Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 3 December 2011

Hạn Khuống là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo của người Thái đen vùng Mường Lò. Hạn Khuống thường được tổ chức sau thu hoạch mùa vụ, giữa tiết trời thu đông với hình thức ca nhạc quần chúng.

Hạn Khuống có nghĩa là cái sàn sân dựng ngoài trời ở giữa bản, sân hình vuông cao chừng 1,5m, rộng 0,6m và dài 5m. Xung quanh sàn có lan can, trang trí hoa văn. Giữa sàn dựng cây nêu là một cây tre to, dài, để lại cả phần ngọn và được trang trí các con giống đủ màu, 4 cây nhỏ dựng ở 4 góc sàn biểu hiện của 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc, cây ở giữa biểu tượng trụ của đỉnh trời.

Hạn Khuống do các cô gái trong một bản chưa chồng đứng ra tổ chức, có sự cố vấn của người già trong bản. Khi nghe Hạn Khuống mở, các chàng trai xa, gần kéo đến và phải qua nhiều cuộc thử tài mới được các cô gái nhận vào tham dự hội.

Các cô chủ Hạn Khuống đặt xa, kéo bông, rút thang đặt bên bếp lửa, kéo sợi dăng ngang lối lên xuống, các chàng trai muốn được lên sàn hoa phải thắng trong cuộc hát đối với các cô gái trên sàn. Bởi vậy các chàng trai lựa chọn, cử ra những người hát giỏi nhất.

Đây là lời của chàng trai ở bản khác tới:

Anh từ bản xa nhìn thấy lửa
Nhìn thấy bóng áo chàm của em
Nhìn thấy má hồng muốn hỏi thăm
Nhìn thấy “sàn hoa” muốn đến chơi

Lời hát ý nhị nhưng không kém phần bạo dạn, cô gái hát đáp lại:

Anh từ nơi nào tới
Rau ai mà lạc vườn này
Chồng ai mà lạc vào phòng phượng loan?
Tuổi xuân, tình yêu, các cô gái thả hồn mơ mộng:
Đêm trăng sáng
Tâm hồn em như muốn phiêu diêu
Chơi tha thẩn bên bờ cát trắng
Bờ cát trắng lấp lánh ánh trăng
Chờ tiếng pí anh
Luồn qua sương, luồn qua chân núi
Đến với em trong ánh trăng ngời ngời

Hình tượng thơ trong trẻo, sâu sắc mà đượm tình xuất xứ từ tâm thức tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước, coi trọng nước và cá là món ăn quý đãi khách và là đồ dẫn cưới không thể thiếu.

Cứ như vậy, cuộc đối đáp mỗi lúc một say sưa, có lúc toàn thể người xem cùng cất tiếng hò hưởng ứng sôi động cả trời đêm. Khi các cô gái nhượng bộ bắc thang cho các chàng trai lên sàn hoa, các chàng trai lại phải hát tiếp để được mời ngồi, mời nước, mời thuốc… Đôi nào ưng ý hẹn đến mùa xuân cùng đi ném còn.

Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày, với nhiều hình thức vui chơi, giải trí khác như tung còn, múa sạp, múa nón, múa khăn, múa chén… kết hợp với hát đối ứng tác và có sự phụ hoạ của cả đám đông, tối đến là sinh hoạt chủ yếu là hát giao duyên.

Hạn khuống chính là sân chơi của nam nữ chưa lập gia đình. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo đang được phục dựng, bảo tồn và phát triển trên vùng đất Mường lò, vùng quê tổ của tộc người Thái đen.


Sinh hoạt Hạn Khuống lành mạnh, công khai không tốn tiền, không phiền hà bố mẹ, anh em. Không ai phải ra lệnh, trai gái trong bản muốn có Hạn Khuống tự rủ nhau xây dựng lấy.

Là nét đẹp văn hóa, Hạn Khuống được coi là linh hồn của bản Mường, tượng trưng cho phồn vinh no ấm. “Hạn Khuống” thường sinh hoạt vào thu đông hay đầu xuân. Các chàng trai, cô gái công khai tìm hiểu nhau qua tài nghệ và lời ăn tiếng nói rồi kết tóc se duyên, xây dựng hạnh phúc gia đình.


Mỗi độ hoa ban đua nở trắng đất trời Tây Bắc là lúc xuân về, sàn diễn dân gian “Hạn Khuống” kết thúc để người dân bước vào vụ mới, song dư âm ngày hội khúc tình ca bay bổng bốn phương trời.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ web Yenbai, Dantoc va Phattrien cùng nhiều nguồn ảnh khác.

Friday, 2 December 2011

Rồi bọn mình cũng tới Mũi Nghinh Phong và tấp xe qua bên kia đường, suốt đoạn này là công viên. Đường xá thoáng rộng với lề đường lót gạch đá lớn thật phẳng phiu dưới hàng cây xanh thẳng tắp xào xạc trong gió.

Cảnh tượng nơi đây hoàn toàn khác hẳn 24 năm về trước: khi ấy bọn mình đến đây với đứa con nhỏ chỉ mới 3 tuổi.

< Gió rất mạnh, mạnh đến mức giữ thế để bấm một tấm ảnh cũng thật khó khăn...

Ngày ấy, đường khoảng này chỉ be bé chạy vòng từ bãi Trước qua Ô Quắm đến bãi Sau. Ngay Mũi đá là một nhà hàng nhỏ cửa đóng then cài. Còn phía trái: đoạn có con đường dốc cong cong rẽ trái đi lên là khu nhà nghỉ rất hoang sơ nhưng khá đẹp và tiện nghi - lúc ấy do hai người bạn cai quản...

< Đường rộng thênh thang, khá vắng trong ngày thường...

Cái thuở hồng hoang mà xe gắn máy vẫn còn là đồ "xa xỉ" (1987), bọn mình chỉ đơn thuần là bắt xe đò ra Vũng Tàu rồi bắt xe ôm lên Nghinh Phong. Tay xe ôm ma mãnh chỉ đưa bọn mình tới lửng lửng dốc rồi nói rằng: đến rồi, anh đi bộ lên tý nữa...

Nói là "tý nữa" nhưng thật ra thì mất đến gần nữa giờ làm bộ hành leo dốc với hai túi hành lý nặng trĩu, với đứa con bé bỏng mà bà xã dắt lẻo đẽo theo sau trong cái nắng kinh người...

< Biển bạc có lẽ không thay đổi, còn những thứ khác thì...

Ba đứa mồ hôi nhể nhại lếch thếch đi, chỉ được an ủi bằng tiếng sóng biển cùng cảnh vật hoang sơ, cuối cùng thì cũng đến được nơi phải đến. Mừng mừng vui vui với những cái bắt tay chào đón bè bạn phương xa. Hỏi thăm, thăm hỏi mọi thứ rồi bọn mình nhận phòng.

Giữa nơi hoang vắng mới biết ngoài hai người quản lý thì các cô tại đây toàn là "gái" cả. Tuy nhiên: cái cộng đồng bé nhỏ đó lại chan chứa tình người sau 3 ngày bọn mình nghỉ tại chốn đây - gái điếm chưa hẳn là xấu, lắm khi gái đẹp nhưng trong lòng lại "xấu" trăm bề.

< Bãi tắm Nghinh Phong ngày nay: mua vé nào...

Bé con mình được các cô cưng như trứng, còn khung cảnh chung quanh thì tuyệt vời đến không thể diễn tả được: sau nhà là núi, đây chính là đỉnh Tương Phùng (Tao Phùng, một trong hai đỉnh của Núi Nhỏ) với phía trên là tượng chúa Jesus dang tay như muốn chở che, đón nhận cả vùng biển của đất mẹ mênh mông.
Nhìn xuống phía dưới là bãi Ô Quắm (bãi tắm Nghinh Phong ngày nay) không một chút rác, không bóng người ngoài vài dáng dân chài đị phương kéo lưới bắt những con cá nhái có đầu nhọn hoắc vào buổi sớm mai. Muốn tắm thì cứ việc băng qua đường rồi xuống bãi, hòa người trong lòng biển trong xanh.

< Nhà hàng New Ô Quắm trên mũi đá.

Tài sản "đi đứng" của khu nhà nghỉ chỉ là chiếc xe đạp cũ - bạn đưa bọn mình mượn để đèo nhau xuống phố. Dạo mát, ăn vặt - mình còn nhớ đã mua một chai rượu trắng ở một cửa hàng thương nghiệp trên phố để khề khà dưới bãi cho vui.

Chừng về, đèo nhau lốc cốc lên dốc mới phê: gió ngược nên lưng không kịp đẫm mồ hôi. Tiếng sóng vổ ì ầm như thôi thúc mình guồng từng vòng đạp... rồi cũng đến cua rẽ lên nhà nghỉ ẩn hiện trong ánh sáng vàng vọt, leo lét của đèn đường - Mình ốm nhưng hồi ấy cũng khỏe thật!

< Gió thốc đến vặn cả người, lúc này cái kiếng mát móc trên cổ bay mất tiêu hồi nào cũng không hay...

Đỉnh có tượng Chúa lúc ấy chưa có thang lát đá như bây giờ nên lối lên là lối mòn bên kia núi. Mé núi hướng Đông là công trường khai thác đá, nơi mà bây giờ là bãi đổ xe.
Phía sau khu nhà có giếng nước trong vắt, cung cấp nước cho nhà nghỉ qua máy bơm. Kề cận là lối mòn cheo leo, nơi cha con mình hì hục nắm tay nhau trèo lên cao, thật cao đến mãi tận gần tương Chúa dang tay. Liều lĩnh thật khi kè kè kề bên là đứa con trai 3 tuổi...

< Xe chống tít đàng kia - dựng xe cũng phải xem hướng gió vì nếu ngược lại thì gió sẽ xô ngã liền. Bước chân đi cũng phải đố người về phía trước kẻo bị ngã! Như vậy mới xứng tên là mũi NGHINH PHONG!

Cuối cùng thì hai cha con cũng được đền đáp bằng khung cảnh trời biển bao la rộng hết tầm mắt, thằng bé khoái lắm, im thinh thít, mắt tròn xoe dõi mắt ngắm nhìn đất trời và những đợt sóng vỗ.
< Lên xe, bọn mình chạy xuống dốc rồi dừng lại ở bãi tắm tự do phía đầu bãi Sau - gió dưới này ít hơn...

Ngày nay: con đường lên tượng Chúa cũng là con đường vòng qua khu nhà nghỉ - Khu nhà nghỉ vẫn còn nhưng thay đổi hoàn toàn.

Ngày nay: muốn xuống bãi Ô Quắm, muốn ra mũi Nghinh Phong phải trá phí vì là nơi kinh doanh.
< Đảo nhỏ Hòn Bà phía ngoài kia. Gió mạnh khiến nước biển tung mịt mù vào đất liền như một màn sương. Về chắc chắn phải lau lại ống kính máy ảnh.

Nghinh Phong bây giờ được định nghĩa như sau:

Mũi Nghinh Phong nằm ở hướng cực nam Thành Phố Vũng Tàu, mũi nhô ra biển Đông trông như một chiếc đầu cá sấu khổng lồ. Quanh mũi có nhiều tảng đá lớn hình thù kỳ dị vô cùng lạ mắt, đây là nơi hẹn hò tuyệt vời cho những người thích câu cá và ưa mạo hiểm.

< Bãi tắm tự do - có lẽ nhờ phần đất từ đường đến mép biển không nhiều nên là vân là bãi tắm của cộng đồng. Quá 1km tình từ Nghinh Phong là bắt đầu tấp cập các KDL, nhà hàng sán sát y nhưng những điểm du lịch nóng khác.

Cạnh mũi là bãi tắm Vọng Nguyệt, trước kia còn gọi là bãi Ô Quắm. Bãi này hẹp nhưng nước rất sạch, sóng gió dồn dập với ba bề vách đá cheo leo vô cùng hùng vĩ.
Vọng Nguyệt có nghĩa là đón trăng. Những đêm vào mùa trăng mọc hay lúc hoàng hôn, biển ở đây sáng rực như được dát một lớp bạc óng ánh.

< Bọn mình lên xe trở về, cuối đường chính phải ngoặc trái vì đụng khu bãi tắm lớn nhất VT: khu du lịch Chí Linh. Ngày xưa nơi này là rừng Chí Linh bạt ngàn...

Bên tiếng sóng rì rào, trước mặt biển sáng bạc mênh mông, du khách sẽ có cảm giác cái mênh mông bao la của trời mây sóng nước, của vũ trụ vô cùng vô tận lâng lâng bay bổng trong tâm hồn.

Nước biển ở đây rất trong và sạch. Bờ biển ít thoải, sâu hơn các bãi tắm khác ở Vũng Tàu, phù hợp với những người thích cảm giác mạnh từ những ngọn sóng lớn. Không ồn ào, náo nhiệt như ở bãi Trước. Không thoáng đãng, dữ dội như ở bãi Sau.

< Trên đường 3 tháng 2 trở về, mình thấy một ngõ rẽ nên chạy vào - Ý định là tìm đường ra đồi Nhái.

Nếu có hứng thú leo núi, bạn có thể leo lên núi Nhỏ (Tao Phùng). Nơi đây có tượng Chúa Giêsu cao 32 mét, hai tay dang rộng hướng ra Thái Bình Dương, cao 176m so với mực nước biển. Hai cánh tay dài 18,4m như chào đón du khách đến các bãi biển đông người của khu nghỉ mát này.
< Gặp doanh trại QĐ có bảng "cấm chụp hình", rẽ trái vẫn là khu dân cư thưa thớt và "Làng du lịch Chí Linh".

Từ chân núi lên tới tượng Chúa bạn phải leo khoảng 800 bậc thang. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng vào loại bậc nhất tại Vũng Tàu và là một trong hai tượng Chúa lớn nhất thế giới (một tượng ở Brazil).
< Qua một đoạn dốc khá cao, cây xanh mọc kín hai bên...

Bãi Vọng Nguyệt không dài nhưng đủ để đi vào tiềm thức của người dân Vũng Tàu qua bao thế hệ bởi sự nên thơ, kỳ bí. Nhất là khi đứng từ tượng Chúa Kitô trên đỉnh Tao Phùng nhìn xuống: du khách sẽ có cảm giác biển ở đây xanh hơn những nơi khác, lộng gió và mát mẻ lạ thường.
< Rồi gặp các ngã 3, ngã 4 tùm lum. Đây chắc chắn không phải đường vào đồi Nhái rồi vì mình đã xem sơ qua trên bản đồ vệ tinh...

Nghinh Phong vẫn còn đó dù đổi thay hoàn toàn, chỉ duy nhất còn nguyên vẹn như ngày cũ - Một ngày xưa ấy... ở trong lòng người lữ khách viễn du một thời xa vắng...
< Nhưng không phải cũng chạy loanh quanh một tý - ở đâu cũng cũng có cái thú riêng...
< Cuối cùng thì mình trở ra đường 3 Tháng 2, ngã rẽ vào đồi Nhái chắc khúc trên kia.
< Và đây rồi: khoảng đường đất dài tít tắp với phía bên trái là hồ nước rộng. Mình chạy thẳng vào.
< Chỉ hàng cột điện là có dáng dấp mùi vị tân thời một tý, còn chung quanh thật tuyệt...
< Dốc lên đồi, một trong những ngọn đồi tại khu đồi Nhái.

Ngày xưa nơi này chỉ toàn là rừng dươngvới đồi cát, không người ở. Bay giờ thì có thôn làng nhưng thưa nhà: một sự hiếm hoi giữa lòng thành phố biển đang phát triển thật nóng - Một ốc đảo giữa bạt ngàn khu du lịch...
< Thông tin trên mạng về đồi Nhái không có gì ngoài chuyện "Xẻ thịt đồi Nhái lấy cát" ảnh hưởng rất lớn đến việc xâm thực của biển và tác động xấu đến môi trường - Chuyện bọn xấu ra tòa vì cướp của, còn dám cưỡng bức thiếu nữ tại đây...

"Xấu" xẩy ra là do con người - đất chả có nơi nào tự mang tiếng xấu cả.
< Bà xã thích đi bộ nên mình chạy trước.

Chả to gan lớn bụng gì nhưng bọn mình vẫn vậy, thích chốn thiên nhiên hoang vắng - thích đi nơi mà chả mấy ai đi: Đất sợ người chừ hà cớ gì người sợ đất nhỉ?

Mình nghỉ là cuối đường sẽ đến biển, để rồi xem sao nào...

Còn tiếp

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần cuối

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh An Giang đã quyết định đưa môn đua bò vào nội dung của Ngày hội thể thao văn hóa và du lịch vùng đồng bào Khơ-me Nam bộ lần 5 diễn ra trong 4 ngày (1-4/12) tại tỉnh An Giang. Vì vậy, cuộc thi năm nay trở nên hào hứng và kịch tính hơn các năm trước.

Háo hức chờ ngày hội

Người Khơ-me sống rải rác tại nhiều tỉnh thành tại Nam bộ nhưng môn đua bò chỉ hiện diện tại vùng Bảy Núi thuộc tỉnh An Giang. Theo người địa phương, các chùa Khơ-me trong khu vực này sở hữu nhiều ruộng đất nên các sư sãi thường thuê người dân trong việc đồng áng. Sau mùa thu hoạch, họ tổ chức cuộc đua bò nhằm khuyến khích người nông dân chú ý chăm sóc bò tốt, bò khỏe cho những mùa vụ bội thu. Bên cạnh đó, hoạt động này cũng nhằm tri ân những người đã khuất, vì vậy, nó được tổ chức vào lễ Dolta nhằm tháng 8 âm lịch hằng năm (riêng năm 2011, lễ hội được dời sang tháng 12 vì sự kiện tỉnh An Giang tổ chức Ngày hội thể thao văn hóa đồng bào Khơ-Me vùng Nam Bộ).

Ban đầu, cuộc đua chỉ diễn ra trong giới hạn của mỗi chùa. Dần dần các chùa lớn tuyển chọn những cặp bò hay để thi đấu với nhau. Đến năm 1991, nhận thấy đây là một hoạt động mang đậm giá trị văn hóa và tinh thần thể thao, chính quyền tỉnh đã tổ chức cuộc đua luân phiên với quy mô lớn tại chùa Ta-Miệt xã Lương Phi, huyện Tri Tôn và chùa Thơ-Mít ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên.

Kể từ đó, hoạt động này thực sự trở thành một ngày hội lớn không chỉ của người Khơ-me mà còn hấp dẫn cả người Kinh, Hoa tại vùng Bảy Núi.

Châu Cóp, một nài có hơn 20 năm kinh nghiệm đua bò, cho biết: "Cứ gần đến ngày đua bò là tôi cảm thấy nôn nao. Không khí náo nhiệt của trường đua thực sự cho tôi một cảm xúc háo hức rất khó tả. Chúng tôi tham gia cuộc thi không phải chỉ để thi thố tài năng mà còn mang niềm vui đến cho bà con”.

Khi ngày đua đến, khuôn viên của chùa trở thành một hội chợ tấp nập việc bán mua từ thức ăn đến đồ chơi, quần áo, điện thoại di động. Còn sân sau của chùa, một miếng ruộng rộng ngang với một sân bóng đá biến thành trường đua của các tay nài nông dân.

Từ lúc tinh mơ khán giả từ nhiều nơi trong vùng Bảy Núi đã lác đác có mặt. Trước khi cuộc thi chính thức bắt đầu, khoảng 8h, đấu trường đã không còn một chỗ trống. Lúc này, cứ mỗi lần có một tay nài bứt phá, trong đám đông khán giả sẽ vang lên tiếng cổ vũ tán thưởng vang dội cả một góc trời.

Ông Võ Văn Buôn, một khán giả chia sẻ: “Tôi theo dõi đua bò đã hơn 15 năm nay. Xem riết rồi ghiền. Cho dù có lỡ đi đâu xa thì cũng tranh thủ về đây đúng ngày. Tôi không biết ngựa đua hấp dẫn ra sao chứ tôi mê nhất là cú nước rút rất đẹp của các chú bò trong vòng hô, khoảng 100m khi đến đích”.

Mở rộng quy mô

Theo thời gian, trong số các tay nài tham gia cuộc đua xuất hiện các nông dân người Kinh. Thế nên lễ hội đua bò đã trở thành một ngày hội của các dân tộc anh em trong vùng Bảy Núi, trở thành sợi dây kết nối tinh thần đoàn kết các dân tộc. Vì vậy, năm nay, ban tổ chức đã nâng chất cho cuộc thi bằng cách tăng số lượng bò dự thi, nâng giá trị giải thưởng và gia tăng sự quảng bá thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Theo ban tổ chức, số lượng khán giả dự khán năm nay ước tính khoảng 20 ngàn người, nhiều gấp đôi so với các năm trước. Đặc biệt, trong số đó có nhiều người đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, trong đó có cả du khách nước ngoài. Như vậy, bên cạnh ý nghĩa chính trị môn đua bò cũng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch tỉnh An Giang.

Ông Âu Xuân Đôn, Phó ban tổ chức lễ hội cho biết :”Từ thành công trong năm nay chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để lễ hội trở nên sôi động hơn. Qua đó, từng bước đưa lễ hội thành một sự kiện chung của tất cả mọi người chứ không gói gọn trong cộng đồng địa phương”.

Nội dung cuộc thi:

Năm trước các đôi bò đi ba vòng hô và một vòng thả thì nay ban tổ chức quyết định cho các đôi bò thi một vòng hô và một vòng thả chứ không.

Vòng hô được xem là vòng để các đôi bò thăm dò nhau, còn vòng thả là cuộc đua tốc độ trong khoảng 100m.

Kết quả cuộc thi năm nay:

Đôi bò của nài Nguyễn Văn Lâm xã Vĩnh Gia huyện Tri Tôn đoạt giải nhất với giá trị giải thưởng 10 triệu đồng, 1 xa wave Honda 100.

Đôi bò của nài Trần Văn Cát xã Vĩnh Trung huyện Tịnh Biên đoạt giải nhì với 8 triệu đồng và một tivi.

Đôi bò của nài Chaul Sanl đoạt giải ba với giá trị giải thưởng 6 triệu đồng va một đầu DVD.

Du lịch, GO! - Theo Datviet, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống