Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng. Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi sắp thành bố, thành mẹ. Đó là câu chuyện về chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Ngày xửa ngày xưa, từ hồi chưa biết tới rừng rú và chỉ đắm đuối trong những chuyến du lịch được sắp sẵn, tôi đã nghe ông thầy tôi, một “người rừng” sống giữa thành phố khuyên rằng: Này, đi rừng thú vị lắm. Đôi nào chỉ cần hơi thinh thích nhau là sẽ yêu nhau liền. Còn đôi nào từng yêu nhau thì sau này có xa nhau cũng chẳng thể nào quên nhau được.
Tôi mới chỉ biết tới vẻ đẹp xanh thẫm và lộng gió của bờ biển. Rừng với những chuyến đi vất vả chỉ lấy đi của tôi mồ hôi và sức lực. Không một sự nghỉ ngơi, thư giãn. Vậy rừng có gì mà hấp dẫn đến vậy?
Thế rồi tôi cũng có được câu trả lời này, sau khi leo lên đỉnh Fanxipăng. Sau đấy là nhiều chuyến đi khác. Nhưng nó mới chỉ đơn thuần là nhớ rừng, mến rừng. Còn yêu rừng, phải là chuyến đi định mệnh, mà tôi đã tìm thấy được người chồng sau này của mình.
Bắt đầu những chuyến đi từ hai ả đàn bà phiêu lãng. Tôi, một người luôn mang trong mình sự chán chường và não nề của nhiều cảm xúc đan xen khó tả, luôn muốn phá bung những rào cản của xã hội. Ả kia, những mối tình không níu giữ nổi bằng những chuyến khám phá. Ả đi như như điên như dại, tới mức, nhiều khi, quên chính cả bản thân mình.
Ả gặp tôi khi tôi vừa lang thang 2 tuần ở TP.HCM. Hất cằm: Đi ngược dòng sông Mã bằng đường bộ không? Có xế rồi. Ôm đã có hai “em” xếp lịch. Nhưng nếu gái thích, chị loại thẳng. Cho gái lên luôn. Xế hơi bị ngon nhé! Cao to, đẹp trai. Mới ở nước ngoài về.
Cao to ư? Đẹp trai ư? Điều đó tôi chẳng quan tâm. Những mối tình trải qua tôi đã quá mệt nhọc khiến trái tim tôi như một miếng bánh bị gián gặm nham nhở. Tôi chỉ muốn có một chuyến đi cho nhẹ lòng. Ôi làm sao cho quên sự đời! Chỉ đơn giản là thế.
Xế- người mà tôi không thể ngờ chỉ 10 tháng sau sẽ là chồng tôi, và 19 tháng sau sẽ là bố của con gái tôi là một chàng thanh niên cao lớn, người hơi đậm cùng chiếc răng khểnh khá duyên. Hình ảnh đầu tiên níu giữ tôi duy nhất chỉ là như thế. Chúng tôi gặp nhau trong một quán nước để thống nhất chuyện đi lại. Tôi ném phịch tờ báo xuống trước mặt gã, bảo: đọc báo đi. Rồi khinh khỉnh chúi mũi vào đó, mặc kệ người sắp đèo mình mặt buồn tiu nghỉu.
Ngày đầu tiên, tôi nhớ rất rõ vì đó là ngày mà trang báo mà tôi đang làm việc lên khuôn. Tôi đã quyết định bỏ mặc tất cả. Bỏ mặc công việc, mọi người, và những ưu phiền xã hội. Xế đèo tôi có cái lưng to bản như con trâu, mặc chiếc áo màu ghi xám. Tôi ngồi đằng sau, tóc nhuộm đỏ đã phai chuyển sang màu vàng sẫm. Xe bên này: Tôi – 1983; xế 1979. Xe bên kia, ả - 1978; xế 1983. Một sự lệch pha đầy đáng tiếc.
Cung đường của chúng tôi lần này là cung đường mà tất cả mọi phe phái du lịch đều “chê”. Người nào đi du lịch thuần túy thì hẳn là chê rồi. Nhưng cả những dân “phượt” sành điệu cũng chẳng bao giờ coi đây là cung đường nên đến. Cụ thể: đường Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu- Co Lương, rồi rẽ tại chợ, sau đó đi hết qua bản này bản kia, và điểm dừng chân là Mường Lát. Chỉ đơn giản vậy thôi. Chẳng có cảnh đẹp, chẳng có du lịch. Đó là đường men sát biên giới Việt Nam – Lào mà dân địa phương cũng chẳng hứng thú qua lại. Con đường đi tới Co Lương thì chúng tôi cũng bị mất dấu trên bản đồ. Đi mà không biết bao giờ mình mới tới đích. Đi như một kẻ lầm lũi trước những dấu hỏi cuộc đời đang còn nhiều bỏ ngỏ.
Đoạn đường rẽ từ Co Lương là đoạn vừa ngập sau cơn mưa. Chưa kịp khô, đường nhão nhoét bùn. Từng tảng bùn ngoạm vào bánh xe như muốn nuốt chửng. Vừa vào ngã rẽ, xế bất ngờ xòe ngay một vòng 180 độ. Ôm ngồi sau lưng nhanh người, nhảy phắt xuống đường, cười sảng khoái.
Một ngày vất vả mà không được mãn nhãn. Trời mùa hè nóng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại, đường đi vất vả. Bữa tối dừng tạm tại một ngôi nhà bán bánh kẹo ven đường. Rau mùng tơi, trứng rán và dưa chuột chẻ là ba món duy nhất. Nhưng vẫn thấy ngon đáo để. Lần đầu tiên, tôi được biết tới vị của hạt xẻn nướng, ớt nướng giã cùng ớt hột. Thơm hăc hắc, vị thơm đúng kiểu miền núi. Món chấm này thường được điểm thêm cùng món gà luộc hay thịt lợn nướng. Với chúng tôi hôm đó, chỉ có mỗi trứng rán và dưa chuột chẻ để chấm, nhưng đã xuýt xoa khen ngon đáo để lắm rồi.
Đêm. Chúng tôi xin ngủ trọ tại một gia đình trẻ ở xã Trung Sơn. Chồng là cán bộ xã, vợ là giáo viên. Hai vợ chồng mới có một cháu nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Cuổi ngày, tôi và anh bạn 83 cùng tuổi ngồi hút thuốc ngòai hiên nhà. Xế tôi cùng ả kia nói chuyện cùng chủ nhà. Nói chung đối với tôi, ngày đầu tiên trải qua bình thường không có gì đặc biệt. Giữa tôi và xế vẫn có một khoảng cách trắng xóa.
Nhưng sang ngày thứ hai, chúng tôi đã bắt được nhau những tín hiệu đáng kể. Xế tôi tuy lần đầu tiên đi “phượt”, nhưng rất tháo vát và chịu khó, tay lái cũng đằm. Tôi ngồi sau xế sướng hơn ả kia ở chỗ, nhiều đoạn khó xế vẫn trụ vững được trên yên. Còn xế 83 kia ngã xòe, khiến ả hơi tẹo phải nhảy phóc xuống đất, đỡ, ẩn, ủn đít xe. Tôi bắt đầu luyên thuyên nói chuyện.
Từ đó biết được không nhiều thì ít về anh chàng này: đó là một người nhiệt tình, chân thành, cởi mở, có nhiều sở thích những cũng có một quá khứ nhiều khúc khủyu. Tôi gọi đùa xế là “Nghé”, thay cho con trâu mà trên đoạn dốc tẹo nữa là tôi muốn (trong tưởng tượng) đá chân đẩy nó xuống vực, khi nó đang nhai cỏ. Giữa chúng tôi đã có một sự gắn kết ngầm. Qua con suối rửa mặt, tôi lấy khăn màu xanh vắt ướt sũng, sau đó đặt lên cổ xế để chữa nóng.
Càng đi, những con đường độc đạo nhỏ dần. Con đường nhỏ chạy dọc ven sông, lúc to, lúc nhỏ, khúc khuyủ lúc lên lúc xuống. Có những con suối đầy tảng đá hộc khiến xế phải dắt xe máy, nghiêng từ từ mới qua được. Đi tiếp, là đoạn đường men chân núi có bề ngang chừng ba mươi xăng ti mét rất nguy hiểm. Dưới chân cát trượt. Chúng tôi chơi vơi giữa một bên là núi, một bên vực thẳm sâu, dòng sông Mã đỏ ngầu chảy cuồn cuộn phía dưới. Một cảm giác hào sảng xâm chiếm khắp cơ thể tôi, bám rịn lên cả những giọt mồ hôi đang tuôn chảy.
Nhưng sự vất vả cũng đã được hưởng thành quả. Cảnh trên đường đi đẹp tuyệt vời. Chúng tôi đã gặp được cái khiến chúng tôi phải lặn lội tới tận nơi này, tuy không đúng như tưởng tượng về mức độ hoành tráng. Đó là những đoạn đường mà phía trên, người dân bản xứ uốn cong tre thành những mái che tạo thành chiếu nghỉ thiên nhiên tuyệt mĩ. Phía dưới, lá tre khô bay xào xạc như trong phim “Thập diện mai phục” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ánh nắng mùa hè gắt gỏng len chen qua rặng tre, hắt vào mặt, vào xe chúng tôi tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục giữa tiết trời oi ả.
Và rồi những con suối chảy róc rách không bóng người, những cánh đồng lúa xanh mướt mả, những mái nhà sàn dân tộc đầy màu sắc…
Đó là những em bé dân tộc với ánh mắt quyến rũ của con thú hoang dại. Đó là nụ cười hạt na đen nhánh đầy sức sống của cụ bà lái đò tại một nhánh nhỏ ngang sông Mã. Đó là anh bộ đội dân phòng với ánh mắt đầy nghi kỵ khi nhìn thấy một nhóm thanh niên thành phố lượn lờ khu vực biên giới. Đó là nữ chủ quán quê Nam Định theo số phận phải trôi dạt cùng chồng lên đây sinh sống. Những con người này chẳng biết gì tới internet, ít khi bị làm phiền bởi tivi, ít bị những triết lý quấy nhiễu tâm hồn và sống một cách thanh bình đế tẻ nhạt tại nơi này.
Cuối ngày, chúng tôi dừng chân ở huyện Mường Lát với cơ thể mệt bã. Người canh giữ đường vào huyện (bằng thanh tre vắt ngang) là hai ông già có bộ mặt rất hóm hỉnh và thân thiện. Sau bữa ăn no nê và tắm táp sạch sẽ, bốn người chúng tôi đi bộ ngắm trăng trên cầu treo Mường Lát. Hôm ấy trăng mười sáu thì phải, to và rạng rỡ hơn hẳn trăng rằm. Tôi dựa người vào thành cầu, để tòan bộ cơ thể và tâm hồn mình ngập trong trăng. Cơ thể tôi như mất trọng lượng, chơi vơi giữa trăng và làn hơi nước mát dịu. Bỗng dưng…có một luồng điện chớp qua tôi. Hình như có một bàn tay hơi chạm vào bàn tay mình…
Thiên nhiên quả là người thầy vĩ đại. Người thầy dạy ta biết cách tự vấn chính mình. Trong suốt chuyến đi, không một lần tôi nhớ tới công việc, không một lần tôi nhớ tới sự phiền muộn cố hữu. Đáng thương thay cho những con người ở thành phố, chỉ biết tới công việc, cãi vã, khói bụi và đắp đầy trong trái tim mình sự đố kị nhỏ nhen. Bất giác, tôi nếm được vị ngọt của rừng, mà trước kia tôi mới chỉ biết tới vị mặn của biển. Từng tế bào trong cơ thể tôi được khai thông, cơi mở. Tôi nhìn thấy tôi. Một tâm hồn đơn sơ và hoang dại. Một con người mưu cầu những hạnh phúc bình dị và giản đơn.
Kể từ đó đến nay, chúng tôi đã cùng nhau không biết bao chuyến du hành. Chuyến đi đó sau này được nhóm chúng tôi đặt tên là Đường tre – Suối Muống (tên những địa điểm đặc biệt mà chúng tôi đi qua). Nhiều dân “phượt” trên mạng thấy ảnh đẹp quá cũng đi cung này, nhưng hình như chẳng có đôi nào yêu nhau, cũng chẳng có bức ảnh nào nhiều nắng đẹp dường ấy. Đoạn đường tre, nghe đồn phong phanh cũng đã bị dẹp để rải đường nhựa.
Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng.
Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi sắp thành bố, thành mẹ.
Giờ đây, những chuyến đi trôi ngược về phía tôi, lẩn sâu trong quá khứ. Nhưng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quên vẻ đẹp của núi rừng. Thi thoảng trong giấc mơ, những dãy núi bạt ngàn xanh thẳm, những chiếc lưng cong đang gò mình địu ngô của người dân tộc, những con bò, con dê lững thững đi trên triền núi như những nhà hiền triết hiện lên trong giấc mơ của tôi. Rồi cả mùi lúa chín, cả cảm giác hào sảng của sự tự do tuyệt đối lại tràn ngập trong tôi. Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã bị núi rừng “bỏ bùa mê mất rồi”. Chồng tôi có lẽ cũng như vậy.
Những chuyện tình đẹp bén duyên từ "phượt"
Du lịch, GO! - Theo Phượt Cà phê
Ngày xửa ngày xưa, từ hồi chưa biết tới rừng rú và chỉ đắm đuối trong những chuyến du lịch được sắp sẵn, tôi đã nghe ông thầy tôi, một “người rừng” sống giữa thành phố khuyên rằng: Này, đi rừng thú vị lắm. Đôi nào chỉ cần hơi thinh thích nhau là sẽ yêu nhau liền. Còn đôi nào từng yêu nhau thì sau này có xa nhau cũng chẳng thể nào quên nhau được.
Tôi mới chỉ biết tới vẻ đẹp xanh thẫm và lộng gió của bờ biển. Rừng với những chuyến đi vất vả chỉ lấy đi của tôi mồ hôi và sức lực. Không một sự nghỉ ngơi, thư giãn. Vậy rừng có gì mà hấp dẫn đến vậy?
Thế rồi tôi cũng có được câu trả lời này, sau khi leo lên đỉnh Fanxipăng. Sau đấy là nhiều chuyến đi khác. Nhưng nó mới chỉ đơn thuần là nhớ rừng, mến rừng. Còn yêu rừng, phải là chuyến đi định mệnh, mà tôi đã tìm thấy được người chồng sau này của mình.
Bắt đầu những chuyến đi từ hai ả đàn bà phiêu lãng. Tôi, một người luôn mang trong mình sự chán chường và não nề của nhiều cảm xúc đan xen khó tả, luôn muốn phá bung những rào cản của xã hội. Ả kia, những mối tình không níu giữ nổi bằng những chuyến khám phá. Ả đi như như điên như dại, tới mức, nhiều khi, quên chính cả bản thân mình.
Ả gặp tôi khi tôi vừa lang thang 2 tuần ở TP.HCM. Hất cằm: Đi ngược dòng sông Mã bằng đường bộ không? Có xế rồi. Ôm đã có hai “em” xếp lịch. Nhưng nếu gái thích, chị loại thẳng. Cho gái lên luôn. Xế hơi bị ngon nhé! Cao to, đẹp trai. Mới ở nước ngoài về.
Cao to ư? Đẹp trai ư? Điều đó tôi chẳng quan tâm. Những mối tình trải qua tôi đã quá mệt nhọc khiến trái tim tôi như một miếng bánh bị gián gặm nham nhở. Tôi chỉ muốn có một chuyến đi cho nhẹ lòng. Ôi làm sao cho quên sự đời! Chỉ đơn giản là thế.
Xế- người mà tôi không thể ngờ chỉ 10 tháng sau sẽ là chồng tôi, và 19 tháng sau sẽ là bố của con gái tôi là một chàng thanh niên cao lớn, người hơi đậm cùng chiếc răng khểnh khá duyên. Hình ảnh đầu tiên níu giữ tôi duy nhất chỉ là như thế. Chúng tôi gặp nhau trong một quán nước để thống nhất chuyện đi lại. Tôi ném phịch tờ báo xuống trước mặt gã, bảo: đọc báo đi. Rồi khinh khỉnh chúi mũi vào đó, mặc kệ người sắp đèo mình mặt buồn tiu nghỉu.
Ngày đầu tiên, tôi nhớ rất rõ vì đó là ngày mà trang báo mà tôi đang làm việc lên khuôn. Tôi đã quyết định bỏ mặc tất cả. Bỏ mặc công việc, mọi người, và những ưu phiền xã hội. Xế đèo tôi có cái lưng to bản như con trâu, mặc chiếc áo màu ghi xám. Tôi ngồi đằng sau, tóc nhuộm đỏ đã phai chuyển sang màu vàng sẫm. Xe bên này: Tôi – 1983; xế 1979. Xe bên kia, ả - 1978; xế 1983. Một sự lệch pha đầy đáng tiếc.
Cung đường của chúng tôi lần này là cung đường mà tất cả mọi phe phái du lịch đều “chê”. Người nào đi du lịch thuần túy thì hẳn là chê rồi. Nhưng cả những dân “phượt” sành điệu cũng chẳng bao giờ coi đây là cung đường nên đến. Cụ thể: đường Hà Nội – Hòa Bình – Mai Châu- Co Lương, rồi rẽ tại chợ, sau đó đi hết qua bản này bản kia, và điểm dừng chân là Mường Lát. Chỉ đơn giản vậy thôi. Chẳng có cảnh đẹp, chẳng có du lịch. Đó là đường men sát biên giới Việt Nam – Lào mà dân địa phương cũng chẳng hứng thú qua lại. Con đường đi tới Co Lương thì chúng tôi cũng bị mất dấu trên bản đồ. Đi mà không biết bao giờ mình mới tới đích. Đi như một kẻ lầm lũi trước những dấu hỏi cuộc đời đang còn nhiều bỏ ngỏ.
Đoạn đường rẽ từ Co Lương là đoạn vừa ngập sau cơn mưa. Chưa kịp khô, đường nhão nhoét bùn. Từng tảng bùn ngoạm vào bánh xe như muốn nuốt chửng. Vừa vào ngã rẽ, xế bất ngờ xòe ngay một vòng 180 độ. Ôm ngồi sau lưng nhanh người, nhảy phắt xuống đường, cười sảng khoái.
Một ngày vất vả mà không được mãn nhãn. Trời mùa hè nóng như đổ lửa, mồ hôi nhễ nhại, đường đi vất vả. Bữa tối dừng tạm tại một ngôi nhà bán bánh kẹo ven đường. Rau mùng tơi, trứng rán và dưa chuột chẻ là ba món duy nhất. Nhưng vẫn thấy ngon đáo để. Lần đầu tiên, tôi được biết tới vị của hạt xẻn nướng, ớt nướng giã cùng ớt hột. Thơm hăc hắc, vị thơm đúng kiểu miền núi. Món chấm này thường được điểm thêm cùng món gà luộc hay thịt lợn nướng. Với chúng tôi hôm đó, chỉ có mỗi trứng rán và dưa chuột chẻ để chấm, nhưng đã xuýt xoa khen ngon đáo để lắm rồi.
Đêm. Chúng tôi xin ngủ trọ tại một gia đình trẻ ở xã Trung Sơn. Chồng là cán bộ xã, vợ là giáo viên. Hai vợ chồng mới có một cháu nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Cuổi ngày, tôi và anh bạn 83 cùng tuổi ngồi hút thuốc ngòai hiên nhà. Xế tôi cùng ả kia nói chuyện cùng chủ nhà. Nói chung đối với tôi, ngày đầu tiên trải qua bình thường không có gì đặc biệt. Giữa tôi và xế vẫn có một khoảng cách trắng xóa.
Nhưng sang ngày thứ hai, chúng tôi đã bắt được nhau những tín hiệu đáng kể. Xế tôi tuy lần đầu tiên đi “phượt”, nhưng rất tháo vát và chịu khó, tay lái cũng đằm. Tôi ngồi sau xế sướng hơn ả kia ở chỗ, nhiều đoạn khó xế vẫn trụ vững được trên yên. Còn xế 83 kia ngã xòe, khiến ả hơi tẹo phải nhảy phóc xuống đất, đỡ, ẩn, ủn đít xe. Tôi bắt đầu luyên thuyên nói chuyện.
Từ đó biết được không nhiều thì ít về anh chàng này: đó là một người nhiệt tình, chân thành, cởi mở, có nhiều sở thích những cũng có một quá khứ nhiều khúc khủyu. Tôi gọi đùa xế là “Nghé”, thay cho con trâu mà trên đoạn dốc tẹo nữa là tôi muốn (trong tưởng tượng) đá chân đẩy nó xuống vực, khi nó đang nhai cỏ. Giữa chúng tôi đã có một sự gắn kết ngầm. Qua con suối rửa mặt, tôi lấy khăn màu xanh vắt ướt sũng, sau đó đặt lên cổ xế để chữa nóng.
Càng đi, những con đường độc đạo nhỏ dần. Con đường nhỏ chạy dọc ven sông, lúc to, lúc nhỏ, khúc khuyủ lúc lên lúc xuống. Có những con suối đầy tảng đá hộc khiến xế phải dắt xe máy, nghiêng từ từ mới qua được. Đi tiếp, là đoạn đường men chân núi có bề ngang chừng ba mươi xăng ti mét rất nguy hiểm. Dưới chân cát trượt. Chúng tôi chơi vơi giữa một bên là núi, một bên vực thẳm sâu, dòng sông Mã đỏ ngầu chảy cuồn cuộn phía dưới. Một cảm giác hào sảng xâm chiếm khắp cơ thể tôi, bám rịn lên cả những giọt mồ hôi đang tuôn chảy.
Nhưng sự vất vả cũng đã được hưởng thành quả. Cảnh trên đường đi đẹp tuyệt vời. Chúng tôi đã gặp được cái khiến chúng tôi phải lặn lội tới tận nơi này, tuy không đúng như tưởng tượng về mức độ hoành tráng. Đó là những đoạn đường mà phía trên, người dân bản xứ uốn cong tre thành những mái che tạo thành chiếu nghỉ thiên nhiên tuyệt mĩ. Phía dưới, lá tre khô bay xào xạc như trong phim “Thập diện mai phục” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ánh nắng mùa hè gắt gỏng len chen qua rặng tre, hắt vào mặt, vào xe chúng tôi tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục giữa tiết trời oi ả.
Và rồi những con suối chảy róc rách không bóng người, những cánh đồng lúa xanh mướt mả, những mái nhà sàn dân tộc đầy màu sắc…
Đó là những em bé dân tộc với ánh mắt quyến rũ của con thú hoang dại. Đó là nụ cười hạt na đen nhánh đầy sức sống của cụ bà lái đò tại một nhánh nhỏ ngang sông Mã. Đó là anh bộ đội dân phòng với ánh mắt đầy nghi kỵ khi nhìn thấy một nhóm thanh niên thành phố lượn lờ khu vực biên giới. Đó là nữ chủ quán quê Nam Định theo số phận phải trôi dạt cùng chồng lên đây sinh sống. Những con người này chẳng biết gì tới internet, ít khi bị làm phiền bởi tivi, ít bị những triết lý quấy nhiễu tâm hồn và sống một cách thanh bình đế tẻ nhạt tại nơi này.
Cuối ngày, chúng tôi dừng chân ở huyện Mường Lát với cơ thể mệt bã. Người canh giữ đường vào huyện (bằng thanh tre vắt ngang) là hai ông già có bộ mặt rất hóm hỉnh và thân thiện. Sau bữa ăn no nê và tắm táp sạch sẽ, bốn người chúng tôi đi bộ ngắm trăng trên cầu treo Mường Lát. Hôm ấy trăng mười sáu thì phải, to và rạng rỡ hơn hẳn trăng rằm. Tôi dựa người vào thành cầu, để tòan bộ cơ thể và tâm hồn mình ngập trong trăng. Cơ thể tôi như mất trọng lượng, chơi vơi giữa trăng và làn hơi nước mát dịu. Bỗng dưng…có một luồng điện chớp qua tôi. Hình như có một bàn tay hơi chạm vào bàn tay mình…
Thiên nhiên quả là người thầy vĩ đại. Người thầy dạy ta biết cách tự vấn chính mình. Trong suốt chuyến đi, không một lần tôi nhớ tới công việc, không một lần tôi nhớ tới sự phiền muộn cố hữu. Đáng thương thay cho những con người ở thành phố, chỉ biết tới công việc, cãi vã, khói bụi và đắp đầy trong trái tim mình sự đố kị nhỏ nhen. Bất giác, tôi nếm được vị ngọt của rừng, mà trước kia tôi mới chỉ biết tới vị mặn của biển. Từng tế bào trong cơ thể tôi được khai thông, cơi mở. Tôi nhìn thấy tôi. Một tâm hồn đơn sơ và hoang dại. Một con người mưu cầu những hạnh phúc bình dị và giản đơn.
Kể từ đó đến nay, chúng tôi đã cùng nhau không biết bao chuyến du hành. Chuyến đi đó sau này được nhóm chúng tôi đặt tên là Đường tre – Suối Muống (tên những địa điểm đặc biệt mà chúng tôi đi qua). Nhiều dân “phượt” trên mạng thấy ảnh đẹp quá cũng đi cung này, nhưng hình như chẳng có đôi nào yêu nhau, cũng chẳng có bức ảnh nào nhiều nắng đẹp dường ấy. Đoạn đường tre, nghe đồn phong phanh cũng đã bị dẹp để rải đường nhựa.
Mười tháng sau chuyến đi, chúng tôi thành vợ thành chồng.
Mười chín tháng sau chuyến đi, chúng tôi sắp thành bố, thành mẹ.
Giờ đây, những chuyến đi trôi ngược về phía tôi, lẩn sâu trong quá khứ. Nhưng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ quên vẻ đẹp của núi rừng. Thi thoảng trong giấc mơ, những dãy núi bạt ngàn xanh thẳm, những chiếc lưng cong đang gò mình địu ngô của người dân tộc, những con bò, con dê lững thững đi trên triền núi như những nhà hiền triết hiện lên trong giấc mơ của tôi. Rồi cả mùi lúa chín, cả cảm giác hào sảng của sự tự do tuyệt đối lại tràn ngập trong tôi. Chẳng biết tự bao giờ, tôi đã bị núi rừng “bỏ bùa mê mất rồi”. Chồng tôi có lẽ cũng như vậy.
Những chuyện tình đẹp bén duyên từ "phượt"
Du lịch, GO! - Theo Phượt Cà phê