Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 8 December 2011

Chuyện “đi chấm” * bằng GPS đã không còn xa lại với dân bụi, dân mạng và dân yêu công nghệ kỹ thuật cao. GPS tích hợp trong điện thoại cùng với bản đồ có độ chính xác cao đã trở nên khá phổ biến và dễ dàng tiếp cận cũng như học cách sử dụng.

< Chinh phục 22N104E.

Nhưng với 25/39 “Việt Nam chấm” đã được chinh phục, 24 “chấm” đã được báo cáo trên www.confluence.org thì những chấm còn chưa được hoặc chưa thể chinh phục, hẳn quá đủ sự khó khăn để luôn là những thách thức gọi mời các gps-er.
Quyết định “đi chấm” được bàn thảo khá nhanh, sau khi hẹn được ngày về của một thành viên đam mê GPS sống và làm việc ở nước ngoài.


< Bình yên.

Nhóm chinh phục được chia làm hai, tiền đội đi trước theo tuyến Hà Nội - Yên Bái - Văn Bàn với nhiệm vụ quan trọng là báo cáo kế hoạch và xin phép vào rừng với sự đồng ý của Ban quản lý vườn quốc gia Hoàng Liên - Văn Bàn tại Khánh Yên trước khi tiếp cận mục tiêu. Hậu đội xuất phát muộn hơn đi theo hướng Hà Nội - Thanh Sơn - Tú Lệ - Mù Căng Chải vòng qua đèo Khau Cọ để tiếp cận điểm hẹn tại xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Xe của tiền đội đến được phà Trái Hút - phà trên sông Hồng thì mặt trời đã đứng bóng. Đúng giờ nghỉ trưa. Chúng tôi vào một quán cơm nhỏ bên sông, nơi cánh xe tải vẫn hay tập trung để ăn trưa, chờ đến giờ phà hoạt động. Tranh thủ hội ý nhóm về kế hoạch, hỏi tình hình đường sá tới thị trấn Khánh Yên và Nậm Xé. Cánh lái xe nhìn bọn tôi cả cười mà rằng ở bên kia sông giờ này đang có hàng đoàn xe tải đang chờ để qua phà, chuyện tắc đường ở đây ngày nào cũng xảy ra.


< Buổi sáng ở Nậm Xé.

1g30 chiều, nắng chiếu gay gắt, chuyến phà đưa chúng tôi sang sông khởi hành. Đó là con đường duy nhất, ngắn nhất để kết nối dân cư ở hai bờ tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng từ Mậu A - Văn Yên - Yên Bái sang Văn Bàn - Lào Cai và ngược lại. Sang đến bên kia sông, chúng tôi sững sờ trước một đoàn dài những chiếc xe tải đang nối đuôi nhau chờ qua phà. Con đường thì quá nhỏ hẹp. Hai thành viên trong nhóm phải xuống xe xem xét lề đường để hoa tiêu và cùng sự giúp đỡ của cánh xe tải, sau gần hai giờ nhích từng mét đường, chúng tôi đã bỏ lại đoàn xe ở sau lưng để bước vào một cuộc chinh phục khác.

Đường từ Trái Hút đi ngược ven sông Hồng lên Bảo Hà - Văn Bàn đủ to nhưng cũng đủ xấu để chuyến “đi chấm” tạm thời được đổi tên thành “đi offroad” (đi xe trên địa hình xấu). 40km đường gập ghềnh sỏi đá, lầy lội bùn lầy trước khi đến được cầu Bảo Hà to đẹp hoành tráng trên sông Hồng. Từ đây chúng tôi theo đường 279 nằm bên bờ sông Nậm Chăn nhằm phía tây hối hả chạy đua với mặt trời.


< Ôtô xếp hàng chờ qua phà Trai Hút.

Đến được thị trấn Khánh Yên thì chiều đã tắt nắng. Do đã có trao đổi trước với đồng chí hạt trưởng hạt kiểm lâm về chuyến đi nên cả nhóm chỉ mất khoảng 15 phút để làm thủ tục và lấy giấy giới thiệu gửi về cho anh em kiểm lâm ở Nậm Xé.

Đường 279 mùa nước đổ, núi xanh, sông xanh, ruộng đồng cũng xanh một màu mê mải. Dòng Nậm Chăn thảng có chỗ gập ghềnh cuộn nước lên tung bọt trắng xóa, tiếng ầm ào vọng vang. Trời bắt đầu nổi dông bão, những đám mây sũng nước sà thấp hơn trên đỉnh núi, gió lạnh tràn vào qua cửa xe mang theo những tiếng rú rít ù ù đầy đe dọa. Sau bữa tối ở xã Minh Lương, chúng tôi quay về Nậm Xé cách đó khoảng 4km thì gặp xe của hậu đội đi tìm chạy theo chiều ngược lại.

Tại căn nhà của kiểm lâm rừng quốc gia Văn Bàn đặt ở xã Nậm Xé, chúng tôi chia nhau đi làm nhiệm vụ. Người cùng kiểm lâm lên xã báo cáo và làm thủ tục, đồng thời tìm thêm ba người địa phương theo hỗ trợ. Người đánh ôtô lên ủy ban để cất xe. Mấy cô gái lo soạn đồ ăn vào balô, phân chia những đồ dùng cần thiết cho chuyến đi. Một vài đồng đội nói chuyện với kiểm lâm để xác định lại lịch trình và con đường di chuyển của hành trình chinh phục 22N104E.

< Chặng đường gian nan.

Đêm Nậm Xé lặng yên trong sự tịch mịch của núi rừng, thoảng mới có tiếng gió xô cánh cửa đập vào tường và tiếng trở mình trằn trọc vì lo lắng, hồi hộp của bạn bè tôi.
Buổi sớm ở núi rừng luôn mang lại cho tôi những cảm giác nhẹ bẫng và dịu êm. Núi rừng ướt đẫm sương đêm với tấm áo lẫn hai màu xanh non, xanh già được tô điểm bằng một vài đám mây trôi hờ hững. 6g chúng tôi đều đã lục tục ăn sáng thật no để lên đường. Một chiếc xe quay ngược lại Minh Lương để lấy xôi và thịt đã đặt quán ăn từ đêm hôm trước, mua gạo và rau cỏ, mắm muối. Nói chung là một số đồ ăn dã chiến để có thể ở trong rừng một đêm.

Các đồ dùng khác như lều bạt, túi ngủ đều đã sẵn sàng. Mỗi thành viên được yêu cầu mang theo áo mưa, giày nilông và những đồ dùng cần thiết nhất. Còn lại là đồ ăn và “đồ chơi” là những vật không thể không mang theo bao gồm: máy định vị GPS, máy điện thoại, la bàn, bộ đàm và máy ảnh.

7g sáng, chuyến ôtô “ôm” đầu tiên chở một nửa nhóm tới ngầm Nậm Xi Tan, cách trạm kiểm lâm chừng 7km đường, quay lại đón tăng 2, rồi lại quay lại UBND xã Nậm Xé để gửi xe, hai thành viên cuối cùng đến ngầm bằng xe ôm.

8g sáng, trời bắt đầu mưa, lúc đầu thì lất phất rồi rả rích lớn dần. Ngay trước khi bước chân vào con đường chưa biết sẽ thế nào trước mặt, tất cả đều phải trang bị đồ cẩn thận. Chúng tôi dùng dầu gió và thuốc dep để bôi lên giày dép, tay và cổ áo để phòng tránh vắt trước khi bọc mình vào bộ quần áo mưa loạt soạt và chiếc ủng nilông đi mưa. Hai người dẫn đường địa phương và một kiểm lâm viên thì chỉ mặc đơn giản một manh áo mỏng, chân mang xăngđan trơn. Vậy là, chúng tôi lên đường.
3km đầu tiên thật sự là một thách thức.


< Dòng suối Nậm Mu.

Trời mưa dầm dề, đống áo mưa loẹt xoẹt. Ngay những mét đầu tiên đã phải nhúng nửa bắp chân xuống suối, đạp lên đám cỏ xanh lút mà không biết liệu có con vật nào của rừng đang nằm bên dưới!

Đoàn người chậm rãi bước đi, vượt khe suối thứ nhất, rồi tới khe thứ 2, rồi các khe thứ 3, 4, 5... nhiều quá nên không đếm nữa, cứ đi xuống thì lội suối, đạp lên thảm lá rừng ẩm ướt mủn mục dưới gót giày. Thậm chí rất lãng mạn và thơ mộng khi được bước đi giữa hai dòng suối, tiếng nước róc rách hòa với tiếng gió reo, lá cây rì rào tạo thành một bản nhạc giao hưởng tuyệt diệu, thứ âm nhạc dịu dàng của thiên nhiên. Nhưng rồi, đám giày nilông nhanh chóng bị thủng bởi những viên đá sắc nhọn và đám cây cành đâm dọc đâm ngang. Nước tràn vào giày ướt sũng khiến mỗi bước chân càng trở nên nặng nề.


< "Thập diện mai phục".

Có nhiều lúc con đường mòn vòng lên cao, leo mình qua những vách núi lởm chởm. Con đường đá gập ghềnh vắt vẻo, leo từ sườn bên này sang sườn bên kia qua những gốc cây đổ xiên xẹo. Nhiều đoạn bề ngang chỉ rộng chừng 30cm. Chúng tôi cứ đi mãi, đi mãi như thế, xuyên qua những cánh rừng nhiệt đới rậm cỏ rậm cây, xuyên qua một rừng tre trúc y như trong Thập diện mai phục, xanh mướt, mưa chỉ còn lách tách kiểu giọt gianh.
Nhóm dự kiến sẽ đến được lán làm thủy điện Nậm Xi Tan nằm sâu trong rừng càng nhanh càng tốt và từ đó sẽ xác định tiếp hành trình chinh phục 22N104E.

Lán cách ngầm gần 6km đường rừng, chông chênh bám vào vách núi. Lần lượt chúng tôi đều đến điểm tập kết sau một chặng đường dài dầm mưa và leo rừng vất vả, vừa đi vừa phải chống lại sự tấn công ác liệt của những con vắt rừng xuất hiện nhiều vô kể sau cơn mưa. Bữa trưa vội vã diễn ra trong chiếc lán nhỏ cùng với mấy người công nhân đi làm thủy điện. Một người vốn nghề kỹ sư xây dựng lo lắng hỏi liệu chiếc lán có chịu nổi sức nặng của hơn chục con người? Cậu công nhân trẻ măng, khuôn mặt buồn buồn, lắc đầu nhè nhẹ như nói với chính mình: “Sập đấy anh ạ!”.


< Phút nghỉ chân.

Và sự cố xảy ra thật! Khi chúng tôi đang định rời lán để tiếp tục cuộc chinh phục sau khi đã xác định lại phương hướng và khoảng cách cũng như tuyến đường thực địa, một số thành viên đã bám theo vách núi và đám cây bụi để xuống suối từ trên lán. Số khác còn đang mặc áo mưa, nai nịt lại đồ và đi giày thì đột nhiên… Rầmmmmm, một góc chiếc lán đổ sập xuống khiến các thành viên đứng tim vì hoảng sợ.
Một phần đồ đạc gồm bát đũa, nồi niêu, lương thực thực phẩm theo đó lăn tòm vào dòng suối ở cách sàn lán hơn chục mét. Sự cố này trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong lịch sử “đi chấm” của chúng tôi.

Lại kể chuyện sau cú thoát hiểm đầy may mắn, chúng tôi rón rén bước dần ra khỏi lán, từng người từng người một. Hai người được phân công ở lại tìm chỗ dựng trại qua đêm, sửa chiếc lán vừa sập và chuẩn bị đồ ăn cho bữa tối dặn dò chúng tôi trước khi lên đường "nếu đến 3g mà không tìm thấy “chấm” thì nhất quyết phải quay về, an toàn tính mạng là số 1".

Lội qua nhánh suối đã nhấn chìm cây bắp cải mang từ tận Minh Lương vào, chúng tôi bắt đầu bì bụp đặt chân vào một rãnh bùn lầy đen nhớp và đầy mùi lá cây ẩm mục. Có lẽ đoạn đường này là kinh sợ nhất trong những đoạn đường mà chúng tôi đã đi ngày hôm đó. Cây cối chằng ngang chằng dọc, mỗi bước chân thì như bị hút chặt xuống đống bùn lầy, nhấc lên rất khó khăn.
Rồi cái đoạn kinh khủng ấy cũng kết thúc. Suối Nậm Mu đây rồi, một khúc ngăn ngắn do tầm nhìn đã bị cây rừng che phủ cả. Nước to và trong vắt, lộ rõ những viên đá cuội đầy rêu lổng chổng giữa dòng... Chúng tôi sang sông...

< Đường mòn trong rừng.

Nước mát lạnh cả người, do có phòng bị nên tất cả mọi người đều đã mặc quần mưa.
Chúng tôi dắt díu nhau đi, cảnh vật thì ấn tượng hết chỗ nói, một bên suối toàn là vách đá dựng đứng và rừng cây thì cũng dựng đứng. Nước ban đầu ngập trên đầu gối, càng đi thấy lòng suối như bị ai vét, càng sâu hơn, hoặc là nước đang dâng lên, từ xa đã thấy nó dâng ngang đùi các bạn, rồi dần dâng đến ngang thắt lưng...

Con suối vẫn có tầm nhìn không quá 10m, đi hết bờ phải gặp nhiều nước xoáy đá ngầm lại rẽ sang bờ trái, đi mãi đi mãi, hì hục mà vẫn không thấy đường mòn đâu. GPS xoay tròn, không hề báo giảm một mét đường thẳng nào tới "chấm". Có lẽ nào chúng tôi đang đi vòng? Con suối vẫn dữ dội chảy quanh, vẫn bên rừng bên vách đá, vẫn chưa thấy bóng dáng của đường mòn.

Chúng tôi lo lắng hỏi hai người dẫn đường, có chắc là có đường mòn không? Vẻ thất vọng lúc này đã lấp đầy khuôn mặt các bạn. Không hoang mang sao được, khi mà chúng tôi đã đi cả giờ đồng hồ rồi, "chấm" vẫn cách khoảng 1.200m, mũi tên chỉ đường lúc sang trái lúc sang phải.

Xuất hiện một con đường mòn bên phải rời xa "chấm" thêm vài mét, vòng trở lại bờ suối, và một tia hi vọng bừng lên khi lấp ló sau đám cây bên kia sông có một con đường mòn quẹo về phía "chấm". 900m, một con số khiến cho sự tuyệt vọng đè nén bấy lâu nay như tan biến, con đường thênh thang đến mức chúng tôi đã nghĩ đến một cái hotel với dòng chữ “Welcome to 22N104E”...
Và chúng tôi bước, bằng một niềm tin và đam mê mãnh liệt như có một ma lực kinh khủng dồn lực đẩy vào đôi chân.

Chúng tôi lao về phía trước, đạp lên đám lá rừng và những rễ cây chằng chịt, những con dốc cao tới 60 độ cũng không làm tốc độ giảm đi, thỉnh thoảng người đi đầu lại dừng chọn những cành cây chìa ngang mặt để treo một đám giấy đánh dấu đường...

< Offroad bên sông Hồng.

Thật lạ lùng, con đường mòn vẫn hiện ra dằng dặc trước mặt, mũi tên thẳng tắp và khoảng cách trên GPS đang giảm rất nhanh theo thời gian. 800, 700, 600m, 300m, 200m... cố lên nào... Con đường vẫn thẳng tới mức các bạn tôi đều nghĩ đến việc hình như GPS bị hỏng... 200m, 100m... Ai đó kêu lên "A a a...". 99m, đến lượt người khác vui mừng Hú ú ú…

Tôi đang bận thở nhưng cũng kịp liên tưởng đến trang DCP với cái quy định arriving (khoảng cách đạp "chấm" cho phép sai số dưới 100m - quy định chỉ dành riêng cho những "chấm" quá khó và nguy hiểm). Con đường mòn, thật kỳ lạ, lao thẳng tới "chấm"... không chệch một mét, đạp "chấm" rồi… Khoảng cách từ ngầm đến "chấm" lúc này máy GPS đo được là 9,9km đường bộ di chuyển.
Chúng tôi đã chinh phục 22N104E - chặng đường gian nan!

(*) “Đi chấm” là thuật ngữ của việc đi tìm điểm mà tại đó các đường kinh tuyến chẵn và vĩ tuyến chẵn gặp nhau.

Du lịch, GO! Theo Dulich Tuoitre, internet
Tết này đi chơi đâu? Dường như đó là câu hỏi thường trực của rất nhiều người từ nhiều tuần nay. Người sành điệu, dư giã thì chọn ăn Tết ở nước ngoài. Chẳng hạn một chuyến du hí sang Rome lãng man, hay Paris hoa lệ, gần hơn một chút thì có Trung Quốc bí ẩn, Hàn Quốc lung linh.
Nhưng trên thực tế, xu hướng chọn ngay quê hương mình làm điểm du lịch trong dịp Tết đang được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Những chuyến phượt lên miền Tây Bắc hùng vĩ chất chứa yêu thương được giới trẻ quan tâm hơn cả. Nhưng để 'đổi vị', một số thích chơi độc tự thiết kế cho mình và bạn bè những cách chơi Tết khác nhau.

Tour 1: Lên Tây Nguyên chơi Tết đi! 
Thu Hương, sinh viên năm thứ 3, ĐHVHHN cho biết: "Tết này mình đi Tây Nguyên chơi nè. Ban Mê Thuột, Pleiku hoặc Đà Lạt, thú vị lắm. Vô mấy buôn làng của đồng bào dân tộc, cưỡi voi,... trên Tây Nguyên, thích cực kỳ luôn".

Đà Lạt mơ mộng ....

Đà Lạt nằm lọt trong rừng thông bạt ngàn điểm xuyết những biệt thự cổ thời Pháp rải rác như nét chấm phá trong tranh thủy mặc. Trong mắt du khách nước ngoài, Đà Lạt dường như mang dáng vẻ của một Âu Châu xinh xắn hơn là một thành phố Đông Phương. Khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm như đẩy lùi cát nóng từ đồng bằng Sông Cửu Long xuống chân đèo Bảo Lộc.

Đến Đà Lạt mà không ghé thăm hồ Than Thở, vườn hoa Bích Câu, biệt điện Bảo Đại, đồi Mộng Mơ hoặc Thung Lũng Tình Yêu, xem tranh thêu ở Đà Lạt sử quán thì coi như bạn chưa đặt chân đến xứ này. Ngoài ra, thưởng ngoạn phong cảnh thác Ankroet, suối Vàng, suối Bạc, hồ Dankia – một quần thể núi, non, suối, hồ là đệ nhất phong cảnh của cao nguyên Lâm Viên cũng là một đích đến của khách du lịch.

Nếu ưa phiêu lưu, bạn có thể tiếp tục đi vào xã Lát, buôn của người dân Lộc Lạt nằm dưới chân núi Langbiang xinh đẹp rực rỡ sắc hoa, chinh phục đỉnh Langbiang rồi từ đó chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Đà Lạt thơ mộng, huyền ảo trong sương mù.

Mỗi du khách đến Ðà Lạt về đêm không thể không nhớ đến, không thể không rủ nhau đi uống sữa đậu nành. Ở phố đi bộ thì sữa đậu nành được bày bán trong mấy chiếc xe bán hàng bằng nhôm có treo đèn màu nên bàn ghế sáng choang. Phố Tăng Bạt Hổ có tiệm sữa đậu nành bán rất đắt hàng, vào những ngày cuối tuần du khách ngồi tràn ra chật một đoạn đường để uống sữa. Có du khách thích uống sữa đậu nành pha với sữa bò đặc, sữa đậu phộng, sữa đậu xanh hoặc thích ăn thêm vài cái bánh sừng trâu, bánh hạnh nhân.

.... hay Buôn Ma Thuột kỳ bí và hùng vĩ !

Có thể nói rằng, đặc sản giữa chốn rừng thiêng này là những thác nước hùng vĩ. Từ quốc lô 14, bạn có thể tham quan thác nước Draysap – Gia Long - Trinh Nữ ( cách 40km ) Thác Draysap được coi là thác nước hùng vĩ, hoang sơ và lớn nhất Tây Nguyên. Ngược lại thác Gia Long lại được mệnh danh là một thiên đường giữa chốn rừng sâu, đẹp và huyền dịu như mùa thu Hà Nội. Còn thác Trinh Nữ mang một vẻ đẹp yêu kiều như cái tên của nó vậy. Đây là một trong những thác đẹp của cụm thác Draysap, với nét hoang sơ và dòng thác trắng xoá như một cô gái e thẹn giữa đất trời.

Ngoài thác, bạn có thể đến thăm biệt thự Bảo Đại cũ, Chùa Khải Đoan. Và từ đây, theo con đường cà phê về Hồ Lak. Đến Lak, bạn có thể tự thưởng cho mình những phút nghỉ ngơi tại BunGalow (nhà dài) ở khu du lịch Buôn Jun, sống cùng với đồng bào Mnông. Nào cưỡi voi, cưỡi thuyền độc mộc vượt hồ Lak và tham gia chuơng trình cồng chiêng văn hoá Phi Vật thể của các đồng bào Tây Nguyên.

Nếu đến chốn này mà không ghé thăm bản Đôn thì thực sự là một bỏ sót lớn. Tại đây, bạn sẽ có dịp tham quan và tìm hiểu về Vua Săn Voi, thăm mộ ông vua Săn Voi, nhà sàn cổ của người Lào, khám phá cầu treo sông Serepok. Mạo hiểm hơn, bạn có thể cưỡi voi vuợt sông Serepok hoặc thuyền độc mộc.

Tour 2: Làm một chuyến đến Đảo Khỉ!

"Bạn đã bao giờ đi ra Đảo Khỉ ở Cát Bà chưa. Rất tuyệt. Ngủ tại các Bangalow bằng gỗ, chơi đùa với những chú khỉ, tắm biển, đốt lửa trại, chèo kayak, leo núi, chơi billard...."

Đó là tâm sự của Mai Hà, lớp khiêu vũ tại Cung VHHNVX. Mỗi khi Tết đến, Hà thường là người tổ chức các chuyến đi xa cho nhóm chơi của mình. Nếu nhóm bạn gồm 10 đến 14 người, thì việc làm một chuyến đến Đảo Khỉ là khác hợp lý và thú vị.

Đảo Khỉ nằm cách thị trấn Cát Bà khoảng 2 dặm. Các bãi biển ở đây là một trong những bãi biển đẹp nhất ở đảo Cát Bà. Bạn có thể chui vào các Bangalow bằng gỗ, tận hưởng không khí trong lành của đại dương, nằm trong các khoang thuyền kayak, bơi lội, chơi bóng đá, bóng chuyền ... hoặc bạn có thể leo núi để chiêm ngưỡng sự ngoạn mục của vịnh Lan Hạ.

Hãy thử tưởng tượng, một buổi chiều đầy gió, thả mình trên những chiếc ghế dài tiện nghi ở bờ biển, bạn có thể cực kỳ mãn nhãn với cảnh hoàng hôn buông xuống. Và khi bao tử đã cồn cào, chỉ cần nhấc thân đi vài mét, bạn đã có một bữa tối ngon miệng bên bạn bè và người thân.

Tour 3: Đón Tết tại Cần Thơ ... cực hay!

PV: Tết này em có kế hoạch gì chưa?

TL: Năm nay em quyết định thực hiện đón năm mới trên sông nước với bà con ngư dân, em nghĩ vụ này sẽ rất thú vị. Chưa bao giờ em đón giao thừa như thế cả nên chuyến này em và một số bạn cùng sở thích quyết tâm thực hiện cho bằng được.

PV: Woww, rất thú vị và độc đáo đây! Em chọn nơi nào thế?

TL: Em nghe nói đón Tết tại Cần Thơ và khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long rất thú vị. Em và hội bạn đã đặt vé bay thẳng từ Hà Nội đến Cần Thơ, thăm quan chợ nổi Cái Răng, đi thuyền trên kênh rạch hoặc đến các khu vui chơi... - Anh Thư, SV HVBCTT.

Cùng với chợ Cái Bè (huyện Cái Bè, Tiền Giang), chợ Cái Răng trên sông Cần Thơ là một trong hai chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Khác hẳn những chợ bình thường khác, chợ nổi được nhóm họp trên thuyền và tàu khoảng 2 giờ (từ 6 giờ đến 8 giờ sáng). Đây là một trong hai chợ lớn giao thương chủ yếu là mua và bán sỉ các loại trái cây và nông thổ sản của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những ngày Tết này, nhất là từ ngày 23 Tết đến ngày 29 Tết, chợ nổi Cái Răng nhộn nhịp người và thuyền hàng hóa trên sông.

Đáng chú ý, nhiều loại tàu thuyền sức chứa từ 3 tấn đến 12 tấn chở đầy dừa tươi, dưa hấu xanh, bưởi quýt, hoa cúc vàng, hành tây, mận đỏ, bắp cải, củ cải trắng… từ các nơi họp về. Ai bán loại gì thì cắm một cái sào trên mũi thuyền và treo sản phẩm mình muốn bán lên cái sào đó để mời gọi bạn hàng hay còn gọi là 'bẹo hàng'. Do vậy, chợ không có tiếng rao hàng như các chợ trên bờ, mà có rao thì tiếng sóng, tiếng máy nổ của tàu cũng làm át đi. Ngồi trên xuồng chèo, xuồng máy để đi chợ nổi trong mấy ngày Tết, chỉ cần trông 'cây bẹo hàng' là có thể cập xuồng đúng thuyền hàng cần mua. Trên bờ có hàng gì thì chợ nổi cũng có từng ấy, không thiếu thứ gì.

Âm thanh chợ nổi bao gồm tiếng máy nổ, chèo khua nước, sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền. Không ồn ào như chợ truyền thống, người buôn bán ở chợ nổi thường không rao hàng bởi những sản vật đã được treo trên cây cắm ở mũi mỗi chiếc ghe, xuồng cho biết thuyền chủ nhân đang bán mặt hàng gì. Nhịp sống năng động ở chợ trên sông thể hiện qua những chiếc ghe nhỏ bán thức ăn sáng, cà phê thậm chí cả đồ nhậu len lỏi trong chợ, phục vụ nhu cầu của người thương hồ, từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ em.

Mấy ngày áp Tết, tại chợ nổi Cái Răng có một lượng lớn ghe bầu ở các tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh đến neo đậu mua buôn theo kiểu thu gom để chở hàng cung cấp cho các chợ đầu mối các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, hoặc đưa cả sang Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Ngược lại, cũng từ chợ nổi này những ghe bầu chuyến về chở đầy các mặt hàng nhu yếu phẩm cung cấp lại cho bà con miệt vườn trong dịp Tết như xăng dầu, vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo...

Đi chợ nổi Cái Răng ngày xuân, có lẽ thích nhất là thỉnh thoảng bắt gặp hình thức giao hàng độc đáo của dân thương hồ: người bán đứng trên thuyền hàng gieo từng cặp khóm, cặp dưa cho người mua dưới thuyền đưa hai tay bắt lấy, từng cặp nhịp nhàng trông rất điệu nghệ và không hề sơ xuất. Hình ảnh này khiến cho rất nhiều du thuyền của khách du lịch len lỏi vào sát thuyền hàng để ngắm xem, chụp ảnh rất thích thú và giữ chân họ lâu hơn.

Không chỉ các thuyền buôn nhóm chợ trên sông, mà chợ nổi ngày xuân còn có cả các loại xuồng bán hàng rong phục vụ ăn uống giải khát như phở, hủ tiếu, bánh mì thịt, cà phê, kem... thậm chí có cả những 'quán nhậu nổi' trên mui thuyền lớn để các ông chủ miệt đồng quê ngồi giữa bốn bề hoa trái mà tranh thủ 'lai rai' trong lúc chờ mối lái đến giao hoặc nhận hàng.

Không đi theo tour, muốn tham quan chợ nổi Cái Răng bằng đường thủy, sáng sớm, bạn đến Bến tàu Du lịch ở Bến Ninh Kiều để thuê tàu. Giá một chuyến đi - về khoảng 150.000-180.000 đồng (tùy theo tài trả giá của bạn). Tàu rời bến, giữa ban mai trong lành, bạn sẽ được ngắm bình minh đang lên trên sông Cần Thơ và tận hưởng làn gió mát rượi buổi sớm, mang hơi hướng của sương mù, phù sa và dường như có cả 'cái hồn' châu thổ. Cảnh sinh hoạt của người dân ở hai bên bờ sông diễn ra như một đoạn phim tư liệu chạy ngược hướng với bạn thật phong phú và lạ lẫm, nhưng lại tạo cảm giác rất yên bình.

Nếu lỡ thức dậy muộn, bạn có thể từ trung tâm TP. Cần Thơ đến Cái Răng bằng đường bộ, chỉ mất khoảng 15-20 phút với đủ loại phương tiện. Đi xe buýt khoảng 3.000 đồng/người, xe ôm thì 10.000 đồng/người và một chuyến taxi khoảng 50.000 đồng. Đến Cái Răng, bạn đi bộ một chút, quẹo vào đường Võ Tánh nằm bên phải cầu Cái Răng (tính từ trung tâm thành phố ra). Đây là nơi tập trung các loại ghe, xuồng cho thuê đi chợ nổi với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/ giờ tùy theo ghe máy hay ghe chèo.

Chính vì những nét độc đáo như thế mà nhiều nhiều đoàn khách từ phía Bắc hoặc khách nước ngoài khi đến Cần Thơ đều không quên chọn thêm tua đi tham quan chợ nổi. Ðến Cần Thơ mà chưa đi chợ nổi Cái Răng thì coi như chưa đến vùng đất Tây Ðô; bởi lẽ như nhiều cho rằng: chợ là hình ảnh thu nhỏ về kinh tế xã hội của vùng đất đó.

Du lịch, GO! Theo Vatgia, internet
Đó là ngôi làng Ba Na đẹp nhất mà tôi từng gặp. Đó cũng là ngôi làng đìu hiu nhất mà tôi từng thấy. Không một bóng người. Không mùi khói bếp. Không tiếng giã gạo. Không giọng cười đùa trẻ thơ. Chỉ có tiếng gà trưa đôi hồi cất lên, lẻ loi đến nao lòng…

Mặt trời tháng 3 đã lên cao quá đầu khi chúng tôi ghé Kon Sơ Lăl. Những bóng cây rười rượi vẫn toả đều xuống các mái nhà, đây đó có vài giàn bí đang ra trái. Nhưng tịnh không một bóng người.

Ngôi làng Kon Sơ Lăl (xã Hà Tây, huyện Chư Pah, Gia Lai) vừa được nhắc đến chỉ là làng cũ; làng mới đã dời đi từ năm 2002 về gần trung tâm xã, cách làng cũ chừng bốn cây số. Lý do, theo chủ tịch UBND xã Hà Tây Đinh Sưk, là tạo điều kiện cho bà con ra vùng thuận lợi, có đầy đủ điện – đường – trường – trạm theo chính sách định canh, định cư của tỉnh.

Mặc nhiên, ngôi làng cũ bị bỏ rơi. Những sinh hoạt ngày thường ngưng đọng. Chỉ còn năm người già nhất làng ở lại với sự ắng lặng mênh mông.

“Làng người già”

< Những ngôi nhà im lìm cửa nẻo.

Làng có chừng hơn 50 nóc nhà quần tụ trên một mảnh đất khá bằng phẳng, quang quẻ, xung quanh là rừng thưa. Trừ vài mái ngói, tất cả nhà sàn nơi đây đều lợp tranh, sàn gỗ chắc chắn, vách nhà bằng liếp tre, nứa hoặc bằng đất sét trộn rơm. Từng ngôi nhà đều thể hiện sự công phu, tỉ mẩn, khéo léo của những người đã tạo ra chúng; qua nhiều năm tháng ẩn nhẫn không hơi người, chúng vẫn sống động lạ thường. Thoạt nhìn, chúng lặng lẽ đứng cạnh nhau, như một đám nấm mọc giữa rừng không theo trật tự nào. Song cuối cùng đều quây lấy nhà rông như gà con quây mẹ. Đó là ngôi nhà rông Ba Na truyền thống thâm nghiêm, vững chãi được trai tráng trong làng dựng từ năm 1978 với bề ngang dễ đến hơn chục mét, mái tranh dày cả gang tay. Thấp thoáng giữa làng là màu xanh tươi của những cây phượng vĩ, xoài, thanh long, mấy giàn bí… Toàn cảnh ngôi làng bật lên vẻ đẹp đẽ nguyên sơ, không sắp đặt – một vẻ đẹp hiếm gặp mà tôi, vì nghề nghiệp, trong nhiều năm đã lang thang qua nhiều ngôi làng ở Gia Lai, mới một lần thấy.

Loanh quanh một lúc lâu, chúng tôi không gặp ai ngoài mấy chú heo ủn ỉn và vài chú dê giương mắt tò mò nhìn lên từ dưới chân nhà sàn. May thay, có tiếng xe máy giòn giã tiến về phía làng. Đó là vợ chồng cựu thôn trưởng Hyưnh.

< Bok Chil: “Khi nào buồn thì xuống làng mới chơi với mấy đứa con”.

Mời chúng tôi vào thăm ngôi nhà sàn hiếm hoi còn ấm hơi bếp lửa, anh Hyưnh cho biết, tuy đã dời về làng mới từ nhiều năm nay, nhưng anh và một số người vẫn thỉnh thoảng đi về vì còn giữ thói quen nuôi heo, gà ở đây, và vì còn một ít ruộng cũng cách đó không xa. Lý do quan trọng hơn là anh còn người cha vẫn ở lại và đang sống tại ngôi làng này, đó là bok (ông) Hnhih, năm nay đã ngót nghét 100 tuổi. Trong làng hiện có bốn người già như ông, đó là bok Chil, bok Chưng, bok Kơch và bà Dyơi (hai vợ chồng) đều đã ở cái tuổi 70 – 80. Hyưnh vẫn nhớ rõ, làng cũ trước kia có 85 hộ với 454 khẩu. Những ngày làng vui nhất, rộn rã nhất là vào lễ mừng lúa mới, khi những bao lúa đã chạy về đầy kho. Tôi nhìn ra phía nhà rông, nơi ấy đã từng sống động những vòng xoan duyên dáng của các thiếu nữ, tiếng cồng chiêng trầm hùng của các chàng trai, những ghè rượu uống mãi không bao giờ cạn mùa lễ hội… Chúng đã biến mất từ lâu, từ khi làng vắng tiếng người.

Tình cờ gặp và trò chuyện cùng chúng tôi trên nhà sàn của cựu thôn trưởng Hyưnh, bok Chil, năm nay 67 tuổi, vừa phì phà chiếc tẩu thuốc bằng tre vừa kể: bok có sáu đứa con, cả sáu đứa đều đã chuyển đến làng mới, riêng bok ở lại đây. Thi thoảng, chúng mang gạo và thức ăn đến cho bok. Hỏi vì sao ở lại, bok chỉ cười và rít thuốc. Hay là ngôi làng này đã quá thân thuộc với bok, đến mức không muốn rời xa? Hỏi ở một mình có buồn không, bok nói: “Khi nào buồn thì xuống làng mới chơi với mấy đứa con”. Không nhanh nhẹn được như bok Chil, bok Hnhih – người lớn tuổi nhất làng, cha của Hyưnh – đã hơi nghễnh ngãng. Bok sống một mình, thỉnh thoảng chị con gái đã chết chồng ghé về chăm sóc hoặc đưa cha về chơi ở làng mới. Khi chúng tôi ghé thăm nhà bok, ánh chiều đang xuống dần, bóng tối chập chờn phủ chụp từng ngôi nhà. Làng vốn không có điện, bok đang lọ mọ đi thắp đèn dầu. Xong, bok lại ra trước nhà tiếp tục ngồi đan gùi. Trong bóng chiều, ngôi làng yên ắng như trôi hẳn vào tịch mịch.

Đau đáu làng cũ…

< Vót tre đan gùi cho con cháu. Thú vui của bok Hnhih khi một mình ở lại làng cũ.

Vậy là, xét về mặt địa chính, ngôi làng mà chúng tôi đang đứng đây đã bị “xoá sổ”. Song, làng vẫn như một cơ thể còn gắng gượng với chút năng lượng sống ít ỏi. Và hầu như đây vẫn là ngôi làng trong–tâm–tưởng của nhiều người. Khi thấy chúng tôi loay hoay chụp vài tấm hình ngôi nhà rông ở làng mới, một nhóm thiếu niên đang chơi đá bóng nhanh nhẹn chỉ tay về phía làng cũ: “Chụp hình nhà rông làng cũ kìa. Nhà rông ở đó đẹp hơn!”

Làng Kon Sơ Lăl mới bây giờ được quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ. Lạ là hầu như bên cạnh mỗi căn nhà xây đều có thêm một ngôi nhà sàn, dù xộc xệch. Đi cùng chúng tôi, anh Khơk – phó bí thư xã Đoàn – giải thích: “Nhiều người dân vẫn thích ở nhà sàn hơn nên làm thêm nhà sàn”. Theo anh, ở nhà sàn có nhiều tiện lợi, phù hợp với phong tục lâu nay của người Ba Na. Ông Đinh Sưk cho biết, trước kia từ trung tâm xã chưa có đường vào làng cũ, đời sống người dân khó khăn nên phải dời làng ra vùng thuận lợi. Bây giờ thì lại có một con đường rộng rãi dẫn đến làng cũ (!), do công ty TNHH MTV cao su Chư Pah mở từ năm 2008 để phục vụ cho việc trồng và khai thác mủ cao su. “Nếu lúc đó có đường sớm thì chắc không phải dời làng”, ông Sưk nói.

< Làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Pah.

Dù sao thì, ai đã một lần đến Kon Sơ Lăl đều không khỏi tiếc nuối. Chợt nhớ cách đây nhiều năm, nhà văn Nguyên Ngọc cùng đoàn làm phim Đất nước đứng lên đã rất vất vả khi tìm bối cảnh tại Gia Lai, bởi đòi hỏi của bối cảnh phim thời kỳ đó là một ngôi làng “giống những làng Ba Na xưa, không có nhà xây, lợp ngói hay lợp tôn, chỉ toàn nhà sàn tre tranh, cũng không đơn điệu như nhiều làng định cư bây giờ mà lô nhô so le, tạo nên một thứ nhịp điệu riêng đầm ấm và thân thuộc” (Nguyên Ngọc tác phẩm). Bây giờ, một ngôi làng truyền thống đẹp đẽ như Kon Sơ Lăl cũ, một ngôi làng tìm đỏ mắt mới thấy, lại đang bị bỏ quên, đang lụi dần đi trước cái hiện đại, trước những tính toán có phần vội vã.
Rồi làng sẽ thế nào nếu 5 người già còn lại mất đi? Tôi không dám nghĩ tiếp…

Du lịch, GO! Theo báo Gia Lai

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống