Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 2 October 2012

Có nhiều lý do khiến tôi tìm gặp “dân làng trầm” ở  xóm Đồn, thôn Phú Hội 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh thuộc “xứ trầm hương” Khánh Hòa giữa lúc cơn sốt “ngậm ngải tìm trầm” náo loạn những cánh rừng nguyên sinh phía tây thung lũng Ô Kha.

Xứ trầm hương

Hàng trăm năm trước, ở Vạn Ninh có nhiều làng, xã nổi tiếng thạo nghề đi địu, dân chúng quanh năm len lỏi khắp núi cao, rừng thẳm tìm kiếm trầm kỳ để cống nạp cho triều đình. Nhưng đến thời điểm này, duy nhất ở xóm Đồn vẫn còn 90% số hộ sống chết với nghề đi địu và không ít gia tộc phất lên  nhờ nghề gia công chế tác trầm hương mỹ nghệ.

Sách Đại Nam nhất thống chí, phần viết về thổ sản của Khánh Hòa ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam và trầm hương, dân xã An Thành, huyện Tân Định hằng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam thì nạp thay bằng trầm hương”.

< Những cây dó to cao thế này ngày càng hiếm hoi.

Những năm cuối thập niên thứ 6 của thế kỷ trước, nhà văn-nhà thơ Quách Tấn đã dành nhiều công sức “lên rừng, xuống biển” để hoàn thành công trình biên khảo “Xứ trầm hương”; ông khẳng định có một thời, “hễ nói đến trầm hương là nói đến Khánh Hòa và nói đến Khánh Hòa là nói đến trầm hương”.

Trầm hương của Khánh Hòa tập trung nhiều trong những cánh rừng nguyên sinh ở phía nam đèo Cả, chạy dọc theo dãy Trường Sơn Đông, thuộc địa lâm phần của các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh... nhưng nổi tiếng nhất là vùng Hòn Chảo ở Tu Bông, Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Đến bây giờ, những xóm làng trải rộng dưới chân đèo Cả vẫn lưu truyền câu ca dao: “Cây quế thiên thai mọc bên khe đá/ Trầm Vạn Giã hương toả sơn lâm”.

Gặp tôi ở Vạn Giã, ông Sáu Mùi tự hào “có kinh nghiệm ba đời đi địu”, khẳng định: “Đi địu cũng như hái củi, đốt than... khổ quá thì bà con rủ nhau lên rừng tìm kế sinh nhai chứ làm gì có ai bày dạy mà biết ông tổ nghề. Cha con tui đi riết thành quen, làm hoài thành thạo, nghề này chỉ cần có sức khỏe và kiên nhẫn chịu khó, chịu khổ... Không “nếm mật, nằm gai” làm sao hái được lộc trời?”.

< Một thời dọc ngang, nay ông Trần Ngọc An thấy "không nghề gì sướng bằng nghề xoi trầm".

Trước năm 1975, dân các xã Vạn Ninh lên núi tìm trầm đông lắm. Nhiều đại gia đình khăn gói ra tận La Hai, Xuân Lãnh (Phú Yên), An Khê (Bình Định), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Quế Sơn, Trà My (Quảng Nam)..., dựng lán trại, trụ lại hàng tháng trời giữa “rừng thiêng, nước độc”; lùng sục khắp núi cao, vực sâu; vạch từng rễ cây để tìm kiếm trầm kỳ. Nhưng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Nhiều người đi địu gặp thú dữ hoặc bị lạc, bị thương hàn, sốt rét ác tính... không về, anh em họ hàng quá sợ mà bỏ nghề.

Chuyện xưa, chuyện nay

Vì sao mấy năm gần đây liên tục “sốt trầm kỳ” và cơ duyên nào xui khiến cả làng sống chết theo nghề đi địu? Ông Hùng - dân xóm Đồn chính hiệu - giải thích: “Bụng đói, đầu gối phải bò”, thời buổi kinh tế suy thoái, đồng tiền mất giá mà giá cả liên tục leo thang; đang túng thiếu, nghe đồn có người đổi đời nhờ tìm được trầm kỳ, ai mà không ham? Lâu nay dân xóm Đồn vẫn lai rai kiếm được lộc trời, nên không ai phụ nghề!”.

< Gia công trầm hương mỹ nghệ tại xưởng ông Hùng.

Lại nhớ, năm ngoái, ma lực trầm kỳ cuốn hút hàng ngàn người, bất kể đàn ông hay đàn bà, hối hả bỏ làng lên rừng, lãnh đạo huyện Vạn Ninh phải chỉ đạo các đoàn thể tập trung vận động, bà con mới trở về sản xuất vụ mùa. Trước khi đến Vạn Thắng, tôi đã nghe mấy bác ở huyện ủy kháo rằng, tuần trước có bầu (nhóm) dưới xóm Đồn rinh được gốc kỳ nặng 1,2 cân, bán được hơn 1,5 tỉ đồng. Nhưng, vào làng chỉ thấy vắng lặng, nhà nhà đóng cửa, hỏi thăm những người cần gặp đều “bận việc, đi xa!”.

Biết người lạ muốn tìm hiểu thông tin về làng trầm, chị Hai Thơ bán quán ven đường, nhẩn nha hát: “Con đi bảy chuyến điếng bugi/Bà, cậu trên cao thấy những gì/Dưới suối con đang hì hục lội/Trên đồi con dậm toát mồ hôi..” và nói to: “Rộ tin đồn, mọi người đua nhau lên Khánh Sơn. Nếu trúng hàng, phải làm lễ tạ ơn và khao cả làng, đông vui như đám cưới. Muốn biết chuyện xưa, chuyện nay, cứ hỏi ông Hùng, “cao thủ” đó!”.

< Nhẹ nhàng cẩn thận ngón tay, nếu như không khéo, sẽ bay áo trầm.

Thì ra, những người đàn ông trong gia đình ông Hùng từng lặn lội khắp những “con đường trầm”, từ Khánh Vĩnh, Khánh Sơn vào Bác Ái (Ninh Thuận), lên Đak Glei (Kon Tum), ra Đồng Xuân (Phú Yên), An Lão (Bình Định), Trà My (Quảng Nam)...

Ông Hùng kể: “Không ai cả gan một mình đi tìm trầm. Thường thì anh em dòng họ hoặc bà con xóm giềng rủ nhau lập bầu cặp đôi, cặp ba. Cha con tui đi địu từ hồi trước giải phóng, chưa bao giờ về tay không. Nhiều lần trúng đậm kỳ nam, chia nhau mỗi người cả chục cây vàng. Nhưng ai cũng “điếng bugi” vì bị sốt rét hành hạ đến vàng mắt, vàng da. Bởi vậy, gom được khoản vốn kha khá, anh em tui chuyển sang buôn bán trầm và mở xưởng gia công trầm hương mỹ nghệ”.

Dẫn tôi đến bên mấy bao tải đựng đầy gỗ dăm xỉn màu và phảng phất mùi trầm, ông Hùng nói: “Đây là hàng xô, dùng để làm nhang (hương), giá chỉ 200 ngàn/kg. Nếu phân loại theo công dụng và giá trị kinh tế thì có đến hàng chục thứ hạng. Những người buôn kỳ thường căn cứ màu sắc để xác định - “nhất bạch, nhì thanh, tam huỳnh, tứ hắc”.

Bạch kỳ cực kỳ quý hiếm, có tiền tỉ chưa chắc đã mua được. Dân đi địu ở Khánh Hòa tin rằng trầm hương là hiện thân Bà mẹ xứ sở Thiên Y A Na, bà không thương thì của để trước mặt cũng không nhìn thấy. Trước ngày vào rừng, mọi người tắm rửa sạch sẽ, đi đường không dám nói to, tránh từ húy kỵ, luôn luôn cầu nguyện bà và cô, cậu..”.

Lên rừng, những người đi địu có một nguyên tắc bất thành văn, hễ tìm được cây dó già, lá vàng, thân nhỏ, nhiều u bướu, biết có trầm thì bầu phải lập đủ 15 bàn cúng, cầu xin Cửu thiên huyền nữ, Thiên y thánh mẫu, Sơn lâm chúa tướng, Tam cõi hội đồng, Sơn thần thổ địa, Âm binh bộ hạ... rồi mới hái lộc. Nếu thấy cây dó trọc lá, không còn giác, bầu phải lập am thờ bà trước khi xuống rìu.

< Chế tác trầm hương từ dó vườn đang là ngã rẽ đổi đời của xứ trầm.

Người xưa đi địu không bao giờ  đốn hạ cây dó bầu mà công phu tỉa gọn những chỗ có trầm dù ở thân hay rễ; đối với cây non, họ cẩn thận chành vài nhát (mở miệng) tạo vết thương để nuôi trầm. Thời nay, người đi địu rất xô bồ, họ không chỉ chặt cây mà còn đào xới, lật tung gốc, rễ; đó là chưa kể có người ham hố nhổ bật cả dó bầu non.

Trầm hương mỹ nghệ

Trầm hương sinh ra từ cây dó bầu, nhưng không phải cây dó bầu nào cũng  sinh trầm. Ông Hùng kể tiếp: “Có lần chúng tôi đứng trước khu rừng dày đặc dó bầu, nhiều cây đã lớn mà chẳng hề thấy dấu hiệu của trầm”.

Nói đoạn, ông cho tôi xem thân cây dó bầu màu trắng ngà, cao khoảng 5 mét, vết thương cách đều, đẹp như tác phẩm điêu khắc, rồi giải thích: “Có 3 loại dó: Dó núi, dó vườn và dó xí (cây dó bầu mọc tự nhiên nhưng dân địu đã mở miệng xí phần).


< Các sản phẩm là từ Trằm hương.

Còn đây là dó vườn, người trồng chăm bón ít nhất 10 năm tuổi mới có thể mở miệng, cấy thuốc, rồi tiếp tục săn sóc kỹ lưỡng khoảng 12-15 tháng nữa. Tui mua cây này gần 50 triệu đồng, cho 2 thợ xoi, xỉa khoảng 1 tháng, hết phần gỗ trắng, lộ ra mạch trầm, nếu đẹp thì bán được khoảng hơn 100 triệu đồng. Cần phân biệt trầm hương mỹ nghệ với các mặt hàng lưu niệm, gỗ chạm trổ rồi nhuộm màu, xông hương liệu để bán cho khách du lịch”.

Quan sát công việc chế tác trầm mỹ nghệ, mới hay, trong tay chỉ có mấy cái dũm (giống như cây đục nhưng mũi bằng, cạnh vát, lưỡi khum) với hòn đá mài, những người thợ xuất thân từ nghề đi địu tỉ mẩn xoi từng thớ gỗ, cho đến khi mạch trầm hiện rõ như vân mây.

“Không phải bất cứ loại trầm nào cũng có thể chế tác thành trầm mỹ nghệ và trầm mỹ nghệ không đắt giá như kỳ nam” - ông Tư, thợ chính của xưởng nhà ông Hùng, giải thích: “Chưng cây trầm trong văn phòng hay nhà hàng, khách sạn không chỉ để trang trí mà còn có thể loại trừ khí độc, tà ma. Chúng tôi làm đến đâu, bán hết ngay đến đó, chủ yếu gia công theo yêu cầu của các ông chủ ở TPHCM để xuất sang Hồng Kông, Đài Loan... Nghề này đòi hỏi cẩn thận, khéo tay, nếu chăm chỉ thì thu nhập ổn định hơn đi địu”.

< Người dân cảm thấy thích thú với các cây trầm được triển lãm nhân Tuần Văn hóa Phật giáo tại Nha Trang.

Trở lại câu chuyện “sốt trầm hương”, những vị cao niên ở làng trầm cho hay: “Dưới triều Nguyễn, tìm trầm không phải là công việc tự do làm ăn của người dân. Sau khi xác định vùng núi nào có trầm hương, triều đình cắt cử đội canh tuần và bắt buộc người dân trong vùng phải đi địu tìm trầm - tháng 2 âm lịch vào rừng, tháng 6 trở về - lấy được nhiều, thưởng nhiều; được ít thì thưởng ít. Những người lấy trộm, hoặc lấy được trầm mà không nộp đủ cho quan, thì bị tù tội. Thời thực dân Pháp, bãi bỏ lệ cống nạp trầm hương cho vua quan, mọi người tự do “ngậm ngải tìm trầm”, nhưng khi tìm thấy cây trầm, phải xin phép sở kiểm lâm mới được đốn hạ. Tự tiện chặt cây, nếu gặp lính tuần phòng thì còn bị phạt tù”.

Quả thật, không thể cấm cản dân lên núi tìm trầm, nhưng tại sao từ ngày đất nước thống nhất đến nay, chưa ai đề xuất giải pháp tổ chức, hướng dẫn bộ phận dân cư chuyên sinh sống bằng nghề đi địu và quản lý việc khai thác, sản xuất, kinh doanh trầm hương?                                                  

Du lịch, GO! - Theo báo Lao Động, ảnh internet
Thắng cảnh nổi bật nhất của Quảng Bình là Phong Nha, một trong những hang động đẹp nhất thế giới, tiếp đến là nét kỳ thú của bãi biển có nước ngọt gần bờ hay con sông được hình thành từ những giọt lệ.

Danh thắng Phong Nha – Kẻ Bàng là một trong những vùng đá vôi nhiệt đới cổ đại nhất, rộng lớn nhất thế giới vườn quốc gia. Ngoài vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của một vùng núi đá vôi rộng lớn, tại đây, bạn còn có dịp tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của động thực vật, nhìn tận mắt những loại động vật thuộc danh mục sách đỏ của Việt Nam và thế giới hay tham quan, khám phá hệ thống hang động Phong Nha, Tiên Sơn, Hang Vòm…

Địa điểm tham quan

Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thế giới thứ 5 của Việt Nam được UNESCO công nhận năm 2003. Trong đó, động Phong Nha được giới chuyên môn cho điểm cao với 7 cái nhất: sông ngầm đẹp nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất; hồ nước ngầm đẹp nhất; hang khô rộng và đẹp nhất; thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất và hang nước dài nhất.

Đến Phong Nha, bạn sẽ được lênh đênh trên sông Nậm trong veo phẳng lặng như mặt gương, trôi dần vào khoảng không gian tranh tối tranh sáng, mát dịu trong động, ngắm thạch nhũ nhiều màu sắc, hình dáng, nghe điệu nhạc trong tiệc rượu của thần núi thoảng trong gió, chiêm ngưỡng nét hùng vĩ của những buồng, hành lang đá vôi phủ đầy thạch nhũ long lanh, cùng cảm giác hồi hộp như đang nằm miệng một con quái vật khổng lồ.

Động Tiên Sơn lại được ví sánh “bồng lai tiên cảnh” chốn hạ giới. Động có hàng nghìn khối nhũ đá với nhiều màu sắc mọc tua tủa, cùng những hàng cột đá màu cẩm thạch nhiều hình dáng. Đặc biệt, khi gõ nhẹ vào những phiến đá và cột đá, nó sẽ phát ra những âm thanh lạ kỳ như vọng ra từ chốn sâu thẳm của lòng đất.

Đá Nhảy, bãi biển có nước ngọt ngay bờ tọa lạc dưới chân đèo Lý Hoà mang nét kỳ thú của bãi biển có rất nhiều đá to, nhỏ, thấp, cao. Mỗi khi có sóng, trông xa những tảng đá như nhảy trên sóng tạo nên hàng loạt âm thanh rì rào khác nhau.

Bên cạnh đó, bãi biển Đá Nhảy cũng thu hút du khách với nhiều thắng cảnh, nhiều hang động kỳ thú cùng hàng loạt loại hình như bơi thuyền, leo núi, săn bắn, dạo chơi trong rừng dương, lặn biển bắt sò, thưởng thức hải sản tươi ngon. Ngoài ra, đến Đá Nhảy, bạn còn có dịp thu vào tầm mắt bức tranh sơn thủy hữu tình của khu danh thắng Lý Hòa gần đó.

Nhật Lệ, một bãi tắm tuyệt đẹp gắn liền với truyền thuyết về những giọt nước mắt thương nhớ của người dân ở hai bờ sông Gianh thời Trịnh Nguyễn phân tranh cùng vẻ đẹp hoang dã của một cửa sông đổ ra biển, vẻ thanh bình của những con sóng lăn tăn và của những làn gió mang vị mặn của biển.

Cách bãi biển Nhật Lệ 100m là hồ nước ngọt Bàu Tró, vùng di tích nổi tiếng với những di chỉ khảo cổ học của người Việt cổ.tục truyền là dấu chân để lại của một người khổng lồ khi đi qua vùng đất này. Đến Bàu Tró, ngoài việc nếm thử dòng nước ngọt của một hồ cạnh biển, thả bước trong những dài rừng phi la xanh ngát trên vùng cát trắng đến lóa mắt, nghe tiếng chim ríu rít trên cây, tiếng gió xào xạc thổi.

Suối nước khoáng nóng Bang, con suối ngoằn nghoèo uốn lượn với dòng nước khoáng nóng chạy thành dòng vừa có tác dụng thư giãn, vừa chữa bệnh. Ngoài ra, suối Bang cũng hữu tình với một vùng đồi núi rộng lớn, không khí trong lành, thiên nhiên hoang dã, mộc mạc đầy quyến rũ.

Di chuyển

Có thể lấy hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Sài Gòn là điểm xuất phát cho chuyến viếng thăm Quảng Bình của bạn. Ngoài ra, bạn còn có thể tham khảo tại các bến xe, ga tàu hay đại lý vé máy bay của mỗi tỉnh.

Tại Hà Nội, bạn có thể đến Quảng Bình bằng xe khách, tàu lửa hay máy bay. Lưu ý tham khảo giá vé, lịch trình, thời gian xuất phát, điểm dừng tại cả hai đầu. Ngoài ra, tại Hà Nội, bạn còn có thể mua tour một hay hai ngày cuối tuần tại các công ty du lịch.

Lưu trú

Khu vực trung tâm Đồng Hới - Quảng Bình gồm các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quách Xuân Kỳ, ... Các bạn căn cứ vào đó để thuê khách sạn tiện cho việc di chuyển. Một số khách sạn giá mềm bạn có thể tham khảo là khách sạn Công Đoàn, Sun Spa…Lưu ý đặt phòng trước khi đến.

Đến vào mùa nào?

Quảng Bình có ba tháng nắng cháy da là tháng 6, 7, 8 và 3 tháng mưa như trút nước là tháng 9, 10, 11. Bạn cần chú ý thời gian để lên lịch trình cũng như trang bị dụng cụ, quần áo.

Đặc sản Quảng Bình

Các đặc sản bạn có thể ăn tại chỗ hay mua về làm quà cho bạn bè, người thân của Quảng Bình gồm đẻn biển, bánh canh, bánh xèo Quảng Hà, ruốc tháng sáu, mắm lẹp, cá nghóe, khoai lang sâm và hải sản…

Mang gì khi đến Quảng Bình?

- Bất kỳ trang phục, giày dép bạn thích. Đừng quên bikini, váy maxi, dép trệt, khăn để tắm biển.
- Mang theo vật dụng đi nắng nếu đến vào mùa nắng và dụng cụ đi mưa nếu đến vào màu mưa.
- Mang theo kem chống muỗi, thuốc trị côn trùng, thuốc trị các bệnh thông thường.
- Mang theo lều, áo khoác nếu có ý định cắm trại.

Các cung đường thường gặp

Hà Nội/ Sài Gòn - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế
Hà Nội/ Sài Gòn - Quảng Bình -Hà Tĩnh - Nghệ An

Du lịch, GO! - Theo mạng Infonet, internet
Lai xá ngày nay
Hàng năm, đến ngày 15 tháng Hai âm lịch, những người con Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội đang làm ăn ở khắp mọi miền đất nước vẫn tấp nập về dự hội làng để tưởng nhớ “Ông tổ làng nghề” và suy tôn nghề nghiệp tổ tiên...

Trong thời đại công nghệ kỹ thuật số, bằng sự ra đời của những chiếc máy ảnh số, máy ảnh du lịch, máy ảnh gia đình đã khiến cho việc đưa nhau ra tiệm chụp ảnh lưu niệm trong những dịp vui, dịp lễ, tết của người dân, bỗng trở nên hiếm hoi, lỗi thời.

Ở một ngôi làng từ xưa được mang danh “đất tổ” của nghề nhiếp ảnh Việt Nam nhưng người dân Lai Xá (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) đã phải đóng cửa hiệu ảnh của mình để tìm kế sinh nhai bằng những nghề khác, cho dù ở Lai Xá hôm nay vẫn còn một phố ảnh mang tên Phố Lai.

Vị tổ sư và cái “duyên” nghề ảnh

Năm 1890, cụ Nguyễn Đình Khánh (1874-1946) - người làng Lai Xá ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Du Chương của người Hoa trên phố Hàng Bồ. Khi học được nghề, năm 1892, cụ đã tự mở một cửa hiệu riêng mang tên Khánh Ký trên phố Hàng Da.

< Nghệ sỹ Nguyễn Đình Khánh (1874 - 1946).

Khi hành nghề ảnh tại Hà Nội, cụ Khánh có tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Phong trào bị bại lộ nên năm 1911, cụ phải lánh sang Pháp mở hiệu ảnh ở Toulouse mang tên Khánh Ký. Tại đây, đã có một dấu ấn đặc biệt trong đời làm ảnh của cụ.

Vào năm 1913, Raymond Poincaré đắc cử Tổng thống Pháp. Trong rất nhiều tay máy chụp ảnh tân Tổng thống đăng quang lúc đó có Khánh Ký và bức ảnh của ông đã được đánh giá là đẹp nhất và được đưa lên trang bìa một số báo lớn, trong đó có bìa của tờ báo Illustration. Sau thành công đó, một hiệu ảnh Khánh Ký khác được mở tại thủ đô Paris, cuốn hút rất nhiều khách hàng và làm ăn phát đạt.

< Ảnh viện Khánh Ký và những thợ ảnh người Lai Xá tại Sài Gòn năm 1924.

Khi cụ Khánh Ký đang làm nghề ảnh tại Paris thì cũng là lúc cụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động Cách mạng ở đây. Theo cuốn “Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923)” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, thời gian đầu sang Pháp, Bác Hồ đã được các cụ Khánh Ký, Phan Châu Trinh giúp đỡ về tài chính, nơi ở và chính cụ Khánh Ký đã truyền dạy cho Bác nghề ảnh để có tiền hoạt động Cách mạng…

Những năm tiếp theo, hiệu ảnh mang tên Khánh Ký đã có mặt ở Frankfurt (Đức), Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 7/1921, cụ Khánh trở về nước và từ đó đã mở hàng loạt hiệu ảnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng.

< Hiệu ảnh trên Phố Lai làng ảnh.

Điều đáng nói, cụ Khánh Ký còn về quê truyền nghề ảnh cho cả làng và trở thành tổ sư của làng nghề... Từ ngôi làng bé nhỏ này, những người dân Lai Xá đã mang nghề đi khắp mọi miền, mở hiệu kiếm sống và đưa thương hiệu quê mình đến muôn nơi.

Thương hiệu bay xa…

Theo tư liệu ở làng, những năm đầu thập kỷ 30 thế kỷ trước đã có 18 hiệu ảnh do người Lai Xá mở ra ở khắp các miền đất nước. Khoảng thời gian 1940 - 1950, ở Hà Nội có 33/40 hiệu ảnh là tài sản của người Lai Xá, với những cửa hiệu nổi tiếng nhất như Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ đô ảnh viện, Central, Aubella, Duy Tân...

Cũng thời kỳ ấy, ở Sài Gòn có 27/34 cửa hiệu là của người Lai Xá, nổi tiếng nhất là hiệu ảnh Thịnh Ký. Ở Hải Phòng cũng có tới 16 cửa hiệu… Ngoài ra, hầu như tỉnh thành nào trên cả nước cũng có vài ba hiệu ảnh của người Lai Xá. Có những học trò của cụ Khánh Ký còn sang tận Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Pháp, Đức... để hành nghề.

< Ngày giỗ cụ Nguyễn Đình Khánh tại Lai Xá, 20 tháng Tư.

Hiệu ảnh của người Lai Xá luôn thể hiện "đẳng cấp" vượt trội so với các hiệu khác khi ở thời điểm đó, họ có thể đảm nhận được tất cả các công đoạn như chụp, làm buồng tối, chấm sửa ảnh đến in, phóng ảnh.

Sở hữu kỹ thuật chụp ảnh khéo léo và bí quyết pha thuốc hãm để đủ độ sáng cho ảnh do bậc thầy truyền dạy, các tay máy của Lai Xá có thể chụp cả chục cuộn phim trong điều kiện thời tiết không thuận mà độ bắt sáng vẫn đều và đẹp.

Người làng Lai Xá mở hiệu kinh doanh ở khắp mọi nơi, nhưng điều đặc biệt là tên cửa hiệu của họ thường mang thêm chữ “Lai” hoặc chữ ‘Ký” như là sự ghi dấu về quê hương và vị tổ sư của mình.Với công lao chuyển một nghề ngoại nhập thành nghề truyền thống, cụ Khánh Ký được người dân Lai Xá suy tôn thành Ông tổ làng nghề. Cụ là một trong bốn danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam. Và quê hương cụ - làng Lai Xá được Nhà nước ta công nhận là Làng nghề ảnh truyền thống độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

< Lối vào làng Lai Xá từ phía Đông.

Kế tục sự nghiệp của các bậc tiền bối, người dân gốc Lai Xá hôm nay vẫn cố gắng bảo tồn và phát triển nghề ảnh ở khắp mọi nơi. Họ luôn tự hào về làng mình nhưng cũng không khỏi ngậm ngùi, trăn trở vì ở chính nơi “đất tổ” nghề ảnh này, ngày càng phai nhòa đi dáng nét thân thương của làng nghề xưa...

Du lịch, GO! - Theo Dân Việt, ảnh sưu tầm

Lai Xá ngày nay chẳng lưu lại được là bao đặc điểm của làng nghề, một mặt cũng bởi đặc thù của nghề nhiếp ảnh không phải làm ra sản phẩm đồng loạt để trưng bày, giới thiệu  mà chỉ cảm nhận được sự tồn tại của nghề qua phương thức cha truyền con nối; nhưng mặt khác, bởi 2/3 diện tích của Lai Xá hôm nay đã bị biến thành khu công nghiệp, thành quốc lộ 32, thành nhà chung cư và các khu đô thị. Thế nhưng cái sức sống bền bỉ của một làng nghề thì vẫn mãnh liệt vô cùng. Tính từ thời cụ Nguyễn Đình Khánh thì trong làng giờ đã có tới thế hệ thứ 4 cầm máy. Về Lai Xá vẫn còn nghe người ta truyền tai nhau lời khen tặng của nhà thơ Tố Hữu rằng, ở mảnh đất này, từ em bé đến cụ già râu trắng như cước, cứ có máy ảnh trong tay là họ đều chụp được những bức ảnh đẹp.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống