Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 3 September 2012

Việt Nam có 3000 hòn đảo lớn nhỏ trải dài từ biển Bắc đến Biển Nam, trong đó có cả những hòn đảo nổi tiếng xinh đẹp và thơ mộng với bờ biển trải dài với những dải cát trắng tuyệt mỹ.

Việt Nam có 3 mặt giáp biển, nên có nhiều đảo là một chuyện rất đương nhiên, nhưng có những điều có lẽ bạn không biết về những hòn đảo xinh đẹp này:

Bãi biển dài nhất Việt Nam được xác định là Trà Cổ (Quảng Ninh) dài 17 km, diện tích khoảng 170 ha cong hình vành khuyên, trải từ Mũi Gót phía bắc đến Mũi Ngọc ở phía nam. Trà Cổ được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam.

Vịnh có nhiều đảo nhỏ nhất là Hạ Long (Quảng Ninh) nằm ở bờ tây vịnh Bắc Bộ có diện tích 1.553 km2 gồm 1.169 hòn đảo lớn, nhỏ. Vịnh Hạ Long đã được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia và di sản thiên nhiên thế giới. Và  nói đến Vịnh Hạ Long thì đó được xem như một niềm tự hào khi nhắc đến hỉnh ảnh đất nước Việt Nam.

Đầm phá lớn nhất là Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) với diện tích mặt nước 21.600 ha, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam.

Quần đảo có nhiều đảo nhất là Cát Bà với 367 hòn đảo lớn, nhỏ nằm ở phía Nam vịnh Hạ Long, ngoài khơi TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Đảo Cát Bà nổi tiếng xinh đẹp và thơ mộng.

Trên đảo chính Cát Bà có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi là một nơi đang được đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái. Phía Đông Nam của đảo có vịnh Lan Hạ, phía Tây Nam có vịnh Cát Gia có một số bãi cát nhỏ nhưng sạch, sóng không lớn thuận tiện cho phát triển du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Trên biển xuất hiện nhiều núi đá vôi đẹp tương tự vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Ở một số đảo nhỏ, cũng có nhiều bãi tắm đẹp.

Quần đảo xa bờ nhất là Trường Sa thuộc Khánh Hòa nằm giữa biển Đông về phía đông nam Việt Nam, phía bắc là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phía đông giáp biển Philippines, phía nam giáp biển Malaysia, Brunei và Indonesia; cách Cam Ranh 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý.

Cụm đảo gần xích đạo nhất là Hòn Khoai thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Cụm này gồm 5 đảo nhỏ và rất nhỏ: Hòn Khoai (4,96 km2), Hòn Sao (0,7 km2), Hòn Gò (0,03 km2), Hòn Đồi Mồi (0,03 km2) và Hòn Đá Lẻ (0,005 km2).

Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận Lý Sơn (Quảng Ngãi) là huyện đảo có mật độ dân số cao nhất so với các huyện đảo kháctrong cả nước.

Khu bảo tồn biển Nam Yết (Trường Sa, Khánh Hòa) được xác định là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất với diện tích 35.000 ha, trong đó mặt biển 20.000 ha và đảo rạn san hô Nam Yết rộng đến 15.000 ha. Khu bảo tồn này nằm ở phía nam cụm đảo Nam Yết, cách TP Nha Trang khoảng 450 km, có tầm quan trọng đối với nghề đánh bắt hải sản xa bờ. Ngoài ra, khu bảo tồn này còn có giá trị pháp lý đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia về mặt lãnh thổ và tài nguyên môi trường.

Huyện đảo có mật độ dân số cao nhất trong 12 huyện đảo của Việt Nam là Lý Sơn, nằm ở ngoài khơi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, cách TP Quảng Ngãi 45 km về phía đông bắc. Huyện đảo này diện tích gần 10 km2, nhưng dân số hiện nay lên đến hơn 21.000. Đảo Lý Sơn nổi tiếng về trồng tỏi, hiện nay, bờ biển đảo Lý Sơn bị nước biển xâm thực khá nhiều.

Du lịch, GO! - Theo VinaBooking, ảnh internet
Người ta vẫn bảo, đến các vùng cao, vùng sâu, vùng xa thường dễ bắt gặp những điều kỳ lạ, đôi khi bất ngờ đến khó tin. Tôi đã thấy thế khi đến, bắt gặp rồi được sử dụng chính một mẹo làm đẹp khác lạ mà lại vô cùng hiệu quả khi đến vùng cao.

Bà già khó tính trong mắt mẹ và bạn bè

Các cụ nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả không sai. Tôi đi nhiều, đọc nhiều, biết nhiều nhưng cái gì cũng phải được tận mục sở thị, được trải nghiệm, tôi mới an tâm. Mẹ và bạn bè tôi vẫn nói tôi kỹ tính như một bà già. Tôi nghe nhưng không hề vì thế mà cảm thấy cần thay đổi. Tôi nghĩ, quan trọng đối với con người là sức khỏe, vì thế mà tôi luôn ý thức giữ gìn sức khỏe của mình một cách cẩn thận nhất.

Những năm tháng sinh viên, dù nhà không xa trường là mấy (nhà tôi cách trường hơn 20km), có thể đi về bằng xe buýt hàng ngày nhưng tôi vẫn xin phép bố mẹ vào sống trong ký túc để được nếm mùi sống tập thể và có cảm giác thật sự là sinh viên.

Ở ký túc xá, tôi không ăn cơm bụi vì sợ không hợp vệ sinh, tôi thường lén nấu một nồi cơm trong ký túc rồi mang đồ ăn từ nhà đến. Cuối tuần nào tôi cũng về nhà và tự tiếp tế cho mình những thực phẩm sạch, an toàn nhất. Tôi hạn chế một cách tối thiểu việc đi lê la các hàng quà vặt với các bạn gái trong phòng, hoặc nếu nể lắm, có đi thì tôi chỉ ngồi chơi hoặc ăn qua loa lấy lệ. Có người bảo tôi “chảnh”, người bảo tôi “kiêu”, nhưng chung quy lại là tôi thường cẩn thận một cách quá mức so với lứa tuổi của mình.

Chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ, với một người cẩn thận như tôi thì chắc hẳn, tôi sẽ có một vóc dáng, một làn da đẹp lắm? Tiếc thay, tôi lại không được như thế. Tôi sinh ra đã mập mạp, cộng với thói quen thích ăn đồ vặt và hoa quả nhiều khiến tôi bị thừa cân và mặt thường xuyên bị mụn trứng cá.

Thỉnh thoảng, tôi còn bị nổi mụn nhọt, những cái mụn to tướng đôi khi án ngữ ở những vị trí “hiểm trở” làm tôi đi lại khá khó khăn và có nhiều đêm mất ngủ vì đau. Oái oăm ở chỗ, những cái mụn nhọt này thỉnh thoảng cứ trở đi, trở lại làm tôi nhiều phen sống dở, chết dở, dở khóc, dở cười.

Sau 4 năm đại học, tôi đi làm sang năm thứ hai thì đi học sau đại học. Dù đã đi làm nhưng tôi vẫn không bỏ thói quen đi “phượt” cùng bạn bè.

Những ngày trời rét căm căm, tôi cùng bạn bè khăn áo lên đỉnh Mẫu Sơn ngắm tuyết, những ngày trời lạnh giá, chúng tôi rủ nhau đi ngắm mây Sa Pa, rồi còn “phượt” tới những miền sông nước miền Trung, miền Nam ngắm cái nắng, cái gió, cái mênh mông của sông nước,... chúng tôi đặt chân đến nhiều nơi, gặp nhiều điều mới lạ.

Thế mà lên miền Tây Bắc thì phải đến khi đi học, chơi thân với một chị bạn cùng lớp quê ở trên ấy, trong kỳ nghỉ hè, tôi mới có cơ hội ngao du đến miền đất này. Và cũng chính từ đây, tôi đã học được một bí quyết gia truyền của gia đình người dân tộc Thái – chị bạn của tôi, giúp tôi giải tỏa những khó chịu mỗi khi bị mụn nhọt viếng thăm.

Những oái oăm không biết tỏ cùng ai

Chị Liên hơn tôi 4 tuổi. Chị là một người con “chính thống” của núi rừng Tây Bắc như tôi vẫn thường gọi chị. Bởi dù là một cán bộ, đi khá nhiều, tiếp xúc cũng lắm nhưng chị vẫn giữ những cái nếp của người Thái. Gia đình chị vẫn nói tiếng Thái, ăn những món ăn người Thái. Tôi đặc biệt thích cái nhà sàn của gia đình chị. Nó nằm dưới chân núi, với xung quanh là vườn cây ăn quả và một mảnh vườn trồng toàn rau xanh.

Ở đây, tôi tha hồ ăn rau sạch xả láng mà không phải lo lắng gì, và cũng vì thế mà tôi nói với chị Liên sẽ quyết tâm giảm cân trong chuyến thăm Tây Bắc lần này. Gia đình chị Liên rất quý tôi. Bố mẹ chị tuổi đã cao nhưng rất thân thiện và coi tôi như con cháu trong nhà.

Bố chị đã nghỉ hưu, bác chỉ ở nhà chăm sóc vườn tược, còn mẹ chị bán hàng khô ngoài chợ. Trái với suy nghĩ của nhiều người về những người bán hàng như thường đanh đá, chua ngoa, bác gái rất xởi lởi và phúc hậu. Tôi thấy bác rất chiều chồng và chăm lo cho các con. Bác nấu ăn rất khéo.

Trong những bữa cơm gia đình, bác gái bao giờ cũng là người ngồi đầu nồi và xới cơm cho cả nhà. Bác trai khá kỹ tính nên ăn uống rất lâu, bác gái luôn là người ngồi bên cạnh, xới cơm và trò chuyện cùng bác trai dù có lâu đến mấy.

Chị Liên bảo, hơn 30 năm nay, bố mẹ chị vẫn giữ nếp ấy và không hề có ý định thay đổi. Buổi sáng, bác trai chở hàng cho bác gái ra chợ rồi buổi trưa lại đón về. Buổi tối, hai bác thường đun nước ngâm chân và vừa ngồi xem ti vi cạnh nhau, vừa ngâm chân vào chậu nước lá. Hai bác làm gì cũng làm cùng nhau và rủ rỉ nói chuyện với nhau. Nhìn cách hai bác quan tâm đến nhau, tôi thấy đến là cảm phục.

Tôi được chị Liên đưa đi chơi và thăm thú nhiều nơi. Thời tiết ở đây rất đẹp. Dù đang giữa mùa hè nhưng trời không quá nóng nực, đặc biệt là buổi tối, trời dịu hẳn đi và hơi se lạnh. Tôi háo hức và say mê đi khắp nơi, đến mọi hang cùng ngõ hẻm của phố huyện nhà chị rồi leo núi, chụp ảnh, tắm suối, thích thú không biết chán là gì. Nhưng sang ngày thứ tư, nỗi oái oăm mụn nhọt đã tấn công tôi. Hai chiếc mụn mọc ở phần đùi là thứ mà tôi phải hứng chịu.

Ban đầu, chúng chỉ hơi nhú lên, đỏ ửng rồi dần dần nhức nhối. Tôi đã quen với việc bị mụn như thế này, mỗi lần bị, tôi phải cần đến 10 ngày là ít để mụn sưng dần lên trong 2-3 ngày đầu rồi dù cho có đắp cao dán thì nó vẫn mưng mủ, mẹ tôi lại kỳ cạch khi thì giã nát lá hoa dâm bụt và một ít muối, khi thì lá rau mồng tơi đắp lên để hút mủ.

Sau đó, tôi lại phải mất thời gian chăm sóc, rửa sạch, sát trùng mỗi ngày để vùng da bị mụn không bị nhiễm trùng, rồi giữ khô thoáng để nhanh lên da non. Thời gian ấy, tôi phải kiêng khem nhiều thứ, đặc biệt là món trứng gà ốp lếp và món rau muống xào tỏi yêu thích của tôi.
Những lúc ấy, tự chăm sóc mình quả là cần phải chu đáo, tôi ở nhà còn e ngại nữa là đang trong chuyến đi chơi như thế này.... Quả thật, không còn gì oái oăm hơn.

Kinh dị mà hiệu quả bất ngờ

Ngay trong đêm đầu tiên hai 2 cái mụn đáng ghét xuất hiện, tôi đã khó ngủ vì nhức. Nằm bên cạnh tôi, chị Liên thấy lạ liền căn vặn lý do. Khi biết “tình hình chiến sự” của tôi, chị lặng lẽ trở dậy rồi thì thầm với mẹ bằng thứ tiếng Thái trong trẻo mà tôi rất thích nghe, dù... chẳng hiểu gì. Lát sau, tôi thấy bác gái nhanh chóng nhóm bếp rồi hì hụi làm gì đó và đem đến cho tôi một chén nước vẫn còn nổi lên vài cái gì đó màu đen như là than bếp rồi bảo tôi dùng bông tăm chấm thứ nước đó và bôi vào vùng bị mụn.

Tôi vốn cẩn thận, nên quả thật là lúc đó, tôi hơi e ngại khi không biết đó là thứ nước gì và công dụng ra sao, có gây dị ứng cho tôi không. Nếu là ở nhà, tôi sẽ còn phải tìm hiểu về nó chán chê rồi mới sử dụng, nhưng trước vẻ mặt hiền từ và ánh mắt khích lệ của bác, tôi ngoan ngoãn làm theo mà không hề phản kháng.

Bác bảo tôi cứ cách khoảng 15-20 phút thì lại chấm và một lần, chấm quanh và ướt vùng mụn đó. Tối hôm ấy, vì đã khuya nên tôi chỉ chấm thuốc được 4 lần thì đi ngủ. Nhưng thật lạ là đến lần thứ 3 chấm thuốc, tôi cảm thấy một cảm giác dịu mát xuất hiện, đến sáng hôm sau thì bớt nhức hơn.

Cả ngày hôm sau, tôi ở nhà để chấm thuốc mà không dám đi chơi đâu, nhưng thật kỳ lạ, tôi thấy đầu mụn bắt đầu se lại, khô ráo chứ không hề có biểu hiện gì của việc sẽ sưng lên và mưng mủ. 3 ngày sau, tôi không còn nhức nữa và 2 cái mụn đã hoàn toàn se đầu lại. Ngày thứ 5, tôi khỏi hoàn toàn.

Tôi ngạc nhiên trước sự thay đổi bất ngờ này vì quả thật, từ khi sử dụng thứ nước thuốc này, tôi không phải trải qua đau đớn gì mà lại khỏi rất nhanh chóng. Thấy tôi tò mò và gặng hỏi, bác gái cười và bảo, đó là nước làm từ... than xương gà.

Tôi nghe mà suýt ngất xỉu. Bác bảo, chọn phần xương đùi của con gà thật già, xương này đã được luộc chín cùng với phần thịt, sau đó rửa sạch, treo lên để khô, khi cần thì đem ra nướng trên than cho đến khi chớm cháy đỏ như than thì đem nhúng vào bát nước lạnh, rồi dùng thứ nước này như tôi đã được sử dụng.

Thứ nước ngày có thể dùng được đến 2 ngày và chỉ sử dụng cho các mụn sẽ mưng mủ. Nếu mụn mới chớm mà bôi ngay thì sẽ hiệu quả tức thì, nhưng nếu mụn đã mưng mủ thì không được dùng cách này nữa.

Tôi hết bàng hoàng thì chuyển sang kinh hãi vì sợ nhưng rồi nghĩ đến sự tiêu biến hoàn toàn của 2 chiếc mụn, tôi vỡ òa như một mảnh đất cằn được tưới một làn nước mát vì thú vị. Nếu như biết “gốc tích” của loại nước này từ đầu, chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ dám sử dụng bởi sợ nhiễm trùng, cũng như chẳng thấy cơ sở khoa học nào cả. Nhưng sự thật là tôi đã được sử dụng và ngạc nhiên đến vô cùng trước hiệu quả không ngờ của nó.

Bác gái bảo, bài thuốc này, bác được ông ngoại của bác truyền cho. Ở tuổi thanh thiếu niên, nhất là con trai vào tuổi dậy thì thường bị mụn như thế này, bác vẫn thường xuyên chữa cho các anh chị trong nhà, cả chị Liên và cả những đứa trẻ hàng xóm nếu chúng đến. Cách này với bác thật đơn giản nhưng với tôi thì khá kinh dị. Tuy nhiên, đã được tận mục sở thị, đã được sử dụng và chứng kiến hiệu quả ngoài sức tưởng tượng của nó, tôi hoàn toàn tin tưởng và tín nhiệm bài thuốc này.

Giờ đây, thỉnh thoảng tôi vẫn bị những chiếc mụn đáng ghét tấn công nhưng với bí quyết học được từ miền Tây Bắc, chúng không còn là mối bận tâm của tôi nữa.

Du lịch, GO! - Theo Ngô Minh Hồng (Phunu Today), ảnh minh họa

Sunday, 2 September 2012

Trong tâm thức của tôi, Cát Tiên hiện lên như một oai linh nơi rừng thẳm đầy ma lực và trong một chuyến phiêu lưu, tôi tìm về vùng thánh địa - một địa danh đặc quánh huyền thoại mà mãi đến bây giờ báo chí vẫn đang tốn khá nhiều giấy mực.

Những cung đường dẫn đến miền đất cổ

Từ Cù Lao Phố, Biên Hòa, chúng tôi xuôi theo quốc lộ 13 đến Lái Thiêu, Bến Cát rồi dừng chân ở huyện Chơn Thành. Chơn Thành - một cái tên nghe rặt Nam Bộ. Người miền Nam cổ, không biết vì lý do gì thường hay né thuật ngữ có âm tự ơn phía sau, ví dụ như chân đọc là chơn, nhân đọc là nhơn. Chơn Thành nay thuộc tỉnh Bình Phước, là một địa danh quan trọng về mặt địa lý đối với miền Đông Nam Bộ.

Với diện tích 390km2, phía Bắc là đất đỏ, phía Nam là đất xám bạc, Chơn Thành hội tụ được thổ nhưỡng kép, theo các nhà địa lý, những nơi như thế thường là vùng địa linh.

Theo truyền thuyết, vào đầu thế kỷ thứ 19, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã cát cứ vùng đất này để tiến về tấn công thành Gia Định nhưng bị quân Tây Sơn bao vây, ông thoát được nhờ bà con địa phương giúp đỡ bảo vệ. Vì vậy, sau này lên ngôi, vua Gia Long nhớ thuở hàn vi của mình nên đặt tên là Chân Thành như để trả ơn.

Rồi vào những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, Chơn Thành là nơi đặt tổng hành dinh một sư đoàn của chế độ cũ và một đại bản doanh sư đoàn kỵ binh của đội quân viễn chinh khác. Sau ngày đất nước thống nhất tại đây cũng là điểm giao thương của hai quốc lộ 13 và 14.

Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước huyện lỵ này dân cư thưa thớt, nhưng bạt ngàn cỏ Mỹ, vào mùa khô loại cỏ rãi hạt từ máy bay này chuyển màu nâu sạm đến nhức mắt, chỉ cần một que diêm là cả vùng chìm trong biển lửa, và cứ thế cỏ tái sinh như dòng đời của một bộ tộc không có văn tự. Bây giờ Chơn Thành trở nên giàu có nhờ các loại cây công nghiệp như cao su và điều, đã có ba khu công nghiệp lớn mọc lên trên vùng đất đầy cỏ Mỹ này.

Tại Chơn Thành, chúng tôi rẽ sang quốc lộ 14, con đường chiến lược ở phía Tây Tổ quốc dài 890km bắt đầu từ đây và kết thúc tại cầu Đakrông thuộc tỉnh Quảng Trị, đây là quốc lộ có chiều dài thứ hai đứng sau quốc lộ 1. Dọc theo đường 14 là những cánh rừng cao su bạt ngàn, chúng tôi vượt qua những nơi đông đúc dân cư, những khu công nghiệp rồi dừng chân ở ngã ba Sao Bọng thuộc huyện Bù Đăng, Bình Phước. Địa bàn huyện này phần lớn diện tích nằm trong vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Bù Đăng là quê hương của sóc Bom Bo, một thời được nhắc đến nhiều nhờ bài hát đi cùng năm tháng của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Bài hát được minh họa thêm vũ điệu của các sơn nữ Stiêng giã gạo suốt đêm với những ngọn đuốc bập bùng để kịp thời mang ra tuyến lửa. Âm điệu và nội dung của bài gần như đánh thức cả nước cũng như bạn bè quốc tế về cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam.

Bù Đăng bây giờ là vương quốc của hồ tiêu và những rừng điều bạt ngàn. Tại ngã ba Sao Bọng thuộc xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng có đường rẽ phải, đó là con đường độc đạo nối liền Bình Phước - Lâm Đồng và cũng là con đường dẫn vào vùng thánh địa. Sao Bọng là tên của một cây sao bị hư phần lõi nhưng cây vẫn đứng sừng sững ở ngã ba nên gọi là ngã ba Sao Bọng. Cây sao bây giờ không còn nữa, nhưng người ta vẫn dùng tên của nó đặt cho khu vực này.

Dân cư sống tại đây nguồn thu nhập chính là cao su, hồ tiêu và điều lộn hột. Khi chúng tôi đến đang là mùa thu hoạch điều. Điều là loại cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhưng chỉ lấy hột không sử dụng quả. Tại các vườn điều, những quả chín màu vàng tươi hay màu đỏ bầm rụng xuống nằm lăn lóc dưới đất, chẳng ai buồn nhặt. Chúng tôi cảm thấy xót, rồi tự hỏi tại sau các nhà khoa học, những tiến sĩ về nông học không tìm cách chế biến quả điều chín mọng ngọt lừ mang mùi hương tươi nguyên này ra một loại thương phẩm nước uống khác, vì số lượng quả chín chiếm gần 98% giá trị hàng hóa của điều.

Chuyện ở cửa rừng vào thánh địa

Tại quán cà phê ở ngã Sao Bọng, lúc chúng tôi mở bản đồ xác định chiều dài con đường để tìm vào di tích Cát Tiên, một người đàn ông tự mình mang ly cà phê sang bàn chúng tôi chào hỏi và góp chuyện. Ông ta tự giới thiệu tên là Năm Hoành. Ông Hoành trên 50 tuổi, vóc người cao lớn, râu tóc dài, da ngăm đen với đôi mắt sâu kỳ bí như người rừng ở triền núi Hymalaya. Sau khi tự giới thiệu đôi nét về mình, ông Hoành kể cho chúng tôi nghe chuyện dài nhiều tập về Cát Tiên bằng âm sắc của một mẫu người giang hồ từng trải đã đến giai đoạn “gác kiếm”.

Uống phần cà phê cuối cùng còn đọng ở đáy ly, ông từ tốn: “ Trong những lần có dịp ra quán nước ở ngã ba này, tôi được gặp nhiều người, họ là nhà văn, nhà báo, nhà khảo cổ hay những du khách tây ta vì tính tò mò tìm đến vùng Cát Tiên để tìm hiểu về thánh địa, nhưng phần đông họ chỉ đến đó để xem xét xin tài liệu ghi chép, chụp ảnh rồi hối hả ra về. Cuối cùng là những bản sao chép hay câu chuyện kể một chiều, người đọc chả thấy có điều gì mới xuất hiện.

Xin nói với các ông rằng, khu Cát Tiên nơi mà các ông sắp đến, chỉ là phần nổi của thánh địa. Tôi đã sống gần cả đời ở trong rừng để đãi vàng và truy tìm đền đài cổ tại 4 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương và Lâm Đồng thuộc đầu nguồn sông Đạ Đờng.

Tôi là người không được học nhiều như các ông, nhưng là người trực tiếp đào bới tìm vàng sa khoáng trong rừng, thời trai trẻ của tôi trải dài ở chốn rừng sâu nước độc, quanh năm ngủ dưới những bóng cây già nên gần như thuộc lòng những địa danh có đền đài và vàng sa khoáng, thỉnh thoảng làm người dẫn đường cho những ai có máu phiêu lưu mạo hiểm đánh bạc với niềm hy vọng. Nhưng những người tôi biết, hầu như không thấy ai trở nên giàu có, chưa nói là bỏ mạng ở giữa rừng.

Thực ra thánh địa Cát Tiên rất rộng có thể rộng hơn 719km² của vườn quốc gia Cát Tiên, bắt đầu từ ngã ba sông Bé đến Phú Giáo ngược về Bù Đăng. Ở phía Tây Bắc Đồng Nai, tại phân trường 3 lâm trường Hiếu Liêm, phân trường 2 lâm trường Vĩnh An và phân trường Lý Lịch của lâm trường La Ngà còn đầy di vật của người xưa. Nhất là địa phận ở lâm trường Vĩnh An dọc theo suối Samat có khá nhiều ngôi đền cổ, mỗi ngôi đền đều nằm gọn trong lòng các ngọn đồi nhỏ mang hình bát úp cách nhau vài chục mét liên tục như cánh đồng Chum hạ Lào. Có ngôi đền nằm trong hang đá, khi chúng tôi mò vào lạnh buốt cả người, ở phía xa cách vài bước chân trong hốc đá xuất hiện vài cái đầu con trăn đất bằng nắm tay le lưỡi chực chờ.

Những đền đài nằm trong lòng đất tại các nơi tôi nói chỉ có tượng thần Siva bằng đá huyền vũ, kích thước bằng bắp tay con người, nặng khoảng 10 ký, thỉnh thoảng đào được vàng nhưng rất hy hữu. Những cổ vật mà chúng tôi nhặt được đã thay thông điệp của người xưa khẳng định rằng nơi đây từng là nơi của một vương quốc hoặc là lãnh địa tôn giáo của người xưa, đó là chuyện có thật.

Và cuối cùng như các ông đã thấy, những người từng đi săn tìm kho báu như chúng tôi sau này đều bị trả giá ở thời hậu vận. Tôi khuyên các ông khi đến thánh địa hãy dóng lên hồi chuông bảo tồn, nếu được hãy phục chế lại để tiền nhân và con cháu còn nhớ một thời cổ sử đã trải qua những năm tháng rêu phong hay sương gió bào mòn. Khi đến thánh địa, đừng lấy nhầm bất cứ cổ vật gì mang về để rồi phải trả giá vào cuối đời như tôi, hãy nhớ lời khuyên của một vị thánh nhân ngày trước đến bây giờ vẫn còn giá trị tươi nguyên là: Cái gì của César hãy trả lại cho César”.

Chúng tôi biết ông “người rừng” này nói thật, vì những thuật ngữ và phong cách diễn đạt mang phong cách của người có học, từng trải đã từng theo những canh bạc núi rừng của một thời trai trẻ. Ông lịch sự chào chúng tôi rồi lặng lẽ bỏ đi, để lại những tia mắt đầy lửa như thách thức. Nhìn dáng đi và cách nói đầy thần khí của ông như một vị chỉ huy đã từng chiến bại. Trong đời thường, những bại tướng khi về già thường sống thật, vì có thêu hoa dệt gấm hay cường điệu thêm điều gì để đánh bóng cho mình cũng là người thua trận. Nhưng chính họ là người để lại đời sau những kinh nghiệm xương máu, ông “người rừng” đã dạy chúng tôi bài học vỡ lòng đầu tiên trước khi vào thánh địa.

Thánh địa Cát Tiên có thật mà như huyền thoại

Sau khi trải qua chặng đường dài 297km hiện trên xe máy, chúng tôi đến cầu dây Phước Cát đoạn bắc qua sông Đạ Đờng cũng là ranh giới của 2 tỉnh Bình Phước - Lâm Đồng. Vào tháng 6 tại xã Phước Cát mưa như trút nước, Cát Tiên là vùng đất cuối cùng của Nam Tây Nguyên nên thường gánh chịu mưa gió và lũ lụt, những cơn mưa trắng trời xối xả cả tuần, sau đó đối mặt với những cơn lũ từ nước sông tràn lên như muốn xóa sổ sự sống con người.

Dòng sông Đạ Đờn những năm gần đây nước đổ về đỏ ngầu như sông Hồng. Chỉ cách đây vài năm, con sông này nước vẫn còn xanh trong, điệp theo màu của rừng núi mà bây giờ đã chuyển sang màu lạ. Tôi hỏi những người dân địa phương, họ chỉ tay xuống những chiếc xà lan chở cát đang oằn mình chạy dưới sông với tiếng máy nổ phành phạch như muốn phá vỡ không gian tĩnh lặng của núi rừng. Dân địa phương cho biết do những xà lan hút cát đã bức tử dòng sông. Họ đã làm sụp đất mất vườn, mất nhà cửa của một số hộ dân sống ven bờ.

Theo hướng chỉ tay của một cư dân địa phương, chúng tôi nhìn thấy cả cây dừa lẫn cây điều sum sê một nửa thân cành, rễ đứng chênh vênh bên bờ sông sẵn sàng đổ ụp xuống trôi theo dòng nước bất cứ lúc nào. Vì lợi nhuận, con người thường giải bài toán cơm áo trước mắt mà không nghĩ đến hệ quả cũng như các đền tháp cổ, người ta đã đập phá đào bới tìm vàng bạc mà không nghĩ đến di sản của tiền nhân để lại. Bên ngoài mưa vẫn rơi như trút nước, bầu trời đen kịt. Biết không thể chờ đươc nữa, chúng tôi khoác áo mưa mò mẫm tìm đường vào nhà trọ ngay khu thánh địa.

Dọc theo tỉnh lộ 721, những quả đồi mang hình bát úp không cao đều đặn chạy theo hình cánh cung ôm cánh đồng lúa xanh rì. Ở phía bên kia con sông nhuộm màu đỏ bầm là cánh rừng già nguyên sinh, một ngọn đồi cao sừng sững giữa thung lũng được bao bọc bởi sông Đạ Đờn là trung tâm thánh địa Cát Tiên.

Cô Đinh Thị Chung, hướng dẫn viên của di tích dẫn chúng tôi trèo 185 bậc đá lên tận đỉnh đồi tháp. Nhìn những bức tường bằng gạch dày cả mét nằm xếp chồng lên nhau đổ nát với những cánh cửa làm bằng đá huyền vũ dày 40cm diện tích 6m2 nằm chênh vênh, bên trong chính diện là tượng của Linga và Yony bóng loáng thấy cả mặt người đã khiến cho hậu thế phải chạnh lòng. Vương quốc xưa nào đã ngự trị nơi đây mà bây giờ thành quách đền đài trở thành hoang phế.

Ở phía mặt tiền đền tháp sâu thẳm là dòng sông Đạ Đờn uốn lượn với tiềng thác đổ rì rầm như hơi thở của người xưa còn vang vọng đâu đây, gai óc chúng tôi nổi lên hình tượng một thời oanh liệt của triều đại vương quyền. Cách tháp chính vài trăm mét là những ngôi đền nằm rải rác, cũng bằng những viên gạch to bản xếp chồng lên nhau tang thương như những con người cố ôm giữ báu vật để gìn giữ chống chọi với thời gian và tham vọng của con người.

Thánh địa Mỹ Sơn, di tích chính của văn hóa Chămpa ở Quảng Nam do người Pháp phát hiện vào năm 1885. Đúng 100 năm tức là năm 1985, Cát Tiên do người Việt phát hiện. Vị trí của hai thánh địa này có nhiều điểm tương đồng như cổng tháp được quay về hướng Đông để nhận ánh mặt trời, cùng nằm ở thung lũng được bao bọc bởi dòng sông và những ngọn đồi bát úp. Cả hai thánh địa đều bị điêu tàn nhưng đây đó vẫn còn sót lại những mảng điêu khắc mang dấu ấn hoàng kim.

Điểm khác của Cát Tiên là mang đậm dấu ấn tôn giáo Bàlamôn, các nhà khảo cổ cho rằng nơi đây từng là một đô thị tôn giáo cổ xưa, được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn. Vì vậy di tích Cát Tiên ra đời trong thời kỳ nào, thuộc phong cách nghệ thuật nào, chủ nhân là ai... là những câu hỏi mà suốt từ khi phát hiện qua bốn lần khai quật đang vẫn còn tranh luận.

Các đền tháp ở Cát Tiên dựa theo bình đồ vuông giật cấp nhiều lần, trong 20 đền tháp và đền mộ đều có kiến trúc và uy nghi giống nhau nhưng tất cả đều mang dáng dấp của Ấn Độ giáo vươn lên trong hình thái vương quyền và thần quyền liên kết để trị quốc. Trong 4 lần khai quật đã tìm được 1.100 hiện vật trong đó có 265 phù điêu bằng vàng được người xưa gò mảnh mai phóng khoáng, hòa nhập vào nhau. Các cổ vật còn lại được chế tác với nhiều chất liệu khác nhau như đá huyền vũ, đá thạch anh, đất nung đỏ... Điểm nổi bật là những bộ sinh thực khí Linga-Yony được xem là lớn nhất Đông Nam Á với đường kính của Linga 0,7m, cao 2,1m và Yony làm bệ đỡ cho Linga hình vuông rộng 2,26m.

Cô Chung, người thuyết minh của di tích Cát Tiên, giải thích về hai ngẫu vật này: “Theo truyền thuyết, ngày xưa khi trời đất vào xuân cũng là mùa sinh sản của cây cối cũng như con người. Vào lúc ấy, tín đồ từ các nơi khác đến thánh địa để dự lễ hội. Trên sân gạch rộng trước đền, tín đồ bước vào hai căn nhà gạch, nữ một bên và nam một bên, tại đây họ trút bỏ mọi thứ bụi trần, trút bỏ quá khứ thân phận. Khi bước ra sân đền tham dự nghi lễ, giữa khung cảnh thâm u của đại ngàn, hòa với tiếng gào thét của dòng sông, họ trở về nguồn cội thuở hồng hoang thành những con người bình đẳng của thời nguyên thủy.

Những đứa trẻ sinh ra trong dịp lễ hội này được xem là con của thần sáng tạo Brama, thần bảo tồn Vishu và thần hủy diệt Shiva. Chúng sẽ trở thành những người canh giữ đền thiêng, những tu sĩ nam nữ hiến thân cho tôn giáo phồn thực của dân tộc mình. Sau đó đoàn người xếp hàng tuần tự thành kính đi vòng quanh đặt tay lên Linga và hôn lên ngẫu tượng. Họ múc nước thần chảy từ lỗ thoát qua khe Yony dội lên đầu, té nước ướt hết thân mình, cầu cho sự tốt tươi mùa màng, cầu xin cho con cái loài người nảy nở nhiều như cỏ tranh trên cánh đồng, như măng tre măng nứa giữa mùa mưa… Chính vì vậy, khu di tích Cát Tiên được các nhà khảo cổ xếp loại là thánh địa của tôn giáo.

Theo các nhà khảo cổ, những gì khai quật được chỉ là phần nhỏ trong quần thể di tích. Giá trị văn hóa và những bí ẩn đầy sức hấp dẫn của vùng đất thiêng này không kém gì thánh địa Mỹ Sơn. Và để bảo tồn di sản cha ông, Bộ Văn hóa Thông tin đã giải ngân đợt một 400 triệu để làm công tác bảo vệ và hiện đang lập dự án 137 tỉ để trùng tu. Nơi đây một lần nữa chứng minh rằng người Việt luôn luôn giữ gìn tôn tạo di sản văn hóa của các dân tộc anh em như là của cha ông mình. Trong tương lai sẽ là điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về miền đất huyền thoại có thật của tiền nhân.

Du lịch, GO! - Theo Cảnh sát toàn cầu, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống