Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 2 December 2011

Cầu Trường Tiền hay còn được gọi là Cầu Tràng Tiền là chiếc cầu dài 402,60m; rộng 5,40m, có sáu vài và mười hai nhịp, được thiết kế theo kiến trúc Gô tích, mỗi nhịp có hình bán nguyệt, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế.

Căn cứ bài thơ Thuận Hóa thành tức sự của nhà thơ Thái Thuận, thi sĩ Quách Tấn đã cho rằng dưới thời vua Lê Thánh Tôn, sông Hương đã có cầu.

Và chiếc cầu đó, được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Rồi vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống. Trải bao năm tháng, không biết khi nào, cầu Mống được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát bằng ván gỗ lim.

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm xứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và khởi công xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này.

Tổng cộng tiền xây cầu Thành Thái tiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng, là một số tiền lớn vào thời đó.

Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn làm cầu hư hỏng nặng. Hai năm sau, tức năm Thành Thái thứ 16 (1906), chiếc cầu mới được sửa chữa lại bằng xi măng cốt thép. Tổng chiều dài cây cầu là 401,10m, rộng 6,20m, có 6 vài, 12 nhịp, mỗi nhịp được thiết kế hình bán nguyệt, các nhịp kế tiếp nhau làm thành một dải sóng đều đặn, mềm mại. Và diện mạo này, vẫn giữ được cho đến ngày hôm nay. Một năm sau, khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, thì chính quyện thực dân Pháp cho đổi tên là cầu Clémenceau, theo tên của Georges Clemenceau, một Thủ tướng Pháp thời Thế chiến thứ nhất.

Đến năm 1937, cầu được mở rộng thêm hai hành lang ở hai bên, dành cho người đi bộ, xe đạp và những bao lơn (ban công) hình bán nguyệt được tạo ra ở 5 trụ cầu giữa 2 vai để có chỗ dừng chân, hay né tránh nhau.

Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng.
Năm 1946, trong chiến tranh  cầu bị sập hai nhịp phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa để qua lại.

Trong Sự kiện Tết Mậu Thân, trụ 3 và nhịp 7 bị phá hủy. Một chiếc cầu phao được dựng lên tạm thời cho người qua sông và sau đó, cầu đã được sửa chữa lại.

Từ năm 1991 đến 1995, công ty Công ty Cầu 1 Thăng Long lãnh trách nhiệm trùng tu, xây lại hai nhịp cầu, đổi màu cầu từ màu dụ bạc sang màu lam.

Tất cả các bao lơn cũng bị phá bỏ. Trước đây mặt cầu rộng 6m20, nhưng sau khi sửa chữa xong, chỉ còn 5m40, cho nên chỉ có xe loại nhỏ mới qua lại cầu được.


“Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp
Em qua không kịp tội lắm anh ơi
Mấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Có xa nhau chăng nữa, cũng tại ông trời mà xa.”

Mặc dù trải nhiều tên gọi, nhưng từ rất lâu, cái tên cầu Trường Tiền (vì chiếc cầu nằm gần một công trường đúc tiền, gọi tắt là Trường Tiền của nhà Nguyễn và phố Trường Tiền do vua Thành Thái lập năm 1899) vẫn được người dân quen gọi và đã đi vào nhiều bộ môn nghệ thuật...

Hiện nay, cầu đã được gắn hệ thống đèn đổi màu làm mất đi nét đẹp vốn có của cây cầu.

Du lịch, GO! - Theo DulichHue
Từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định), bạn chỉ cần thuê một chiếc xe máy và đi chừng 20km là đến đô thị cổ Gò Bồi (thôn Gò Bồi, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định), nơi ghi dấu nhiều trầm tích văn hóa của người Chăm-pa, người Việt và người Hoa (người Minh Hương)…

< Bến sông Gò Bồi.

Khi đi thăm Gò Bồi, bạn chớ vội ăn sáng. Trên đường đi hãy ghé quán Bà Năm (ở thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn) để thưởng thức món bánh xèo tôm nhảy. Là một “thương hiệu” nổi tiếng ở Bình Định nhưng quán bánh xèo Bà Năm không treo biển hiệu nên bạn nhớ hỏi thăm người dân ven đường. Quán giản dị là thế dù một hay nhiều người ăn bao giờ cũng có 4 người phục vụ, phục vụ xong bàn này mới đến bàn khác. Cảm giác chờ đợi cũng làm tăng thêm vị ngon cho món ăn bởi khách ăn đến đâu bà Năm mới đúc bánh  đến đấy.

Đô thị Gò Bồi hình thành từ năm 1610, khi người Hoa đến đây lập phố buôn bán. Qua thời gian, Gò Bồi không còn như xưa nhưng bóng dáng đô thị cổ vẫn lẩn khuất đâu đó trên những mái ngói rêu phong, trong mỗi công trình xây dựng và cả lối sinh hoạt bình dị của mỗi người dân nơi đây.

Vùng đất này là nơi gắn liền với tuổi thơ của hai nhà thơ Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử. Khi ghé thăm nhà tưởng niệm Xuân Diệu (tại làng Tùng Giản, xã Phước Hòa), bạn sẽ được xem nhiều hiện vật gốc rất quý về nhà thơ như những tập thơ nổi tiếng, những bài tiểu luận, phê bình...

Tiếp đến bạn nên đi thăm tháp cổ Bình Lâm (thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa), một ngôi tháp do người Chăm xây dựng có kiến trúc được cho là xưa nhất ở Bình Định. Điểm đến tiếp theo của bạn là câu lạc bộ võ cổ truyền ở chùa Phước Long và sau đó là viếng mộ, tham quan nhà lưu niệm danh nhân Đào Tấn.

Sau khi thăm hầu hết các di tích ở Gò Bồi, trên đường về bạn đừng quên ghé thăm Tiểu chủng viện Lòng Sông (ở thôn Sanh Phương, xã Phước Sơn).

Đây là một tu viện được xây dựng gần 200 năm trước, có kiến trúc Gothic trầm mặc, cổ kính nằm giữa vùng quê sông nước và ruộng đồng mênh mông. Phần chính diện của nhà thờ được trang trí bằng những ô đối xứng, các hoạ tiết trang trí và cổng vòm nhọn quen thuộc trong lối xây dựng kiến trúc thánh đường này. Nằm đối xứng với thánh đường là hai toà nhà xưa kia dành cho các tu sinh, được xây dựng mang đặc trưng kiến trúc kiểu Pháp.

Và cuối cùng, nếu bạn xây dựng cho mình và bạn bè một tour du lịch tại Gò Bồi thì đừng bỏ qua các món ăn truyền thống của vùng quê này như nem Chợ Huyện, bánh hỏi, bánh ít lá gai, các món cá đồng…

Du lịch, GO! - Theo Anninh Thudo, Internet
Chúng tôi rời Hà Nội đi Đà Nẵng bằng chuyến xe khách đêm thứ sáu, một trong những cách di chuyển hợp lý và ít tốn kém nhất cho một chuyến đi bụi cuối tuần. Chiếc xe chạy qua đèo Hải Vân khi mặt trời đã thức giấc, biển Lăng Cô mềm mại với cát trắng và sóng trào dưới chân dãy núi xanh rợp cỏ cây.

< Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà.

Nắng dường như không còn gắt như hôm qua, gió cũng mơn man hơn vì chứa đầy hơi nước, không gian trở nên trong trẻo, tươi mát, cảnh vật mở ra mênh mang trước mắt. Và đây rồi thành phố trong núi, núi trong biển - Đà Nẵng đã đón chúng tôi nhẹ nhàng như thể quá đỗi thân quen tự thuở nào.

Đường ven biển Thanh Bình lộng gió, trời Đà Nẵng xanh như không thể xanh hơn, nắng vàng ươm như mật ngọt khiến bao mỏi mệt trong chuyến xe đêm như tan biến. Nhanh chóng vào khách sạn và thuê hai chiếc xe máy của mấy người dân chạy xe ôm đậu trước cửa nhà, cả nhóm bắt đầu chuyến du ngoạn khám phá Sơn Trà xanh, khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động thực vật phong phú thú vị mà một người bạn đã “chào mời” khi lên kế hoạch Đà Nẵng cuối tuần cho chúng tôi.

Sơn Trà là tên của bán đảo nổi tiếng ở thành phố Đà Nẵng, cùng với Hải Vân sơn ở phía bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía nam khép vòng cánh cung ôm lấy vịnh Đà Nẵng trong xanh như ngọc, có cảng nước sâu Tiên Sa nằm ngay dưới chân bờ tây của bán đảo.

Hướng ra biển Đông là mũi Đà Nẵng, vịnh Bãi Bắc và vịnh Bãi Nam hai bên, doi đất nối đất liền vào đảo nằm kẹp giữa một bên là sông Hàn, bên còn lại chính là biển Đông.

Bán đảo có diện tích chừng 60km², nơi rộng nhất đo theo chiều đông tây dài khoảng 13km, chiều nam bắc dài khoảng 5km. Cùng với cầu quay Sông Hàn ở giữa, cầu Nguyễn Văn Trỗi ở phía nam và sự xuất hiện của cây cầu Thuận Phước ở phía bắc, con đường đến với bán đảo Sơn Trà ngày trở nên thuận lợi và dễ dàng cho nhiều khách du lịch, những người tìm đến Sơn Trà để tận hưởng không khí của núi rừng hòa lẫn trong biển cả để ngắm một Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp và ấn tượng đến bất ngờ.

Sơn Trà có 3 ngọn núi, ngọn phía đông là hòn Nghê, phía tây là hòn Mỏ Diều, phía bắc là hòn Cổ Ngựa. Ngoài cửa biển còn có ngọn Ngự Hải, tương truyền Vua Lê Thánh Tông trong chuyến tuần du phương Nam từng ngự thuyền rồng nơi đây. Bán đảo Sơn Trà là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quý hiếm.

Con đường mòn chạy vòng quanh bán đảo Sơn Trà có lúc bám men theo bờ biển, lúc xuyên qua những tán lá rừng rậm rạp, lúc lại vắt vẻo băng mình qua đỉnh núi, hay hờ hững treo vào vách đá như một dải lụa mềm.

Đường đã có từ rất lâu, chất lượng cũng không còn tốt, đá sạt từ trên núi xuống nằm ngổn ngang, đôi chỗ cây rừng dại bò lan che khuất cả bề mặt. Dưới sự hướng dẫn của cô bạn vốn là người sống và làm việc tại Đà Nẵng khá lâu, lại đã không ít lần trekking qua khu bảo tồn Sơn Trà để nghiên cứu về hệ động thực vật của chốn này, chúng tôi quả thật đã rất may mắn.

Dừng chân ở một vọng cảnh đài xinh đẹp nằm cheo leo trên vách đá, phía trên là những quả bóng khổng lồ màu trắng không biết được xây dựng từ khi nào và với mục đích gì, cách sân bay quân sự cũ của Pháp không đầy 2,5km, chúng tôi thu vào tầm mắt toàn cảnh vịnh Đà Nẵng và phía bắc thành phố, xa xa là dãy Bà Nà chập chùng ẩn hiện trong mây.

< Cả thành phố Đà Nẳng rõ mồn một...

Cây cầu treo dây văng Thuận Phước dài hơn 5km nối bán đảo với quận Hải Châu trở nên nhỏ xíu như trong chuyện cổ tích, sự phồn thịnh của thành phố hiện lên dưới những mái nhà cao tầng lô nhô, dòng sông Hàn lặng lẽ chảy chia thành phố làm hai nửa, hai phần đông tây mới ngày nào là hai nửa cách xa giờ đây những cây cầu đã nối chúng hòa vào làm một.

Vòng quanh chân bán đảo Sơn Trà là những bãi tắm rất đẹp và hoang sơ, gần như chưa hề được khai thác du lịch. Bãi Bắc giờ bắt đầu xuất hiện những công trình lấp ló dưới tán cây rừng.

Phía nam có bãi Rạng, bãi Bụt, bãi Bàng, bãi U… và rất nhiều bãi biển nhỏ chưa được đặt tên, rất thú vị cho những nhóm ưa khám phá và cắm trại mùa hè. Một số bãi thậm chí chỉ có thể tiếp cận bằng đường biển do chưa có đường trên núi dắt xuống.

Màu xanh của cây rừng, màu xanh của biển, màu xanh của bầu trời hòa trộn với màu vàng của nắng, màu trắng của cát tạo thành những bức tranh thiên nhiên tươi mát và vô cùng hấp dẫn.

< Con đường của cây và hoa.

Người dẫn đường của chúng tôi chỉ xuyên qua khu rừng với đám dây leo hoa trắng vào mùa nở rộ, kể về những chuyến công tác đầy hứng khởi với những cuộc gặp gỡ cùng lũ khỉ nghịch ngợm, những đóa hoa rừng xinh đẹp ẩn nấp đâu đấy với những buổi chiều hái sim tím hết đầu ngón tay, hay tiếng chim chóc ca vang ríu rít tưng bừng như buổi hòa âm tuyệt hảo…

< Từ Sơn Trà nhìn xuống chân núi, sẽ thấy những bãi cát đẹp đẽ, dân gian đồn rằng nơi đây có các tiên giáng trần.

Chúng tôi tiếp tục hành trình chạy xe trên con đường mòn quanh bán đảo, hít căng lồng ngực thứ không khí tự nhiên và đầy sức sống, thỉnh thoảng lại dừng chân để ngắm nhìn và đánh giá về một bãi tắm dưới chân núi, xa xa còn thấy cả mũi sư tử đầy kiêu hãnh.

Ghé vào bãi Bàng, một bãi tắm nhỏ có thể tiếp cận bằng đường bộ, cả nhóm thích thú bơi lội và đùa vui trong làn nước biển trong trẻo, lùa chân vào đám rong biển dày dặc hay nhảy nhót trên những viên đá cuội khổng lồ chạy dọc mép nước, phấn khích nghĩ đến kế hoạch chinh phục một bãi biển không tên của Sơn Trà vào ngày mai…

Ngao du Sơn Trà

Từ thành phố Đà Nẵng, nhìn về phía Đông Bắc, Bán đảo Sơn Trà ẩn hiện trong những đám mây trắng đục, cao ngất chìm khuất trong mây trời. Để cảm nhận sự hùng vĩ của núi non trùng điệp, sự lãng mạn phiêu bồng của mây núi hoà quyện và sự kỳ thú của thiên nhiên hoang dã của Sơn Trà, các tour du lịch khám phá rừng luôn hấp dẫn du khách.

Cây cầu dây võng Thuận Phước ngạo nghễ vắt ngang qua eo biển Đà Nẵng, nơi cuối sông đầu biển đã nối nhịp trung tâm thành phố sôi động với bán đảo Sơn Trà lắng đọng trong sự thanh bình. Cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm kéo dài đến tận chân mây hoà quyện với màu xanh ngọc bích của nước biển Đông bao bọc xung quanh giờ đây đã nằm trong lòng thành phố, trở thành mái nhà xanh làm dịu mát nhịp sống sôi động, hối hả của một thành phố trẻ, năng động.

< Non nước Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà như nàng công chúa được đánh thức sau giấc ngủ dài xuyên thế kỷ, bừng dậy với vẻ đẹp lộng lẫy đầy sức quyến rũ. Những đỉnh núi cao chập chùng lãng đãng mây phủ, những đồi sim đan kín hai bên lối đi và cả thành phố như tấm bản đồ sống động mở ra trước mắt là những gì du khách sẽ được chiêm ngưỡng khi đến với Sơn Trà.

Từ trung tâm thành phố, chỉ mất 10 phút chạy xe máy, chúng tôi đã đặt chân lên Bán đảo.

< Lên đỉnh Bàn Cờ.

Con đường chạy theo lưng chừng triền núi được trãi nhựa phẳng lỳ, hai bên đường rợp bóng cây.

Và mọi ồn ào, náo nhiệt của thành phố đã lùi lại phía sau trả lại đây không gian tĩnh lặng, trong lành, chỉ còn lại tiếng gió đuổi nhau trên những tán cây, tiếng chim hót véo von và tiếng suối chảy róc rách hoà cùng nhau tạo thành bản tình ca trong trẻo của núi rừng. Càng lên cao, không khí càng trong lành, mát dịu.

< Trạm Rađa 29.

Chúng tôi chọn Trạm Rađa 29 của Quân chủng phòng không Không quân Việt Nam làm nơi dừng chân đầu tiên. Nơi đây có độ cao 621m so với mực nước biển, do Mỹ xây dựng từ năm 1965, từng được mệnh danh là cặp mắt thần Đông Dương. Đứng tại chân trạm chúng tôi mới tin rằng mình đã thực sự chinh phục đỉnh Sơn Trà, nơi mà trước đây khi khi đứng ở thành phố, nhìn về bán đảo thấy những quả cầu trắng nhô trên đỉnh đồi chỉ ước một lần được đặt chân đến.

< Lên đỉnh Sơn Trà.

Mở ra trước mắt chúng tôi là cả thành phố rộng lớn: biển cả, sông Hàn, những con đường ngược xuôi, những toà nhà cao vút hiện ra rõ mồn một, thành phố Đà Nẵng tuyệt đẹp được thu gọn trong một tầm nhìn.

Rời trạm Rađa, chúng tôi đến tiểu khu 621. Dừng xe lại ven đường để đi bộ khám phá rừng già Sơn Trà. Đặt chân trên những thảm lá khô ẩm ướt, chúng tôi lội rừng trong cảm giác thích thú, ngắm những loại nấm dại đủ màu sắc mọc ven đường mòn, những chú cua núi mang màu sắc lạ mắt với thân đỏ chân đà bò hiền lành ven dòng suối cát.

< Cù Lao Chàm nhìn từ bán đảo Sơn Trà (ở góc này Cù Lao Chàm thật gần)

Dòng suối cát, chúng tôi tạm gọi như vậy khi thấy một dòng cát chảy dài dọc theo đường mòn, chỉ toàn là cát vàng, không lẫn bất cứ tạp chất nào khác trong khi xung quanh là đất, đá và lá khô.

Càng đi sâu vào rừng già, thảm thực vật càng phong phú. Những tảng đá to phủ kín cây dây leo nở hoa tím biếc, những cây sơn tuế ( có nguồn gốc Malaysia) đang bung những chồi non mượt mà, những cây chò cao vút thân to 3 người ôm không xuể sừng sững nối tiếp nhau.

Và voọc chà vá chân nâu, loài thú quý hiếm đang chuyền cành tìm thức ăn trên đầu chúng tôi. Chỉ 2 km đường rừng, chúng tôi đã khám phá ra bao điều kỳ thú của thiên nhiên.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi chinh phục những đỉnh cao ngất ngưỡng của Sơn Trà. Con đường dốc võng uốn lượn giữa bạt ngàn cây xanh mở ra trước mắt những đỉnh đồi nối tiếp nhau trùng điệp. Càng lên cao mây càng dày đặt. Cả đoàn người chìm lấp trong mây, mây bảng lảng, vấn vít lấy chân người.

< Tiên ông trên đỉnh Bàn Cờ.

Nhưng cũng thật lạ, mây ùn đến rồi tản đi rất nhanh, chỉ trong chốc lát bầu trời trở lại trong veo. Và chúng tôi đi trên cung đường xanh thẫm của sim, những rặng sim đang vào mùa cho quả, trái trĩu cành đan vào nhau tạo nên một đoạn đường rợp bóng sim.

Rải rác ven đường, những chủ khỉ, sóc, chồn thảnh thơi ngồi sưởi nắng. Sau khi lên đến đỉnh cao 650 của Đỉnh bàn Cờ, xe bắt đầu đổ dốc. Mở ra trước mắt là biển cả mênh mông, bên này là Bãi Bắc có bờ cát phẳng vàng ươm, yên sóng như mặt hồ, bên này là Bãi Nam mặt biển phẳng lặng, xanh thẫm như thảo nguyên bao la. Con đường trãi nhựa thênh thang làm ranh giới giữa một bên là biển rộng, một bên là rừng cao đã nối nhịp giữa sườn Đông và sươn Tây, đưa Sơn Trà gần hơn trong hành trình về với thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Theo trang thông tin điện tử Đà Nẵng, Csg.Danang, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống