Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 4 October 2012

Không “nhớ” sao được khi con cá đối đã trở thành món ăn, lại là món ăn ngon. Xưa kia, quê tôi nằm sâu trong đất liền, lại là một vùng đất nghèo nàn, đường sá đi lại rất khó khăn. Nơi này muốn có con cá đồng đã khó, huống gì có được con cá biển của một vùng “khơi xa”. Cho nên, khi có dịp “tiếp cận” với con cá đối lần đầu tiên trong đời, tôi đã “bàng hoàng” bụng dạ.

Lần đó, tôi đến nhà người bạn ở một miền duyên hải Trà Vinh và được chị ấy đãi một món ngon nhớ đời từ con cá đối.

Tôi đến thăm chị bất ngờ, lại nhằm lúc gia đình chị sắp dùng bữa. Gia đình chị mời ăn, là người Nam bộ, tôi không chối từ một cách khách sáo. Là bữa cơm gia đình nên chỉ có vài món thông thường, nhưng tôi đặc biệt chú ý đến một tô cá ở một góc bàn, lúc nào cũng tỏa một mùi vị là lạ.

Gắp một đũa, cho vào miệng, chưa kịp nhai, tôi đã “nghe” món ăn hình như chạy tuột xuống tận dạ dày với mùi thơm, vị cay, vị mặn của tiêu hành tỏi ớt, đặc biệt là vị ngọt của thịt cá. Thịt cá bở mà không mềm, mềm mà không nát, cứ như miếng thịt cá mòi “tan rã” trên đầu lưỡi tôi. “Lợi dụng” là chỗ hết sức quen thân, nên tôi không cần giữ gìn ý tứ gì cả, cứ việc gắp món ngon.

Khi đã thỏa mãn cái dạ dày rồi tôi mới hỏi chị bạn đó là món chi. Chị ấy thản nhiên cho biết đó là món cá đối hấp. Theo chỉ dẫn của chị, để có món cá đối hấp, cần có những con cá thật tươi. Cá làm sạch, cho vào tô, ướp tiêu, tỏi, hành tím bằm, đường, nước mắm, bột ngọt… rồi cho vào nồi. Hấp cách thủy trên ngọn lửa riu riu chừng vài tiếng đồng hồ là đã có món ăn.

Lần thứ nhì, vào dịp cận Tết Nguyên đán, tôi đi Gành Hào (Bạc Liêu) thăm người bà con. Trong bữa cơm bình thường của gia đình chị, tôi chú ý nhất đến tô canh cá đối hầm dưa cải. Dưa cải ở đây được muối tại nhà nên có vị chua và giòn mà dưa cải ngoài chợ không thể sánh bằng. Vị chua của dưa cải hòa cùng vị ngọt của những con cá đối bự cỡ cườm tay vừa mới bắt lên từ biển sao mà ngon ngọt quá chừng.

Thịt cá nhừ mà không nát. Dưa cải mềm mà không nhũn. Lại còn cái mùi hành lá thoang thoảng thơm nữa chớ. Húp một muỗng canh khoái bao nhiêu thì chan nước canh vào cơm, lùa miếng nào nuốt gọn miếng nấy mới đã đời!

Lần thứ ba là lần ra miền biển trong khá nhiều lần trong đời của tôi. Đó là chuyến đi thăm Mũi Cà Mau - một mũi đất thiêng liêng rất nổi tiếng của nước ta. Đến Cà Mau nhiều lần, được thưởng thức không ít những hàu, vọp, cá chốt, cá nâu, cá khoai, cá dứa… chế biến thành nhiều món, món nào cũng để lại dư vị hoài cảm trong tôi. Lần này, vào buổi trưa, lại nhằm lúc nhà hàng thủy tạ nơi Mũi Cà Mau quá đông khách, kêu món đặc sản nào cũng được trả lời gọn lỏn: “Thưa, hết”. Hỏi gằn thì còn mấy con ghẹ đỏ và khoảng chục con cá đối để chiên xù.

Ờ, thì ghẹ luộc và cá đối chiên xù vậy. Dĩa ghẹ đỏ luộc dọn ra. Ghẹ đỏ tuy không ngon bằng ghẹ xanh, nhưng vì đói bụng nên cũng ngon. Nhưng ngon quá xá lại là món cá đối chiên xù. Món này làm dễ. Mấy con cá đối làm sạch ruột, rửa sạch, để ráo rồi thả vô chảo dầu đầy. Trong chốc lát thân cá trở màu vàng với những chiếc vẩy cá “xù” lên.

Chỉ có vậy mà khi dẽ thịt cá chấm nước mắm nhĩ giằm trái ớt hiểm cho vô miệng, nhai, ngon ơi là ngon. Thịt cá ngọt lừ, còn xương và vẩy cá thì giòn tanh tách như nhảy múa trong răng. Càng ngon hơn khi ăn với cơm nóng còn tỏa hơi nghi ngút.

Chỉ với ba món thôi, cá đối đã nằm sâu trong ký ức ẩm thực của tôi, không thể phai mờ. Những buổi chiều mưa lất phất, trời đất lành lạnh, là lúc tôi nhớ tới những con cá đối. Trời đất như vầy, nếu được ăn cơm với một trong ba món vừa kể, có thể nói không hạnh phúc nào sánh bằng.

Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều (Haugiang online), internet
Hằng năm cứ vào tháng 10, các bạn trẻ lại bắt đầu hỏi nhau “Khi nào tam giác mạch nở?”. Hành trình đến với Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng - ba địa danh nổi tiếng với "loài hoa" tam giác mạch - trở nên nóng hổi trên các trang mạng xã hội.

Bạn đã thu xếp lịch trình cho mùa tam giác mạch chưa?

Tam giác mạch là loại kiều mạch thân cỏ được bà con vùng cao gieo trồng trên các vách núi và thung lũng, một năm hai vụ, vào khoảng tháng 4 và tháng 10.

Tuy không có năng suất cao nhưng là cây trồng truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên rẻo cao phía bắc. Hạt tam giác mạch được dùng làm bánh, nấu rượu, ngày nay chủ yếu để chăn nuôi gia súc, ngoài ra còn dùng làm vị thuốc trong đông y.

Với nhiều du khách, hình ảnh những thửa ruộng tam giác mạch nở hoa lộng lẫy giữa khung cảnh núi non hùng vĩ là điểm nhấn ấn tượng trong hành trình phiêu du. Đây cũng là một đề tài được nhiều nhiếp ảnh gia khai thác say mê.

Thời gian: Với điều kiện giao thông khá tốt hiện nay, hai ngày ba đêm cuối tuần là có thể thu xếp một hành trình ngắm hoa khá ổn. Bạn nên di chuyển bằng xe khách chạy đêm từ Hà Nội lên Cao Bằng, Hà Giang và ngược lại, chi phí khoảng 200.000 đồng/khách/chiều.

Chú ý kiểm tra thông tin thời điểm tam giác mạch nở rộ để có được một chuyến đi “no mắt” và đủ đầy về màu sắc. Thông thường hoa sẽ nở rộ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11, tùy thời điểm gieo trồng của bà con trước đó. Hoa tam giác mạch có vòng đời khoảng một tháng, mới đầu hoa nở có màu trắng, sau chuyển sang phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sậm. Riêng các ruộng tam giác mạch ở Cao Bằng phần lớn hoa màu trắng.

Các địa điểm nổi tiếng với tam giác mạch:

• Ở Lào Cai, các huyện phía bắc giáp với Hà Giang như Simacai, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương đều có gieo trồng tam giác mạch nhưng ít hơn Hà Giang nếu so về quy mô, mật độ.

• Ở Cao Bằng, Trà Lĩnh - Trùng Khánh là hai điểm đến trồng nhiều tam giác mạch.

• Hà Giang: nổi tiếng nhất với quá nhiều địa danh được “đóng đinh” trên bản đồ tam giác mạch bởi vẻ đẹp sinh động và ấn tượng của cảnh quan như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú, Ma Lé…

Ngoài việc khám phá cảnh quan mùa tam giác mạch rực rỡ sắc màu, bạn cũng có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu cuộc sống người dân bản địa mỗi vùng đất bạn đi qua.

Một vài lưu ý khác:

- Máy ảnh: Là vật dụng không thể thiếu nếu bạn đến với những cánh đồng tam giác mạch. Đây là công cụ hữu hiệu nhất để lưu lại hình ảnh, vẻ đẹp của cuộc sống trên rẻo cao.

- Nếu bạn là con gái: Đừng quên mang khăn váy nhiều màu sắc để có được những bức hình thú vị mang về chia sẻ với bạn bè.

- Hãy sắp xếp lịch trình để có nhiều thời gian nhẩn nha trên những cánh đồng hoa, tận hưởng không khí trong lành, vẻ đẹp tươi sáng của thiên nhiên và chia sẻ những câu chuyện thú vị bên bạn đồng hành. Đừng cưỡi ngựa xem hoa khi đến với mùa hoa cao nguyên.

- Chú ý không giẫm lên hoa hay làm đổ, gãy nát các cây tam giác mạch, tận hưởng thành quả của bà con và không làm ảnh hưởng đến cây trồng của bà con.

- Những cánh đồng hoa tam giác mạch: là địa điểm chụp ảnh cưới lý tưởng, tuyệt vời cho nhiều cặp uyên ương.

Du lịch, GO! - Theo Thái Anh (TTO), internet

Wednesday, 3 October 2012

Từ ngày 1 - 30.10.2012, tỉnh Thừa Thiên-Huế đưa vào chương trình khai thác sản phẩm du lịch trong mưa. Đây là cách thức du lịch mới lạ, hấp dẫn, hy vọng mang đến cho du khách sự lãng mạn và độc đáo. Ý tưởng đưa "Mưa Huế" thành sản phẩm du lịch đã được đưa ra trong hội thảo "Xây dựng thương hiệu du lịch Huế," từ tháng 2.2011.

Theo đó, Huế sẽ xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có thể khai thác từ mưa Huế, bao gồm tạo các tour du lịch mang tính trải nghiệm, tham quan phù hợp với việc thưởng thức cảnh quan cố đô Huế vào những ngày mưa; xây dựng các con đường ngắm mưa với nhiều cây xanh và bồn hoa, từ những con đường này du khách có thể dạo chơi từ phố này sang phố khác.

Trên những con đường đó sẽ có những điểm ngắm mưa với không gian nghệ thuật sắp đặt, tổ chức các gian hàng có kiến trúc mái che trong suốt, trình bày và chào bán các sản phẩm cụ thể như quà lưu niệm, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm làng nghề tập trung…

Sản phẩm du lịch “lãng mạn”?

Từ khi mưa Huế được các chuyên gia nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDE) bước đầu nghĩ ra một số ý tưởng về hệ thống sản phẩm du lịch có thể thích ứng với mưa khiến người dân ở Huế rất quan tâm, đặc biệt là anh em văn nghệ sĩ và những người yêu Huế.

Trong một lần đón anh Duy Cường, phóng viên một tờ báo về thăm “lụt Huế”. Vốn là cựu sinh viên Văn khoa, đại học Khoa học Huế đã nhiều năm làm thơ, uống rượu giữa những ngày lụt ở đất cố đô, nhưng anh vẫn không thể tin lời tôi kể “mưa Huế giờ là sản phẩm du lịch thiệt rồi”.

Anh nói: “Để ít bữa tau vào xem sản phẩm du lịch đó được làm ra răng, chứ không thể tin nổi. Cái xứ chi mà mới mưa xuống một trận đã ngập hết Đại nội, thì du khách đến Huế tham quan ở đâu. Phải xem ý tưởng lãng mạn đó được triển khai thế nào?”

Không riêng gì anh Cường mà rất nhiều người bạn của tôi ở phương xa khi về thăm Huế điều cảm thấy bất ngờ khi nghe chúng tôi kể về “du lịch mưa”. Anh Hồ Phi Thế một người bạn ở Cần Thơ từng có thời gian học ở Huế tâm sự: “Đất Huế kỳ lạ thật, ở thì thấy ghét nhưng khi đi rồi thỉnh thoảng được nghe mấy câu hát về mưa Huế: Dù xa hỏi lòng quên chưa/ Huế sang đông Huế buồn trong mưa/ Ôi mắt xưa chiều áo tím/ Giận anh nên bước đi ngoài mưa thì trong lòng ngay lập tức muốn mua vé bay ra Huế liền”.

Trong một lần phát biểu tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu du lịch Huế”, nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả Bửu Ý đã từng nói, mưa vốn là một thuộc tính của Huế. Người Huế đã quen với mưa, sống với mưa. Đến mức, nếu không có mưa thì Huế không còn là Huế nữa. Mưa cũng là nhân tố góp phần hình thành nên nhiều giá trị văn hóa cốt lõi của Huế, từ ẩm thực đến âm nhạc, hội họa và cả phong cách sống thâm trầm, tinh tế của người Huế…Tuy nhiên, mưa lại là một trở lực cho nhiều cuộc tổ chức hội hè, cuộc sống của người dân lao động. Bằng chứng là các kỳ Festival Huế, dù thời điểm tổ chức đã được dịch chuyển nhiều lần để né thời tiết nhưng hầu như lễ hội nào cũng “dính” mưa. Do đó việc biến mưa Huế trở thành một sản phẩm du lịch là rất thú vị nhưng nếu không có cách làm mới, phù hợp thời tiết trong những ngày mưa ở Huế thì ý tưởng đưa ra sẽ không thành công.

Tôn vinh mưa Huế

Trong mùa lễ hội Festival Huế diễn ra vào tháng 4.2012, nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm “du lịch mưa” như triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, giới thiệu các tác phẩm điện ảnh, nhạc phẩm... về mưa xứ Huế. Các hoạt động nghệ thuật gắn với khung cảnh trời mưa Huế như nhạc nước để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.

Tuy nhiên theo chúng tôi, điều này chỉ có tính tức thời. Về lâu về dài tỉnh Thừa Thiên - Huế muốn biến “đặc sản mưa” để đãi khách cần phải có những dự án du lịch dài hơi, bởi lẽ mùa mưa Huế thường kéo dài cả tháng làm cho phố xá, các điểm tham quan thường ngập trong nước rất khó khăn cho hãng lữ hành đưa du khách tham quan các điểm di tích ở Huế.

Ông Phan Quốc Vinh - trưởng phòng kinh doanh công ty CP du lịch DMZ Huế cho biết, khách đến Huế vào mùa mưa đông hơn mùa hè. Tuy nhiên, ngoài đưa khách đi tham quan di tích, lăng tẩm và nghe ca Huế thì các dịch vụ, sản phẩm đi kèm rất ít, nên chúng tôi chỉ giữ chân khách được 1-2 ngày. Để mưa Huế thành sản phẩm du lịch, cần phải có sự tham gia của người dân với vai trò quyết định, giới thiệu về mưa Huế để du khách cảm thấy thích thú về "cảm giác mưa".

Việc biến mưa Huế thành sản phẩm du lịch rất có tính khả thi. Vấn đề là các cơ sở dịch vụ du lịch phải biết tạo ra sản phẩm mùa mưa khác mùa nắng, gắn loại hình dịch vụ du lịch mùa mưa với đời sống của người dân lao động. Thực hiện điều đó đòi hỏi các ty lữ hành thường xuyên tổ chức các tour về cùng nông dân Hương Thủy, Hương Trà trồng rau, đơm cá, cùng ăn với nông dân bữa cơm đạm bạc trong cảnh mưa phùn gió bấc, với bếp lửa củi quyện hơi ấm bên thềm nhà.

Ngoài những điểm ngắm mưa rất lí thú cho du khách như lầu Ngũ Phụng, lầu Tứ Phương Vô Sự… tỉnh Thừa Thiên Huế cần quy hoạch thêm những"làng mưa" ở Thủy Biều, Kim Long, Ngọc Anh ở đó sẽ có nhà rường, có hành lang nối kết, vườn cây và nhiều hình thức giải trí khác nhau như ca Huế, nhã nhạc, thời trang… Đặc biệt, nhà hàng ở "làng mưa" phải có khung kính để tạo nên một "thành phố mưa". Làm được những điều đó chắc chắn sẽ đem lại cảm giác gần gũi giữa du khách và mưa Huế.

Du lịch, GO! - theo Hồ Hương Giang (SGTT), internet

ĐGD: Mưa nhiều lúc cũng thơ mộng thật nhưng đa phần, mình nẫu ruột khi gặp những cơn mưa dài lê thê trong các chuyến phượt - Một trận mưa dầm dề có thể 'đốt' mất vài tiếng đồng hồ quý báu, cản chân người lữ khách và tạo khó khăn khi chụp cảnh vật trên đường...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống