Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 3 October 2011

Nếu con gái Tây Bắc chất phác, hồn nhiên; gái Huế đằm thắm, trữ tình; gái Sài Gòn rắn rỏi, vui tươi; gái miền Tây lam lũ, chịu khó… thì con gái Hà Nội lại mang trong mình nét đẹp riêng vốn có: dịu dàng, nết na, thùy mị.

Những cô gái Hà Nội yếm thắm, răng đen, chợ Đồng Xuân tấp nập quang đòn gánh là những hình ảnh về Hà Nội nhiều thế kỷ trước
Trong Hà Nội - Con gái, nhà văn Chu Lai từng khen: Niềm tự hào của Hà Nội chính là cây xanh và con gái. Con gái Hà Nội lạ là thế, cuộc sống càng khó khăn hiểm nghèo thì vẻ đẹp con gái càng rạng rỡ, thách thức hoàn cảnh. Con gái giữa đời thường đã đẹp. Con gái trong chiến tranh càng đẹp. Đẹp mỏng manh, đẹp siêu thoát...

"Thiếu nữ Hà Nội xưa được tiếng nết na, đảm đang, khéo léo. Giọng nói luôn nhẹ nhàng, ý nhị, lịch sự, tươi tắn, phát âm chuẩn. Họ không nói trống không, nói tục hay cười hô hố hoặc gọi nhau í ới ngoài đường...

Bước đi thì lúc nào cũng khoan thai, uyển chuyển, nhấc cao chân để không phát ra tiếng động nơi công cộng, không gõ guốc cồm cộp hay kéo lê đôi dép quèn quẹt…", một nhà nghiên cứu về Hà Nội nhận xét.
< Tóc đuôi gà.
< Nhuộm răng đen...
< Ảnh trên bưu thiếp xưa nay được đưa ra triễn lãm.

Trong ca dao cổ có câu “Một yêu tóc để đuôi gà”: Người con gái cuốn vành khăn trên đầu nhưng để thả phía sau một lọn tóc quăn quăn, nom tựa cái đuôi con gà trống, lối để tóc của các cô gái trẻ trong ngày hội thủa xưa hay trong các sân chèo cửa đình. Còn đa phần đều vấn tóc thành vòng tròn quanh trán, thường vấn tóc trần nhưng đôi khi cũng độn khăn vải bên ngòai.
< Ra đồng.
< Bán nước vối dạo.
< Hái sen.
< Nhạc họa...
Cũng theo các nhà nghiên cứu, không biết tự bao giờ, thiếu nữ Hà Nội xưa biết làm đẹp với những chiếc yếm. Mỗi thời kỳ chiếc yếm đều có sự biến đổi khác nhau phù hợp với quan niệm thẩm mỹ thời đó.
< Các thiếu nữ Hà Thành của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX đã hiện ra trong một triển lãm ở chợ Hàng Da với những vẻ đẹp xưa.


Triển lãm ảnh “Ký ức Hà Nội xưa” đã diễn ra tại chợ Hàng Da (Hà Nội) là một cơ hội để người Hà Nội được nhìn lại những hình ảnh xưa. Triển lãm quy tụ trên 1.000 bức ảnh do kiến trúc sư Ðoàn Bắc và nhà giáo Ðoàn Thịnh sưu tầm, được chia thanh nhiều chủ đề, trong đó có chủ đề về thiếu nữ Hà Nội trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
< Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm, lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe... (thơ Hàn Mặc Tử).

Đàn bà lao động mặc yếm cổ xây (là miếng vải vuông đặt chéo trên ngực người mặc, ở góc trên có khoét hình tròn làm cổ yếm), còn phụ nữ quý tộc thì trước yếm có thêm một vài đường dây tết lại với nhau thành hình lưới quả trám.
Những năm đầu của thế kỷ 20, khi cuộc sống hiện đại hơn; son phấn, vải vóc của các lái buôn Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan vào nước ta thì người con gái Hà Nội, nhất là những cô gái ở khu phố cổ, đông đúc, sầm uất như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Tràng Tiền thường xuất hiện với chiếc áo dài, bắt đầu biết cách trang điểm nhè nhẹ. Họ không còn chít khăn mỏ quạ, mà thay vào đó là khăn hoa hay khăn len nhiều màu, rồi đeo cả đồ trang sức: vòng cổ, hoa tai...
< Giữa trưa hè.
< Nụ cười.
< Vùng ven.
< Thiếu nữ Hà Thành.
Sang đến thế hệ những năm 40 thì kiểu tóc của người con gái Hà Nội đã có nhiều đổi thay. Cái lề thói cổ xưa của người con gái đài các bị thay đổi. Từ chỗ vấn khăn chuyển sang để dài kẹp tóc bằng cặp ba lá hoặc búi tó củ hành, chải bồng phía trước cho đến cắt ngắn phi dê xoăn tít.
< Thiếu nữ ngày xưa.
< Nghỉ ngơi giữa buổi làm đồng.

Đến sau 1954, sau thủ đô giải phóng, một trào lưu thay đổi kiểu tóc của phụ nữ Hà Nội, nếu không muốn nói là một cuộc cách mạng đầu tóc và đầu óc của phụ nữ Hà Nội, đã diễn ra.
< Tại một số bản làng thời những năm 40 - 50, các cô gái nông thôn vẫn có thói quen hồn nhiên tắm truồng.

Những nữ cán bộ cách mạng từ chiến khu về tiếp quản đã đem theo lối ăn mặc mới, lối để tóc mới. Người phụ nữ kháng chiến trở về không mặc áo dài mà chỉ mặc áo ngắn hoặc đại cán. Hầu như không ai cuốn khăn để tóc dài mà cắt ngắn ngang vai cho gọn. Có người không muốn cắt bộ tóc dài qúy  đi thì tết thành đuôi sam rồi cuốn lại sau lưng.

Có chị lại học theo phim Tàu, cắt tóc kiểu “Hỉ Nhi” để lại một hàng tóc ngắn trước trán, hai bên tết hai đuôi sam và đeo hai cái nơ. Có người thì tết bộ tóc thành một cái đuôi sam dài thườn thượt.
Sau này, tiệm uốn tóc ngày càng nhiều, người ta vận động nữ thanh niên uốn tóc cao cho gọn gàng, hợp với cuộc sống lao động của người công nhân, bởi để tóc dài dễ bị cuốn vào máy lột cả da đầu.
< Một phi tầng.
Thế hệ thanh niên thì luôn thay đổi theo đủ các mốt khác nhau. Phim ảnh nước ngoài thời ấy tuy không tràn ngập như bây giờ nhưng cũng là cái mẫu hình để nhiều thanh nữ bắt chước.
< Sinh hoạt đời thường...
< Thời chiến.

Rồi theo đà mở cửa kinh tế, các thế hệ trẻ tha hồ đua nhau học theo các kiểu đầu mới. Một bài hát ca ngợi cái tóc đuôi gà nhưng nào em có biết tóc đuôi gà là thế nào đâu. Hát tóc đuôi gà nhưng cô ca sĩ lại nhí nhảnh với bộ tóc hình cái đuôi con ngựa. Rồi thì mốt Nhật, mốt Hàn, thậm chí lắm cô cắt ngắn tịt như nam giới không phân biệt được đâu  là nam đâu là nữ…

Bây giờ đôi khi bắt gặp mái tóc dài trên phố, ta lại nhớ về hình ảnh Hà Nội xưa, cái thời chỉ thoáng qua dáng đi mái tóc nụ cười là đã nhận ra đấy là cô gái đoan trang Hà Nội.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Datviet, Thanglong.chinhphu và nhiều nguồn khác.
Một tiểu khu không đánh số như các tiểu khu khác của thị trấn nông trường Mộc Châu (Sơn La), nơi ấy có một cái tên riêng, gợi nhắc và đôi khi khiến trái tim đau nhói khi nhớ về những điều được và mất dưới vòm lá mận xanh…
Pa Khen là tên của tiểu khu, em tìm hỏi mãi mới được một thanh niên Mông đánh vần chính xác để ghi lại vào sổ, đánh dấu thêm một nơi cần nhớ trong quãng đời lang bạt tuổi trẻ.

< Chiếc váy cầu vồng.

Từ quốc lộ 6 rẽ vào chừng 10km, trên đường đi Tân Lập, hai bên đường là những vườn mận, đồi mận, những mái nhà thấp thoáng… Thế rồi, lần nào em cũng dừng xe đúng tiểu khu Pa Khen.

Lần nào ghé chơi cũng thấy Pa Khen lặng lẽ. Hiếm khi gặp đàn ông, chỉ có phụ nữ và trẻ nhỏ, lúc quây quần dưới gốc mận trong vườn, lúc tụ họp trong sân nhà tay kim, tay chỉ. Những căn nhà gỗ náu mình trong khu vườn mà mỗi xuân hạ thu đông khu vườn lại mang trên mình một tấm áo khác.

Pa Khen thay đổi theo thời gian, lúc tươi vui, căng tràn sức sống, lúc lặng lẽ thu mình đắm chìm trong u ẩn. Pa Khen là một phần Mộc Châu, mỗi góc đường, hiên nhà, mỗi đỉnh đèo, chân dốc… tất cả luôn gợi lên trong em những ký ức cồn cào.


< Những khuôn mặt Pa Khen.

Này là tán mận xanh um loang loáng nước sau cơn mưa, nơi em bị mê hoặc bởi một chiếc váy Mông cầu kỳ rực rỡ trên dây phơi căng ngang lối mòn. Có cần hoang dại và gọi mời đến thế không, khi nắng bừng lên khiến những sợi chỉ màu thêm lóng lánh.
Em đã ước mình có thể khoác lên người chiếc váy xinh đẹp đó, để được làm người đàn bà chăm chỉ vào bếp, ra vườn. Em sẽ giống những người phụ nữ đang ngồi trong vườn mận kia, với bạn láng giềng và đám trẻ con nô nghịch như bầy khỉ nhỏ, dệt lên, thêu lên những tấm khăn, tấm váy sặc sỡ để những người phụ nữ dưới xuôi phải thèm muốn và ngắm nhìn.

Em sẽ giống cô gái mang một cuộn vải dài ra góc vườn để ươm nắng, giống người đàn bà dỗ con bên chiếc máy khâu cũ kỹ đặt nơi đầu giường. Em đã nghĩ hạnh phúc dễ kiếm tìm trong sự giản dị và bình an.

< Khu vườn hạnh phúc.

Các bạn em đã tíu tít đưa nhau lên Pa Khen để chụp ảnh cưới. Họ nắm tay nhau đi giữa vòm mận như cổng vào một khu vườn hạnh phúc. Em ngồi trên mỏm đá, xung quanh toàn tiếng cười vui, tiếng nô đùa của bạn bè và bọn trẻ. Dường như anh vẫn ở đó, bên cạnh đống củi cao xếp bên giếng nước, lặng lẽ đợi mấy cô gái nhún chân xòe váy đi ngang qua khuôn hình.

Em đã có một thời gian đủ dài để luôn nhớ về Pa Khen với những ký ức sắc màu và ấm áp. Đủ tin yêu để quay lại tiểu khu trong trẻo và lặng lẽ ấy với rất nhiều bạn đồng hành. Em cứ đến rồi lại đi và trở lại. Nhưng em không đi qua được mùa đông.
Mùa đông, những vườn mận quanh Pa Khen trông như một vườn củi khô, bao yêu thương tinh chất giấu hết vào đầu những nụ hoa chờ sang xuân khai nụ.

< Thêu thùa, khâu vá là công việc chính của phụ nữ Mông ở tiểu khu Pa Khen.

Pa Khen chỉ còn sương mù, những cơn gió lạnh lẽo xuyên qua thảo nguyên, xuyên qua bức tường nhà bằng ván ghép với vô số những khe hổng. Sẽ lạnh lắm, phải không?

Nhưng, nếu may mắn có ngày nắng lên, áo quần sẽ được mang ra phơi, vải được nhuộm trong chảo lớn, phụ nữ từ trẻ đến già ngồi khắp sân nhà để khâu vá, thêu thùa.

Và bọn trẻ con. Bọn trẻ con áo quần xộc xệch, mặt mũi lấm lem treo mình trên cành mận, phóng xe đạp trên lối mòn, nếu vườn còn hoa cải, thậm chí chúng sẽ ngắt vài bông cài lên vành tai. Chúng đáng yêu hơn tất cả những lời em có thể tả.

< Sức sống Pa Khen.

Chúng vừa e dè sợ hãi, em thậm chí đã làm một đứa khóc toáng lên và bà mẹ phải bỏ dở miếng thêu để bế nó lên dỗ dành. Nhưng có đứa lại chả quan tâm đến bất kỳ ai trong đám lữ khách đang lang thang đi lại trong vườn, chúng thản nhiên trêu chọc nhau và phá ra cười khoái trá khi được xem hình của mình trên máy ảnh.
Đó thật sự là một ký ức ngọt ngào. Ngọt ngào đến say mê.

Và em đến giờ vẫn say mê sắc xanh của vườn mận ở Pa Khen, say mê chiếc váy Mông cầu vồng sặc sỡ, và nhớ đến bồn chồn tiếng cười hồn nhiên của đám trẻ. Em không biết mình có đủ tự tin để quay lại nơi ấy, để thấy lại những ngọt ngào quá đỗi đã làm em ngủ quên trong cơn say…

Du lịch, GO! - Theo Dulich Tuoitre
Xuôi về miệt Tây Nam Tổ quốc, ghé Hà Tiên (Kiên Giang), nếu có dịp bạn nên tìm đến với núi Đá Dựng - danh thắng quốc gia được xây dựng từ năm 2007.
Núi Đá Dựng có tên chữ là Châu Nham Sơn, tên cổ là núi Bạch Tháp. Đây là một thắng cảnh đẹp, còn mang nét hoang sơ, thuộc xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, cách biên giới Việt Nam - Campuchia chừng bốn cây số. Trong sách Hà Tiên thập vịnh, Tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đã miêu tả núi Đá Dựng qua bài vịnh có tựa đề Châu Nham lạc lộ (Cò về núi Ngọc) như sau:
Bóng ngọc mây đâm phủ núi non
Bay la bay lả trắng hoàng hôn
Góc trời thế trận giăng cây cỏ
Đóa ngọc hoa rơi khắp bãi cồn.

Theo truyền thuyết dân gian, thuở đất Hà Tiên còn hoang sơ, cư dân Phù Nam đã từng tập trung ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc, nên nhiều người đem ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng, nhưng do nhiều nguyên nhân, các của nả trên dần bị thất lạc theo thời gian.

Khi Mạc Cửu đến khai mở đất Hà Tiên vào cuối thế kỷ XVII, thấy thỉnh thoảng nông dân nhặt được ngọc quý tại Đá Dựng nên ông gọi là núi Châu Nham, nghĩa là “núi ngọc”.

Châu Nham Sơn là một tác phẩm kỳ vĩ của thiên nhiên đã ban tặng cho đất Hà Tiên, với vẻ đẹp tuyệt vời, những hang động thâm u bí ẩn cùng những huyền thoại và truyền thuyết có từ thuở xa xưa. Do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự xâm thực và tác động của thiên nhiên qua thời gian dài, trong lòng núi có rất nhiều hang động. Núi ở đây không cao, chừng trên dưới 100m nhưng có cả thảy hơn 14 hang động lớn nhỏ.

Từ thị xã Hà Tiên, đi khoảng sáu cây số theo quốc lộ 80 về hướng cửa khẩu Xà Xía thì đến Thạch Động. Ở đó có một con đường rẽ phải, đi chừng hai cây số nữa là đến Đá Dựng. Đá Dựng vẫn còn hoang dã với những cụm núi non xen kẽ đầm lầy, đồng cỏ năn và rừng cây bụi. Sách xưa còn gọi nơi đây là Điểu Đình (sân chim) vì có một số lượng lớn cò trắng sống ở đây.

Sau khi mua vé 2.000 đồng/người, với sơ đồ hướng dẫn, du khách có thể bắt đầu cuộc hành trình du khảo quanh co men theo sườn núi, thâm nhập vào các ngóc ngách, hang động để khám phá những điều hấp dẫn. Đường đi giáp các hang động của Đá Dựng dài gần 1.300 mét.

Mỗi hang động mang một nét bí ẩn, lạ lùng. Hang Thần Kim Quy có khối đá dẹp hình con rùa. Hang Dơi có thạch nhũ hình bầu hồ lô. Ở động Bồng Lai, không khí luôn trong lành, ngước lên trên thấy mây bay vùn vụt như sát trên đầu.

Trong hang Bồng Lai còn có hình bàn tay Phật in ở vách đá. Ở động Khổ Qua, thật thú vị khi ngắm những thạch nhũ có hình như trái khổ qua khổng lồ. Ở động Sám Hối, có một tượng đá to như hình một nhà sư đang cúi đầu vào vách đá trầm tư.

Vào hang Cổng Trời có cảm giác lạnh ngắt và hơi khó thở vì càng đi sâu, hang càng nhỏ, có chỗ phải nghiêng mình lách qua vách đá tối, như đi sâu xuống lòng đất âm u, nhưng cuối cùng hang ăn dần lên cao và bất ngờ thông ra bên ngoài đầy ánh sáng. Có những hang ăn liền với nhau tạo thành những “mê cung” với rất nhiều thạch nhũ muôn hình vạn trạng.

Đá Dựng như một tòa lâu đài đá vĩ đại, kiên cố với hàng trăm vọng pháo đài, hàng ngàn gác chuông thiên tạo. Các hang động nổi tiếng là hang Bà Chúa Xứ, hang Trống Ngực (khi vỗ tay vào ngực thì vách hang dội lại thanh âm giống như tiếng trống). Ở hang Lầu Chuông có nhiều thạch nhũ mà khi gõ vào sẽ tạo nên những tiếng ngân nga trong vắt như tiếng chuông. Ngoài ra, còn rất nhiều nhũ đá, tượng đá mang vô số những hình thù kỳ lạ.

Có một hang động tên là Cội Hàng Da ở sườn Đá Dựng. Dân gian cho rằng, đây chính là nơi sinh sống xưa kia của Thạch Sanh. Ở trước cửa động có nhiều phiến đá ghép mí, chồng khít lại với nhau tạo thành một mái vòm tự nhiên. Tương truyền rằng một buổi sáng xa xưa, từ nơi đây, Thạch Sanh đã giương cung bắn chim đại bàng, cắp nàng công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng.

Núi Đá Dựng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng với nhiều truyền thuyết, huyền thoại. Cùng với “Hà Tiên thập cảnh”, đây là nơi ghi lại nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử mang dấu ấn thuở tiền nhân ta khai mở đất phương Nam, gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất nên thơ này.

Du lịch, GO! - Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống