Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 5 September 2012

Dù tạnh hay mưa, mùa lạnh hay mùa nóng, chợ nón Gò Găng - Bình Định cũng chỉ nhóm họp từ 3h sáng cho đến khi Mặt trời lên. Mọi hoạt động mua, bán nón và các nguyên liệu làm nón đều diễn ra dưới ánh đèn dầu.

Nếu muốn thấy hình ảnh tấp nập bán mua ở chợ nón Gò Găng, bạn phải khởi hành từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định) lúc 1-2h sáng, ngược ra hướng Bắc theo QL 1A chừng 30km. Chợ kề một ngã ba cạnh quốc lộ, thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn. Đầu chợ là hoạt động mua, bán nón lá diễn ra dưới những ánh đèn dầu leo lét.
Người bán, người mua đều ngồi bệt trên vệ đường, dùng đèn dầu để thẩm định nón, ngã giá, tính tiền. Bên trong chợ có hàng chục gian hàng bán tre, nứa, lá nón, báo cũ… là những nguyên liệu để làm ra chiếc nón.

Nếu trời không mưa, việc mua bán sẽ diễn ra ngay dưới lòng đường. Khi trời mưa, các gian hàng sẽ dồn vào mái hiên, vách tường của những ngôi nhà nằm kề bên chợ.

Chợ nón Gò Găng được hình thành từ thời Tây Sơn và đã đi vào ca dao, dân ca như: “Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi” hay  “Em về mua vải chợ Gồm / Gò Găng mua nón phiên Chàm anh vô”… Trải qua hàng trăm năm, chợ nón Gò Găng vẫn giữ được những nét đơn sơ, mộc mạc rất hiếm thấy ở các phiên chợ khác.

Chợ nhưng lại không ồn ào, chen chúc. Người mua, người bán đều quen biết nhau, cách xưng hô đầy thân mật kiểu người trong gia đình như: dì Hai, cô Ba, mợ Năm… Cả phiên chợ chỉ có khoảng vài chục đến gần 100 phụ nữ đã luống tuổi tham gia mua bán. Đến tầm 5h sáng là chợ tan, những phụ nữ đi chợ trở về nhà để kịp ra đồng làm ruộng, trồng khoai…

Tảng sáng chợ Gò Găng tan, tiếp tục hành trình, bạn hãy đến thăm những làng nghề làm nón truyền thống gần đó như Bình Đức, Tân Đức, Tân Nghi, Vĩnh Phú, Châu Thành, Phú Thành, Kiều An… (phường Nhơn Thành) hay nghề làm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát)…

Gần trưa, từ phường Nhơn Thành, bạn hãy quay ngược về phía Quy Nhơn chừng 5km, tìm đến những quán ăn dọc bờ sông Kôn thưởng thức các món đặc sản đồng quê như: thịt gà, cá diếc nấu rau răm, khổ qua nấu cá thác lác, cá mương nướng… Quán nằm sát mép sông rộng rãi, thoáng mát, mồi ngon, rượu Bàu Đá nồng nàn, bạn tha hồ nhâm nhi, đàn hát.

Thăm chợ nón Gò Găng và các làng làm nón ở Bình Định, bạn sẽ khám phá rất nhiều điều thú vị về cách sống, cách giữ nghề truyền thống ở nông thôn. Đặc biệt, nếu bạn là người say mê chụp ảnh thì chợ nón Gò Găng là một địa điểm rất thú vị.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Thế (ANTĐ), ảnh internet
Thảo cầm viên Sài Gòn không chỉ là thế giới cổ tích của trẻ em mà còn của nhiều người trưởng thành, một loại “đặc sản” không có đối thủ cạnh tranh. Học sinh ở miền Nam trước 1975 đều mơ ước được đến Sài Gòn, được vào xem Sở Thú.

Với những “cựu trẻ em” lứa tuổi U.40 về trước, Sài Gòn hấp dẫn nhất là Sở Thú. Thời đó, chưa có Suối Tiên và các khu vui chơi, chưa có internet. Sở Thú là tên gọi dân gian, còn tên khai sinh là Thảo cầm viên (TCV), có nghĩa là Vườn Cầm Thú Thảo Mộc. Đó là thế giới cổ tích, không chỉ của trẻ em mà của nhiều người trưởng thành, một loại “đặc sản” không có đối thủ cạnh tranh. Học sinh ở miền Nam trước 1975 đều mơ ước được đến Sài Gòn, được vào xem Sở Thú.

Hè 1971, nhờ cuối năm học lớp đệ ngũ (lớp 9), được lên bảng danh dự, một hình thức biểu dương kết quả học tập toàn trường (hồi đó từng tháng, học sinh các lớp xếp từ hạng 1 - 5 được ghi tên vào bảng danh dự, cuối năm cũng vậy), lại nhân dịp có cô ở Sài Gòn về chơi, tôi được mẹ thưởng cho một chuyến đi Sài Gòn để đời.

Hồi đó, mỗi lần cô về, quà cho cả xóm là món bánh mì giòn thơm, để nguội vẫn rất ngon, ăn đứt bánh mì ở quê. Nhà cô bên Khánh Hội.

Mang tiếng đi Sài Gòn nhưng chủ yếu là ngồi trên xe ngắm cảnh và mấy ngày quanh quẩn trong xóm. Bù lại, được cô mua cho ổ bánh mì Sài Gòn và đi chơi Sở Thú cả ngày. Sướng nhất là được tận mắt ngắm nhiều loại cây, loại thú lâu nay chỉ nhìn thấy trong sách. Có loại chưa bao giờ nghe nói như cây súng nia. Nào là voi, sư tử, hươu cao cổ, đười ươi, cọp, beo, ngựa vằn...

Tháng 10.1975, tôi được Thành đoàn phân công về Tân Bình. Quận đoàn lại điều về xã Vĩnh Lộc, vùng đệm giữa thành phố và Long An. Các em ở đây suốt ngày làm ruộng, rẫy, chăn bò... Tay em nào cũng chai sạn vì kéo nước giếng tưới hoa màu. Em nào sang nhất là được lên tới Bà Quẹo.

Tết năm đó, tôi quyết định đưa các em đi Sở Thú. Mùng 1 tết, mượn xe đạp lên bến xe buýt Bà Quẹo hỏi giá và đặt cọc. Trẻ con náo nức hơn cả tết. Mùng 3 tết, 8 xe buýt lù lù đến đậu trước ủy ban xã. Trẻ con từ các ấp, cơm đùm cơm nắm, lũ lượt kéo về.

Dù đã được hỏi ý kiến nhưng chủ tịch xã vẫn phát hoảng hỏi tôi “Anh có biết quản vài chục con nít khó hơn chỉ huy cả tiểu đoàn không? Nếu lạc mất vài đứa thì đi tù mọt gông”. “Dạ biết, nhưng có vào tù cũng phải đưa các em đi chơi xong, vì đã hứa rồi”. Hơn 400 thiếu nhi có một cái Tết phấn khích, đầy kỷ niệm, cả tuần kể chưa hết chuyện. Chẳng lạc em nào, chỉ có mấy anh chị đoàn viên, cũng lần đầu vào Sở Thú, lơ ngơ đi lạc, phải gọi loa mấy lần mới tìm được.

Sau này, nhiều lần vào TCV, tôi càng phát hiện thêm nhiều điều kỳ thú. TCV được khởi dựng từ tháng 3.1864, có diện tích 12 ha với tên gọi ban đầu là Vườn bách thảo, còn gọi là Sở Thú, một năm sau, mở rộng thành 20 ha. JB Luis Pierre (1833-1905), là giám đốc đầu tiên của Sở Thú lớn nhất và sớm nhất Đông Nam Á thời đó. Từ tháng 7.1869, TCV mở cửa cho dân chúng vào xem. Năm 1926, Sở Thú có thêm đền thờ các vua Hùng và Bảo tàng Lịch sử (1929). Từ 1956, Vườn bách Thảo đổi tên thành Thảo cầm viên. Đây là khu bảo tồn động và thực vật nhiệt đới vào loại cổ xưa của nhân loại, xếp thứ 7 trên toàn thế giới.

Các vườn thú đàn anh là Chonbrunn (Áo-1752), Paris (Pháp-1793), London (Anh-1828), Dublin (Ireland-1830), Berlin (Đức-1844), Moscow (Nga-1863). Dù chỉ làm giám đốc 12 năm nhưng  Pierre đã dồn hết tâm huyết cho việc phát triển TCV và để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Hơn 100.000 phiên bản đang lưu giữ trong Bảo tàng Thực vật thuộc Viện Sinh học nhiệt đới do ông sưu tập.

Những hàng cây cổ thụ ở Tao Đàn và khắp thành phố đều mang dấu ấn của ông. Ghi nhận công lao đó, kỷ niệm 130 tuổi, TCV Sài Gòn đã đặt tượng bán thân của ông bằng đá hoa cương hồng trên cột bia khắc dòng chữ: “Tôi đã nghỉ hưu nhưng còn quá nhiều việc để làm cho ngành thực vật. Chỉ tiếc là không còn thời gian và cuộc sống thì quá ngắn ngủi”.

TCV hiện có 18 loài bò sát, 45 loài chim, 57 loài thú, 308 loài thực vật; mỗi loài lại có nhiều họ và chi. Đây là bảo tàng sống của các loài động thực vật nhiệt đới. Đến TCV, tôi mới vỡ lẽ, một số loài thú dữ thường dùng nước tiểu để xác định lãnh thổ của mình. Rùa thuộc loài bò sát. Gà nước họ trích. Sáo đuôi cờ họ quạ. Cò ruồi, cò ngàng nhỏ họ diệc. Hạc cổ trắng, gà đẫy Java họ cò chính... Có nhiều loại cây mang tên rất ngộ như bọ chét, cơm rượu, cơm nguội, cánh chuồn, mò cua, ổi bom, trứng cút, nón cụ, cây thúi...

Những loại cây hiếm như kim giao (vua chúa ngày xưa dùng làm đũa khử độc tố), bao báp (ở châu Phi), mã tiền (dân gian gọi là củ chi), phượng tím, sưa, súng nia, đầu lân... TCV còn là bảo tồn cây thuốc với nhiều loại như trầm hương, đại phong tử, đào tiên, bách bệnh, long não, kim ngân, sắn dây, huyết rồng, chùm ngây... Hàng chục cây đại thụ lớn tuổi hơn cả TCV. Là trung tâm bảo tồn và nhân giống thành công nhiều loài động vật quý hiếm như trĩ sao, báo lửa, vượn má vàng, rái cá lông mượt... TCV cũng đã bổ sung và thực hiện gần 400 mẫu của hơn 100 loài thực vật. Đặc biệt 21 loài chỉ có quả, 22 loài chỉ có hoa.

Diện tích chuồng trại từ 8.500 m2 trước 1975 được mở rộng gấp 3 lần, hơn 25.000 m2. Các song sắt tù túng cổ xưa được thay thế bằng kính cường lực trong suốt, tạo cảm giác thoải mái cho cả thú và người xem. Có thể đi bộ vừa tham quan vừa rèn luyện thân thể. Mỏi chân thì lên xe điện, xe lửa ngao du và hít thở không khí trong lành, nghe chim hót líu lo, vượn hú hoang dã.

Hoặc ngoạn cảnh hồ sen, hồ suối mơ, đảo tiên... Mỗi sáng chủ nhật có xiếc thú. Các bạn nhỏ tha hồ đùa vui với dê lùn, cừu con, thỏ...

Nếu các giờ học sinh vật lý thuyết được tổ chức trong TCV thì hiệu quả sẽ nhân lên gấp bội. Học và hành tại chỗ, lại có thêm phim ảnh hỗ trợ, học sinh sẽ nhớ đời. Sẽ thật thiếu sót và lãng phí nếu các giáo viên sinh vật, các hướng dẫn viên du lịch chưa biết tận dụng TCV để bổ sung những kiến thức thực tiễn phong phú về động, thực vật mà không trường lớp nào dạy được.

Dù chưa thể hấp dẫn bằng Vườn thú Safari các nước nhưng TCV vẫn có những thế mạnh riêng của mình. Đến với TCV và trở về với thiên nhiên giữa lòng thành phố, để hiểu thêm rằng loài vật và cả cỏ cây cũng có tâm hồn, biết buồn vui và thích được yêu thương chăm sóc.

Nếu không tin các bạn có thể xin gặp Giám đốc Phan Việt Lâm, người có thâm niên hơn 30 năm bầu bạn cùng cỏ cây muông thú. Ông có cả kho tàng chuyện lạ về thú, chuyện bí mật về cây, kể cả tháng chưa hết. Trong khi chờ đợi nên tìm đọc ngay Chuyện lạ Thảo cầm viên và Thảo cầm viên những bí mật lạ lùng của ông (Nhà xuất bản Kim Đồng). Đảm bảo hấp dẫn, cả trẻ em lẫn người lớn.

Du lịch, GO! - Theo Thanh niên, ảnh internet
Khách du lịch khi lên Lạng Sơn, dứt khoát phải một lần ghé thưởng thức món bánh cuốn trứng, không cầu kỳ, cao sang nhưng ngon đến lạ lùng…

Vẫn là bánh cuốn với gạo được xay mịn thành bột rồi tráng mỏng nhưng điểm khác của bánh cuốn trứng Lạng Sơn với các loại bánh cuốn khác bởi lớp nhân bên trong và nước dùng được chế biến rất lạ. Bánh cuốn trứng xứ Lạng đặc biệt bởi nhân trứng gà lòng đào thơm ngậy bên trong lớp bánh ăn kèm với nước dùng được ninh từ xương ống, cho thêm gia vị hành, mùi, tiêu, ớt… hoặc nước giấm đường pha với xì dầu. Khi ăn, hương vị dẻo quánh của bánh cuốn quyện với vị ngậy thơm của trứng sẽ làm thực khách vương vấn mãi.

Để có thể chế biến được chiếc vỏ bánh cuốn mềm, dẻo mà lại dai, người đầu bếp phải chọn được loại gạo ngon, đều hạt. Người vùng cao thường sử dụng gạo nương với hương vị đặc trưng, đậm đà của miền sơn cước. Gạo nương sẽ được đem xay thành bột rồi hòa với nước theo một công thức nhất định sao cho không quá loãng cũng không quá đặc để lớp vỏ bánh đạt được độ mềm dẻo nhất.

Người nấu dùng gáo múc một gáo bột láng đều và mỏng lên một chiếc nồi hấp. Chiếc nồi này có cấu tạo khá đặc biệt, nó được căng một lớp vải mỏng, đường kính chừng 50cm, người ta sẽ quệt lên đó một lớp mỡ để khi tráng bánh bột sẽ không bị dính. Rồi nhanh chóng đậy nắp nồi lại đợi chừng 30 giây cho bột chín tới, giở nắp vung đập vào giữa lớp bánh tròn một quả trứng gà. Trứng được hấp trong lá bánh, chín tái đủ để tạo một lớp màng mỏng quanh lòng đỏ, giúp trứng không bị vỡ.

Tiếp theo, người nấu sẽ dùng một chiếc đũa tre dẹp khéo léo lật từng góc mép bánh cuộn lại vuông vắn ôm ấp lấy nhân trứng bên trong, trông rất đẹp mắt và bày ra đĩa, rải thêm một lớp thịt nạc băm nhuyễn xào với hành ngò. Nước chấm ăn với bánh cuốn là nước ninh từ xuơng ống trộn với thịt băm, thêm chút gia vị đường, ớt, rau mùi băm nhỏ… tùy theo sở thích của mỗi người. Đa phần người dân bản địa xứ Lạng thích dùng nước chấm làm bằng giấm hơn. Không dùng bất cứ loại giấm nào khác mà phải là loại giấm đường của người địa phương làm. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị thơm, chua chua, ngọt ngọt chứ không chua gắt như các loại giấm khác. Trộn đều giấm, xì dầu, đường, thịt và rau mùi đun nóng lên. Khi ăn vị thanh thanh của giấm quyện với vị ngậy của trứng sẽ làm thực khách không có cảm giác bị ngấy.

Bánh cuốn trứng Lạng Sơn phải được thưởng thức ngay khi còn nóng hổi mới ngon. Vì vậy, chỉ khi thực khách ngồi vào bàn, người bán hàng mới bắt đầu làm từng mẻ bánh. Bên cạnh bánh cuốn trứng, những thực khách không thích dùng trứng còn có thể thưởng thức món bánh cuốn thịt băm. Người bán hàng sẽ tráng một lớp bột mỏng lên mặt vải của nồi hấp, đợi chừng 30 giây cho lớp bột vừa chín, dùng đũa dẹp chia lớp bánh tròn thành hai phần rồi khéo léo cuốn lớp bột vào chiếc đũa đặt lên khay, tưới thêm một lớp thịt băm cuộn lại bày ra đĩa. Thực khách xắn từng miếng bánh cuốn thịt nhúng vào bát nước dùng nóng hổi cảm nhận được vị ngon, mềm mà dẻo quánh.

Thành phố Lạng Sơn có rất nhiều quán bán bánh cuốn trứng ngon như bánh cuốn trứng Thục Oanh trên đường Lê Lợi (gần nhà thi đấu thể dục thể thao). Bánh cuốn ở đây rất dẻo mà lại dai. Trong khi đó, bánh cuốn trứng thịt tái chín trên đường Trần Đăng Ninh dành cho những thực khách muốn thưởng thức vị thịt tái tươi ngọt thay thế cho thịt băm xào chín…

Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quán bánh cuốn trứng bà Thắm, ở số 14 Nguyễn Du. Bà Thắm năm nay đã ngoài 70 tuổi và có “thâm niên” bán bánh cuốn từ hồi con gái. Quán tuy hẹp nhưng lúc nào cũng chật cứng khách ra vào. Nhiều thực khách đã một lần ghé quán đã trở thành khách “trung thân” của bà cụ bởi bánh cuốn ở đây vừa ngon mà cung cách phục vụ cũng hết sức chu đáo, và có thêm măng ớt muối ăn kèm. Măng ớt của bà cụ làm có vị chua giòn của măng non hòa trộn với vị cay của ớt tươi và vị thơm của quả mắc mật - loại quả chỉ có ở Lạng Sơn.
Thưởng thức miếng ngon ấy, nhất là trong cái không khí rét mướt của xứ Lạng, cũng đủ để bạn nhớ mãi.

Du lịch, GO! - Theo Trang My (báo Du Lịch), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống