc Lào Cai, tại  đây còn diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ và các trò chơi dân gian dân tộc, các gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống hấp dẫn du khách. Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức quản lý theo đúng các quy định, do vậy Đền Thượng thực sự là điểm sinh hoạt văn hoá, tâm linh cho nhân dân địa phương và du khách khi đến với Lào Cai.

Du lịch, GO! - Theo Báo Lào Cai
Trong các tộc người ở vùng văn hoá Trung Bộ, văn hoá Cơtu nằm ở tiểu vùng văn hoá Quảng Nam, là một trong những nền văn hoá đặc trưng tiêu biểu. Giá trị văn hoá Cơtu không chỉ toả sáng những đặc trưng trong phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội...mà còn ẩn chứa trong nghệ thuật văn hoá cổ truyền. Mà đặc sắc hơn cả là trong những điệu múa.

Múa là bộ môn nghệ thuật phản ánh một hoạt động của cuôc sống qua hình thức đặc biệt của nó. Múa đã trở thành lĩnh vực văn hoá thể hiện cái nhìn thẩm mĩ của các tộc người và trở thành một trong những dấu hiệu làm nên đặc trưng văn hoá từng dân tộc, từng khu vực vô cùng độc đáo. Nếu trong nghệ thuật văn hoá Tây Bắc có múa xoè của người Thái, múa khèn của người Mông, múa sạp của người Mường... thì ở vùng văn hoá Trung bộ điệu múa “tung tung, ya yá” của người Cơtu là nổi tiếng hơn cả.

Có thể nói múa là một trong những nghệ thuật không thể thiếu được trong sinh hoạt tinh thần của người Cơtu. Người Cơtu nam hay nữ khi biết chạy, biết nhảy thì đã biết múa.

Múa của dân tộc Cơtu bao gồm hai thể loại: múa tung tung (múa nam) và múa ya yá (múa nữ). Hai điệu múa này thể hiện tinh thần tập thể, tính cộng đồng rất cao trong đời sống của người Cơ Tu ở Quảng Nam, đã trở thành nét văn hoá nổi bật của dân tộc Cơtu.

Tung tung, ya yá là hình thức múa dân tộc phản ánh cuộc sống lao động và đấu tranh sinh tồn giữa con người với thiên nhiên và phản ánh sức sống mãnh liệt của dân tộc Cơtu. Múa tung tung, ya yá vừa mang đậm bản sắc dân tộc vừa thể hiện giấc mơ của người Cơtu về cuộc sống thanh bình, ước muốn ấm no hạnh phúc, điệu múa tung tung, ya yá còn thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy.

Trong mỗi điệu múa còn chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của người dân miền sơn cước. Tung tung, ya yá được hình thành lâu đời từ thực tế được khao khát tự do vươn tới ấm no hạnh phúc. Những điệu dân vũ này đã trở nên sống động và trường tồn trước dòng chảy của thời gian.

Múa tung tung, là điệu múa của nam giới. Tung tung là điệu múa diễn tả, tái hiện cảnh đi săn thú, là điệu múa mừng chiến thắng thể hiện tinh thần thượng võ của người Cơtu hoà nhập với điệu múa cầu mưa - ya yá của người phụ nữ.

Điệu múa tung tung không chỉ là điệu múa đơn thuần mà là cốt cách tâm tư của những chàng trai Cơtu. Vũ điệu ấy là chất men nghệ thuật làm say lòng người qua bao mùa lễ hội. Khi múa tung tung, ya yá người đàn ông đóng khố hoặc choàng tấm vải từ vai xuống lưng. Ở những lễ hiến tế thần linh người múa tay trái cầm thêm chiêng, tay phải cầm kiếm hoặc cây giáo lưỡi ngắn, động tác múa hùng dũng nhịp nhàng theo nhịp 2/4 lấy tiếng trống làm nền cho sự chuyển nhịp.

Múa ya yá là vũ điệu của nữ giới. Đó là vũ điệu uyển chuyển như cây lau trước gió, như dòng suối mượt mà uốn quanh. Khi múa đôi chân đứng thẳng khoan thai, đôi tay vươn lên khởi đầu, bàn tay đưa ngả theo hướng sau lưng như chống cả bầu trời, giống đôi sừng trâu biểu tượng "đầu trâu móng nước" một sắc thái văn hoá nhiều dân tộc tiểu số, cũng như tượng hiến tế của người Cơtu.

Ya yá được ví như là tuyệt tác, là nghệ thuât, là tâm hồn và là biểu tượng của văn hoá truyền thống Cơtu. Người ta đã dùng không biết bao nhiêu từ hoa mỹ để ca ngợi vẻ đẹp của "vũ điệu  dâng trời". Điệu múa này được bắt nguồn từ những động tác dân lễ vật từ thờ xa xưa. Động tác dâng lễ ấy theo quá trình phát triển kéo dài của lịch sử được nhân dân sáng tạo, cách điệu hoá thành nghệ thuật có trình độ thẫm mỹ cao. Người ta dâng lễ vật, đầu và thân kết hợp hài hoà cùng những bước nhảy xiên, nhảy trượt ngang, xoay lật nhún nghiêng, nhích quay lượn người... thể hiện dáng vẻ, đường nét tạo hình rất sinh động, tạo nên hình tượng nghệ thuật múa cơ thể thật mượt mà, thanh tao, cổ kính và đầy sức sống.

Theo truyền thống của dân tộc, vào những ngày lễ hội, tết, ngày vui của làng bản, những chàng trai cô gái Cơtu trong trang phục truyền thống nhún nhảy vòng quanh. Tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên đan xen tiếng reo hò, những điệu nhảy điệu nhún trở nên cuốn hút lôi kéo người xem. Các động tác của tung tung ya yá thể hiện tinh thần thượng võ, tính cách mạnh mẽ dũng cảm, nhanh nhẹn và tài hoa của người con trai  và sự uyển chuyển tinh tế của người con gái Cơtu. Tung tung ya yá trở thành thần tố thúc đẩy lao động sản xuất phát triển. Sau những ngày lao động vất vả của đồng bào dân tôc, đêm đêm dưới ánh trăng bên bếp lửa bập bùng tiếng trống chiêng vang lên như mời gọi mọi người.

Trong không khí đêm hội, con người quên đi những mệt nhọc, cùng cười vui bớt sầu lo, trở về với tâm trạng thoả mái. Sau đêm hội trở lại với cuộc sống đời thường, con người thấy yêu lao động hơn, yêu cuộc sống hơn và hăng hái sản xuất chờ ngày hội mới. Tung tung ya yá còn là nơi con người gởi gắm tình yêu đôi lứa, yêu làng bản, yêu con nước, yêu mảnh rừng... của người Cơ Tu. Khi tham gia vào điệu múa, những nam thanh nữ tú được gần gũi tìm hiểu nhau. Tung tung ya yá như gắn bó chặt chẽ con người với con người, con người với cuộc sống thiên nhiên hơn.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, điệu múa tung tung ya yá tựa như một công trình nghệ thuật được gọt dũa, chắt lọc công phu, vừa cổ kính thiêng liêng lại vừa  hiện đại sống động. Trên tiết tấu nền nhạc cồng chiêng dồn dập lôi cuốn, tiếng trống rộn ràng hoà với trang phục dân tộc độc đáo. Đặc biệt, điệu múa còn thêm hấp dẫn lôi cuốn du khách làm mê lòng những ai muốn trở về với cuộc sống nơi núi rừng.

Tung tung ya yá đã trở thành một niềm tự hào của người dân Cơtu và là "đặc sản" văn hoá truyền thống, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh thúc đẩy sản xuất. Hiện nay, điệu múa tung tung ya yá vẫn còn phổ biến ở nhiều lễ hội của người Cơtu và được đưa đi lưu diễn ở nhiều nơi trong và cả ngoài nước, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới.

Du lịch, GO! - Theo  GD&TĐ, internet
Du khách dừng chân trước tấm bảng giới thiệu lịch sử chùa Giám. Chỉ khoảng vài chục hàng chữ nhưng chứa đựng hàng trăm năm thời gian, ghi dấu biết bao công lao to lớn của danh y Tuệ Tĩnh và công đức của những người tạo dựng chùa từ bao đời đến nay.

Từ hướng Hải Phòng qua TP Hải Dương, tới Ghẽ thì gặp con đường nhỏ bên phải đi vào… Đường đi rộng 5 mét, hai bên đồng ruộng gió xuân mơn man qua da mặt mát lạnh pha lẫn hương đất, bụi mưa xuân hờ hững trên vai áo, cảm nhận trời đất giao hòa ngày xuân mà lòng xốn xang quen quen lạ lạ. Đi chừng 4 cây số tới chùa Giám.



Ngay trước cổng Tam quan chùa có 3 chữ Hán “Quán Tự Tại”. Qua cổng tam quan là hai bên vườn cây xanh, một hồ hình chữ nhật thả hoa sung. Cách một lối đi là hồ non bộ, vườn cảnh mô phỏng thiên nhiên sơn thủy hữu tình.


< Cửu phẩm liên hoa.

Liền đó là sân tiền đường rộng lát gạch vuông màu đỏ, xung quanh là lối đi nối sang hai nhánh. Bên phải là 5 gian nhà khách thoáng mát với những cánh cửa gỗ chạm khắc hình nổi từng ô, rất kỳ công tạo thành những bức tranh ước lệ.

Du khách dừng chân trước tấm bảng giới thiệu lịch sử chùa Giám. Chỉ khoảng vài chục hàng chữ nhưng chứa đựng hàng trăm năm thời gian, ghi dấu biết bao công lao to lớn của danh y Tuệ Tĩnh và công đức của những người tạo dựng chùa từ bao đời đến nay.

Nguyên thủy của chùa Giám là Nghiêm Quang tự do sư Hải Triều trụ trì, vốn nằm trên nền đất trống phía đông huyện Cẩm Giàng. Chùa được xây dựng năm 1336 vào thời Lý, thời đó người ta dựng chùa chủ yếu bằng gỗ, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, lợp ngói đỏ. Bởi vậy, khi ngôi chùa hình thành đã trở thành một công trình văn hóa nghệ thuật của Phật giáo thời bấy giờ và rất có giá trị về lịch sử, nghệ thuật với thời nay.

Do thời gian và ảnh hưởng của bom đạn chiến tranh nên ngôi chùa cổ đã bị xuống cấp nhiều. Tháng 4 năm 1970, chùa Giám chuyển về xã Cẩm Sơn hiện nay, cách mặt bằng cũ gần 7 cây số, được dựng lại nguyên kiến trúc cũ. Do các tượng và các vật liệu có giá trị văn hóa cần phải được bảo tồn nguyên dạng nên việc di chuyển tượng hoàn toàn bằng phương tiện thô sơ, rất công phu trong suốt ròng rã 7 tháng trời. Đến năm 1975 chùa Giám ở khu đất mới được hoàn chỉnh.

< Bàn thờ thiền sư Tuệ Tĩnh.

Trong chính điện có các tượng Phật Thích Ca và các vị Bồ tát, tượng Phật Đản Sinh, tượng Quan Âm Thị Kính và Thập Điện Diêm Vương. Trong nhà phẩm là tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa bằng gỗ hình lục giác màu cánh sen có 9 tầng, mỗi tầng đều có 18 vị bồ tát bằng đồng ngự và 54 tầng cánh sen nổi, khắc những họa tiết sinh động. Có tất cả 145 pho tượng, duy nhất tượng Phật A Di Đà ngự tầng trên cùng, khách viếng chùa không thể chiêm ngưỡng gần mà chỉ bái vọng mà thôi.

Tòa Cửu phẩm liên hoa nặng 4 tấn, nếu đẩy sẽ xoay vòng tròn, là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng gỗ độc đáo nhất trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Riêng bức tượng đồng A Di Đà được đúc năm 1712 do Thái Phi Trương Thị Ngọc Chứ, Liễu Hạnh công chúa  Hòa diệu đại vương Đức Bà đóng góp công đức. Năm 1717, chùa đúc tượng đồng Quan Âm thánh vị 24 tay và năm 1775 xây dựng điện Thiên Đế cũng do các cung tần và một số người khác thời ấy đóng góp công đức xây dựng....

Bên ngoài chính điện là 2 dãy hành làng có 11 gian thờ 18 vị La Hán. Hậu đường có 7 gian thờ Thiền Sư Tuệ Tĩnh và thờ sư Tổ.

< Khu Tháp cổ.

Quan sát toàn cảnh kiến trúc chùa Giám, ta thấy các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa. Ngôi nhà phẩm rộng 7,90 m2 cao trên 10m, khung nhà bằng gỗ, mái ngói vẩy cá rêu nâu đều đặn, 4 góc mái uốn cong hình đuôi rồng nổi rõ dưới nền trời vừa mềm mại vừa uy nghi. Bên trái là khu tháp Tổ màu xám trắng rêu phong, xung quanh xào xạc cây xanh bên vài cây cau cao thanh cảnh. Từ nhà Tăng đến dãy nhà khách, nhà thọ trai đều được được xây cất với một phong cách rất riêng của kiến trúc Việt Nam. Bụi lá trầu không cuốn quýt cây cau xanh ngả chùm quả như muốn níu bàn tay lá trầu. Cây hồng xiêm nặng cành, các loại hoa thơm quanh vườn toả hương bốn mùa. Bên nhà Nghè, cây đa cổ thụ xoè tán rộng.

Ngày 13/2 âm lịch hàng năm, chùa Giám tổ chức lễ hội rước tượng Tuệ Tĩnh. Ban lễ nghi lần lượt thực hiện từng phần trong lễ rước: Rước hoa và múa lân rồng, biểu diễn thể thao, rước hồng kỳ, đi sau là đội trống, đội siêu đao – chấp kích – bát bửu, rước kiệu thuốc nam, đoàn tế nam, nối bước là đoàn tế nữ, tiếp theo là đoàn cung nghinh kiệu Tuệ Tĩnh, tượng của Ngài được đặt trên đòn bát cống, có lọng che hai bên rất long trọng, cuối cùng là đoàn chư tăng, chư ni với Pháp phục và các Phật tử cùng các bô lão và những người con quê hương Hải Dương dù làm ăn ở đâu, học sinh, sinh viên, học ở các tỉnh thành khác, kiều bào các nơi đều nhớ ngày lễ hội về tham dự.

Du lịch, GO! - Theo VOV

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống