Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 1 December 2011

Nhiều người đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, Quảng Nam, có thể nhớ và kể vanh vách những ký ức về quần đảo Cát Vàng, nơi họ từng ra công tác. Những người mà PV Tiền Phong trò chuyện dưới đây là một trong số ấy.

Giữ đảo - bao dung và quyết liệt

85 tuổi, ông Lữ Điều (quận Thanh Khê - Đà Nẵng) quắc thước, đi lại nhanh nhẹn, giọng oang oang. Ông chỉ hơi lãng tai, hậu quả của những năm tháng quân ngũ. Đặc biệt, tâm trí của ông Điều vẫn như in những tháng ngày tươi đẹp ở Hoàng Sa.
Với ông, 3 tháng quân ngũ ở hòn đảo quê hương giữa trùng khơi sẽ không bao giờ quên, bởi ở đó, ông đã có những kỷ niệm, đẹp và dữ dội.

28 tuổi, chàng thanh niên xứ biển Nam Ô (quận Liên Chiểu - Đà Nẵng bây giờ) chỉ mới bước ra khỏi lũy tre làng đúng 2 năm quân ngũ. Bỗng chốc một ngày, trát kêu gọi đi Hoàng Sa của Quốc trưởng Bảo Đại về Nam Ô. Làng ven biển xôn xao, bởi với họ, Hoàng Sa lúc đó dường như ở đâu xa thẳm. Chàng trai Lữ Điều không hề mảy may lo lắng, lập tức xung phong đi Hoàng Sa.

“Làng biển Nam Ô, chỉ duy nhất tui và ông Lê Hữu xung phong đi Hoàng Sa. Ông Hữu mất rồi, tui đã già, nhưng 3 tháng ở đảo không lúc nào phai mờ” - Ông Điều nhớ lại. Một ngày hè tháng 7-1952, ông cùng nhiều anh em ở khắp vùng miền bước chân lên chiến hạm ra Hoàng Sa.

< Ông Lữ Điều với những tờ nhật ký ghi lại tháng ngày ở Hoàng Sa.

Thế nhưng, có đặt chân lên Hoàng Sa mới biết, không hề đơn giản như ông nghĩ. Ông không nhớ rõ là ngày nào, nhưng đó là tháng 7, trời nắng chang chang, biển lặng bình yên xanh biếc, tàu lớn chở băng băng ra Hoàng Sa. Một trung đội như vậy gồm 32 người, đủ mọi thành phần, từ Huế đến Đà Nẵng, Quảng Nam. Khoảng 4 - 5 người làm nhiệm vụ ở nha khí tượng Sài Gòn (cũ), số còn lại được trang bị súng ống với nhiệm vụ giữ đảo.

Dù là tàu lớn, nhưng chuyến hải trình ra Hoàng Sa lần đầu trong đời của ông Điều cũng phải mất tới 24 tiếng đồng hồ. Chỉ có ông và ông Lê Hữu cùng mấy người khác vốn là trai xứ biển nên không say sóng. Số còn lại nằm bẹp, dù biển lặng. Hai ngày sau, khoảng 5 giờ chiều tàu cập Hoàng Sa, cả trung đội hò reo, vui sướng khôn tả. Vui sướng chỉ bởi một lý do duy nhất: Hoàng Sa quá đẹp.

Ba tháng đóng quân ở Hoàng Sa, quãng thời gian mà ông nói là sống ở thiên đường, chỉ không có một chữ “nếu” duy nhất. “Hoàng Sa đẹp như tranh vẽ, khí hậu mát mẻ trong lành, biển khơi thì tôm cá mực nhiều vô kể, muốn ăn chỉ cần cầm xiên, dao xuống biển là có. Bọn tui chỉ canh cánh điều duy nhất là làm sao giữ đảo vững vàng” - ông Điều cho biết.

Ông Điều nhớ, mới ra Hoàng Sa được một tuần, trong lúc gác, tàu cá Trung Quốc đã vào đảo. “Tui nhớ kỹ quân giữ đảo kíp trước dặn rằng, cần phải cương quyết nhưng khôn khéo. Lần này cũng vậy, tàu cá vào đảo, mấy ngư dân nước họ đổ bộ lên, đi lại ngó nghiêng.

< Cảnh sát biển Việt Nam dõi theo ngư dân.

Chúng tôi ra nói thẳng, đây là hòn đảo của Việt Nam, thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, mấy ông vào có việc gì phải xin phép đàng hoàng. Họ nói tàu bị hết nước ngọt, vào xin. Chúng tôi vui vẻ cấp nước ngọt, cho cả lương thực nữa, họ cảm động lắm.

Lúc tàu họ quay ra khơi, tui dặn kỹ thuyền trưởng: Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ tàu cá của các anh khi hoạn nạn, nhưng xin nhớ kỹ, đây là đảo của chúng tôi. Họ líu ríu nghe lời và đi thẳng” - tia mắt ông Điều như sáng lên khi kể về lần “đẩy đuổi” tàu Trung Quốc vào năm 1952 ra khỏi Hoàng Sa.

Lần khác, khi trung đội của ông sắp rời Hoàng Sa, một tàu cá Trung Quốc cập đảo xin được cấp cứu, trên tàu, một thuyền viên đang bệnh nặng. Ông Điều cùng y tá trên đảo thức trắng đêm chữa bệnh cho ngư dân này. Hôm sau, bệnh thuyên giảm. Tàu cá Trung Quốc quá cảm kích đã tặng cho ông bộ lưỡi câu mực. “Tui đưa bộ lưỡi câu về Đà Nẵng đánh cá, thời gian sau thì mất. Đến giờ vẫn thấy tiếc” - ông Điều chặc lưỡi.


Hoàng Sa như ngấm vào máu...

Đã rất già và ít nhiều quên lãng, nhưng với ông Mai Tiễn (Nam Ô - Liên Chiểu, Đà Nẵng) thì quãng đời ở Hoàng Sa luôn được lưu lại. Ông Tiễn xung phong ra Hoàng Sa mùa hè 1970, trong chế độ Sài Gòn cũ. Xung phong tới 2 lần trong 2 năm liên tiếp.


< "Có ra mới biết, cuộc sống ở Hoàng Sa như thiên đường. Bây giờ, tui vẫn ước gì được quay lại, sống nốt quãng đời ở đó." - Ông Mai Tiễn .

“Lần đầu đi, vợ con phản đối dữ lắm, ai cũng nói ra đó là bỏ mạng, không đường về. Nhưng có ra mới biết, cuộc sống ở Hoàng Sa như thiên đường. Bây giờ, tui vẫn ước gì được quay lại, sống nốt quãng đời ở đó” - ông Tiễn trầm ngâm.

Cũng như những người đã ra đảo lần trước, nhiệm vụ của ông Tiễn là cầm súng giữ Hoàng Sa, nhưng quãng thời gian ông đi, tình hình ở Hoàng Sa phức tạp hơn nhiều bởi tàu nước ngoài thường xuyên vào quấy nhiễu. “Chúng tôi luôn canh gác cẩn mật, hệ thống liên lạc từ đảo về Đà Nẵng, Sài Gòn được nối thông 24/24. Chúng tôi ghi chép và báo cáo lại từng chi tiết nhỏ” - ông Tiễn kể.

Những ngày cuối cùng trên Hoàng Sa trong lần thứ nhất ra đảo, ông Tiễn bị biến chứng sa ruột, phải cấp tốc lên tàu về đất liền chữa trị. Nhưng, chỉ sau 3 tháng nghỉ dưỡng, khi bệnh tình thuyên giảm, ông lại làm đơn xung phong đi Hoàng Sa.

“Chúng tôi canh đảo, làm chung với các anh bên đội khí tượng, cùng ăn uống chia sẻ thực phẩm. Dầu ăn, mắm muối đã có tàu thường xuyên ra cung cấp, gạo thì dự trữ. Tui lại thường xuyên xuống biển xiên được cá, mực. Sống trên đảo khí hậu trong lành, ăn hải sản tươi thường xuyên, ai cũng phương phi khỏe mạnh. Tui trở về có mang theo một vỏ ốc u lớn từ Hoàng Sa, sau cho người em làm tù và đi thổi ở các hội hè”.

Vợ ông Tiễn, bà Bùi Thị Giai nói: Giờ ổng quên nhiều, nhưng mấy năm trước, bọn trẻ thường tụ tập nghe ổng kể chuyện giữ đảo Hoàng Sa, đứa nào cũng thích thú. Hoàng Sa giờ như thấm vào máu ổng rồi.

Sau lần trở về thứ 2 từ Hoàng Sa, người đàn ông xứ biển Mai Tiễn không còn cơ hội ra đó nữa, bởi thế, giờ đây dù sống sát bên bờ biển, ngày ngày thấm đượm mùi tanh nồng của cá tôm, nhưng tâm tưởng ông Tiễn vẫn hướng về Hoàng Sa. Cũng như ông Lữ Điều, điều hối hận nhất của ông Tiễn là không giữ lại chút kỷ vật nào từ Hoàng Sa, hòn đảo mà cả hai ông khó còn cơ hội quay lại

Du lịch, GO! - Theo báo Tiền Phong

Du lịch, GO!: Hoàng Sa, ngày ấy không quên...
Du lịch, GO!: Đất trời Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa trong ký ức nhiều thế hệ người Việt Nam
Chùa Thánh Chúa (Thánh Chúa tự) được dựng trên một gò đất cao vào giữa thế kỷ XI thuộc địa phận thôn Hậu, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Đầu thế XVII một bộ phận thôn Hậu tách ra thành lập xã Mai Dịch. Từ đó đến nay chùa là chung của nhân dân hai xã Dịch Vọng và Mai Dịch. Bởi vậy mà nhân dân trong vùng còn lưu lại câu ca:

Mai Hậu cùng chung một ngôi chùa
Qua bao thế kỷ vẫn như xưa
Chùa chính bảy gian hai nhà tổ
Bảy mươi pho tượng mấy lần tô…

Đây là một trong những di tích quý hiếm từ thời Lý còn lại, một chứng tích văn hóa Thăng Long. Hiện nay, do quy hoạch mới chùa Thánh Chúa nằm trong khu vực trường Đại học sư phạm Hà Nội I (Cây số 8 đường Hà Nội – Sơn Tây).

< Cổng chùa.

Chùa Thánh Chúa là một ngôi chùa cổ thờ Phật và Nguyên phi Ỷ Lan. Trong chùa còn một số bút tích và hiện vật quý hiếm nói đến lịch sử ngôi chùa như: câu đối treo ở tiền đường, chuông làm bằng đồng thau niên hiệu Minh Mạng thứ chín (1828), Khánh làm bằng đồng, kiểu cánh dơi, nặng 125 cân, niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845). Chùa gồm nhiều hạng mục công trình như: Cổng Tam quan, gác chuông, tòa Tam Bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, điện thờ Nguyên phi Ỷ Lan.

Sách Đại Viêt sử ký toàn thư, tập một kỷ nhà Lý có chép: “Quí Mão, chương Thánh gia Khánh năm thứ 5 (1064) Tống Gia Hựu năm thứ 8. Bấy giờ vua Xuân Thu đã ngoài 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi, sai tri hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang sinh hoàng tử Càn Đức tức vua Lý Nhân Tông  (1066 – 1128)”.

Chùa Thánh Chúa là một trong số 100 chùa chiền được Nguyên phi Ỷ Lan tu sửa, nơi đây Nguyên phi và các vị vua nhà Lý thường lui tới để nghiên cứu Phật pháp.

Ngôi chùa còn gắn bó với tuổi thơ của vua  Lê Thánh Tông, một vị minh quân, một nhà thơ, nhà văn hóa lớn trong lịch sử của dân tộc. Sử cũ chép lại rằng: đầu thế kỷ XV Nghi Dân có tội với triều đình không được nối ngôi, nên kết bè đảng làm phản, đang đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cung điện, vua Lê Thánh Tông lúc bấy giờ còn nhỏ, phải chạy lánh nạn đổi áo ở lẫn với Tăng Tiểu tại chùa Thánh Chúa, sau đó hai tôi trung của triều đình là Nguyễn Xí và Đinh Liệt – danh tiếng từ thời Lê Lợi trừ khử Nghi Dân và đón vua về cung cũ. Điều đáng lưu ý là ở Hà Nội, ngày nay chỉ còn vài nơi in dấu vết vua Lê Thánh Tông đó là: chùa Huy Văn, chùa Ngọc Hồ và chùa Thánh Chúa.

Chùa Thánh Chúa được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 21/11/1989.

Du kịch, GO! - Theo Tổng cục Du lịch, internet
Qua lời kể của các già làng người Dao ở Mẫu Sơn, khu linh địa cổ còn nằm trong một huyền thoại khác bao trùm cả quần thể núi non trùng điệp, rừng xanh, suối mát của Khu du lịch Mẫu Sơn

Huyền tích linh địa cổ

< Lên Linh địa cổ Mẫu Sơn.

Quả thực, vẫn đọc trong sách phong thủy về cái thế đất đắc địa “Tả thanh long, hữu bạch hổ, mặt nhìn sông, lưng tựa núi” mà đôi khi cảm thấy còn mù mờ lắm, chẳng mường tượng nổi cái thế đất đại cát, đại lợi, đại phúc ấy hình dáng ra sao. Vậy mà, chỉ đặt bước chân đầu tiên lên khu linh địa cổ Mẫu Sơn mọi mơ hồ đều được sáng tỏ.

Trung tuần tháng 4 vừa rồi, Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn mời chúng tôi cùng tham gia chuyến khảo sát thực địa khu linh địa cổ Mẫu Sơn, thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Đúng là “mừng như bắt được vàng”, bởi cái địa danh đượm màu huyền thoại ấy luôn tạo nên một sức hút kỳ lạ đến khó tả, đặc biệt là với mấy anh em phóng viên chúng tôi. Chuyến đi rất vất vả với khoảng 3 tiếng đồng hồ leo núi liên tục, nhưng những xúc cảm có được khi đặt chân lên vùng lãnh địa tôn nghiêm ấy quả là xứng đáng với tất cả gian truân trong suốt cuộc hành trình. Đứng giữa một vùng không gian tâm linh huyền bí, trong chúng tôi cứ trào dâng mãi niềm tự hào về những trầm tích văn hóa, lịch sử lâu đời của quê hương Xứ Lạng.

< Hành trình trên con đường độc đạo.

Trong chuyến khám phá khu linh địa cổ Mẫu Sơn, chúng tôi đã chụp hơn 500 bức ảnh về những cảnh sắc kỳ vĩ trong mây gió mịt mù suốt dọc cuộc hành trình lên đỉnh cao ngàn mét. Những bức ảnh minh chứng cho sự hiện hữu của quá khứ ngàn năm trên một vùng lãnh địa linh thiêng, tôn nghiêm, huyền bí. Trong sự ám ảnh ấy, có cả nỗi day dứt về những trầm tích văn hóa, lịch sử đang đứng trước quy luật nghiệt ngã của 2 chữ còn và mất. Để rồi, những day dứt đó dẫn dắt chúng tôi không tiếc công sức tìm kiếm những khám phá của đoàn khảo cổ học 8 năm về trước cùng những nhân chứng lịch sử liên quan đến đỉnh non thiêng.  

Xin hãy khoan bàn về những dấu ấn văn hóa, lịch sử của khu linh địa cổ, bởi chỉ nội việc những huyền tích xung quanh vùng đất này đã tạo nên biết bao mê hoặc rồi. Từ đầu thế kỷ XX, dân quanh vùng Mẫu Sơn vẫn truyền tụng nhiều chuyện kể, huyền tích, huyền thoại về khu linh địa cổ. Một trong những chuyện khá ấn tượng bắt đầu từ một gia đình người Dao sinh sống ở thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình về “những phiến đá thiêng rỉ máu”.

Chuyện kể: Cách đây đã rất lâu, trong một chuyến đi săn, ông chủ gia đình người Dao đã vác về một phiến đá kỳ lạ từ khu linh địa cổ. Với suy nghĩ thuần phác của người dân có thể dùng phiến đá này vào công việc cá nhân của gia đình. Thật kỳ lạ là mờ sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc, ông chủ nhà đã tá hỏa khi tận mắt nhìn thấy phiến đá hôm qua mình mang về đang rỉ ra những giọt máu, vết máu loang đỏ cả sân nhà. Người ông lạnh toát sống lưng và thầm nghĩ mình đã làm một việc động trời, ông vội vã cùng gia đình thành khẩn cõng phiến đá thiêng lên trả lại chỗ cũ và cầu xin thần linh tha thứ. Câu chuyện cứ thế lan truyền mãi trong ký ức của người Dao và các dân tộc khác trong vùng. Nơi có phiến đá thiêng và cả vùng phụ cận đã trở thành một “vùng lãnh địa linh thiêng”.


< Núi non hùng vĩ trên hành trình.

Qua lời kể của các già làng người Dao ở Mẫu Sơn, khu linh địa cổ còn nằm trong một huyền thoại khác bao trùm cả quần thể núi non trùng điệp, rừng xanh, suối mát của Khu du lịch Mẫu Sơn. Đó là câu chuyện đau buồn của một bi kịch gia đình tan vỡ bởi những ghen tuông mù quáng. Tương truyền rằng, thủa xưa tại khu vực này có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Người chồng khỏe mạnh, dũng cảm, người vợ thủy chung, đảm đang sinh được những người con xinh đẹp, ngoan ngoãn. Họ sống hòa thuận và no đủ trong một vùng rừng núi quanh năm mây phủ, có con sông Kỳ Cùng uốn lượn chảy quanh.

Một ngày, đất nước có giặc xâm lăng, người chồng vâng mệnh vua lên đường xung quân giết giặc, bảo vệ bờ cõi biên cương. Trong thời gian người chồng ra trận, một tên gia nhân trong gia đình đã đem lòng thương yêu người phụ nữ vắng chòng, nhưng hễ cứ ngỏ lời lại bị kiên quyết từ chối. Không được đáp lại tình yêu còn bị khinh miệt, những ghen ghét, xấu hổ và hằn học chất chứa trong lòng ngày càng lớn, gã gia nhân luôn nung nấu ý định trả thù người phụ nữ ấy.

Trong thời gian ấy, có chàng Chóp Chài tốt bụng vẫn thường qua lại giúp đỡ gia đình trong khi người cha của những đứa trẻ vắng nhà. Sau khi người cha lập công thắng trận trở về, gã đê tiện kia đã không ngừng xúc xiểm, bịa đặt rằng trong những năm tháng người cha ra trận, người mẹ đã có tình ý với Chóp Chài, không còn giữ lòng chung thủy với chồng.

Mặc cho người mẹ thủy chung cạn nước mắt thanh minh, người cha vẫn một mực tin vào lời tên gia nhân xấu bụng. Bi kịch rồi cũng đến vào một ngày xuân, trong cơn nóng giận vì ghen, người cha đã xuống tay giết chết người vợ mà mình đã hết mực yêu thương. Dòng máu oan khuất của người mẹ chảy mãi, chảy mãi, chảy thành hằng trăm con suối quanh vùng, thấm đẫm cả những cánh hoa đào, để đến nay Mẫu Sơn vẫn luôn nức tiếng với những cành bích đào đỏ thắm trong huyền ảo sương mù mỗi dịp xuân sang.

< Ngổn ngang những phiến đá nhân tạo trên nền linh địa.

Về phần người cha, sau cơn cuồng giận, ông chợt tỉnh ngộ, nhận ra mình đã nhẫn tâm sát hại người vợ thủy chung bao năm trọn vẹn những mặn nồng, người cha rơi vào những tột cùng của khổ đau, ông ngày đêm gào thét để cầu xin cho vợ mình được sống lại, tiếng gào thét của ông trở thành những cơn gió da diết thổi quanh năm trên đỉnh Mẫu Sơn, nước mắt của ông hòa vào dòng máu người vợ trở thành những dòng nước nguồn thấm đẫm mối tình oan khuất, người dân đã lấy thứ nước ấy cất thành loại rượu Mẫu Sơn cay ngọt, say nồng nổi tiếng sau này.

Dòng nước mắt ấy cũng đã nuôi dưỡng những cây chè cổ thụ trên đỉnh Mẫu Sơn, thứ chè kỳ lạ luôn mang vị ngọt đắng của một tấn bi kịch ngàn năm. Người cha cứ lang thang vô định trong rừng thẳm để tìm hình bóng người vợ xưa, những giọt nước mắt của ông rải khắp núi rừng, đọng lại trên lá thành những trái chanh rừng bé xíu, tròn mọng, người dân khi hái về ngâm muối đã tạo nên thứ gia vị có hương thơm đặc biệt khiến ai đã một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên. Và cuối cùng, người cha trong những đau khổ, tuyệt vọng tột bậc đã một mình dùng dao phạt trắng một khoảng rừng thành một vùng đất trống, ròng rã trong nhiều ngày trời, ông đẽo gọt những phiến đá lớn gần đó để dựng lên một khu đền cổ thờ cúng người vợ oan khuất của mình... ông gục chết vì kiệt sức sau khi xây dựng ngôi đền ấy.

< Khu linh địa cổ dần hiện ra sau lớp sương mờ ảo.

Cảm động trước câu chuyện tình bi thương, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã biến họ thành những ngọn núi bất tử ngàn năm, tiếc thương cho một gia đình tan vỡ, người dân đã lần lượt gọi những ngọn núi ấy là núi cha, núi mẹ, núi con... tạo nên quần thể Khu du lịch Mẫu Sơn ngày nay. Và hằng năm, người dân trong vùng vẫn hành hương về khu linh địa cổ nơi lưng chừng núi mẹ để thực hiện các nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng thiêng liêng, để tưởng nhớ về một huyền thoại bi thương nhưng thấm đượm tính nhân văn sâu sắc...

Lần theo dấu chân những người tiên phong

Đã được nghe nhiều câu chuyện hư hư thực thực về Khu linh địa Mẫu Sơn, đã có đôi chút mường tượng về vùng đất linh thiêng ấy qua lời kể của những người từng đặt chân đến, đã tìm hiểu một số hồ sơ nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, đã có vài nét hình dung qua những bức ảnh tư liệu vàng ố màu thời gian…

Qua trạm thu phí giao thông cửa khẩu Chi Ma chừng 3km, rẽ trái vào con đường đất khoảng vài km nữa, chúng tôi xuống xe tại một con dốc cuối cùng gần Trường tiểu học thôn Lặp Pịa. Đoàn gồm 12 người: 9 cán bộ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 2 phóng viên Báo Lạng Sơn, anh Hoàng Văn Tạ, Phó Trưởng Công an xã Mẫu Sơn - một tay đi rừng lão luyện dẫn đường.

< Hành trình lên tới khu linh địa cổ đầy gian nan với những sườn núi nhấp nhô và bãi đá trơn trượt...

Chiếc mũ tai bèo bạc màu sương gió, con dao quắm sắc lẹm trong tay, anh Tạ thoăn thoắt xé đám cây bụi dẫn chúng tôi men theo con đường độc đạo chỉ vẻn vẹn vừa dấu chân một người đi. Cứ dò dẫm từng bước nhỏ, hết bờ dốc, lại đổ đèo, được khoảng 1/3 quãng đường chúng tôi đã cảm thấy chân cẳng rã rời. Đứng tựa vào gốc cây thở dốc, nhìn lên đỉnh núi mây mù xa vòi vọi phía trước mà trong đầu cứ lan mãi cái ý nghĩ bỏ cuộc giữa chừng...

Anh em trong đoàn đa phần là thanh niên trai tráng mà cứ liên tục “xin” anh Tạ cho nghỉ, tay đi rừng thành thần ấy thì lúc nào cũng bỏ xa chúng tôi một quãng dài và cứ đứng trên đỉnh núi xa tít luôn miệng quát vọng xuống dọa: “đi ề à thế này tối nay chắc chắn phải ngủ lại ở khu linh địa rồi.” Hoảng quá, lại cố nhấc những bước chân nặng như chì leo dốc... Vậy mà trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2004, con đường độc đạo chúng tôi đang men theo vẫn thường xuyên in dấu chân của một ông lão đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” với mái tóc bạc trắng như cước. Người ấy chính là cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam, một trong tứ trụ sử học Việt Nam đương đại “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” (tức gồm các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và giáo sư Trần Quốc Vượng). Năm 2002, Bảo tàng Tổng hợp Lạng Sơn, Công ty XNK Du lịch Lạng Sơn đã mời đoàn cán bộ chuyên ngành ở Trung ương cùng phối hợp tiến hành điều tra di tích Mẫu Sơn.

< Con đường mòn bám chênh vênh theo sườn núi cao chót vót vắng dấu chân người nên cỏ dại mọc lấn cả lối đi, thi thoảng lại phải dùng con dao quắm phạt ngang để mở lối.

Đoàn do giáo sư Trần Quốc Vượng đứng đầu đã tiến hành điều tra 2 di tích khảo cổ học là Chóp Chài và Mẫu Sơn. Kết thúc đợt điều tra, giáo sư Trần Quốc Vượng thay mặt đoàn công tác đã gửi báo cáo sơ bộ đến các cơ quan chức năng ở Lạng Sơn và gửi bài cho Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc tổ chức tại Hà Nội tháng 9/2003. Là một trong những nhà khoa học đầu tiên đặt chân đến khu linh địa Mẫu Sơn để khảo cứu vùng đất linh thiêng, huyền bí và tôn nghiêm này, giáo sư Trần Quốc Vượng đã góp phần lớn trong việc khai lộ những trầm tích văn hóa, lịch sử rất có giá trị của khu linh địa Mẫu Sơn đến với giới chuyên môn cả nước và công chúng. Cuộc khảo cứu của giáo sư Trần Quốc Vượng cùng các đồng nghiệp đã mở đường cho một đợt khai quật chính thức với quy mô lớn tại khu linh địa Mẫu Sơn.

Ngày 14/10/2003, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra Quyết định số 3505 cho phép Sở Văn hóa Thông tin Lạng Sơn tiến hành khai quật lần thứ nhất khu di tích linh địa Mẫu Sơn, thời gian khai quật trong 2 tháng từ 15/10/2003 đến 15/12/2003, diện tích khai quật 700m², người phụ trách khai quật là tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin lúc bấy giờ. Năm 2004, cuộc khai quật kết thúc với rất nhiều khám phá bất ngờ đồng thời phát hiện hàng ngàn hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

Tiếc thay, vào tháng 8/2005, giáo sư Trần Quốc Vượng qua đời vì trọng bệnh, ông để lại nhiều công trình nghiên cứu còn dang dở về văn hóa hầm mộ “cự thạch” (đá lớn) ở Việt Nam, trong đó có khu linh địa Mẫu Sơn. Những bước chân tiên phong trên con đường khám phá khu linh địa Mẫu Sơn của vị giáo sư đáng kính, một nhà sử học, nhà khảo cổ học hàng đầu - một ông lão ở cái tuổi 70 vẫn bền bỉ, miệt mài băng rừng, vượt dốc, ăn lương khô, ngủ lán trại đẫm sương, uống nước suối khe ròng rã nhiều ngày trời chỉ bởi sức hút của những trầm tích văn hóa, lịch sử một vùng đất thiêng thực sự đã gây cho chúng tôi nhiều xúc cảm.

Xin được trích lời của tiến sĩ Vũ Thế Long, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người đã từng khảo cứu khu linh địa khi vùng đất này vẫn còn là một điều vô cùng bí ẩn: “Các đồng nghiệp bàn luận: Liệu nơi đây có phải là “Linh địa” không? Đã từng đến vị trí này, khảo cứu ở vị trí này và cũng từng ngủ qua đêm, uống rượu, ngắm trăng, dãi nắng, dầm mưa và đón mặt trời mọc, tiễn mặt trời lặn ở nơi đây, tôi cảm thấy đây đúng là một vị trí thiên nhiên kỳ diệu. Mây luôn luồn vào lán trại chờn vờn với con người.

Bên dưới nắng chói chang nhưng trên khu linh địa vẫn mát lạnh. Đứng ở vị trí những phế tích của nền kiến trúc cổ mà ta nhìn xuống chân núi có thể thu vào tầm mắt muôn trùng nước non, có thể nhìn thấy cả giang sơn trong một bức tranh gấm vóc. Tôi không được học về khoa tử vi, tướng số cũng như thuật xem đất cát, nhưng qua thực tế mà người xưa đã lựa chọn để làm nơi thờ cúng cùng với những gì đã thấy ở đây. Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng: về mặt địa lý, nơi đây đúng là một đắc địa. Cần phải gìn giữ, tu bổ để mọi người đến thưởng lãm.”

Cần phải gìn giữ, tu bổ để mọi người đến thưởng lãm. Đó phải chăng là mong muốn lớn nhất của cố giáo sư Trần Quốc Vượng khi ông đặt chân đến khám phá vùng đất linh thiêng ngàn năm tuổi này. Chúng tôi nói nhỏ với nhau: Sau này khi khu linh địa được trùng tu, phục dựng với một con đường thuận tiện cho du khách vãn cảnh, không chắc con đường ấy sẽ đi theo lối mòn này, nhưng những dấu chân tiên phong mà giáo sư Trần Quốc Vượng đã đi qua để đến với khu linh địa Mẫu Sơn, hẳn sẽ trở thành con đường riêng mang tên ông. Mọi ước vọng còn ở tương lai, giống như những ngọn núi phủ mây phía trước mà chúng tôi sẽ phải vượt qua. Nhưng sau tiếng giục lên đường của anh Tạ, bỗng thấy bước chân vượt dốc như nhẹ nhàng hơn...

--------------------

Các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật và phát hiện ra Khu Linh địa cổ Mẫu Sơn (Lạng Sơn) - trung tâm của các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của các tộc người ở đây. Việc phát hiện này đã đem đến cho Mẫu Sơn một giá trị mới, đó chính là giá trị lịch sử, tâm linh bên cạnh giá trị danh thắng của Mẫu Sơn.

Khu linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190m so với mặt nước biển, phân bố trên sườn núi dốc trên dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn. Đền được xây dựng để thờ vị thần trấn núi Mẫu Sơn có tên gọi là “Đức Tôn Thần Công Tịnh Quang Mậu, Hùng Trấn Đại Vương, Thượng Đẳng Phúc Thần”.

Về lịch sử, khu linh địa cổ có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau. Tuy nhiên, theo báo cáo khoa học kết quả nghiên cứu, khai quật khu di tích Mẫu Sơn năm 2003 của Bảo tàng tổng hợp Lạng Sơn, di tích này có từ lâu đời, có thể được xây dựng vào khoảng từ thế kỷ X đến thế kỷ XX.

< Rất nhiều di vật khi được khảo cổ đã bị hư hại nghiêm trọng.

Toàn bộ khu di tích linh địa cổ Mẫu Sơn có diện tích 24.400m², được coi là vị trí “đắc địa” theo luật phong thủy: Lưng tựa vào núi Mẹ Mẫu Sơn phía bắc hùng vĩ, mặt hướng ra vũng bồn địa Na Dương – Lộc Bình phía nam sông nước đồng ruộng bao la, bên phải phía tây là núi Cha sừng sững quanh năm mây phủ, bên trái phía Đông là cánh rừng nguyên sinh mọc tươi tốt trên các ngọn núi. Môi trường tự nhiên khá đa dạng và trong lành với những khe suối nhỏ, nhiều cánh rừng nguyên sinh, thảm thực vật nhiều tầng còn bảo lưu được những cây gỗ quý như Tùng la hán, Trầm hương, Các loài hoa Đỗ quyên, Trúc rừng… Thấp hơn phía chân núi là các cánh rừng thông, tre nứa, các khoảng đồi bát ngát hoa sim, mua. Nhiều loại động thực vật hoang dã như lợn rừng, hươu, nai, các loại cầy, dúi, các loài chim… Bởi vậy, đến Đền cổ Mẫu Sơn hình tâm hồn con người trở nên thanh thoát.

Ông Bế Cao Chuyển – Phó Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn cho biết: Sau đợt khảo sát và khai quật năm 2003 – 2004 của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh kết hợp với các chuyên gia Viện khảo cổ đến nay về cơ bản di tích vẫn giữ nguyên hiện trạng như sau khai quật, gồm có 03 nền móng đắp bằng đá xây dựng đền thờ, các chân cột đá, tường đá và tường gạch, bậc thềm và cánh cửa đá... Gạch xây dựng cho thấy ngôi đền được trùng tu vào cuối thế kỷ XIX.

Hầm mộ đá với cấu trúc và quy mô lớn có vòm che và có nhiều khả năng theo kiểu quan trong ngoài quách. Toàn bộ mộ được dựng bằng những khối đá lớn khai thác tại chỗ. Ngoài ra, một hầm mộ khác có quy mô nhỏ hơn, được dựng theo kiểu trác thạch bằng cách lợi dụng hai tảng đá tự nhiên hai bên và ở trên đậy bằng một phiến đá. Trên một khu vực rộng lớn có rất nhiều tảng đá lớn nằm theo cụm hay đơn lẻ, một số tảng đá lớn có vết tích chế tác của con người. Qua kích thước và vết đục có thể nói những tảng đá này được khai thác làm nguyên liệu để xây dựng ngôi đền cổ. Các đập chắn nước phía trên ngôi đền lợi dụng địa thế của các dãy đá tự nhiên chạy ngang sườn núi có gia cố thêm bằng đá phiến.

< Một trong hai hầm mộ đá trong khu linh địa.

Ông Bế Cao Chuyển cũng cho biết thêm: Đầu tháng 9/2011, Ban quản lý Khu du lịch Mẫu Sơn đã thực hiện kế hoạch số 52/KH – TTXTDL của Trung tâm Xúc tiến Du lịch về khảo sát, hội thảo đánh giá tiềm năng du lịch Linh địa cổ Mẫu Sơn. Nếu được đầu tư cơ sở hạ tầng điểm du lịch này sẽ đáp ứng yêu cầu của một khu du lịch quốc gia.

Khu đền cổ và mộ đá trên khu linh địa cổ hiện tồn tại với đầy đủ ý nghĩa của di tích tín ngưỡng, tôn giáo, vừa là nơi thờ tự thần núi Mẫu Sơn vừa là nơi có di tích mộ đá lớn. Song, nó đơn thuần không chỉ là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ, mà còn là biểu tượng của sức mạnh văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú người Tày cổ ở khu vực này.

Linh địa cổ Mẫu Sơn vẫn còn đó những bí ẩn về lịch sử và bí mật về chủ nhân đã dày công xây dựng nên nó. Những câu chuyện lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc nơi đây và những chứng tích còn lại vẫn là những bí mật mà mỗi chúng ta cần có thời gian và bằng chứng để khẳng định về một vùng linh địa đã tồn tại lâu đời tại vùng núi Mẹ nơi biên cương địa đầu tổ quốc thiêng liêng này.

Với ý nghĩa như vậy có thể khẳng định khu đền cổ và mộ đá ở khu linh địa là một điểm đến không thể bỏ qua đối với khách du lịch đến với Lạng Sơn. Đến đây du khách có thể hiểu rõ thêm về lịch sử hào hùng của các tộc người ở đây và thưởng thức các cảnh đẹp, đặc sản riêng của vùng núi Mẫu Sơn.

Du kịch, GO! - Theo báo Lạng Sơn, web Tổng cục Du lịch, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống