Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 16 December 2011

Đêm đến, thành phố lên đèn, những ngọn đèn điện trên Tháp cũng bừng lên nhưng không quá rực rỡ phô trương mà chỉ đủ soi tỏa dịu dàng xuống dòng sông Cái và hắt lên nền trời quầng sáng ấm áp. Từ xa nhìn về, Tháp Bà PoNagar giống như ngôi nhà của Mẹ luôn chong đèn đón đợi những đứa con…

Biển và phố

Như hầu hết bạn bè của mình, tôi thích biển và khác với họ, tôi rất thích biển mùa đông. Cứ mỗi khi thời tiết chuyển mùa se lạnh tôi lại nghĩ đến việc tìm ra một duyên cớ nào đó để ra biển. Tất nhiên là chẳng cần có bất cứ một cái cớ nào đó vẫn có thể lên đường, nhưng nếu có một duyên cớ nào đó thì có lẽ chuyến đi sẽ thú vị hơn; mà thực ra cái duyên cái cớ có lý nhất trong mọi duyên cớ là: tự nhiên thấy thích, thế là đủ cho một chuyến đi của bất cứ ai, đến bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, trong bao lâu… thậm chí có thể là một bước rẽ của cuộc đời.

< Thành phố lên đèn.

Mùa lạnh năm nay tôi về với Nha Trang. Bãi biển thân thuộc đây rồi. Như nỗi nhớ trong bài hát về biển của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, bãi biển thưa vắng, điềm tĩnh, trầm lắng và đằm thắm.

Không còn những ồn ào huyên náo, biển giống như những người bạn thân từ thời xưa cũ tìm về với nhau - ấm áp, chu đáo, nồng hậu. Thành phố biển xinh đẹp đang xây thêm nhiều cao ốc, khách sạn, nhà hàng mới; những nhà hàng khách sạn có từ trước cũng được sửa sang nâng cấp để trở nên sang trọng hơn.

Nha Trang lung linh, lộng lẫy khi màn đêm buông xuống, thành phố lên đèn. Du khách châu Âu đi dạo khá đông, đặc biệt là rất nhiều người Nga đi du lịch cuối năm cùng gia đình; thời tiết Nha Trang tháng 12 thật ấm áp so với băng tuyết giá lạnh ở đất nước họ và giá cả hàng hóa cũng rất dễ dàng cho việc mua sắm. Mỗi lần đến là một lần thấy Nha Trang đẹp hơn mới hơn, nhưng chuyến đi này với tôi thực ra là một chuyến trở về nên tôi chỉ dành thời gian thăm lại người quen và những nơi xưa cũ rồi bất chợt cảm nhận ra những điều mới mẻ…

Hòn Chồng - kho truyền thuyết

Khác với bãi biển thênh thang cát trắng ở khu trung tâm, Hòn Chồng nằm ở phía Bắc thành phố Nha Trang có nét hóm hỉnh đặc biệt. Bãi biển ở khu vực Hòn Chồng là nơi giao duyên giữa biển và núi, nơi những tảng đá lớn nhỏ nằm rải rác như còn trong cơn ngái ngủ gối đầu lên nhau nghe sóng nước vỗ về. Núi, biển, cát, đá và sóng kề sát bên nhau tạo nên phong cảnh vừa như lãng đãng vừa như hữu tình. Bãi cát thoai thoải mịn màng mời gọi người ta hãy bỏ giày, bỏ dép, bỏ đi những vướng víu, để tận hưởng cái cảm giác khoan khoái dễ chịu khi gót chân trần chạm nền cát ấm và ẩm.

Xa hơn chút nữa về phía biển, trên mấy mỏm đá có vài người đang thư thả buông câu chậm rãi dường như không cần biết đến thời gian. Chợt nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn về doanh nhân và người câu cá, biết đâu rằng được quăng đi chiếc đồng hồ để thong dong buông câu chẳng cần tính đếm thời gian lại là ước mơ của nhiều tỷ phú…

Với những tảng đá lớn nhỏ đã tồn tại hàng ngàn năm cùng sóng gió, Hòn Chồng còn hấp dẫn bởi một kho những sự tích huyền thoại. Điều kỳ lạ như trong chuyện cổ tích là Hòn Chồng có rất nhiều tảng đá lớn nhỏ nằm gối lên nhau hay tựa lưng đan xen vào nhau theo cái cách sắp đặt tinh nghịch đầy ngẫu hứng của thiên nhiên nhưng trải qua biết bao sóng to gió lớn theo năm tháng chúng vẫn giữ nguyên cái sắp đặt tự nhiên đó.

Gần Hòn Chồng có một bãi đá uyển chuyển mềm mại như dáng vẻ người phụ nữ, dân nơi đây gọi đó là Hòn Vợ. Cùng với tên gọi là sự tích vọng phu của người vợ ngư phủ ngóng trông về phía biển khơi nơi người chồng đang lênh đênh trên con thuyền đánh cá mong manh giữa đại dương mịt mù giông bão.

Còn có một truyền thuyết lãng mạn về một chàng khổng lồ đã đặt chân đến vùng biển này để đào đá đắp núi tạo nên vịnh Nha Trang ngày nay. Một sáng sớm mai chàng trai ra biển thì gặp một đoàn tiên nữ đang nô đùa múa hát trên sóng, không muốn các tiên nữ giật mình bay về trời nên chàng bèn nấp sau những tảng đá lớn để ngắm xem. Nhưng quá mải mê nhìn, vô tình chàng xô ngã những tảng đá khiến chúng văng ra tứ phía hình thành bãi đá hiện nay.

Trên một hòn đá lớn quay mặt ra biển vẫn còn một dấu tay lõm vào đá, tương truyền rằng đó là do chàng khổng lồ chống tay khi té ngã nên để lại dấu vết đó. Chuyện xưa không nói rằng chàng khổng lồ vụng về có khiến tiên nữ nào cảm động mà ở lại hay không nhưng chắc chắn là một kết thúc có hậu nên mới có vịnh biển xinh đẹp hôm nay.

Tuy địa hình gồm cả núi và biển nhưng Hòn Chồng vẫn thuộc nội thành Nha Trang và đang được đầu tư để thu hút du lịch. Trước đây muốn đến Hòn Chồng phải đi vòng vèo vượt qua đồi dốc, nay từ trung tâm thành phố chạy dọc con đường ven biển về hướng Đông Bắc, đi qua đồi La San và tòa nhà đại học Tôn Đức Thắng có kiến trúc khá hiện đại là đến khu danh thắng Hòn Chồng.

< Hội quán vịnh Nha trang.

Trong khuôn viên của khu danh thắng, Hội quán vịnh Nha trang được xây dựng trên một quả đồi theo lối nhà cổ xưa với những mẫu vật bằng gốm nung, trầm hương, tranh cát…giới thiệu với du khách về văn hóa Chăm và Việt.

Từ chiếc sân rộng của Hội quán có thể đi xuống bãi đá Hòn Chồng qua một lối đi thơ mộng với những bậc thang lát đá dưới mái vòm cây xanh. Những bậc đá khác dẫn đến một quán café xinh xắn nằm sát ngay mép nước.

Không gian tĩnh lặng như tách biệt hẳn với phố phường nhộn nhịp cách đó không xa khiến người ta chợt ước ao được ngồi đọc sách nơi đây. Dường như nơi đây còn thiếu một quán café sách nho nhỏ để hài hòa với không gian tri thức bên trong khuôn viên hội quán và phía ngoài kia là giảng đường của một trường đại học. Du khách nước ngoài và đặc biệt là khách Nga, những người có thói quen đọc sách cả trên tàu điện, đến Nha trang ngày càng nhiều; quầy cafe với kệ sách to hay một thư viện nhỏ cùng những cuốn sách tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Việt và Internet sẽ tạo nên nét duyên mới thu hút nhiều hơn những du khách trí thức đến với vịnh biển xinh đẹp này.

Tháp Bà PoNagar - ngôi đền của Mẹ

Chỉ cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía Bắc, Tháp Bà PoNagar nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao vài chục mét, dưới chân đồi là cửa sông Cái đổ ra biển. Mang đậm dấu ấn kiến trúc Hindu và cách thức xây dựng tháp của người Chăm từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 12, tổng thể kiến trúc của Tháp bà PoNagar gồm 3 tầng. Tầng thấp bắt đầu từ mặt đất có những bậc thang dẫn lên tầng giữa.

Tầng giữa là một nền gạch hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch hình bát giác gồm 10 cột có đường kính hơn 1 mét, cao hơn 3 mét và 12 cột nhỏ thấp hơn, có lẽ nơi đây trước kia là một tòa nhà rộng lớn với những cây cột vững chãi đỡ một vòm mái không kém phần hoành tráng, là nơi để khách hành hương nghỉ chân và sắm sửa lễ vật trước khi lên dâng cúng các đền thờ ở tầng trên.

Từ tầng giữa này, lại có một dãy bậc thang xây bằng gạch cổ dẫn lên tầng trên cùng, những bậc thang này rất dốc và hẹp khá nên du khách ít sử dụng, chỉ vào dịp lễ hội những người Chăm đội lễ vật lên đầu sẽ đi trên những bậc thang xưa cũ này để dâng lễ lên tháp theo cách thức truyền thống. Lối đi thông thường của du khách là những bậc thang đá ong rộng và ít dốc hơn nằm ở phía nam khu tháp. Tầng trên cùng là các ngôi tháp được xây trên nền sân rộng rãi.

Dãy tháp phía trước có 3 ngôi, dãy phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác nhưng nay chỉ còn 1. Các ngôi tháp này được xây dựng theo cách của người Chăm, gạch xây khít mạch nhưng không nhìn thấy chất kết dính, thân tháp có tượng và phù điêu, đỉnh trụ trang trí hoa văn hình vòm, cửa tháp hướng về phía biển. Ngọn tháp cao lớn nhất là đền thờ Thánh Mẫu PoNagar; các linh thạch trụ linga được thờ trong những tháp nhỏ hơn.

Theo truyền thuyết, nữ thần PoNagar (nguời Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra trái đất, sản sinh gỗ quí, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được chọn làm thần bảo vệ đất đai và được thờ phụng cho tới ngày nay tại Khánh Hòa, Ninh Thuận và Phan Thiết.

Không chỉ hấp dẫn bởi nét kiến trúc độc đáo của những tòa tháp cổ, Tháp Bà PoNagar đang hồi sinh lại nét văn hóa của người Chăm với những làn điệu ca múa sống động. Giữa không gian đượm màu xưa cũ của các tòa tháp, những vũ nữ người Chăm với làn da ngăm ngăm nắng gió xinh xắn trẻ trung say sưa trong vũ điệu khiến các du khách tóc vàng mắt xanh không thể rời mắt và cũng hào hứng nhún nhảy theo nhịp trống phách. Tất cả tạo nên một không gian rất Chăm và rất “charm”.

Chiều xuống, phía trước tòa tháp chính có một nhóm các bà, các cô, các chị đang cung kính làm lễ nguyện cầu thần nữ PoNagar. Họ gọi nữ thần là “Mẹ” và xưng “con” với lời khẩn cầu thật giản dị và quá đỗi thân thương. Dường như sau mỗi ngày vất vả mưu sinh, họ lại về đây giãi bày với Mẹ những nỗi niềm chưa nói hết, mong Mẹ chở che những ước nguyện đời thường. Bữa cơm chay cuối lễ cầu nguyện với những món chay thật ngon lành mang đủ hương vị của núi, của rừng, của sông, của biển...

Chợt cảm nhận về chốn tâm linh nơi đây thật gần gũi không chút xa cách cao vời. Tháp Bà Thiên y Ana, ngôi đền thờ thần nữ PoNagar giống như ngôi nhà thân quen của Mẹ, để những người con, cả người Chăm cả người Việt, có một nơi để trở về, để cùng nhau ăn một bữa cơm đầm ấm, mong cầu Mẹ chở che để có thêm hy vọng và niềm tin đi tiếp hành trình...

Thành phố đang có thêm bao nhiêu công trình, cái đã hoàn thiện, cái còn dở dang như những dấu chấm hỏi, chấm than trong câu chuyện hiện đại chưa thể nói hết, chưa có hồi kết và không phải lúc nào cũng có hậu như cổ tích. Thật may mắn khi nơi đây vẫn giữ được nét xưa; câu chuyện du lịch ắt hẳn hay hơn nhiều khi có bóng dáng chàng khổng lồ và huyền thoại về thần nữ PoNagar cùng những người chồng và 38 nàng con gái.

Đêm đến, thành phố lên đèn, những ngọn đèn điện trên Tháp cũng bừng lên nhưng không quá rực rỡ phô trương mà chỉ đủ soi tỏa dịu dàng xuống dòng sông Cái và hắt lên nền trời quầng sáng ấm áp. Từ xa nhìn về, Tháp Bà PoNagar giống như ngôi nhà của Mẹ luôn chong đèn đón đợi những đứa con…

Du lịch, GO! - Theo ICTPress, internet
Khu lưu niệm soạn giả Cao Văn Lầu được UBND tỉnh Bạc Liêu công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 1997. Đây là một trong những địa chỉ du lịch lý tưởng của du khách và những người đam mê đờn ca tài tử.

Đến với tỉnh Bạc Liêu, du khách sẽ được tham quan rất nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu như vườn chim Bạc Liêu, Phật Bà Nam Hải, nhà công tử Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán…, mỗi nơi sẽ khiến chúng ta có những cảm nhận khác nhau.

Đặc biệt, khi đến Khu lưu niệm soạn giả Cao Văn Lầu ngoài việc được nghe kể lại quá trình hình thành, phát triển của bản vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương, chúng ta còn có điều kiện tìm hiểu thêm về con người và cuộc đời của soạn giả Cao Văn Lầu, người đã làm nên tên tuổi của bản “Dạ cổ hoài lang”, một báu vật của nền cải lương Nam bộ.

< Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Hiện nay, Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được tỉnh Bạc Liêu trùng tu và mở rộng diện tích gần 3 ha với tổng kinh phí hơn 6 tỉ đồng. Vào khu lưu niệm đi qua chiếc cổng kiên cố, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người tham quan là khu mộ của gia đình soạn giả Cao Văn Lầu.

Tại đó có 4 mộ phần của cha, mẹ ông và vợ chồng ông. Kế bên là khu trưng bày hiện vật nơi lưu giữ tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến cố nhạc sĩ.

Giữa phòng trưng bày có tượng soạn giả Cao Văn Lầu với khói hương nghi ngút, hai bên án thờ là hai bản “Dạ cổ hoài lang” cùng nhiều tác phẩm khác của ông được viết bằng nét bút thi pháp điêu luyện.

Đối diện với phòng trưng bày là khu nhà dành để bày bán những quyển sách viết về Cao Văn Lầu và một số hàng lưu niệm. Ngoài ra, khu lưu niệm còn có sân khấu ngoài trời phục vụ biểu diễn những ngày kỷ niệm và lễ hội…

Đến đây không chỉ biết thêm về thân thế sự nghiệp của soạn giả Cao Văn Lầu và hoàn cảnh ra đời của bản “Dạ cổ hoài lang”, du khách không khỏi xúc động trước tấm lòng nghĩa nhân, chung thủy của một bậc nghệ sĩ tài danh này. Sinh ra tại tỉnh Long An, đến năm 4 tuổi Cao Văn Lầu theo gia đình trôi dạt đến nhiều nơi, cuối cùng ông đã gắn kết cuộc đời mình với mảnh đất Bạc Liêu hiền hòa.

Cũng tại nơi đây, Cao Văn Lầu được thầy Lê Tài Khí - còn được gọi là nghệ nhân Nhạc Khị, bậc thầy của các thầy nhạc lễ và nhạc tài tử lúc bấy giờ ở Bạc Liêu dạy bảo và dìu dắt vào nghề. Với tư chất thông minh, năng khiếu bẩm sinh nên ông được thầy Khị vô cùng yêu mến.

Cao Văn Lầu là một trong số ít những học trò được thầy truyền nghề tận tâm vì thế tài năng của ông ngày càng được bộc lộ và phát triển. Sau khi trải qua nhiều biến cố, thăng trầm trong cuộc sống, năm 1919, Cao Văn Lầu sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang”.

Được biết, tác phẩm hình thành trong thời gian cuộc sống vợ chồng của Cao Văn Lầu gặp nhiều sóng gió. Mẹ Cao Văn Lầu bắt ông phải cưới vợ khác vì sau 3 năm chung sống nhưng vợ ông là bà Trần Thị Tấn vẫn không sinh được con nối dõi tông đường. Phần vì đau lòng, phần vì tủi phận thay cho vợ mình ông đã từ chối kết duyên với người con gái khác.

Để giữ trọn nghĩa nhân, vẹn thủy chung với vợ, ông vẫn thường xuyên lui tới thăm nom, chăm sóc vợ khi bà không còn được ở bên nhà chồng.

Dù biết là vậy nhưng nỗi xa cách, nhớ nhung đến xé lòng cùng với những giây phút suy tư trước nhân tình thế thái khiến Cao Văn Lầu bật lên những âm điệu não nuột, ai oán qua bài “Dạ cổ hoài lang”.

Nhìn trên một phương diện nào đó, tác phẩm như là tiếng nấc, là bản nhạc lòng quý giá của tác giả đối với người tri âm, tri kỷ. Ngoài ra, tại đây chúng ta còn được tiếp cận nhiều nguồn tư liệu về việc bảo tồn và phát triển của bản “Dạ cổ hoài lang” trong nhiều thập kỷ qua.

Ngày nay khi đến với Bạc Liêu, đến với Khu lưu niệm soạn giả Cao Văn Lầu dù ít hay nhiều chúng ta vẫn được nghe “Dạ cổ hoài lang” từ một số câu lạc bộ đờn ca tài tử nằm trên địa bàn tỉnh.

Ông Khưu Minh Chiến, chủ nhiệm câu lạc bộ đờn ca tài tử, Trưởng đoàn cải lương Cao Văn Lầu cho biết: Câu lạc bộ chủ yếu hoạt động ở các địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Tại Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu chúng tôi phục vụ theo sự yêu cầu của khách tham quan. Có nhiều khách du lịch là người trong tỉnh nhưng họ vẫn đến đây tham quan và rất thích nghe chúng tôi hát vài bài vọng cổ.

Hiện tại dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn kiên trì và cố gắng phát huy hơn nữa để đờn ca tài tử và những bản vọng cổ sẽ vẫn là món ăn tinh thần của người dân Nam bộ.

Không chỉ có khách trong nước, khu lưu niệm còn thu hút nhiều khách nước ngoài đến tham quan, nghiên cứu. Ông Phan Thế Anh, Việt kiều Úc, sau 30 năm xa quê hương, khi đến tham quan và được tìm hiểu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của soạn giả Cao Văn Lầu nói: “Tôi nể phục tài năng của Cao Văn Lầu và quý trọng tấm lòng của ông đối với vợ mình”. Có lẽ câu nói của ông cũng là tiếng lòng của tất cả những con người nơi đây cùng với những người mộ điệu đờn ca tài tử.

Du lịch, GO! - Theo Haugiang, Conhacvietnam
Con đường nhỏ uốn mình trên đê cuốn theo vị mặn của gió biển như người dẫn đường đưa chúng tôi đến với vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định). Bất chợt vang lên những tiếng đập cánh, một đàn cò bợ lao về phía rặng sú gần đó khi tiếng động cơ xe máy của chúng tôi phá vỡ không gian yên tĩnh của làng quê...

Tấm biển "Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng" hiện ra trước mắt chúng tôi. Chiều muộn, từng đàn chim lạ chúng tôi chưa nhìn thấy bao giờ cùng những bầy cò, vịt trời... bay về tổ trên những rặng sú, khóm trang... tạo nên một bức tranh sinh động phản chiếu trên mặt nước yên bình. Hàng ngàn tiếng kêu của các loài chim tạo thành một sóng âm lớn khiến Xuân Thủy như sân khấu của một khúc hòa tấu lạ thường.

Chỉ kịp rút chìa khóa khỏi xe máy, chúng tôi bước thật nhanh về hướng có nhiều chim nhất. Anh Tuấn, một người bạn đam mê nhiếp ảnh và động vật hoang dã đi cùng đoàn, chợt ra hiệu rồi đưa tay chỉ về những rặng sú nhỏ sát chúng tôi. Một đàn cò lạo Ấn Độ (loài cò lớn gấp năm lần cò bợ VN) đang "tâm sự" gần đó.


< Trên triền cát bãi Cồn Lu là một rừng gỗ lũa tuyệt đẹp.

Rón rén cúi thấp người sau những bụi cây, chúng tôi bấm liên tục những tấm ảnh về loài cò ít người từng thấy.
Tiếp tục đi sâu vào khu vực Cồn Lu, chúng tôi phải xắn ống quần cao hơn một chút khi lội xuống bùn. Dưới mặt bùn chi chít những "ngôi nhà" của loài cáy - các hang tròn nhỏ bằng đầu ngón chân; chúng vác chiếc càng to quá khổ so với thân hình chạy rất nhanh vào hang.

Men theo những triền đê chắn sóng, chúng tôi bắt gặp vài chiếc thuyền nan nhỏ của ngư dân bỏ lại. Trong khung cảnh hoang dã, những chiếc thuyền phủ kín những con hà nhỏ bé với vỏ sắc khiến chúng tôi có cảm giác như đang đi khảo cổ. Cứ thế chúng tôi đi mãi cho tới khi gió biển se lạnh thổi vào đất liền mới quay lại điểm xuất phát khi trời sụp tối, lúc này trên những rặng sú chỉ nghe được tiếng kêu của các loài chim.


< Rừng ngập mặn tại vườn quốc gia Xuân Thủy.

Đi quãng đường gần 150km bằng xe máy từ Hà Nội rồi lại lăn lê bò toài chụp ảnh khiến chúng tôi thấm mệt. Anh Dũng, cán bộ vườn quốc gia, cho biết: "Những đoàn khách nước ngoài cũng lăn lê như các anh, họ đi suốt mấy ngày và sung sướng khi quan sát động thực vật nơi đây. Nhưng cũng không bằng mấy tay "phượt". Có khi họ trở về tôi không nhận ra nữa: quần áo, mặt mũi bê bết bùn đất, giày dép chiếc mất chiếc còn...".

Sau giấc ngủ tại vườn quốc gia, bản hòa tấu ríu rít của bao loài chim báo thức chúng tôi dậy sớm. Nhờ anh Dũng liên hệ với một bác ngư dân, chúng tôi lên chiếc thuyền nhỏ đi sâu vào khu vực rừng ngập mặn. Bác ngư dân cho biết một số ít hộ dân sống trong khu vực vườn quốc gia mưu sinh bằng nghề cào nghêu, câu mực và nuôi hà. Bác chỉ những đám hà to bằng nắm tay nằm lăn lóc trên bãi bùn: "Chúng tôi gom hà lại rồi vứt ở đây, một năm sau là thu hoạch được".


< Cò mỏ thìa ở Xuân Thủy.

Trong khi chiếc thuyền chèo tay chậm rãi trôi dọc sông Vọp, bác ngư dân giải thích đặc điểm của từng loài chim cũng như điều kiện sống của động thực vật ở đây. Mái chèo khuấy nước lộ ra những đàn cá gần bằng bàn tay. Bác ngư dân nói: "Cá, chim nhiều như vậy nhưng chúng tôi không đụng đến một cọng lông hay cái vảy của chúng".

Con thuyền đưa chúng tôi ra tới cửa Ba Lạt, thăm hải đăng Tiền Hải, đài quan sát cồn Ngạn và cồn Xanh, một đảo cát pha mới bồi đắp.

Bạn có thể đi theo tour du lịch đến đây, ngồi xuồng máy thăm thú vùng cửa sông ngập mặn, xem các loại chim trời, tham quan đời sống sinh hoạt của ngư dân trên bến cá Giao Hải, thăm làng dệt lưới, làm nước mắm và chợ quê... nhưng thú vị hơn vẫn là tự khám phá một vùng thiên nhiên hoang dã với một người dân bản địa dẫn đường.


< Con thuyền bị hà bao phủ trông như thuyền cổ.

Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng. Đây là rừng ngập mặn đầu tiên ở VN được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar và là rừng ngập mặn thứ 50 của thế giới.


Vườn nằm ở phía đông nam huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, ngay cửa Ba Lạt của sông Hồng. Diện tích toàn bộ vườn khoảng 7.100ha, gồm 3.100ha diện tích đất nổi có rừng và 4.000ha đất rừng ngập mặn.
Hằng năm có tới khoảng 100 loài chim di cư chọn nơi đây là điểm lưu trú trên đường di cư về phương Nam trú đông, trong đó tới 1/5 số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới.


Tại vườn ước tính có 215 loài chim nước sinh sống, nhiều loài gần như tuyệt chủng có tên trong sách đỏ thế giới như: rẽ mỏ thìa, bồ nông, cò thìa, choi choi mỏ thìa, mòng biển, diệc đầu đỏ... Dưới làn nước thủy triều có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, tổng cộng khoảng 500 loài động vật. Vườn hiện có 120 loài thực vật bậc cao, trong đó nhiều loài rong tảo có giá trị kinh tế cao.

Du lịch, GO! - Theo TTCN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống