Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 3 October 2011

Mùa hè về, du khách khắp nơi đua nhau khám phá vùng đất du lịch mới Tả Giàng Phình (Sa Pa). Đây là vùng đất cổ của đồng bào Mông cư trú ở dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm.

Tả Giàng Phình là tên một bản biên giới nằm trong dãy Phanxipăng, thuộc huyện Sa Pa. Chỉ cách Sa Pa 28km thôi nhưng để đi được đoạn đường đó phải mất hơn ba tiếng đồng hồ. Dân tộc chủ yếu sống ở đây là người H’mông và một ít người Dao.
Tả Giàng Phình cũng là tên của đỉnh núi cao thứ 2 trong dãy Hoàng Liên Sơn với chiều cao 3.090m so với mực nước biển, thấp hơn đỉnh Phan Xi Păng - đỉnh núi cao nhất dãy Hoàng Liên Sơn và Việt Nam.

< Đèo ba tầng uốn lượn trong mây trên đường vào Tả Giàng Phình.

Ấn tượng với du khách ngay từ ngã ba Ô Quý Hồ là quả đào, mận, lê  được đồng bào bán dọc đường, theo cung đường nhựa quanh co như “Rồng bay” xuyên qua cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm ẩn khuất trong mây trắng bồng bềnh.

< Thiếu nữ Mông Tả Giàng Phình.

Bất chợt gặp em gái Mông nụ cười tươi như hoa trong những ngôi nhà gỗ lợp ngói, bao quanh là những cánh đồng ngô trổ cờ phất phơ trong gió.

< Thác Lạnh (Bản Khoang) – cảnh thiên nhiên hùng vĩ trên đường vào Tả Giàng Phình.

Ruộng lúa bậc thang mới cấy lên xanh, luôn là điểm hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ở đây ruộng bậc thang nào cũng đẹp, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo nhất, là khi được tạp chí du lịch Travenl and leisure (Mỹ) bình chọn là một trong bảy ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới.

< Mây núi trên đường vào Tả Giàng Phình.

Núi Ngũ Chỉ Sơn mây trắng bồng bềnh bao phủ, chỉ hôm nào trời đẹp núi mới “chui” ra khỏi chiếc “chăn bông trắng” khổng lồ bao quanh.

Năm ngọn núi như những ngón tay, chỉ thẳng lên trời xanh song hành với đỉnh Phan Si Păng cao hơn 3.000 mét so với mặt biển. Thực vật có nhiều loại làm thuốc quý như: Nấm linh chi, thảo quả…

Anh Thào A Chứ, ở xã Tả Giàng Phình bộc bạch: “Nếu được Nhà nước đầu tư và cho phép mở tuyến du lịch chinh phục đỉnh núi Ngũ Chỉ Sơn, tôi chắc chắn sẽ có nhiều du khách thường xuyên tham gia chả kém so với chinh phục Phan Si Păng”.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Laocai và nhiều nguồn khác.

Thung lũng thôi hoang vắng
Món ăn xuất hiện khi đồng bằng sông Cửu Long vào mùa nước nổi. Dòng nước từ bên kia biên giới Campuchia đổ xuống, ngoài việc “làm vệ sinh” đồng ruộng, nó còn mang theo nguồn lợi thủy sản. Cá tôm từ Biển Hồ (Campuchia) theo dòng nước tràn xuống thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu, trong đó có cá linh.

Trong sách Tự vị tiếng nói miền Nam, cụ Vương Hồng Sển kể một giai thoại: Vua Gia Long chạy đến Vàm Nao, An Giang để tìm đường ra biển thì bất ngờ có đàn cá nhỏ nhảy vào thuyền. Nhà vua không đi nữa vì cho rằng hiện tượng đó báo trước điềm gở sẽ xảy ra. Đúng là quân Tây Sơn đã mai phục ở đó. Để tỏ lòng tri ân loài cá, vua đặt tên chúng là cá linh.

Năm nào cũng vậy, đến tháng Bảy, tháng Tám âm lịch thì từ thượng nguồn sông Cửu Long, cá linh non đầu mùa bắt đầu xuôi dòng về miền hạ tập tành kiếp sống giang hồ vẫy vùng sông nước. Cá linh non nhỏ bằng mút đũa là món ăn khoái khẩu khi trở thành món kho lạt dầm me non chấm bông điên điển đầu mùa. Khi con nước dâng cao, với đa dạng phiêu sinh vật, cá linh dần đã trưởng thành, lớn cỡ ngón tay trỏ người lớn. Đây là lúc nó trở thành nguyên liệu cho các món chiên bột, kho mắm.

Trong lần đi thực tế mùa nước nổi ở thượng nguồn sông Hậu (xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang), tôi được một chủ nhà đãi bữa ăn ngon từ cá linh. Hồi hộp nhìn gia chủ từ nhà sau bưng đĩa nhôm cạn đáy ra bàn. Khi đĩa nhôm yên vị trên bếp cồn, mới nhìn thấy những con cá linh nằm lẫn lộn với những trái me còn nguyên vỏ. Chủ nhà cầm đũa dầm từng trái me rồi hòa tan trong nước món ăn, nói: “Đây là món cá linh kho me, ăn cơm cũng được mà ăn với bún càng ngon hơn”.

Ăn với bún, cá linh kho me được dùng kèm với rau muống và ngò gai, làm giảm vị mặn của món kho và vị chua của me. Còn ăn cơm thì vị chua của me kích thích dịch vị, vị mặn của món ăn khiến chén cơm thêm đậm đà. Chủ nhà tận tình chỉ dẫn cách thực hiện món ăn. Theo đó, để có món cá linh kho me thì làm như sau: đầu tiên bắc chảo lên bếp, sấy tỏi thật thơm, cho muối, nước mắm cùng một ít nước lạnh vào; sau đó cho đường, bột ngọt vào. Nước sôi, thả cá linh đã làm sạch vào. Cuối cùng bỏ me trái đã rửa sạch vào. Đậy nắp vung, nước sôi giở nắp, rải hành lá cắt khúc dài vào, dọn ra bàn.

Mùa nước nổi cũng là mùa me non bắt đầu phát triển. Những trái me lớn cỡ ngón tay người lớn, hột non mới tượng hình, nạc me dày, có vị chua vừa phải, là gia vị “số một” cho nhiều món ngon của miền Tây Nam Bộ. Độc đáo nhất vẫn là để chế biến các món ăn từ cá linh.

Du lịch, GO! Tổng hợp từ Thanhnien, DNSG

Sunday, 2 October 2011

Chùa Vĩnh Tràng là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở miền Tây Nam Bộ. Chùa tọa lạc tại xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Sau bao biến thiên của thời gian và thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn đứng sừng sững với vẻ uy nghi riêng của mình.

Vào khoảng đầu thế kỷ XIX, sau khi cáo quan, tri huyện Bùi Công Đạt phát tâm nguyện xây cất một thảo am để tu dưỡng tinh thần. Sau khi ông mất, hòa thượng Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) đã về đây trụ trì đã vận động tín đồ xây dựng thành ngôi đại tự với tên Vĩnh Trường, hoàn thành năm Canh Tuất (1849). Về sau không biết từ khi nào người ta gọi chệch thành Vĩnh Tràng.

< Hai tượng phật khổng lồ trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng.

Tháng 4 năm 1861, khi người Pháp đánh chiếm Định Tường (tên gọi xưa của tỉnh Tiền Giang), chùa bị hư hỏng nặng. Qua nhiều lần sửa chữa, đến năm 1907, hòa thượng Chánh Hậu đã cho trùng tu toàn bộ và ngôi chùa có diện mạo như ngày hôm nay.
< Cổng tam quan ghép sành làm theo lối cổ lầu do các nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933.

Điều đầu tiên hấp dẫn du khách khi đến viếng thăm chùa là vẻ đẹp tráng lệ của hai cổng tam quan do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933.
< Chùa Vĩnh Tràng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa Đông và Tây.

Khác với những ngôi chùa truyền thống, hai cổng này được xây dựng theo lối cổ lầu. Nét độc đáo của hai cổng tam quan thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ tạo nên những bức tranh  lung linh nhiều màu sắc về chủ đề sự tích nhà Phật và chuyện dân gian…

< Chánh điện và gian thờ chính được chạm khắc tinh xảo.

Chùa có 178 cột, 2 sân và 5 lớp nhà. Khuôn viên chùa được bố trí theo dạng chữ "Quốc". Kiến trúc tinh xảo, đa dạng theo lối kiến trúc tổng hợp Á- Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chăm).

< Những bức tượng La Hán sống động được làm bằng gỗ quý sơn son thếp vàng.

Mặt trước của tiền đường với những hàng cột vững chãi, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc. Nóc chùa Vĩnh Tràng có năm ngọn tháp uy nghi, nổi bật trên nền trời xanh. Năm ngọn tháp này được xây dựng theo quan niệm ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

< Một Phật tử thành kính bái lạy trước tượng đài Phật Di Lặc.

Giữa gian chính điện và nhà thờ tổ chùa Vĩnh Tràng có một khoảng sân nhỏ, ở đó có một hòn non bộ phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ đây nhìn về mặt sau gian chính điện và mặt trước nhà tổ, ta lại rõ thấy lối kiến trúc Roma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ của Pháp được trang trí trên thành nóc và trên những cột xây bằng xi măng xây khá kiểu cách.

< Một buổi tụng kinh niệm Phật thường nhật của các nhà sư chùa Vĩnh Tràng.

Phía trong điện Phật của chùa có nhiều pho tượng được làm bằng gỗ quý. Điển hình như bộ 18 pho tượng La Hán tạc bằng gỗ mun, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang khoảng 0,58m. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bảo bối. Ngoài ra, chùa còn có 60 tượng quý tạo tác bằng đồng, gỗ và đất nung, được thếp vàng rực rỡ.

< Du khách nước ngoài tham quan chùa Vĩnh Tràng.

Bên cạnh hệ thống tượng Phật qúy, chùa Vĩnh Tràng còn nổi tiếng với hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Những bức vẽ này mang đậm nét dân gian với hình mai, lan, cúc, trúc và phong cảnh Việt Nam rất nên thơ do Long Giang cư sĩ thực hiện vào năm 1904. Ngoài ra, chùa còn nhiều hoành phi, câu đối và chuông cổ rất có giá trị.

Với những giá trị đặc biệt trên, chùa đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Tháng 5-2007, chùa Vĩnh Tràng còn được Trung tâm Sách kỉ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam có phong cách kiến trúc kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Hiện nay, chùa Vĩnh Tràng là điểm tham quan du lịch rất nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang.

Du lịch ,GO! - Theo BAVN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống