Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 5 September 2012

Cách đây hơn 20 năm, những người sống ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nằm mơ chắc cũng không nghĩ có ngày mình được phóng xe vừa hóng mát, vừa dạo chơi trên hai con đường ven kênh từng được mệnh danh là "dòng kênh thối".
Và đằng sau sự thay da đổi thịt của dòng kênh là hàng loạt các chuyện đổi đời, đổi nghề của người dân nơi đây.

< Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôm nay với nhiều mảng xanh.

Những ngày này, đi dọc hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa uốn lượn dọc dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, dễ dàng bắt gặp hình ảnh vào buổi sáng các cụ ông, cụ bà tập thể dục bên những bồn hoa vừa mới được trồng và chiều đến, nhiều người dân thả bộ ra các cây cầu bắc ngang kênh để hóng mát.

Chuyện không tưởng đã xảy ra

Đứng hóng mát trước căn nhà mặt tiền số 220/174B đường Lê Văn Sỹ, phường 14, quận 3 (nay đã là mặt tiền đường Trường Sa), ông Nguyễn Thành Sương (chủ nhà), cho biết hình ảnh hiện tại trái ngược hoàn toàn với cảnh nhếch nhác của hơn 20 năm trước. Lúc đó, nói đến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, mọi người đều nghĩ ngay đến dòng kênh đen ngòm, đầy rác, lúc nào cũng bốc mùi hôi thúi, tanh tưởi không những ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của khoảng 1,2 triệu người sống trong lưu vực kênh này.

< Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, khu vực cầu Kiệu...

“Nói thật, khi đó cả năm nhà tôi chẳng thấy có khách đến thăm. Hỏi ra mới biết, tất cả là do ô nhiễm; bởi chúng tôi sống ở đây lâu, nên quen với mùi hôi thối này, chứ những người mới đến hoặc đi qua, thì thường nín thở mà đi. Rác thải ngập ngụa dòng kênh khiến nước kênh đặc sệt, làm muỗi sinh sôi nảy nở. Giờ thì hoàn toàn khác! Hàng ngày, trẻ em cũng như người lớn tuổi đi bộ, tập thể dục, thư giãn dọc theo con kênh nơi nhìn chẳng khác gì một công viên thu nhỏ với vỉa hè sát bờ kênh trồng thảm cỏ, những cây hoa tầng thấp, tầng cao...”, ông Sương tâm sự.

Trong câu chuyện quanh bàn trà mỗi buổi sáng mai giữa ông Sương và bạn già trong xóm, tôi còn được nghe cụ Nguyễn Văn Bản ở gần nhà ông Sương, nhận xét: “Từ ngày trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè đưa vào hoạt động, nước thải sinh hoạt không còn thải xuống kênh nên dòng kênh đã hết hẳn váng dầu, mỡ nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chắc không lâu nữa tôm cá sẽ về, nước sẽ trong xanh trở lại”.

Ngay khi cụ Bản vừa dứt lời, ông Sương cười, nói chen vào: “Rồi đây có khi mấy công ty du lịch còn tổ chức cho khách chèo thuyền tham quan trên suốt tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nữa không chừng. Chuyện không tưởng đã xảy ra, dòng kênh đã sống lại rồi!”

< ...và khu vực cầu Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, trước khi cải tạo dòng kênh.

Đổi đời!

Không chỉ vui mừng vì dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đang sống lại, từ hai năm nay, khi dự án mở rộng hai con đường ven kênh Trường Sa và Hoàng Sa hoàn thành, hàng ngàn hộ dân nơi đây còn hy vọng vào việc đổi đời, đổi nghề. “Hiện tại, nhờ vào việc cho thuê cái kiốt rộng hơn 20m2, chúng tôi kiếm được hơn 7 triệu đồng/tháng, đủ để cho hai vợ chồng già chi tiêu và thỉnh thoảng đi du lịch đó đây”, bà Trần Thị Thanh, ngụ đường Phạm Văn Hai (Trường Sa), phường 4, quận Tân Bình, chia sẻ.

Kể từ khi tuyến đường Trường Sa hoàn thành việc mở rộng đoạn từ ngã ba Út Tịch – Lê Bình (quận Tân Bình) lên đến cầu Lê Văn Sỹ (quận 3), hai vợ chồng chú Nguyễn Văn Thu, ngụ 225/88 Huỳnh Văn Bánh (nay là đường Trường Sa), phường 14, quận Phú Nhuận, lập tức biến căn nhà nhỏ của mình thành một quán ốc, buôn bán lai rai, mỗi ngày kiếm được hơn 300.000 đồng. “Không chỉ đủ nuôi thân, nhờ vào quán ốc, hai vợ chồng già tôi mỗi tháng còn cho hai đứa cháu nội mỗi đứa 2 triệu đồng để đóng tiền học phí và mua sách vở để học tập”, chú Thu nói.

Chuyện đổi đời của bà Thanh, vợ chồng chú Thu cũng là câu chuyện đang diễn ra với rất nhiều hộ dân sinh sống dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện tại...

Du lịch, GO! - Theo Sài Gòn Tiếp thị
Mùa lễ Vu Lan báo hiếu, ta bước xuống động Âm Phủ (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) không phải để xuống 10 tầng địa ngục, mà là để cảm nhận từ lòng đất này một nguồn suối nhiệm mầu nuôi dưỡng cho sự sống, để sống đẹp hơn, thiện hơn và thật hơn!

< Cửa động Âm Phủ.

Từ truyền thuyết…

Tự nhận là nguời “ăn cơm dương gian, nói chuyện âm phủ”, Trưởng Ban quản lý (BQL) khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, ông Lê Quang Tươi cho hay, động Âm Phủ nằm dưới chân Thủy Sơn (ngọn lớn nhất trong Ngũ Hành Sơn) do kiến tạo độc đáo của thiên nhiên nên đã trở thành một trong những hang động lớn và huyền bí nhất ở quần thể này.

< Bước qua cầu Âm Dương bắc qua sông Nại Hà.

Trung bình mỗi năm có hơn nửa triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, gồm 5 ngọn Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn do vua Minh Mạng đặt tên từ đầu thế kỷ thứ XIX. Song không phải ai cũng có “gan” một lần xuống động Âm Phủ đầy sức quyến rũ kỳ bí.


< Những lối đi quanh co, huyền bí trong động Âm Phủ.

Người viết bài này cũng không… ngoại lệ, nhất là khi nghe cô hướng dẫn viên Bích Phượng của khu danh thắng kể về những truyền thuyết chung quanh hang động này!

Tương truyền khi vi hành đến Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng đã nhiều lần khám phá động Âm Phủ, vì đây là hang động tương đối hiểm trở, khó vào, bên trong có một đường chui sâu xuống lòng đất. Tại đây, nhà vua đã cho 12 quân lính cầm đuốc lần lượt chui xuống. Lạ thay, mỗi lần chui xuống là mỗi lần tắt đuốc. Có một số người lính can đảm tìm cách xuống động mà không cần cầm đuốc, nhưng cũng đều thất bại.

< Đường lên “Thiên Thai Giới”.

Cũng có tương truyền vua Minh Mạng muốn tìm hiểu động Âm Phủ sâu đến đâu nên ngài đã khắc chữ vào quả bưởi rồi thả xuống hang. Qua hôm sau, người ta nhìn thấy quả bưởi nổi trên bãi biển.

Chuyện thực hư thế nào chưa rõ, nhưng cảm giác ban đầu là hang động này rất sâu, hiểm trở, càng xuống càng tối, đường đi quanh co, không khí ẩm ướt, cảm giác ghê sợ, thậm chí nếu lỡ rớt xuống đó thì chỉ còn nước tìm xác… ngoài biển!

< Lối xuống “Địa Ngục Môn”.

Nhưng rồi người viết bài này đã không cưỡng lại được khi cô hướng dẫn viên còn rất trẻ nói một câu hết sức chí lý: “Ta bước xuống động Âm Phủ - Ngũ Hành Sơn không phải để xuống 10 tầng địa ngục, mà để cảm nhận từ lòng đất này một nguồn suối nhiệm mầu nuôi dưỡng cho sự sống, để sống đẹp hơn, thiện hơn và thật hơn”.

< Ngục A Tỳ gắn với Phật tích Mục Liên Thanh Đề.

Đến sự hướng thiện

Âm phủ là thế giới của người chết. Theo quan niệm luân hồi của Phật giáo, chết không phải hết mà là sự chuyển tiếp để đầu thai về cảnh giới khác. Tên gọi “Âm phủ” đã đi vào tiềm thức con người như là nơi đày ải kẻ gây nhiều tội ác, là thế giới do ma vương cai quản để trừng phạt tội đồ. Âm phủ là nỗi ám ảnh đối với con người ở thế gian, cảnh tỉnh họ luôn hướng đến điều lành, tránh điều dữ, biết ăn ngay, nói thật, biết sám hối, ăn năn, làm nhiều việc thiện để mong sau khi rời khỏi dương gian không bị đày xuống âm phủ.

< Giám Kính Đài.

Ông Phạm Hiền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Quận uỷ Ngũ Hành Sơn luận giải, trong đời sống con người và vạn vật luôn tồn tại hai mặt đối lập: có ngày ắt có đêm, có sinh ắt có tử. Ở động Âm Phủ có nhiều truyền thuyết vừa thực, vừa ảo.

< ... và Phán Quang Điện với chiếc cân Thiên Lý là hai nơi cân nhắc công và tội của mỗi người khi xuống động Âm Phủ.

“Thực” là con người ai cũng một lần sinh và một lần tử, còn “ảo” là sự phân xử của tạo hóa về cái thiện - ác của kiếp con người. Bởi vậy chăng mà trong động này được chia làm hai ngách: đường lên “Thiên Thai Giới” và lối xuống “Địa Ngục Môn” như một lẽ tất yếu của thuyết âm dương.

< Sám Hối Đài.

Từ hàng trăm năm trước, những người thợ làng đá mỹ nghệ Non Nước đã đặt ở cửa ngõ vào động Âm Phủ chiếc cầu Âm Dương bắc qua sông Nại Hà định mệnh, nơi linh hồn con người khi chết phải đi qua theo luật âm ty.

Nếu khách “vào vai” một người bị kéo xuống Âm Phủ sẽ bắt gặp ông Thiện, ông Ác canh giữ cửa động nghiêm ngặt ngày đêm. Thiện và Ác đến đây đều sẽ được phân minh.

< Địa Tạng Bảo Toà với những sắc màu huyền ảo.

Cũng ở động Âm phủ, khách sẽ được chứng kiến Phật tích “Mục Kiền Liên - Thanh Đề”, một câu chuyện nhân quả đầy tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong động Âm Phủ, lối xuống “Địa Ngục Môn có các cửa ngục được sắp đặt từ cao xuống thấp và dưới cùng là ngục A Tỳ, nơi giam giữ bà Thanh Đề vốn gây nhiều tội lỗi.

Con trai bà là Ngài Mục Kiền Liên, một vị chân tu đắc đạo nhưng do nghiệp chướng của mẹ quá nặng nên Ngài không thể cứu thoát được. Song Ngài vẫn tâm nguyện tu luyện để chuộc tội cho mẹ.

< Du khách đến chiêm bái và dâng hương ở Địa Tạng Bảo Toà.

Hàng năm đến rằm tháng 7, Ngài Mục Kiền Liên lại xuống địa ngục tìm mẹ để được báo hiếu công đức sinh thành. Lòng hiếu thuận của con đã làm cho người mẹ ăn năn sám hối và tiếp tục tu tâm sửa tính để trở lại cuộc sống an vui hạnh phúc.

Từ Phật tích Mục Kiền Liên nên ngày rằm tháng 7 hằng năm được gọi là ngày báo hiếu, đại lễ Vu Lan của Phật giáo. Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ không chỉ là triết lý nòng cốt của đạo Phật mà còn là phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Du lịch, GO! - Theo Hải Châu (Infonet)
Chuyến đi bụi chu du vòng quanh miền Tây VN đã kết thúc với nhiều cung bậc cảm xúc. Cũng có nhiều và rất nhiều các bạn đang muốn tìm hiểu và chinh phục vùng miền đầy sông nước này.

< Những con đường nho nhỏ vào các xóm làng tại miền Tây với hai bên là vường cây trái.

Ở bài này mình không viết lại tường thuật chuyến đi mà chỉ chia sẻ lại những kinh nghiệm trong chuyến đi, giúp những bạn đang có ý định và chuẩn bị chinh phục miền sông nước ấy dễ dàng và ít gặp rủi ro hơn. Phương tiện của chuyến đi này được thực hiện bằng xe gắn máy, chiếc xe luôn đồng hành cùng mọi nẻo đường trên đất nước cùng Xì Trum.

Chuẩn bị

- Mang theo Võng dạng dù, hạn chế muỗi và côn trùng cắn ,mệt đâu thì mắc võng nghỉ tại đó.
- Chuẩn bị chai cồn hoặc cồn khô cùng 1 ca inox nhỏ để nấu nước sôi uống café dọc đường hoặc ăn mì gói.
- Các loại thuốc chống muỗi, côn trùng cắn khi ngủ ngoài đường.
- Khẩu trang, găng tay, mắt kính, dao nhỏ, khăn rằn.
- Đèn pin phải chuẩn bị 2 cái loại đèn pha sáng do hầu hết các cung đường miền Tây đều không có đèn vào ban đêm, đường xấu và dọc theo con đường là những con sông, kênh rạch nhưng không có rào chắn .

- Đồ vá xe, ruột xe đề phòng trường hợp thủng bánh giữa đường vì đường khá vắng nên cũng rất ít điểm sửa xe.
- Mang theo 1 lit xăng dự trữ do đa phần 8h tối trở đi các cây xăng đóng cửa, đặc biệt ở khu vực dọc biên giới Campuchia.
- GPS hoặc bản đồ + la bàn: Chạy một hồi lạc vào những cung đường rừng thì rất khó để xác định vị trí .
1 lít nước uống và ít đồ ăn khô dọc đường .
- Mang theo đồ vệ sinh cá nhân.

Kinh nghiệm

Đường đi

- Các con đường khá giống nhau: nhỏ và hẹp, dọc là những con kênh và sông rất sâu, ít địa điểm sửa xe vì thế phải tự trang bị những thứ như vá xe, đèn pin pha sáng. Có những đoạn đường đi vào chạy cả trăm km chỉ một đường thẳng và chạy hoài nên cứ trên tinh thần là chuẩn bị xăng cho đầy bình hoặc mang theo dự trữ 1 lít.

- Chạy đêm đường khá vắng, đôi khi có đoạn đường xấu nên xe phải có đèn pha - đèn trước đèn sau kẻo lọt sông. Lái đường dài đi đêm sẽ gây nhiều ảo giác khó tả nên phải bình tĩnh và luôn cẩn thận trước mọi tình huống.

- Đường miền Tây bằng phẳng không đèo dốc, ngoài Quốc lộ 1A xe cộ dập dìu ra các đường khác tương đối vắng vẻ có thể thoải mái chạy xe không cần tập trung lắm. Có điều phải nhớ là khi thấy xuất hiện một chiếc xe thô sơ nào đó do bất cứ ai điều khiển trên đường thì phải đặc biệt chú ý đến nó và giảm tốc độ đến mức có thể vì nó có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào và không có gì báo trước cả!

- Nếu tiếp tục đi sâu vào các đường làng thì sẽ có những cái cầu không có lan can, gặp những cái cầu này thì bất kể nó rộng hẹp thế nào các bạn cũng nên tuân thủ nguyên tắc "một mình ta qua một cầu", không có gì phải gấp qua cầu cả, một va quẹt nhẹ nhàng trên cầu là đến 80% đưa ta xuống sông.

- Khi đi xe 02 bánh qua các phà nhỏ (phà không chở ô tô) sẽ có cảnh chen chúc. Chuyện này là chuyện thường ngày, không đi cũng không được vì nếu cứ lựa phà lớn mới qua sông thì hơi lâu, lại giảm tính chất phượt. Mà đã đi thì phải tuyệt đối không mất bình tĩnh: dù có ra đến giữa sông mà gặp gió to cũng phải ngồi cho êm đừng quýnh quáng mà toi cả đám.

- Các cụ ở miền Tây có truyền cho kinh nghiệm rằng: Khi rơi xuống sông thì việc đầu tiên là phải đảm bảo giữ mình nổi được đã sau đó nương theo dòng nước trôi đi để giử sức rồi tìm cách vào bờ sau, không cố lội vào bờ khi chưa đảm bảo rằng mình đủ sức bơi đến đích.

- Hỏi thăm đường đi thì phải hỏi liên tục vài người khác nhau vì nhiều người cũng không rõ nên chỉ đi bậy một hồi là tìm không ra. Vậy nên có GPS mang theo thì tốt.
- Nên mang theo giầy, bao tay, khẩu trang, mắt kính to che vùng mắt và có thể nhìn ban đêm do tối có nhiều bọ rầy, muỗi bay vào mất rất khó chịu - lái xe đường dài thì uống thêm vitamin giúp mắt tỉnh táo .

Ăn uống

- Vì đa phần dân địa phương thấy dạng đi du lịch là họ “chém” nên được thì tranh thủ vào chợ mua đồ ăn tự nấu hoặc lủi vào những con hẻm tìm đồ ăn sẽ thơm ngon và rẻ - Chắc ăn thì trước khi ăn cứ hỏi giá.

Ngủ nghỉ

- Ngủ bụi ngoài đường mang theo lều, võng; đốt lửa xung quanh hoặc có gì đó hạn chế sương đêm rơi xuống mặt .
- Nhà nghỉ thì tìm những dãy nhà trọ giá rẻ , kinh nghiệm cứ đi hỏi 8 nhà trọ sẽ tìm được 2 nhà ưng ý , vì thế cũng đừng ngại đi hỏi nhà trọ.

Tuy nhiên: tính cách con người miền Tây thường chân tình và hiếu khách nên bạn có thể xin tá túc lại trong nhà dân, trên ghe tàu hoặc các cù lao. Buổi tối ngồi lai rai xị rượu với một vài anh Hai, anh Ba nơi mình ở nhờ giữa mênh mông sông nước, nghe họ chuyện trò cuộc sống, làm ăn... sẽ là một trải nghiệm thật quý giá.

Những ai muốn ra Mũi Cực Nam thì về Năm Căn sẽ có bến Tàu Cao Tốc (bến nằm trước khi đi hết đường Năm Căn khoảng 1km chứ không phải bến nằm tận cuối đường đâu nhé). Tàu ra Cực chạy liên tục tới 1h chiều từ đất liền ra và từ mũi vào là chuyến cuối cùng 3h chiều - không kịp thì ngủ lại mũi , nhưng mũi chẳng có gì vui. Giá vé 70k/chuyến, xe ôm 30k, về 70k vậy vị chi cho chuyến từ đất liền ra mũi và về là 170k .
Hà Tiên vào mùa nắng mới đẹp, hôm rồi ra biển động mà nước đen ngòm và vắng, buồn.

Du lịch, GO! - Theo Xitrumfamily và nhiều nguồn khác

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống