Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 20 June 2012

Di tích tháp Poklongarai (Po Klong Garai) là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi Trầu, (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.

< Cổng vào tháp Po Klong Garai.

Quần thể này gồm ba tháp: Tháp chính (nơi vua ở, cao 20,50 m, dài 13,80 m, rộng 10,71 m - đây là tháp để thờ phượng và hành lễ trong năm); Tháp lửa (bếp lửa của vua, cao 9,13 m, dài 8,18 m, rộng 5 m) và Tháp cổng (nơi vua tiếp khách, cao 5,65 m, dài 5,10 m, rộng 4,85 m) được xây dựng để thờ vua Poklongarai (poklongarai là tên gọi của dân tộc Chăm đối với Vua SINHAVARMAN III (tên hiệu tiếng Phạn) trị vì, từ 1152 đến 1205 - vị vua có công lớn trong việc xây dựng hệ thống dẫn thủy ở địa phương.

Theo truyền thuyết của dân tộc Chăm, có một cặp vợ chồng nông dân nhìn thấy một đứa trẻ sơ sinh nằm trên bọt nước, trôi từ thượng nguồn dòng sông Dinh (chảy qua địa phận huyện Ninh Sơn và qua thị xã Phan Rang - Tháp Chàm đổ ra bể). Tiếng khóc của đứa trẻ đã làm động lòng cặp vợ chồng làm rẫy gần đấy và họ đã đem bé về nuôi. Họ đâu biết, đứa trẻ này được bề trên phái xuống để thử lòng dạ người trần.

Trời làm cho đứa bé bị ghẻ lở đầy người, mà các thầy thuốc giỏi trong vùng đều không thể chữa khỏi, cốt ý để xem cặp vợ chồng này đối xử như thế nào với đứa bé. Sau đó, trời cho Rồng vàng xuống trần, liếm hết những vết ghẻ lở trên người của cậu bé đang chăn trâu rồi nằm nghỉ trưa ở ngoài đồng. Cậu bé sau đó trở nên khôi ngô tuấn tú khác thường... Sau khi vị vua trị vì mất, nghe lời của một vị chiêm tinh, cậu bé (sau này đã trưởng thành) được phong làm vua, lấy tên hiệu là Poklongarai...

Huyền thoại dân tộc Chăm ở Ninh Thuận còn gắn liền với sự nghiệp xây dựng tháp và giữ đất của vua Poklongarai khi người Tàu đến chiếm đất của người Chăm. Theo truyền thuyết, vua Tàu và vua Chăm đưa ra một cuộc thi xây tháp, bên nào xây xong tháp trước trong thời gian đã quy định thì bên ấy được ở lại giữ đất, ngược lại bên nào xây chậm hơn thì phải rút quân đi. Vua Tàu đốc thúc quân lính đào đất nung gạch, xây tháp suốt bốn tháng trời mà tháp vẫn chưa xong.

Trong khi đó vua Poklongarai thì ung dung thong thả. Vào đêm cuối cùng của thời giao hẹn, Poklongarai mới cho quân dựng lên một khung tháp với chất liệu gỗ và trét phên tre lên rồi phủ thêm vải đỏ bên ngoài. Đến sáng ngày hôm sau quân Tàu từ xa đã trông thấy tháp của vua Chăm trụ sừng sững trên đồi mà không hiểu vua Chăm đã có phép lạ gì mà xây tháp nhanh như thế. Không biết mình đã bị lọt bẫy vì cái kế: "Xây tháp giả bằng gỗ" của Poklongarai. Cuối cùng, vua Tàu đành phải chấp nhận rút quân đi khỏi đất của người Chăm như đã giao kết.

Di tích tháp Poklongarai gắn liền với tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Chăm ở địa phương. Hằng năm, nhân dân Chăm đều tổ chức các ngày lễ hội ngay tại tháp để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua Poklongarai.
Mỗi năm, đồng bào Chăm có bốn lễ hội đặc biệt với những nghi thức riêng, bao gồm: Lễ Đầu năm (vào tháng giêng theo lịch Chăm) là lễ mở cửa tháp để bắt đầu một năm mới với những thành quả mới của dân tộc mình; Lễ cầu mưa (vào tháng 4 theo lịch Chăm) là lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Lễ hội Katê (tổ chức vào tháng 7 theo lịch Chăm), đây cũng được xem là lễ Tết lớn nhất trong năm của đồng bào Chăm. Trong lễ hội Katê, tất cả những người Chăm hiện đang sinh sống ở nhiều miền quê khác nhau đều hội tụ đông đủ về đây để gửi gắm những tâm sự thiêng liêng của mình và của gia đình đối với tổ tiên. Trong suốt 3 ngày diễn ra lễ hội, du khách đến tham quan còn được thưởng thức điệu múa quạt, vũ điệu siva thướt tha dịu dàng của các cô gái Chăm cùng với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo khác. Cuối cùng là Lễ Chabun (tổ chức vào tháng 9 theo lịch Chăm) đây là ngày lễ cha, theo tín ngưỡng của đồng bào Chăm.

Nếu có dịp ghé thăm khu di tích Tháp Poklongarai, du khách sẽ được thưởng thức những đường nét ngoạn mục với lối kiến trúc hình vòm, hình chóp nhọn, phù điêu trang trí mượn của nền văn hóa Chămpa cổ và văn hóa dân tộc Việt, được thưởng thức cái nắng và gió hơi "ngang tàng" nhưng rất đặc biệt của xứ sở Ninh Thuận này.

Từ tháng 3 chớm vào hè đến hết tháng 8 khá đông khách nội địa, ngày lễ có khi tới vài nghìn người tham quan. Từ tháng 9 cho đến tháng 2 năm sau thì phần lớn là khách nước ngoài đi theo tour, gần như không có khách Việt. Vé vào tham quan đồng hạng 10.000 đồng/lượt.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thị Trường, Laodong
Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre vừa tổ chức khóa tu mùa hè tại chùa Kim Long (Chợ Lách), với hơn 300 thanh thiếu nhi tham dự. 
Phải ăn chay, thức dậy sớm và tự lo cho bản thân…, nhưng nhiều thanh thiếu niên lại rất thích thú. Còn về phía phụ huynh, cho con em tham dự khóa tu với mong muốn con mình sẽ “tu tâm dưỡng tính”, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, chăm ngoan và học giỏi.

< Giờ tọa thiền của các em tại khóa tu mùa hè chùa Kim Long (Chợ Lách).

Một ngày trung tuần tháng 6, tôi có dịp đến với khoá tu mùa hè của chùa Kim Long (xã Vĩnh Thành - Chợ Lách). Tại đây có khoảng 300 thanh thiếu niên tham dự khóa tu. Được biết, đây là lần đầu tiên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre tổ chức loại hình này. Chùa Kim Long là một trong ba địa điểm được chọn để khai giảng, tiếp theo chùa Hội Tôn (xã Quới Sơn - Châu Thành) và chùa Phú Thọ (xã Phú Thuận - Bình Đại) sẽ lần lượt diễn ra khóa tu mùa hè.

Chủ đề của khóa tu là sống vui - sống khỏe - sống ngoan. Các em thanh thiếu niên từ 8 đến 20 tuổi được chia làm 4 chúng (nhóm): đại hùng, tinh tấn, trí tuệ và từ bi sẽ phải học, tu theo một chương trình của Ban Hướng dẫn Phật tử trong 4 ngày.

Ngày mới bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng, các em thức dậy vệ sinh, tập thể dục, rồi thực hiện một số nội dung trong chương trình: trò chơi ngoài trời, học oai nghi, pháp thoại, sinh hoạt chuyên đề y tế và sức khỏe, thi kể chuyện Truyện cổ Phật giáo, tụng kinh, tọa thiền, sinh hoạt chuyên đề Luật An toàn giao thông, trò chơi hái hoa trí tuệ, đốt lửa trại...

Các thanh thiếu niên được dạy phải đi nhẹ, nói khẽ, ăn uống từ tốn, cho gì ăn nấy, tự dọn dẹp chén đũa sau khi ăn. Trang phục hàng ngày cũng được thay bằng áo lam. Bên khung cửa sổ, chị Phan Thị Lùng nhìn vào chánh điện thấy đứa con gái 16 tuổi và hai cháu 9 tuổi của mình đang ngồi ngay ngắn nghe lời giảng dạy của Chư tôn đức tăng, chị mỉm cười hài lòng. Chị Lùng bày tỏ: “Cho nó dự khóa tu để học, hiểu về lòng hiếu thảo, sống có nề nếp, ra đời không hơn thua đua chen, biết giúp đỡ lẫn nhau. Hơn thế nữa, nhìn thấy con và cháu sống tập thể được mình cũng mừng”.

Nhìn các em ngân nga theo lời tu sĩ giảng dạy “Không nói lời xấu ác, sống như thế sẽ được mọi người thương - Nói, làm việc lành cho đời sống tươi đẹp”, tôi cảm nhận trẻ đang được gieo vào lòng những mầm xanh thánh thiện để nuôi dưỡng tâm hồn.

Chị Bành Thị Kim Phương có con trai 13 tuổi đang dự khóa tu, chia sẻ: Đây là một sân chơi lành mạnh và được sự tin tưởng của nhiều bậc phụ huynh. Mọi năm, chị cho con đi học thêm để tránh việc con đi chơi, tụ tập vô ích vào ngày hè.

Còn Nguyễn Duy Sơn, 12 tuổi, ngụ tại xã Phú Sơn (Chợ Lách), mặc dù hầm hập sốt nhưng vẫn không muốn về nhà, vì sợ ba mẹ sẽ không cho tiếp tục khóa tu mùa hè, Sơn nói, em rất thích khi tham dự khóa tu này vì học được nhiều điều hay. Nguyễn Thị Mẫn, 16 tuổi cũng chia sẻ, đây là lần đầu tiên xa nhà em thấy nhớ và thương ba mẹ quá, ở nhà quần áo có người giặt, ngủ có ba giăng mùng sẵn… còn ở đây phải tự lo liệu lấy.

Một ấn tượng khiến tôi không thể nào quên là cảnh 300 thanh thiếu niên ngồi tọa thiền. Các em hoàn toàn im lặng, bất động trong một tư thế nghiêm trang đến nỗi nghe được cả tiếng hù hù trong mỗi vòng quay của chiếc quạt máy.

Các em không đóng chi phí, không phân biệt sang hèn và cùng ăn, cùng ngủ, cùng chơi, cùng được học nhiều điều hay - như lời giáo huấn của Thượng tọa Thích Nhựt Tấn - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre: “Về đây là sống chung trong một đại gia đình, các em phải biết yêu thương nhau và gìn giữ sự tu học để làm hành trang tiến lên trên con đường đạo đức. Biết hiếu đạo không riêng gì ở nơi đây mà khi về nhà, về với mái trường cũng phải ngoan hiền, sự học hỏi đó mới đem lại lợi ích”.

“Khóa tu mùa hè được tổ chức với mục đích giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên, giúp các em có được những kiến thức căn bản trong đạo lý làm người để vững bước trên con đường tương lai, giảm bớt phần nào gánh nặng cho xã hội” (Sư cô Thích Nữ Như Phước - Trụ trì chùa Kim Long - Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh Bến Tre).

Du lịch, GO! - Theo Thạch Thảo (Bến Tre Online), internet

Các Khoá tu mùa hè được tổ chức hàng năm tại nhiều chùa. Bạn có thể vào Google search và tìm với từ khoá "Khoá tu mùa hè".
Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đứng thứ hai khu vực miền Đông Nam bộ về số lượng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Trong số đó, có nhiều chùa, đình, đền thờ, miếu… là điểm đến hấp dẫn khách hành hương. Du lịch tâm linh là loại hình du lịch đặc biệt, luôn có sức hấp dẫn với du khách gần xa.

Du khách có thể đến Vũng Tàu nhân dịp đại lễ Phật Đản vào ngày Rằm tháng 4 (ÂL), thưởng thức ẩm thực chay vừa có lợi cho sức khỏe và để bảo vệ môi trường

Thích Ca Phật Đài là một ngôi chùa lớn ở thành phố Vũng Tàu, rộng 6ha, tọa lạc ở Tây Bắc sườn núi lớn, nổi bật với bức tượng Đức Phật Thích ca mâu ni tọa thiền được xây dựng vào ngày 20/7/1961.

Vẻ đẹp của ngôi chùa chính là sự kết hợp giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên, đáng chú ý ở ngôi chùa này là ngọn tháp Bát Giác cao 19m và tượng Phật Thích Ca ngồi thiền trên toà sen cao 10,2m đường kính khoảng 6m.

Tượng và tháp đều màu trắng và được dựng ở lưng chừng núi cao, đứng từ xa cũng chiêm ngưỡng được. Thích Ca Phật Đài là một địa điểm tôn giáo cũng như tham quan chủ yếu của thành phố Vũng Tàu.

Chùa Quan Âm Bồ Tát nằm trên đường vòng Núi Lớn, cách Bãi Dâu 500m được xây dựng vào năm 1976.

Chỉ là một ngôi chùa nhỏ nhưng nổi bật ở giữa khu vực chùa là một pho tượng Phật Bà Quan Âm cao 16m làm bằng xi măng cốt sắt theo hình tượng một phụ nữ hiền hòa đức độ mặt hướng ra biển tay cầm bình Cam Lộ, đứng trên toà sen. Đây là một ngôi chùa rất hiển linh và cũng là điểm tham quan của khách du lịch.

Chùa Phước Lâm Tự tọa lạc tại số 65 Nguyễn Bảo -phường 6, thành phố Vũng Tàu, được xây dựng vào năm 1886. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở thành phố Vũng Tàu, kiến trúc dạng tứ trụ của chùa cổ miền Nam.

Năm 1956, chùa được đại trùng tu, mặt tiền xây lầu. Năm 1993, chùa tiếp tục trùng tu, tạo cảnh quan thoáng đãng. Qua tam quan, ở ngay sân sau chùa có đài Quan Âm. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Hai pho tượng lớn được tôn trí ở trung tâm là tượng đức Phật Thích Ca thành đạo và tượng đức Phật nhập niết bàn. Chùa còn giữ pho tượng cổ Visnu (thế kỷ thứ VII). Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1992.

Thiền Viện Chơn Không: nằm nép mình trong bốn bề núi rừng tĩnh mịch, trên triền núi Lớn, ở độ cao 80m, diện tích 2ha, tại 36/11 Viba, phường 6, TP. Vũng Tàu. Tháng 4/1966, Hòa thượng Thích Thanh Từ đã khai phá vùng đất Hòn Chụp – Núi Tượng Kỳ (Núi Lớn) và xây thất Pháp Lạc để tu học. Đến năm 1970, Hòa thượng cho xây thiền viện gồm: ngôi thiền đường, tăng đường, trai đường, nhà khách, thiền viện Bát Nhã (thiền viện cho chư Ni), hồ chứa nước. Năm 1995, thiền viện được kiến thiết thành một ngôi chùa thanh thoát, có dáng vẻ khang trang, uy nghiêm và cổ kính. Khuôn viên chùa rộng khoảng 2.000m², với một cảnh quan kỳ vĩ, quần thể kiến trúc độc đáo, là một thắng cảnh đẹp trong lòng thành phố thích hợp để du khách tham quan, lễ Phật.

Chùa Linh Sơn Cổ Tự tọa lạc ở số 61 đường Hoàng Hoa Thám, Phường 2, thành phố Vũng Tàu. Tuy không đồ sộ rộng lớn nhưng Linh Sơn Cổ Tự là ngôi chùa lâu đời nhất ở Vũng Tàu, được xây dựng trên triền núi Nhỏ.

Trong chánh điện có thờ một tượng Phật cao 1,2m bằng đá thếp vàng được tạc rất khéo léo và tinh xảo với vẻ mặt từ bi và sống động.

Chùa “Niết Bàn Tịnh Xá” còn gọi là chùa “Phật Nằm”, được xây dựng trên sườn núi nhỏ, hướng mặt ra biển, được xây dựng từ năm 1969 bằng tiền quyên góp của đồng bào phật tử, đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc hiện đại.

Ở phía trước chùa là một cột cờ cao 21m, được chia thành 42 bậc biểu tượng cho 42 trang kinh phật đầu tiên được lưu truyền vào Việt Nam vào thế kỷ thứ II, cổng chùa có 4 chữ “Niết Bàn Tịnh Xá” tức là nơi thanh cao nhất của đạo Phật.

Hai bên cổng chùa là 2 pho tượng “Thần Thiện” và “Thần Ác”, khu chánh điện đựợc bài trí thành một vườn hoa Sa La theo cảnh Đức Phật nhập Niết Bàn.

Nổi bật là bức tượng “Phật Nằm”, dài 12m tượng trưng cho “Thập nhị nhân duyên” và được đặt lên bộ thờ 2,5m, phía trước chính điện có một chiếc lư đồng lớn với hình tượng tú linh Long, Lân, Quy, Phụng. Song song với lư ở hai bên là hai tòa tháp cao khoảng 5m. Tòa bên trái có tượng Phật A Di Đà, tòa bên phải có tượng Phật Dược Sư. Tầng hai có chiếc thuyền rồng còn gọi là Thuyền Bát Nhã, dài 12m.

Hòn Bà là ngôi Miếu tuy nhỏ nhưng mang nét cổ kính nằm trên mỏm đá gần bờ biển, cách chân núi Nhỏ khoảng 200 mét, vốn là một thắng cảnh hữu tình bởi dáng vẻ nhỏ xinh duyên dáng như một thiếu nữ tuổi tròn trăng. Sự kết hợp hoàn hảo giữa đá và biển tạo nên nét đặc trưng của Hòn Bà.

Vào những lúc bình minh hay hoàng hôn, Hòn Bà lại càng mang cho mình vẻ đẹp rực rỡ do những ánh nắng nhẹ phản chiếu, lung linh mờ ảo. Đặc biệt vào những đêm trăng sáng, Hòn Bà hiện ra như một bức tranh thủy mạc lung linh, kỳ bí, quyến rũ vô cùng. Du khách muốn vãn cảnh chùa phải đi bằng thuyền thúng sang hoặc lúc thủy triều rút cạn dễ dàng đi bộ qua bãi đá

Trong chuyến đi du lịch vãn cảnh chùa đầy ý nghĩa, du khách vừa có dịp thưởng lãm danh lam thắng cảnh của Vũng Tàu, được ngắm khung cảnh thanh tịnh, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang cho tâm hồn thư thái, tìm cảm giác bình yên và được thưởng thức các món ăn được chế biến từ chính những thực phẩm thuần chay thiên nhiên bổ dưỡng.

Du khách có thể dùng những bữa cơm chay tại chùa hoặc tại các nhà hàng, quán ăn chay tại Vũng Tàu. Nhà hàng chay Quy Nguyên số 253 Nguyễn An Ninh - TP.Vũng Tàu với thực đơn phong phú đặc biệt là món cơm Quy Nguyên đã đoạt giải tại liên hoan ẩm thực các tỉnh, thành phố ven biển năm 2012 tổ chức tại Chợ du lịch Vũng Tàu.

Du lịch, GO! - Theo Thi Vân (Báo Du Lịch), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống