Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 3 September 2012

Những tập tục như ngủ ngồi, đẻ ngồi; người chết ở trần, đóng khố không có áo quan... vẫn đang tồn tại ở tộc người Đan Lai giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát.

< Người dân Đan Lai qua sông Giăng.

1. Vừa nghe chúng tôi hỏi về nguồn gốc của tộc người Đan Lai, thầy giáo La Đình Thám, 67 tuổi, nguyên giáo viên Trường tiểu học Môn Sơn 3 (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An), kể lại truyền thuyết của dân tộc mình: Từ thời xa xưa lắm rồi, có một chàng trai nghèo họ La, bỏ làng Đan Nhiệm (huyện Nam Đàn) ngược lên miền Hoa Quân (huyện Thanh Chương) tìm vợ rồi ở luôn tại đó, sinh con đẻ cháu ngày một đông đúc.

Nhờ tính hay lam hay làm nên đã có của ăn của để. Sự giàu có của dòng họ này đã đẩy con cháu mình vào một bi kịch. Do ghen ăn, tức ở, bọn chức dịch trong làng đã dùng mưu gian, kế hiểm đẩy dòng họ La vào bước đường cùng. Khi dòng họ La đang sống yên bình, thì bỗng có chiếu vua ban xuống, quan sức về làng. Trong chiếu nhà vua bắt dòng họ La trong vòng 10 ngày phải nộp cho triều đình một chiếc thuyền liền mái chèo và 100 cây nứa vàng nếu không cả họ sẽ bị chém đầu.

Để tránh họa đầu rơi, máu chảy, cả dòng họ La, già trẻ, gái bằng được trai vội vã bủa vào rừng thiêng, nước độc tìm kiễm lễ vật ấy cho vua. Nhưng họ cứ đi, đi mãi, ngày đêm không nghỉ, lục tìm hết cả đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ mà vẫn không thể tìm ra được những sản vật quái gở ấy... Tay không trở về làng khi thời hạn đã gần hết, nhân một đêm tối trời cả dòng họ La bàn nhau bỏ trốn.


< Phụ nữ Đan Lai thường lên núi hái lượm, xuống sông bắt cá.

Họ ngậm ngùi bồng bế, dắt nhau rời làng trốn vào rừng sâu, họ ngược dòng sông Giăng đi mãi, đi mãi đến tận nơi sơn cùng thuỷ tận đến khi tối mịt, cả đoàn người mệt mỏi mới dám tựa vào gốc cây, hang đá nghỉ lưng chờ trời sáng để đi tiếp. Điểm dừng chân cuối cùng của họ là một vùng núi non hiểm trở, cây cối hoang sơ, không có một dấu chân người, đó là vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát bên dòng sông Giăng đầy thác ghềnh hung dữ.

Ngày đó nơi họ dừng chân chỉ có thú dữ và chim chóc, không có một bóng người lai vãng. Hy vọng sẽ không ai biết họ ở đây để báo cho vua chúa đem quân đến giết hại nữa, dòng họ La quyết định “đóng đô” lại đây.

< Còn đàn ông thường ở nhà cả ngày… bồng bế con.

Cuộc đào tẩu vào giữa đại ngàn Trường Sơn của tộc người Đan Lai đã được đưa vào bài cúng tổ tiên: “Theo dấu chân nai/ đi gieo hạt lúa/ theo dấu chân hổ/ đi trồng hạt ngô/lang thang đầu suối/ bâng khuâng lưng đèo/ sống đời nghèo khổ/ như dòng suối nhỏ/ như gió rừng chiều...”.

2. Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Trần Vương, thì cuộc chạy trốn bất đắc dĩ và đầy bi thương này đã đẩy tộc người này cách ly với đời sống xã hội đương đại của dân tộc khiến họ rơi vào cảnh bần cùng, khốn khó giữa chốn rừng thiêng, nước độc. Để tồn tại và duy trì nói giống của mình, những con người thậm khổ này bắt buộc phải quay trở lại kiếp sống hái lượm của thời hồng hoang và phải chấp nhận hôn nhân cận huyết. Hằng ngày họ phải vạt cây gỗ để làm dụng cụ săn bắt, hái lượm, lấy vỏ cây rừng làm khố, đào củ mài, tìm củ nâu trong rừng để sống qua ngày.

< Hồn nhiên học sinh người Đan Lai nơi chốn “sơn cùng thủy tận”.

Cả chiều dài lịch sử đằng đẵng lánh nạn giữa nơi thâm sơn cùng cốc, dòng họ La dần dần giao tiếp được với một số dân tộc thiểu số bản địa như người Thái, người Thổ, họ chấp nhận lai tạp thêm vào tiếng mẹ đẻ của mình các từ ngữ của các dân tộc khác để che giấu thân phận và nguồn gốc của mình.

Họ tự đặt tên tên cho dòng họ của mình là Đan Lai. Đan là ý muốn chỉ tộc người của mình xuất phát ở làng Đan Nhiệm, còn Lai ý nói là mọi thứ kể cả con người, tiếng nói, phong tục đều đã bị “lai tạp”. Đây là lý do giải thích vì sao tiếng nói của tộc người này là một thứ thổ âm lai tạp giữa Mường - Việt ngữ cổ. Bị cách biệt với thế giới bên ngoài hàng trăm năm nên dần dần họ quên cả tiếng nói mẹ đẻ, quên cả chữ viết, phương thức canh tác nông nghiệp và cả nét văn hoá của dân tộc mình... Đây là những nguyên nhân hình thành những phong tục, lối sống rất khác lạ với đời sống hiện đại.

< La Thị Duyên - cô học trò người Đan Lai đầu tiên đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.

Thầy giáo La Đình Thám giải thích thêm: Cả tộc người Đan Lai sinh sống chủ yếu bằng hái lượm giống như thời hồng hoang nguyên sơ của loài người nên họ đã duy trì nhiều tập tục xa lạ với các dân tộc khác. Khi chết người Đan Lai không được mặc quần áo, chỉ đóng khố, không dùng hòm vỏ để chôn cất, ngủ ngồi, con cháu trong cùng dòng họ lấy nhau, sinh con đẻ cái là chuyện quá bình thường...

Ông Thám kể câu chuyện về người bác ruột tên là La Văn Khằm. Năm 1960, khi đang làm cán bộ HĐND huyện Con Cuông, ngày nghỉ ông Khằm về thăm gia đình và bị ngã bệnh qua đời đột ngột. Dịp đó, lãnh đạo huyện đưa hòm gỗ về bản để làm thủ tục khâm liệm cho người quá cố, nhưng từ người nhà đến già làng, dân bản đều nhất quyết cự tuyệt. Họ quan niệm rằng chôn cất ông Khằm bằng hòm gỗ là sai lệ làng và khi xuống cõi âm người chết sẽ không được tổ tiên chấp nhận.

< Đêm xuống du khách vừa quây quần bên bếp lửa nghe người Đan Lai kể về truyền thuyết.

Trước sức ép của chính quyền, ông Khằm đã được nhập quan, nhưng khi chôn cất xong, cán bộ huyện vừa ra khỏi bản thì dân bản đào huyệt đưa lên xác ông Khằm lên để làm thủ tục chôn trần theo phong tục của dân bản...

Thượng tá, Nguyễn Văn Vượng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Môn Sơn (Đồn 555), cho biết: Hiện số người Đan Lai tại huyện Con Cuông có khoảng 708 hộ với 3.277 nhân khẩu. Trong đó riêng xã Môn Sơn có 217 hộ với 1.075 nhân khẩu sống tập trung chủ yếu ở 3 bản: Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng thuộc của xã Môn Sơn (217 hộ), số còn lại sống ở 2 xã Lục Dạ (55 hộ) và Yên Khê (36 hộ). Từ năm 2008 đến nay, tộc người Đan Lai được Nhà nước quan tâm giúp đỡ rất nhiều.

< Trẻ con Đan Lai làm quen với cuộc sống săn bắt, hái lượm.

Do quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” nên người Đan Lai sống phóng khoáng như núi rừng, cỏ cây, mỗi cặp vợ chồng cưới nhau từ khi mới 13-14 tuổi nên bình quân họ từ 4 đến 6 người con, cá biệt có cặp vợ chồng sinh tới 13 đứa con.

Phụ nữ Đan Lai mới 13-14 tuổi đầu đã lấy chồng. Một mình vào rừng “vượt cạn” đẻ ngồi trong cái chòi dựng tạm giữa rừng. Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, dù là nắng hay mưa, dù cho rét căm căm đến ghê người vẫn mẹ đem xuống suối để tắm 3 lần. Đến khi da dẻ bị tím tái, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà nuôi.

Những đứa trẻ Đan Lai đứa nào cũng có đôi mắt rất đẹp, xanh trong như dòng nước sông Giăng nhưng hễ gặp người lạ là chúng đều cúi gằm mặt xuống. Dường như sự mặc cảm về thân phận của cả tộc người đã ăn sâu trong tâm hồn của bọn trẻ giữa chốn thâm sơn cùng cốc này.

< Tập tục ngủ ngồi để để cảnh giác với thú dữ vẫn tồn tại với tộc người Đan Lai.

3. Tộc người Đan Lai có tập tục lạ lùng là không bao giờ ngủ nằm. Tục ngủ ngồi ăn sâu vào máu thịt từ người già đến trẻ con trở thành thói quen của tất cả mọi người.

Già làng La Văn Quyết giải thích, tục ngủ ngồi xuất phát từ việc phải thường trực ý thức trốn chạy thật nhanh nếu bị quan quân chế độ phong kiến vây bắt. Đó cũng là cách để giúp họ hàng ngày chống chọi với muông thú hoang dã đang rình rập. "Nhờ tục ngủ ngồi mà người Đan Lai tồn tại được đến ngày hôm nay đấy", già Quyết nói.

Từ hơn 300 trăm năm nay tộc người Đan Lai luôn sống trong cảnh không có nhà, chỉ lấy cành cây dựng tạm thành cái lều ở tạm cho đén khi hỏng thì mới làm lại. Mỗi khi màn đêm buông xuống, trong túp lều tạm bợ ấy, cả gia đình họ chỉ dám ngồi quây quần bên đống lửa để canh chừng thú dữ tấn công.

< Tám đứa trẻ của 1 gia đình người Đan Lai.

Lâu dần thành thói quen, ngồi thâu đêm như vậy ai cũng mệt nhoài, chỉ dám tranh thủ chợp mắt để khi có thú đến còn có đà chạy vào rừng sâu lẩn trốn. Cho đến tận bây giờ, ngủ ngồi đã thành một tập tục của tộc người Đan Lai. Trẻ con lớn lên chỉ cần biết ngồi vững là đã phải học cách ngủ ngồi!

Người Đan Lai không chỉ ngủ ngồi quanh bếp lửa, tộc người này còn có thể ngủ trên cây mỗi khi đi săn bắt, hái lượm không kịp về bản. Theo già Quyết, cứ mỗi chuyến đi săn ít nhất cũng tới vài ngày. Những lúc như vậy những người đi săn thường phải trèo lên cây cao để ngủ nhằm tránh thú dữ. Chỉ cần vài ba đoạn cây buộc vào nhau làm điểm tựa là họ ngủ ngồi suốt đêm trên cây.

“Tục ngủ ngồi đã được truyền qua bao đời nay nên người dân trong bản không có thói quen nằm giường. Cả bản Cò Phạt có hơn 70 nóc nhà, nhưng chẳng nhà nào mua sắm giường chiếu. Mới đây, do được tuyên truyền vận động, cũng có nhà trong bản sắm giường, nhưng khi ngả lưng nằm lại thấy rất khó chịu, đau lưng nên đã quay sang ngủ ngồi”, già Quyết nói.

Du lịch, GO! - Theo NNVN, internet
Núi Gia Lào là một ngọn núi cao 800m thuộc tỉnh Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai, ngọn núi được nổi tiếng bởi sự linh thiêng của một ngôi chùa ngự trị trên đỉnh, và đường lên đỉnh núi cheo leo và xa tít tắp - nơi hằng năm hàng ngàn khách du lịch về đây bái Phật cầu an.

Núi Gia Lào là một ngọn núi đá, trên núi có rất nhiều cây dại, và hầu như không trồng trọt gì. Nhưng đây là một điểm vô cùng thu hút du khách đến đây bái Phật cầu an hằng năm. Cứ vào tháng 7 là đông khách đến đây nhất, đến cả hàng ngàn người lên núi thắp hương cúng vái, làm cho cả ngọn núi nghi ngút khói hương và nhộn nhip hẳn lên. Mỗi tháng rằm, người ta lại đến đây, mỗi năm mới, người ta cũng chọn ngôi chùa trên đỉnh núi Gia Lào để dâng hương bái Phật.

Ở trên đỉnh núi, có một ngọn chùa được xây dựng ở đây, và cũng rất nổi tiếng linh thiêng. Những gia đình có con cái, hay mong cầu bình an, họ đều khăn khói không quản khó nhọc leo 500m núi, vượt qua hằng ngàn bậc thang xa tít tắp để lên đến đỉnh thắp hương, mong rằng sẽ được như ý nguyện.

Núi Gia Lào không đẹp như bao ngọn núi khác, nhưng nó mang một vẻ hoang sơ. Những người không đi dâng hương thì đến đây thử cảm giác chinh phục ngọn núi cao thứ 2 ở miền Nam này.

Xung quanh đường lên đỉnh có rất nhiều cây cối mọc um tùm xanh mát rượt, đường lên đỉnh quanh co, nhỏ hẹp, từng bậc thang đá được xếp ngay ngắn nhưng dài tít tắp thử sức người leo. Để chinh phục ngọn núi này, bạn phải mất từ 1-2 giờ đồng hồ để leo đến đỉnh.

Hiện nay, khu vực xung quanh núi Gia Lào được mở rất nhiều quán ăn, giải khát để phục vụ người dâng hương, nên ngọn núi lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Ở đó, bán rất nhiều đồ lưu niệm từ gỗ, vỏ sò, dây đeo, bùa bình an...đến những trái cây, mứt, thuốc, hương liệu, cho bạn than hồ chọn lựa.

Trên đỉnh núi, có ngọn chùa nằm cheo leo giữa các dốc đá, thanh tịnh và luôn nghi ngút khói hương. Và đặc biệt, núi Gia Lào nổi tiếng có cây ba gốc 1 ngọn. Tương truyền rằng, nếu cầu may ở dưới gốc cây này, mọi mong muốn của bạn sẽ thành hiện thực.

Trong dịp xuân hay những ngày rằm tháng 7 âm lịch, bạn đến đây sẽ thấy ngọn núi này rất đặc biệt. Không khí trong lành, khách du lịch ăn mặc tươm tất, mang rất nhiều lễ vật, hương hoa lên núi. Rồi có những người hái lộc đầu năm mang về, từng đoàn người lên, từng đoàn người xuống, nhộn nhịp cả tháng giêng hay trong dịp lễ hội.

Nếu bạn đã đến Đồng Nai một lần, thì đừng bao giờ bỏ qua cơ hội đến ngọn núi này thử sức khám phá độ cao của ngọn núi này nhé.

Du lịch, GO! - Theo VinaBooking

Núi Chứa Chan - chùa Gia Lào: Di tích lịch sử, danh thắng
Tuyệt tác trên đỉnh Chứa Chan
Người Thái Tây Bắc có tục các sản phụ đều sưởi lửa trong thời gian ở cữ. Lửa trong quan niệm của người Thái giúp các sản phụ và trẻ sơ sinh thêm mạnh khỏe, tránh được sự quấy nhiễu của ma quỷ, đồng thời lửa còn giúp các sản phụ tránh được một số bệnh sau khi sinh nở.

< Cầu cho nguồn sữa tốt lành.

Khi gia đình có người mới sinh, chủ nhà treo “ta leo” để tránh ma tà, đồng thời là thông điệp cho tất cả mọi người. “Ta leo” gồm một tấm phên đan hình mắt cáo, trên đó gài lá cúc tần – “co nát” và một mẩu củi cháy dở. Những ngày này không cấm người ngoài họ tộc lên nhà, nhưng những người dữ vía thường giữ ý không lên.

< Thông điệp nhà có người mới sinh.

Còn lại khách trước khi lên đều ý tứ nói: “Nha chắp nha pét nớ, e nọi ơi !” – có nghĩa là: Đừng giống như chú, như bác nhé, bé yêu ơi ! Người nhà cháu bé mới sinh lịch lãm trả lời: “Nha chắp nha pét ben đi đò” – nghĩa là: Được giống như chú như bác càng tốt, càng hay!

Nếu sinh con trai sản phụ sưởi lửa bẩy ngày, sinh con gái sưởi lửa chín ngày, ứng với bẩy vía và chín vía. Khi đến ngày ra lửa, người mẹ phải tắm bằng nước lá thơm, gội đầu, thay váy áo mới. Chủ nhà mời bà mo đến cúng. Trong đời sống tâm linh của người Thái Tây Bắc, bà mo “một nhính” có vai trò rất quan trọng, được mời trong các lễ cúng cầu xin con cho các đôi vợ chồng hiếm muộn con – “xên so lụk”, cúng vía trâu – “tám khuôn quái”…

< Trừ tà tà cho nguồn sữa.

Bởi người Thái Tây Bắc quan niệm trên trời có một bà mụ gọi là “Me bẩu” chuyên dùng một khuôn để đúc người, cũng chính vì vậy trên đầu chỗ nằm của sản phụ bao giờ cũng có một chiếc bát cổ gọi là “thuổi bẩu” trong đựng tóc rối tượng trưng cho nhau của người mẹ.

Ông nội hoặc đàn ông trong nhà đan một chiếc giỏ tre nhỏ gọi là “tạy ho” để dánh dấu sự ra đời của đứa trẻ. Tạy ho của con trai làm thêm cái nỏ bé, quạt…, tạy ho của con gái có hai cánh và cái bật bông…. Đến khi qua đờì tạy ho sẽ đem hỏa thiêu cùng thi thể.

< Buộc chỉ giữ vía cho sản phụ.

Mâm cơm cúng bao giờ cũng có gà, trứng, xôi… Đầu tiên bà mo cúng ở gian thờ tổ tiên – “hỏng hóng, bên cạnh mâm cúng bao giờ cũng đặt chiếc váy của bà đỡ, người đã đón cháu bé chào đời. Bà mo thay mặt gia chủ báo cáo với tổ tiên và các thế lực siêu nhiên, cầu xin cho hai mẹ con mạnh khỏe.

Sau đó mới cúng ở gian hai mẹ con nằm. Lời cúng ngoài kể lại quá trình mang nặng để đau, thì còn chúc cho đứa trẻ: “Thằng cu, cái hĩm đều to cao lớn đều/ Người Thái trong bản bảo nhau/ Sau này bố mẹ, ông bà sẽ được nhờ cậy cháu/ Con cháu trưởng thành lớn khôn…”.

Tiếp đó bà mo cúng cầu cho bầu sữa của người mẹ nhiều sữa, không tắc, bà mo lấy kéo cắt hờ trước đầu vú của sản phụ yểm không cho ma quỷ làm hại, rồi lấy rượu chải xuôi bầu vú cho không tắc tia sữa , lấy trứng xoa vào bầu vú người mẹ và chấm vào miệng đứa trẻ, cầu mong cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn.

Trứng trong quan niệm của người Thái tượng trưng cho sự sinh sôi nẩy nở và viên mãn. Sau khi bà mo cúng xong, bà ngoại cắt tóc cho cháu. Sau đó bà mo buộc chỉ vào cổ người mẹ để giữ vía, mọi người buộc chỉ cổ tay cho cháu bé, cầu chúc và ban phước. Ông ngoại cháu bé treo nôi, bà mo còn cúng chiếc nôi cho cháu bé được ngủ ngon, sau đó bà nội đặt cháu bé vào nôi ru cháu ngủ, mọi người cùng ăn uống vui vẻ mừng cho gia chủ.

Trong lễ thôi sưởi lửa này cháu bé sẽ được ông bà ngoại đặt tên. Ngườì Thái rất coi trọng bên ngoại, bởi quan niệm phúc lộc của con cháu là do họ ngoại mà có. Cũng vì vậy, trong lễ thôi sưởi lửa này người cao tưổi nhất bên ngoại được mời ngồi vị trí trang trọng nhất, mọi người đều buộc chỉ cổ tay cho cụ, cầu mong cụ mạnh khỏe, trường thọ, ban phúc cho con cháu.

Mỹ tục này được các thế hệ người Thái duy trì như một nét đẹp văn hóa. Mỗi thành viên thêm vững tin vào cuộc sống, kính yêu các bậc sinh thành, để rồi sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn.

Du lịch, GO! - Theo blog Tranvanhac, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống