Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 6 December 2011

Năm nay lũ lớn, cá heo sinh sôi nhiều vô kể. Hừng sáng, đến chợ “âm phủ” ngay đầu cầu kênh Tha La đã thấy ngư dân chuyển cá về bán nườm nượp, trong đó cá heo cũng được bày bán nhiều hơn so với mọi năm. Nếu như ở chợ Long Xuyên, bạn hàng bán cá heo còn sống với giá từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng/kg thì tại chợ “âm phủ” giá chỉ 50.000-60.000 đồng/kg.

Cá heo nước ngọt thường xuất hiện vào mùa nước nổi (khoảng tháng 7 đến tháng 11 âm lịch) ở những nơi nước chảy mạnh. Cá mình giẹp, to nhất cỡ 3 ngón tay người lớn, dài độ chừng 1 tấc, màu xanh nhạt, da láng, không vảy. Đuôi, vây, kỳ cá màu đỏ cam rất đẹp. Sở dĩ cá có tên gọi như thế vì khi lặn dưới nước, hoặc đem cá lên bờ, ta nghe phát ra âm thanh lục ục… èng ẹc.

Hôm ghé chợ “âm phủ” vào tờ mờ sáng, gặp anh Nguyễn Văn Lượng, ngụ xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) đang tát nước đục để bắt cá heo. Chúng tôi đứng xem anh Lượng cân cá heo cho bạn hàng còn thấy mê, huống hồ tận mắt xem anh đi đổ lọp. Hôm sau, đúng hẹn tại đầu kênh Tha La, chúng tôi cùng cha con anh Lượng bắt đầu một chuyến hành trình đi đổ lọp cá heo đêm tại cánh đồng Tịnh Biên.
Bơi đến đoạn nước chảy mạnh, xuồng của anh Lượng và xuồng của ông Nguyễn Văn Tòng (Năm Tòng) chia nhau ra tìm chỗ để đặt. Theo xuồng anh Nguyễn Văn Lượng đến đoạn kênh Tha La, ở đó có những chiếc lọp đã được đặt sẵn từ đêm hôm trước.

Để định vị cho những cái lọp trong quá trình đi thăm không bị lạc mất, anh Lượng cột một chiếc phao. Khi đi thăm lọp chỉ cần nắm chiếc phao rồi phân dây kéo chiếc lọp lên. Ban đầu tôi cứ tưởng, cá heo chạy mỗi chiếc lọp chỉ vài con, nào ngờ khi anh Lượng kéo chiếc lọp lên đã thấy khoảng nửa ký cá heo.


Thấy cá heo chạy, anh Lượng mừng ra mặt: “Tối nay, cá chạy kiểu này chắc đầy khoang xuồng. Mỗi đêm, tôi đặt đến 50 cái lọp khắp cánh đồng. Đặt cá heo cũng dễ nhưng quan trọng phải có mồi.

Cá heo mê nhất là mồi gạch cua, mỗi lần thăm lọp xong, mình phải tét đôi khoảng 5 con cua cho vào cái lọp. Nhưng bí quyết đặt lọp cá heo trúng hay thất còn tùy thuộc vào việc chọn chỗ và xoay đít hom lọp theo hướng phù hợp thì lọp mới chạy cá…”.

Đặt cá heo trên đồng lũ

Theo nghề đặt lọp cá heo trên 20 năm nên ông Năm Tòng biết rất rành về cái nghề của mình. Ông cho biết: “Hồi đó cá heo nhiều vô kể, dân nghèo chủ yếu đánh bắt bằng chài, lưới. Mấy năm gần đây, nhiều người đã dùng xung điện đánh bắt theo kiểu tận diệt dẫn đến nguồn cá giảm dần, mặt cá heo cũng ít đi.

Có năm, cá heo mất dạng, đặt lọp không chạy đành phải treo lọp mãn mùa nước. Nhưng năm nay, cá heo xuất hiện khả quan hơn. Thông thường cá heo thích trú ngụ tại những nơi nước chảy xiết. Đặc biệt tại đoạn kênh Tha La, Trà Sư nước chảy cuồn cuộn nên cá heo ở nhiều.

Khi đặt phải nhìn con nước chảy về hướng nào thì xoay đít hom xuôi chiều theo hướng đó. Nếu xoay đít hom ngược dòng nước chảy thì không có một con làm thuốc. Bởi lẽ, chỗ nước chảy xiết, cá heo từ đồng bắt nước mát lội ngược dòng về sông. Khi gặp “mồi bén” trong lọp, cá heo chui vào ăn thì bị dính lại…”.

Ông Năm Tòng còn cho biết thêm, từ đầu con nước giựt đến nay, mỗi ngày đặt khoảng 60 cái lọp tại tuyến kênh Trà Sư dính khoảng 10kg/ngày, cá biệt có đêm chạy đến 20kg. Riêng thằng con trai đặt 40 cái lọp tại kênh Tha La cũng dính khoảng chục ký/đêm. Bạn hàng chợ Châu Đốc cân với giá 60.000 đồng/kg, bỏ sở hụi kiếm cũng được vài trăm ngàn/ngày nên gia đình Năm Tòng có thu nhập ổn định.

Vài năm trở lại đây, do nguồn cá heo ngoài thiên nhiên bị cạn kiệt, nhiều hộ dân ở vùng đầu nguồn An Phú, Châu Đốc, Tân Châu còn đẩy mạnh mô hình nuôi cá heo trong lồng bè đem lại hiệu quả cao. Biết được gia đình Năm Tòng chuyên sống bằng nghề đặt lọp cá heo trong mùa nước nổi nên các hộ này đã tìm đến đặt mua cá heo giống.

Ngoài bán cá heo ở chợ, Năm Tòng còn lựa lại những con cá heo bằng đầu ngón tay để cân cho các hộ nuôi cá heo, mỗi ký 120.000 đồng. Năm Tòng bày tỏ: “Nuôi cá heo là hay lắm, một mặt đem lại lợi nhuận kinh tế cao, mặt khác bảo tồn gen quý hiếm trong tự nhiên. Năm nào, mấy ông nông dân ở vùng đầu nguồn cũng tìm đến tận gia đình tôi để mua cá heo giống. Loại cá này thích ăn tạp nên cũng dễ nuôi. Ngoài ra, tôi còn bán cá heo con cho các trung tâm giống thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL…”.
Lâu lắm rồi, ngư dân đi đặt lọp cá heo mới chạy nhiều như năm nay. Loại cá này, thịt rất thơm ngon và ngon nhất là khi chế biến thành món cá heo kho tiêu hoặc nấu canh chua ăn với cơm trong những tháng gió bấc thì còn gì bằng!

Du lịch, GO! - Theo An Giang Online, internet


Thưởng thức cá heo

Không phải những chú cá heo tốt bụng của biển khơi mà là giống cá sông ở vùng sông Hậu có tiếng kêu eng éc nên được đạt là "cá heo".
Đây là loài cá sông, giống cá chép, thường thấy ở vùng sông Hậu. Cá mình dẹp, chỉ bằng 3 ngón tay người lớn, dài chừng 10cm, màu xanh đen, đuôi màu đỏ cam rất đẹp. Chúng kêu éc éc giống tiếng heo kêu nên người dân lưu vực sông Hậu đặt tên chúng là "cá heo".

Từ vùng hạ lưu sông Hậu ngược lên đầu nguồn, cá heo loại này to hơn một chút, lớn từ hai đến ba ngón tay. Vùng đầu nguồn, cá thường xuất hiện vào mùa nước nổi, khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 âm. Cá thích sống ở vùng nước chảy mạnh. Để bắt cá, người ta thường dùng ống tre dài đục nhiều lỗ cắm xuống mặt bùn bờ sông hoặc bằng cách đặt lọp, dớn, hoặc giăng lưới...

Cá heo sông Hậu là món ngon của vùng thượng nguồn, chỉ nướng cũng ngon. Món cá heo này mới xuất hiện trong thực đơn ở một số nhà hàng lớn tại thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc của tỉnh An Giang. Số lượng cá heo được chế biến thành thực phẩm ở địa phương này rất phong phú.

Cá heo được chế biến thành bốn món. Giản dị nhất là cá heo nướng. Bếp than với cái vỉ nhôm được đặt trên mặt bàn. Những con cá heo tươi xanh được xếp thứ tự trên vỉ nhôm dưới sức nóng của than củi. Trở mặt cá, trong chốc lát cá vàng ruộm, tỏa mùi thơm nức. Cá được gắp ra chấm vào chén cơm mẻ dầm ớt xanh, ăn kèm với rau thơm các loại, xà lách, dưa leo, dứa, chuối chát. Thịt cá ngọt được điểm thêm vị cay của ớt thật lạ miệng.

Cầu kỳ hơn là cá heo kho thố (loại nồi đất nhỏ). Món ăn có vị cay của tiêu bột, vị ngọt của thịt cá, vị béo của mỡ heo, vị mặn, ngọt của muối, nước mắm, đường hòa nhau trở thành thứ hương vị độc đáo. Món này phải ăn với cơm mới hợp.

Lẩu cơm mẻ cá heo (cá heo với mẻ) cũng là món vừa để ăn cơm vừa để nhậu lai rai khi có bạn bè. Món này ăn kèm với rau là bông điên điển. Vị cá ngọt, vị giòn của bông điên điển hòa trong vị chua của mẻ sẽ làm ta cảm thấy thú vị.

Cá heo kho lạt với me non đầu mùa lại hợp với bông điên điển bóp nhẹ với giấm. Đây cũng vừa là món ăn với cơm vừa là món nhậu hấp dẫn cho bạn.

Món nào cũng sẽ khiến bạn ngạc nhiên bởi xương và đầu cá giòn, mềm trong, vị đắng nhẹ của mật và ruột cá heo là lạ trên đầu lưỡi vì khi chế biến thành thức ăn người ta chỉ rửa sạch cá, không moi bỏ ruột.

Nếu bạn muốn thưởng thức món đặc sản mới này, bạn chỉ có thể tìm thấy tại các quán ăn ở Long Xuyên hay Châu Đốc có bán với giá khá bình dân. Cá heo ký: 180.000đ/kg, lẩu cơm mẻ cá heo: 60.000đ/nồi, cá heo kho thố 25.000đ/đĩa, cá heo nướng: 60.000đ/đĩa, cá heo kho lạt: 30.000đ/đĩa.

Du lịch, GO! - Theo tạp chí CIAO
Long Hải được nhiều người biết đến không chỉ là bãi tắm đẹp của huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mà nơi đây từ bao đời nay nổi tiếng nghề thủ công làm thúng đi biển.

Thị trấn Long Hải thuộc huyện Long Điền là một làng chài nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu với nghề câu mực. Khi chưa có làng thúng, mỗi khi cần thúng mới hoặc sửa chữa thúng cũ, ngư dân phải lặn lội ra tận các tỉnh miền Trung rước thợ vào làm. Thấy bà con vất vả, lại có sẵn nghề làm thúng từ "đời cố cựu", ông Đoàn Văn Thát lặng lẽ mày mò tìm vật liệu làm thúng. Những chiếc thúng câu "Made in… Long Hải" đầu tiên xuất xưởng là một sự kiện đối với làng chài này, bởi từ đây ngư dân không còn phải đi xa tìm thợ.

< Ông Đoàn Văn Thát, người lập nên làng thúng Long Hải.

Thúng đi biển Long Hải có mặt hầu như dọc từ Phan Thiết vào đến Cà Mau. Những hộ gia đình làm thúng mua tre già ở địa phương và Đồng Nai với giá 12-16 ngàn đồng/cây. Tre mua về được chẻ đều, vót lại và đan thành miếng rồi lận tròn. Sau khi đã nên hình thành dạng, thúng được quết phân bò và dầu chai, phơi hai nắng thì có thể sử dụng được. Thúng đường kính 1,6m phải dùng hết 5 cây tre và 5 ngày công, được bán với giá 300.000 đồng.

Hơn hai mươi năm trôi qua, làng thúng Long Hải hiện có khoảng 12 hộ sống chính bằng nghề, hơn 2/3 trong số này là con cháu trong gia đình ông Thát. Anh Đoàn Văn Vượng (30 tuổi), con trai thứ của ông Thát, theo cha làm nghề đan thúng từ khi còn để chỏm đến nay cho biết:

Những năm trước nguồn nguyên liệu làm thúng dồi dào, chỉ cần qua vùng An Ngãi - Long Điền đã có thể mua được tre tốt. Nay phải đi tận Long Khánh, thậm chí lên tới La Ngà (Đồng Nai) mới tìm được tre đạt yêu cầu. Trung bình hai ngày cơ sở anh Vượng hoàn tất một chiếc thúng, từ khâu ra nan đến thành phẩm mất khoảng 12 công đoạn với 4 người làm. Các cơ sở đan thúng của em gái anh Vượng là Đoàn Thị Mạnh và Đoàn Thị Khầm v.v… nằm sát bên cũng vậy, mặc dù có khó khăn nhưng thúng làm đến đâu bán hết tới đó.

< Khách tham quan xem thuyền thúng của ngư dân Việt Nam.

Anh Đoàn Văn Vựng, chủ cơ sở làm thúng thị trấn Long Hải, cho biết: Với 50 lao động, ở đây mỗi ngày cung cấp 5-10 thúng cho khách xa gần. Một cái thúng khi hoàn thành yêu cầu phải đúng kích thước, nước không vào và có thể xài được 1 năm. Mức thu nhập bình quân 30-40 ngàn đồng/ngày của người làm thúng đã giúp hàng chục hộ gia đình ven biển thoát khỏi đói nghèo...”.

Ngoài việc ngư dân đặt thúng đi biển, các doanh nghiệp cũng đã tìm vào tận nơi đặt làm thúng để mang về dựng tiểu cảnh, trang trí cho khu du lịch.

Du lịch, GO! - Tổng hợp
Tôi lại về miền Viễn Sơn, Xuân Tầm, huyện Văn Yên, Yên Bái, thăm lại bà con dân tộc Dao đỏ. Đến bản Khe Lép bà con mừng rỡ bảo: "Mày về đúng dịp lắm! Bản Dao đang hội tưng bừng đấy!". Tôi hỏi hội gì, có người nói thằng Tòn Dạng và con Lưu nó cưới nhau, mời cả bản, mà ở đây mỗi một khi có đám cưới là cả bản như có hội...

< Bộ trang sức của cô dâu Bàn Thị Lưu hiện có giá từ 60 - 70 triệu đồng.

Vậy là tôi theo chân bà con dân tộc Dao đỏ ăn mừng "lễ hội". Đã có nhiều điều khiến tôi không khỏi bất ngờ và thú vị.

Một bộ quần áo có giá 60 - 70 triệu đồng

Cô dâu Bàn Thị Lưu đi qua con suối nhỏ vắt ngang đường, đám thanh niên trong bản ùa ra xem, đám trẻ con cũng tung tăng bám theo các bà các mẹ ra đầu con suối nhìn cô dâu mà trầm trồ khen ngợi.

< Mỗi đám cưới ở bản Dao là một ngày hội lớn.

Người thì xinh quá! Người thì dễ thương quá!... Riêng đám con trai choai choai thì xoắn xuýt bàn tán rằng, bộ trang phục mà cô dâu đang đeo ít nhất cũng phải tầm 40 triệu đồng, có khi còn hơn ấy chứ. Tôi tò mò hỏi: Sao có mỗi bộ trang phục mà đắt thế? Một người dân nói: đắt là ở cái bộ bạc mà nó đang đeo ấy. Phong tục của dân tộc Dao chúng tao hễ đám cưới là phải có một bộ bạc, không có thì không phải là cưới.

< Cô dâu và chú rể người Dao đỏ trong ngày cưới.

Tôi liền chen chân cùng đám thanh niên bản vào xem. Cô dâu đeo tới năm chiếc vòng cổ lớn bằng bạc óng ánh. Ngoài năm chiếc vòng cổ còn có trên chục chuỗi bạc khác kết lại thành vòng, trên những chuỗi bạc này được gắn rất nhiều đồng bạc từ thời Pháp, những hình trang trí như hình cá chép, dao, kiếm... tất cả đều được đúc bằng bạc. Trên diềm mũ truyền thống của cô dâu cũng hoàn toàn được trang trí bằng những đồng bạc thời Pháp, trên tay cô dâu cũng phải đeo một đôi vòng bạc cổ.

Ông Triệu Văn Sinh, một người dân bản Khe Lép nói: Cách đây khoảng hai mươi năm, người dân muốn có một bộ vòng bạc phải đi đón thợ dưới xuôi lên, nuôi thợ trong nhà cả tháng mới làm xong. Một số nhà dân cũng có thể làm được bằng phương pháp thủ công, tuy nhiên chất lượng không tốt, vòng bạc không đẹp như của người dưới xuôi.

Tôi đem chuyện đồ trang sức bằng bạc của cô dâu hỏi anh Trần Anh Vũ, thợ làm bạc cho bà con dân tộc duy nhất còn sót lại ở Văn Yên. Anh Vũ cho biết: Thời điểm hiện tại, một bộ vòng bạc nếu làm theo đúng ý của bà con không phải là 40 triệu đồng mà phải 60 - 70 triệu đồng mới làm được.

Giá 1 lạng bạc có hàm lượng 60% bạc nguyên chất là 1,4 triệu đồng, nếu hàm lượng bạc nguyên chất đạt 90% giá là 2 triệu. Một bộ vòng bạc trang sức của cô dâu nặng khoảng 2,5kg, nếu chạm trổ những vật trang sức tinh xảo phải mất cả tháng, có những chi tiết được làm bằng máy móc chư chiếc dao, kiếm... nhưng một số chi tiết khác phải làm thủ công. Nếu tính cả tiền công và tiền bạc thì một bộ trang sức bạc của cô dâu phải tốn mất 70 triệu đồng.

Một người dân bản Khe Lép giải thích rằng: "Trên trang phục đám cưới của cô dâu nhất thiết phải có bạc và các màu gồm: Màu đỏ là sự rực rỡ của ánh bình minh, thể hiện con người luôn hướng về phía Mặt Trời. Màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống. Còn màu trắng của bạc là màu thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Khi đeo trọn bộ trang phục này màu trắng của bạc trở nên óng ánh, lộng lẫy nhất.

Trên những chiếc vòng bằng bạc có một số hoa văn lạ như hoa văn hình quả trám, chiếc kiếm, con cá, mái chèo... Khi hỏi về việc vì sao lại có những hoa văn như vậy trên những chiếc vòng bạc, những người cao tuổi nhất làng cũng không thể giải thích nổi, chỉ biết từ thuở cha ông sinh ra đã thấy có trang phục như vậy. Các cụ nói đời sau phải theo đó mà giữ lấy truyền thống của dân tộc mình, vì thế con cháu cứ nghe lời các cụ truyền lại mà làm.

Xẻ thịt 1 con trâu mộng, 5 con lợn

< Thịt lợn được xếp thành con để cúng.

Để chuẩn bị cho đám cưới Triệu Tòn Dạng cùng thanh niên bản đã thức suốt một đêm để xẻ thịt một con trâu mộng, năm con lợn béo mỗi con nặng 90kg để đãi dân làng. Dạng nói: Nhà mình phải thịt trâu, lợn trong một ngày thôi, ngày hôm sau vào đám cưới thì chỉ đem thịt ra nấu đãi khách, không phải làm nữa.

Tôi hỏi sao đã thịt trâu rồi lại còn phải thịt nhiều lợn thế. Dạng bảo, phong tục ở đây là vậy đó, khi ăn cỗ bàn nào ăn hết món này lại đem ra món khác, khách khứa ăn uống no nê thì thôi, nếu không dân làng sẽ chê cười nhà mình. Đám cưới của em thế, này là đã được "rút gọn" rất nhiều, vì chỉ tổ chức trong một ngày thôi, còn những đám khác phải tổ chức tới hai đến ba ngày.

Để có đủ lợn, trâu thịt trong ngày cưới gia đình đã phải chuẩn bị từ trước đó. Ông Triệu Văn Sinh, một người dân xã Xuân Tầm cho biết: Hễ nhà nào có con cái lớn trong nhà thì đều phải chuẩn bị hết, trong nhà phải có vài con trâu, vài con lợn để dự trữ. Lúc cưới, nếu còn thiếu trâu, thiếu lợn thì hàng xóm giúp đỡ, khi nào có thì trả. Nếu vẫn thiếu nữa thì mới phải đi đến các bản khác để mua.


< Cô dâu và chú rể uống rượu trong lễ thành hôn theo phong tục của người Dao.

Lúc cưới, có ba thầy cúng cùng hành lễ, phải để nguyên một con lợn béo cho một thầy cúng tổ tiên, một đùi cho thầy cúng thổ công, một đùi cho thầy cúng ma. Đó là nghi lễ bắt buộc phải có để tác thành cho cô dâu và chú rể. Lúc vãn hội, thầy cúng về thì phải biếu phần cho thầy cúng mỗi người một đùi lợn làm quà. Khi anh em họ hàng nhà gái đưa dâu về thì cũng phải biếu mỗi nhà một đến hai cân thịt lợn làm quà, nếu không họ nhà gái sẽ chê cười...

Khoảng vài năm trở lại đây, người Dao đã bán rất nhiều bạc đi để lấy tiền nên còn rất ít nhà giữ được đầy đủ các bộ trang sức truyền thống bằng bạc. Hiện nay, để làm một bộ trang phục cô dâu thì phải trả một số tiền quá đắt nên người dân chuyển sang đi thuê trang phục trong lễ thành hôn, vì thế chi phí rất thấp nhưng vẫn đảm bảo giữ được phong tục truyền thống trong đám cưới.

Du lịch, GO! - Theo BEE, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống