Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 14 April 2012

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng là chương trình được tổ chức cho tất cả mọi người dân, cho ngành du lịch, cho thành phố Đà Nẵng nói riêng cũng như của cả nước nói chung. Người dân và du khách đang đón chờ cuộc thi năm nay với sự hồi hộp và niềm hứng khởi đặc biệt…

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, tình hình triển khai các nội dung phục vụ DIFC 2012 đang được tiến hành khẩn trương, bảo đảm tiến độ đề ra. Đến nay, hệ thống thiết bị của đội Pháp đã đến Đà Nẵng. Dự tính, công suất đặt phòng trong hai ngày 29 và 30-4 tại Đà Nẵng ước đạt 79%.

Về chương trình nghệ thuật do Nhà hát Trưng Vương đảm nhiệm với thời lượng 45 phút/đêm. Chương trình nghệ thuật chính để truyền hình trực tiếp do Công ty Sơn Lâm thực hiện kịch bản.

Ngoài các khán đài A, B, C có 25.174 chỗ ngồi, lắp đặt thêm 2 khán đài B4 và B5 quy mô gần 7.000 chỗ ngồi ở phía tây đường Trần Hưng Đạo theo chỉ đạo của UBND thành phố, nâng tổng số ghế ngồi tại các khán đài lên hơn 32 nghìn chỗ. Ngoài ra, tại các khán đài và dọc theo đường Bạch Đằng, Ban tổ chức sẽ bố trí khoảng 20 cụm âm thanh và màn hình để phục vụ khán giả.

Về công tác vệ sinh môi trường, ông Lê Đỡ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, sẽ lắp đặt 84 nhà vệ sinh lưu động, chủ yếu quanh các khu vực khán đài, tăng 11 cái so với năm ngoái.

Ngoài ra, trước và sau cuộc thi, đơn vị sẽ tiến hành rửa một số tuyến đường dẫn vào khu vực khán đài để bảo đảm vệ sinh môi trường.  Công ty Nghệ thuật Việt cho biết, tính đến ngày 20-3, tổng giá trị vận động tài trợ cho cuộc thi là 32 tỷ 279 triệu đồng, việc kêu gọi tài trợ cho cuộc thi vẫn đang được tiếp tục.


< Chuẩn bị sân khấu.

Ngoài 5 điểm bán vé tại Đà Nẵng, vé xem pháo hoa sẽ được bán tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các đơn vị tàu thuyền vận chuyển khách du lịch của thành phố có đủ điều kiện được bán vé phục vụ khách du lịch.

Bên cạnh hoạt động chính là các màn trình diễn pháo hoa của các nhà vô địch, để phục vụ cho người dân và du khách đến với Đà Nẵng trong thời gian này, thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phụ trợ như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa trên máy vi tính lần 2; Diễu hành thuyền hoa, thả hoa đăng trên Sông Hàn; Trưng bày tượng đá Non Nước; Khu trò chơi dân gian, diễn xướng bài chòi, chợ đêm; Khu ẩm thực, Khu gian hàng bán thức ăn nhanh.

Các quầy bán hàng lưu niệm; Giới thiệu các khu du lịch, danh lam thắng cảnh của Đà Nẵng và Khu gian hàng trưng bày các dự án bất động sản; Diễu hành xích lô hoa; Biểu diễn âm nhạc đường phố;  Vũ hội Vui cùng pháo hoa; Lễ hội "Văn hóa - Ẩm thực - Du lịch DIFC 2012"; Các tour, tuyến du lịch... và đặc biệt là Chương trình nghệ thuật "Lung linh sắc Việt" lần 2.

Để đáp ứng nhu cầu xem pháo hoa trên thuyền của du khách, UBND thành phố Đà Nẵng cũng cho phép các đơn vị có tàu du lịch bán vé trên tàu xem trình diễn pháo hoa; tuy nhiên phải có cam kết đảm bảo về an toàn, chất lượng dịch vụ và giá vé bán cũng không được quá 300.000 đồng/vé/người/đêm.

Cuộc thi năm nay, Đà Nẵng quyết định đổi tên cuộc thi thành Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Sự kiện này trở nên đặc biệt hơn khi TP này quyết định chọn 04 đội vô địch của Cuộc thi 4 năm trước, cùng với đội Đà Nẵng - Việt Nam tham gia tranh tài. Chính vì thế, chắc chắn các màn trình diễn của Cuộc thi lần thứ 5 này sẽ là một "trận chung kết" giữa các anh tài pháo hoa thế giới.

Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2012

Du lịch, GO! - Theo Datviet

Friday, 13 April 2012

Cù lao Chàm là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Nam có loài chim Yến hàng - Collocalia Fuciphaga Genmaini Oustalet, thuộc phân giống Yến hông xám (Swiftlets), giống Collocalia, họ Apodidac, bộ Yến Apdiformes. Chim Yến có vóc dáng chỉ nhỏ bằng chim sẻ, hông và bụng màu xám, toàn thân nâu đen; cánh dài ( 115-125mm), vút nhọn, bay rất khoẻ, đuôi ngắn, chẻ đôi; mỏ ngắn, dẹp, có thể há rất rộng.

< Hang Yến tại cù lao Chàm.

Hàng năm, vào cuối tháng 11 âm lịch, yến bắt đầu làm tổ theo một cách rất độc đáo: yến nhả nước bọt thành những dãi trắng lên những vách đá cheo leo của các hang động trên đảo. Dãi yến mới nhả ra có màu trắng phớt hồng, gặp gió quánh lại, chuyển thành màu trắng đục.

Tổ chim yến thường được gọi là yến sào hay tai yến. Yến đẻ trứng, ấp trứng và nuôi cho đến khi chim con đủ sức tự bay đi kiếm mồi. Tổ yến có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chiếm từ 36-52% protein và là một nguồn dược liệu rất quý.

Tổ yến giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, bổ khí huyết, tráng dương, ổn định thần kinh, chống lão hoá, làm đẹp nước da và có thể ngăn ngừa, thậm chí chữa được nhiều loại bệnh nan y như lao phổi, hen suyễn, viêm xương...Chính vì vậy, yến sào là loại hàng hoá hiếm quý, đắt giá trên thị trường từ xưa đến nay.

Nhiều nguồn tư liệu cho biết, từ trước thế kỷ 18, người Trung Quốc đã biết đến giá trị của yến sào. Một số nước ở Đông Nam Á, trong đó có người Chàm cũng đã biết khai thác nguồn đặc sản này trên các hang đảo nằm ở vùng biển quốc gia...

Ở Hội An, một ông lão họ Trần tình cờ phát hiện ra tổ yến sau đó tổ chức khai thác và nộp thuế. Vì thế, các chúa Nguyễn (từ thế kỷ 17) đã cho lập “Đội Thanh Châu”, thực chất là giao cho dân làng Thanh Châu (Hội An) khai thác yến sào ở vùng đảo Cù lao Chàm và nộp thuế hàng năm cho nhà nước. Sau này, mở rộng vào các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa.

< Thu hoạch yến sao trong hang.

Khai thác yến sào phải leo lên các vách đá cheo leo, hiểm trở, bên dưới là mặt nước biển ăn sâu vào hang sâu, nếu sơ sẩy, người thợ khai thác khó an toàn tính mạng. Ở Cù lao Chàm, chim yến thường làm tổ trong các hang ở Hòn Khô (mẹ), Hòn Lao, Hòn Tai...Việc khai thác yến sào ở Hội An hiện nay do Đội Khai thác Yến, trực thuộc UBND Thị xã phụ trách. Mỗi năm, khai thác 2 kỳ ( vào tháng 4 và tháng 8 dương lịch).

Tổ yến sau khi khai thác, mang về làm sạch bằng cách lấy dao nhọn hoặc nhíp nhặt hết lông, phân chim, rêu và bùn đất. Phải hàng hai chục công nhân làm trong vài ngày. Sau đó phân thành các hạng căn cứ theo kích thước màu sắc, khối lượng gồm: Yến huyết, yến thiên, yến quang, yến bài, yến địa, yến vụn. Giá yến bình quân 3.000USD/kg.

Hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch, cư dân và những người làm nghề khai thác yến tổ chức cúng rất linh đình để chuẩn bị bắt tay vào vụ khai thác mới. Công trình chính gồm 2 nếp nhà nối liền thông với nhau, mái lợp ngói âm dương. Nếp thứ nhất hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu chồng rường giả thủ. Nếp thứ hai hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu khung cụi chính giữa rồi bắt quyết qua 4 mái.

< Cổng vào miếu tổ.

Trên bàn thờ, ngoài các bài vị của những bậc tiền bối khai sáng nghề yến sào là các vị thần liên quan đến sông biển. Trên tường bên hữu có tấm bia đá ghi công đức của các chư phái tộc và ca tụng vẻ núi non kỳ vĩ của Cù Lao xứ. Miếu thờ Tổ nghề Yến cung cấp nhiều thông tin quý về kiểu thức xây cất và nghệ thuật trang trí đậm đà tính dân gian

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 ÂL), cư dân làng yến Thanh Châu - Hội An tổ chức Lễ giỗ tổ nghề yến tại miếu Tổ nghề ở thôn Bãi Hương - Cù Lao Chàm. Đây là một nghề truyền thống mang đậm dấu ấn sáng tạo của cư dân địa phương, chuyên khai thác sản vật từng được mệnh danh là “vàng trắng xứ Quảng”…

Giỗ Tổ nghề Yến là một lễ lệ dân gian có từ lâu đời nhằm cầu mong biển trời phù hộ và tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối đã có công trạng đối với nghề khai thác Yến sào; đồng thời nâng cao niềm tự hào và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển đảo thân yêu. Tuy nhiên, lễ lệ giỗ tổ nghề Yến từng bị mai mọt khá nhiều qua thời gian và bao biến thiên lịch sử, mới được lưu tâm phục hồi mấy năm gần đây nhưng lại thiếu tính chủ động và ổn định.

Các hoạt động Giỗ Tổ nghề Yến năm nay là sự kiện văn hóa- du lịch quan trọng nằm trong chuỗi chương trình Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam- 2006 nhằm giới thiệu và quảng bá một nghề truyền thống đặc trưng của cư dân sông nước Hội An tiếp tục được lưu truyền đến ngày nay, gắn với một đặc sản quý nổi tiếng khắp trong và nài nước; đồng thời góp phần khám phá vẻ đẹp quyến rũ của đất nước, biển trời và con người hải đảo; qua đó góp phần chọn lựa để định hướng cho việc tổ chức các hệ thống lễ hội truyền thống dân gian gắn với phát triển du lịch của Hội An.

Các hoạt động Giỗ Tổ nghề Yến hàng năm thường diễn ra vào các ngày mồng 9 và 10 tháng Ba âm lịch tại xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm, với nhiều hoạt động phong phú: Tế Tổ nghề Yến, Vui hội làng chài ( đua ghe ngang, kéo co bằng thuyền trên biển, hội Bài chòi, trò chơi bịt mắt đập nồi), đêm hội Cù lao (biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, giao lưu văn nghệ đất liền- hải đảo- du khách), Chợ ẩm thực món đặc sản Cù Lao Chàm (các đặc sản biển, rau rừng, bánh ít, tổ yến khô, yến chưng hột sen, rượu yến, rượu hải sâm- bào ngư...), tour tham quan thắng cảnh biển đảo- các khu du lịch Cù Lao Chàm, hang Yến sào (hang Tò Vò), làng chài Bãi Hương, xem san hô, các loài hải sản dưới biển bằng thuyền đáy kính và thúng đáy kính khu vực Bãi Nần.

Có thể nói, khác với các nghề mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà mang tính kế thừa truyền thống của cư dân Việt từ đồng bằng Bắc Bộ, nghề khai thác yến sào Hội An hình thành do sự sáng tạo độc lập, phù hợp với môi trường cư trú, điều kiện tự nhiên và tiềm năng khai thác, chinh phục thiên nhiên của người lao động nơi đây. Cù Lao Chàm đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, bởi ở đây không những có các rạn san hô, bãi biển đẹp, các món ngon như vú nàng, vú xao… mà còn có những di chỉ văn hóa độc đáo. Làng nghề yến, miếu tổ nghề yến là một trong những địa chỉ thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách gần xa.

Dân đảo tin rằng, năm nào lễ tạ diễn ra trong thời tiết trong trẻo, biển yên, sóng lặng, các trò hội rộn rã, đông đảo người tham gia thì năm ấy vụ yến sào được mùa…

Du lịch, GO! - Theo Cyworld.vn, Danviet
(Tiếp theo và hết)
Cồn Hến

< Hình ảnh Cồn Hến nhìn từ thành phố.

Sau khi qua khỏi 2 cây cầu Phú Xuân và cầu Trường Tiền, xuôi về phía dưới không xa là cồn Hến, lớn hơn nhiều so với Dã Viên. Cồn Hến là vùng đất bồi ra giữa sông Hương phía tả hoàng thành, cũng chia sông Hương ra làm hai nhánh. Nhánh phía Đông là ranh giới giữa Vĩ Dạ và cồn Hến, nhánh phía Tây là ranh giới giữa cồn Hến và phường Phú Cát. Theo quan niệm phong thuỷ, nó đựơc xem là Tả Thanh long của Kinh thành Huế.

Trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An, cồn Hến từng được tả là “một cù lao xinh đẹp”. Khởi thuỷ gọi là cồn Soi.

Ngày xưa, hai khe nước giữa cồn phù sa lấp cạn, tôm cá rất nhiều, đêm đêm người đến đây soi, đơm bắt, đèn đuốc sáng cả góc trời, cái tên này có lẽ bắt nguồn do dân sông nước chài lưới sống bằng nghề soi cá tôm ban đêm.  Cái tên Cồn Hến sau này mới được đặt, xuất phát bởi hình dáng của cù lao này nhìn từ trên cao xuống trông “hao hao con hến”. Nhưng có người lại bảo tên gọi ấy là bởi người dân ở đây chuyên làm nghề hến, người ta lấy luôn tên nghề để đặt cho tên đất. Có lẽ điều này đúng hơn.

Thời gian chúa Nguyễn Phúc Khoát (1725- 1738) xây dựng phủ chúa ở Phú Xuân, ông Huỳnh Tương (người xã Diên Đại, Phú Xuân, Phú Vang) đến ở dựng chòi gần đầu múi cồn phía trên ở làm nghề cào hến. Chuyện kể rằng, vợ chồng ông bà họ Huỳnh này nghèo lắm. Người chồng cần mẫn ngày đêm đi đánh bắt cá, vợ ở nhà lo chăm con. Mong kiếm thêm chút thức ăn cho gia đình, người vợ cũng cặm cụi ra bờ sông mò bắt hến. Sau, bắt được nhiều bà đem đi bán bớt. Dân Huế bắt đầu làm quen với món ăn mới, mộc mạc, hiền và rẻ của sông nước quê nhà. Những người phụ nữ khác thấy vậy cũng bắt chước làm theo.

< Nhánh sông nằm giữa Vĩ Dạ và cồn Hến, phía bên kia sông là Cồn Hến. Từ quán cafe Vĩ Dạ Xưa bạn có thể nhìn thấy cồn Hến phái bên kia nhánh sông.

Mãi đến đầu niên hiệu Gia Long (1802-1820), phường Giang Hến ra đời, từ đó đảo nhỏ nổi giữa sông Hương, phía tả hoàng thành này được gọi là xứ (đảo) cồn Hến. Từ mò bắt bằng tay, người ta nghĩ ra cái cào để vừa đỡ vất vả vừa bắt được nhiều hến. Tương truyền, đến đời Thiệu Trị, con hến đã được bán nhiều ở khắp các chợ vùng kinh đô Huế và trở thành món ăn ưa thích của nhiều người. Một đầu bếp đã dâng lên vua món ăn dân dã này. Vua Thiệu Trị ăn thử thấy ngon. Hỏi lai lịch nghề và biết được làm nghề hến hết sức cực nhọc mới ban chỉ dụ nghề hến là “nghề được miễn thuế”.
Cúng tổ nghề hến được tổ chức vào các ngày 24 và 25 tháng 6 Âm lịch hàng năm. Tại cồn Hến hiện vẫn còn lưu giữ ngôi nhà thờ tổ tại Phường GiangHến.


< Cầu Hương Lưu dẫn vào Cồn Hến (nằm ngày đầu chợ Vỹ Dạ, trên đường Nguyễn Sinh Cung).

Vào dịp cúng tổ, nhà thờ được bài trí tôn nghiêm, lễ phẩm, trầm hương nghi ngút. Lễ tục này được tổ chức là do nguyên nhân sau: Vào năm Thành Thái thứ 4 (Nhâm Thìn 1892) ở phường Giang Hến có bà Trần Thị Thẹp đi thuyền ra dũi hến ở vùng sông trước đình Hương Cần (huyện Hương Trà), bị hương lý xã kéo ra bắt, đưa thuyền của bà Thẹp lên bờ đòi chịu nộp thuế phạt. Dân phường Giang Hến hay tin, làm đơn kéo nhau đi kiện, được châu phê: " Thượng từ nguyên đầu, hạ chí hải khẩu" (Nghĩa là: Từ đầu nguồn đến cuối sông biển, ao hồ chịu thuế, sông nước được dùng).

Thắng kiện, phường Giang Hến kết long đình trên thuyền, trang trí cờ lọng đi rước châu phê, xã Hương Cần phải thả bà Thẹp, đưa thuyền của bà Thẹp xuống nước, dân phường Giang Hến rước về tận đình phường làm lễ tạ. Cho rằng sở dĩ làng được kiện là nhờ thần sông phù hộ, cho nên dân làng lấy ngày này làm ngày lễ tế hàng năm. Ngày chánh tế, một vị bô lão đứng chủ tế trước hương án trên một chiếc thuyền gọi là thuyền cầu nghề. Trên hương án có “sắc bằng” tổ nghề vốn vẫn được lưu giữ từ xưa tại nhà thờ họ Huỳnh, dòng họ đã khai sinh nghề hến. Thuyền được cho chạy quanh cồn Hến để thỉnh Tổ, sau đó rước về nhà thờ và hành lễ. Sau khi tế lễ xong, “sắc bằng” tổ nghề lại  được trang trọng hoàn thỉnh về tại nhà thờ họ Huỳnh.

Qua thời gian, từ một ốc đảo nhỏ được đất bồi, cát lấp, cồn Hến ngày nay thành một vùng đất đai cao ráo với diện tích gần 33 ha. Ốc đảo cồn Hến ngày nay trở thành một khu dân cư đông đảo trù phú, nhà cửa, trường học, đền chùa được xây dựng khang trang. Hơn thế, đây còn có nhiều quán cơm hến, chè bắp cồn...vừa nhỏ xinh xắn nấp mình sau những lùm cây xanh, soi mình mặt nước sông Hương.

Ngoài món cơm hến, thì cồn Hến còn món chè bắp cũng nổi danh không kém, được làm từ bắp Cồn được trồng ở bãi bồi màu mỡ ven sông Hương. Chè bắp là món hấp dẫn nhất, cao sang nhất trong tất cả các món ăn chế biến từ bắp Cồn. Chè bắp thơm ngọt, không phải cái ngọt của đường mà là cái ngọt riêng của sữa bắp non. Muốn nấu chè bắp phải biết chọn hạt bắp non vừa ngậm sữa, bóc hết bẹ, bỏ hết râu, bỏ hạt sâu. Xong dùng dao bào thái theo chiều dọc quả bắp. Bào bắp xong, cùi bắp cho vào nồi luộc để lấy nước. Nước luộc cùi bắp lọc thật trong rồi thêm nước đun sôi để nấu chè. Khi nước sôi cho đường (vì nước luộc cùi bắp đã ngọt nên chỉ cần cho ít đường vừa đủ độ ngọt) và ít bột đao vào để cho chè sánh, rồi đổ bắp thái vào, khuấy đều tay, chè sôi lại là được. Chè bắp có vị ngọt thanh tao, mùi thơm mát được ưa chuộng nhất trong các loại chè ở Huế.

Nếu có dịp đến Huế, xin mời bạn đừng quên ra nơi này để thưởng thức mùi thơm béo của những bát nước hến trắng đục được lấy từ dòng Hương và vị ngọt của những bát chè bắp hôi hổi nóng được trồng từ vùng đất nổi giữa lòng sông. Nhìn bao quát, vùng cồn Hến như một hòn đảo, tô điểm thêm cho nét tươi đẹp của dòng Hương hiền hòa, thơ mộng.

Bài viết này đã kết thúc chuyến xuôi dòng Hương Giang, đưa các bạn từ  từ Ngã ba Bằng Lẵng qua 7 điểm dừng cho đến Cồn Hến. Nơi đây gần như cũng là điểm dừng của các bến thuyền rồng du lịch dọc con sông hương thơ mộng. Một ngày nào đó, các bạn có dịp đến Huế, lênh đênh trên một chiếc thuyền rồng du lịch xuôi dòng Hương từ lăng Minh mạng trở về thành phố, chắc hẳn ràng các bạn sẽ cảm thấy thú vị hơn rất nhiều khi vừa được ngắm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp vừa biết được tường tận những huyền thoại, những câu chuyện kỳ thú xoay quanh nó từ bao đời nay.

Nguyễn Văn Liêm

B1 - Xuôi dòng Hương Giang
B2 - Xuôi dòng Hương Giang
B3 - Xuôi dòng Hương Giang
B4 - Xuôi dòng Hương Giang

Du lịch, GO! - Theo web Huế Thương

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống