Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 7 November 2011

Từ năm 2009 tại huyện rẻo cao Minh Hoá, Quảng Bình, người dân "kháo" nhau, một người đánh cá địa phương mới phát hiện ba hang động có đại thạch nhũ lộng lẫy.

< Anh Đinh Hồng Nhâm, người khám phá về ba hang động ở Tân Hoá trong thung lũng Tú Làn đứng trước dòng nước ở Rục Poọc.

Ba hang động mà người dân nói đó là hang Tố Mộ nhỏ, Tố Mộ lớn và động Tú Làn, Tân Hoá, Minh Hoá. Người phát hiện là một nông dân chuyên thả lưới ở vùng rừng Tú Làn, anh Đinh Hồng Nhâm, thôn Quy Hợp 3, xã Xuân Hoá.

Anh Nhâm kể: “Ba hang động đó đẹp khó tả. Muốn biết đẹp như thế nào thì phải vào đó xem. Đường đi phải lội bộ, vượt lèn đá, mất hơn hai giờ mới tới được. Mệt lắm, nhưng cũng đáng”.

< Công cụ cần thiết cho những chuyến khám phá động.

Con đường vào Tố Mộ lớn, Tố Mộ nhỏ, động Tú Làn tuy vất vả nhưng đẹp như bức tranh vẽ, con suối ngằn nghèo bên chân núi. Ruộng nương bà con sắp đặt dưới núi đá như bức tranh thuỷ mặc. Khó nhất là vượt lèn Rộ, cao ngất ngưỏng, những người thợ sơn tràng địa phương đã bắt lên đó những thân cây nhỏ để có dấu mà bám vào để đi qua. Mệt vì lèn cao, nắng rát mùa hè nhưng sự háo hức của vẻ đẹp được anh Nhâm tả đã xua tan bao mệt mỏi.

< Cửa động đẹp như những quyển sách xếp chồng lên nhau cho thấy trầm tích thời gian dày hàng trăm triệu năm.

Hang Tố Mộ nhỏ hiện ra, vòm hang cao khoảng 20m, thạch nhũ muôn hình muôn vẻ, ngách nhỏ, ngách to càng làm thêm sự bí ẩn của cái tên Tố Mộ nhỏ do người dân địa phương đặt từ cách đây hàng chục năm. Hang rộng chừng khoảng ba ngàn mét vuông, thoáng đãng, mát đến lạnh người. Phía cuối hang tối om, có một ngách nhỏ dẫn xuống một dòng sông ngầm, người dân địa phương gọi là Rục Poọc.

< Một phần thạch nhũ trong động Tú Làn.

Bên hang Tố Mộ lớn, anh Nhâm nói "sợ ma", không thể dẫn vào, nhưng anh mô tả, đó là một hang động đẹp, có nhiều bí ẩn vì trong đó có hai cái cột nhỏ như bắp chân không biết ai dựng lên, trông nhỏ nhắn nhưng lại chắc chắn, nhiều người muốn đưa về trưng bày ở nhà nhưng không nhổ được và dân địa phương nói không biết làm bằng vật liệu gì.

Hang Tố Mộ lớn còn bí ẩn đến mức người dân địa phương không dám vào bởi họ nói trong đó có ma, xương người của thời xưa và xương động vật vương vãi đây đó trong các góc hang, đặc biệt có nhiều mảnh vỡ của gốm cổ. Rất có thể đây là nơi cư trú của người tiền sử?!

Vào hang Tú Làn, một cảnh tượng lộng lẫy hiện ra, vô số đại thạch nhũ đua nhau chen lên ở các vách hang, giữa nền hang, có ba cột nhũ đá vươn vai thẳng đứng với đường kính hơn một mét đã đưa lại sự ngỡ ngàng cho những ai lần đầu tiên đặt chân đến.

< Thạch nhũ khi soi đèn pin vào nó đã phản chiếu và tạo ra ánh sáng kỳ lạ.

Hang Tú Làn dài khoảng hơn 600m, đẹp hơn hẳn những hang động khác về tuyệt tác thạch nhũ như có bàn tay của ai đó sắp đặt. Càng vào sâu, càng choáng ngợp trước những cột thạch nhũ mọc từ dưới nền hang lên.

Trầm tích thời gian như lắng đọng, được tạo ra bởi hàng tỷ gịot nước từ dòng chảy đá vôi từ hàng triệu năm. Những giọt nước nhỏ xuống, toé ra, kết tủa lại tạo thành từng cột thạch nhủ tráng lệ lạ thường.

< Hệ thống cột và ngai đá trong động.

Những kiến tạo của vỏ trái đất hàng trăm triệu năm trước tạo ra sự đặc biệt về mặt địa mạo của ba hang động này. Cuối mỗi đáy hang có một ngách nhỏ dẫn xuống một hang động nước mát lạnh. Người ta gọi đó là Rục Poọc. Nó như con sông ngầm, dẫn nước từ Hung Lèn Đụng chảy ngầm dưới núi, rồi có cửa nước đổ ra Hung Tú Làn.

Chưa có nhà khoa học hang động nào đặt chân đến đây, nhưng nếu trong tương lai có đoàn thám hiểm nào đến, họ sẽ khám phá được bí ẩn của dòng sông ngầm này.

< Trong lòng động Tú Làn có thể chứa được hàng nghìn người.

Một số vị cao niên ở xã Tân Hoá, nói dòng nước của vùng núi Tú Làn có sự liên hệ với dòng nước của Động Phong Nha. Không biết đó có là sự thật hay không thì cần phải kiểm chứng một cách khoa học. Tuy nhiên có một câu chuyện chúng tôi được nghe kể lại, vào năm 1999, mưa to, lũ lớn, một người sống gần Động Phong Nha chết, nhiều ngày sau người ta phát hiện thi thể tại Hung Tú Làn.

< Nhũ đá xuất hiện rất nhiều ánh kim long lanh lấp lánh.

Người dân địa phương tin rằng, có một dòng nước ngầm nào đó xuyên qua các dãy núi đá vôi rồi đổ về Hung Tú Làn trong những lúc mưa to, nước lớn. Vấn đề đó, cần được đánh giá chính xác của giới chuyên môn địa mạo, địa chất. Bởi từ Phong Nha, đi Tân Hoá xa đến gần một trăm cây số.

Riêng chúng tôi xem cảnh đẹp của ba hang động ở Tân Hoá là một kiệt tác mới của tự nhiên. Cửa hang Tú Làn có những lớp đá xếp lên nhau như những quyển sách đầy bí ẩn chưa một ai lần đọc, dòng nước chảy ra từ nó cũng bí ẩn không kém với vẻ đẹp huyễn hoặc.


< Phía sau mỗi rèm đá là không gian khác của "căn phòng" lớn.

Ở khu vực núi Tú Làn rộng lớn với 99 đỉnh núi đá vôi khổng lồ, kỳ vĩ giữa trời xanh, chạy dài xa ngút tầm mắt, người dân nói còn vô số hang động khác chưa thể khám phá. Tại khu vực này còn sở hữu một di sản đáng giá khác là hàng trăm loài thực vật, động vật sinh sống trên núi đá vôi một cách hoà bình và kiêu hãnh.
--------------

Minh Hoá là huyện miền núi nằm phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, Bắc và Đông giáp huyện Tuyên Hoá, Nam giáp huyện Bố Trạch, phía Tây giáp nước bạn Lào.

< Khối rèm đá trang trí khắp chân bao của động.

Muốn tới động Tú Làn phải qua lèn Ton, núi Tố Mộ, qua hết con dốc cây Xoài con đường trở nên dễ dàng hơn. Cả một khu rừng nguyên sinh với động thực vật đa dạng, phong phú. Nơi đây có hàng trăm loại động thực vật tạo nên một hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài. Khí hậu nơi đây mang tính nhiệt đới gió mùa nên tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thực vật phát triển quanh năm. Qua hết rừng nguyên sinh thung lũng Tú Làn hiện ra trước mặt như một tuyệt bút hoàn mỹ của thiên nhiên. Nơi đây sơn thuỷ hữu tình, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc có đầy đủ các yếu tố sông, nước, núi đá.

< "Mâm xôi" đá này có kích cỡ bằng khoảng 5 cái chiếu đôi.

Đường đến thung lũng Tú Làn đẹp như một bức tranh vẽ. Nước con khe Rào được bắt nguồn từ con đập Ba Nương chảy uốn lượn xung quanh Thị trấn Quy Đạt rồi đổ về Tân Hoá nhập với dòng nước Trung Hoá rồi đổ về đây. Con khe Rào chảy êm đềm nhưng hàng năm nó bồi đắp rất nhiều phù sa cho vùng Tân Hoá. Nước khe Rào chảy đến chân lèn Ton thì bị chắn lại rẽ thành hai hướng. Một hướng chảy ngầm qua núi tới thung lũng La Ken rồi đổ ra hung Đụng. Còn một nhánh chảy vào chân lèn Ton rồi đổ ra hang Tố Mộ. Đến thung lũng Tú Làn thì nhập lại với nhau đổ vê động Tú Làn.

< Những viên đá như thiên thạch có rất nhiều trong động.

Thiên nhiên đã tạo cho vùng hang động Tú Làn nét đẹp nên thơ, có sự lồng ghép giữa các cảnh vật. Tiếng thác nước đổ ra từ hung Đụng hoà cùng với tiếng chim và những âm thanh của núi rừng tạo nên một bản nhạc giao hưởng như một bản hùng ca với đầy đủ các loại nhạc cụ. Con thác chảy ra từ hung Đụng tung bọt trắng xoá, trông có vẻ dữ dằn nhưng rất êm đềm, chảy nhẹ nhàng và đổ về động Tú Làn. Bước vào thung lũng Tú Làn ta như lạc vào chốn “Bồng lai tiên cảnh”.

Đường đi qua động Tú Làn càng trở nên đẹp và hấp dẫn hơn. Con đường này được xây dựng toàn bằng đá cuội và cát bởi dòng nước đổ ra từ hung Đụng cùng với hai cây Lộc cà xây Sung chầu hai bên đứng thế “tả Thanh Long hữu Bạch Hổ”, đứng hiên ngang giữa thung lũng Tú Làn càng làm cho thung lũng Tú Làn gần gũi và ấm áp hơn.

<  Nước chảy xuyên qua lòng động.

Bước tới hang nước Tú Làn càng ngỡ ngàng và giật mình khi thấy của hang hiện ra với vòm hang cao và rộng, nhìn như một con cá mập khổng lồ đang há hốc miệng. Bên trong những rặng thạch nhũ đủ các hình dáng tạo nên những chiếc răng nanh càng tô vẽ thêm nét đẹp kì bí và hấp dẫn hơn, dòng nước Tú Làn như bị nuốt trôi vào đây.

Mặt nước của hang Tú Làn với dòng nước từ hang Tố Mộ, hung Đụng nhập lại hoà với nhau một cách hài hoà, êm đềm. Ánh nắng ban mai cùng với những cơn gió nhẹ làm cho dòng nước gợn sóng viếc xanh lấp lánh. Nhìn mặt nước như một tấm gương phản chiếu tất cả khung cảnh của vùng Tú Làn...

< Động có nước chảy ngầm qua quanh năm. Theo tìm hiểu được biết chỉ cần bịt cửa hang trên dãy núi đá chắn ngang khe nước của huyện Minh Hóa thì đây sẽ thành biển nước mênh mông.

Cách động nước không xa là động khô của Tú Làn, nằm e ấp thu mình lại giữa những tán lá rừng, ẩn chứa bên trong là vẻ đẹp lộng lẫy và tráng lệ. Động khô Tú Làn với vòm hang rộng và cao, ánh sáng mờ ảo càng làm cho cửa động thêm vẻ huyền ảo và kì bí hơn. Bước vào sâu trong hang khi ánh sáng không còn, bên phải cửa động là một bức tượng đài Phật bằng đá hiện ra trước mắt với nét chạm trổ tài tình của thiên nhiên, trông như có bàn tay khéo léo của con người chạm khắc, gọt dũa. Bức tượng càng tạo thêm vẻ linh thiêng, huyền bí cho động Tú Làn.

< Rèm đá buông lửng luôn có âm thanh lạ khi chạm vào.

Giữa nền hang là ba cột thạch nhũ dựng đứng vững chắc, trông như một công trình kiến trúc cổ xưa được chạm khắc lên những tiết tấu như “Rồng bay, Phượng múa”. Bàn tay thiên nhiên đã trau chuốt một cách tỉ mỉ như những nhà điêu khắc điêu luyện, tài ba. Ba cột thạch nhũ đứng với dáng vẻ uy nghi khoẻ khoắn càng tạo nên sự vững chắc cho hang động.  Những thạch nhũ đá buông xuống với nhiều màu sắc khác nhau, trông rất mềm mại, uyển chuyển. Sự kết hợp hài hoà giữa các nhũ đá, măng đá như có một sự đan xen lồng ghép tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy, huyền ảo, như một tấm vải thổ cẩm được dát lên đó muôn vàn hoa văn sặc sỡ, tạo cho hang động Tú Làn một vẻ đẹp không riêng không hang động nào có được.

< Một sân khấu có 7 bậc lên và có thể chứa được khoảng vài trăm người.

Đang choáng ngợp với vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo của thạch nhũ thì sân khấu hiện ra trước mắt như có ai đó đã xây dựng lên từng bậc tam cấp được nạm bằng kim cương sáng lấp lánh, được dàn dựng rất công phu bởi những người thợ điêu luyện của tự nhiên. Ở dưới nền hang cũng được trải bởi hàng vạn viên đá nhỏ trông như những viên bi và một tấm thảm lớn bằng cát. Các hình thù trong động Tú Làn rất đa dạng, nhìn như một đàn mực đang lượn lờ với nhiều màu sắc lấp lánh. Có nhiều rặng thạch nhũ như một dàn nhạc cụ bằng đá của người Tây Nguyên với đầy đủ âm sắc, khi gõ vào tạo nên những âm thanh nghe rất êm tai.


< Trong động có 4 nhũ đá hình thù tựa 4 chân con rồng chia cho 4 góc động.

Nơi đây không chỉ hấp dẫn với muôn vàn thạch nhũ và những kiến tạo lý thú của thiên nhiên mà Tú Làn còn ghi lại dấu tích của con người sinh sống. Có thể đây có một nền văn hoá cổ xưa, những mảnh vỡ của đồ gốm và xương hoá thạch có thể khẳng định điều đó. Bởi thế, Tú Làn không chỉ là một địa điểm du lịch tự nhiên mà còn hứa hẹn là một điểm du lịch lịch sử hấp dẫn du khách đến tìm hiểu, tham quan.

Nếu như Tú Làn được thiên nhiên ban tặng vô vàn thạch nhũ lộng lẫy, hấp dẫn thì hang Tố Mộ lại mang trên mình một dáng vẻ khác. Dòng suối chảy ra từ hang Tố Mộ thướt tha trông như mái tóc người thiếu nữ. Tiếng suối như một bản hùng ca hoành tráng mang âm hưởng của núi rừng nhưng vẫn êm đềm nhập lại với dòng nước Tố Mộ nhỏ và hoà với dòng nước từ hung Đụng chảy về hang Tú Làn. Vùng hang Tú Làn, Tố Mộ còn là nơi sinh sống của hàng trăm loài động – thực vật, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng cả trên cạn lẫn dưới nước.

Du lịch, GO! - Theo Datviet, Thongtinthuongmai, Anninh Thudo

Sunday, 6 November 2011

Hai ngày trôi quá khá nhanh. Hôm nay đã là ngày thứ 3 của chuyến du phượt, mà cũng là ngày bọn mình phải từ giã Bình Châu để về nhà rồi. Phòng vẫn có thể ở đén trưa mới phải trả nhưng bọn này sẽ đi sớm hơn vì nắng buổi sớm dễ chịu so với trời đỏ lửa ban trưa.

Nhưng trước tiên chạy vài vòng hóng gió sớm và điểm tâm sáng cái đã. Hai buổi bình minh vừa qua nhưng không có hôm nào được ảnh mặt trời lên đẹp cả, có lẽ hôm nay cũng vậy thôi vì mình không hề thây chút ráng đỏ nào.

5h10 phút sáng đã cưỡi ngựa sắt về hướng bãi Vạn Trâu với ý định "điểm danh" xem có chú trâu nào đi lạc không nhưng khi gần tới hồ Linh thì thấy mấy đồi cát hai bên cứ như vẫy gọi. Vậy là dừng lại trèo lên đó chơi.

< Tấp vào một trong vô vàn đồi cát nhỏ ven đường.

Gió trên đỉnh cát chỉ hiu hiu, nếu loại trừ tiếng sóng vổ ngoài xa xa thì chỉ còn một sự tỉnh lặng đến dịu kỳ.

< Ngựa sắt bên dưới, "ẻm" không chịu lên chơi!

Con đường ven biển vắt ngang bên dưới không một bóng người, chả có bóng xe. Gió đong đưa những tàn cây lung lay nhưng không đủ sức tạo ra tiếng xào xạc như trân trọng một cõi bình yên tuyệt đối.
< "Nửa kia" trên này...

Không biết những bạn khác nghĩ sao chứ tại Việt Nam: đồi cát tinh khiết nhất (thuần cát), dáng đẹp nhất có lẽ khá nhiều nhưng cái "nhất có lẽ khó nhận định vì mỗi nơi có một cái hay riêng.


< Dường như thế gian chả còn ai...

Mình cho rằng rộng nhất có lẽ là đồi cát Trinh Nữ tại Hòa Thắng (sau này diện tích cũng giảm bớt rất nhiều do địa phương trồng rừng dương chống cát bay).
Dể... nhầm đường nhất có lẽ là những đồi cát ở Phan Rang - có lẽ tại ở đây nhiều đồi cát quá, nào là Phước Dinh, Tuấn Tú, Nam Cương...
< "Đảng đối lập"!

Tuy nhiên: màu cát đẹp nhất, cát thuần khiết nhất... thì đồi cát Mũi Né mới xứng danh do cát nơi này đo đỏ, cam cam... Một cái màu đặt trưng mà khó nơi nào có được ngoài hai đối thủ là Hòa Thắng và Nam Cương - Nhưng Nam Cương lại có nhiều cây bụi, còn đồi cát đỏ Hòa Thắng thì quá khó lội vào đến bằng đôi chân.
< Nếu không có rừng cây thì sẽ thấy biển - do không "thấy" nên ta chỉ "nghe"  tiếng sóng vỗ...
< Sẽ là "độc hành" nếu không có người bấm máy...
< Ghé lại Hồ Linh, chỉ vài mươi thước thôi.
< Hồ Linh đây, tĩnh lặng trong ban mai.

6h20, bọn mình leo xuống và ghé lại hồ Linh gần đó. Hồ vẫn đẹp như mấy năm trước với cây cầu vắt ngang qua. Đây là điều may mắn vì người ta đã làm cầu thay vì làm kiểu tiết kiệm hơn là đổ đất cắt ngang hồ làm đường.
< Và đây là mé bên kia, ngăn cách bởi chiếc cầu. Lại nhớ chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ.

Mặt hồ lung linh giữa những lá sen - vào mùa sen nở nhìn chắc sướng mắt lắm đây. Mà thật lạ nghen: nước hồ bao năm nay vẫn là vẫn là nước ngọt (vì thế có sen) dù hồ không cách biển bao xa. Tính từ mép hồ đến bãi biển ngoài kia chưa đầy trăm mét, không phải mét đất mà là mét cát nhé - cát thì như bạn thấy thẩm thấu nước nhanh lắm.


< Sen trên mặt hồ.

Vậy ra có lẽ rằng Hồ Linh vẫn được cung cấp nước ngọt thường  xuyên với nguồn là rừng bên phía Tây, cụ thể là Khu bảo tồn thiên nhiên rừng Bình Châu - Phước Bửu.
< Chạy tới thêm một đoạn nữa, qua cái xóm chài nho nhỏ...
< Giờ đến mình làm "Hòn Vọng thê".

Bình Châu đẹp và bình yên, phải chi có thêm một ngọn núi tương xứng nữa là tuyệt với vì núi Tầm Bồ (núi Hồ Linh) nơi đây nhỏ quá.
< "Gấu"...
< "Vợ bé" nè, có khi lại gọi là "ngựa sắt thần kỳ"...
< ... và biển trời bao la...

Làng chài nho nhỏ cách đây khoảng vài trăm mét nhưng dưới biển vắng hoe, chỉ duy nhất một thanh niên đang vác trên vai khóm lưới cắm về nhà.
< Mãi đến giờ mới thấy một bóng xe...
< Và một chiếc nữa, chắc chở cô dân chú rể chụp ở Vạn Trâu...
< 7h nắng mới chịu lên soi sáng cảnh vật.
< Ánh dương đã lên khá cao rồi, bọn mình quay trở về kiếm chổ điểm tâm.
< Bún cá 10k. Nhìn kỹ lại hóa ra là chị bán bún hôm qua: chiều chị bán ngoài đường, sáng bán trong này: ngõ vô bến Lội.

Trong này buổi sáng giống như một khu chợ nhỏ bán đủ thứ từa lưa nào là rau cải dưa hẹ...
Có cây xăng nhưng chỉ bán dầu, dầu đổ ghe cá phía dưới cảng đó mà.
< Vừa ăn sáng, vừa nhấp cà phê, vừa xem "diễn viên" biểu diễn màn nhõng nhẽo.

Giờ từ giã cũng đến: bọn mình về nhà trọ soạn đồ, trả phòng và tạm biệt cô chủ nhà nghỉ Dung Tạo, hẹn ngày tái ngộ.
Lên đường thôi...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
Nhìn trên bản đồ, Lai Châu như một chiếc sừng lớn với hai nhánh vươn cao, một ở huyện Phong Thổ, một ở Mường Tè. Con đường dẫn vào Sì Lờ Lầu, nơi mũi chóp của Phong Thổ, chạy theo hình chữ M, chỗ dựng đứng lưng chừng núi, đoạn lại đổ ngược xuống vực sâu, như cung bậc “12 tầng lầu” theo đúng nghĩa Sì Lờ Lầu của người dân tộc thiểu số.

Hơn 400km đường nhựa từ Hà Nội qua Mù Căng Chải, Than Uyên rồi Tam Đường, Phong Thổ… đoàn xe cào cào nuốt trọn trong ngày đầu tiên của chuyến đi. Những con đường với đèo Gió, đèo Khau Phạ vốn là ác mộng cho cánh tài xế trên tuyến đường Hà Nội – thị xã Lai Châu mới nhưng với những chú ngựa sắt lâu ngày chỉ quanh quẩn phố phường, quả thực chưa bõ với những quãng thời gian nhàn hạ đã qua.

< Một góc phiên chợ Sì Lờ Lầu.

Thử thách thực sự chỉ bắt đầu vào ngày hôm sau, nhìn trên bản đồ giao thông đường bộ, quãng đường gần 200 km cả đi lẫn về có vẻ không ăn nhằm gì với sức lực của những chú cào cào sắt quen leo trèo. Nào Tây An, bản Mứn, rồi thị tứ Mường So, bản Lang, Dền Thàng… những cái tên khó phát âm với người xuôi lần lượt trôi qua dưới bánh xe của cả đoàn.

Nhưng bắt đầu ra khỏi Dền Thàng, con đường trải nhựa bỗng biến đâu mất, đất đá lổn nhổn, dốc lên cả chục km trong cái xóc nảy tung người mà những bộ ProLink và giảm xóc upside down cũng không ăn nhằm gì…

< Đường vượt gần 10 km đến chợ của hai bà cháu người Hà Nhì ở Ma Li Chải.

Đứng bên này núi, nhìn về phía xa xa, không ai ngờ những con đường mong manh như những sợi chỉ vắt qua các dãy núi đằng kia lại là những đoạn đường mà chúng tôi sắp phải tới. Cung đường lên Sì Lờ Lầu như một vành thúng khổng lồ, quấn quanh nhưng dãy núi trùng điệp, cho đúng đủ 12 tầng lên/xuống thì mới thỏa lòng mà dừng bước bên cây cầu tre đơn sơ nơi biên giới, nối liền với đất bạn Trung Hoa.

< Các thầy cô đến chợ để lo thực phẩm cho cả tuần.

Những cung đường dài gần 200km như đường lên Sì Lờ Lầu này thực sự thử thách độ lì của những con ngựa sắt và cả chủ nhân của chúng. Đường xấu, dài, dốc lớn khiến máy của những chiếc cào cào nóng bỏng, trở nên ì ạch, ngay cả những chiếc Kawasaki với hai két nước làm mát.

Đường xóc cộng trời nắng nóng khiến con người như ngồi trong một cái lò xông hơi, cứ dừng lại một cái là phải cởi phăng bằng hết những bộ quần áo bảo vệ, dù có khi chỉ dừng lại để hỏi đường…

Cuối cùng thì cũng đấn Sì Lờ Lầu, xã chót cùng trong vòng cung 8 xã biên giới của huyện Phong Thổ. Tính ra đến được nơi đây phải ngửa mặt vượt qua 12 tầng dốc đứng.

< Mặc cả bằng tay với những người dân Trung Quốc.

Sì Lờ Lầu có chợ phiên họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần, có lẽ nó quá xa xôi nên vẫn còn giữ được sắc màu ban sơ, mộc mạc của một phiên chợ vùng cao. Ở chợ Sì Lờ Lầu còn có cái thú là người dân Trung Quốc ở xã giáp biên, cơ bản cũng nghèo, sang giao lưu buôn bán trực tiếp.

Với người Hà Nhì ở Ma Li Chải, người Dao ở Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải phiên chợ này luôn như ngày hội, nơi không chỉ bán mua mà còn để gặp gỡ giao lưu. Với giáo viên ở dải biên giới này, phiên chợ là nguồn cung cấp thực phẩm cho cả tuần.

< Kem, ai cũng thích kể cả giữa mùa lạnh.

Đặt được chân lên một “sừng” của Lai Châu, bên cạnh chiều cầu tre mộc mạc nối sang đất Trung Hoa, một hình ảnh thật là đơn sơ, quá đỗi bình thường với bao người, nhưng với chúng tôi, những kẻ “ấm đầu” nơi phố thị thì đây lại là một trải nghiệm thật đặc biệt. Đặc biệt bởi đã đi thêm một cung đường mới, biết thêm một địa danh mới, và có thêm một cơ hội đặt dấu chân của mình trên một địa danh trên dải đất hình chữ S tươi đẹp này.

Du lịch, GO! Tổng hợp từ Otoxemay, Danviet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống